Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 10

Có rất nhiều chi tiết trong phim, truyện không hề giống với đời thực.

Chẳng hạn như, chuyện cho nhân vật chính ngủ gà ngủ gật trên xe buýt. Với kinh nghiệm của một đứa đã đi xe buýt xuyên suốt hai năm trời, cộng thêm đôi mắt tinh tường ưa quan sát, Mai dám khẳng định, chẳng có chút lãng mạn hay dễ chịu nào khi ngủ trên xe, đặc biệt là xe buýt cả.

Chí ít trạng thái ngủ cao nhất mà hành khách đạt tới chỉ ở… mơ màng.

Trừ một số trường hợp đặc biệt như say quắc cần câu, còn lại, khó ai có thể ngủ ngon khi đường xá trên phố nhan nhản ổ gà, vạch giảm tốc, và đừng quên là, xe buýt luôn dừng – chạy liên tục.

Vật lý học đã chứng minh, khi xe đột ngột dừng lại, theo quán tính, khách trên xe sẽ ngả người về trước. Giây phút đó, giống như hồi chuông báo thức bất đắc dĩ, phần lớn người sẽ dứt khỏi cơn mê.

Trường hợp ngủ gục bên cửa sổ cũng rất đáng quan ngại.

Đến lúc xuống xe, Tùng vẫn chưa được trải nghiệm hết những “đặc sản” chỉ có ở xe buýt, anh đành học hỏi qua lời kể của Mai. Mai diễn tả một cách rất hình ảnh:

“Như búa bổ vào đầu ấy.”

Những chuyến xe khác ra sao Mai không rõ, chứ xe buýt số 1 mà nó hay đi không chỉ cũ sờn, còn phải chạy trên con đường rất xấu. Xe xốc lên xốc xuống liên tục là chuyện thường ngày. Cho nên, tựa đầu vào cửa sổ ấy hả? Nghĩa là sẽ hòa làm một với thành xe rồi cứ thế cùng rung cùng lắc. Mai thấy khâm phục những ai dám tựa đầu vào cửa sổ mà ngủ. Nó thì, tựa vào ghế, ngồi thẳng người cho khỏe cổ thì hơn.

“Còn cái màn ngôn tình tựa vào vai nhau ngủ ấy hả, lúc nãy em làm cho anh coi rồi đó… nặng thí mồ luôn chứ lãng mạn gì. Khéo bị trật khớp vai cũng nên. Muốn giống như phim, chắc phải chọn đối tượng nào nhỏ con một chút.”

Mai giảng giải cho Tùng đủ điều trong lúc cả hai đang đi bộ đến trường. Trạm chờ xe buýt gần ngay cổng trường. Bình thường, xuống xe cái là Mai tót vào trong trường ngay. Có điều, mới nãy, mặc đám sinh viên bọn Mai bấm nút, kêu khản cổ “Ghé trạm”, tài xế lẫn nhân viên bán vé đều mải lo nói chuyện, radio thì phát nhạc inh ỏi. Rốt cuộc, xe chạy lố khỏi trạm một đoạn xa, đám sinh viên mới được “thả” khỏi xe, vừa cuốc bộ ngược lên vừa lẩm bẩm rủa suốt dọc đường.

Riêng Tùng, anh chẳng tỏ chút thái độ bực bội. Ngược lại, gương mặt còn rạng rỡ, thích thú thấy rõ. Mai trông thấy thế, nó càng thêm bực.

“Nè, yêu cầu anh cất cái nụ cười đó khuất mắt em đi. Anh có phải chịu cảnh này suốt đâu nên thấy vui thôi. Thử trưa nào cũng chịu trận đi, đố anh còn cười nổi. Gặp mưa thì toi luôn.”

Mai cằn nhằn một lúc. Rồi bất chợt, vừa nhớ ra gì, Mai níu áo Tùng, dắt anh rẽ vào một con hẻm nhỏ.

“Đi đâu thế? Không phải cổng trường ở kia sao?”

“Đi thủ tiêu anh.”

Con đường mòn Mai đang dẫn Tùng đi tĩnh lặng đến đáng sợ. Cây bên đường chủ yếu là tre. Còn có cả một dòng suối thanh mát chảy qua, có đầm sen với hơn chục búp sen hồng lấp ló. Có điều, đi hết đoạn đường vắng, bóng nhà cao tầng lại sừng sững hiện ra, đúng hệt như kiểu “tưởng vào rừng hóa ra gặp thành phố”.

“Ký túc xá trường em đó.” Mai giới thiệu với giọng không cảm xúc. “Có khu sinh hoạt chung, anh muốn vào đó tham quan cũng được. Không thì ghé quán cà phê sinh viên. Mật khẩu wifi là ‘ai mà biết’. Còn đằng kia là sân bóng. Nhiều trai đẹp hay tập đá banh lắm, nhưng giờ trưa nắng chẳng có ai đâu. Hồ bơi đang xây nên chưa có nước… Nói chung là, từ phòng bảo vệ đằng kia trở về đây, anh được tự do, cứ thoải mái muốn đi đâu thì đi, muốn nghiên cứu gì thì tùy. Miễn sao đừng gây chú ý quá là được…”

“Khu giảng đường ở bên đó à?”

Tùng bỗng ngắt lời Mai. Dường như nãy giờ anh chẳng chú tâm nghe Mai nói bao nhiêu. Đôi mắt cứ hướng về dãy nhà màu trắng, phía bên phải căn phòng bảo vệ. Tùng hỏi thêm với vẻ hiểu biết: “Không có thẻ sinh viên thì không vào được hả?”

“Gì?” Mai đề phòng hỏi. “Anh tính theo em luôn hả? Em đi học mà.”

“Anh muốn coi…”

Tùng đang giải thích dở thì bị Mai ngăn lại. Bởi Mai đã nhanh nhạy nhận ra được ý đồ của anh. Nó phản đối tức khắc.

“Dẹp. Đừng theo em nữa. Em không muốn đời tư của mình xuất hiện trong truyện của anh đâu.”

Mai tuôn một tràng. Đến cuối, vì cũng là tác giả nên Mai chợt thỏa hiệp.

“Đừng lấy tư liệu về em là được, mấy đứa khác thì… tùy anh. Giờ, anh có thể lẻn vào hội trường B. Chiều nay ở đó học ‘Tư tưởng Hồ Chí Minh’, ghép nhiều lớp lắm, anh trà trộn vào chắc chẳng ai biết đâu. Mà cũng may, hôm nay không phải ngày bắt mặc đồng phục đấy, không là hết cách.”

Mai săm soi trang phục của Tùng. Sơ mi xám với quần chinos xắn gấu màu nâu. Giày lười. Ba lô. Trông Tùng y chang sinh viên chẳng khác miếng nào. Mai nghĩ, nếu anh không hành động gì đó quá bất thường thì chắc không lộ đâu.

Trong lúc Mai suy tính, Tùng cũng để mắt quan sát Mai. Anh hỏi: “Thế sao em lại mặc áo dài?” Ánh mắt Tùng phức tạp như thể Mai là một đứa cuồng quốc phục mà anh không hề biết, đến mức mặc áo dài đến trường vào ngày thường.

Mai đâu có điên. Nó gằn giọng đáp:

“Bữa nay em phải thuyết trình. Mà thuyết trình thì phải mặc trang trọng. Trang trọng. Anh hiểu chứ?”

Ba chữ “Anh hiểu chứ” của Mai đầy đe dọa, kiểu như anh mà hỏi nữa là biết tay với nó.

Tùng cười hối lỗi. “Anh biết rồi.”

Chỉ còn vài phút nữa là vào tiết, Mai bắt đầu sải những bước dài về phía giảng đường. Tùng lẽo đẽo theo sau, vừa đi anh vừa giơ điện thoại lên chụp ảnh. Đúng là một thói quen khó bỏ. Lúc gần tới phòng bảo vệ, Mai bỗng gắt: “Đừng có chụp nữa! Chẳng có đứa sinh viên nào trường này hăm hở chụp cảnh trường giống như anh đâu.”

“Sắp phải kiểm tra thẻ đeo sinh viên nhỉ?”

Tùng hỏi lại với giọng hồi hộp. Mai biết, Tùng chẳng lo sợ vụ kiểm tra chút nào, thay vào đó anh đang nóng lòng được trải nghiệm cảm giác “nhập cảnh bất hợp pháp” đúng hơn.

Nhưng chẳng có vụ kiểm tra nào diễn ra.

Hai bảo vệ trong phòng trực đang bận ngước nhìn màn hình ti vi gắn trên tường, theo dõi một chương trình bóng đá phát lại. Tùng và Mai rảo bước qua đó. Gió từ phía lũy tre xanh kêu lên xào xạc như chúc mừng.

“Ở trường em, chỉ trợ lý khoa mới rảnh rỗi kiểm tra thẻ đeo thôi.”

Mai đợi đến đây mới tiết lộ. Nó và Tùng đang bước lên mấy bậc tam cấp dẫn vào dãy phòng ở khu A. Trường của Mai có tổng cộng ba khu giảng đường: A, B và C. Hội trường B nơi Mai đang đưa Tùng đến dĩ nhiên nằm ở khu B, tầng thứ năm.

Đi vừa hết đoạn hành lang tầng trệt của khu A, Mai vòng ra sau dãy nhà khu B, đi vào một cánh cửa nhỏ nơi có cầu thang dẫn lên các tầng trên. Ba dãy nhà đều không lắp thang máy, nên cầu thang bộ là nơi mà tình đồng chí tỏa sáng rực rỡ nhất. Dọc đoạn đường cuốc bộ, Mai bắt gặp không ít cái vẫy tay và nụ cười khích lệ của những người đi xuống, cả quen biết lẫn xa lạ. Hành động nhỏ nhưng ấm lòng gì đâu.

Sau cùng, Mai thở phì phò, gửi Tùng lại trước cửa hội trường B, lòng bất an, vẫn không quên căn dặn:

“Ngồi ở hàng cuối ấy. Thấy không ổn thì vờ đi vệ sinh rồi chuồn nhanh giùm em. Trạm chờ chuyến về nằm ở phía con dốc, ra khỏi trường, anh rẽ trái, leo dốc một đoạn là thấy ngay… A! Quên mất. Cấm tiệt vụ chụp hình. Bị bắt là nguy đó. Mà nhớ, tuyệt đối đừng khai tên em ra.”

Mặc dù Tùng cứ luôn miệng nói “Biết rồi, anh nhớ rồi”, Mai chẳng tin được anh lấy một câu. Nó không rõ hồi sinh viên anh có “lơ tơ mơ” như bây giờ hay không. Mà, Tùng học trường Bách Khoa danh tiếng, ngôi trường oách gấp chục lần cái trường Đại học ở tỉnh lẻ của Mai. Mai suy đoán, cũng hơi nghi ngờ, phải chăng Tùng thành thế này cũng là do… anh tốt nghiệp ở Bách Khoa cũng nên!

Học quá nên thần kinh mới có vấn đề?

Mai nhìn Tùng tự hỏi. Đôi mắt nó dịu đi đầy thương cảm. Cuối cùng, cực chẳng đã, Mai đành mở ba lô, lấy dây đeo thẻ sinh viên của nó đem tròng vào cổ Tùng. Riêng phần thẻ có gương mặt Mai lồ lộ ra đó, nó cầm nhét vào túi áo Tùng như phần lớn nam sinh trong trường hay làm.

“Sống chết gì cũng đừng để bị bắt nhé anh.”

Đã trao cho Tùng “tấm kim bài” của mình, Mai ôm một bụng lo chạy xuống tầng trệt rồi tót sang dãy phòng khu A, ào vào lớp, gấp gáp chuẩn bị cho buổi thuyết trình nhóm.

Mới nãy có đi ngang qua lớp, nhưng Mai nào dám nói ra. Mai sợ, Tùng mà biết nó học ở đâu thì thể nào anh cũng sẽ lảng vảng gần đó, có khi… lén lút đứng ở cửa sổ nhìn vào cũng nên!

Hết thuyết trình rồi phải phản biện, bộ Mai chưa đủ nỗi lo sao, giờ còn phải ôm thêm cái “của nợ” là Tùng. Mai vừa xem nội dung cần trình bày vừa rủa xả Tùng đủ thứ trong lòng. Không dưng anh vẽ ra đủ chuyện cho nó.

Vì đã dàn xếp từ trước giữa các nhóm nên câu hỏi lẫn câu trả lời cho phần phản biện, nhóm nào cũng đã lo liệu sẵn. Buổi thuyết trình nhờ thế mà diễn ra vô cùng suôn sẻ trong sự hài lòng của tất cả các bên. Cái câu “đoàn kết là sức mạnh” quả không sai. Mỗi tội dư thời gian chuẩn bị nên nhóm nào cũng cố nói thật dài, thật hoa mỹ, kết cục là thời gian giải lao đã bị xén bớt.

Mai không thể nào ra ngoài tìm Tùng. Nó có thể vờ xin đi vệ sinh, nhưng như vậy rất gây sự chú ý, cũng không thể nào đi quá lâu được. Mai đành vờ như đang tra tài liệu, mở điện thoại nhắn tin cho Tùng. Cơ mà… có nhiều điều Mai muốn biết lắm, rốt cuộc nó chẳng biết hỏi cái gì đầu tiên.

Làm chuyện “phạm pháp” trong giờ học khiến Mai được phen căng thẳng ra trò. Đó giờ cái đứa sinh viên gương mẫu là nó chỉ biết sống an phận thủ thường, nào có gan bắt chước người ta làm chuyện xấu một lần cho biết. Mỗi lần thi cử, chỉ bài cho lũ bạn có mấy câu thôi mà Mai đã thấp thỏm, âu lo đến suýt bạc cả tóc.

Ấy vậy mà, có nhiều người lại thản nhiên làm chuyện xấu như không.

Chẳng hạn, chị bán vé trên xe buýt khi nãy. Mai tự hỏi, khi bán lại vé cũ cho khách và khi kiểm soát viên lên xe kiểm tra vé, chị ta có thấy sợ hay không? Sợ bị phát hiện rồi bị kiểm điểm, trừ lương, đuổi việc. Hay là thầm hả hê trong lòng, tin tưởng vào tài ăn gian nói dối của mình vì nhiều lần trót lọt?

Sợ. Chắc là có.

Mai nhìn qua cửa sổ phòng học, hướng mắt lên tầng năm của dãy phòng B, cố bắt lấy chút bóng dáng nào đó hao hao như Tùng, vừa suy ra.

Nhưng tại sao, sợ mà vẫn làm?

Câu hỏi này, nhiều người có lẽ đã nghe đến phát chán. Ấy mà, câu trả lời chẳng bao giờ cố định. Vì hoàn cảnh. Vì thói quen. Vì không tự ý thức được hành động của mình là sai trái… Có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng có vì điều gì đi nữa, cái xấu đã tồn tại, dù ở mức độ nào.

Mai đã tìm ra được điều nó muốn hỏi Tùng. Mấy ngón tay lướt thật nhanh trên mặt phím ảo. Tin nhắn được gửi đi. Vài giây sau đó, tin trả lời của Tùng vụt đến.

“Sợ chứ. Giảng viên cứ đi xuống chỗ anh liên tục. Nhưng cái gì cũng phải đánh đổi cả.”

“Cái gì cũng phải đánh đổi cả”, Mai đọc đi đọc lại bảy chữ đó trong đầu rồi cất điện thoại vào trong ba lô. Chỉ vậy là đủ. Bất cứ hành động nào trên đời cũng đều tiềm ẩn một cái giá. Tốt hay xấu. Thiện hay ác. Lựa chọn ra sao đều phụ thuộc vào mỗi người. Với Mai, hành động nó chọn hiển nhiên là điều làm cho cõi lòng nó bình yên nhất.

Tập trung vào lại buổi thuyết trình, Mai tạm thời xóa sự tồn tại của Tùng đi.

Phải đến 5 giờ 30 phút chiều, buổi thuyết trình mới kết thúc. Các phòng xung quanh đều đã tắt đèn. Chỉ còn mỗi lớp của Mai ồn ã, tiếng sinh viên lục đục ra về làm náo loạn cả khu giảng đường vắng.

Mai vội vã áp điện thoại vào tai. Lớp vừa được nghỉ, nó lập tức gọi điện cho Tùng. Nhưng phòng ồn quá, phải ra đến cửa Mai mới nghe được lời Tùng đáp.

“Phía sau em đấy.”

Mai thót người quay lại. Tùng đang đứng dựa vào cột trụ đá, tay cầm điện thoại vẫy chào Mai. Nhìn thấy anh “bình an” như vậy, Mai thở phào một cái như trút đi gánh nặng.

Mai cười vui đi đến chỗ Tùng. Được nửa chừng, một âm thanh quen thuộc bỗng vang vọng vào tai. Là tiếng xi nhan của xe buýt.

Mai đứng khựng lại, như thể vừa nghe được tiếng chuông cảnh báo.

Ngay phía cổng trường, chiếc xe buýt xanh vừa lao vụt qua.

“Chết mồ! Xe buýt tới rồi, bớ bọn ơi!!!”

“Hội xe buýt” của Mai bao gồm chục cô gái bỗng hoảng hốt rú lên. Rồi mặc kệ áo dài tha thướt, ai nấy đều cầm hết tà lên, co chân phóng như bay ra đường.

Mai cũng vậy. Trong phút chốc, nó đã quên mất Tùng. Bản năng sinh tồn đã thúc ép đôi chân Mai chạy đi, quyết đuổi theo xe buýt. Trạm về nằm trên một con dốc, đa phần con dân đi xe buýt đều quá giang “hội bạn xe máy” để tiết kiệm sức lực và thời gian. Trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” thế này, đứa nào được bạn đèo lên giúp càng may, khả năng đến được trạm và bắt kịp xe rất lớn.

Có điều, không phải ai cũng được như thế.

Lúc Mai hổn hển chạy lên đến trạm thì hành khách trên xe đã đầy, không tài nào nhét thêm được nữa. Vài người bạn trong hội của Mai may mắn chen lên được. Ló đầu qua cửa sổ, họ vẫy tay chào những người ở lại.

“Bái bai nhé. Ráng đón chuyến sau nha!”

Chiếc xe đầy người chầm chậm lăn bánh rồi mất hút dần khi vòng qua ngã rẽ. Hoàng hôn từ lúc nào đã buông xuống, phủ lên nền trời sắc tím hồng loang lổ vài vệt sáng. Ở xa xa, khu ký túc xá đã lên đèn. Cánh đồng cỏ lau ở hai bên đường khẽ kêu rì rào như đang tấu lên nỗi lòng đơn côi của những người mắc kẹt, không thể ở lại cũng chưa thể trở về.

Băng ghế ở trạm chờ đầy người ngồi đợi, Mai đến trễ đành đứng sang bên, đôi mắt đau đáu nhìn về cuối con dốc, như bao người bị bỏ lại nơi đây, chờ đợi chuyến xe buýt kế tiếp.

Tùng thong thả đi đến cạnh Mai. Anh nói với đôi mắt hướng cao về bầu trời.

“Biết là không kịp, nhưng sao em vẫn cố chạy thế?”

“Nếu không thử, làm sao biết được có kịp hay không.”

Mai bất giác dõi theo ánh mắt Tùng. Nó khẽ cười vì sự ngoan cố đó của mình. Ở đời, Mai biết rõ, có những thứ rất nhỏ, nhưng nếu không cố gắng sẽ không thể đạt được. Giống như việc đuổi theo một chuyến xe, nếu chỉ đứng nhìn thì sẽ chẳng bao giờ hiểu được.

“Anh có phát hiện được gì hay ho không?”

Mai đổi chủ đề. Tùng trả lời nhanh gọn:

“Có. Lớp em nhiều nam sinh quá nhỉ?”

“Hả?”

Mai quay phắt lại. Nó nhìn Tùng bằng đôi mắt nghi ngờ, nhưng Tùng cố tình tránh ánh mắt của Mai.

“Đây, trả em. Bảo toàn nguyên vẹn nhé. Cả nó, và cả anh luôn đấy.”

Tùng tròng sợi dây đeo thẻ vào cổ Mai. Anh dư sức đoán được thể nào Mai cũng sẽ tháo ra, thế mà vẫn cố ý tròng vào như trả thù. Mai lườm anh.

“Không trả ơn em à? Nhờ có sợi dây ấy bảo hộ, anh mới được toàn mạng đi lại trong trường đấy. Thử không trang bị đi, cái người hành tung kỳ dị như anh chắc chắn sẽ bị hỏi thăm ngay.”

“Biết rồi. Cảm ơn em nhiều. Lát về anh sẽ đãi ăn nhé.”

Tùng tùy tiện vò nghịch tóc Mai, lời hứa của anh nghe hấp dẫn hơn cả. Mai tính toán trước xem lát nữa nó sẽ vòi ăn gì.

“Không biết chuyến xe buýt về sẽ thế nào ha? Mà lâu thật đó.”

Mai và Tùng lặng im một đỗi, phóng tầm mắt ra xa thật xa, bao trọn hết cả một vùng ngoại ô rộng lớn nhưng neo nhà, neo người, trống trải đến buồn, ấy mà vẫn đẹp choáng ngợp như vẻ ngoài của một cô thôn nữ.

Các xe buýt khác lần lượt ghé trạm. Số khách đợi xe cứ thế vơi dần. Nhưng chờ mãi, bóng dáng của chiếc buýt số 1 vẫn chẳng thấy đâu. Sắc tím hồng đã chuyển thành màu đen. Vài ngôi sao đã nhanh nhẹn nhấp nháy. Trạm chờ chỉ còn lại hai người. Mai và Tùng ngồi cạnh nhau. Gió mỗi lúc một lạnh.

“Lúc nào cũng như vậy à?”

Tùng bất chợt hỏi. Câu cú không rõ ràng, nhưng Mai hiểu ý anh. Mai vòng tay ôm người cho đỡ lạnh, khẽ đáp: “Thì cũng có ngày này ngày kia.”

Đây cũng là một phần lý do “hội xe buýt” bọn Mai cố sống cố chết đuổi theo xe buýt. Chẳng ai muốn bị bỏ lại cả, chẳng muốn ngồi đợi xe một mình ở cái trạm chờ hoang vắng, tù mù, toàn cỏ với cây. Trường thì nằm tít ở dưới kia. Nhiều khi đám sinh viên đi xe buýt như Mai cũng thấy bất lực lắm.

“Hay là,” Tùng bỗng đề nghị. “Anh chở em đi học nhé?”

“Anh á?”

Mai ngạc nhiên. Tùng có xe máy, thời gian làm việc lại rất linh động, muốn đưa đón nó cũng không khó khăn gì. Nhưng sau khi suy tính kỹ lưỡng, Mai đã lắc đầu.

“Không cần đâu ạ. Đi xe máy buổi trưa nắng lắm. Em thích xe buýt hơn. Cũng quen rồi. Đi xe buýt vui mà, anh ha?”

Mai nhoẻn miệng cười. Dưới ánh đèn đường tranh tối tranh sáng, chắc Tùng không nhận ra sự gượng gạo trong nụ cười của nó. Trên tất thảy mọi lý do, có một điều quan trọng khiến Mai từ chối Tùng.

Nhưng nó không nói ra.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com