Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 11

Mai vừa ngáp vừa cho một vốc hành củ vào trong máy xắt. Tiếng xành xạch, lộc cộc từ cái máy cũ kỹ phát ra ầm ĩ cả một khoảng sân. Thi thoảng, xen lẫn vào đó là tiếng gà gáy “ò ó o” trật giờ, tiếng ho khan súc miệng từ phía nhà hàng xóm, tiếng Đàm Vĩnh Hưng cất lên từ đầu đĩa nhà ai, và cả tiếng dầu sôi ùng ục.

Mới 4 giờ sáng thôi.

Vì một đơn hàng đột xuất đưa đến mà cả nhà Mai đã phải lục đục dậy từ sáng sớm, chuẩn bị hàng để kịp đi giao.

Trên mảng sân hãy còn tối mờ, bố lom khom ngồi lột vỏ hành. Hành được ngâm nước sẵn, vỏ mềm nhũn, lột dễ hơn để khô. Mai phụ trách việc rửa, để ráo rồi đem xắt. Máy xắt một loáng được hai rổ đầy. Nó mang sang bếp. Mẹ nhận lấy, đổ vào chảo lớn trong đầy dầu sôi rồi phi giòn lên.

Kể từ lúc mẹ sinh Mai xong, mẹ không theo bố đi làm hồ nữa mà bắt đầu kiếm việc khác làm thêm ở nhà. Công việc phi hành bán cho các nơi mua buôn, sỉ lẻ và các quán ăn trong chợ thành hình từ đó. Thế nên, có thể nói Mai đã lớn lên trong mùi dầu sôi, mùi hành hăng và trên cả là mùi da bỏng cùng mồ hôi của mẹ. Thứ mùi ươn ướt, khó chịu đó là cả tuổi thơ mà mỗi phút lớn khôn Mai lại đau xót thêm khi nhìn làn da mẹ.

Loang lổ theo từng vết dầu văng. Da chết. Da non. Tay, chân, mặt, tóc… Không nơi nào trên người mẹ là dầu sôi buông tha. Sinh nghề tử nghiệp. Biết là thế nhưng không thể yên lòng.

Mai thuở bé luôn muốn lớn thật nhanh để nó có thể đỡ đần mẹ nhiều hơn. Nhưng bất lực thay, sự lớn lên của Mai không cách nào bắt kịp nổi sự già đi của hai đấng sinh thành.

Mẹ sinh Mai năm ba mươi chín tuổi. Giờ Mai đã hai mươi, mẹ cũng gần chạm tới ngưỡng sáu chục. Còn bao nhiêu năm nữa mẹ con nó có thể bên nhau? Mai không dám tính. Nó đi trách mẹ:

“Mẹ à, sao mẹ sinh con ra lâu thế? Sinh sớm mười năm có phải tốt hơn không? Này nhé, nếu có kiếp sau, mẹ hãy để con làm chị cả nha. Con không muốn làm con út nữa đâu.”

Mai cằn nhằn kiểu đó với mẹ rất nhiều lần. Nhưng mẹ chẳng hiểu được sâu xa suy nghĩ trong lòng nó. Mẹ toàn mắng: “Con út như cô sướng thấy mồ mà còn bày đặt!” Quả thật, làm con út có rất nhiều cái lợi. Được cưng chiều, được yêu thương, quan tâm nhất nhà, các anh chị đều phải nhường cho em, làm sai cũng dễ được tha thứ vì “em nó còn nhỏ”.

Dẫu vậy, Mai vẫn luôn thấy ghen tị với anh chị của mình. Bởi vì, họ được mẹ sinh ra sớm hơn, và được ở bên bố mẹ lâu hơn nó, hơn hai mươi năm trời.

Thế mà giờ, dưới mái nhà này, con của bố mẹ chỉ còn mỗi mình Mai.

Mỗi lần nghĩ đến, Mai lại thấy lòng nó thắt lại. May mà năm đó Mai không vào Sài Gòn để học. Mai đã lựa chọn đúng. Trong đám cưới của chị Ba, Mai đã sớm nhận ra cảnh thui thủi của hai ông bà già nếu nó nối gót anh chị đi xa vì nghiệp lớn.

Có chút tiếc nuối khi quyết định xé đi tờ giấy báo trúng tuyển vào Ngoại Thương, nhận lấy biết bao ánh mắt giễu cợt của bạn bè khi nhập học trường Đại học quê mùa ở tỉnh. Nhưng bấy nhiêu đó không đủ để Mai hối hận về lựa chọn của mình.

Hồi nửa năm trước, nếu Mai không có mặt ở nhà, ai sẽ kịp thời phát hiện và đưa mẹ - người thình lình té ngã trong bếp, đi cấp cứu đây?

Có thể tương lai của Mai sẽ xán lạn hơn khi tốt nghiệp một trường danh tiếng. Nhưng đổi lại, bố mẹ không còn, Mai cố gắng vì ai?

Nghĩ tới đây, khóe mắt Mai lại yếu đuối rưng rưng rồi lập tức cay xè. Nó chớp chớp mắt, đóng vội công tắc của cái máy xắt rồi bật dậy, mắt nhắm mắt mở chạy đến chỗ bồn rửa, miệng la oai oái:

“Cay quá! Cay mắt quá đi!”

Từ lúc học được cách lột vỏ hành đến giờ, Mai đã quá quen với mùi hăng của hành, chuyện cay mắt như chuyện thời lâu lắc. Mai không khác một vị lão tướng đã nhiều năm xông pha trận mạc, kinh nghiệm đầy mình, ấy mà, một phút yếu lòng là ngay lập tức… lệ rơi, máu chảy.

Gì thì gì, cay mắt đúng thật là khó chịu.

Hệt như ông trời đang cố ép người ta trút bỏ đi những cay đắng, tổn thương vốn chen chặt sâu trong đáy lòng. Như trừng phạt. Cũng như thương xót.

Có điều, chỉ cần một vốc nước lạnh hất mạnh vào mặt, làm tê tái da. Rồi thêm chiếc khăn ấm, chất vải mềm mại, nhẹ nhàng lau đi những giọt nước mắt, con người ta lại có thể nhẹ nhõm tiếp tục giấu đi những cảm xúc muốn được chôn kín.

Sáng sớm là lúc tâm hồn con người thanh tịnh nhất, học bài tầm này là nhanh nhất. Ấy nhưng đôi lúc, đây lại là thời điểm suy tư ập đến lòng người nhiều nhất.

Tại sao?

Có lẽ, còn cả một ngày dài phía trước khiến người ta không khỏi hoang mang. Hay chăng, sau giấc ngủ dài, những lo âu tạm cất đi tối qua giờ bỗng quay trở lại làm lòng người trăn trở?

Mai vừa thích buổi sớm mai nhưng cũng vừa ghét nó. Sự hòa lẫn giữa những dòng cảm xúc trái ngược khiến tinh thần vẫn còn ngái ngủ của nó muốn nổ tung.

Chỉ có thể dồn tâm trí vào công việc.

Mai quay lại máy xắt, xắt cho xong hai rổ hành đầy rồi vào nhà trong, cho những nia hàng phi đã nguội đổ vào bao, cân ký. Sổ đơn hàng được ghi rất chi tiết. Mai căn cứ vào đó rồi dùng bút dầu ghi chú lên bao. Cuối cùng, Mai cho tất cả vào chung một túi lớn. Lát đi làm, bố sẽ giúp mẹ đem hàng đi giao.

Đã 7 giờ sáng. Tiếng còi báo quen thuộc từ Tháp Nước ở trung tâm thành phố vang lên inh ỏi như mọi lần. Bố khen Mai “Có con gái học kế toán đúng là đỡ đần nhiều cho việc buôn bán” rồi bố treo hộp cơm sườn vẫn còn nóng hổi vào xe máy, chở theo một giỏ đầy những túi hành phi thẳng tiến tới chợ trước khi bố rẽ vào công trường.

Mẹ vẫn còn trong bếp, tiếp tục phi nốt mớ hành đặt cho ngày hôm nay. Mai tiễn bố xong, chính thức bước vào một ngày mới, nó quét sân, cho mèo ăn, đổ hành củ vào thau, xả nước ngâm, tưới cây một lượt rồi mang hộp cơm bố mua cho cả hai mẹ con, Mai ngồi xuống bậc cửa, vừa ăn vừa đọc sổ sách, kiểm tra các đơn hàng còn nợ.

Mai chẳng thích gì nghề kế toán, nhưng đây là ngành duy nhất ở trường phù hợp với điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội nên nó đành chọn học.

Mai học không tệ. Hồi cấp Ba, điểm trung bình môn học nào của Mai cũng nằm trong top 10 của lớp. Nó đậu Đại học cũng với tư cách một thủ khoa. Nói một cách tự mãn thì Mai giỏi toàn diện. Có điều, cũng chính vì cái gì cũng giỏi, rốt cuộc Mai lại chẳng biết nó giỏi nhất thứ gì, muốn cái gì nhất.

Kể cả khi thi đậu Ngoại Thương với số điểm khá cao, chuyên ngành mà Mai đã chọn cũng chẳng phải là cái nó yêu thích.

Mai giống như chiếc máy bay giấy phóng lên bầu trời mà không có điểm đến. Nó chỉ có thể tìm cách không rơi, cố gắng bay, nỗ lực bám trụ theo cơn gió đến đâu hay đến đó.

Có rất nhiều “chiếc máy bay giấy” như Mai tồn tại.

Tại sao lại thành như thế chứ?

Mai đã thầm trách giáo viên chủ nhiệm lớp Mười hai rất nhiều. Bởi cô đã hứa sẽ lắng nghe tâm tư, giải đáp nguyện vọng cho những đứa trẻ còn nhiều mông lung, âu lo như bọn nó trước ngưỡng cửa trưởng thành. Thế nhưng, lời hứa của cô đã không thể nào trở thành hiện thực. Chẳng bởi một lý do rõ ràng nào cả. Đơn giản mà nói, dòng đời vội vã, cô trò ai cũng mải miết bơi, đến thời gian để dừng lại ngẫm nghĩ cũng chẳng có… sao mà trách được ai.

Thế nên, tháng Ba năm ấy, đám học sinh cuối cấp bọn Mai với những suy nghĩ còn non trẻ, mang bên mình những ấn tượng mờ ảo về tương lai và áp lực thi cử nặng nề, cứ thế gấp rút điền nguyện vọng vào những bộ hồ sơ cho kịp ngày đăng ký, để rồi, không ai nhận ra, chẳng có hy vọng cũng chẳng có ước mơ nào dẫn lối soi đường, tất cả chỉ như đang lội từ vũng bùn này sang vũng bùn khác mà chẳng tìm thấy nổi một con đường để đi.

Mai tự hỏi, rốt cuộc trường học tổ chức học Hướng nghiệp để làm gì, mà năm nào học sinh cũng phải chọn bừa chọn đại một tương lai. Sao lúc nào người lớn cũng lặp đi lặp lại những câu từ sáo rỗng, những ngành nghề quen thuộc, để rồi trăn trở, muộn phiền của học sinh vẫn luôn mắc kẹt, không cách nào tháo gỡ? Ai cũng bảo “Hãy trở thành kỹ sư, bác sĩ…” theo đuổi con đường “chính quy” với khuôn mẫu định sẵn, mới có thể thở phào khi nhìn về tương lai. Còn lại, những ai muốn trở thành một phần thật “khác biệt”, đi theo con đường chưa nhiều người dám thử, thì lại nhận về biết bao lời vùi dập, chê bai.

Người ta thường bảo, Đại học là một trong những cánh cửa tốt nhất để dẫn đến tương lai. Nhưng với Mai, Đại học chẳng khác gì một trạm dừng chân, là một nơi để những đứa trẻ vẫn còn đang hoang mang trước cuộc đời như nó có cơ hội dừng lại. Để nghĩ suy. Để trải nghiệm. Và lựa chọn lại con đường mình muốn đi.

Chậm một bước cũng không sao cả. Quan trọng là, ta biết mình muốn gì.

Cuối cùng Mai cũng đã biết được nó mong muốn một tương lai thế nào.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com