4
Sự thành thực của nhà văn và sự tri âm của người đọc là điều kiện tạo nên sự "lâu bền rộng rãi và sâu sắc" của tiểu thuyết.
Đọc những bài viết của Thạch Lam, ví như Sự bền vững của một tác phẩm, hay Vài ý nghĩ về tiểu thuyết, ta thấy lúc nào ông cũng trăn trở tìm lời giải đáp cho một hiện tượng phổ biến đang diễn ra trong đời sống văn học đương thời: nhiều phong trào sáng tác nổi lên rầm rộ, rồi nhanh chóng qua đi mà chẳng để lại dấu vết gì, hoặc "có những tác phẩm chỉ nổi tiếng một thời, rồi về sau chìm đắm và do sự quên, không ai nhắc đến nữa". Ông biết rất rõ, khi mới ra đời, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đã được hoan nghênh như thế nào, thế mà chỉ mấy năm sau, cuốn tiểu thuyết đã rơi vào quên lãng. Ông trực tiếp chứng kiến quang cảnh "những tác phẩm thi nhau ra đời như bươm bướm nở ngày mùa, như chuồn chuồn vỡ tổ". Nhiều lần, ông đã phải mượn câu nói của André Gide mà thốt lên: "Nếu họ viết ít đi, ta sẽ thấy thích viết hơn". Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng và tình trạng ấy, Thạch Lam nhìn thấy ở sự hời hợt của các phong trào xã hội và sự thiếu thành thực của nhà văn. Ông viết: "Phong trào xã hội ở nước ta, bất cứ phong trào gì, đều có một tính chung: là nông nổi, chỉ hời hợt bề ngoài. Cái mà chúng ta thiếu nhất là cái sâu sắc"(tr. 284) . Theo ông, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách bị quên lãng một cách nhanh chóng, vì "cuốn tâm lí tiểu thuyết ấy chỉ phân tách có cái tâm lí hời hợt bề ngoài, một cái thái độ của tâm hồn mà thôi". Bằng chứng của sự "hời hợt" là ở chỗ, trong sáng tác, đa phần nhà văn thường chạy đuổi theo những cái "mốt" thời thượng. Theo Thạch Lam, "cái "mốt" thời Tố Tâm "là phong trào lãng mạn, một thứ lãng mạn cuối mùa lấy ở phong trào lãng mạn thế kỉ XIX trong văn chương Pháp ra, nhưng nông nổi và yếu ớt, nên không tạo ra được tác phẩm nào có giá trị"(tr. 282). Một khi đã chạy theo các "mốt" thời thượng, thì nhà văn không thể có lòng thành thực. Thạch Lam cho rằng: "Trong văn chương ta, năm 1935 trở đi, có hai phong trào: phong trào bình dân và phong trào xã hội. Nhưng ở đây cũng như ở trường hợp chính trị, những người hiểu biết và thành thực rất hiếm, phần nhiều chỉ là a dua. Nhiều nhà văn xưa nay không hề chú ý đến tình cảnh sinh hoạt của dân quê, bỗng một sáng tỉnh dậy tự thấy mình là văn sĩ bình dân"(tr. 284). Cho nên, Thạch Lam mới chế giễu những cái mốt tầm thường trong tiểu thuyết, từ mốt "đa sầu, đa mộng" của "các nhà văn sĩ tự cáo là mình ho lao, lúc nào cũng có vẻ đau xót cho thân thế", mốt "thanh niên làm chính trị", trong đó "người ta giành nhau bí mật và đăm đăm", cho đến mốt viết gì cũng tả cảnh: "con gái thì phải ngồi cửa sổ đan áo len (mùa nực cũng như mùa rét), để mong đợi người tình; người tình này là một thanh niên xông pha gió bụi, về chiều hay thơ thẩn trên các bến đò"...
Thạch Lam từng nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo: "Những nhà văn nào ồ ạt theo thời chỉ tạo ra được những tác phẩm số phận mỏng manh. Bởi họ chỉ nghe theo tiếng gọi của sự háo hức, lòng hám danh, sự chiều chuộng công chúng". Ông quả quyết: "Chỉ có những tác phẩm nào có nghệ thuật chắc chắn, trong đó nhà văn biết đi qua những phong trào nhất thời, để suy xét đến những tính tình bất diệt của loài người, chỉ những tác phẩm đó mới vững bền mãi mãi"(tr. 282).
Làm thế nào để nhà văn có thể hiểu được "tính tình bất diệt của loài người"? Thạch Lam, cũng như mọi lí luận gia của chủ nghĩa lãng mạn, tin rằng, muốn hiểu tâm hồn con người, nhà văn phải được tôi luyện trong trường học tự phân tích bản thân. Ông viết: "Qua tâm hồn ta, chúng ta có thể đoán biết được tâm hồn mọi người. Và chỉ khi nào chúng ta hiểu biết được những trạng thái tâm lí của mình một cách sâu sắc, chúng ta mới hiểu biết được trạng thái tâm lí người ngoài". Ông thành thực khuyên những người sáng tác: "Chúng ta không cần bắt chước ai (...). Chúng ta cứ việc diễn tả cái tâm hồn An Nam của chúng ta, những tư tưởng, những ý nghĩ mà chúng ta ấp ủ trong thâm tâm. Chúng ta chỉ có thể bằng các nhà văn ngoại quốc, khi chúng ta đi sâu vào tâm hồn của chúng ta mà thôi"(tr.286). Muốn làm được như thế, dĩ nhiên, nhà văn phải thành thực. Trong bài Những ý nghĩ nhỏ..., Thạch lam rút ra kết luận: "Sự thành thực chưa đủ cho nghệ thuật. Có thể, nhưng một nhà văn không thành thực, không bao giờ trở nên một nhà văn giá trị. Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ. Nhưng một nghệ sĩ không thành thực chỉ là một người thợ khéo tay thôi"(tr. 280). Có thể thấy, thành thực là một trong những phạm trù đạo đức – thẩm mĩ quan trọng bậc nhất trong những ý kiến luận bàn về tiểu thuyết của Thạch Lam nói riêng và của mĩ học lãng mạn nói chung.
Thạch Lam có riêng một bài bàn về ý nghĩa xã hội của tiểu thuyết: Tiểu thuyết để làm gì?. Ông cũng có riêng một bài viết về người đọc: Những người đọc tiểu thuyết. Mở đầu bài Vài ý kiến về tiểu thuyết, Thạch Lam nêu nhiều nhận xét sâu sắc về vai trò của người đọc đối với sự phát triển của tiểu thuyết. Điểm lại như thế để thấy, sự tác động qua lại giữa người đọc và tiểu thuyết đã thực sự trở thành vấn đề trung tâm trong suy ngẫm của Thạch Lam.
Thạch Lam có một quan niệm hết sức nhất quán về ý nghĩa xã hội của tiểu thuyết. Ông nhiều lần lên tiếng chống lại quan niệm xem tiểu thuyết chỉ là phương tiện giải trí, giúp người ta thoả mãn nhu cầu thoát li cuộc đời tầm thường và tẻ mọn hàng ngày. Thạch Lam khẳng định một cách dứt khoát: "Không, tiểu thuyết còn đem đến cho ta những thoả nguyện khác, và giới hạn cái ích lợi của tiểu thuyết ở giải trí và thoát li là làm hẹp đi cái ảnh hưởng của tiểu thuyết nhiều lắm". Ông tâm niệm: "Tiểu thuyết có một ích lợi khác rất lớn, và theo ý tôi, quan trọng nhất: tiểu thuyết dạy ta biết sống, nghĩa là dạy ta biết sung sướng"(tr. 297).
Lí lẽ được Thạch Lam đưa ra để giải thích cho quan niệm của mình là thế này. Không phải ai cũng "biết sống", "biết sung sướng". "Phần nhiều những người An Nam (...) có cái đời sống bên trong rất nghèo nàn và bạc nhược". "Chúng ta chẳng dám yêu cái gì thiết tha mà cũng chẳng dám ghét cái gì thiết tha, lòng yêu ghét của chúng ta nhạt nhẽo lắm". Nhưng nếu đọc tiểu thuyết, ta sẽ biết được nhiều trạng thái và sự vận động tinh vi của đời sống tâm hồn mà nhà văn miêu tả, biết nhận xét những mầu sắc mong manh của tâm lí, biết rung động trước những vẻ đẹp của trời đất và những hành vi cao quý của người trong truyện. Tiểu thuyết giúp người đọc biến quá trình phân tích, suy xét thế giới tâm hồn các nhân vật thành quá trình tự phân tích, tự suy xét tâm hồn mình. Nhờ thế, tâm hồn người đọc sẽ được rèn luyện để thành "sợi dây đàn sẵn sàng rung động" trước cái đẹp. Tiểu thuyết gợi dậy ở người đọc sự ham thích nghệ thuật, niềm khao khát tình yêu, giúp con người "hiểu biết tình yêu, thưởng thức những thú vị, phức tạp và nhiều màu sắc của tình yêu". Nghĩa là, đọc tiểu thuyết, "chúng ta sẽ sống đầy đủ hơn", "chúng ta là người một cách hoàn toàn hơn". Mà "biết sống, rút lại, là biết sung sướng"(tr. 298).
Dĩ nhiên, tiểu thuyết có nhiều loại và không phải ai cũng biết đọc tiểu thuyết. Thạch Lam chia người đọc tiểu thuyết thành hai "hạng": "hạng độc giả chỉ cốt xem truyện và hạng độc giả thích suy nghĩ, thích tìm trong sách những trạng thái tâm lí giống tâm hồn mình". Ông cho rằng, cả hai hạng độc giả ấy đều tác động tới sự phát triển của tiểu thuyết theo những hướng khác nhau.
Theo Thạch Lam, đa số độc giả thuộc hạng "chỉ cốt xem truyện". Ông nhận thấy ở nước ta hồi ấy, hạng này "phần nhiều là các bà". Đây là loại độc giả không thể "nhận được câu văn hay, hoặc một tư tưởng thâm thuý". Họ đọc tiểu thuyết gì cũng được và chỉ cần xem cốt truyện. Họ "ngốn tiểu thuyết như người ăn cơm lấy no, và khi đọc xong không có cảm tưởng gì". Thạch Lam cho rằng, "chính hạng độc giả này khiến cho nhiều nhà văn – đáng lẽ bắt độc giả phải theo mình, thì lại đi chiều độc giả – sản xuất ra những tiểu thuyết cầu kì và theo thời". Ngoài "các bà", trong xã hội chúng ta, từ người lớn đến trẻ con, còn có loại độc giả mê tiểu thuyết kiếm hiệp. Theo sự giải thích của Thạch Lam, loại tiểu thuyết này bán chạy, vì nó đã vuốt ve, làm "mãn nguyện những cái ưa thích hèn yếu" của loại người thường xuyên bị "một sự hèn kém đè nén". Nhiều nhà văn, vì tham lam, chỉ cốt chiều theo công chúng để kiếm lời, tìm hết cách sản xuất ra, đã tạo nên "đại dịch tiểu thuyết kiếm hiệp".
Hạng độc giả thứ hai là những người có một đời sống bên trong, ý thức về cái tôi cá nhân bắt đầu nảy nở, nên hay tìm xét những trạng thái của tâm hồn mình. Họ "không lười trí, họ ưa suy nghĩ và tìm tòi". Khi đọc, họ không quan tâm tới cốt truyện và kết cục của tác phẩm. Họ chỉ thờ phụng và theo đuổi cái đẹp, cái hoàn toàn. Họ biết thưởng thức một câu văn hay, một ý tưởng sâu sắc, và cảm thấy một cái thú vô song khi sắp bước vào tâm hồn của một nhân vật nào đấy. Theo Thạch Lam, loại độc giả này là "mực thước đo trình độ văn chương. Họ có nhiều tức là văn chương phong phú và giá trị". Ông băn khuăn, trăn trở vì thấy trong đời sống văn học của chúng ta, còn "rất hiếm" những độc giả như thế. Ông trân trọng gọi những độc giả ấy là "tri kỉ thân yêu của các nhà văn chân chính và khiến những tác phẩm xuất sắc không phải mai một trong quên lãng"(tr. 293).
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com