[10' a.k.a Giải mã 10] Tiết Dương - Hiểu Tinh Trần
Author's note: Vốn dĩ ban đầu mình định viết chương 10 để tự sướng là chính tự thẩm là chủ yếu, nên mọi người đọc xong hiểu được hay không thì cũng không sao cả. Với cá nhân mình thì đấy cũng được xem là một loại thú vui (biến thái) khi viết lách: mình thích viết ra những thứ khó hiểu hoặc gây tranh cãi để chờ người khác nhảy hố, ai hiểu được mình sẽ xếp vào hàng tri kỉ.
Có điều, trên đời này không phải ai cũng là Bá Nha, lại càng không có chuyện Bá Nha nào cũng kiếm được một Chung Tử Kỳ, nên chương 10 mình để đó đã lâu, nhiều bạn đã đọc, nhưng số người có cùng quan điểm với mình vẫn chưa bao giờ dương...
Được bữa rảnh rỗi nên mình quyết định đăng phần giải mã lên đây, hy vọng qua chương 10 phẩy này, mọi người có thể hiểu thêm phần nào những gì mình muốn diễn giải trong bản gốc. Ngoài ra, nếu bạn nào cảm thấy sự thật quá nặng nề, hãy cứ xem như đây chỉ đơn thuần là bài cảm nhận của một độc giả khác, chứ không phải ý kiến bản thân tác giả. Đừng bó buộc tư duy bản thân trong những khuôn khổ nhất định nào đó do bạn tự tạo ra cho mình, và tiếp tục để bản thân tự do theo đuổi những chân trời cá biệt.
Lời cuối: Hiện mình đã dừng đọc Ma Đạo Tổ Sư và các tác phẩm khác của Mặc Hương Đồng Xú (vô-thời-hạn) nên thiết lập nhân vật trong bản gốc mình cũng không còn ấn tượng gì mấy nữa, rất khó để tiếp tục đặt bút viết. Do vậy, đây có thể sẽ là lần đăng tải cuối cùng của mình về Ma Đạo Tổ Sư nói riêng và Mặc Hương Đồng Xú nói chung, nghĩa là hai hố: [Ma Đạo Tổ Sư] Tuyển tập đồng nhân văn và [Ma Đạo Tổ Sư ĐNV] Hồi Kịch Nhân Gian sẽ bỏ dở tại đây. Cám ơn mọi người luôn ủng hộ suốt thời gian qua và mong rằng tất cả đều đã có những khoảnh khắc tận hưởng khi đọc mấy thứ vớ vẩn mình viết ra.
Tái bút: Chưa biết chừng chúng ta sẽ còn gặp lại sau Trần Tình Lệnh (?)...
====
Nếu muốn mình tự nhận xét về cái chương 10 Tiết Hiểu ấy, thì chỉ có 3 câu thôi: Thiếu cao trào. Thiếu liên kết. Thiếu trung thực.
Nhưng hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây không phải để luận bàn cho những khuyết điểm tệ hại mà ai cũng nhận ra ấy, mà là để cùng đi giải mã một số chi tiết mình đã cố gắng gài cắm trong vô vọng xuyên suốt nội dung đoản văn.
Trước đó, mình sẽ trình bày ngắn gọn ý tưởng chung của nó:
Tiết Dương đang có sự luân chuyển giữa nhân cách của chính nó và của Hiểu Tinh Trần trong cùng một khoảng thời gian "thẩm du", nói theo thuật ngữ không chính xác lắm thì là "tâm thần phân liệt". Đây có thể xem là hoạt cảnh diễn ra trong thời kỳ mầm mống cho quá trình cosplay xuất sắc của Tiết Dương sau này.
Như vậy, mọi hành động từ đầu đến cuối, từ đoạn quần áo xộc xệch, rên rỉ, tuốt súng, đọc mấy câu thoại lảm nhảm, cho đến chuyện buộc dây vào gốc của cái-mà-ai-cũng-biết-là-cái-gì-đấy, tiếp tục đọc mấy câu thoại lảm nhảm, tự cứa cái-mà-ai-cũng-biết-là-cái-gì-đấy, sau đó cắt dây và "cao trào" *yayy* đều là một mình Tiết Dương làm hết. Hiểu Tinh Trần chỉ là cameo đi ngang cuộc đời ở đoạn cuối cùng, khúc nằm trong quan tài mà thôi.
1. Sự xuất hiện của đàn quạ.
"Sau bao đêm rả rích không ngừng, cuối cùng mưa cũng tạnh. Tiếng nước từ tán cây rơi lộp độp lên nền đất, hòa cùng đôi ba tiếng quạ kêu từ bên kia bìa rừng vọng về, xuyên qua màn sương mù dày đặc dội thẳng vào màng nhĩ, nghe càng thêm thê lương sầu thảm."
"Ngoài kia, trời chợt nổi gió, một đàn quạ đen ùa ra như ong vỡ tổ, sải cánh bay lên nền trời âm u xám xịt."
Mình khá ấn tượng với hình ảnh con quạ trong tác phẩm "Thuốc" của Lỗ Tấn, và cảm xúc đó đã chi phối rất nhiều tới góc nhìn của mình ngay từ khi mình bắt đầu nghĩ đến việc viết một cái gì đó cho Tiết Hiểu.
Chi tiết này có thể nói là sự thất bại triệt để của mình trong viết lách, vì thú thực là sau khi viết xong mình vẫn chẳng nghĩ ra là hình ảnh con quạ ở đấy để làm gì. Nhiều khi ta viết ra chỉ bởi vì ta muốn thế mà thôi, chứ nếu viết cái gì cũng phải suy đi tính lại nhấc lên đặt xuống thì chắc mình chẳng bao giờ viết gì nữa quá.
Sau khi cẩn thận suy ngẫm thì có hai ý kiến chính về tác dụng của hình ảnh con quạ thế này:
a. Tái hiện bầu không khí chết chóc, làm rõ cái chết của Hiểu Tinh Trần.
Mình dám cá xèng là các bạn đọc hết cái đoản chắc cũng không ai nghĩ ra là Hiểu Tinh Trần đã chết và đang nằm trong quan tài, để mặc Tiết Dương tâm thần phân liệt tự biên tự diễn từ đầu đến cuối =))) Viết đến đây lại phải giải thích một chút. Về bối cảnh mình lựa chọn khi viết đoản, đó là thời điểm sau khi Hiểu Tinh Trần tự sát và xé nát hồn phách (thứ lỗi lâu rồi không đọc nên mình không nhớ chính xác thuật ngữ của hành động này là gì nữa...), còn Tiết Dương vẫn đang bám trụ ở Nghĩa thành, tâm thần dần bất ổn và bắt đầu cosplay Hiểu Tinh Trần trong-vô-thức.
Trong truyện gốc, chúng ta bắt gặp Tiết Dương lần đầu là khi nó đã cosplay Hiểu Tinh Trần hoàn hảo đến mức ngay cả chính nó cũng suýt quên rằng nó là ai. Nghe có vẻ giống với kiểu nói dối nhiều quá đâm ra quên mất cả sự thật. Tuy nhiên, chuyện gì cũng phải có quá trình, diễn biến đầu đuôi rõ ràng. Vậy nên cái đoản này chính là giai đoạn mầm mống tiềm ẩn nguy cơ cho cái kết cục cosplayer trong tương lai.
Quay lại với hình ảnh con quạ. Bởi vì quạ là loài động vật ăn xác thối, nên nó ở đâu cũng gợi lên mùi chết chóc. Chẳng thế mà trong mấy bộ phim giết người rất hay có cảnh bầy quạ bay tứ tán để tăng thêm tính ghê rợn. Hơn nữa, mình đặt sự xuất hiện của quạ gần-như-đồng-thời với lời thoại cuối mang tính mấu chốt của Tiết Dương: "Ngươi là đạo trưởng. Còn ta mới là Hiểu Tinh Trần.", tạo nên tình huống kết truyện ngay khúc cao trào, để lại khoảng mở trong suy nghĩ người xem nhưng vẫn không đánh mất độ kịch tính, căng thẳng.
Nói ra hơi xấu hổ, nhưng mình viết cái đoản đó vào lúc 2 giờ sáng. Viết xong đọc lại thấy cứ như tự mình hù mình...
b. Kết cấu đầu-cuối tương ứng, nhấn mạnh cái vòng luẩn quẩn trong cuộc sống Tiết Dương.
Tiết Dương chỉ thực sự trở thành một cá thể "sống" trong Ma Đạo Tổ Sư sau khi nó kể lại câu chuyện bị xe ngựa chẹt qua gãy xương ngón út, và tiếp kế đó lại là bi kịch đẫm máu của cả nhà Thường Bình. Vậy nên nếu bảo cuộc đời Tiết Dương mở màn bởi sự chết chóc, bởi tiếng quạ kêu gọi bầy dường như cũng chẳng có vẻ gì là sai trái.
Với cá nhân mình, thì sinh mệnh Tiết Dương đích thực đã chấm dứt ngay từ khoảnh khắc Hiểu Tinh Trần tự cầm dao kết liễu đời mình, còn nó thì không thể cứu vãn tình thế được nữa. Tiết Dương mặc dù sau đó vẫn sống nhăn, nhưng sống trong tình trạng nửa Tiết Dương nửa Hiểu Tinh Trần, sống mà không hẳn là mình, sống khi bị ám ảnh bởi một bóng hình nào đó khác. Luôn luôn đơn độc, bạn bè chẳng thể tin ai, bàn tay nhuốm máu bao người, cuộc đời hạ màn bằng sự xuất hiện của bầy quạ đen, có vẻ cũng hợp tình hợp lý.
Chốt lại, đây vẫn là sự thất bại thảm hại của người viết khi chưa thực sự truyền tải được những điều muốn nói vào câu từ. Có chăng là bởi khi viết ra hình ảnh này, bản thân đã quá chai sạn cảm xúc mà chỉ cắm đầu vào kĩ thuật, không thể cống hiến một câu chuyện toàn tâm toàn ý.
2. Sự tương phản.
Kể từ giây phút Tiết Dương quyết định cởi bỏ thân phận hiện tại để cải trang thành Hiểu Tinh Trần, mình đã thấy sự tương phản rõ rệt đang ngày đêm giằng xé trong con người nó. Tương phản đến mức nhuần nhuyễn, nhập tâm, một nửa nó sống cho Tiết Dương, một nửa nó thuộc về Hiểu Tinh Trần, hòa quyện chung thực thể, chung linh hồn, âu cũng là điều nó mong mỏi.
"Trung y xộc xệch đối lập với áo ngoài chỉnh tề, nụ cười ngạo nghễ chẳng chút ăn nhập cùng ánh mắt mơ màng hoảng hốt, tiếng thở dồn dập rụt rè không bắt kịp nổi tốc độ lên xuống của bốn ngón tay sớm chai sần vì luyện kiếm."
Nó dừng ở lưng chừng giữa hai trạng thái, vừa làm chủ cuộc chơi, lại vừa ở phe bị động. Trung y xộc xệch tùy ý, nụ cười ngạo nghễ tự mãn, kiểm soát tiết tấu xúc cảm, là cái thuộc về bản thể cũ. Đạo bào chỉnh tề đứng đắn, ánh mắt mơ màng hoảng hốt, tiếng thở dồn dập rụt rè, là thứ bản thể mới đang nảy mầm. Song bản thân con người ta suy cho cùng vẫn không thể chối bỏ cái "tôi", nên bản năng nguyên thủy đã thôi thúc nó cảm thấy kích thích trước sự tàn bạo và độc chiếm. Mà tiêu biểu là hình ảnh dải buộc mắt.
Những chi tiết còn lại xuyên suốt đoản văn đều là sự tương phản (thiếu đầu tư) trong diễn biến tâm lý Tiết Dương, vì đơn giản rõ ràng quá nên mình quyết định sẽ không diễn giải cụ thể để bảo vệ chút thâm sâu cuối cùng cho cái đoản này.
3. Dải buộc mắt
Đây là chi tiết mình dồn nhiều chất xám để mô tả nhất.
Dải buộc mắt không thể phủ nhận đã trở thành dấu hiệu nhận biết Hiểu Tinh Trần, nên mình dùng hình ảnh này hoán dụ cho vị trí của Hiểu Tinh Trần trong lòng Tiết Dương. Sắc trắng đứng cạnh màu đen mới toát hết được phẩm vị và cốt cách vốn có, vậy nên cuộc gặp gỡ của Tiết Dương và Hiểu Tinh Trần không phải ngẫu nhiên, đó là sự dàn xếp cố ý của tác giả để phơi bày bản chất mỗi người, từ đó tô đậm thêm mối quan hệ giữa cả hai.
Dải băng bịt mắt cũng thế. Nó có thể rơi trên giường, được Tiết Dương cầm trong tay, đeo trên mắt thằng bé,... nhưng nó lại cứ phải nằm dưới đất, tiếp xúc cận kề với những thứ đê hèn táng đởm nhất mà bản chất (sắc trắng) của nó vốn kiêng kị từ thuở chào đời. Để bùn đất nhễu nhão vấy bẩn nó, như cách mà Tiết Dương kéo Hiểu Tinh Trần xuống vũng lầy nhơ nhuốc của máu tanh để hai bên gần nhau thêm, mãi mãi không thể tách rời. Vậy nên khi chứng kiến cảnh dải băng buộc mắt vị đạo trưởng kia vốn nâng niu trong lòng bàn tay bị nhuộm đen, nó mới bị kích thích đến cùng cực. Càng yêu thương lại càng muốn giày vò. Càng say mê lại càng muốn vấy bẩn.
"Hắn vừa dứt lời, Sương Hoa liền chuyển hướng cắt phăng vạt áo vướng víu, một dòng chất lỏng phun trào, tung tóe khắp giường, văng cả lên y phục trắng muốt, vài giọt còn đáp xuống dải băng bịt mắt bị bỏ quên trên nền đất lạnh lẽo bẩn thỉu."
Cũng không phải mình tầm bậy tầm bạ qua loa đại khái rảnh rỗi chèn thêm đoạn nó buộc lại dải băng lên mắt Hiểu Tinh Trần. Nó muốn che mắt đạo trưởng bằng những thủ đoạn cay nghiệt, nó muốn đạo trưởng tiếp tục bị vây bởi niềm hạnh phúc êm đềm hư ảo, nó muốn bàn tay Hiểu Tinh Trần cũng nhuốm máu người vô tội, để sự cách biệt giữa màu đen và sắc trắng trong lòng nó sẽ không còn xa xôi.
Nhưng trên hết, nó đang trở thành Hiểu Tinh Trần, đang nhìn đời bằng con mắt của Hiểu Tinh Trần, nó muốn đạo trưởng cũng nhìn đời bằng con mắt của nó, để một lần thấu hiểu và cảm thông cho những gì nó đã từng làm.
Sâu trong lòng Tiết Dương, nó vẫn chỉ là thằng bé khao khát được yêu thương và ước ao chinh phục.
"Hắn đứng ngắm nghía một hồi, đoạn lại cúi người, nhặt lên dải băng trắng đen lẫn lộn, khẽ che đi đôi mắt người thương, lúc bấy giờ mới mỉm cười mãn nguyện.
"Đạo trưởng, vậy mới xứng với ngươi."
4. J4F - Hình ảnh so sánh cục súc nhất mọi thời đại: "rắn đực mùa giao hoan".
"Đạo trưởng, ta không muốn để ngươi bắn..." Dừng một lát, đầu lưỡi đỏ lòm đột nhiên ló ra, đảo qua chiếc răng nanh nhọn hoắt, uốn lượn chẳng rời, rồi lại bồi hồi rụt về, tựa rắn đực mùa giao hoan quấn quýt bạn tình. Nước bọt theo đó không kịp nuốt, chảy dọc theo khóe miệng, đọng thành vũng lớn trên đạo bào, nhưng hắn dường như cũng chẳng ngại bẩn, còn vì vậy mà thấy càng phấn chấn. "Nhưng lại thích nhìn vẻ mặt ngươi si mê dưới thân ta..."
Lựa chọn loài rắn một phần vì nó là hình dung phù hợp nhất với cái lưỡi mà vẫn bảo trì được yếu tố tiêu cực trong tính cách nhân vật. Lý do thứ hai là vì tập tính sinh sản của loài này: rắn đực cưỡng chế rắn cái làm... này nọ. Mối quan hệ hình thành dựa trên sự bất bình đẳng và mất cân bằng từ hai bên, giữa một phía độc đoán xây dựng và một phía chưa kịp tỏ thái độ rõ ràng, nhưng lại rất bền vững, cho đến khi rắn cái chết, trong lòng nó vẫn còn giữ đợt tinh trùng từ cuộc giao hoan năm nào để thụ tinh nhiều lần.
Đó không phải cũng là cách Tiết Dương và Hiểu Tinh Trần thiết lập sợi dây liên kết, có kẻ thô bạo cưỡng ép, lại cũng có kẻ ôm theo bao dung thầm lặng cho đến khi lìa đời?
====
Lâu rồi không viết mấy thứ dài dài mà một lèo gõ ra gần 3000 từ (trong đó 99,99% là nói nhảm) giờ đuối quá, xin phép mấy bạn cho mình cáo lui.
Chúc các bạn đọc vui và hẹn gặp lại trong những cái hố khác! Độ này đang bấn Wanna One và cụ thể là hai thằng Pạc 99line, nên chưa biết chừng lại đú đởn... =)))
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com