Gom (6)
6. Khăn vắt se hai bờ ước hẹn:
Lâu lâu thầy tú với bác nghè lại mở cái tráp giấy ra xem để nhắc nhớ về ba lần xa cách, thầy với bác vẫn giữ nếp gửi thư qua lại đều đều. Thế mới thấy lần đầu bàn luận văn chương khoa bảng nên toàn những tập dày cộp, viết đông viết tây đủ văn sách trên đời. Lần hai chuyện phiếm cỏ hoa thì bắt đầu vui thơ phú, thi thoảng có tranh vẽ cái nọ cái kia, không đóng được thành tệp nhưng bức nào bức nấy luôn đầy hai trang giấy. Lần ba có lẽ đã quen kẻ bắc người nam, lại tỏ lòng nhau cả, mấy bức thư đều chỉ vỏn vẹn một trang. Thầy tú còn hay viết hai dòng ba dòng cho bác nghè; lâu dần, đến thư một chữ hai chữ thầy cũng viết. Nhưng càng là một chữ hai chữ, bác nghè càng đáp thư dài. Riêng chữ "kịp" mà có lần thầy gửi, bác vui đến mức biên hẳn ba tờ sáu mặt để kể chuyện tìm vải đặt may tỉ mẩn thế nào, cứ làm như bác thở than với khoe mẽ trong thơ chưa đủ vậy. Mà cả những khi chẳng có chữ nào từ thầy tú, bác nghè lại càng đặt tâm để hồi âm cho vẹn tròn. Vì bác biết người kia chẳng ngại tán chuyện vô ích, càng không lo viết ngắn viết dài, khi nào cũng đặt bút đôi dòng để báo bình an suôn sẻ dù nhiều lúc đâu có việc gì đáng nói, nhưng cứ hễ thầy không viết là do có vướng bận trong lòng...
Thầy tú vài lần nhận hồi âm dài ngoẵng cũng biết người kia lo nên bận sau thư từ rất đều, cũng ít khi đang viết gì mà để ngỏ. Thế nhưng vẫn có bữa viết rồi không đặng gửi đi, vì sợ gửi thì bác nghè còn hoảng hơn, rồi sợ mười mặt giấy thầy cũng phải nhận về cho đủ. Nỗi là cả bác nghè lẫn thầy tú, cứ mấy chuyện lông gà vỏ tỏi thì viết bao nhiêu cũng được, nhưng thủ thỉ dặn nhờ lại ngại nên phải mượn gió mượn trăng. Chuyện ấm áp yêu thương đôi lúc còn văn thơ cho thỏa, chứ những khi nhớ nhung quay quắt thì thầy với bác đều giấu nhẹm, bởi nghĩ người kia có biết cũng chỉ thêm bận lòng chứ nào được việc gì. Mây nước (1) cách ngăn là sự chưa đổi được. Người kinh thành, người Kẻ Chợ (2) có công có việc cả lại đem quyến luyến nơi mình vướng buộc lẫn nhau cho khổ ra...
Thế nên mùa xuân năm trước, dù bác nghè mới về thăm cuối đông đây thôi nhưng thầy tú thoáng thấy én nhạn ngang trời lại não hết cả lòng, cầm thư bác hỏi chuyện mùa màng ở Hoài An mà đầu không lục đâu ra một ngọn lúa để đặt vào hồi đáp. Thầy bèn phủi phủi đầu gối rồi nhổm dậy ra chợ, định kiếm cái gì hay hay gửi bác làm quà. Vậy là nghè Thạch đến tận vụ mùa sau vẫn chưa biết xuân ấy thóc gạo được mất ra sao, nhưng qua độ chục ngày đã nhận được gói vải xinh xinh buộc như cái tay nải, bên trong là một chiếc khăn nhuộm lá bàng (3) thêu hai bông lúa vàng ươm.
Khăn đã cất gọn trong vạt áo mà nghè lật qua lật lại cái gói vải chán chê vẫn không thấy tấm giấy hay vết mực nào, bỗng dưng trong ruột lại nao nao một nỗi khôn tả. Cả ngày hôm ấy, chẳng rõ là bác tỏ lòng mình hay thấu lòng người kia, mà bên tai cứ văng vẳng một bài ca dao thân thuộc:
Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
...
Mà càng thế bác càng không nỡ xuống bút, nhỡ là dạ mình thì chẳng sao, chứ là dạ người thì viết gì cho được? Có an ủi vỗ về cũng nào thấy mặt nhau, thành ra toàn những hứa hẹn xa xôi mà rỗng tuếch cả...
Chần chừ đến mấy hôm sau, bác nghè mới trải giấy hồi âm; mà quyết lòng đặt bút rồi vẫn còn ngổn ngang trăm mối, tận năm ngày sau thư mới xong để gửi đi. Thầy tú chờ quá cả tuần chưa thấy tin thì thầm nghĩ người kia khéo đoán bụng mình, còn nhủ sẵn rằng hẳn nghè phải viết kín một tập giấy dỗ dành xoa dịu mới lâu thế. Ai ngờ thư thầy nhận được cũng là dỗ, nhưng bác viết chẳng nhiều. Năm ngày ấy, mỗi ngày nghè Thạch chỉ viết vài câu; còn lại sửa lui sửa tới, vò mất không biết bao nhiêu tờ.
Ngày thứ nhất, bác nghĩ phải sớm báo cho thầy rằng quà thầy gửi chẳng lạc đi đâu, đã nằm ngay ngắn nép trong áo bác. Vậy nên bác viết:
Nhớ đã trao tay, hãy nhẹ lòng
Thương đầy một nải, chớ mòn trông!
Ngày thứ hai, bác lại xót người nơi xa buốt lòng mong mỏi. Dù biết rõ nhưng vẫn hỏi gặng rằng:
Đêm trường gối quạnh mờ trăng bóng
Hỏi giấc mơ vơi có chạnh lòng? (4)
Ngày thứ ba, nghè tưởng ra đôi mắt sắc như dao cau liếc đến mỗi khi nghè vẩn vơ hứa hẹn xa lơ xa lắc, lại tự cười mình miệng bảo lợi danh chẳng đoái (5) mà năm lần bảy lượt bị chôn chặt ở chốn này; bèn thay người kia mắng mấy câu:
Ba xuân tiễn biệt, ba xuân đợi
Trách ai khéo hẹn lại quên lời
Mắc tỏa quàng cương, thân vương nợ (6)
Tay ôm chưa ấm, gót vội rời...
Ngày thứ tư, nghè tự biết mình đã khất lần khất lữa đôi bận nhưng kiềm lòng lắm vẫn không ngăn được hẹn tiếp một lời:
Nhạn nam hồng bắc, đôi vẫn vẹn (7)
Linh Giang cách trở, hẵng Son nồng. (8)
Khăn vắt se hai bờ ước hẹn
Đoàn viên sớm trọn, hết mong ròng!
Ở trường Hà, thầy tú đương trầm ngâm đọc mấy dòng tâm tình của bác nghè, bỗng nhiên lại phải bật cười vì bắt được vài chữ tí hin nơi góc giấy. Mấy chữ này nghè viết vào ngày thứ năm - cái ngày nghè ta đọc đi đọc lại thư mãi mà vẫn không nghĩ được là thiếu cái gì; đến lúc đóng bao rồi mới nhớ nên đành xé ra viết nốt. Tưởng gì to tát, hóa ra bác quên bông đùa, mới vội đề thêm vào hai dòng nho nhỏ:
Túi trao, khăn gửi, lời đã thỏa
Gói thêm chàng mạng* mới đủ quà! (9)
Mà có lẽ bởi cả bác lẫn thầy đều nặng lòng như thế, nên lời hẹn ước ngày đó không ai khất lần. Qua đầu hạ nghè Thạch đã xin được để ra Bắc lần nữa; tàu nhà buôn đi như ăn cướp làm nghè xanh cả mặt nhưng về đến nhà là lại tươi rói như thường. Còn thầy tú cũng nhớ lời bác trêu, khi đi đón ở bến đò đã cầm theo một tấm chàng mạng để dúi vào áo người nọ...
Xuân năm sau, bác và thầy đã yên ổn ở An Hiên. Cái tráp thư cũng xếp lại tại đó, xếp lại cả mong ròng, mòn nhớ với mỏi trông mà mở ra toàn những yên bình nồng ấm...
~~~~~~~~~~
1. Mây nước: hình ảnh ước lệ, thường dùng để chỉ sự chia ly hai ngả ("nước chảy mây trôi", "nhàn vân tây vãng thủy đông lưu")
2. Kẻ Chợ: tên gọi dân gian của Thăng Long.
3. Nhuộm lá bàng: màu nhuộm tự nhiên từ lá bàng, lên vải sẽ có màu xanh rêu nhạt hoặc màu xanh lá mạ pha xám xám.
4. Hai câu này có ý trả lời bài "Khăn thương nhớ ai". Bài ca dao "Khăn thương nhớ ai" có các câu: "Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt/ Mắt thương nhớ ai/ Mắt ngủ không yên". Vậy nên bác nghè mới "biết rõ nhưng vẫn gặng hỏi".
5. Lợi danh chẳng đoái: tên một bài ca trù mà bác đã nhờ cô Diệp hát ở chap 5 (chú thích số 22)
6. Tỏa là khóa, cương là cái xích (trong "cương ngựa") - ý nói danh lợi như xích xiềng. Vương nợ: nợ công danh
7. Nhạn nam hồng bắc: con ngỗng trời, còn gọi là chim nhạn (gọi chung); con mái là nhạn, con trống là hồng. Nhạn bay về phía nam, hồng bay phía bắc cũng là hình ảnh ước lệ thường thấy để nói về đôi lứa chia xa; nhưng hai con vẫn là một đôi. Ẩn dụ cho hai người, bác ở Nam thầy ở Bắc á (đừng quan tâm đến trống mái, bác nghè không quan tâm nên mới để vậy).
8. Linh Giang: tên cũ của sông Gianh, thời Trịnh - Nguyễn là ranh giới chia Đàng Trong và Đàng Ngoài; Hà Thành với Thừa Thiên cũng là ở 2 phía sông Gianh. Sông Gianh có một chi lưu là sông Son (nguồn Son, rào Son). Tôi chơi chữ đó, khen tôi đi!!
9. Bác nghè trêu là thầy gửi thiếu quà; lấy ý từ bài ca dao:
Gửi khăn, gửi túi, gửi lời
Gửi đôi chàng mạng cho người đằng xa.
Vì mây cho núi lên xa,
Mây cao mù mịt, núi nhoà xanh xanh.
* Chàng mạng: tấm mạng mỏng và thưa, dùng làm đồ trang sức để trùm đầu, che mặt.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com