Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Gom (Cuối)

Lúc thầy tú mới đến An Hiên, học trò xin học chưa có mống nào, sáng không cần chuẩn bị chiếu chõng mực nghiên nên cứ ngủ được thì thầy sẽ đợi lúc hửng trời mới dậy. Hoặc do lâu ngày mới có người ấp chăn kề gối, cũng hết dịp lo lắng ngược xuôi nên thầy yên dạ tròn giấc cũng nên?

Bác nghè biết thế, lại thêm xót thầy vừa lặn lội đường xa nên chẳng gọi. Thành ra suốt độ chục ngày đầu mang tiếng là đoàn viên sum họp mà thầy tú cũng không thấy mặt bác được mấy lần, chuyện trò toàn chuyện đàn vịt đàn gà chứ chẳng giống gì là lâu ngày xa cách mới hợp đôi hội ngộ. Mà bác với thầy cũng chưa nghĩ việc ấy có gì không phải, còn tự đùa nhau rằng cả hai cứ như thể đã ở chung một chỗ suốt tám năm nay vậy.

Đến sớm nọ tinh sương thầy tú đã trở người tỉnh giấc, bác nghè vừa ngồi dậy lơ mơ còn thoáng chột dạ tưởng mình lục đục lỡ đánh thức người kia. Thầy tú cười cười, bảo rằng "Ngủ bù cũng có độ thôi chứ!" rồi đẩy bác đi sửa soạn vào thành. Chính hôm ấy cả thầy cả bác mới thấy rằng tám năm thực đã có sự đổi thay. Tám năm trước gặp nhau ở thềm nhà cụ bảng, có ai nghĩ tám năm sau cái cậu ngông nghênh lóc chóc với cái cậu nghiêm nghị khô khan trước mặt lại thức dậy cùng mình dưới một mái hiên ở chốn xa cả Gia Định lẫn Hà Thành. Lúc ấy có ai tin nét chữ ngả nghiêng gà bới với nét rồng múa phượng bay lại xen vào nhau mà xếp chung một tráp, đặt toàn những ý những tình nặng hơn cả văn sách bao năm. Mà cũng nào ai để ý, cả mình cả người từ thời đôi chục giờ đã đến lúc ba mươi, rồi mắt ngọc đầu xanh sẽ cùng nhau đến khi đục bạc. Thầy tú nhìn tóc bác nghè chưa buộc mà lòng mơ hồ một khối bâng khuâng khó trải - vừa mong năm tháng mai này vừa tiếc độ xuân xanh qua mất...


Nghè Thạch thấy người kia cứ nhìn mình chăm chăm lại như nghĩ thơ nghĩ thẩn thì bèn trêu: "Quý hóa quá cơ! Đến hôm nay mình mới nhìn tôi được một cái tử tế phỏng?"

Thầy nhổm dậy, ngón tay lần lần cuốn nhẹ một sợi ánh ngà trên tóc người kia, cũng nương theo mà ừ khe khẽ. Rồi thầy nhổ sợi tóc sương thả vào tay bác, bảo: "Thầy tôi đến bốn mươi lăm đầu còn đen nhánh, sao nhà vừa chớm ba mươi đã có tóc bạc rồi?"

Nghè giả đò thở dài đánh thượt: "Mới đôi sợi tóc mà mình đã chê tôi?" - nói xong thì nghè ngâm thơ ra điều hờn trách:

E hoa tan sớm, bướm vội bay,

Lấy chi giữ thắm sắc xuân này?


Thầy tú thấy nghè bắt đầu vẽ trò thì búi vội tóc mình rồi rời giường đi thẳng. Bác nghè cứ nghĩ thầy chẳng thèm đùa chơi chuyện vặt nữa, không ngờ chốc sau thầy đã quay vào với một cành mai ngăn ngắn có vài cánh lộc non. Chốc sau nữa, nghè lại thấy tay người kia khẽ khàng lướt trên tóc mình - thầy tú thoăn thoắt vấn tóc bác tròn một cuộn rồi cài ngang cành mai nhỏ, cài xong cũng ngâm thơ trả rằng:

Mượn ai vấn tóc vương nhánh biếc

Biếc tóc sương phai vẫn xuân đầy...


Nghè Thạch tủm tà tủm tỉm, trong bụng rộn ràng mà ngoài miệng vẫn phải thở than: "Mình chẳng thương hoa tiếc ngọc gì cả, hoa chưa kịp nở mình đã cắt cả cành..."

Rồi nghe thầy phân bua rằng sắp xuân nhà nào chẳng tuốt lá đào mai cho cây đâm lộc, dù vẫn chẳng đỡ được chút gì cho việc thầy bẻ cả nhành con nhưng bác nghè vẫn gật gật cho qua; vốn bởi chính bác cũng thi thoảng hái hoa chỗ này nhặt lá chỗ kia đem về. Nhưng một hồi sau tự thầy cũng thấy mình không thương hoa tiếc ngọc, thầy vấn tóc nhanh chứ vấn xong tóc bác vẫn sợi nọ sợi kia lung tung lả tả. Vậy nên thầy lại gọi bác vào để tháo ra vấn lại, nhành mai cũng lấy cắm nghiêng trong cốc còn trên đầu bác nghè đổi một chiếc trâm gỗ trổ chút lá hoa mà thầy đã cất công mang vào từ tận Hà Thành.



Tháng sau đó là cái Tết đầu tiên nhà nghè tú đón trên đất Phú Xuân. Cây mai bận trước giờ đơm hoa rạng rỡ một góc vườn, cái mấu hôm nọ thầy ngắt cành đã lành lại, còn nhú được hai lá mầm xíu xiu. Thầy cứ đi ra một câu, đi vào một câu mà khoe bác nghè rằng: "Đấy! Tôi đã bảo ngắt đi cho nó ra lộc mà!"


Trưa mùng Một hạ mâm cúng xuống xong, nghè Thạch lại thấy đôi mắt người kia nhìn mình y như sớm nào buông tóc, bèn sờ sờ trên đầu rồi hỏi: "Mình lại thấy sợi bạc nào à?"

Thầy tú lắc đầu cười giòn như nắng: "Tôi đang nghĩ là quý hoá quá! Lâu lắm mới thấy mặt nhà mấy bữa Tết!"

Nói thế chứ thực là hôm nay nghè cài cây trâm buổi trước thầy tặng, thầy thấy mới đâm ra ngẩn ngơ. Biết miệng thầy hờn trêu vậy mà nghè cũng thuận theo, vin vào cái cớ khó tin hết mực: "Mình không biết đấy thôi chứ tôi xem ngày xem tháng cả. Hai năm rồi vận hạn trái ý, hành sự không thông."

Nói rồi, nghè nhìn ra sân, mặt vênh lên bảo: "Mình không thấy xuân này ấm áp hẳn, mây vãn trời quang, sương như bạc nắng như vàng ư? Chuyện ở với mình tôi phải để lúc đất trời vun vén mới dám hỏi chứ có phải lần lữa gì đâu nào..."


Lâu lắm thầy tú mới nghe nghè đon đả xoen xoét nên để mặc bác tán hươu tán vượn mấy cũng tùy, chứ còn cái gì thường hơn chuyện Tết ở Phú Xuân ấm hơn ở Kinh Bắc? Nói thêm một chốc thì bác kết rằng: "Thôi thì còn gì bằng sum họp đầu xuân, để ong bướm cỏ hoa tiện chung vui chứng giám?"

Nghe đến đấy thầy tú mới bĩu môi rồi bắt chước giống y cái thở dài than trách của bác hôm nọ:

E hoa tan sớm, bướm vội bay

Lấy chi giữ thắm sắc tình này?


Nghè Thạch ngẫm từ đầu buổi cả hai chưa nói được câu nào không đùa giễu thì chẳng nhịn nổi lại cười toe. Nghè vừa rút trâm trên đầu mình rồi ngồi xích lại, vòng tay qua người kia để gài vào búi tóc buộc thấp còn lơ thơ mấy sợi mây sóng, vừa hóm hỉnh đảo lại thơ thầy mà rằng: 

Mượn ai nhánh biếc vương vấn tóc

Rồi lúc nghe tiếng cười khúc khích của thầy tú, nghè lại không nén được mà thả nhẹ hai tay mình từ búi tóc xuống vuốt dọc đôi vai người... Và khi bàn tay thầy đã nằm yên trong tay bác, bác mới chậm rãi dịu dàng buông câu chót:

Tóc biếc - sương phai, vẫn xuân đầy!


Quả là qua tám năm đã rõ hết lòng ta lòng người nên những cuộc giễu đùa của thầy với bác cũng nên một kiểu tình tứ. Chỉ có duy nhất một điều chưa tỏ, ấy là cây trâm kia thầy tặng bác bác lại tặng thầy, cuối cùng chẳng biết của ai nên cả bác với thầy mỗi khi có dịp lại giành nhau như đám lít nhít. Cái Thảo thấy trâm hôm trước còn trên tóc thầy mình hôm sau đã bị bác nghè cầm mất thì giận bác hết mấy ngày; bữa con bé nguôi giận là bữa nó đem một chiếc đũa tre cụt cán ra bện lá bện hoa rồi mang "bù" cho thầy tú nó. Còn cậu khóa Nam dù biết tỏng nhưng đôi bận lại phải khơi ra, cứ mày chau đầu lắc mà kêu: "Chậc chậc, khốn khổ cái kiếp văn nhân không cơ chứ? Hai bác chẳng trọng vọng cũng được đức cao mà có cái trâm cũng tiếc không nỡ mua thêm đây này!"


- Hết -

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com