Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 1 - Tiết 1

CHƯƠNG 1
ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI - MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HÓA - XÃ HỘI CỔ ĐẠI

Tiết 1
Ghi chép về đồng tính luyến ái trong điển tịch Tiên Tần

Ghi chép sớm nhất về đồng tính luyến ái ở Trung Quốc được tìm thấy là cụm từ "bỉ ngoan đồng" (gần gũi bọn ngoan đồng, 比顽童) trong sách Thương thư 商书 - Y huấn 伊訓, "loạn phong chính là khi dám khinh lời dạy của thánh nhân, ghét người trung trực, xa người đức tốt, gần gũi bọn ngoan đồng"[1]. "Bỉ" có nghĩa là thân mật, và "ngoan đồng" cũng có nghĩa là "luyến đồng". Thương thư liệt nó vào một trong "tam phong" (ba thói hư, 三风) và "thập khiên" (mười tội xấu, 十愆), và tin rằng "khanh sĩ mà có thứ này thân gia tất táng; vua mà có thứ này thân quốc tất vong"[2]. Có thể thấy, người xưa sớm đã cảnh giác với thứ gọi là "bỉ ngoan đồng". Nếu Thương thư - Y huấn không phải là cổ văn ngụy tạo của Mai Trách (梅赜)[3], thì đây có thể được coi là ghi chép sớm nhất về đồng tính luyến ái ở Trung Quốc cổ đại. Sau này trong Dật Chu thư 逸周书, quyển 2, Vũ xưng giải 6 武称解 có câu "mỹ nam phá lão, mỹ nữ phá thiệt"[4] (trai trẻ mỹ miều làm mê được lão, mỹ nữ làm cản trở lời can gián), học giả đời nhà Thanh là Chu Hữu Tằng (朱右曾, ? - ?) giải thích câu này như sau: "Mỹ nam là ngoại sủng. Còn lão là bậc lão thành vậy". Còn Phan Chấn (潘震, 1851 - 1926) thời Thanh thì giải thích: "Mỹ nam là ngoan đồng. Lão, chẳng hạn như các bá gọi thiên tử, các quan đại phu gọi vua nước mình đều là lão. Nếu phá lão thì nước của vua tất vong, nhà của khanh sĩ tất táng". Bất luận là ngoại sủng hay ngoan đồng, kẻ mỹ nam được sự sủng ái của vua và do đó sẽ giở trò ô nhục để ly gián quan hệ quân thần. Chiến Quốc sách 戰國策 có một ví dụ để chứng minh sức mạnh to lớn của "mỹ nam phá lão":

(Tấn Hiến Công) muốn đánh nước Ngu mà ngại Cung Chi Kỳ (宮之奇) còn ở triều. Tuân Tức (荀息, ? - 651 TCN) bảo: "Chu thư có câu: mỹ nam phá lão". Rồi Tấn tặng vua Ngu những mỹ nam, chỉ cho họ cách hại Cung Chi Kỳ. Cung Chi Kỳ can mà vua không nghe, rồi bỏ đi. Lúc đó Tấn mới đánh Ngu mà chiếm được.[5]

Tấn Hiến Công dùng mỹ nam kế để diệt trừ Cung Chi Kỳ, luyến đồng, nam lạc bắt đầu trở thành mộ vũ khi bí mật để đấu tranh chính trị. Và cái gọi là bế thần lợi dụng sự sủng ái của nhà vua để can thiệp vào công việc triều chính đã lần lượt xuất hiện ở thế hệ sau, loại này còn lợi hại hơn cả ngoan đồng, và đã gây được sự chú ý của những chính nhân quân tử như Khổng Tử và những người khác. Câu chuyện về nam sủng Di Tử Hà (彌子瑕) của Vệ Linh Công (衛靈公) thời Xuân Thu là một điển hình:

Ngày xưa Di Tử Hà được vua nước Vệ yêu. Theo pháp luật nước Vệ, ai tự tiện đi xe nhà vua thì bị tội chặt chân. Được ít lâu, mẹ Di Tử Hà mắc bệnh, Di Tử Hà trái lệnh, đi ra bằng xe của nhà vua. Nhà vua nghe tin cho là người hiền nói: "Thực là người có hiếu. Vì mẹ mà phạm tội chặt chân". Di Tử Hà đi chơi với nhà vua trong vườn quả. Di Tử Hà ăn quả đào thấy ngon, không ăn hết, dâng nhà vua. Nhà vua nói: "Anh ta thương quả nhân quá! Anh ta quên cái ngon trong miệng; để dâng cho quả nhân ăn"[6].

Đời sau dùng "chia đào 分桃" (hoặc "đào thừa 余桃") để gọi những người nam đồng tính luyến ái. Đối với việc Di Tử Hà dùng nhan sắc để được sủng ái mà trèo lên chức vị cao, đương nhiên bị các công khanh đại phu khịt mũi cười nhạo, quan đại phu Sử Ngư (史䲡, ?-6TCN) thậm chí còn dùng hình thức bi tráng nhất là "thi gián 尸谏" để khuyên can vua nước Vệ:

Xưa, đại phu nước Vệ là Sử Ngư bị bệnh, lúc sắp chết mới gọi con trai đến dặn: "Cha tiến cử Cừ Bá Ngọc là người hiền đức mà vua không dùng, Di Tử Hà là kẻ gian nịnh vua lại nghe theo. Làm thần mà không thể khiến cho quân ngay thẳng, đó là cha không làm tròn chức trách. Sau khi cha chết, đừng đem di thể của cha đặt ở chính đường, làm tang trong phòng là đủ". Vua nước Vệ hỏi nguyên cớ, người con mới thuật lại di ngôn của cha. Vua ngộ ra bèn cho dời di thể lên chính đường, về triều bèn bổ dụng Cừ Bá Ngọc, miễn chức Di Tử Hà.[7]

Khổng Tử hết lời khen ngợi hành động của Sử Ngư:

Chính trực thay Sử Ngư! Nước có đạo, thì như mũi tên; nước không có đạo, cũng như mũi tên. Quân tử thay Cừ Bá Ngọc! Nước có đạo, ra làm quan; nước không có đạo, thì thu mình ẩn đi.[8]

Dưới áp lực mạnh mẽ của dư luận, Vệ Linh Công thích nam sắc bất đắc dĩ từ bỏ Di Tử Hà, nhưng lại có một nam sủng khác thay thế là Công tử Triều (公子朝, ? - ?) của nước Tống. Do mỹ mạo nước Tống nên đã giành được sự sủng ái của Vệ Linh Công, thậm chí còn xuyên phòng nhập hộ (qua lại thân thiết, 穿房入户) và lại còn cùng tình nhân cũ của vua - sủng cơ của vua nước Vệ là Nam Tử (南子, ? - 480 TCN) phát sinh quan hệ:

Vệ hầu vì phu nhân là Nam Tử triệu kiến Công tử Triều, hội kiến ở đất Đào, con trai lớn là Khoái Hội (蒯聵, ? - 478 TCN) đi ngang qua nước Tống, nghe người dân ở đây hát: "Kí định nhĩ lâu trư, hạp quy ngô ngải gia?"[9] (Lâu trư đã tha, sao chưa cho ngi gia tôi v?)

Tả truyện Đỗ Lâm hợp chú 左傳杜林合注 (Đỗ là Đỗ Dự (杜預, 222 - 285) thời Tấn, còn Lâm là Lâm Nghiêu Tẩu (林堯叟, ? - ?) thời Tống) của Vương Đạo Côn (王道焜, ? - ?) thời Minh có chứa chú giải của Lâm là: "Lâu trư 婁豬 là lợn nái cầu con, phải có lợn đực mới thỏa mãn, ẩn dụ cho Nam Tử đã già cả; Gia là lợn đực, ẩn dụ cho Triều của nước Tống"[10]. Thái tử Khoái Hội vừa thẹn vừa giận, bèn quay về nước định mưu sát Nam Tử nhưng sự việc bại lộ phải đào vong tha hương nơi đất khách. Đời sau gọi việc trượng phu và thê thiếp cùng hưởng chung một người con trai là "ngải gia lâu trư 艾猳娄猪" (lợn tơ heo nái).

Người ta bảo tản văn Tả truyện thời Tiên Tần là "tự sự hay nhất"[11], nó chép lại một lượng lớn các sự kiện lịch sử và câu chuyện truyền thuyết, mô tả các nhân vật lịch sử khác nhau, và có vô vàn câu chuyện về quan hệ đồng tính luyến ái giữa các quân thần xuất hiện dày đặc. Ví dụ, Tả truyện viết về năm Thành Công thứ 17 như sau:

Tấn Lệ Công (晉論公, ? - 573 TCN) tính tình phóng dật, lại nhiều ngoại bế (thần). Từ khi ở Yển Lăng (鄢陵) về, muốn hết các đại phu, để cho bọn bế thần thay vào tả hữu. Tư Đồng (胥童, ? - 573 TCN) là người được Lệ Công sủng ái, do việc cha là Tư Khắc (胥克, ?-?) bị phế mà ghi thù nhà họ Khích. Khích Kỳ (郤犄, ? - 574 TCN) có chiếm ruộng của Di Dương Ngũ (夷陽五, ? - ?), Ngũ là một bế thần của Lệ Công. Khích Sưu (郤犨, ? - 574 TCN) lại tranh chấp ruộng với Trường Ngư Kiểu (長魚矯, ? - ?), đóng gông lại, trói vào xe cùng với cha mẹ và vợ con. Sau, Kiểu cũng thành một bế thần của Lệ Công. Loan Thư (欒書, ? - 573 TCN) thì thù Khích Chí (郤至, ? - 574 TCN), vì không nghe theo lệnh đến nỗi thua quân Sở, muốn phế Chí.[12]

Sau đó, Lệ Công phái bế thần của mình tiêu diệt toàn bộ "tam khanh và ngũ đại phu" của nhà họ Khích, nhưng bản thân Lệ Công lại bị giết vì cuộc chính biến do Loan Thư và Trung Hàng Yển (中行偃, ? - 554 TCN) phát động. Lệ Công ngu tối sủng hạnh bọn tiểu nhân, xa người hiền mà dùng kẻ gian nịnh khiến cục diện chính trị mất khỏi tầm kiểm soát, có thể nói chết không đáng tiếc. Ngoài ra, theo ghi chép ở Tả truyện - Định Công năm thứ 10, em Tống Cảnh Công (宋景公, ? - 469 TCN) và Công tử Địa 地 đều ưa thích nam sắc, "Công tử Địa nước Tống có bế nhân tên là Cừ Phù Lạp, gia sản mười một phần thì cho hắn năm phần"[13]. Hướng Đồi (向魋, ? - ?) là bế được Tống Công sủng ái, Hướng Đồi nhìn trúng một trong bảy con ngựa của Công tử Địa nên muốn lấy làm của mình, "Công bèn lấy ngựa rồi sơn đỏ lên đuôi và bờm cho Đồi. Địa giận, sai người đánh Đồi và lấy lại ngựa. Đồi sợ, sắp trốn, Công ở trong phòng khóc, đến sưng cả hai mắt"[14]. Cha con Cảnh Công vì cùng ưa thích nam sắc mà khiến cha con trở mặt, Công tử Địa bỏ trốn sang nước Trần. Lại theo Tả truyện - Ai Công năm thứ 9: "Hứa Hà (許瑕, ? - ?) là bế của Vũ Tử Thặng (武子剩 tức Trịnh Thanh Công 鄭聲公, ? - 463 TCN) nước Trịnh xin coi một ấp, vua không có để cho. Xin lấy ấp bên ngoài, vua chấp thuận, thế là bao vây Ung Khâu 雍丘 của nước Tống"[15]. Vũ Tử Thặng để giành được một nụ cười của bế nhân mà phát động chiến tranh, xâm lược nước láng giềng hòng chiếm lấy một mảnh đất phong, có thể nói là tướng quân nổi giận dựng ngược cả tóc vì hồng nhan[16].

Chiến Quốc sách cũng là một tản văn lịch sử thời Tiên Tần, cũng ghi lại nhiều giai thoại đồng tính. Điển cố về đồng tính nổi tiếng đến thời nay là "Long Dương Quân khấp ngư cố sủng tiện 龙阳君泣鱼固宠" (Long Dương Quân khóc cá mà được sủng) là xuất phát từ Ngụy sách 魏策 của Chiến Quốc sách:

Nguỵ Vương ngồi chung thuyền với Long Dương Quân, đi câu. Long Dương Quân câu được mười con cá, rồi mà nước mắt ròng ròng. Vương hỏi: "Có cái gì không vui đấy, sao không cho nhau hay?" Đáp: "Thần đâu dám không vui". Vương hỏi: "Vậy thì tại sao lại khóc?" Đáp: "Thần khóc vì con cá đại vương câu được". Vương hỏi: "Nghĩa là thế nào?" Đáp: "Khi hạ thần mới câu được cá thì hạ thần rất mừng, sau càng câu càng được cá lớn; bây giờ thần muốn liệng phắt mấy con cá câu được lúc đầu đi. Nay hạ thần hung ác mà được quét giường trải chiếu cho đại vương, chức tước trên mọi người, sai khiến cả bách quan, đi đâu thì có kẻ dẹp đường. Trong bốn bể, có rất nhiều người dung mạo đẹp đẽ, biết rằng hạ thần được đại vương sủng ái như vậy tất vén xiêm mà chạy lại với đại vương. Hạ thần rồi cũng như con cá câu được lúc đầu kia thôi, cũng sẽ bị đại vương vứt bỏ đi thôi! Nghĩ nông nỗi đó, hạ thần làm sao mà không nhỏ lệ được!" Nguỵ Vương bảo: "Bậy nào! Có nỗi lòng như vậy sao không cho nhau hay?" Rồi sai bố cáo ở khắp nước rằng: "Ai mà dám nói có người đẹp thì giết cả họ"[17].

Long Dương Quân phát huy tác dụng của việc rơi lệ để giành được sủng ái của Ngụy Vương, đây vốn khá là hành động của phụ nữ. Sau này, An Lăng Triền (安陵纏,?-? ) cũng áp dụng thuật củng cố sủng ái giống như Long Dương Quân. An Lăng Triền là sủng thần của Sở Tuyên Vương (楚宣王, ? - 340 TCN), vì được phong ấp ở An Lăng nên sử gọi là An Lăng Quân. Một ngày nọ, mưu sĩ Giang Ất (江乙, ? - ?) hỏi An Lăng Quân rằng: "Ông không có một thước đất, không có tình cốt nhục với vua, mà được hưởng địa vị tôn quý, bổng lộc hậu hĩnh, người trong nước thấy ông, ai cũng xốc áo mà vái, cúi mình mà chào, là nhờ đâu?"[18] An Lăng Quân Đây tự biết lấy mình, mới đáp là nhờ ân sủng của Sở Vương mới được đề cử. Giang Ất thừa cơ kích động khiến An Lăng Quân cảm thấy có nguy cơ không còn được sủng ái: "Dùng tiền bạc kết giao, hết tiền thì hết tình; dùng nhan sắc mà kết hợp, hoa tàn thì tình đổi. Cho nên người bế nữ chưa nát chiếu mà đã bị chồng đuổi; kẻ sủng thần thì chưa hư xe mà đã bị vua bỏ. Nay ông được quyền lớn ở Sở mà chưa có gì thâm thiết giao kết với vua, tôi trộm lấy làm nguy cho ông"[19]. Ông ta cũng đưa ra một giải pháp "xin được chết với vua, đem thân mà tuẫn táng, như vậy thì được trọng dụng hoài ở Sở"[20]. An Lăng Quân nghiêm túc nghe theo và đợi đến ba năm mới tìm thấy cơ hội bày tỏ lòng trung với Sở Vương. Một ngày nọ, Sở Vương đang đi săn ở Vân Mộng (云夢), nghìn cỗ xe bốn ngựa nối tiếp nhau, cờ xí rợp trời, Sở Vương thừa hứng giương cung, bắn một phát trúng con hủy (兕, tê giác cái). Sở Vương "ngửa mặt lên trời, cười mà rằng: 'Buổi săn hôm nay vui quá! Quả nhân khi vạn tuổi rồi, còn vui với ai được như vậy nữa?' An Lăng Quân nước mắt ròng ròng tiến lên tâu: 'Thần ở trong cung thì ngồi gần chiếu đại vương, ra ngoài thì ngồi hầu cùng xe với đại vương, đại vương vạn tuổi rồi, thần xin được tự đem thân xuống chốn suối vàng thử làm cái nệm che cho đại vương khỏi bị sâu kiến, cái vui đó so với cái vui này mới ra sao?' Sở Vương mừng, phong cho làm An Lăng Quân".[21] Dường như, đôi lúc nước mắt lại là thứ vũ khí thần kỳ để đàn ông mị hoặc đàn ông.

Vẫn còn rất nhiều câu chuyện về tình yêu đồng tính giữa các quân vương và bế thần trong Chiến Quốc sách, chẳng hạn như câu chuyện giữa Triệu Vương (tức Triệu Hiếu Thành Vương 趙孝成王, ? - 245 TCN) và Kiến Tín Quân (建信君, ? - ?) được chép trong Triệu sách 3 趙策三, giữa Sở Khoảnh Tương Vương (楚頃襄王, ? - 263 TCN) và Châu Hầu (州侯, ? - ?) trong Sở sách 4 楚策四, v.v.. Tuy nhiên, có một câu chuyện đã làm đảo lộn trật tự vua - bế thần này:

Cảnh Công (tức Tề Cảnh Công 齊景公, ? - 490 TCN) rất xinh đẹp, có một vũ nhân (羽人) cứ nhìn chằm chằm vào Cảnh Công. Công bảo tả hữu rằng: "Hỏi hắn vì sao cứ nhìn chằm chằm vào quả nhân?" Vũ nhân kia mới tâu rằng: "Nói cũng chết, mà không nói cũng chết, ta chỉ trộm ngắm vẻ đẹp của chúa công mà thôi". Công bảo: "Dám ngắm nhan sắc của quả nhân, phải giết!" ... Đối với việc này Yến Tử (晏子 tức Yến Anh 晏嬰, 578 TCN - 501 TCN) nói: "Anh nghe nói chối từ chối mong muốn của người là không phải đạo, ghét sự yêu thích của người khác không phải điều tốt. Cho dù hắn ngắm nhan sắc chúa công, theo luật cũng không thích hợp để giết". Công nói: "Thế thì ác thật! Vậy quả nhân sẽ sai hắn vào kì lưng (抱背, bão bối) lúc tắm gội vậy".[22]

Câu chuyện này đã được Lưu Hướng đưa vào Ngoại thiên của Yến Tử Xuân Thu, có lẽ bởi vì "chương này không phải là kinh điển, và không có tác dụng dạy dỗ nào nên nó được được viết trong thiên này"[23]. Vậy vai trò của "vũ nhân" là gì? Sách Chu lễ 周禮, "Địa quan tư đồ 2 地官司徒弟二 - Vũ nhân" giải thích là: "Vũ nhân phụ trách việc trưng thu lông chim đối với nông dân ở vùng núi đầm, thu thuế đúng với chánh lệnh".[24] Tức là một chức quan nhỏ phụ trách việc thu thuế của nông dân ở vùng núi đầm. Giả Công Ngạn (賈公彥, ? - ?) thời Đường cũng viết: "phụ trách việc thu lông chim đối với nông dân vùng núi đầm, cũng là quan thu gom". Quả thật, quân vương có thể sủng ái bế thần của mình giống như với ngoan đồng, nhưng mà một viên thu gom nhỏ nhoi dám cả gan phạm thượng vì sắc đẹp của Tề Cảnh Công, có thể nói là táo bạo. Thật may, Cảnh Công đã nghe theo lời can gián mà đổi ý, giúp cho vũ nhân kia được toại nguyện. Nhìn vào những điển cố về đồng tính luyến ái trong Tả truyệnChiến Quốc sách vừa nhắc bên trên, ta có thể thấy rằng sự kết hợp giữa tự sự lịch sử và tự sự văn học đã tạo thành đặc điểm nổi bật nhất của tản văn đồng tính luyến ái thời Tiên Tần, tức là chép theo kiểu loại sách lịch sử răn dạy "qua sách ghi công trạng, ca ngợi việc tốt, chỉ trích việc xấu"[25], lại có nguồn cảm hứng văn chương "người đọc thì hớn hở, người nghe thì vỗ tay"[26]. Tả truyện dùng kết cấu tự sự theo thể biên niên, "tưởng phân chia lại xuyên suốt, tương đơn lẻ lại bổ trợ, tưởng cứng nhắc lại linh động, tưởng thẳng thắn lại uyển chuyển, tưởng thô tục lại tao nhã, tưởng cằn cỗi lại màu mỡ: hướng gọt giũa vận hóa, tư vị đại bị"[27]. Còn Chiến Quốc sách tuy lấy việc chép lại lời nói làm chủ đạo, nhưng người viết lại có sở trường về chép sử, sử dụng thành thạo các chi tiết, miêu tả tâm lý qua nét mặt, hình ảnh sinh động, trí tưởng tượng phong phú, có yếu tố mới lạ nhất định, có tác động trực tiếp đến Sử ký sau này.

[1] "Thương thư - Y huấn", thủ phê của Hoàng Khản (黄侃, 1886 - 1935) "Thập Tam Kinh bạch văn", Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải, 1983, trang 18.

[2] "Thương thư - Y huấn", thủ phê của Hoàng Khản, "Thập Tam Kinh bạch văn", Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải, 1983, trang 18.

[3] "Thượng thư" được chia thành 4 bộ theo thời đại là "Ngu thư", "Hạ Thư", "Thương thư" và "Chu thư", tổng cộng có 100 thiên. Kỷ Quân hoài nghi là "Thượng thư - Thương thư" là cổ văn ngụy tạo của Mai Trách.

[4] "Dật Chu thư" hay "Chu thư", là một bộ điển tịch quan trọng thời Tiên Tần. Trước thời nhà Hán luôn được gọi là "Chu thư", người thời sau đưa Thượng Thư bao gồm "Chu Thư" thành một trong Ngũ kinh. Vì vậy, Chu thư, vốn có nội dung tồn tại độc lập, bị đổi tên thành "Dật Chu thư". Khổng Triều chú "Dật Chu thư", Trung Hoa thư cục, 1985, trang 24.

[5] Hán • Lưu Hướng (劉向, 77TCN-6TCN): "Chiến Quốc sách - Tần I", Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải, 1985, trang 125.

[6] "Hàn Phi Tử", Tập bốn, "Thuyết nan 12", trích từ Trương Giáo hiệu chú "Hiệu chú Hàn Phi Tử", Nhạc Lộc thư xã, 2006, trang 120.

[7] Hán • Hàn Anh: "Hàn Thi ngoại truyện", Trung Hoa thư cục, 1980, trang 264-265.

[8] "Luận Ngữ - Vệ Linh Công", thủ phê của Hoàng Khản trong "Thập Tam Kinh bạch văn", Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải, 1983, trang 31.

[9] "Tả truyện - Định Công năm thứ 14", Dương Bá Tuấn (杨伯峻, 1909 - 1992) biên soạn và chú giải "Xuân Thu Tả truyện chú giải", Trung Hoa thư cục, 1990, trang 1597.

[10] Minh • Vương Đạo Côn: "Tả truyện Đỗ Lâm hợp chú", quyển 46, Thảo Diệp Sơn Phòng 扫叶山房Thượng Hải, Dân Quốc thứ 24 (1935), trang 8.

[11] Đường • Lưu Tri Kỷ (劉知幾, 661-721): "Sử thông 史通" quyển 8 "Mạc nghĩ 模擬"chép: "Tả thị là quyển sách tự sự hay nhất, kể từ khi nhà Tấn sụp đổ, và được nhiều người yêu thích", dẫn từ "Sử thông thông thích", Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải, 1978, trang 222.

[12] "Tả truyện - Thành Công năm thứ 17", Dương Bá Tuấn biên soạn và chú giải "Xuân Thu Tả truyện chú giải", trang 900.

[13] "Tả truyện - Định Công năm thứ 10", Dương Bá Tuấn biên soạn và chú giải "Xuân Thu Tả truyện chú giải", trang 1582.

[14] "Tả truyện - Định Công năm thứ 10", Dương Bá Tuấn biên soạn và chú giải "Xuân Thu Tả truyện chú giải", trang 1582.

[15] "Tả truyện - Ai Công năm thứ 9", Dương Bá Tuấn biên soạn và chú giải "Xuân Thu Tả truyện chú giải", trang 1652.

[16] Nguyên văn: 冲冠一怒为红颜 (Xung quan nhất nộ vị hồng nhan), trích từ bài thơ "Viên Viên khúc 圓圓曲" của Ngô Vĩ Nghiệp (吳偉業, 1609-1672) viết về Trần Viên Viên, người thiếp yêu quý của tướng Ngô Tam Quế.

[17] "Chiến Quốc sách - Ngụy 4", trang 917.

[18] "Chiến Quốc sách - Sở 1", trang 488.

[19] "Chiến Quốc sách - Sở 1", trang 489.

[20] "Chiến Quốc sách - Sở 1", trang 489.

[21] Câu này được trích từ "Chiến Quốc sách - Sở 1", trang 488-490.

[22] "Yến Tử Xuân Thu" quyển 8, "Ngoại thiên 8", trích từ "Yến Tử Xuân Thu tập giải thích" do Ngô Tắc Ngu (吴则虞, 1913-1977) biên soạn, Trung Hoa thư cục, 1962, trang 510-511.

[23] Ngô Tắc Ngu: "Yến Tử Xuân Thu tập giải thích", trang 511.

[24] Dương Thiên Vũ (杨天宇) soạn: "Chu Lễ dịch và chú giải", Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải, 2004, trang 248.

[25] Đường • Lưu Tri Kỷ: "Sử thông 史通 - Nội thiên 内篇" quyển 8 "Thư sự 书事 29", dẫn từ "Sử thông thông thích", Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải, 1978, trang 231. Nguyên văn: "記功書過, 彰善瘴惡" (ký công thư quá, chương thiện chướng ác).

[26] Đường • Lưu Tri Kỷ: "Sử thông - Nội thiên", trang 231. Nguyên văn: "讀之者為之解頤,聞之者為之撫掌" (độc chi giả vi chi giải di, văn chi giả vi chi phủ chưởng).

[27] Thanh • Lưu Hy Tải (劉熙載, 1813-1881): "Nghệ khái 藝概" quyển 1 "Văn khái 文概", Ba Thục thư xã, 1990, trang 56. Nguyên văn: "纷者整之,孤者辅之,板者活之,直者婉之,俗者雅之,枯者腴之:剪裁运化之方,斯为大备" (phân giả chỉnh chi, cô giả phụ chi, bản giả hoạt chi, trực giả uyển chi, tục giả nhã chi, khô giả du chi: tiễn tài vận hoá chi phương, tư vi đại bị).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com