Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

3.

Hôm nay là thứ Bảy, tôi lại đến trường họp như thường lệ hàng tuần. Cuộc họp vẫn diễn ra như mọi lần: báo cáo kết quả tuần học vừa qua, triển khai kế hoạch cho tuần tới, bàn về phong trào và các công việc lao động.

Cuộc họp kết thúc thuận lợi.

Chiều đó, tôi có buổi họp lớp, nhưng trước hết phải soạn hành lý cho chuyến du lịch sắp tới. Tôi chọn những bộ đồ thoải mái nhất — những trang phục mà khi ở đây tôi chưa bao giờ dám mặc. Tôi nghĩ rằng ở nơi mình sắp đến, chẳng ai biết tôi là ai, vì vậy tôi sẽ tự tin diện những bộ đồ mình yêu thích.

Sau một lúc loay hoay, cuối cùng tôi đã chuẩn bị xong: một vali, một túi xách lớn và một túi xách nhỏ.

Lúc đó cũng sát giờ hẹn, tôi lại bắt đầu chọn trang phục cho buổi tiệc tối. Việc này thật khó khăn. Từ hồi cấp hai, tôi đã luôn tự ti về bản thân mình, và đến khi gần 30 tuổi thì cảm giác ấy càng mạnh mẽ hơn.

Cuối cùng, tôi quyết định mặc một bộ đồ thật thoải mái: quần suông rộng, áo thun đơn giản, khoác bên ngoài một chiếc áo sơ mi nhẹ nhàng. Tôi không trang điểm cầu kỳ, chỉ thoa nhẹ chút son rồi thay đồ, ra khỏi nhà đi đến chỗ hẹn.

Lần này họp lớp chỉ có chín người.
Nhìn sơ qua đều là những gương mặt quen thuộc
- Ấy, sình tới sình tới.
Tôi vừa mới bước vô quán, Đức đã nhận ra mà kêu lên. Cái biệt danh ấy cũng là do nó đặt từ tiết học văn. Cô kêu mỗi người tự phân tích tên của mình. Vậy mà nó rảnh rỗi đi phân tích tên tôi thành bông sen cắm trong bãi sình.
- Ê! 15 năm rồi nha, đừng kiếm chuyện à!
Tôi vừa nói vừa nhường mày tỏ ý đang đùa. Mọi người cũng biết nên cười rộ lên.
- Rồi rồi đủ rồi, vô tiệc anh em ơ - Thiện lên tiếng, vẫy tay ra hiệu cho mọi người.
Tôi ngồi vào bàn, bên cạnh tôi là Tâm và Hiền. Một đứa là con gái, đứa còn lại cũng là chị em, không chỗ ngồi nào lý tưởng hơn ở đây.
Mọi người bắt đầu gọi món.
- Giờ cuộc sống sao rồi mấy ní, tâm sự xíu đi.
Thiện mở lời khi thấy ai cũng im lặng. Tính nó là vậy, luôn năng động, đôi lúc cũng ồn ào. Hồi lúc còn đi học, nó luôn được giáo viên nhớ mặt vì cái tính đó.
- Nói trước đi ní.
Hào hất mặt.
- Tui giờ cũng ổn ổn đó. Dành dụm được chút ít - Thiện cười.
- Ủa rồi hôm bữa thấy quen bồ mà, sao nay không chở theo? Chia tay rồi hả ba? - Đức tỏ ý chọc ghẹo.
- Chia tay cái đầu mày. Nay bồ tao bệnh nên không đi. Đang yêu đương ngon lành định năm tới cưới mà chia tay cái gì.
Thằng Quang đang im lặng cũng mở lời.
- Cưới chạy bầu hả ba, làm gì gấp dị.
Nghe Quang nói vậy, ai cũng cười nắc nẻ. Hồi đi học, Thiện nó cũng có tí nhan sắc nên hay đi tán gái. Có khi còn chưa kịp tán đã có mấy em lớp kế bên chạy theo xin được làm người yêu. Nên giờ mà đồn nó cưới chạy bầu chắc ai cũng tin sái cổ.
- Trời trời, cả năm gặp một lần mà tụi này muốn tao chửi hay gì á.
Mới ban nãy cả bàn còn im lặng chẳng ai thèm nói với ai một câu. Mà bây giờ đã náo nhiệt. Hồi đi học, trong lớp mà yên tĩnh thì cũng chính tụi nó quậy um lên. Lúc đó trong lớp có một nhóm chuyên bày trò, là cái Thiện, cái Đức, Khang với Thuận.
Mà, Thuận?
Khang thì có nhắn trước với mọi người là bận nên không tham gia được. Nhưng Thuận thì không thấy tin tức gì từ nó.
- Ê, ngồi nảy giờ mới nhớ, sao Thuận nó không tới? Hồi trước cũng nằm trong nhóm cái bang của tụi bây mà.
- Ai mà biết, hồi còn cấp còn học chung nó. Mà lên đại học một cái là nó mất tăm hơi, không ai biết nó ở đâu.
- Nghe nói nó đỗ Bách Khoa ngành cơ khí.
- Ghê dị.
Trong tâm tưởng của tôi, Thuận là một đứa từng rất đáng ghét.
Hồi cấp hai trường tôi có xếp hạng thành tích trong lớp. Tôi còn nhớ rất rõ mới vào năm lớp sáu, lúc mà cả hai còn chưa biết nhau là ai thì nó đã chỉ thẳng vào mặt tôi rồi nói sẽ giành được hạng nhất và đá tôi rớt xuống cuối lớp.
Lúc bấy giờ tưởng nó bị thần kinh nên không trách cứ. Nhưng rồi đến cuối năm học. Tôi hạng nhất và nó hạng hai, chỉ thua tôi 0,1.
Nó tức đến xì khói. Từ đó tôi và Thuận trở thành đối thủ truyền kiếp, oan gia ngõ hẹp, không đội trời chung.
Nhưng không có nghĩa là chúng tôi không thân nhau.
Lên lớp bảy, hai đứa bắt đầu thân với nhau đến lúc vào cấp ba thì không còn liên lạc cho đến bây giờ.
Gia đình Thuận cũng nghèo khó, nhà chỉ có ba nó và nó. Hai cha con nương tựa vào nhau mà sống từ lúc nó bé đến giờ.
Tôi còn nhớ như in cái lần nó không cho ai lại nhà vì tự ti ở nhà trọ. Lúc đó, với suy nghĩ của một đứa nhóc lớp bảy, tôi đã nói, bạn bè chơi với nhau vì hợp tính chứ có phải vì mày giàu hay nghèo đâu.
Vậy mà nó nhớ mãi.
Đến cuối lớp chín khi đang kí tên lên áo làm kỉ niệm, nó nhắc lại lần đó. Từ đó tôi cũng có cái nhìn khác về nó.
Giờ nghĩ lại, có lẽ vì câu nói đó mà chúng tôi mới thân nhau như vậy.
Bây giờ đã lâu không gặp cũng không liên lạc hay tin tức, tôi có lúc chạnh lòng.
- Dô nè anh em, dô nè.
Tiếng của cái Thiện làm tôi giật mình. Thức ăn đã dọn ra bàn từ bao giờ. Trước mặt tôi là một lon nước ngọt có gas.
- Nước ngọt mà cũng dô nữa ní.
Quang buông lời ghẹo nhưng tay thì vẫn nâng ly nước ngọt lên.
- Uống bia rồi chạy xe cho tao gặp ông bà tao sớm hả.
Mọi người thấy vậy cũng nâng ly lên.
Tôi cũng với tay lấy lon nước trước mặt rồi mở ra rót vào ly.
- 1.
- 2.
- 3.
- Dô!
Nhìn nét mặt tụi nó ai cũng thoải mái như cái thuở mười ba, mười bốn tôi cũng nao lòng.
Nhớ lại vào liên hoan năm lớp 9, tụi nó cũng như vậy. Đứa nào cũng một ly nước suối là hô hào như đang uống rượu. Thầy tổng phụ trách còn hiểu lầm là đang uống rượu thật nên đi lại nhắc nhở. May mà cô chủ nhiệm ra giải thích, chứ không là bị trừ điểm thi đua rồi.
Vậy mà một lúc sau thằng Khang cũng diễn như say thật. Cái giọng nhại nhại, mắt sụp cả mí, còn đi loạng choạng không vững. Kết quả là trượt chân té đập đầu vào cạnh bàn.
Giờ nhớ lại những kỉ niệm đó thấy cũng vui vui, cũng nhớ nhớ, cũng muốn quay trở về thời học sinh.
Cả bàn vừa ăn vừa kể chuyện hồi còn đi học với nhau. Nhưng qua mỗi câu chuyện tôi giật mình không tin chúng tôi từng như vậy.
Ba mẹ thằng Kiên hồi trước ly hôn, ba nó có vợ mới, mẹ nó cũng tiến thêm bước nữa, còn nó thì chọn ở cùng bà ngoại.
Hai bà cháu ở cùng nhau trong căn nhà nhỏ lụp xụp cạnh sông. Bà nó thì sống nhờ tiền trợ cấp, còn nó thì học một buổi, buổi còn lại ai thuê gì làm đó. Bữa nào mà người ta thấy thương cho thêm thì hai bà cháu nó được no, có cơm, có thịt, có rau. Bữa nào không ai mướn thì ăn cháo với kho quẹt.

Thấy vậy chứ nó thương bà mình lắm. Bà nó nói một là một, hai là hai, không cãi lời.
Hồi đi học có lần nó đánh nhau. Lúc cô định đến nhà nó nói chuyện với bà thì nó thay đổi ngay. Nó năn nỉ cô đừng lại nhà, nhà thì nghèo, ngoại thì bệnh, giờ mà hay tin nó đánh nhau thì chắc bệnh còn nặng hơn.
Cô giáo thấy vậy cũng hiểu được phần nào nên không đến. Nhưng cô ra điều kiện. Nó không được đánh bạn khác nữa và phải học hành siêng năng hơn.
Nó cũng nghe lời. Sau đợt đó không còn đánh nhau, học hành cũng đi lên. Dù điểm không cao lắm nhưng vẫn chấp nhận được.
Một hôm đang đi học về, có người trong xóm báo tin bà ngoại nó mất.
Nó không khóc nhưng ai cũng thấy nó thất thần, đôi mắt vô hồn. Rồi phi thẳng về nhà, lo đám tang cho bà nó.
Sau đợt đó Thiện vẫn vậy, vẫn tươi cười, đùa giỡn nhưng không mọi người đều ngầm hiểu.
Bây giờ nó vẫn vậy. Vẫn năng động, vẫn vui vẻ. Nhưng trong gần 15 năm qua không biết nó đã vật lộn với cuộc sống ra làm sao.
Còn nhỏ Hiền. Hồi trước nó thích hát, thích ca, thích múa. Văn nghệ nào trong trường cũng thấy nó tham gia.
Vào cấp ba, tôi và nó vẫn học chung. Nó vẫn tham gia văn nghệ, phong trào đều đều.
Thế mà đến năm 12, lúc định hướng nghề nghiệp, gia đình không cho Hiền học sân khấu. Họ nói đó là cái nghề tạm bợ, không chắc chắn. Nếu may thì phất lên như diều gặp gió, danh tiếng, tiền tài không thiếu thứ gì. Nhưng nếu không may, thì chẳng khác gì chiếc tàu đang chìm, chẳng ai để mắt, chẳng ai quan tâm. Hiền bất lực mà nghe gia đình, đi theo con đường sư phạm. Nhưng trong thâm tâm nó chưa từng nghĩ đến điều đó. Nó đã khóc rất nhiều và kể lại cho tôi nghe như thế.
Là người ngoài, đứng bên ngoài để nhìn câu chuyện, tôi cũng không biết mình nên làm như nào. Họ là thế hệ trước, đã từng bước đi, đã từng vấp ngã và cũng từng đứng dậy.
Tôi không thể khuyên Hiền cãi ba mẹ mình để theo đuổi đam mê. Cũng không thể nói nó phải nghe theo lời gia đình. Tôi chỉ tâm sự với nó về cuộc đời rồi chốt lại với những lời nói từ tận đáy lòng. Ta phải chấp nhận những gì cuộc đời ban cho mình, có thể như ý hoặc không. Ai cũng có cho mình một giấc mơ, một giấc mơ lộng lẫy, huy hoàng và hoành tráng. Nhưng rồi hiện thực lại vả cho ta một cú thật đau. Song, hãy nhớ này. Ác mộng cũng chính là một giấc mơ, và không ai mong sẽ nhìn thấy nó cả. Nếu không may gặp phải cũng chẳng sao. Đời người có rất nhiều giấc mơ, và đây chỉ là một trong ngàn giấc mơ ấy. Đừng bao giờ từ bỏ hi vọng cho đến khi gặp được giấc mơ mà mình mong muốn.
Nó im lặng, không nói gì. Tôi cũng hiểu và cũng im lặng.
Còn bây giờ, khi có người kêu Hiền hát, nó không hát, một chữ cũng không. Có lẽ nó không muốn khơi lại giấc mơ từ lâu đã ngủ quên trong nó.
Bàn tiệc chín người, vẫn là những con người ấy, vẫn là những cô cậu ấy, nhưng bây giờ họ đã lớn, đã trưởng thành.
Bữa tiệc diễn ra suông sẻ, mọi người cười nói, tâm sự với nhau.
Đến 20 giờ thì có đứa đã xin về vì còn vợ con ở nhà. Có đứa thì sáng hôm sau còn có việc nên cũng xin về sớm. Lúc này trong bàn chỉ còn 4, 5 người.
Tôi thấy vậy cũng nhanh chân chuồn về trước khi trời quá vắng.

Về đến nhà, tôi lặng lẽ bước vào phòng tắm, để cho dòng nước ấm trôi đi bao mệt mỏi. Thay bộ đồ thoải mái, sấy tóc nhẹ nhàng rồi ngả người lên giường, tưởng rằng ngày cuối cùng trước chuyến du lịch đã khép lại êm đềm.

Bỗng nhiên, tiếng chuông điện thoại vang lên liên hồi. Teng... teng... teng...

Ánh đèn màn hình hiện lên cuộc gọi nhỡ từ chị Hai. Tôi vội với tay, bấm gọi lại.
- Mười giờ tối rồi mà gọi gì vậy bà hai? - Tôi cười khẽ hỏi.
- Mở cửa đi! Cả nhà tao kéo sang ngủ ké nè! - Chị đáp, giọng hào hứng qua màn hình.

Trên màn hình, tôi thấy bóng chị, anh rể và bé Bắp đang bước qua con đường nhỏ, từng bước chân nhẹ nhàng trong đêm.
- Xây nhà chi mà suốt ngày kéo qua nhà tui ngủ ké quài vậy? - Tôi nhăn mặt, pha chút mệt mỏi nhưng vẫn không thể giấu nổi niềm vui.

Bỏ hết mọi bực dọc, tôi đứng dậy mở cửa, đón lấy tiếng cười nói rộn rã lan tỏa khắp không gian.

Đêm đó, chúng tôi cùng trải nệm trên sàn nhà, bên nhau quây quần, giấc ngủ đến nhẹ nhàng và ấm áp như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com