Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Rv

Gần đây với những mọt sách mê truyện cổ đại, Tiệm đồ cổ Á Xá có lẽ là một trong những tựa sách không mấy xa lạ. Vừa rồi tôi đọc qua tập 4 của bộ truyện trên, đến phần Ngọc Ông Trọng lại nhớ đến tác phẩm Nỏ Thần của tác giả Tô Hoài.

Nhiều người biết đến Tô Hoài với Dế Mèn Phiêu Lưu Kí, bản thân tôi lại thích Đảo Hoang, nhưng ngẫm nhiều thì đọc Nỏ Thần là sâu sắc nhất.

Một cuốn sách dày độ sáu chục trang, kể lại câu chuyện cổ tích về An Dương Vương, thành Cổ Loa, tướng Cao Lỗ và mối tình ai oán của Mị Châu - Trọng Thuỷ dưới một cái nhìn khác, rộng lớn hơn, dân gian hơn, tình nghĩa và sâu sắc hơn.

Chúng ta đã quen với những thánh thần trong cổ tích, vậy để tôi tóm tắt lại Nỏ Thần - nơi chỉ có con người cho các bạn. Năm xưa An Dương Vương cùng quần thần giết giặc Bắc, xây thành Cổ Loa để bảo vệ non sông. Người chỉ điểm xây thành cũng như đề ra ý tưởng làm nỏ cho ngài không phải tiên nhân hay rùa thần nào cả. Người đó họ Lý tên Ông Trọng, một cụ già tuổi ngoài số trăm nhưng sức vóc vạm vỡ, lên đô vật vẫn hạ được đám thanh niên bằng cả sức lẫn mưu. Ông lưu lạc đất Bắc tư thuở trẻ, sau được về với quê hương. Việc ông về thế nào, đọc sách từ lâu nhớ không xuể nữa rồi. Chỉ biết trước khi thành xây xong ông đã qua đời, hai đứa nhóc năm xưa cùng ông uống chè ăn gỏi cá là Đô Lỗ và Đô Nồi phụ trợ An Dương Vương xây thành.

Thành xây xong một thời gian, là sự kiện thái tử Trọng Thuỷ sang ở rể nước ta. Đoạn này lại phải nói đến tâm lí của Trọng Thuỷ. Trong sách miêu tả rất kĩ về nhân vật này. Vào những lúc tiệc rượu, dân ta mở hội đô vật, Trọng Thuỷ là người phương Bắc nên không tham gia. Y bị coi thường. Nhưng đó không phải trọng điểm. Sự coi thường đó chẳng là gì khi cách đối xử của người trong thành với y quá đỗi thân thương. Có lẽ y xa cách đấy, y khác lạ đấy, nhưng y ở đây rất lâu. Y sống giữa những con người hoà đồng và giản dị, y học họ để làm một đô vật, y cũng quấn khố, cũng ăn thịt trâu. Y dường như thành một người dân ở đất nước này. Vậy nên, khoảnh khắc Trọng Thuỷ lừa Mị Châu để trộm nỏ thần, không qua loa như trong cổ tích, mà đó là quá trình đấu tranh tâm lí của y. Tôi thấy một Trọng Thuỷ cảm mến con người phương Nam, một Thái tử nặng gánh với đất Bắc quê nhà. Người ta nói, không gì so được với quê cha đất tổ, nên y chọn quê hương mình. Đau đớn thay, y đã phản bội những người ở đây, y đã phụ bạc chân tình của người vợ chung thuỷ.

Bàn về Trọng Thuỷ, ta không thể quên Cao Lỗ, vì y là lí do khiến Cao Lỗ bỏ thành mà đi biệt xứ. Thuở còn đội đất xây thành, Cao Lỗ vẫn là tướng của An Dương Vương, thanh niên trai tráng lớn lên dưới ý chí vì nước vì dân của Ông Trọng, cảm phục tháng ngày cùng nhau chia ngọt sẻ bùi vua tôi chung một mâm cơm với An Dương Vương. Thế nhưng thành xây xong, nỏ uy trấn giữ, An Dương Vương lại xa cách dân chúng, xa cách tháng ngày cùng dùng một mâm cơm đạm bạc ấy. Ngay từ đầu Cao Lỗ đã phản đối việc đồng ý cho Trọng Thuỷ ở rể, nhưng An Dương Vương chẳng hề lắng nghe. Thế rồi Trọng Thuỷ đến làm rể, ở lại đất ta. Tôi không nhớ rõ Cao Lỗ bỏ đi khi nào, chỉ nhớ trong đêm vắng ấy, người tướng tài khắp tám cõi nghe danh đã đến gọi Tàm - cô gái năm xưa cùng đội đất có giọng hát như tiếng chim rừng đi cùng. Hai người bỏ đi biệt xứ.

Rồi cũng đến ngày Triệu Đà đánh Âu Lạc. Lúc nhận ra nỏ mất thì đã quá muộn màng. Bạn còn nhớ Đô Nồi ngày xưa cũng từng ở cùng Đô Lỗ và Ông Trọng không? Người ấy vẫn ở bên An Dương Vương, một nhà bốn người cưỡi voi mở đường cho vua chạy, thế rồi chết trên lưng voi. Hình ảnh ấy vẫn mãi đọng lại khi trang sách lật qua - một vị tướng hết lòng vì bậc quân vương của mình, hết lòng vì đất nước.

An Dương Vương chém đầu Mị Châu không phải nhờ rùa thần mách bảo, mà vì ông nhận ra con gái đang để dấu cho giặc. Vậy ai là người cứu ngài, đưa ngài xuống biển? Ấy là Cao Lỗ - người đã bỏ xứ mà đi bấy lâu nay. Ở đây tác giả không miêu tả kĩ càng, chỉ là một câu nói của An Dương Vương khiến độc giả biết người đó là ai mà thôi.

Thế là hết một câu chuyện xưa cũ.

Thấm thoát trôi qua nhiều năm, Hai Bà Trưng thắng trận, tám cõi vang tiếng trống mừng, có một cụ già ngồi bên đường, nói chuyện với một người che mặt. Lúc câu chuyện kết thúc, người ấy nói một câu, khiến cụ già mở to đôi mắt sáng. Và rồi cụ già bật thốt lên:

- Cao Lỗ, ông là Cao Lỗ đấy ư?

Sách đến đây là hết.

(Có vài chi tiết không nhớ rõ, chờ đọc lại rồi sửa :v)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com

Tags: #bay