4: Giông và bão
Một dạo cha thằng Bồng thường lườm nguýt, nói năng cụt lủn, lởm chởm xù thái độ cáu kỉnh với thầy Vũ.
Đến đợt nắng lim dim nheo mắt chế giễu mặt đất, cha Bồng dường như bị chính hành động lạ lùng của mình làm trăn trở đến khó chịu, ông thở một hơi dài sườn sượt, thốt ra từng lời trông nặng nề:
"Chú Vũ, chú..."
"Có chuyện chi vậy anh hai?" – Thầy Vũ loay hoay xếp lại chồng sách được đặt trong cái tủ nhỏ, hông trái bàn thờ, nhẹ nhàng hỏi.
"Chú cũng tới tuổi rồi hen."
"Tới tuổi gì hở anh? Anh định hỏi chuyện dạy trên trường à? Hay chuyện học hành của cu Bồng?"
"Thì chú dừng việc một tí, nghe anh nói đã."
Thầy Vũ quay mặt hướng đối phương, cha thằng Bồng ấp úng kỳ nặng nhọc, muốn nói nhưng cũng hệt không muốn nói.
"Tối mấy bận trước người ta đi đồng về, thấy...thấy chú..."
Thầy Vũ chột dạ, tay thầy khẽ run run
"Người ta thấy gì... hở anh...anh hai?"
Ông Thưởng – tên thiệt cha thằng Bồng, thở hắt, nhíu mày, đi đến cái ghế giữa nhà ngồi thụp xuống rồi hậm hực: "Thì thấy chú với thằng cu Nguyên....thấy đang ôm nhau chứ sao. Má sắp nhỏ để ý từ hồi lâu, thằng cu Nguyên hay sang nhà chú lắm."
Bằng tất cả những sự cáu kỉnh mà đời vấn lấy cho ông, ông ngập ngừng nhưng mặt đanh lại hỏi thầy Vũ, sắc giọng nghiêm túc:
"Chú nói thiệt cho anh nghe đi...có thiệt..có thiệt chú...chú là loại người như vậy không?"
Phải thì sao? Mà, không phải thì sao?
Nếu cái kim trong bọc có ngày lòi ra thì ông cũng không thể lặng im hay khoanh tay nhìn em mình giấu giếm một bí mật hay một tình yêu sâu lặng, câm kín đến thế. Thứ em mình đang che lấp là thứ chuyện mà ông cho rằng phải đổi trả bằng sự nuối tiếc của cả cuộc đời.
"Em thấy em thương Nguyên, anh à." – lặng một hồi lâu, giọng thầy Vũ nhẹ tênh, nhỏ đến mức nếu không nghe kỹ sẽ ngỡ là gió đang hiu hiu tạt qua.
Ông Thưởng thở sướt ra hệt buổi đầu, cú thở làm tan biến sạch những băn khoăn đang trăn trở trên khuôn mặt thấm nắng. Ông chêm tiếng nói ở cái miệng vàng cáu kỉnh:
"Tui thấy cô Sen đầu xóm cũng đẹp người đẹp dạ lắm đó chú. Chứ...chứ cái xóm này ấy hả, 'thính' lắm."
Thầy Vũ lắc đầu, cúi mặt rời đi, bỏ lại đó tiếng lòng đang gào thét của người anh cả.
"Cuộc đời của chú, chú phải lo, lo thiệt tốt chứ?"
Và hệt lời ông Thưởng nói, trống chiều vào trường cả học sinh lẫn giáo viên nhìn thầy Vũ, nhìn Nguyên một cách lạ lẫm.
Họ nhìn nghi ngờ, nhìn phân biệt. Những ánh mắt đong đưa, bóng mẫy lộn ngược theo chiều ghét bỏ.
Tiết toán, mọi ngày đến giờ này lũ học sinh cho dù có uể oải cách mấy chúng cũng vẫn hăng hái, sôi nổi, bởi đó là tiết do thầy Vũ đứng lớp.
Thầy Vũ không những giảng giải cho chúng về các con số khô khan mà còn đưa chúng trở về mọi miền lịch sử xa xôi, cũ kỹ. Không một ai từng nói cho lũ học sinh đầu đời này nghe về những chuyện đó.
Hệt thầy Vũ của đoạn ngày tháng mà tim chất đựng một bóng hình non thơ, thầy cũng chưa bao giờ hé miệng thổ lộ thứ tình cứ dâng đầy, cứ lớn dần trong mình với chúng.
Có lẽ bây giờ, chúng đang hoảng hốt, chúng đang tò mò, đang tự hỏi rằng người đứng lớp hằng ngày với chúng chôn giấu một khối tình yêu – thứ mà ai bắt buộc cũng phải có nhưng khối tình yêu ấy "bình thường" đến mức, cha mẹ thi nhau rót vào tai chúng những lý do cụ thể để hòng bắt buộc chúng phải ghét bỏ, phải xỉ vả và tránh xa khối bí mật ấy lẫn người chôn giấu nó.
Thầy Vũ như kẻ mù, kẻ điếc, kẻ câm trước thái độ và lời thầm thì của tất cả mọi người. Có ai mang bí mật ấy mà không đoán trước được sự hiện diện tồn độc này đâu.
Ở cái thời đó, cái thời mà người ta dành hết phân nửa quãng cuộc đời chỉ để lăn lộn, trăn trở với đồng ruộng với gió nồm phảng phất. Người ta còn dám để tâm đến thứ gì ngoài 'tiền và gạo'?
Tình yêu, trở thành thứ xa xỉ trong những tâm hồn còm cõi. Những tâm hồn luôn được đóng hộp, ngưng đọng bằng định nghĩa 'bình thường' đầy kiên cố. Bỏ quên những trái tim đang nhịp nhàng đập vì nhau mà không phân biệt 'nắng', hay 'mưa'.
Nguyên rơi vào chơi vơi, em giả sốt, trốn lì trong buồng từ hôm cả xóm lố trố nhìn em rồi buông lời giễu thầy Vũ là người có học thức nhưng tánh tình không đường hoàng. Người ta không ngớt cho rằng thầy Vũ 'đang mang bệnh', mang thứ bệnh mà chỉ những người đi xa, lâu ngày không gần đàn bà mới có.
Thầy Vũ cố bỏ lại những lời oái ăm phía sau, tiếp tục dạy học, tiếp tục đặt câu hỏi và câu trả lời thầy nhận được là những ánh mắt ái ngại của lũ học trò mới lớn.
Cơn gió độc vô tình ngang qua, thổi mọi tiếng xấu xung quanh thầy Vũ đến tai thầy hiệu trưởng.
Càng ngày, trong hộp thư kiến dân của nhà trường càng xuất hiện nhiều bức thư viết tay nguệch ngoạc. Hiệu trưởng tận mắt đọc hiểu những bức thư ấy, phụ huynh có con em theo học tại trường đòi phải đình chỉ công tác thầy Vũ hoặc con em của họ sẽ chuyển đến trường khác, "xa nhưng an toàn, không thể để con em chúng ta trở thành một kẻ 'không bình thường' được" – đây là lời khẳng định trích trong một bức thư dài nhất gửi đến ban giám hiệu.
Một ngày nắng chông chênh như lười nhác phủ bóng, thầy Vũ được ban giám hiệu mời vào họp riêng trong căn phòng ngói tôn xập xệ.
Thầy biết rõ, một khi đã bước chân vào căn phòng xuề xòa này thì lúc ra về thầy buộc phải rời khỏi đây, mãi mãi.
"Như thầy giáo Vũ đã biết, theo dõi tình trạng và những luồng ý kiến hiện tại, việc giữ thầy lại công tác là điều bất cập đối với nhà trường. Khách quan mà nói đây là trường dân lập, chúng tôi chỉ có bổn phận điều hành và quản lí.tạo cho con em tại đây một môi trường học tập lành mạnh và đúng quy chuẩn...." – hiệu trưởng nói đậm hoặc cố tình nhấn mạnh hai chữ 'lành mạnh' như đâm thật sâu, khoét thật sâu vào vết thương đang rỉ rả máu, dừng lại sau chữ 'chuẩn', uống một ngụm nước rồi lấy hơi tiếp lời:
"Vì thế dựa vào ý kiến thống nhất của hội đồng ban giám hiệu, nhà trường quyết định đình chỉ công tác dài hạn đối với giáo viên bộ môn Toán, Châu Kha Vũ."
"Nhưng thưa thầy, tôi đang làm rất tốt công việc của mình và tôi cũng không vi phạm bất kỳ nội quy nào của nhà trường về bổn phận giáo viên. Tôi muốn kháng nghị lý do ban giám hiệu đưa ra để đình chỉ tôi không đủ rõ ràng, không đủ thuyết phục" – Thầy Vũ nghiêm mặt phản bác.
"Có, thầy có đấy, riêng chuyện đời tư của thầy đã là một trong những lỗi vi phạm lớn nhất rồi" – hiệu phó ngồi chễm chệ cuối bàn tròn, bất thình lình lên tiếng, bà ta giương cặp mắt bóng nhẵn đưa đôi môi đỏ son ra tiếp lời kháng nghị của thầy Vũ.
Trông bà ấy chỉ toát lên một vẻ cứng rắn của người đàn bà đã ngoài tứ tuần, không tìm thấy một thái độ gọi là ác ý nhưng những lời nói vừa được ban phát đó, ánh nhìn trừng trộ đó liệu có đủ để bao biện cho những thiện chí trong con người bà ta?
Như bị tống thẳng xuống vực sâu, thầy Vũ thở vào kìm nén thất vọng. Ngóp đầu đứng dậy cúi chào tất cả giáo viên có mặt trong phòng họp rồi lọc cọc rời khỏi.
Con chim sáo sổ lồng, có nhớ được đường về nhà hay không?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com