Đề số 3
Nhà văn Anh, A.L.Huxley cho rằng: "Văn học giống như ánh sáng, nó có thể xuyên thấu mọi thứ". Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến , trên. Hãy làm sáng tỏ qua văn bản "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân và "Vội vàng" của Xuân Diệu.
"Mùa hè nào gặp gỡ
Mùa hè nào chia ly
Mùa hè nào hội ngộ
Tôi cầm trên tay hai mùa hè rực rỡ
Mùa hè cuối cùng rơi đi đâu."
(Trích bài thơ "Thơ từ Mắt Biếc" - Nguyễn Nhật Ánh)
Cứ mỗi mùa hè trôi qua, biết bao nhiêu thế hệ học sinh lại đi qua những trang sách vở, trong đó có những trang văn yêu dấu: ta gặp gỡ văn, rồi như kết quả của đa phần những cuộc gặp gỡ trên thế gian, ta buộc phải chia ly văn để bước vào hành trình khám phá những chân trời mới, rồi sau này khi đã trưởng thành hội ngộ lại cùng văn chương. Bất cứ là thời điểm nào trong cuộc đời, chỉ một cái chạm nhẹ của văn chương vào trái tim, ngay lập tức tâm hồn liền ta bừng lên, rực rỡ y hệt ánh nắng của những ngày hạ năm ấy còn ngồi trên ghế nhà trường, tựa như nhà văn Anh A.L.Huxley nhận định "Văn học giống như ánh sáng, nó có thể xuyên thấu mọi thứ."
Ánh sáng trong câu nói của nhà văn là giá trị nhận thức và giá trị thẩm mỹ của văn học. Nếu như ánh sáng mặt trời chiếu sáng và sưởi ấm cho vạn vật trên thế gian thì ánh sáng văn chương là thứ ánh sáng đẹp đẽ, kỳ diệu soi rọi và chiếu sáng tâm hồn độc giả. Văn chương soi sáng bằng những giá trị thẩm mỹ về cả nội dung lẫn nghệ thuật mà nhà văn đã chuyển hóa vào trong tác phẩm của mình, hướng người đọc đến chân trời chân thiện mỹ. Tia sáng của văn học có thể xuyên thấu mọi ngóc ngách của đời sống con người.
Văn học là hoạt động nhận thức và sáng tạo nghệ thuật, mà nguồn gốc của nghệ thuật là cái đẹp. Vì thế, giá trị thẩm mĩ được xem là một trong số những chức năng cơ bản nhất của văn học. nhờ có giá trị thẩm mĩ, mà các tác phẩm văn học lay động được trái tim của các độc giả. Cái đẹp trong tác phẩm văn học đã được chọn lọc, chưng cất, nhân lên nhiều lần để khi đưa vào trang viết, những gì còn sót lại là những gì tinh túy nhất. Văn học nghệ thuật tồn tại với tư cách là một hình thái nhận thức, có tác dụng soi sáng, mở rộng sự hiểu biết cho con ngươi. Văn đưa ta tới những chân trời tri thức, giúp ta hiểu hơn về cuộc sống con người ở mọi không gian và thời gian, thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ làm bừng sáng nhận thức của con người, mở đường đạo đức, giúp con người hướng thiện và hoàn thiện nhân cách. "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân và "Vội vàng" của Xuân Diệu là hai trong số vô vàn trác phẩm trong kho tàng văn học Việt Nam đạt đến đỉnh cao của giá trị nhận thức và giá trị thẩm mỹ.
Nguyễn Tuân đã từng nói: "Lửa ga trong hộp diêm có thể tắt, nhưng đừng để lửa trong trái tim nguội lạnh." Nhờ ngọn lửa yêu cái đẹp trong trái tim luôn cháy bỏng, nhà văn tài hoa đã dấn thân vào con đường truy tìm cái đẹp, cái đẹp của Nguyễn Tuân hướng đến không phải cái đẹp bình dị như trong văn Thạch Lam, cái mà người thanh niên tri thức ấy đã tận hiến cả cuộc đời mình để khám phá cho đến kỳ cùng thông tỏ là cái đẹp vượt ra ngoài giới hạn thông thường, cái đẹp phi thường, ở những nơi không ai ngờ đến nhất trong "Chữ người tử tù". Huấn Cao, một tên tử tù, một tên đại nghịch phản loạn lại là một người có tài viết chữ đẹp, khí phách hiên ngang, nhân cách cao cả, thiên lương trong sáng. Mở đầu truyện ngắn là cuộc đối thoại giữa viên quản ngục và thầy thơ lại, qua cuộc trò chuyện ấy, ta có thể nhận ra Huấn Cao là bậc văn võ song toàn xuất chúng đến nhường nào. Khắc họa tài năng của Huấn Cao một cách gián tiếp, Nguyễn Tuân đã gây ấn tượng mạnh về cái tài của Huấn Cao. Tài năng của ông Huấn giống như một huyền thoại được hết thảy mọi người kính phục. Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả tài năng, Nguyễn Tuân còn tuyệt đối hóa tài năng của Huấn Cao, biến một con người có tài năng hơn người trở thành bậc thầy "Thần thơ thánh chữ". Người xưa có câu: "Nét chữ nết người", chỉ cần nhìn nét chữ của người thì ta có thể suy đoán ra được đôi phần tính cách của người đó. Đối với một bậc thầy Nho học như Huấn Cao, chữ viết là vô cùng quan trọng, nó không chỉ là những kí hiệu ngôn ngữ thông thường mà có là sự thể hiện toàn bộ nhân cách của một bậc đại chí. Những nét chữ của ông Huấn như muốn nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời người. Lẽ ra với tài năng kiệt xuất nhường ấy, nếu Huấn Cao chịu quy hàng triều đình thì có lẽ sẽ trở thành một vị quan quyền cao chức trọng, bổng lộc đủ đầy nhưng Huấn Cao đã nhất quyết không chịu cảnh vào luồn ra cúi, cá chậu chim lồng, ông nổi dậy chống lại triều đình. Sự nghiệp anh hùng bất hành, ông bị bắt, khép vào tội đại nghịch và lên án chém. "Hùm thiêng thất thế sa cơ cũng hèn, song ông vẫn sống những ngày ung dung, tự tại, đàng hoàng và đĩnh đạc. Huấn Cao đơn giản chỉ coi nhũng ngục tù là chốn nghỉ chân sau những ngày vùng vẫy. Huấn Cao là kẻ chọc trời khuấy nước khiến binh lính trong tù hoảng sợ. Huấn Cao ngoài cái tài viết chữ đẹp thì còn có tài bẻ khóa vượt ngục, cái dũng khí phá bỏ gông xiềng của Huấn Cao cũng lan truyền trong vùng như một huyền thoại. Hành động "rỗ gông xuống mặt sàn đánh cái huỳnh" thể hiện khí phách bất khuất của kẻ sĩ vượt lên trên cái tầm thường, vươn tới cái lý tưởng đầy sắc thái tự do, khao khát được vùng vẫy, tung hoành ngang dọc. Không chỉ tài hoa, Huấn Cao còn là một nhân vật có thiên thương trong sáng. Đằng sau vẻ ngoài lạnh lùng của ông, là một tâm hồn dễ xúc động trước cái đẹp và tấm lòng trong sáng của người khác. Huấn Cao có tài viết chữ đẹp, nhưng ông không bao giờ bán cái tài của mình, chỉ đem tặng vài bạn tri âm, tri kỷ, "không ép mình cho chữ ai bao giờ". Huấn Cao chỉ khinh thị những kẻ có nhân cách tầm thường, còn đối với những người có nhân cách cao đẹp, ôn lại hết sức trân quý. Ban đầu ông xem thường viên quản ngục vì cho rằng quản ngục chỉ là một tên tiểu nhân thị oai, nhưng sau khi đã hiểu ra được sở nguyện của đối phương, ông đã quyết định cho chữ, bởi vì ông nhận ra viên quản ngục như một đóa sen trong bùn: "Nào ta có biết người như thầy quản lại có sở thích cao quý đến vậy." Quyết định cho chữ viên quản ngục là Huấn Cao đã liệt thầy vào hàng bậc tri âm, tri kỷ của mình. Ánh sáng của "Chữ người tử tù" không chỉ toát lên từ hình tượng nhân vật Huấn Cao, mà nó còn tỏa sáng rực rỡ ở viên quản ngục. Một kẻ nắm quyền lực sống cuộc sống quẩn quanh chốn đề lao, nơi mà người ta sống lừa lọc, nơi mà con người ta dễ bộc lộ ra bản tính độc ác của mình nhất và cũng dễ bị nhiễm những tàn bạo, ghê sợ nhất, lại có tâm hồn tài hoa nghệ sĩ, biết giữ gìn bản chất lương thiện dẫu sống ở nơi xấu xa tăm tối, tấm lòng biệt nhỡn liên tài hiếm có. Viên quản ngục nhắc đến kẻ tử tù với một thái độ kính trọng không che giấu "Tôi nghe". Không chỉ dừng lại ở đó, trong những ngày Huấn Cao còn tại giam, viên quản ngục luôn bày tỏ thái độ kính trọng, khiêm nhường như đứng trước kẻ bề trên. Ông đã dũng cảm biệt đãi Huấn Cao trong những ngày cuối cùng ngay cả khi bị Huấn Cao coi thường. Quản ngục đã sai người đem rượu thịt và đồ nhắm cho Huấn Cao, khép nép bày tỏ rằng muốn châm chước ít nhiều cho tên tù nhân nguy hiểm. Cuối cùng, tấm lòng của viên quản ngục cũng được đền đáp, ở nơi ngục tù tăm tối lại diễn ra cảnh cho chữ thanh tao. Đúng là "một cảnh tượng xưa nay chưa từng có"! Cảnh cho chữ được diễn ra trong một không gian và thời gian vô cùng đặc biệt, nơi Huấn Cao viết lên những nét chữ "vuông lắm, đẹp lắm" không phải nơi thư phòng sạch sẽ, cũng không phải nơi phong cảnh hữu tình như thường lệ mà lại là không gian u tối, ngột ngạt của ngục tù " một buồng tối, chật hẹp ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián". Thời gian cho chữ sao cũng thật đặc biệt, đó không phải ban ngày hay bất cứ thời điểm nào khác trong ngày mà là giữa đêm khuya khoắt, khi bóng tối bao phủ và khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ. Huấn Cao lựa chọn thời điểm đặc biệt như vậy có lẽ là muốn giúp viên quản ngục tránh được những điều tiếng không đáng có. Bởi lẽ ngục tù là nơi đầy rẫy những thị phi, những bon chen và những trò hãm hại nhau. Huấn Cao không muốn một con người tốt đẹp như viên quản ngục bị cuốn vào vòng xoáy của sự xấu xa ấy. Người cho chữ ở đây là Huấn Cao, tuy nhiên khác với hình dáng của những tao nhân mặc khách khi cho chữ, Huấn Cao không được thư thái, tự do về thể xác mà cổ đeo gông chân vướng xiềng họa lên những nét chữ vuông vắn trên giấy trắng. Người xin chữ là viên quản ngục – người có đam mê với cái tài của Huấn Cao. Điều đặc biệt ở đây là vị trí của người cho chữ và kẻ xin chữ lại hoàn toàn đối lập, nếu như Huấn Cao là kẻ tử tù nguy hiểm bị biệt giam thì viên quản ngục lại là người cai quản nhà ngục có trách nhiệm giam giữ những kẻ tử tù nguy hiểm. Thế nhưng khi cho chữ thì vị trí của hai người lại có sự thay đổi hoàn toàn, viên quản ngục từ một người bề trên, kẻ nắm trong tay quyền lực, nắm trong tay quyền sinh quyền sát trở nên khúm núm, phục tùng cho kẻ tử tù khi "tay run run bê chạy mực" thì Huấn Cao kẻ tử tù lại trở thành người nắm thế chủ động, người tặng chữ và tặng những lời khuyên cho viên quản ngục. Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục nên thay đổi môi trường sống để cho thiên lương được trong sáng. Quản ngục đã vô cùng xúc động và quỳ lạy Huấn Cao "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh". Như vậy, khung cảnh cho chữ thật khác biệt, vị trí và quyền lực của những nhân vật trong truyện hoàn toàn bị đảo ngược, nghi thức cho chữ thông thường hoàn toàn bị đổi ngược mang đến những cảm nhận đặc biệt cho độc giả, đồng thời thể hiện được những tư tưởng, quan niệm sâu sắc của nhà văn Nguyễn Tuân. Cảnh cho chữ của Huấn Cao và viên quản ngục tuy được thực hiện trong khung cảnh tối tăm của ngục tù nhưng bức họa chữ ấy lại đẹp đẽ hơn bao giờ hết bởi nó được chiếu sáng bởi cái tâm, bởi ánh sáng của thiên lương. Ánh sáng của cái Đẹp nảy sinh từ mảnh đất chết, cũng như hoa dại nở rộ trên sỏi đá khô cằn, đẩy lùi bóng tối, cái ác và cái xấu. Người tử tù lại cho chữ, ban phát cái đẹp, khuyên răn điều thiện. Quản ngục lại khúm núm, vái lạy, nước mắt nghẹn ngào mà trở nên cao đẹp hơn bao giờ. Cái Đẹp đã hòa quyện cùng cái Thiện và có sức mạnh nhân đạo hóa lớn lao.
Nguyễn Tuân đã tạo dựng một truyện ngắn đầy nhã thú, đem lại mỹ cảm cho người thưởng thức. Điểm độc đáo của Nguyễn Tuân là đã xây dựng được một cốt truyện hấp dẫn, xoay quanh tình huống gặp gỡ bất ngờ, giàu kịch tính. Nguyễn Tuân đặc biệt tài tình trong việc phục chế lại một thời xưa cũ nay chỉ còn vang bóng qua kĩ thuật truyện ngắn hiện đại : ngôn ngữ vừa cổ kính, trang trọng, vừa mới mẻ, hiện đại, đậm chất tạo hình, điện ảnh; bút pháp miêu tả nội tâm, tâm trạng, cuốn người đọc vào thế giới của cái Đẹp phi thường, tài hoa, tài tử.
Ánh sáng không chỉ cư ngụ ở trong văn xuôi, nó còn thâm nhập vào và khiến thi ca tỏa sáng. Thế Lữ đã từng nhận xét: "Xuân Diệu thả mình bơi trong ánh sáng.". Có lẽ vì thế, nên thơ Xuân Diệu sáng sủa hơn những vần thơ buồn bã của những nhà thơ cùng thời. Bài thơ "Vội vàng" bộc lộ nét đẹp của một quan niệm nhân sinh mới: sống tự giác và tích cực, sống với niềm khao khát phát huy hết giá trị bản ngã tận hiến cho cuộc đời và cũng là một cách tận hưởng cuộc đời. Bài thơ giúp ta cảm nhận về một lẽ sống mới mẻ, tích cực; bộc lộ quan niệm nhân sinh tiến bộ.
"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi"
"Tắt nắng","buộc gió" là ước muốn viển vông không thể nào thực hiện được vì chúng trái với quy luật tự nhiên. Con người muốn đoạt quyền của tạo hóa, bắt thiên nhiên phải dừng lại để cho bản thân được thực hiện khao khát được tận hưởng mãi hương sắc đẹp đẽ của mùa xuân, muốn đất trời ngừng xoay chuyển để nắm giữ mùa xuân trong bàn tay mình mãi mãi. Nếu như ở hiện thực, những mong muốn của nhà thơ có lẽ sẽ bị coi là gàn dở, nhưng khi được đưa vào thi ca, những ước vọng táo bạo ấy trở thành tia sáng, xuyên qua lồng ngực chạm được đến sự đồng cảm của thế hệ thanh niên đương thời.
"Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội sang rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần"
Ánh sáng tỏa ra từ phát hiện về vẻ đẹp hồng tươi mơn mởn của cuộc sống ngay giữa trần gian. Trong khi các nhà thơ Mới giai đoạn những năm 30 -45 , tìm cách thoát ly thực tại bằng bất cứ giá nào, Chế Lan Viên chối bỏ mùa xuân để được làm "một cánh chim thu lạc cuối ngàn", Hàn Mặc Tử hướng hồn "Thơ điên" lên thượng giới, Huy Cận ôm nỗi sầu nhân thế thoát ra khỏi cõi trần tục tìm về với niềm vui của vũ trụ ca thì Xuân Diệu phải hạnh phúc đến nhường nào mới lại nhìn thực tại bằng đôi mắt xanh non biếc rờn của con người trong tuổi trẻ và tình yêu, cho rằng mặt đất nơi mình đang sống hằng ngày chính là thiên đường trần thế? Nhà thơ vui sướng giữa mùa xuân của thiên nhiên đất trời, cái nồng nhiệt, đắm say của ong bướm này đây tuần tháng mật, cái rực rỡ của hoa đồng nội xanh rì, cái mơn mởn tràn đầy sức sống "lá của cành tơ phơ phất", giai điệu da diết của yến anh này đây khúc tình si. Mỗi buổi sớm nhà thơ đã chào đón ngày mới bằng niềm hân hoan phấn khởi như thần vui hằng gõ cửa. Xuân Diệu như trải dài trước mắt người đọc thơ một cuộc sống đẹp đẽ, một không gian tràn ngập màu sắc, hương thơm, âm thanh ánh sáng: vạn vật hiện lên trong một trạng thái viên mãn, dư dả sức sống. Khung cảnh mùa xuân của nhà thơ không nhưng sống động mà còn hài hòa, cảnh vật trong bài thơ không lẻ loi, đơn chiếc mà có đôi có cặp, có bầy, có đàn quấn quýt, giao hòa, thậm chí tình tự cùng nhau. Xuân Diệu không nói cả mùa xuân mà chỉ nhắc đến "tháng giêng", tháng giêng là hội tụ tất cả những ánh sáng đẹp đẽ, tinh túy nhất của mùa xuân, vì vậy trong câu thơ này không còn ý nghĩa trừu tượng về thời gian nữa mà nó đã được cụ thể hóa, và được so sánh với hình ảnh cũng cụ thể không kém: "cặp môi gần." Thi sĩ dùng vẻ đẹp con người trong niềm hạnh phúc của tình yêu, trong độ đẹp nhất, căng tràn sức sống nhất làm thước chuẩn mực cho vẻ đẹp tự nhiên, thể hiện quan niệm thẩm mĩ giàu tính nhân văn: con người là chuẩn mực cho mọi cái đẹp của vũ trụ, khác hẳn quan niệm lấy vẻ đẹp thiên nhiên làm chuẩn mực cho con người trong thi ca xưa. Qua bức tranh mùa xuân mà Xuân Diệu đã vẽ nên bằng ánh sáng trong tâm hồn mình, ra có thể cảm nhận được tình yêu thiết tha cuộc sống, đắm say trước hương sắc ngọt ngào của cuộc đời trần thế của nhà thơ và cũng đồng cảm với tuyên ngôn sống của Người: Sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn.
"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân"
Dấu chấm câu ở giữa dòng như một bản lề khép mở, ngăn cách hai trạng thái cảm xúc. Nhà thơ chưa kịp sung sướng trước cảnh sắc của mùa xuân thì đã vội vàng tiếc nuối trước sự trôi chảy của thời gian. Xuân Diệu tiếc xuân ngay cả khi nắng hạ còn chưa sang, người đời tiếc nuối những gì đã qua còn nhà thơ tiếc cả những gì đang trôi chảy ngay trước mắt mình.
"Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn trẻ nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói là chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời"
Ánh sáng còn tỏa ra từ những mới mẻ trong quan niệm, triết lý về thời gian của Xuân Diệu. Thi sĩ quan nhiệm thời gian là tuyến tính, trôi đi rất nhanh, một đi không trở lại, mỗi khoảnh khắc mất đi là vĩnh viễn đối lập với quan niệm thời gian tuần hoàn của người xưa. Xuân Diệu không chỉ nhạy cảm trước thời gian mà còn ý thức sâu sắc được giá trị của đời người. Dưới ngòi bút của nhà thơ, cá nhân càng trở nên mong manh, dễ tan hơn bao giờ hết, con người càng ham sống thì càng không thể chiến thắng được giới hạn của đời người. Tuổi trẻ của con người vô giá, nhưng lại vô cùng ngắn ngủi, nhà thơ đó lại là thước đo của đời người. Chẳng ai trên cõi đời này sống hai lần tuổi hai mươi, nhà thơ đau xót nhận ra, vũ trụ thì trường tồn vĩnh hằng, nhưng bản thân thì không còn mãi, nên nhà thơ "bâng khuâng tiếc cả đất trời".
"Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng buồn vì nỗi phải bay đi
Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi
Phải chăng vì sợ độ phai tàn sắp sửa"
Xuân Diệu không chỉ ngửi được mùi của tháng năm rớm vị chia phôi, mà nhà thơ còn nghe được lời than thầm tiễn biệt của núi sông, lời hờn trách vu vơ với lá biếc trong làn gió, nhận ra được đằng sau sự im bặt của tiếng chim reo ca là nỗi sợ sự tàn phai, nhạt nhòa. Nhà thơ thảng thốt kêu lên đầy luyến tiếc:
Chẳng bao giờ, ôi! chẳng bao giờ nữa"
Xuân Diệu nuối tiếc sự sống, nuối tiếc mùa xuân nhưng Người không bất lực, tuyệt vọng trước sự hữu hạn vô biên của thời gian, nhà thơ chẳng hề đầu hàng trước trăm năm đời người, cho nên người sống hối hả, vội vàng: "Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm!" hay "Mau với chứ, vội vàng lên với chứ! Em, em ơi, mùa xuân sắp tàn rồi!". Xuân Diệu muốn tận hưởng mọi vẻ đẹp của cuộc đời, giao hòa với thiên nhiên đất trời, khát khao sống mãnh liệt với một tâm thế sống cuồng nhiệt, tích cực.
"Ta muốn ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước và cây và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi"
Cuối cùng nhà thơ bật lên tiếng kêu đầy khao khát:
"Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!"
"Vội vàng" là thi phẩm còn chứa đựng một thứ ánh sáng đặc biệt. Ánh sáng đó tỏa ra từ thể thơ tự do, câu thơ ngắt dòng, vắt dòng phóng túng theo mạch cảm xúc. Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, bởi vì nhà thơ là tiêu biểu cho sự thoát xác hoàn toàn khỏi hệ thống thi pháp trung đại, hình ảnh thơ độc đáo, tân kỳ, phát huy triệt để năng lực cảm nhận của các giác quan qua các bút pháp so sánh, ẩn dụ đặc sắc khiến cho vạn vật như có sự sống, sinh động và lung linh. Từ ngữ giàu tính tạo hình, dồn nén năng lượng cảm xúc trong mỗi chữ, giọng điệu thiết tha, nồng nhiệt, đắm say. Nhịp điệu của câu thơ ngắn dài linh hoạt theo mạch cảm xúc sục sôi, cuồng nhiệt; kết cấu triết luận, logic giải thích, bình luận; từ ngữ gợi cảm, gợi tình và nhiều phép tu từ đã giúp thi nhân giãi bày thành công những xúc cảm và quan niệm sống vội vàng tiến bộ mà Người hằng tâm niệm.
Sau cùng ta bất giác nhận ra, mỗi nhà văn, nhà thơ cần ý thức sâu sắc về thiên chức và sứ mệnh cao cả của người cầm bút trong quá trình sáng tạo. Chỉ những tác giả có trách nhiệm với cuộc đời, với ngòi bút mới luôn ý thức về chức năng cao quý của văn học mỗi khi sáng tạo. Mỗi tác phẩm của họ ra đời cũng vì thế mà có tư tưởng sâu sắc, có ý nghĩa lớn lao đối với con người và cuộc đời. Bạn đọc phải biết trân trọng sản phẩm sáng tạo của nhà văn, có tình yêu tha thiết với cái đẹp, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, tích lũy kinh nghiệm tiếp nhận, chủ động và sáng tạo khi tiếp nhận tác phẩm ... để có những phát hiện mới về tác phẩm trên tầm cao của kiến thức, của tình yêu, say mê và rung cảm mãnh liệt đối với văn chương.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com