ĐỒ CHÓ!
Tại sao nhiều từ về đức tính tốt, chúng ta đã dành để nói về con chó, mà những gì xấu nhất cũng quy cho con chó? Liệu có bất công không khi mỗi lúc không hài lòng với nhau, người lại công khai hay cạnh khoé gọi nhau là chó? Nếu chó biết nói, biết đâu khi hục hặc với nhau, chúng chẳng chửi nhau "Đồ người" theo ngôn ngữ của chúng?
Tôi nhớ khoảng năm 1984, duyên may tôi được gặp nhà văn Mai Văn Tạo. Lúc ấy ông ông có lẽ đã ngoài 60 nhưng trông còn khỏe lắm. Trong cái quán cà phê nhỏ trên đường Võ Thị Sáu ( Công Lý cũ) ở BH, ông có kể cho mấy đứa choai choai mới ngoài hai mươi tuổi chúng tôi nghe một câu chuyện. Giọng kể của ông hơi hơi cà lăm một chút, nhưng trầm ấm nên cái cà lăm ấy tạo nên một thứ gì riêng biệt, rất có chiều sâu và hấp dẫn đến lạ lùng .
Đại khái câu chuyện về một cậu bé kháng chiến quân người Ba Lan, trong một trận đánh bị quân Đức bắt sống, giải đến gặp chỉ huy là một đại uý nổi tiếng tàn ác. Viên đại uý này bị chột một mắt, phải lắp mắt giả, nhưng con mắt giả này được làm rất khéo, ngay cả những tên lính thân cận nhất cũng không phân biệt được với mắt thật. Bình thường, khi bắt được tù binh hắn cho tra tấn thật dã man để khai thác thông tin, sau đó giết ngay. Nhưng thấy cậu bé còn nhỏ tuổi lại tỏ ra không chút sợ sệt, hắn nảy ra ý đùa cợt, bèn hất hàm hỏi :
- Này chú bé, ta thấy chú còn nhỏ nên cho chú một cơ hôi sống sót. Hãy nhìn vào mắt ta và nói ngay, con mắt nào của ta là mắt giả? Nếu chú nói đúng ta sẽ tha mạng. Bằng không sẽ cho bắn chết liền tại chỗ!
Chú bé nhìn thẳng vào mặt viên sĩ quan, rồi không chút chần chừ, đáp ngay:
- Con mắt trái là mắt giả!
Viên sĩ quan rất ngạc nhiên, vì hỏi đi hỏi lại mấy lần, chú bé vẫn khẳng định con mắt trái là mắt giả. Cuối cùng, không kiềm được tò mò, viên sĩ quan bèn xác nhận:
- Đúng rồi. Nhưng chú phải nói cho ta biết, vì sao chú quả quyết như vậy?
- Cỏ gì khó đâu. Vì tôi thấy con mắt ấy giàu nhân tính hơn con mắt còn lại của ngài!
Nhà văn già chỉ kể tới đó thôi, rồi khuấy tách cả phê vừa lọc qua phin, nhấm nháp một chút. Ông lại rút điếu hoa mai, châm lửa hút, mắt nhìn xa xăm như đang nghĩ ngợi điều gì. Tôi cũng ngồi im, không dám hỏi ông đoạn kết, nửa vì không muốn cắt ngang dòng suy nghĩ của ông, nửa lo sợ lỡ phải nghe cái kết thúc bi thảm của chú bê.
Nhưng hơn ba chục năm nay, con mắt phải của viên sĩ quan trong câu chuyên mà ông nhà văn kể thỉnh thoảng lại quay về ám ảnh tôi. Đó là con mắt thật của loài người nhưng không có tính người, một con mắt tàn độc vô luân. Con mắt còn lại là thủy tinh, vô tri giác nên có tính người hơn. Tôi lại làm một cái so sánh qua lịch sử của loài người, thì thấy cái câu "Con người là loài tàn độc nhất " không phải chỉ là một câu mòn sáo vô căn cứ. Loài vật không vô cớ sát hại nhau. Chúng chỉ giết con vật khác chỉ khi cần thức ăn hay tự vệ. Và khi làm việc ấy chúng chỉ dùng những vũ khí mà thiên nhiên trang bi thôi. Một con vật, khi cần thiết như thể, chỉ có thể giết một con vật khác. Người thì khác. Người giết nhau hàng loạt. Một người có thể giết hàng trăm, hàng ngàn người cùng một lúc. Người giết nhau bằng muôn ngàn phương cách, bằng nhân danh chủ nghĩa này chủ nghĩa kia, bằng những lời lừa dối ngọt ngào hay kết tội vu vơ, bằng gươm dao, súng đạn, thuốc độc, hạt nhân. ...Cái phương cách và phương tiện quả thật đã vượt xa tự nhiên, và mục đích cũng vậy. Có khi con người không giết nhau về thể xác nhưng những vết thương mà họ để lại gây đau nhức, giết dần giết mòn nạn nhân suốt cuộc đời. Con người làm tất cả những điều ấy chỉ để thỏa mãn lòng tham. Ngay những khía cạnh khác con người cũng thua loài vật. Thí dụ, loài vật tuy sống bầy đàn, nhưng sinh hoạt tình dục rất lành mạnh, trong mùa sinh sản, chỉ nhằm mục đích duy trì nòi giống theo chọn lọc tự nhiên, Chỉ có con người, sống trong xã hội càng gọi là văn minh, con người càng ăn mặc sang trọng, bề ngoài càng cố tỏ ra vẻ người, thì bên trong càng bừa bãi vô luân. Hiếp dâm ngay cả con nít, rủ nhau hiếp dâm ngay cả con ruột hay con nuôi của mình, hiện tương này chỉ ở con người mới có.
Cho nên, con người trong cơn hằn học của mình , trước khi mở miệng hay đặt bút chửi nhau đồ chó, hãy dừng lại một giây suy nghĩ. Bởi vì loài chó nếu biết nói, khi không hài lòng với nhau, biết đâu chúng không nhe mõm mà sửa ra hai tiếng : "Đồ người! "
Và bởi vì, người với chó, chưa biết ai chó ai người.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com