Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Con trai, con gái

   "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", câu ấy nói đánh thẳng vào Tâm khi vẫn chỉ là một cậu học sinh ngày ngày mang sách Tiếng Việt lớp bốn tới trường. Cậu bé được sinh vào đầu thập niên cuối cùng của thế kỷ hai mươi coi nó là một chân lý cuộc sống, một lẽ đương nhiên ở đời.

Tâm xuất thân trong một gia đình có lối sống khá "tư bản", từ đời ông đến bố và cả anh em trong nhà. Vậy mà chẳng hiểu sao lại chòi ra một kẻ truyền thống đến cực đoan như anh ta. Là một kiến trúc sư đã bước quá cái tuổi bốn mươi lăm, sắp sửa hưởng nửa đời người nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ của anh xem ra ngày càng sâu nặng. Tuy nhiên, Tâm rất có tài và mọi người không thể phủ nhận điều đó. Nếu có một ai đó xa lạ lần đầu muốn tìm tới nơi Tâm ở mà hỏi người xung quanh, câu trả lời họ luôn nhận được sẽ là "Nhà ông kiến trúc sư Tâm á? Cứ đi vào, nhìn là biết ngay" bởi cái hồn mà Tâm mang đến cho từng công trình, bao gồm cả chính tổ ấm của mình quá độc đáo.

Với Tâm, người kiến trúc sư không khác một nghệ sĩ của ngành công nghiệp xây dựng là bao, và việc hiện thực hóa những công trình ấy chính là tạo ra những tác phẩm nghệ thuật để người người có thể chiêm ngưỡng mà không phải tốn tới một đồng vào xem triển lãm. Ai mà ngờ trong cái đầu chứa toàn lễ giáo của Tâm lúc nào cũng có thể bật ra những ý tưởng mới lạ, và việc thể hiện những ý tưởng ấy lên giấy là một việc làm không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.

Tất cả mọi người trong công ty đều có những cảm xúc đặc biệt dành cho Tâm, không kể là yêu quý, nể phục hay ghen ghét. Họ vẫn nhớ cái ngày đầu tiên cậu thanh niên đầu to mắt cận biệt danh Tâm Bôn* bước vào nơi này, làm thằng nhân viên kiêm "thợ in" quèn cho đến khi nó nhanh chóng trèo lên cái ghế phó Tổng giám đốc và đóng đinh luôn tại đó chỉ trong hơn hai mươi năm. Người ngưỡng mộ thì nể phục, người không phục thì đặt điều, chê bai và nói xấu; nhưng chúng chẳng đáng để Tâm bận lòng khi hàng loạt những dự án cùng bao bản thiết kế đáng giá tiền lương hàng năm của mười nhân viên cộng lại đã thay anh nói lên tất cả. Có hơi khoác lác khi cho rằng Tâm mang trong tim mình tinh thần lao động và kỷ luật tuyệt vời, luôn khiến cho người khác từ khó chịu đến trầm trồ với sự tỉ mỉ, kỹ càng và tinh tế trong từng sản phẩm anh ta tạo ra?

Nghiêm túc, chỉn chu trong công việc và Tâm bê luôn cả sự hà khắc của mình vào trong gia đình. Người tham vọng như Tâm thường hay gắn với chút mơ mộng. Đằng sau vẻ ngoài cứng nhắc và nghiêm khắc kia, mấy ai biết được Tâm đã khổ sở đến mức nào khi nhìn thấy đồng nghiệp lũ lượt khoe vợ sinh con trai, khi vô tình nhìn thấy gia đình nào đó bế theo cậu ấm nhà họ trên đường anh đi làm. Thời còn độc thân, người ta trêu rằng cứ khó tính như vậy thì Tâm sẽ sớm ế vợ mà thôi. Đáp lại sự "đe dọa", năm ba mươi tuổi Tâm trình gia đình một nàng dâu ưa nhìn, đủ cả "tam tòng tứ đức" lại cũng hiền lành giỏi giang đúng kiểu Tâm thích và chắc chắn là vẫn còn "nguyên vẹn", chỉ thiếu mỗi nước "cử án tề mi". Những tưởng sự may mắn và hạnh phúc không hồi kết cứ ùn ùn kéo đến với một gã lọc gạo tới năm lần sàng ấy, người phụ nữ kia phải chăng cũng không chịu nổi nữa tính chồng mà đòi chuyển ra sống li thân dù đã bước sang tuổi tứ tuần?

Tâm luôn khao khát có một cậu nhóc lẽo đẽo bám theo mình, cùng anh chơi bóng mỗi buổi chiều. Lý do anh dành cả nửa cuộc đời làm việc chăm chỉ cũng chỉ là để tích góp mớ tài sản cho người nối dõi tông đường nhà anh, để được mọi người khen rằng thằng bé ấy nó giỏi như bố nó, rằng "con hơn cha là nhà có phúc"... Nhưng không, câu nói "Ghét của nào trời trao của đó" mà ông bà ta đã có từ xa xưa là cấm có sai, Tâm cứ hy vọng nhiều để rồi thất vọng biết bao nhiêu.

Tâm có ba người con gái, Tâm luôn bực bội và trăn trở tại sao mình lại có ba người con gái. Nhà anh ta như có gene sinh con trai khi ông nội anh có bố anh, và bố anh lại đẻ những ba người nam nữa mà anh là con cả. Thậm chí cậu em sau Tâm cũng chỉ một đêm chơi bời phóng túng mà trúng luôn bé trai trong khi anh vật vã đến đứa thứ ba vẫn cứ là "vịt giời"? Ngày biết tin vợ mình lại sinh con gái, Tâm đã như người mất hồn, ba hôm liền không ăn không uống. Chẳng lẽ Tâm lại đổ cho mình là loại "lộn giống", khác biệt với mọi người từ tính cách đến cả khả năng sinh con trai; hay là tại số phận trêu đùa cho anh ba cô con gái để sau này còn có ít nhất ba người đàn ông may mắn khác được nếm mùi "bố vợ thời hiện đại"? Tâm cũng không biết nữa, anh cứ thấy buồn, cái buồn của sự hụt hẫng đầy thất vọng. Tâm không bao giờ nói ra thành lời, nhưng việc chứng kiến bầy "vịt giời" ấy lớn lên mỗi ngày khiến anh chỉ muốn đập đầu lia lịa vào tường.

Nuôi ba đứa thôi đã đủ mệt rồi, định mệnh vẫn thích trêu đùa với Tâm. Có vẻ như sống cùng một ông bố hà khắc cũng phần nào khiến cho con của Tâm trở nên cứng, hay rắn ở khía cạnh nào đó. Cô cả hiện đã năm cuối đại học mà vẫn chẳng đề cập gì đến chuyện yêu đương chàng nào, té ngửa ra mới biết cô đã cặp kè với một nàng khác được gần một năm. Biết chuyện, Tâm điên tiết la mắng um xùm hết cả lên mà cũng chẳng đi tới đâu. Bởi con anh cũng chăm chỉ, thông minh, chứ không chơi bời mất nết; mắng nó lắm hàng xóm biết chuyện, thật chẳng đáng vạch áo cho người xem lưng. Lúc ấy thì còn ê chê thêm bao nhiêu nữa!

Cô thứ hai thì cũng "tuyệt vời" không kém. Riêng cái khoản "trời Tây" được thừa hưởng từ ông của con bé đủ làm cho Tâm phát mệt ngang với cô chị "khác người" kia rồi. Nó mê làm luật sư, cá tính thì mạnh, lại ưa bộc trực bày tỏ quan điểm cá nhân, thỉnh thoảng còn tặng kèm cho bố những lời rất hồn nhiên rằng "Tây họ văn minh hơn nhiều mà còn như thế". Tâm nghĩ ai đời con gái con đứa mà bốp chát hơn cả mấy thằng cục tính; nó chẳng qua chỉ ngụy biện cho cái thói ngông cuồng của tuổi trẻ mà thôi, cứ hở ra cái gì là nó cãi anh nhem nhẻm, rồi thì ca than "bình đẳng giới" với Tâm, rằng "thế kỷ hai mốt rồi bố đừng lạc hậu nữa". Những lúc như vậy kể ra có một thằng con trai ít nói giống mình Tâm thấy cũng hay. Mọi hi vọng mong manh cuối cùng Tâm đổ dồn hết cho thiên thần nhỏ sáu tuổi kia, nó ám ảnh anh ta tới mức đêm ngủ vẫn còn nói mê "Con ơi đừng như hai chị nhớ" rồi giật mình tỉnh dậy trong trạng thái ướt đẫm mồ hôi lạnh. Một cuộc sống ngày nào cũng quanh đi quẩn lại như vậy có nhức đầu đến chết không?

* * *

Hôm nay em của Tâm về nước chơi, có thăm qua nhà bố và anh. Sau bao nhiêu năm không thấy mặt, Tâm mừng lắm, ôm vai bá cổ cậu em mà hỏi han tới tấp.

‒ Lớn, lấy cho bố ấm trà đi. Hôm nay chú về đấy! – Tâm gọi con.

‒ A chú! Cháu chào chú. Chú có khỏe không? Ở châu Âu chắc vui lắm chú? – Nghe thấy tiếng "chú", hai đứa lớn nhà Tâm bỗng cuống quýt chạy ra, hồ hởi chào hỏi.

Tâm thấy hơi chạnh lòng. Tại sao chúng nó không vồn vã với bố ruột của mình như vậy mỗi khi anh đi công tác về?

Hai cô gái đứng trong phòng bếp chuẩn bị khay đựng trà, cô em nghịch ngợm bộ tách trong lúc tán gẫu với chị mình:

‒ Sao bố không thể đáng yêu như ông và chú nhở? Em thấy có mỗi bố là khó tính nhất nhà thôi.

Cô chị vội vã ngăn lại:

‒ Em nói bé thôi. Bố mà nghe thấy là... – Vừa nói cô vừa giơ bàn tay lên như chuẩn bị tát ai.

Chờ mãi mà không thấy đứa nào ra, Tâm giục giã gọi từ trong phòng khách vọng vào bếp:

‒ Nhanh lên, sao lâu thế con?

‒ Đây ạ. – Cô chị cẩn thận bưng cái khay đựng đồ sứ có in hoa văn kiểu Tàu ra, nhẹ nhàng đặt lên bàn. – Chú không dắt em sang chơi ạ?

‒ À, em nó còn mệt nên chú cho ở nhà. – Người chú ái ngại.

‒ Bố cảm ơn bầy thiên nga, giờ thì để yên cho bố nói chuyện cùng chú.

Chờ hai đứa con đi khỏi, Tâm lật ngược lại chiều của gương mặt tươi rói vừa nãy mà than thở:

‒ Mấy con vịt giời!

‒ Sao anh lại nói các cháu thế! – Em Tâm chau mày, tỏ ra không vui.

‒ Lại chẳng nói thế. Cậu cứ thử nuôi ba đứa con gái trong nhà xem.

‒ Em thích có con gái lắm, chứ anh có biết nuôi dạy con trai khổ như thế nào đâu. – Người chú thở dài, tỏ rõ sự mệt mỏi.

‒ Cậu cứ nói thế. Tôi chỉ ước được như cậu. Một thằng cu là quá đủ rồi, chứ có trăm nghìn đứa con gái rồi chúng nó cũng bỏ mình hết mà đi!

Người em vẫn không đụng vào cốc trà, nhìn thẳng vào mắt anh mình:

‒ Không đâu anh. Anh đừng nghĩ có con trai thì khá hơn. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Em mải đi làm kiếm tiền, về tới nhà mệt mỏi lại mắng nó. Nó đâu biết em làm vất vả cũng chỉ vì mong nó có cuộc sống đầy đủ như con anh, nó không thông cảm cho em, suốt ngày chỉ biết rúc đầu vào cái máy chơi game thôi.

‒ Cậu chiều nó quá thì nó mới hỗn thế chứ gì. Tôi còn lạ gì mấy cái "nuôi con kiểu Tây" của nhà mình! – Tâm bật cười.

‒ Con em nó còn không thèm nói chuyện với em kìa. Con trai nó lạnh lùng lắm, không tình cảm như con gái anh ạ. Anh đừng chê con gái, ối người muốn không được đâu.

‒ Vấn đề của cậu nó là của chung thôi. Thà có đứa con trai bớt bớt cái lời còn hơn đèo bòng cả một bầy vịt giời lúc nào cũng quàng quạc lên. Cậu nghĩ sao nếu tôi bảo con lớn nhà tôi là cái thứ bệnh hoạn đi thích đàn bà? – Tâm tức tối ngắt lời.

Nghe tới câu nói ấy, khuôn mặt người em chợt tái nhợt lại. Chú cảm thấy mình bị xúc phạm.

‒ Anh biết không, vậy thì em của anh cũng là một đứa bệnh hoạn thích đàn ông đấy! Anh có một gia đình hoàn hảo, có công việc hoàn hảo. Cuộc sống của anh quá tuyệt vời và may mắn nhưng anh lúc nào cũng đòi hỏi hơn. Anh quá tham lam! Em tưởng hôm nay chúng ta nên nói chuyện vui chứ không phải thế này. Chào anh! – Người chú đặt chén trà xuống và bỏ đi.

‒ Chào chú, anh không tiễn!

Chờ cho em đi ra khỏi cổng, Tâm cau có chửi:

‒ Thằng dở hơi!

‒ Vậy là bố nghĩ như thế về con bố: "Thứ bệnh hoạn thích đàn bà"? – Cô con cả nghẹn cả giọng lại. Cô đã nghe hết cuộc nói chuyện của bố với chú, cảm thấy đau lòng khủng khiếp.

‒ Bố làm chị tổn thương rồi đấy. – Cô em lạnh lùng tiếp lời, giọng pha chút mỉa mai. – Sao con thấy không ngạc nhiên!

‒ Đừng có hỗn! – Tâm gắt lên. – Các chị muốn gì nữa đây? Tôi xấu số đã đẻ ra toàn lũ con gái, cho chúng nó ăn học tử tế đàng hoàng để giờ nó quay lại cãi trả à? Nghe đây, một trai đã là có rồi, mười gái cũng bằng không thôi nhớ! Con gái lớn trong nhà như cái bát nước lã hắt đi ấy, chả có một tí giá trị nào hết! Biết đường thì liệu mà ngoan ngoãn nghe lời, còn không thì cút hết ra khỏi cái nhà này, xem lúc đấy còn xấc với ai!

Cô gái nhỏ định nói điều gì đó, đôi mắt đỏ ậng lên. Em lắc đầu, hét lớn:

‒ Sao bố lại nói thế với con mình? Con ước chú là bố của con thay vì người đã nuôi con từng ấy năm mà chẳng coi con ra gì!

Tâm sững người lại. Có thứ gì vừa bùng nổ trong lồng ngực Tâm. Mặt Tâm đỏ gay. Sự phẫn nộ dồn hết lại trên cái đỉnh đầu bốc cháy ngùn ngụt của anh. Anh cần phải giải phóng cơn giận này! Tâm tát con mình, mạnh đến mức nó ngã lùi ra đằng sau.

‒ Con ghét bố!

Nhìn thấy con gái ôm mặt khóc nức nở bỏ chạy về phòng, Tâm chợt tỉnh khỏi cơn thịnh nộ, nhận ra mình đâu là gì ngoài một gã phát xít đáng sợ luôn cậy quyền làm cha trong mắt các con. Những lời hỗn láo ấy làm Tâm cảm thấy đau lòng, vậy ai là người đã làm tổn thương con anh trước? Anh không thể chịu đựng được bầu không khí kinh khủng này nữa, anh phải thoát khỏi không gian tù túng này!

Tâm vội vã bỏ ra garage, lấy ô tô và phóng đi thật xa.

* * *

Trời chuyển sang thu, lá ngả vàng và khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày có lẽ là chiều thu nắng đỏ. Nó đem tới cho người ta bao cảm xúc từ lâng lâng, lãng mạn, nhung nhớ, cho đến buồn man mác vì hoài niệm và có lẽ là cả chút tiếc nuối nếu ai đó không kịp chiêm ngưỡng những giây phút ngắn ngủi này. Tâm ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế đá trong chính khuôn viên khu đô thị mà anh thiết kế ra, vô cảm nhìn những tòa nhà khổng lồ mà bản thân từng một thời đổ hết tâm huyết. Anh ngồi, xung đầy những bà nội trợ tán dóc, các cụ tập dưỡng sinh và cả những em bé chạy lăng xăng với đôi tay đầy đồ chơi mà ông bố bà mẹ chiều chuộng nào đó đem ra cho, thấy thật cô đơn. Tâm thấy hãnh diện vì công sức của mình đã đem lại một môi trường thật hài hòa và đẹp đẽ cho mọi người, nhưng cảnh tượng làm cho anh chú ý hơn cả là một ông già đầu bạc hói vui vẻ được trẻ con xúm quanh chơi đùa.

Một nụ cười bất giác đến với Tâm. Ngắm nhìn những đôi chân tí hon và bao gương mặt ngây thơ bầu bĩnh, phải chăng đó là ước muốn của anh khi về già: vui vẻ và sum vầy bên con đàn cháu đống? Đắm chìm trong những suy nghĩ, Tâm không để ý một quả bóng bay vào người mình. Anh lấy tay bỏ nó ra và đưa cho cậu bé đang lon ton chạy tới; gương mặt đăm chiêu của Tâm bỗng trở nên thả lỏng hơn, đó là một trong những đứa trẻ chơi cùng ông già kia.

‒ Ông này quý trẻ con lắm! – Một người đàn bà khá già ngồi gần đó, nhận ra sự chú ý thái quá của Tâm với ông cụ.

‒ Vâng. Đám trẻ con lúc nào cũng vây lấy ông ấy ạ? – Tâm cười.

‒ Chú không phải người ở đây nên không biết đúng không? Lúc nào ông kia chả ra đây chơi với bọn trẻ mỗi buổi chiều. Ông ý là hàng xóm tôi. Tội nghiệp ông già, sống sắp hết một đời rồi mà cứ lủi thủi một mình mãi.

Thật lạ lùng! Một người thân thiện như vậy lại đơn độc?

‒ Ông ấy không có con cháu ạ?

‒ Tôi không rõ lắm. Tôi mới chuyển tới được ba năm thôi. Ngoài việc vợ ông ấy vừa mất thì chẳng có ai biết chuyện nhà ông ý đâu. Kín tiếng lắm!

‒ Vâng! – Tâm cười trừ rồi lại lặng lẽ nhìn ông già.

Ông cụ sao mà có sức hút kỳ lạ với Tâm. Ngắm người đàn ông già ấy khiến anh quên đi cả dòng thời gian và không gian xung quanh.

‒ Chào con trai! – Ông cụ để ý thấy sự quan sát mà Tâm dành cho mình, cho rằng như vậy là quá lâu với một người xa lạ bình thường. Dù sao cũng đã mệt rồi, ông muốn ngồi xuống bên cạnh Tâm.

‒ Vâng. – Tâm gật đầu, nhường một nửa chỗ của mình.

‒ Anh là ở đâu đến đây chơi? – Cụ nhìn Tâm.

‒ Dạ, cháu không phải dân khu này. – Tâm lảng đi.

‒ Chỗ này rất đẹp và yên bình. Không khí trong lành, hàng xóm cũng thân thiện!

‒ Vâng. – Tâm nhìn ra những hàng cây xanh thẳng tắp, hít một hơi thật sâu.

‒ Đó! Anh trông cứ như vừa mới bước ra từ một nơi xô bồ vậy. Cứ tận hưởng đi con trai... ‒ Cụ cười hiền hậu và vỗ vào vai Tâm.

Tâm nhìn hai gò má đã hóp lại nhưng vẫn ửng hồng đầy sức sống và ánh mắt toát lên sự bao dung của ông cụ, trong lòng tràn ngập niềm hạnh phúc. Cụ làm anh nhớ đến người ông quá cố của mình. Ông của Tâm rất hiền, lại cười rất tươi và luôn yêu thương con cháu. Nếu quay lại cái thời trẻ con để được ngả đầu vào vai ông nghe truyện dã sử, để được vòi vĩnh ông vài nghìn lẻ mua bò bía ăn giấu bố thì sướng biết mấy.

‒ Anh chắc quý trẻ con lắm? – Ông cụ cắt ngang dòng cảm xúc của Tâm. – Tôi thấy anh nhìn tôi và đám tiểu yêu kia...

‒ À, cái đó... ‒ Tâm lúng túng. ‒ Chỉ là con thấy ông nhiệt tình quá thôi ạ. Đâu phải ai cũng có nhiều thời gian để vui chơi với những đứa không phải con đẻ mình đâu ông.

Cụ chợt cười ha hả, Tâm giật mình. Vuốt nhẹ chòm râu trắng, cụ vỗ vai anh:

‒ Ai lại nói thế chứ! Trẻ con nó là lộc quý trời ban đấy con ạ. Người không có con cái mới hiểu được cái cảm giác có tiếng trẻ con cười đùa trong nhà nó quý đến mức nào.

Tâm bỗng thấy cổ họng mình nghẹn lại, lòng bàn tay ngứa ran lên, giật giật như vừa bị ai đánh vào.

‒ Vậy ông...?

‒ Anh ạ, tôi quý trẻ con lắm! Từ ngày bà nhà đi, ông già này chẳng còn ai trò chuyện cùng nữa. Cái tuổi già cô độc nó đáng sợ lắm. Cứ mỗi lần Tết nhất, nhìn cảnh nhà người ta con cháu đến chơi mà mình thấy tủi thân ghê cơ, cũng mong mình có đứa con. Gái hay trai gì cũng được hết, chỉ cần nó thương mình thôi.

Tâm im lặng. Câu nói ấy dù chỉ là lời trải lòng của ông cụ nhưng khiến anh bồn chồn. Trong đầu anh lại vang đâu câu nói "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Phải rồi, trai gái thì cũng đều là máu mủ của mình, tại sao phải phân biệt chứ? Ba cô con gái của anh đều ngoan ngoãn, giỏi giang, nếu chẳng may đẻ ra một đám nghịch tử ăn tàn phá hại thì có bất hạnh không? Lúc ấy liệu có đáng để đánh đổi nữa? Nhưng còn cái bàn thờ gia tiên, và cả anh về sau? Tâm thích một gia đình lớn và đông con cháu, vì anh sợ tuổi già lẻ bóng. Nhưng nếu con gái anh đều trưởng thành và đi lấy chồng hết, chúng sẽ phải lo cho gia đình của chúng, cuộc sống của chúng. Ai mà nói trước được điều gì sẽ xảy đến trong tương lai. Liệu có gì đảm bảo được chúng vẫn sẽ mãi ở bên anh, chăm sóc cho anh khi anh đã không còn ở cái tuổi vẫn làm ra tiền và chân tay còn hoạt động được như lúc còn trẻ? Mớ tư duy hỗn độn này làm anh trở nên rối trí và mệt mỏi, thể hiện rõ qua cặp lông mày rậm như dính chặt lại làm một của Tâm. Đáng ra ở cái tuổi của Tâm, người ta chẳng việc gì phải đau đầu chuyện con cái nữa.

‒ Căng thẳng quá con trai! – Ông già đập nhẹ lên vai Tâm, một lần nữa đánh thức anh.

‒ Dạ... ‒ Tâm hoảng hốt.

‒ Anh còn trẻ thế mà cứ suy nghĩ nhiều, đầu chả mấy chốc mà bạc rồi hói hết giống tôi đây. – Vừa nói, cụ vừa cất tiếng cười giòn giã.

‒ Trẻ gì nữa đâu ạ. Con sắp năm mươi rồi ấy chứ. – Tâm chột dạ vuốt lên mái tóc đã hơi ngả xám của mình.

‒ Hôm nay gặp được "người lớn" nói chuyện cùng vui lắm. Tôi mà có con chắc nó cũng phải tầm anh rồi đấy. – Cụ xoa đầu Tâm. – Khi nào không bận việc ra đây làm ván cờ với tôi nhớ! Chả còn sức đâu mà đuổi theo bọn trẻ con nữa.

‒ Vâng. Khi nào rảnh con lại ra...

‒ Chào anh, tôi về nấu cơm. – Ông cụ đứng dậy, vẫy tay chào và bỏ đi.

‒ Vâng, con chào ông. Ông về cẩn thận ông ơi. – Tâm bật cười, nhìn theo cái dáng khòng khòng đi ra khỏi công viên .

Trời đã chiều muộn, gió mát thổi nhiều từng cơn dần trở nên lạnh. Cũng phải tầm hơn sáu rưỡi, mọi người đã về hết và chỉ còn mình Tâm ngồi tại đây. Đã lâu lắm rồi anh không có cái cảm giác yên bình lạ thường như thế này. Tâm muốn nấn ná ngồi chơi thêm một phút nữa, nhưng nghĩ đến công việc và chuyện ở nhà, trách nhiệm lại hối thúc anh cần phải đi về và giải quyết cho xong. Thế là Tâm đứng dậy, lặng lẽ cất bước tới bãi đỗ ô tô và lái xe trở về nhà khi những con đường đã được chiếu sáng lung linh bởi bao ánh đèn cao áp.

Tâm khẽ thở dài, chần chừ đứng trước cánh cửa nhà mình, cánh cửa chứa đằng sau nó cả một thế giới nặng nề và u ám. Tối hôm đó, không ai đói và cũng không ai nói với nhau một câu gì. Tâm ăn mà cứ thấy lạo xạo trong miệng như nhai đi cắn lại nắm cát bẩn, vừa nhai vừa liếc nhìn vết sưng trên má con gái. Thật khó để nuốt trôi miếng cơm này! Buổi đêm, Tâm ngồi bên chiếc bàn làm việc đầy ắp những bản thiết kế, hai mắt anh hướng xuống mặt bàn nhưng lại chìm vào vô định — trong khi những người con của anh vẫn ghì chặt mặt chúng vào gối, cố ngăn từng tiếng nấc thoát ra từ phòng ngủ bên kia.

– – – – – – – HẾT – – – – – – –

*Bôn – Bolshevik: cách gọi trêu chọc những người quá nghiêm túc thuộc thế hệ 8x hoặc 9x thời đầu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com