Khi mùa xuân tới
Khi Xuân phát hiện ra mình có thai, cô bé mới mười bảy tuổi.
Xuân biết bố đứa bé là ai.
* * *
Cuối tháng Bảy, trời oi ả, nắng chiếu héo rũ cây, nắng thiêu muốn bỏng da khiến người ta lúc nào cũng cáu gắt, chỉ muốn nằm lì trong phòng máy lạnh. Hòa chung với không khí nóng nực ấy là tâm trạng lo âu, sốt ruột của những học trò đã đăng ký thi vào ABC. ABC là một ngôi trường cấp ba có bề dày lịch sử thua kém nhiều so với nhiều nơi khác thuộc Hà Nội, nhưng nó có lý do riêng để những cô cậu bé con nhà có điều kiện hàng năm vẫn thi nhau tìm được một cơ hội được trúng tuyển vào. Vào thời điểm Xuân ghi tên mình lên bản đăng ký, lúc ấy trường ABC đã được mười hai năm đào tạo giáo dục.
Sau bao nhiêu ngày mòn mỏi đợi chờ tới mức ăn không ngon ngủ không yên, tấm phong bì trắng kèm dấu đỏ và huy hiệu trường cuối cùng cũng tới hộp thư nhà Xuân. Đứng tại cửa sổ phòng trông xuống, Xuân rối rít lao từ trên nhà ra tới ngoài cổng, nâng lấy bức thư chứa đựng tất cả niềm hy vọng của mình. Cô bé không thể nán lâu thêm được nữa, em muốn được biết kết quả ngay. Xuân nín thở, đôi bàn tay run run bóc từng chút một mép phong bì. Tờ giấy A4 được gấp làm tư dần hé lộ. Xuân giở ra, cẩn thận đọc từng dòng một.
Điểm môn Toán: 8
Điểm môn Ngữ văn: 9
Điểm môn Ngoại ngữ (tiếng Anh): 9
Điểm môn tự chọn (Địa lý): 8
Tổng điểm: 34
Xin chúc mừng em Nguyễn Mùa Xuân đã đỗ vào trường ABC.
Xuân đọc lần thứ hai để chắc chắn mình không nhìn lầm và lần thứ ba để tận hưởng cảm giác sung sướng tuyệt vời. Siết chặt giấy báo điểm trong tay, cô bé rít lên và nhảy mấy vòng trước hòm thư.
– Thế nào cháu? – Một bà hàng xóm đi qua và trông thấy Xuân đang nhảy điệu múa ăn mừng.
– Cháu đỗ rồi! Cháu đỗ rồi ạ! – Xuân nói rất to, muốn cho tất cả mọi người nghe thấy.
– Chúc mừng cháu nhé. Cố gắng học lên, Xuân.
– Vâng.
Xuân chạy một mạch vào trong nhà. Em chìa bảng điểm ra cho mẹ và hồ hởi reo lên:
– Mẹ ơi, con đỗ rồi!
Trong trí tưởng tượng của mình, Xuân đã mong mẹ sẽ nở một nụ cười và chia sẻ niềm vui này cùng con gái. Nhưng trông gương mặt không cảm xúc của mẹ, em biết đó chỉ là suy nghĩ không đâu. Với mẹ, Xuân có cố làm được bao nhiêu cũng chẳng đủ — huống gì chỉ là việc được trúng vào một trường cấp ba.
– Ừ, đỗ rồi thì tốt. Nghe nói vào đấy mà học hành lơ mơ là bị đuổi ra như chơi đấy. – Dứt lời mẹ, nụ cười của Xuân cũng méo xệch.
Xuân muốn một lần – chỉ cần một lần – được thấy mẹ hãnh diện về mình. Phản ứng của mẹ đã như vậy, Xuân đâm ra chẳng mong đợi gì khi bố về nhà và nghe tin mừng từ con gái. Giống như mẹ, bố ghét cảm giác người ta ngủ quên trên chiến thắng. Kể từ khi còn chưa biết chữ, em đã được bố mẹ răn đi dạy lại rằng mọi thành công – từ nhỏ đến to – có cố bao nhiêu, có đạt được mấy, cũng không bao giờ được tỏ ra mừng rỡ. Một khi đã mừng rỡ, tức là tự cho phép bản thân được huênh hoang, mà huênh hoang sẽ dẫn đến thất bại. Một người không cần biết đã thành công bao nhiêu hay bao lâu, chỉ cần một lần thất bại và người đời sẽ nhớ mãi, sỉ nhục đến muôn đời.
Thế nên Xuân tốt nhất hãy ngậm miệng lại, và đừng bao giờ kể lể với ai.
* * *
Xuân là một cô bé xinh xắn và hồn nhiên đúng với độ tuổi của mình. Em cao hơn mét sáu, tóc dài ngang lưng và uốn xoăn một chút, chải ngôi giữa. Em thích những đôi giày đẹp, thích nghe nhạc Hàn Quốc và thích đi mua sắm, xem phim cùng bạn bè vào mỗi dịp cuối tuần. Bố mẹ Xuân giàu – như nhiều phụ huynh học sinh trường ABC khác. Ngoại trừ vấn đề khắt khe với thành tích của con gái, họ vẫn chiều em và luôn sẵn cho em tiền tiêu vặt, mua những thứ em thích. Không có bố mẹ nào hoàn hảo hết, Xuân biết vậy nên cũng vui vẻ với cuộc sống của mình. Kể cả nếu thỉnh thoảng họ có làm em buồn, thì một tấm vé ra rạp và một buổi chiều lượn quanh các cửa hàng tới mệt lả, ăn vặt, chuyện trò rôm rả cùng bạn bè sẽ giúp em quên hết.
Tháng Chín đã tới và Xuân nhanh chóng thích nghi được với những thay đổi. Trường mới, bạn mới, phương pháp học tập mới — với một cô bé dễ thương, chăm học và hòa đồng như Xuân, chẳng có gì là khó khăn cả. Hàng ngày Xuân đến trường, xúng xính trong bộ váy đồng phục màu rêu và đôi giày búp bê quai đen. Không chỉ chăm học, Xuân còn đăng ký tham gia vài câu lạc bộ ngoại khóa của trường và nhanh chóng kết thêm nhiều bạn hơn nữa. Mới vào lớp Mười, nhưng có lẽ gần như cả trường đều đã biết tới Xuân và quý mến em.
Xuân đã nghĩ rằng quãng thời gian cấp ba này sẽ để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp cho em, có lẽ nó sẽ là quãng thời gian đẹp nhất cũng nên.
Và quãng đời tươi đẹp ấy của Xuân đã được đánh dấu bằng sự xuất hiện của một người, người mãi mãi Xuân không bao giờ quên.
* * *
Một buổi sáng thứ ba, vào tuần đầu tiên của năm học, đúng bảy giờ ba mươi phút chuông vào giờ, một người đàn ông trẻ cao ráo bước qua cánh cửa lớp học của Xuân, đứng giữa bục giảng và gật đầu chào.
Cả lớp ồ lên, còn Xuân chỉ im lặng và khẽ mỉm cười. Thầy đẹp trai thật.
– Xin chào tất cả mọi người. Thầy được nhà trường chỉ định dạy môn Ngữ văn cho lớp các em.
Mười lăm cô gái và ba chàng trai đồng loạt vỗ tay. Vì là buổi đầu tiên, các giáo viên được phép dành ra một chút thời gian để làm quen với học sinh cũng như hướng dẫn các em về chương trình học tập mới. Xuân chống cằm, lắng nghe từng lời thầy nói, nghĩ bụng sẽ đạt điểm Văn cao nhất lớp cho coi. Thầy mới đi dạy, chắc chỉ khoảng hai lăm-hai sáu gì đó. Còn trẻ vậy mà thầy đã mang một phong thái rất tự tin và khoan thai khi đứng giảng cho học trò. Xuân thích gu thời trang của thầy, áo sơ mi trắng bên trong áo len mỏng không tay và quần âu đen là thẳng tắp, dưới chân mang giày tây đồng màu. Thỉnh thoảng trong giờ, thầy lại pha một câu đùa liên quan tới bài giảng của mình, khiến cho cả lớp cười ồ lên và xua bớt đi sự căng thẳng của tiết học. Những lúc học sinh cười, thầy cũng cười theo. Xuân để ý thầy hay nghiêng đầu khi cười, mái tóc của thầy sẽ hướng về phía cửa sổ, bắt nắng, rực lên ánh đỏ, và hàm răng trắng đều khiến cho nụ cười càng thêm duyên dáng hơn.
Không chỉ mái tóc đỏ của thầy bắt nắng, Xuân nghĩ mình cũng cảm nắng thầy mất rồi. Ngày hôm ấy, giữa giờ giải lao, bọn con gái xúm vào bàn tán về chủ đề mới đầy nóng bỏng, không ai khác là thầy dạy văn. Thầy đẹp trai nhưng bí ẩn quá, hết tiết học là cũng ngưng dạy, chẳng chịu ở lại chia sẻ thêm thông tin gì về bản thân cho học trò cả. Tò mò, chúng nó dùng điện thoại thông minh truy cập vào trang web của trường để tìm thông tin về thầy. Tra một biết mười, càng nhấn vào nhiều liên kết hơn, đám con gái mới lớn càng ngỡ ngàng trước những gì internet đưa ra về lai lịch của một người.
"Điều gì khiến một đứa con sinh ra trong gia đình như vậy lại chọn sự nghiệp làm thầy giáo nhỉ?" – Xuân rất muốn được biết.
Chỉ có một cách để biết được, đó là phải thân với thầy. Để một học sinh trở nên thân thiết với thầy, nó buộc phải học thật tốt không chỉ riêng môn của thầy ấy mà còn phải gây thiện cảm với cả những người khác để tăng sức thuyết phục và điểm cộng của bản thân. Những việc này với Xuân đâu có khó.
Liên tiếp những buổi Văn, Xuân luôn là cô học trò chăm chỉ và hào hứng nhất suốt từ đầu đến cuối giờ. Mến thầy và muốn gây ấn tượng với thầy, Xuân bớt tiền mua sắm để mua sách về nhà đọc thêm. Thầy rất ngạc nhiên khi thấy một đứa trẻ hăng hái đến thế trong suốt những buổi mình lên lớp, chưa kể lại cũng rất được lòng bạn bè và giáo viên trong trường. Dần dần, Xuân bắt đầu chia sẻ những cuốn sách yêu thích của mình với thầy, những thắc mắc cô bé gặp phải trong quá trình đọc và mong muốn được thầy giúp đỡ. Chẳng nỡ lòng nào từ chối cô học trò đáng yêu có niềm say mê với Văn học cả tây lẫn ta, cả xưa lẫn nay như Xuân, thầy đồng ý. Mới đầu chỉ là vài gợi ý nho nhỏ đến từ thầy, vài tựa sách Xuân có thể tìm trong thư viện trường; thế rồi thầy cùng Xuân tới thư viện và trao đổi, và thầy mang sách của mình cho Xuân.
Với một cô bé mười lăm tuổi, Xuân nghĩ đó chỉ là những điều hết sức bình thường đến từ sự tận tình của một người thầy.
Thời gian qua đi, hết lớp mười rồi lớp mười một. Những cuốn sách ngày một đầy trên kệ của Xuân, điểm số liên tục được nhà trường cập nhật cho gia đình và Xuân luôn đứng đầu danh sách. Theo lẽ thường tình, bố mẹ vẫn giữ thái độ bàng quan trước thành tích học tập của cô con gái độc nhất, vẫn gửi tiền tiêu đều đặn hàng tháng cho con và hỏi con những câu chung chung vào mỗi bữa tối như "Trường lớp thế nào?", "Có khó khăn gì không?". Thấy Xuân bắt đầu học cách trang điểm, bắt đầu bớt chơi đùa hơn trước và nói năng chững chạc hơn — họ nghĩ con gái cũng lớn rồi, và đó là điều hết sức bình thường. Trước đây, sự thờ ơ của bố mẹ sẽ khiến Xuân buồn lắm — nhưng giờ cô bé không còn buồn nữa, khi đã có bên mình một người sẵn sàng lắng nghe những tâm sự, ẩn ức trong lòng Xuân, bất kể có là giữa trưa hay đã đêm khuya.
– Em luôn cố học thật giỏi, cư xử ngoan ngoãn để làm bố mẹ mình vui. Nhưng họ chẳng bao giờ hài lòng với em, luôn nói những điều khiến em thất vọng khủng khiếp. Nhiều lần em đã muốn thử hư một lần, em muốn điểm kém một lần cho biết — nhưng em sợ lắm.
– Xuân đừng nghĩ tiêu cực như vậy. Điểm số tốt sẽ có lợi cho em sau này khi nộp đơn vào đại học. Em còn nhỏ, việc đi học là quan trọng nhất, ngoài minh chứng điểm số ra thì còn gì khác nữa. Nếu sau này lớn lên và em đạt được thành tựu nào đó, lỡ đâu bố mẹ sẽ thay đổi cách nhìn về em, phải không?
– Vâng... – Xuân bẽn lẽn cười. Những lời an ủi của thầy có tác dụng hơn nhiều so với mấy bộ phim bom tấn xem một lần rồi quên kia. – Hơn nữa, nếu em mà học dốt đi, có khi họ bỗng nghi ngờ em hả?
– Cô bé tinh ranh! – Thầy cười, nâng lấy cằm Xuân và hôn lên môi em.
Xuân không nhớ chính xác mình đã xưng em-anh với thầy giáo từ bao giờ, hay mối quan hệ thầy-trò từ khi nào đã thành bạn trai-bạn gái. Nhưng Xuân vẫn nhớ như in phút giây em tỏ tình với thầy giáo. Ngày tổ chức liên hoan cuối lớp mười, Xuân trông thấy thầy đứng hút thuốc ở sân sau của trường, em tới cảm ơn thầy vì mọi sự giúp đỡ. Đó là lúc Xuân đã quyết định thổ lộ tình cảm của mình. Xuân đã sợ rằng thầy sẽ tức giận, hoặc bỏ đi, hoặc ghét Xuân, hoặc cả ba — nhưng không, thầy mỉm cười, và thầy nói rằng thầy đã chờ Xuân nói điều ấy từ lâu rồi. Trước mặt mọi người, Xuân vẫn là một cô học sinh bình thường. Mỗi giờ lên lớp, thầy vẫn chẳng có biểu hiện gì kì lạ. Nhưng khi cổng trường buổi chiều đã đóng, đèn đường đã được bật lên, Xuân chạy tới điểm hẹn bí mật, đến bên vòng tay người em nghĩ là em rất yêu.
Xuân thích cảm giác được đi bên thầy, tay trong tay dạo bộ. Cô bé không muốn để mọi người biết, nên những buổi chiều rảnh rỗi, thầy lại dùng ô tô đưa Xuân tới một công viên rất xa. Ở đó, không ai biết thầy và không ai biết Xuân. Xuân sẽ cất đồng phục vào ba lô và thay bằng bộ quần áo khác để sẵn trong đó. Lớp trang điểm và đôi giày cao gót giúp Xuân già dặn hơn, và hai người có thể tự do được bên nhau, được yêu nhau. Chỉ cần nói với bố mẹ là Xuân tham gia câu lạc bộ ngoại khóa hay lớp học phụ đạo, thế là bố mẹ tin Xuân và yên tâm chẳng hỏi gì nữa.
Cả hai đều biết đây là điều sai trái, Xuân còn nhỏ, thầy giáo thì không được phép yêu học trò. Nhưng Xuân đã mười bảy tuổi, và chỉ cần hơn một năm nữa, mối tình vốn bị coi là cấm kị này bỗng dưng sẽ chẳng còn bị ai dị nghị. Người ta đâu cấm được cô sinh viên đại học đem lòng yêu mến một thầy giáo cấp ba, phải không? Viễn cảnh ấy luôn hiện lên trong đầu Xuân, rất rõ nét và rất hạnh phúc. Đôi khi, cô bé còn nghĩ đến việc được làm đám cưới cùng thầy, rồi lại tự cười một mình.
* * *
Xuân đã kết thúc kỳ học đầu tiên của lớp mười một, quãng đường từ giờ tới lớp mười hai cứ thế ngắn dần đồng nghĩa với việc cô bé phải tạm gác nhiều thú vui lại để tập trung cho mục tiêu duy nhất: vào đại học. Lịch học dày đặc, chương trình học nặng nề, không chỉ học sinh mà các giáo viên cũng rất bận rộn. Xuân và thầy không còn được gặp nhau nhiều như trước, và thầy phải thường xuyên an ủi cô bé rằng hãy cố vượt qua, rồi sau đó sẽ chẳng còn gì ngăn cách được hai ta.
Kể từ sau đợt kiểm tra cuối kỳ trước, Xuân kém xinh đi thấy rõ. Trán cô bé nổi đầy trứng cá, hai gò má ửng hồng trước kia giờ tái đi, cớm nắng vì suốt ngày ở trong nhà học bài. Áp lực không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài mà còn cả tâm trạng của Xuân. Tình trạng thiếu ngủ triền miên khiến Xuân không được vui vẻ như trước.
Một buổi chiều, Xuân đi học về với cái bụng đói meo. Cô bé mở cửa, nhưng rùng mình, linh cảm có chuyện gì đó kì lạ. Cả căn nhà hôm ấy im lặng một cách đáng sợ. Rón rén bước vào, Xuân thấy bố mẹ đang ngồi, mặt đối mặt hai bên bàn tiếp khách. Chính giữa mặt bàn, tờ giấy trắng ghi mực đen chữ in hoa rất lớn và rõ ràng: "Đơn Li Hôn".
"Ôi!" – Xuân đưa tay ra sau, bám lên tủ giày. Cô bé cần phải bám vào thứ gì đó để khỏi bị ngã. Chuyện gì đã xảy ra? Chuyện xảy ra từ khi nào? Tại sao bố mẹ lại li hôn khi mà Xuân đã lớn đến thế này?
Cả bố lẫn mẹ đều từ chối nói cho Xuân biết lý do. Họ chỉ hỏi đi hỏi lại Xuân rằng em muốn được sống cùng với ai, rồi hứa sẽ cho Xuân mọi thứ cô bé muốn — miễn là đồng ý đến với họ thay vì sống cùng người còn lại. Bố, mẹ? Mẹ, bố? Xuân bị giằng đi lôi lại như đèn kéo quân, cô bé hoảng sợ, khóc thét lên và chạy đi mất.
Chỉ có một người duy nhất lúc này Xuân nghĩ đến, người duy nhất có thể hiểu và đủ khả năng xua đi nỗi đau khổ của em.
– Anh ơi! – Xuân mếu máo, ôm chầm lấy người vẫn dạy em Ngữ văn mỗi tuần.
– Anh đây, anh đây. Nói anh nghe, sao vậy?
* * *
Trong lòng người yêu, Xuân được đà làm nũng và khóc như mưa. Thầy giáo hết lời an ủi, vuốt lên tóc Xuân và lau nước mắt cho em. Xuân cảm thấy sợ hãi và cô bé không muốn về nhà một chút nào, cô bé sợ ngay giây phút bước vào sẽ lại bị bố mẹ giằng co và ép buộc phải chọn một trong hai. Thầy giáo gợi ý Xuân có thể nghỉ tạm ở nhà thầy, nếu cô bé thật sự cảm thấy không còn nơi nào để đi.
Xuân gật đầu đồng ý.
Khi chiếc ô tô đã đỗ vào trong garage, khi cửa nhà thầy đã được mở khóa và công tắc đèn bật lên, Xuân tròn mắt trước không gian mang tông xám trắng với phong cách hiện đại và tối giản nơi đây. Trông thầy như vậy thì rõ là người giàu có và sành điệu rồi. Cô bé được chỉ đường vào nhà tắm thay đồ, sau đó tới bữa tối cho hai người. Bố mẹ thi nhau gọi, Xuân quyết định tắt nguồn điện thoại và đi ngủ sớm.
Nằm trên giường, nghĩ tới tình cảnh của mình, Xuân lại bật khóc. Em không biết phải làm thế nào để đối mặt được với chuyện này, chẳng còn lâu nữa em sẽ vào đại học rồi. Đệm giường bị nén xuống vì có người nữa trèo lên. Thầy tới nằm bên Xuân, ôm em vào lòng.
– Không sao đâu. Xuân có anh rồi mà.
Và họ hôn nhau.
* * *
Ngày hôm sau Xuân trở về nhà, chào mừng em là một cái tát xây xẩm mặt mày từ mẹ và thái độ lạnh lùng của bố.
Mẹ của Xuân, với lợi thế phụ nữ, được yêu cầu quyền nuôi con. Cả bố lẫn mẹ đều đủ khả năng chu cấp cho Xuân, cô bé bối rồi và đành chọn giải pháp giữ im lặng từ những giây phút đầu tiên cho tới khi tòa tuyên bố em sẽ sống với mẹ mình. Khi mọi chuyện đã xong xuôi và mọi người đã ra về, Xuân thấy bố mình đứng bên cạnh cô thư kí, vẻ thân mật quá so với quan hệ làm việc thông thường. Rồi mẹ gọi Xuân, em đi tới và thấy đằng sau bà là một người đàn ông, tuổi ngang với bố em. Nước mắt lưng tròng, phải đến giờ Xuân mới hiểu được điều gì đã xảy ra. Câu chuyện với tình huống éo le xưa nay vẫn thế, Xuân nghĩ nó chỉ có trong phim mà nào ngờ lại xảy ra với em.
* * *
Dạo gần đây, Xuân thấy trong người cứ là lạ, nhưng em không rõ căn nguyên vì đâu. Phải tới buổi liên hoan cuối năm, khi các bạn đang vui vẻ trò chuyện trong lúc nướng thịt, Xuân đột nhiên gục ngã rồi nôn. Cô chủ nhiệm cùng hai bạn vội tới nâng Xuân dậy, nhận ra em bị sốt, đành tạm ngừng cuộc vui để đưa Xuân về.
Khi Xuân phát hiện ra mình có thai, cô bé mới mười bảy tuổi.
Xuân biết bố đứa bé là ai, nhưng em không biết phải làm gì.
Sợ mẹ đánh mắng rồi chì chiết, Xuân không dám nói với bà. Bố thì có lẽ đang hạnh phúc với người vợ mới trẻ đẹp hơn, em cũng không thể nhờ bố giúp. Xuân đã mười bảy tuổi, em nhận thức được phá thai nguy hiểm tới mức nào, nhưng lại không sáng suốt tới mức đó khi kề đầu mình bên gối của thầy. Xuân sợ những ánh mắt kì thị, những lời bàn tán và bình phẩm tàn nhẫn của mọi người, nhưng Xuân không cam lòng giết chết đứa con của mình. Bế tắc, cô độc, Xuân quyết định giữ im lặng và phó mặc cho số phận đưa đẩy.
Suốt cả mùa hè giam mình trong nhà, khi Xuân trở lại trường cũng là lúc bụng cô bé bắt đầu lộ. Các học sinh xì xào to nhỏ, cá tiền với nhau đó là con Xuân có chửa hay chẳng qua hè ở nhà nó béo lên. Mọi sự võ đoán chẳng cần mất nhiều thời gian, vì dáng đi của Xuân nặng nề theo cái thai đang ngày càng lớn. Từ cược tiền Xuân mang thai, chúng chuyển sang cá xem tác giả của đứa bé là ai. Đứa thì cho rằng là một học sinh nam trong trường, đứa thì bảo là thanh niên bên ngoài. Không một ai đặt vị thầy giáo tóc đỏ đẹp trai vào vùng nghi phạm, và thầy ấy có vẻ cũng điềm nhiên trước sự việc này. Đáng lý nó sẽ là chuyện riêng của Xuân nếu như tai tiếng không đồn xa đến vậy, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của nhà trường. Thầy hiệu trưởng quyết định bắt tay vào điều tra, nhằm xác minh liệu rằng Xuân là một cô bé đua đòi lầm lỡ, hay là một nạn nhân đáng thương bị hãm hiếp. Vấn đề không chỉ về thể diện nhà trường, đó cũng là danh dự của Xuân — và lỡ như có chuyện gì không hay xảy ra với cô bé, thì trách nhiệm không còn thuộc về bản thân em hay gia đình em, mà thuộc về rất nhiều người.
Không ai biết thầy đã tìm hiểu sự việc như thế nào, bằng trực giác, bằng quan sát hay bằng cả những chiêu thức nào khác. Vào một ngày mùa đông, lớp Ngữ văn của Xuân có một giáo viên khác tới dạy thay, vì người thầy tóc đỏ lúc đó đang ngồi trong văn phòng hiệu trưởng.
Lại nói về Xuân, cái thai lớn dần kéo theo những lời đàm tiếu và xúc phạm nghiệt ngã hơn trút lên đầu cô gái trẻ sắp làm mẹ. Trong lớp không còn ai nói chuyện với Xuân, mọi người ở câu lạc bộ tẩy chay Xuân. Khi Xuân từ nhà vệ sinh trở lại phòng học, túi xách, ngăn bàn, mặt bàn của em đầy những vỏ bao cao su, thuốc tránh thai và những tờ giấy viết vẽ đủ nội dung ghê tởm về em. Khi tan học, trên đường đi, những thằng con trai lại nhảy ra chặn đường Xuân, vươn tay trước bụng mình, làm động tác bắt chước Xuân và hú hét, còn lũ con gái thì cười nhạo góp vui. Về tới nhà, Xuân lại khóa cửa phòng, cố gắng nghĩ tới chuyện gì khác để khỏi phải nghe những lời rủa xả, than vãn uất ức từ mẹ. Ai cũng ép Xuân phải nói ra người đã hãm hại con bé, nhưng Xuân một mực im lặng. Từ một cô bé đáng yêu được bao người quý mến, Xuân trở nên xanh xao và ủ rũ, lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi vì bị bao vây bởi sự khủng bố. Những đứa học sinh xúm vào bắt nạt và chửi Xuân không biết chán. Bộ dạng hoảng hốt và khóc lóc của cô bé khiến chúng hả hê. Có lần Xuân bắt gặp người thầy mình đem lòng si mê ở sân trường, cô bé nuốt nước mắt vào lòng và vội rẽ hướng bỏ đi. Người mà cô bé yêu cũng không hề gọi em lại, hay đi theo em.
Rồi một ngày, Xuân không còn đi học nữa.
Bác sĩ phụ trách ca hôm đó sửng sốt khi thấy có người mẹ tới đây sinh con một mình, và bà sửng sốt hơn nữa khi nhận ra sự non nớt hiện rõ trên gương mặt con bé, cùng chiếc cặp học sinh phía sau lưng nó.
Cuộc sinh nở diễn ra trót lọt. Con của Xuân là một bé gái khỏe mạnh, trên đầu có chỏm tóc tơ đỏ nhạt.
Sau khi các y bác sĩ hoàn tất công việc giao ban, họ tới giường sản phụ trẻ, phát hiện chiếc giường trống trơn. Không ai biết cô học sinh kia đã bỏ trốn cùng em bé từ bao giờ, bảo vệ bệnh viện thì không để ý vì một ngày có biết bao người ra vào. Cô y tá thở dài nhìn về phía cửa sổ, trời tối mà rét thế này, hai mẹ con còn đi được đâu?
Có một cô nhi viện cách công viên khu nhà Xuân không xa. Xuân cố nén lại cơn đau và sự mệt mỏi, ba lô đeo trên vai, tay bế con ngang ngực, và cứ thế đi bộ, mặc cho máu và dịch vẫn đang rỉ ra dưới chân. Đường lúc này vắng tanh, thỉnh thoảng mới có một chiếc ô tô đèn pha phóng qua. Các cửa hàng đều đã đóng, và nhà nhà đều đi ngủ.
Đứng trước cửa trại mồ côi, Xuân ôm con lần cuối, hai mắt cay nhòa vì khóc. Em đặt con xuống bậc cửa, từ cặp sách một mảnh giấy nhét vội vào khe cửa, bấm chuông và hối hả bỏ đi.
Khi người quản trại ra ngoài, xuýt xoa vì sương giá và ngái ngủ, bà vội bế đứa bé sơ sinh tái mét vào lòng, ủ ấm cho nó. Bà ngó xung quanh, chẳng thấy ai giống như đang tìm cách chạy đi thật xa.
Có một lối tắt dẫn từ ngõ hẻm vào tới con phố nằm tại khuôn viên phụ của trường, rất ít người biết đến nên cũng ít người sử dụng lối đó. Xuân biết được nó là nhờ những ngày lén lút hẹn hò cùng thầy giáo. Lang thang trong khuôn viên, Xuân cứ lảo đảo bước một cách vô hồn. Váy đồng phục của cô bé và đôi tất trắng giờ ướt đẫm máu, nhưng em chẳng còn quan tâm. Xuân không quan tâm tới bất cứ điều gì nữa. Cô bé tìm tới khu nhà vắng và tối nhất, gắng leo lên từng bậc thang. Khi đã tới được sân thượng, Xuân bò qua mái nhà, run run đứng dậy và nhìn xuống dưới.
"Đến đây là kết thúc rồi..." – Xuân thở hổn hển, vẫn chưa lại sức được sau suốt chặng leo trèo năm tầng nhà. Nếu đã quyết định giải thoát chính mình bằng cách nhảy lầu, em nên làm thật nhanh trước khi khát vọng sống trỗi dậy và khiến em suy nghĩ lại.
Cô học sinh xoay người, đôi giày búp bê quai đen trượt khỏi gờ tường. Tiếng gió rít hai bên tai, Xuân nhắm mắt lại.
Xuân có thật sự muốn chết không? Hay đây chỉ là suy nghĩ nhất thời bột phát?
Có tiếng một vật nặng từ trên cao văng xuống đất. Bảo vệ trong trường nghe thấy loán thoáng xa xa, nhưng lúc đó ông đang mơ màng ngủ, ông bỏ qua.
Xuân khóc nức nở, nằm bất động trên vũng máu khổng lồ. Toàn bộ xương trong người em đã gãy, nội tạng chắc nát rồi. Em chưa chết, nhưng cơn đau này còn khủng khiếp hơn cái chết gấp nghìn lần, em thà được chết ngay lập tức. Xuân ước gì mình đừng lao xuống mặt đất, đáng ra em đừng nhảy ngay từ đầu. Hoặc đáng ra em đừng đồng ý quan hệ tình dục với người đó, giá như em đừng yêu hắn. Đáng ra, giá như...
Giá như em đừng leo lên rồi nhảy xuống. Tại sao Xuân lại chọn tự tử? Em đã sống được tới khi sinh con ra rồi mà? Tại sao em lại phải chết, trong khi có thể chờ một năm nữa vào đại học hoặc ở nhà và chăm sóc cho con? Xuân sắp đủ mười tám rồi, em có thể tìm một công việc mà? Bố mẹ đâu có ghét Xuân, họ vẫn cuống cuồng tìm em khi em bỏ nhà đi mất, vẫn tranh nhau quyền nuôi em. Họ vẫn yêu em kể cả khi không còn yêu nhau, họ yêu em kể cả theo cách ích kỉ của riêng họ. Người Xuân gọi là thầy đâu có quan tâm tới Xuân khi em bị bạn cùng lớp cùng trường bắt nạt. Hắn có thật sự yêu em như em nghĩ? Tại sao em lại phải phí cuộc đời mình như thế?
Nghĩ, ân hận, Xuân thở hắt, nước mắt vẫn tuôn trào, rên rỉ theo cơn đau. Tại sao em không nghĩ ra những điều đó sớm hơn, chỉ cần sớm hơn hai giây trước khi nhảy xuống là đủ rồi.
– Cứu tôi với... Ai cứu tôi với... – Xuân đau lắm rồi, em cố hét lên nhưng hơi không còn đủ. Tất cả chỉ còn lại những cái bật hơi nghẹn ngào và tiếng quằn quại ngắt quãng theo cơn đau. – Cứu tôi...
* * *
Buổi sáng hôm ấy, giữa bầu trời xám và trận gió rít cuối tháng Mười hai, các học sinh trường ABC hét lên trước xác chết của một bạn nữ. Người cô ấy nát bét và tanh lòm, phía trên ruồi bu đầy quanh theo mùi máu khô. Cái chết với cô bé ấy hẳn không hề nhanh chóng và dễ dàng, gương mặt em vẫn còn rõ nguyên sự đau đớn. Mới sáng ra mà đã gặp phải người chết, không ít học trò đã ngất lịm. Các thầy cô và bảo vệ tới giải tán học sinh, đội dọn vệ sinh cũng tới và đưa xác cô bé kia đi. Căn cứ vào thẻ tên gắn trên áo cô bé, họ phát hiện ra tên em là Xuân.
Khi hay tin, thầy hiệu trưởng chỉ biết ôm mặt mà khóc. Bố của Xuân tái người, quỳ rạp xuống đất, mẹ em khóc ngất. Tất thảy những học sinh trước đây từng cư xử không phải với Xuân, đều cảm thấy sống lưng lạnh toát.
Sau cái chết của Xuân, người ta cũng không thấy thầy tóc đỏ tới trường ABC dạy nữa.
* * *
Kết thúc một tuần lễ mưa phùn bẩn ướt, nắng cuối cùng cũng quay trở lại, đem hơi ấm và khô ráo tới khắp nơi. Để chào mừng năm mới, chim chóc rủ nhau bay đậu theo bầy, cất lên những bài ca vui tai.
Ánh ban mai chờm qua chấn song cửa sổ, hạ mình nơi đầu mũi của em bé đang nằm chơi trong nôi. Một cơn gió thoảng qua mái tóc đỏ, nhẹ như nụ hôn ai đặt lên. Bé con toét miệng cười và quơ tay, cố bắt lấy một chút gì đó cho em khi mùa xuân tới.
– – – – – – HẾT – – – – – –
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com