Những vụ án nổi tiếng 1
Cầu Cổng Vàng - sát nhân bất đắc dĩ
1.200 người đã tìm đến cái chết trên cây cầu từng được bình chọn là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại. Cầu Cổng Vàng được biết đến với vẻ đẹp mê hồn và sự lãng mạn... đến dễ sợ do không có lan can.
Trên đây là con số thống kê số người nhảy cầu vào ban ngày, vào ban đêm số người chết vì nhảy cầu mất xác chắc chắn còn lớn hơn nhiều, trong đó có nhiều cuộc tự vẫn tập thể. Người dân sống gần đó ít nhất cũng có một lần trong đời được chứng kiến cảnh nhảy cầu tự vẫn.
Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge), thuộc thành phố San Francisco (Mỹ), được khánh thành vào năm 1937. Người đầu tiên mượn điểm nổi tiếng này để trẫm mình là cựu chiến binh Chiến tranh Thế giới I tên là H. Wobber. Ông tự vẫn lúc 47 tuổi, ngay sau khi cây cầu được khánh thành 3 tháng. Tham gia chiến trận bao nhiêu năm chẳng có tên tuổi, bỗng nhiên tìm đến cái chết bằng việc nhảy cầu đã khiến tên tuổi của cựu chiến binh này đi vào "huyền thoại". Chuyện các nam thanh nữ tú, học sinh do thất tình hay bế tắc trong cuộc sống đến cầu Cổng Vàng tự vẫn là chuyện bình thường.
Người trẻ nhất chọn cầu Cổng Vàng tự vẫn là một cô bé 14 tuổi tên là Marrisa Rosa. Em đã bỏ học tới đây nhảy cầu tự vẫn từ độ cao 70 m. Điều tra cho thấy, Rosa đã từng tìm được một trang web dạy tự tử bằng cách nhảy cầu. Theo đó, muốn cầm chắc cái chết thì phải nhảy từ độ cao 75 m trở lên, hiệu nghiệm hơn cả uống thuốc độc.
Người cao tuổi nhất nhảy cầu tự vẫn là một cụ già 70 tuổi. Trong một bức thư để lại trước khi quyên sinh, cụ viết rằng muốn chết vì không thích nghi được với cuộc sống. Thông thường, mỗi người tự tử thường có bức thư tuyệt mệnh trong túi, có người chết vì đau răng, có người vì giận đồng nghiệp...
Tự tử ở cầu Cổng Vàng để nổi tiếng?
Không chỉ có thường dân chọn cầu Cổng Vàng để trẫm mình mà nhiều nhân vật lớn cũng chọn nơi đây để thác đời. Đó là trường hợp của Roy Raymond, người sáng lập ra hệ thống bán hàng bí mật Victoria. Ông đã nhảy cầu năm 1993. Tiếp sau đó là thủ quỹ của đảng Dân chủ, bạn thân của cựu Phó tổng thống Al Gore cũng chọn cầu Cổng Vàng để tự vẫn.
Theo tính toán thì cứ 18 phút lại có một người chết do bệnh tật, tự sát, tai nạn giao thông hay thanh toán nhau bằng súng tại Mỹ. Những cái chết trên ít được báo chí nhắc tới. Chính vì điều này mà chết ở cầu Cổng Vàng là "ước mơ" của nhiều người vì thường được báo chí nhắc tới nhiều.
Có người ở các bang khác xa xôi trước khi đến cầu Cổng Vàng trẫm mình đã phải tích cóp nhiều tháng lương mới đủ tiền đi đường tới đó tự vẫn. Nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng, chuyện lìa đời ở Mỹ là bình thường, ít được mọi người quan tâm vì thế nhiều người muốn đến cầu Cổng Vàng tự vẫn để cái chết của họ "mang tính thẩm mỹ, lãng mạn và gây sốc cho dư luận". Bằng chứng là cách cây cầu Cổng Vàng không xa có một cây cầu khác y chang như nó nhưng từ khi hình thành đến nay chẳng ai chọn nơi đây để chết. Tuy nhiên, cũng có nhiều người muốn tới cầu Cổng Vàng để tự vẫn, nhưng vì thấy cảnh ở đây đẹp và lãng mạn nên họ từ bỏ ý định.
Rất nhiều người đã làm đơn kiện lên chính quyền thành phố, cho rằng cái chết của người thân của họ là do cầu Cổng Vàng không có lan can. Tuy nhiên, bao nhiêu lá đơn xếp chồng lên đều bị chính quyền thành phố dẹp đi. Năm 1976, một kỹ sư tên là Roger Grimes cũng đã đưa ra kiến nghị xây lan can cầu Cổng Vàng, nhưng chẳng ai ngó ngàng tới chuyện này.
Phải chăng thành phố San Francisco không quan tâm tới tính mạng con người? Xin thưa không phải vậy, vì nếu làm lan can thì cây cầu mất đi vẻ đẹp và sự lãng mạn đến dễ sợ của nó. Khi đó, cầu Cổng Vàng sẽ chẳng còn thu hút được khách du lịch nhiều như hiện nay: 10 triệu người tới thăm/năm
Những cái chết bí ẩn tại vùng biển thuộc dãy Đại san hô
Ngày 20/9/1997, Michiko Okuyama, nữ du khách người Nhật 22 tuổi, đến Cairns để thực hiện một chuyến lặn thám hiểm xuống dãy Đại san hô lớn nhất thế giới bao bọc quanh thành phố biển tuyệt đẹp của vùng Bắc Australia. Sau khi đến bưu điện gửi thư về cho gia đình và mua sắm vài món đồ cần dùng, Michiko biến mất...
Hai tuần sau, một ngư dân phát hiện xác của cô nằm giữa bãi cây sú vẹt ngập mặn ở ngoại ô phía bắc thành phố Cairns và liền báo cho cảnh sát. Theo giám định của cảnh sát, nạn nhân chết do bị một vật cứng va đập mạnh vào đầu, nhưng họ không tìm thấy bất cứ chứng cứ nào cho thấy cô gái du khách người Nhật này bị giết chết. Dù tiến hành điều tra theo nhiều hướng, cảnh sát vẫn không làm sáng tỏ được cái chết bí ẩn của Michiko.
Đây cũng là một trong 13 cái chết bí ẩn diễn ra tại vùng biển thuộc dãy Đại san hô từ năm 1997 đến nay, được một cựu nhân viên điều tra của Sở Cảnh sát bang Queensland, đồng thời là một nhà báo, tên là Robert Reid, nêu ra trong cuốn sách có tựa đề Dưới vầng trăng u ám, được nhà xuất bản Blue Heeler Books phát hành tháng 4/2004.
Tác giả Robert Reid cho biết: "Nhiều xác người được tìm thấy trong các rừng cây ngập mặn, trên bãi biển và cả dưới vùng nước trong xanh của dãy Đại san hô. Họ chết một cách bí ẩn, mà cho dù có tổ chức điều tra cách mấy, cảnh sát vẫn không tìm ra manh mối".
Ngày 8/7/1998, một du khách phát hiện một xác người tại vũng Behana Creek và liền báo tin cho cảnh sát. Giám định của cảnh sát cho biết, nạn nhân là một cô gái trẻ 17 tuổi, người thành phố Cairns, tên là Angela Mealing. Cô được gia đình khai báo mất tích cách đó 6 tuần trên đường trở về nhà sau một buổi khiêu vũ. Giả thiết nạn nhân tự tử được nêu ra khi các nhân viên điều tra phát hiện vô số hình dây thòng lọng treo cổ được vẽ trên các tập vở của Angela. Tuy nhiên, Robert Reid, lúc đó còn đương chức phụ trách điều tra hình sự của Sở Cảnh sát bang Queensland, đặt nghi vấn rằng làm cách nào mà nạn nhân đến được vũng Behana Creek, cách thành phố Cairns đến 8 km để tự tử?
Nhiều tài xế xe tải, xe du lịch khai với cảnh sát rằng vào tối hôm xảy ra vụ mất tích của Angela, họ không trông thấy bất cứ ai đi bộ dọc theo xa lộ Burce Highway theo hướng từ thành phố Cairns đến vũng Behana Creek. Hầu như cảnh sát không tìm thấy bất cứ dấu vết nào chứng tỏ nạn nhân đã bị sát hại.
Đến ngày 22/1/1999, cặp vợ chồng du khách người Mỹ, Eileen và Tom Lonergan, lại mất tích khi lặn xuống vùng biển của dãy Đại san hô gần thị trấn Port Douglas. Tuy đã lặn đi lặn lại nhiều lần, nhưng Jack Nairn, hướng dẫn viên một toán du khách người Mỹ đến lặn tham quan tại dãy Đại san hô, vẫn không tìm ra bất cứ dấu vết của cặp vợ chồng du khách người Mỹ này.
Khai báo với cảnh sát sau 8 giờ xảy ra vụ mất tích bí ẩn, Jack Nairn cho biết, Eilenn và Tom Lonergan là những thợ lặn chuyên nghiệp và đã không trở về tàu sau thời hạn quy định là chỉ được lặn không quá 40 phút. Bốn ngày sau, xác của họ được phát hiện ở vùng biển Gordonvale, cách nơi họ mất tích 2 km. Giám định của cảnh sát cho biết, hai nạn nhân tử vong do nước tràn vào phổi. Vậy cặp vợ chồng du khách người Mỹ này đã tự tử hay gặp tai nạn khi lặn?
Trường hợp đặc biệt mà Reid nêu ra trong phần cuối cuốn sách là về một cô gái tên là Natasha Ryan. Tháng 2/2000, cô gái mới 16 tuổi sinh sống tại thành phố Cairns này bỗng mất tích. Dân cư thành phố nháo nhào đi tìm Natasha nhưng không có kết quả. Một du khách khai báo với cảnh sát là đã trông thấy một cô gái có vóc dáng như Natasha đi chậm rãi xuống biển vào một đêm không trăng rồi mất dấu luôn. Sau một thời gian điều tra về vụ mất tích bí ẩn của Natasha Ryan mà không có kết quả, cảnh sát kết luận là cô gái trẻ đã chết.
Vậy mà chuyện lạ đã xảy ra tháng 4/2003, khi một người quen của gia đình Ryan tình cờ phát hiện Natasha Ryan có mặt tại một căn nhà nhỏ ở một bãi biển hoang vắng cách thị trấn Port Douglas 12 km. Khi cùng cảnh sát đến nơi, cha mẹ của Natasha đã hết hồn khi biết đó chính là cô con gái được cho là đã chết cách đây gần 3 năm. Khai báo với cảnh sát, Natasha thú nhận là đã bỏ trốn đến sinh sống cùng bạn trai tại ngôi nhà hoang vắng này từ tháng 2/2000 mà không liên lạc gì với gia đình cho đến ngày bị phát hiện.
Về hành động này mà Natasha đã bị truy tố tội khai báo không ngay thật về sự tồn tại của mình khiến cho cảnh sát phải tốn công tốn sức tổ chức điều tra trong một thời gian dài
Kẻ cướp trở thành tiến sỹ luật học
Sau nhiều lần đánh cướp tài sản có vũ khí, bắn bị thương người thi hành công vụ, Christian Laplanche đã chuộc tội bằng cách miệt mài học tập trong tù và lấy bằng tiến sỹ luật học. Christian mơ ước trở thành luật sư nhưng với quá khứ lỗi lầm, đó không phải việc dễ dàng.
Năm 1981, Christian Laplanche, học sinh lớp 12 của Trường Saint - Joseph tại vùng Avignon (Pháp), cùng một người bạn quyết định tiến hành các vụ cướp. Gần lễ Noel năm đó, Laplanche tới một cửa hàng bán vũ khí mua một khẩu súng lục rồi cùng người bạn cướp một tiệm bán thuốc lá, lấy đi 700 frăng trước khi tẩu thoát bằng môtô. Động cơ của vụ cướp không phải vì tiền mà đơn giản vì Laplanche ưa mạo hiểm.
Với quyết tâm khẳng định bản thân, trong 5 tháng sau đó, Christian Laplanche cùng người bạn tiến hành trên 12 vụ. Ngày 21/4/1982, với vũ khí trên tay, Laplanche cùng người bạn đã tấn công một bưu điện ở Barbentane, cướp tiền rồi tẩu thoát. Trên đường bôn tẩu, 2 kẻ quậy phá kia đụng phải một cảnh sát khu phố. Người này vừa hô vừa bắn chỉ thiên. Laplanche quay lại và bóp cò, viên đạn ghim vào chân viên cảnh sát.
Hai tuần sau khi gây án, cảnh sát vùng Arles đã đến bắt Laplanche ngay tại trường học. Chàng thanh niên trẻ này đã khai nhận tất cả. Xavier de la Soujeole, thẩm phán phụ trách điều tra vụ án, cho biết: "Vụ việc này khá nghiêm trọng, nhưng tôi có cảm giác rằng Laplanche có thể cải huấn được. Cậu ta không nói dối cũng không chối bỏ trách nhiệm".
Kết thúc điều tra, thẩm phán Soujeole đã buộc Laplanche tội đánh cướp có tổ chức và âm mưu sát hại người khác. Sau đó, vị thẩm phán này đã khuyên Laplanche nên học nốt để lấy bằng tú tài trong nhà tù, và nếu đỗ cậu ta có thể được trả tự do tạm thời chờ lệnh triệu tập của tòa đại hình.
Trong phòng giam, Laplanche học tập không biết mệt mỏi từ triết học, luật học cho tới toán học, sau đó lấy bằng tú tài trong kỳ thi được tổ chức ngay tại nhà tù. Cùng thời gian đó, Laplanche nghiên cứu rất kỹ các tác phẩm của Albert Camus, bộ luật tố tụng hình sự và giúp đỡ các "đồng nghiệp" soạn thảo đơn xin ân xá, hay đơn xin trả tự do.
Sau 14 tháng bị cầm tù, Laplanche được thẩm phán Soujeole ra quyết định trả tự do tạm thời. Cũng theo lời khuyên của vị thẩm phán này, sau khi được trả tự do có điều kiện, Christian Laplanche tiếp tục đăng ký theo học Đại học Luật ở Montpellier.
Tại tòa đại hình Aix-en-Provence, diễn ra vào tháng 11/1987, Laplanche bị tuyên phạt 5 năm tù giam, trong đó 3 năm tù giam và 2 năm cho hưởng án treo. Và chính trong thời gian ngồi tù này, Christian Laplanche đã hoàn tất luận án thạc sĩ luật hình sự. Do nhận thấy sự hối cải và thái độ hợp tác, sau thời gian tạm giam chờ ngày thi hành án, Laplanche được thả tự do có điều kiện.
Ngay sau khi ra tù, Laplanche bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật. Giống như mọi vị giáo sư luật học, Laplanche chỉ cần ghi tên là đủ để trở thành luật sư. Tuy nhiên, luật pháp của Pháp quy định rõ để trở thành luật sư, Laplanche phải chưa từng bị ghi vào sổ đen vì đã xâm phạm phong tục, danh dự và sự liêm khiết. Tại Nimes, Đoàn luật sư yêu cầu Laplanche phải chứng minh rằng danh dự trong sạch của mình. Do những tội trạng trước đây đã rõ ràng, Laplanche đã bị Đoàn luật sư Nimes từ chối.
Ngày 9/7/2003, Laplanche kháng cáo lên Tòa phúc thẩm thành phố Nimes đòi quyền được làm luật sư. Trong lịch sử ngành Tư pháp đã có nhiều trường hợp như Laplanche. Chẳng hạn như năm 1992, Đoàn luật sư Paris đã chấp nhận cho một người từng bị kết tội 20 năm tù giam vì tội giết vợ được gia nhập đoàn luật sư. Sau này, tên tuổi của kẻ hoàn lương trên được nhiều người trong giới luật sư kính nể và tâm phục
Kẻ sát nhân mang bộ mặt cười
Từng gây ra vụ giết người hàng loạt làm chấn động dư luận Autralia năm 1942, nhưng thủ phạm Edward Joseph Leonski không hề tắt nụ cười trên môi. Kể cả khi bị bắt đến trước phút bị treo cổ, y vẫn hát một mình: "Ngày mai là một ngày đáng yêu...".
Giữa lúc Chiến tranh Thế giới II (1939-1945) diễn ra ác liệt, Mỹ đưa quân qua Autralia để yểm trợ nước này trước mối đe doạ ngày càng lớn của quân phiệt Nhật ở vùng biển Thái Bình Dương. Camp Pell là tên một trại lính Mỹ nằm ở công viên hoàng gia thuộc thành phố Melbourne.
Vào năm 1942, Melbourne là một địa phương theo chế độ "đêm nâu". Nghĩa là ban đêm, mọi người hạn chế tối đa việc sử dụng ánh sáng, để tránh trở thành mục tiêu cho những đợt pháo của địch. Trong điều kiện đó, cửa sổ nhà ban đêm phải được bịt kín hoàn toàn, đèn xe chỉ mở vừa đủ thấy đường đi và xe chỉ được chạy với tốc độ tối đa 32km/h. Những biện pháp đó giúp giảm thiểu những thiệt hại từ bên ngoài như pháo kích, oanh tạc, nhưng chúng lại tạo điều kiện cho tội phạm bên trong phát triển.
Ngày 3/5/1942, người ta tìm thấy thi thể bị lột trần của một phụ nữ tên Ivy Violet Mcleod nằm ở hành lang đi vào một cửa hiệu gần đại lộ Victoria. Trước đó có người nhìn thấy chị đứng nói chuyện với một lính Mỹ tại trạm chờ xe điện ngầm. Cuộc khám nghiệm cho thấy nạn nhân bị đánh đập, xé nát quần áo và bóp cổ cho đến chết. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào của một vụ cướp, vì ví tiền của nạn nhân còn nguyên vẹn.
Sáu ngày sau, thi thể của Pauline Thompson, một phụ nữ 31 tuổi được tìm thấy ở bậc thềm của một ngôi nhà trên đường Spring. Chị là tốc ký viên, làm thêm việc ở đài phát thanh địa phương và thường tham gia công tác từ thiện. Đêm đó, chị có hẹn với một binh nhì Mỹ Justin Jones để cùng đi liên hệ với một Câu lạc bộ từ thiện của Mỹ nhằm gây quỹ mua một xe cứu thương và tổ chức vui chơi cho binh sỹ trú đóng.
Thompson chờ Jones hơn 30 phút mà không thấy anh đến nên bỏ đi. Đêm đó, có người thấy chị ở khách sạn Astoria với một lính Mỹ khác đang say rượu, rồi sau đó chị rời khách sạn, đi giữa đêm mưa gió. Cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy cái chết của Thompson y như của Mcleod, nghĩa là bị đánh đập, xé quần áo trước khi bị bóp cổ cho đến chết.
Nạn nhân thứ ba được phát hiện 10 ngày sau đó. Chị tên Gladys Hosking, một thư ký độc thân 41 tuổi, làm thư ký và coi sóc thư viện ở trường Đại học Melbourne, gần Camp Pell. Người ta tìm thấy thi thể nạn nhân ở một con mương cạnh trại lính, gần đó là một chiếc ô và một cái mũ.
Đêm 18/6, nhiều người thấy Hosking đi sánh đôi với một lính Mỹ. Hai người che chung một cái ô, trông Hosking vui vẻ và thoải mái. Cũng trong đêm ấy, một lính Australia tên Noel Seymour có nhiệm vụ canh phòng đoàn xe tải gần trại Camp Pell nghe có tiếng động nhỏ, vội rọi đèn pin và phát hiện một lính Mỹ đang đi về hướng trại, trên người dính đầy bùn. Anh ta nói với Seymour là vừa đi chơi với bạn gái về và trượt chân ngã vào một vũng bùn.
Cái chết bí ẩn của ba phụ nữ Australia xảy ra chỉ trong hơn nửa tháng, với một kết cục như nhau đã khiến cho cư dân Australia rơi vào trạng thái kinh hoàng. Phụ nữ không dám ra khỏi nhà vào ban đêm, ai đi làm cũng tranh thủ về thật sớm vào buổi chiều. Người ta gọi thủ phạm giấu mặt là "kẻ bóp cổ người giữa đêm nâu".
Truy tìm thủ phạm
Cơ quan điều tra Australia bắt tay vào cuộc và thám tử Harold McGufie được giao trọng trách phá án. Do sự kiện được công bố rộng rãi, nhiều phụ nữ liên hệ với chính quyền khai báo rõ việc họ bị một lính Mỹ tấn công tương tự, may mà họ thoát nạn. Một người kịp nhìn thấy mấy chữ E.J.L. phía trước áo thun của y khi tri hô cầu cứu.
Tin rằng thủ phạm của các vụ án trên là một lính Mỹ, McGufie cùng các cơ quan điều tra Australia đã can thiệp để cho toàn bộ 15.000 lính Mỹ ở Camp Pell cấm trại hoàn toàn. Các nhân chứng được hộ tống vào trại để nhận diện thủ phạm, nhưng cuối cùng không ai thành công trong công việc khó khăn này.
Người ta bắt đầu nghi ngờ giả thuyết lính Mỹ là thủ phạm gây ra những cái chết trên. May sao, không lâu sau, người ta bắt được một kẻ tình nghi tấn công cháu gái của một nhân chứng, và anh lính Australia Noel Seymuor nhận ra đó là anh lính Mỹ mà anh đã tình cờ gặp trong đêm xảy ra cái chết của nạn nhân thứ ba.
Cuối cùng, qua khai thác, thủ phạm nhìn nhận hết tội lỗi. Y tên Edward Joseph Leonski, 24 tuổi, binh nhì Mỹ thuộc Tiểu đoàn 52 đóng ở trại Camp Pell. Hồ sơ cá nhân của y từng ghi nhận y toan bóp cổ một cô gái trẻ ở San Antonio, Texas (Mỹ). Y có một người anh mắc bệnh tâm thần.
Phiên toà hình sự Melbourne diễn ra công khai và bị cáo Leonski khai rằng mình bị bệnh tâm thần, nhưng các cuộc kiểm tra của các nhà tâm thần học Mỹ và Australia phủ nhận tình trạng này.
Điều làm cho mọi người hết sức ngạc nhiên là bị cáo tươi cười từ đầu đến cuối phiên toà diễn ra vào ngày 4/11/1942, kể cả khi bị tuyên án tử hình dưới hình thức treo cổ. Y tiếp tục cười suốt 5 ngày sau đó, cho đến hôm 9/11, vẫn giữ thái độ bình thản khi bị dẫn đến giá treo cổ ở nhà tù Pentridge.
Vụ án Leonski kết thúc vào năm 1942, đến năm 1985, nó được tái hiện trên sân khấu qua vở kịch có tên Death of a soldier (Cái chết của một người lính) do diễn viên Reb Brown thủ vai Leonski. Nụ cười của Brown khiến cho những cụ ông, cụ bà từng chứng kiến phiên toà năm 1942 nhớ ngay đến nụ cười bất tận của Leonski
Giờ phút cuối cùng của Thánh Mahatma Gandhi
Cách Gandhi chưa đầy 1 mét, người đàn ông lạ bắn 3 phát đạn bằng một khẩu súng ngắn nhỏ kiểu châu Âu. Phát thứ nhất trúng tim. Hai phát sau xuyên thủng bụng. Gandhi ngã xuống phía trước, hai bàn tay chắp lại và thì thào lời giã từ cõi trần thế: "Hay, Rama" (Ôi, lạy Thánh!).
Gandhi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30/1/1948. Trước đó ít hôm, nhóm mưu sát gặp nhau lần cuối. Chúng thề sẽ tiêu diệt Gandhi, kẻ thù của bá quyền Hindu, người chủ trương hòa giải với đạo Hồi. Đến ngày hành động, chúng bí mật đột nhập khu nhà yên tĩnh Birna House của Mahatma, nấp ở đấy 3 giờ liền trước khi bắn ra những phát súng oan nghiệt.
Lúc ấy khoảng 16h30', Mahatma Gandhi có hai cháu gái bên mình, Abha (20 tuổi) và Manu (17 tuổi). Các cháu mang đến cho ông giỏ thức ăn gồm sữa dê, rau luộc, rau sống, hoa quả, gừng và dầu ăn. Gandhi ngồi dưới đất trong gian phòng ngôi nhà, trao đổi công việc với S.V.Patel, Phó chủ tịch Hội đồng, con gái ông Maniben và viên thư ký. Một chuyện bất hòa đã xảy ra giữa Chủ tịch Hội đồng Nehru và Patel, nên lúc này Gandhi, với uy tín và đức độ khoan dung của mình, đang tiến hành hòa giải.
Cô cháu gái Abha không dám ngắt lời ông, nhưng biết rõ tính chính xác của ông mình. Cuộc cầu nguyện bắt đầu, đã đến giờ Mahatma phải có mặt với các tín đồ trong buổi lễ. Abha giơ lên chiếc đồng hồ quả quýt mạ vàng cũ kỹ và ra hiệu. Ông già vội đứng dậy: "Hai cây gậy tuổi già của tôi đấy" - ông nói vui vẻ với Patel.
Vừa đi ra sân rộng, Gandhi vừa đùa với các cháu. Sáng hôm ấy, do Abha cho ông uống nước củ cà rốt, nên ông nói: "Cháu phải khen ông ngoan, vì ông ăn được mọi thứ người khác chê" - Gandhi cười rất vui.
Abha ngắt lời: "Bapu này, đồng hồ của ông đang buồn, vì hôm nay ông chưa nhìn nó lần nào!".
- "Tại sao phải nhìn, các cháu chả phải là hai chiếc đồng hồ của ông đó sao?".
Họ đến chỗ mọi người đã tề tựu, chờ đọc kinh cầu nguyện, và Gandhi còn nói thêm với cháu mình một câu: "Vâng, ông biết rồi, ông chậm 10 phút. Ông hay sợ chậm giờ lắm, lẽ ra ông phải có mặt ở đây đúng 5 giờ".
Gandhi bước lên bậc thang gạch. Abha và Manu, đỡ ông đi lên. Có ai đó chào Gandhi, ông quay lại, gạt nhẹ hai cháu ra để chắp tay đáp lễ theo phong tục người Hindu. Đúng lúc đó, một người đàn ông tách khỏi đám đông và sáp đến gần họ. Manu thấy ông mình đã đến muộn, định ngăn người đó lại nhưng bị đẩy mạnh ra. Và ngay sau đó là 3 phát súng chĩa về phía Gandhi...
Sự việc xảy ra khiến đám đông co rúm lại không một cử động, trong khi hai cô cháu gái nâng tấm thân gầy của Gandhi đưa vào nhà Birna House.
Tom Reiner, Phó lãnh sự Mỹ vừa đến Ấn Độ, lần đầu tiên đến tham dự một cuộc cầu nguyện, lập tức tóm lấy tên hung thủ. Y là Nathuram Godse, một tên Hindu cực đoan, Tổng biên tập báo Agroni, và là thành viên tích cực của tổ chức Hinđu cực đoan Mahassabha.
Trong phiên tòa xét xử y sau này, mặc dù có dư luận muốn khoan hồng cho y, theo lời giáo huấn của Gandhi - xóa bỏ hận thù và bạo lực - Godse vẫn bị treo cổ, và đồng bọn của y tham gia vụ ám sát đều bị kết án tù chung thân.
Vị thánh sống Ấn Độ
"Làm thế nào đoàn kết người Hồi giáo với người Hindu? Câu trả lời rất giản đơn: Phải cùng chung mục đích, chung niềm vui nỗi buồn, chia sẻ khó khăn, cùng thông cảm và độ lượng. Độ lượng và khoan dung là cần thiết đối với mọi dân tộc, mọi thời đại...".
Quan điểm đoàn kết với Hồi giáo được Mahatma Gandhi truyền bá như trên không làm vừa lòng những phần tử Hindu cực đoan. Họ cảm thấy đạo Hindu bị lép vế, nguy cơ Hồi giáo phát triển sẽ phương hại đến tương lai của Ấn Độ. Và họ quyết định phải diệt ngay mối họa từ bên trong ấy.
Gandhi từng bị ám sát hụt hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 25/6/1934. Một quả bom của tổ chức cực đoan Mahassabha (Đại xã hội Hindu) được ném vào xe Gandhi ở Poona, nhưng không ai bị thương.
Lần thứ hai là vụ mưu sát do 9 phần tử cực đoan Hindu đánh bom (ngày 20/1/1948). Chúng trà trộn vào đám người hành hương đến nghe Gandhi thuyết giảng, định cho nổ bom trong phòng cầu nguyện, nhưng thấy quá đông người nên cuối cùng chúng phải ném bom từ ngoài vào. Bom nổ, phá bức tường khu vườn cách Gandhi 50 mét. Vị thánh sống Ấn Độ vẫn bình thản ngồi yên, đắm mình trong trầm tư sâu lắng và tiếng kinh cầu nguyện của tín đồ vẫn tiếp tục vang lên trời cao.
Sau những sự kiện trên, người ta tăng quân số cảnh vệ ngôi nhà Birna House lên gấp 3. Nhưng Gandhi không sợ chết. Ông nói với 20 cảnh vệ mới: "Tôi đã 78 tuổi. Nếu tôi phải chết, thì không cách đề phòng nào có thể cứu. Chỉ có Thượng đế mới che chở được tôi".
Cuối cùng, nhóm cực đoan Hindu đã giết được Mahatma Gandhi, tiêu diệt thể xác ông, nhưng linh hồn ông vẫn sống mãi. Với ông, những người Hồi giáo, Hindu, Công giáo, Tin Lành, Do Thái..., tất cả mọi người, trai cũng như gái thuộc mọi tín ngưỡng, mọi chủng tộc và tôn giáo, đều là anh em.
Gandhi được chôn cất như một vị thánh, sau một buổi lễ cầu kinh mà tại đó, khuôn mặt ông được che khuất một phần sau tấm vải liệm và 5 bó đuốc sáng rực tượng trưng cho 5 yếu tố của đất trời là không khí, ánh sáng, nước, đất và lửa
Những cái chết bí ẩn trên xa lộ A6
14 cô gái đã bị chết và mất tích một cách bí hiểm dọc theo 200 km của xa lộ A6 nối liền miền Trung nước Pháp với thủ đô Paris, trong vòng 7 năm từ 1984 đến 2001. Một số cái chết đã được làm sáng tỏ nhưng còn nhiều cái chết và vụ mất tích khác vẫn nằm trong bóng tối.
Khi bác sĩ pháp y đưa các món nữ trang và dẫn bà Betti vào nhà xác để nhận dạng con, bà òa khóc rồi ôm chầm tấm thân lạnh giá của cô con gái Carole Soltysiak. Ngày 16/11/1990, một người thợ rừng phát hiện xác của Soltysiak nằm trong khu rừng Ramus ở vùng Montceau-les-Mines, cách xa lộ A6 ba km.12 năm sau, vào tháng 9/2002, thủ phạm giết hại Carole Soltysiak mới sa lưới pháp luật.
Còn bà Marie Pichon phải chờ đợi lâu hơn để được làm sáng tỏ về cái chết thảm của con gái mình. Ngày 13/12/1986, một người đưa thư đã phát hiện xác của Christelle Maillery,16 tuổi, trong một ngôi nhà hoang tại vùng Creusot gần sát xa lộ A6. Mãi 15 năm sau, thủ phạm giết hại Christelle Maillery mới bị bắt.
Thế nhưng, hai vụ phá án trên chỉ chiếm tỉ lệ quá khiêm tốn so với 14 vụ giết người và mất tích dọc theo 200 km của xa lộ A6 từ năm 1984 đến năm 2001. Cho đến nay, những cái chết của Nathalie Maire tháng 9/1987, của Sylvie Baton tháng 5/1989, của Danielle Bernard tháng 7/1989, của Joanna Parrish tháng 5/1990, của Christelle Blétry tháng 12/1996 và của một nữ nạn nhân vô danh vào tháng 7/2001 cùng 6 vụ khai báo mất tích khác (mà gia đình cho rằng chắc chắn họ đã chết) vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Trở lại vụ án giết hại Christelle Maillery, trưa ngày 13/12/1986, một người đưa thư đã phát hiện thi thể nạn nhân nằm trong một ngôi nhà hoang. Anh ta khai với cảnh sát là đã trông thấy một gã đàn ông chừng 20 tuổi, cao khoảng 1,8 mét, ăn mặc theo kiểu ca sĩ Renaud vụt chạy từ ngôi nhà hoang về phía xa lộ A6. Với những tình tiết như vậy, cảnh sát cũng chẳng làm được gì hơn.
4 năm sau, khi xảy ra vụ giết hại Carole Soltysiak, cũng có nhân chứng khai báo trông thấy hai người đàn ông lạ mặt, trong đó có một người ăn mặc kiểu ca sĩ Renaud lảng vảng gần hiện trường. Lúc đó cảnh sát mới chú ý đến sự trùng hợp này. Vậy mà không biết vì lý do gì, cuộc điều tra chỉ dừng ở chỗ tạm giữ người đàn ông ăn mặc giống ca sĩ Renaud để thẩm vấn rồi sau đó trả tự do cho hắn ta.
Năm 2001, từ kiến nghị của gia đình các nạn nhân, Bộ Nội vụ Pháp quyết định phục hồi các cuộc điều tra và tiến hành bắt giữ nghi can số 1 là gã đàn ông có dáng vẻ và ăn mặc giống ca sĩ Renaud. Hắn tên François Mourmand. Bị thẩm vấn bởi các điều tra viên giàu kinh nghiệm, cuối cùng François Mourmand thú nhận hắn ta chính là thủ phạm đã sát hại nạn nhân Christelle Maillery tháng 12/1986 trong một ngôi nhà hoang tại vùng Creusot.
Sau đó, hắn cũng khai nhận đã tham gia vào vụ giết hại cô gái Carole Soltysiak tháng 11/1990 cùng với tên đồng bọn là Alain Marecaux. Nhưng Alain Marecaux là tên ra tay hạ thủ nạn nhân chứ không phải hắn. Từ lời khai nhận của François Mourmand, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ Marecaux tháng 9/2002.
Vậy còn những cái chết và những vụ mất tích bí hiểm khác thì sao? Lập lại hành trình di chuyển của Francis Heaulme trước khi hắn ta bị bắt giữ vào năm 1992, các điều tra viên nhận thấy có sự trùng hợp: Những nơi hắn ta có mặt đều xảy ra các vụ mất tích bí mật hay giết người có liên quan đến những nạn nhân trong vụ án.
Năm 1984, khi Francis Heaulme xuất hiện tại thành phố Mâcon nằm trên ngã ba xa lộ A6 và A40 thì xảy ra vụ mất tích của hai cô gái tên Françoise Bruyère và Marie-Agnès Cordonnier. Đến tháng 7/1987, khi hắn ta có mặt tại thành phố Saint-Albain thì xảy ra vụ giết hại cô gái trẻ Nathalie Maire. Vào tháng 12/1987, khi hắn ta lảng vảng tại thị trấn Saint-Georges sur Baulche thì xảy ra vụ mất tích của cô Isabelle Laville. Rồi đến tháng 12/1990, khi hắn ta hiện diện tại thành phố nhỏ Monéteau nằm trên xa lộ A6 gần thành phố Auxerre thì xảy ra vụ Joanna Parrish bị giết chết.
Lật lại mối liên quan giữa Francis Heaulme với 5 vụ giết người và mất tích từ năm 1984 đến năm 1990 không phải là một việc làm dễ dàng đối với các điều tra viên của Bộ Nội vụ Pháp. Tại những nơi mà Francis Heaulme từng có mặt, các điều tra viên phải lập lại thời gian biểu sinh hoạt của hắn ta qua lời khai của nhiều nhân chứng.
Bản thân Francis Heaulme khai nhận, hắn ta hầu như đã quên mất những hành vi liên quan đến vô số tội ác của mình. Hiện nay, với sự hỗ trợ của hai chuyên viên tâm lý và phân tâm lý, Francis Heaulme đang được dẫn giải đến những thị trấn, thành phố nằm trên xa lộ A6 mà hắn từng có mặt để buộc hắn phải nhả ra từng lời khai nhận có liên quan đến các vụ mất tích và giết người trên.
Một tên giết người hàng loạt khác cũng được các điều tra viên đưa vào diện nghi can, đó là "Con Chằn tinh" Michel Fourniret, kẻ mới thú nhận đã ra tay giết hại... 9 mạng người tại Pháp và Bỉ. Các điều tra viên xác nhận là Fourniret từng lảng vảng tại những cung đường xảy ra các vụ giết người và mất tích bí mật trên xa lộ A6 từ năm 1990 đến năm 2001. Hắn thường chọn nạn nhân là những cô gái trẻ xin đi quá giang xe.
Lập lại hành trình di chuyển của Fourniret, các điều tra viên xác định hắn có mặt tại thị trấn Perrecy-les-Forges vào tháng 11/1990 khi xảy ra vụ mất tích của cô Marie-Angèle Foatelli, tại thành phố nhỏ Bianzy khi xảy ra vụ giết hại cô Christelle Blétry vào tháng 12/1996 và tại thành phố Mimeure khi xảy ra vụ giết hại một cô gái vô danh vào tháng 7/2001. Nạn nhân Christelle Blétry và nạn nhân vô danh đều bị làm nhục rồi bị siết cổ đến chết trước khi bị vứt xác xuống hố và giếng nước, đó cũng là kiểu mà Fourniret ra tay hành xử với 9 nạn nhân mà hắn ta đã khai nhận trước đó
Vụ án người thừa kế dòng họ MacPherson
Jillian MacPherson Brewer (25 tuổi), một phụ nữ trẻ đẹp, giàu có và tài năng đã bị giết hại vào ngày 19/12/1986. Dưới sức ép từ phía gia đình, cảnh sát Úc đã tìm ra được 1 "thủ phạm". Nhưng phải 17 năm sau, nhờ cố gắng của một thám tử tư, thủ phạm thực sự mới lộ diện.
Nạn nhân được phát giác khi Andrew Dinnie đến căn hộ sang trọng của Jillian nằm ở trung tâm thành phố. Andrew thật sự kinh hoàng khi phát hiện vị hôn thê của mình đã bị giết chết. Điều tra của cảnh sát cho biết nạn nhân đã bị cưỡng hiếp rồi bị giết chết bằng một vật cứng đánh mạnh vào đầu nhiều lần.
Cái chết bất ngờ và đầy bi thảm của Jillian MacPherson Brewer đã khiến cho cả thành phố Perth bị sốc vì nạn nhân là người sẽ thừa kế sản nghiệp của MacPherson, một trong những dòng họ nổi tiếng và giàu có nhất nhì nước Úc với hệ thống các siêu thị, nhà máy, cửa hàng chuyên sản xuất và kinh doanh thực phẩm tại Úc và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Do có năng lực làm việc và thông minh nên Jillian được cha là Sir MacPherson Robertson chỉ định là người thừa kế chính thức của dòng họ.
Cũng chính vì sự nổi tiếng của dòng họ MacPherson mà cảnh sát phải chịu một sức ép to lớn là bằng bất cứ giá nào phải tìm ra bằng được thủ phạm trong thời gian ngắn nhất. Thế nhưng cũng phải gần một năm trời điều tra, cảnh sát mới bắt giữ một nghi can mà họ cho rằng chính là thủ phạm. Đó là Raymond Beamish, 43 tuổi, từng có tiền án và tiền sự về tội quấy rối tình dục đối với phụ nữ. Bị cảnh sát thẩm vấn suốt nhiều ngày liền, cuối cùng Beamish phải ký vào các biên bản nhận tội là đã cưỡng hiếp rồi giết chết Jillian. Vì vậy, vào ngày 22/7/1987, Beamish bị Tòa án thành phố Perth tuyên án tù chung thân.
Thế nhưng, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13/2/1988 của Tòa án bang Tây Úc, Beamish đã kháng án và cho rằng, mình không phạm tội giết hại Jillian MacPherson Brewer. Beamish giải thích lý do nhận tội là cảnh sát ép cung bằng cách buộc phải ký vào các biên bản. Hỗ trợ cho việc kháng án của Beamish là các cuộc vận động để minh oan cho Beamish của gia đình và các tổ chức tôn giáo. Sau nhiều lần xét xử, cuối cùng Tòa án bang Tây Úc quyết định giảm án tù chung thân của Beamish xuống còn 18 năm tù giam. Cho dù cảm thấy không thỏa đáng nhưng cả hai bên, dòng họ MacPherson và gia đình Beamish, đều phải bấm bụng chấp nhận.
Tuy nhiên, vẫn có một người tin rằng Beamish không phải là thủ phạm đã giết hại Jillian MacPherson Brewer. Đó là một thám tử tư có tiếng ở thành phố Perth tên là Walt Zwonitzer. Zwonitzer cho rằng, kiểu cách ra tay không để lại bất cứ dấu vết gì tại hiện trường phải là của một tên giết người chuyên nghiệp chứ không phải của một tay quấy rối phụ nữ lơ mơ như Beamish. Nhờ sự giúp đỡ của Tom Percy, luật sư biện hộ cho Beamish, Zwonitzer đã tiếp cận được với hồ sơ tố tụng của Beamish do cảnh sát và Tòa án thành phố Perth tổ chức điều tra. Từ đây ông, đã phát hiện một số nghi vấn.
Chẳng hạn trong biên bản nhận tội đầu tiên, Beamish khai rằng, phòng khách của Jillian có nhiều đồ cổ, nhưng thực ra vào thời điểm xảy ra vụ án mạng, phòng khách của nạn nhân được bày biện toàn đồ nội thất hiện đại mà không có bất cứ món đồ cổ nào. Trong biên bản nhận tội thứ hai, Beamish khai là đã ra tay hành xử nạn nhân trong bóng tối, trong khi Andrew Dinnie, vị hôn phu của Jillian, nhớ rằng, khi anh bước vào căn hộ và phát hiện ra xác chết của Jillian, thì cả phòng ngủ và phòng khách đều sáng choang ánh điện.
Một điều quan trọng khác là Beamish chỉ bị kết tội bởi các biên bản nhận tội chứ không phải từ các chứng cứ chứng minh sự phạm tội thật sự của anh ta. Vì vậy, Zwonitzer tin rằng Beamish hoàn toàn vô tội.
Sau một thời gian âm thầm điều tra, Zwonitzer cho rằng, thủ phạm chính là Matthew Cooke - một tội phạm giết người hàng loạt từng gây án tại nhiều thành phố ở miền Tây Úc trong thập niên 80. Khi bị bắt giữ vào năm 1988, tức là 2 năm sau khi xảy ra vụ án mạng của Jillian, Cooke thú nhận hắn ta đã ra tay giết hại 8 nạn nhân, trong đó có 3 nạn nhân bị giết hại giống kiểu cách xảy ra trong vụ án của Jillian, đó là cưỡng hiếp rồi dùng vật cứng đánh vào đầu nạn nhân cho đến chết. Nhưng hắn không đả động gì đến vụ giết hại Jillian.
Tháng 12/1986, khi xảy ra vụ giết hại Jillian, nhiều người cho Zwonitzer biết, Cooke có mặt tại thành phố Perth rồi hắn biến mất ngay sau đó.
Vài tháng sau, khi Cooke xuất hiện tại thành phố Geraldton, cách Perth 200km về hướng bắc, thì lại xảy ra vụ giết hại một phụ nữ tên là Sara-Lee Davey, 27 tuổi, cũng bị cưỡng hiếp rồi giết chết. Và đó cũng là nạn nhân cuối cùng mà Cooke ra tay giết hại trước khi bị bắt giữ vào tháng 9/1988.
Tin rằng Cooke chính là thủ phạm đã ra tay giết hại Jillian, Zwonitzer tìm cách tiếp cận hắn ta, qua sự giúp đỡ của Tom Percy - luật sư biện hộ cho Raymond Beamish trước đây - đã được bổ nhiệm công tố viên. Cooke đang thụ án tại nhà tù Fremantle với bản án tù chung thân suốt đời. Lúc đầu Cooke từ chối gặp gỡ Zwonitzer, nhưng nhờ sự giúp đỡ của mẹ hắn ta, bà Christine, cuối cùng, Zwonitzer cũng tiếp cận được với Cooke. Cho đến một hôm, khi nhắc đến vụ án mạng xảy ra vào tháng 12/1986 đối với Jillian MacPherson Brewer thì Cooke mới thú nhận đó là một trong các nạn nhân của hắn.
Cooke khai với Zwonitzer rằng, sáng sớm hôm xảy ra vụ án mạng, hắn giả dạng người đưa hoa, đột nhập vào căn hộ của Jillian, khống chế để cưỡng hiếp cô, sau đó dùng một cái búa nhỏ mà hắn luôn mang theo bên mình đập vào đầu nạn nhân nhiều lần cho đến chết. Xong việc, hắn rời Perth trở về Kalgoorlie, rồi thời gian sau bỏ đến Geraldton.
Có được lời khai nhận của Cooke, Zwonitzer liền cung cấp cho công tố viên Tom Percy để ông này minh oan cho Raymond Beamish vào năm 2002, lúc này đang còn thụ án tại nhà tù Fremantle. Nhưng phải đợi đến tháng 11/2003 thì Beamish mới được trả tự do và mãi đến tháng 8/2004, ông ta mới được minh oan về tội cưỡng hiếp và giết hại Jillian MacPherson. Phải mất gần 20 năm, cái chết bí ẩn của người thừa kế dòng họ MacPherson mới được làm sáng tỏ
Là con trai một gia đình di dân người Anh đến sinh sống tại thành phố Kalgoorlie, cách Perth 180km về hướng đông, Cooke từng là một nhà nghiên cứu động vật hoang dã, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ vào năm 1978. Không hiểu sao chỉ vài năm sau, Cooke bỗng thay đổi tính tình, trở nên ít nói và có thái độ rất khó hiểu, đôi khi tỏ ra rất hung tợn. Năm 1980, sau khi bắn chết một nam sinh viên tên là John Lindsay Sturkey tại thành phố Perth trong một trận cãi cọ, Cooke trốn về Kalgoorlie rồi trượt dài trên con đường phạm tội.
"Thuỷ triều trắng" trên vùng biển Tây Ban Nha
Chiếc thuyền Boston Ward chở 714 kg cocain, bị bắt trên đường trở về Galicie đã nâng số lượng ma tuý bị bắt giữ trên biển Tây Ban Nha năm 2003 lên tới 37,4 tấn. Từ nhiều năm nay, Galicie trở thành vùng "thuỷ triều trắng" - cầu nối để các tập đoàn mafia ở Nam Mỹ tuồn ma túy vào châu Âu.
Là thành viên một băng nhóm buôn lậu ma túy ở Galicie, thuyền trưởng Ramon Gil (80 tuổi) được giao nhiệm vụ đưa chiếc Boston Ward đến tận đảo Sainte Lucie thuộc quần đảo Antilles ở Trung Mỹ để nhận hàng. Sau khi đã nhận đủ 714 kg cocain từ các tàu cao tốc, Ramon Gil cùng một người Thụy Điển và một người Ý điều khiển chiếc thuyền dài 14m quay lại Galicie.
Tuy nhiên, ngày 31/3, khi còn cách quần đảo Canaries của Tây Ban Nha 800 hải lý, bọn chúng đã bị lực lượng hải quân biên phòng Tây Ban Nha phát hiện.
Với hơn 44 tấn cocain bị bắt giữ, chiếm 60% lượng ma túy bị bắt giữ trên toàn châu Âu (năm 2003), Tây Ban Nha được xếp hàng thứ ba về lượng cocain bị bắt giữ trên toàn thế giới, chỉ sau Mỹ và Colombia.
Tình hình nghiêm trọng đến nỗi Santiago Astudillio, một chỉ huy của Đội đặc nhiệm Geos, quả đấm chính của Lực lượng bài trừ ma túy Tây Ban Nha, đã khẳng định: "Ma túy tràn ngập vùng biển Tây Ban Nha không còn là phần nổi của tảng băng như nhiều người đánh giá, mà là cả một tảng băng đang lộ nguyên hình".
"Siêu xa lộ"
Vào những năm 1994 - 1995, khi bị đánh nát bởi những chuyên án liên tục được mở ra của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, các tập đoàn buôn lậu ma túy Nam Mỹ phải án binh bất động. Chúng để các băng nhóm buôn lậu ma túy gốc châu Âu đứng ra đảm nhận việc vận chuyển hàng trắng từ Nam Mỹ đến Tây Ban Nha thông qua phương thức mua đứt bán đoạn, điển hình là băng nhóm của Ramon Gil.
Từ giữa năm 2003, các tập đoàn buôn lậu ma túy Colombia đã tự mở ra tuyến đường vận chuyển mới trên biển để nắm toàn quyền việc kinh doanh ma túy ở châu Âu bởi chúng cho rằng mua đứt, bán đoạn này chỉ tổ làm giàu cho các băng nhóm buôn lậu ma túy ở châu Âu. Cung đường vận chuyển mới trên biển này, có tên gọi "siêu xa lộ", được chia thành 2 giai đoạn và lấy vùng biển phía đông quần đảo Cap Vert ở Đông Phi làm cột mốc.
Ở giai đoạn đầu, ma túy thay vì được vận chuyển từ các cảng Barranquilla, Carthagene hay Santa Marta của Colombia như trước đây thì nay được bí mật đưa đến các đảo ngoài khơi Venezuela như Sainte Lucie, Margarita hay Santa Cruz bằng các phương tiện như máy bay nhỏ và thuyền cao tốc. Tại đây, hàng sẽ được chuyển lên các tàu gỗ, và một thủy thủ đoàn gồm 8 người, toàn là thành viên của các tập đoàn buôn lậu ma túy Colombia áp tải. Đích đến của các tàu này là ngoài khơi quần đảo Cap Vert ở Đông Phi.
Tại Cap Vert lại có các tàu đánh cá ngụy trang của các băng nhóm buôn lậu ma túy người Galicie đang đợi sẵn để tiếp nhận hàng rồi chuyển về Tây Ban Nha. Thanh tra Antonio Vasquez, một chỉ huy khác của Đội đặc nhiệm Geos cho biết: "Bọn chúng giao nhận hàng với nhau trên biển thông qua việc liên lạc bằng điện đàm trên tần số đã giao ước từ trước để xác định loại tàu, tọa độ và mật khẩu. Tất cả đều diễn ra vào ban đêm và được thực hiện một cách nhanh chóng".
Giai đoạn hai của "siêu xa lộ" trên biển này kéo dài từ Cap Vert đến ngoài khơi vùng biển Galicie của Tây Ban Nha. Các tàu cao tốc có gắn máy công suất đến 300 mã lực xuất phát từ nhiều điểm trên bờ biển Galicie sẽ làm nhiệm vụ cõng hàng từ tàu mẹ đến các kho hàng trên bờ. Nơi đó có thể là một cái hang dọc theo bờ biển, một trang trại bỏ hoang hay một biệt thự nằm không xa bờ biển. Xong công đoạn này, ma túy lại được các băng nhóm mafia địa phương chuyển sâu vào lãnh thổ Tây Ban Nha, dưới sự giám sát của tay chân các ông trùm người Colombia, trước khi phân phối khắp châu Âu.
Thanh tra Antonio Vasquez nói: "Giờ đây, bọn tội phạm người Colombia đứng ra điều hành công việc buôn lậu ma túy từ A đến Z và chỉ để cho các băng nhóm mafia địa phương làm nhiệm vụ vận chuyển từ vùng biển quốc tế vào các kho hàng trên đất liền để được hưởng 27% trên giá trị của lượng hàng vận chuyển trót lọt. Hiện có từ 60 đến 70 băng nhóm buôn lậu ma túy gốc Nam Mỹ, đa phần là người Colombia, đang cắm chốt ở vùng Galicie và các thành phố lớn khác của Tây Ban Nha. Bọn chúng gồm các tên đại diện, các tên môi giới và các tên chuyên giao dịch với các băng nhóm tội phạm người địa phương. Việc tổ chức hoạt động theo kiểu bậc thang này đã khiến cho chúng tôi khó lần ra được toàn bộ đường dây dù tóm được một tên trong bọn. Điều này gây không ít khó khăn cho nhiệm vụ bài trừ ma túy của chúng tôi".
Để băm nát và phá tan "siêu xa lộ" vận chuyển ma túy trên biển của các tập đoàn buôn lậu ma túy Colombia, các lực lượng bài trừ ma túy Tây Ban Nha không áp dụng chiến thuật chặn bắt gần bờ biển Tây Ban Nha như trước đây mà tung lực lượng đi xa trên biển, mai phục dọc theo "siêu xa lộ" rồi vồ từng con mồi. Kết quả là hàng chục con tàu vận chuyển ma túy đã bị bắt giữ, trong đó có những "con cá mập" như tàu South Sea 1 mang trong hầm tàu đến 6,4 tấn cocain, tàu Caridace mang theo 3,6 tấn cocain, tàu Cork mang theo 3,3 tấn...
Số lượng ma túy bị bắt giữ tăng cao đã khiến bọn vận chuyển nhận được lệnh phải chống trả tới cùng để bảo vệ hàng. Chỉ từ giữa năm 2003 đến giữa năm 2004, đã có 6 nhân viên bài trừ ma túy, trong đó có ba đội viên Geos bị thiệt mạng và bị thương nặng khi trấn áp các tàu vận chuyển ma túy. Thậm chí có cả một đội viên Geos bị các tên tội phạm bắt giữ làm con tin trên tàu Irene trong suốt 72 tiếng đồng hồ trước khi được đồng đội giải thoát.
Cho đến nay, khó có thể khẳng định liệu nạn "thủy triều trắng" trên vùng biển Tây Ban Nha có bị chặn đứng được hay không, bởi số lượng ma túy bị bắt giữ trong thời gian vừa qua chắc chắn còn thấp so với thực tế. Thế nhưng theo nhận định của thanh tra Vasquez thì: "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để ngăn chặn loại tệ nạn này, bởi vì chính thanh thiếu niên Tây Ban Nha sẽ là nạn nhân trực tiếp của ma túy từ Nam Mỹ tuồn vào Tây Ban Nha trước khi phân phối khắp châu Âu. Một ngày không xa, chúng tôi sẽ xóa sạch vết tích của "siêu xa lộ" vận chuyển ma túy của bọn tội phạm trên Đại Tây Dương"
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Hollinger International "chôm" gần nửa tỷ USD
Conrad Black (60 tuổi), từng được mệnh danh là "Tiểu Murdoch" đã bị tố cáo chiếm đoạt 400 triệu USD công quỹ của tập đoàn truyền thông lớn thứ 3 thế giới này. Số tiền chiếm tới 95,2% tổng lợi nhuận của tập đoàn trong suốt thời gian ông Conrad Black đương chức.
Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Canada, bố Conrad Black từng là tổng giám đốc tổng công ty rượu bia lớn nhất Canada. Năm 1985, Conrad Black bắt đầu tiên nổi lên trong làng truyền thông quốc tế khi ông ta gần như mua đứt tờ báo lâu đời nhất nước Anh, tờ Daily Telegraph. Năm 1989, Black lại mua 80% cổ phiếu của tờ báo lớn nhất Trung Đông, tờ Bưu điện Jerusalem của Israel và chính thức cho thành lập Tập đoàn Xuất bản truyền thông Mỹ, năm 1990 đổi tên thành Tập đoàn Hollinger International (HI).
Năm 1995, Tập đoàn HI đã nắm trong tay 105 tờ nhật báo của Mỹ, trong đó có tờ nhật báo Chicago Sun Times mỗi số phát hành 480.000 bản, đứng thứ 8 về lượng phát hành tại Mỹ. Trong lĩnh vực kinh doanh báo chí, Conrad Black đã lập kỷ lục khi mua đi bán lại gần 700 tòa báo lớn nhỏ trên khắp thế giới.
Năm 1999, Chính phủ Anh đã trao tặng tước hiệu Sir "Quý tộc suốt đời" cho Conrad Black, nhưng khi đó Thủ tướng Canada căn cứ vào luật pháp Canada đã ngăn cản Conrad Black nhận danh hiệu này. Corad Black đã không chút nuối tiếc vứt bỏ quốc tịch và hộ chiếu Canada, bán hết số cổ phần cùng hãng truyền thông tại Canada để nhập quốc tịch Anh, sau đó là Hoa Kỳ.
95,2% lợi nhuận chui vào túi ông Chủ tịch
Ngày 31/8/2004, Ủy ban đặc biệt của Hội đồng cổ đông tập đoàn này đã gửi một bản báo cáo dài 500 trang lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) và Tòa án Liên bang ở địa phương tố cáo hành vi tham nhũng của Conrad Black. Bản báo cáo nêu rõ: Ông Conrad Black cùng một số nhân viên quản lý cao cấp khác đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt 400 triệu USD trong công quỹ của Tập đoàn HI.
Trên thực tế, công việc điều tra về thu nhập của Conrad Black đã sớm được tiến hành từ tháng 6/2003. Vào tháng 11/2003, do bị nghi ngờ dính dáng đến việc tham ô khoản tiền 30 triệu USD công quỹ nên Conrad Black đã bị buộc phải từ chức Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn HI.
Một trong những trợ thủ tham nhũng đắc lực của Conrad Black chính là David Ladel, Giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn HI. Hai nhân vật này đã bí mật móc ngoặc với nhau để bòn rút tiền của tập đoàn với nhiều thủ đoạn tinh vi trong suốt 3 năm, từ năm 2001 đến 2003. Ngoài ra, người liên đới trách nhiệm rất lớn trong vụ tham nhũng này còn có Paul Richard, Ủy viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn HI. Ông này được Hội đồng Quản trị giao việc giám sát các khoản chi nhưng không hiểu sao thường rất qua loa đại khái đối với các văn bản giấy tờ chi tiêu tài chính nên đã nhiều lần hạ bút ký liều, tạo điều kiện cho tham nhũng xảy ra.
Nguyên nhân của vụ này còn có sự giúp sức đắc lực của Ủy ban Kế toán Tập đoàn HI. Kết quả điều tra của Hội đồng Giao dịch chứng khoán thuộc Tập đoàn HI cho thấy, ủy ban này đã làm việc sơ suất, kém hiệu quả trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, các sai sót của bộ phận kế toán đều do Conrad Black và đồng bọn che giấu và cố ý chỉ đạo, họ che đậy rất nhiều khoản thu quan trọng.
Hội đồng Quản trị còn phát hiện Tổng giám đốc Conrad Black và một số nhân viên quản lý cao cấp khác đã tự ý chia khoản "thù lao" là phí đầu tư cạnh tranh của tập đoàn trị giá hơn 32 triệu USD mà không được phép của Hội đồng Quản trị. Trong vụ này, Conrad Black và Ladel mỗi người bỏ túi 10,2 triệu USD. Vào quý 3/2003, Conrad Black cũng đã ăn chặn 8,9 triệu USD từ khoản thu tái bản cuốn hồi ký của cựu Tổng thống Mỹ F.Roosevelt.
Từ năm 2001 đến 2003, Tập đoàn HI đã phải chi hơn 30 triệu USD cho các chi phí cá nhân của gia đình Conrad Black và Ladel dưới danh nghĩa công tác phí, trong đó đáng kể là khoản chi 26 triệu USD để thuê hai chuyến chuyên cơ sang Anh cho hai gia đình và 390.000 USD tiền du lịch mua sắm ở đây.
Để tổ chức sinh nhật cho vợ mình, Chủ tịch Conrad Black đã lấy danh nghĩa tập đoàn đặt tiệc tại một khách sạn sang trọng nhất ở New York và chỉ trong một tối đã ngốn hết 42.870 USD. Mặc dù vợ Black không hề đảm nhận một chức vụ gì trong Tập đoàn HI, thế nhưng mỗi năm vẫn được nhận mức lương 1,1 triệu USD.
Hóa đơn thanh toán chi phí cho gia đình ông chủ tịch còn có nhiều khoản chi rất nực cười chứng tỏ lòng tham vô đáy của ông như chi cho bà chủ mua túi xách hết 2.463 USD, vé xem opera 2.785 USD, tiền bảo dưỡng xe riêng hết 90.000 USD, tiền nước giải khát cho kỳ nghỉ hè hết 24.950 USD... Không những thế, ngay cả đến tiền "boa" mà bà vợ Black cho các cô nhân viên bán hàng cũng là tiền của tập đoàn.
Trong bản báo cáo này còn đề cập tới một nhân vật nổi tiếng khác là cựu Ngoại trưởng Mỹ - tiến sĩ Henry Kissinger. Ông cũng là thành viên danh dự của Hội đồng Quản trị Tập đoàn HI, Conrad Black đã từng 3 lần dùng tiền công quỹ mở tiệc thết đãi gia đình Henry Kissinger với tổng số tiền lên tới 248.480 USD
Những trận đấu "đen" của tay đấm Thomas Williams
Cựu vô địch Thế vận hội Oscar de la Hoya, Thomas Williams cùng ông bầu Robert Mittleman (61 tuổi) từng phải ra hầu toà về tội danh thông đồng hối lộ trong thể thao khi liên kết với nhau để dàn xếp kết quả những trận so găng đỉnh cao.
Để thực hiện trót lọt nhiều vụ mua tỉ số, họ đã hối lộ một công tố viên và thẩm phán cốt cán của Mỹ bằng số tiền lên đến hàng chục ngàn USD để mua sự im lặng.
Công việc làm ăn có vẻ như đang thuận buồm xuôi gió thì Mittleman nhận được tin võ sĩ Thomas Williams bị bắt tạm giam do lời tố nặc danh về việc cáo nhận tiền dàn xếp kết quả. Trò sa bẫy thì trước sau gì "thầy" Mittleman cũng bị sờ gáy.
Mittleman lập tức liên lạc với một nhân viên tay trong ở Las Vegas và ngỏ ý sẽ trả một số tiền được đảm bảo chẳng ít chút nào cho các nhân viên công tố, thẩm phán Mỹ để ông được vô tội. Số tiền mặt mà ông trùm đường dây dàn xếp trận đấu Mittleman ứng trước cho giới công lực khoảng 5 nghìn USD. Mọi nỗ lực chạy tội của Mittleman vô ích và ông ta bị bắt ngay sau đó không lâu.
Trước cơ quan pháp luật Mỹ, Mittleman đã thừa nhận từng sắp xếp cho Thomas Williams thua trận trước võ sĩ Brian Nielsen có trình độ kém hơn hẳn ở Đan Mạch ngày 31/3/2000 theo yêu cầu của Mogens Palle, một nhà tài trợ kiêm tổ chức các trận so găng quyền anh ở Đan Mạch. Trả công cho việc thực hiện kịch bản này, Palle đã chi 40 nghìn USD. Mittleman nhận được số tiền hoa hồng khá khiêm tốn 1 nghìn USD.
Vụ thứ hai vào tháng 6/2000, nhà tổ chức Robert Michell đã mua chuộc Mittleman và yêu cầu ông sắp xếp cho Williams thua trận trước Richie Melito ở sàn đấu nổi tiếng Las Vegas. Màn kịch hơi lộ liễu ở chỗ Williams chịu thất bại ngay ở vòng đấu đầu tiên. Trước khi bước lên xe ra về, Thomas Williams được trả công 15 nghìn USD, riêng ông bầu Mittleman được 1 nghìn USD.
Mittleman sẽ bị kết án trong thời gian tới sau khi các nhà chức trách thu thập đủ bằng chứng phạm tội. Hình phạt có thể là 5 năm tù cùng số tiền phạt khá lớn. Trong lúc tại ngoại chờ đến phiên xét xử, Mittleman còn được yêu cầu ra làm nhân chứng cho vụ xét xử tay đấm Thomas Williams và Giám đốc Robert Michell
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com