[Thăng Long và Hà Nội] Con nít
Prompt: Hà Nội là con nít 🗣
Truyện lấy bối cảnh khi Hà Nội là đứa con nít 12 tuổi
Bố: Thăng Long (bố đơn thân, bố của Hà Nội và Hà Nam theo headcanon mình)
Cậu/thằng nhóc/thằng bé: Hà Nội
Bé: Hà Nam (Hà Nam trong truyện này mới 4 tuổi thoi)
Ông/ông nội: Đại La (bố của Thăng Long, ông nội của 2 đứa con nít kia)
Bối cảnh truyện rất kì cục nhé nma mình thích thế 🗣
Warning: có những đoạn khá buồn nên cân nhắc trước khi đọc
=======================
"Hà ơi trông em cho bố đi ra chợ tí"
"Dạ"
Hà Nội, cái thằng bé đang mải nghịch đất cát linh tinh với mấy con chó của ông nội nó nghe xong thì cũng gật đầu rồi chạy ra giếng rửa tay cho sạch, rồi chạy vào nhà trông cậu em. Cậu nhìn bố dắt xe đạp ra khỏi sân nhà, rồi quay lại nhìn cậu bé đang ngủ. Cậu tò mò nhìn em rồi định chọt má thằng bé cho tỉnh dậy, nhưng rồi lại bị ông nội cản lại.
"Để em ngủ chứ con"
"Èo, chán thế, con muốn chơi với em"
"Em còn bé, chưa chơi với con được"
"Thế thôi ông trông em đi, con đi chơi tiếp đây"
Cậu nói xong thì cũng tót ra ngoài chơi. Đại La nhìn thằng cháu nội rồi cười cười. Thật chả ra làm sao cả, bố dặn trông em mà giờ lại mặc kệ em cho ông nội trông, còn mình thì lại nghịch cát tiếp. Cậu chơi chán rồi thì lại chạy tót ra vườn để hái mấy quả nhãn, quả vải trên cây ông nội trồng. Về quê thích thật, được ở gần ông nội rồi được ăn quả thỏa thích, ăn bao nhiêu thì ăn.
Cậu đang ngồi ăn mấy quả vải thì bố về. Hôm nay bố đi chợ mà mua nhiều đồ quá. Cậu chạy ra phụ giúp bố xách đồ vào nhà rồi đem xuống bếp. Xong xuôi, cậu đem mấy chùm vải ban nãy leo cây hái được vào nhà rồi dúi vào tay bố và ông nội.
"Cha bố anh, lại vặt vải của ông"
Thăng Long cười cười rồi vừa mắng yêu vừa bẹo má Hà Nội. Hà Nội phụng phịu nhìn, chẳng phải bố thích ăn vải à? Hà Nội nhìn ông nội, muốn ông ăn vải cùng.
"Tí ăn cơm xong ông mới ăn."
Đại La vỗ nhẹ lên đầu cậu nhóc. Cậu chỉ gật đầu rồi quay qua bóc vải cho bố. Thăng Long nhìn cậu con giai bóc vải, nước ở quả vải cứ chảy hết lên tay rồi miếng cùi vải cũng nát bét. Thăng Long chỉ cười cười rồi bảo Hà Nội ăn luôn, dù sao thì bố cũng không đói.
Cậu tóp tép ăn vải, rồi nhìn bố với ông nội nói chuyện.
"Hôm nay giỗ vợ con, con mua gà để tí cúng bố ạ"
"Ừ. Tí bố nấu cùng."
Cậu nghe chữ được chữ không. Thăng Long thấy thằng con giai nhìn mình thì chỉ lên bàn thờ ở gian giữa của nhà. Trên bàn thờ bày ít hoa quả, một bát hương dính đầy tàn hương xám xám và một khung ảnh. Trong khung ảnh đó có một lá cờ đỏ sao vàng. Trí óc non nớt của thằng bé cứ nghĩ về lá cờ đỏ sao vàng ấy.
"Cu Hà có nhớ mẹ không?"
Hà Nội nghe xong thì gật đầu. Mẹ cậu mất được mấy năm rồi. Cậu vẫn còn nhớ mẹ đi tải đạn ở hậu phương. Trong mắt cậu, mẹ xinh với ngầu lắm. Mấy năm trước, bố vẫn còn đang đi lính, mẹ thì ở lại thủ đô để làm hậu phương. Bom Mỹ cứ trút hết lên đầu ba mẹ con. Hồi đấy em Nam còn bé xíu, đỏ hỏn. Cậu vẫn nhớ khi đó ông nội đến vùng hậu phương để đón cậu và em về quê lánh bom. Em Nam thì cứ khóc đòi mẹ, nhưng không chạy thì không được. Đại La cùng hai đứa cháu nhỏ về quê, còn mẹ của cậu thì vẫn trụ lại. Cậu nhóc mất liên lạc với mẹ.
Đến khi hòa bình lập lại, Thăng Long đi lính trở về. Tay chân bố quấn nhiều băng bó lắm. Trông tội nghiệp lắm. Nhưng bố vẫn trở về. Hà Nội thấy bố thì vui lắm.
Nhưng bố không đi với mẹ. Cậu thấy lạ lắm. Bố mẹ thương nhau như thế, sao về quê lại chỉ có mỗi bố thế này? Bố yêu mẹ lắm mà? Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì ông nội đã móc một bao thư ra đưa cho bố. Thăng Long mở ra xem.
Là một tờ giấy báo tử.
Bố đọc xong thì ôm lấy ông nội mà khóc. Người ở tiền tuyến thì còn sống trở về, mà người ở hậu phương lại phải chết thảm như thế. Cậu nhìn tờ giấy báo tử. Đến bây giờ cậu mới hiểu. Mẹ cậu bị bom Mỹ đè chết. Rồi quả bom phát nổ, xác của mẹ cậu cũng tan tành. Mấy chị em nơi hậu phương chỉ có thể nhặt những mảnh xương mảnh thịt còn sót lại rồi an táng cho mẹ cậu.
Một người chồng mất vợ, một người con mất mẹ, nỗi đau ấy khó mà nguôi ngoai được.
Hà Nam, thằng cu em còn chẳng nhớ nổi mặt mẹ.
Nhưng dù sao thì mẹ cậu cũng hi sinh vì đất nước. Một sự hi sinh cao cả. Ít nhất là đối với gia đình cậu.
.
.
.
.
.
Cậu nghe xong câu hỏi của bố thì mếu máo rồi rúc vào lòng bố, không kìm được mà sụt sùi. Thăng Long chỉ biết thở dài rồi vỗ về cậu. Thôi dù gì thì người cũng mất rồi.
"Thế cu Hà muốn nấu cơm cúng mẹ không?"
Hà Nội gật gật rồi theo bố xuống bếp nấu cơm. Ông nội lặng lẽ đặt bé Hà Nam nằm xuống giường rồi đi chuẩn bị lễ để cúng. Hà Nội gần như chả làm gì, chỉ loanh quanh trong bếp xem bố nấu cơm. Thì đúng rồi, con nít con nôi làm sao mà nấu được. Cùng lắm thì nhặt rau, rửa rau, vo gạo cho bố thôi. Nấu xong, Thăng Long bê mâm cơm lên bàn thờ để cúng. Hà Nội cũng bắt chước chắp tay trước ngực rồi lẩm nhẩm nói theo bố. Mẹ cậu mà biết thằng cu con cứ nhại theo bố thì chắc cũng buồn cười lắm.
Cúng xong, ông nội và bố hạ lễ để ăn cơm luôn. Hà Nội chạy vào buồng ngủ gọi em dậy rồi bế em ra ngoài ăn. Hà Nội ăn vội vàng rồi lấy bát cơm chan canh và gỡ thịt gà để đút cho em. Bố với ông nội thấy vậy thì cười cười rồi gật gù. Thằng này được đấy, lớn rồi, biết chăm em rồi.
.
.
.
.
.
"Ở nhà ngoan nhé, bố lên trạm xá có việc."
"Bố cho con đi với"
"Không được, cái này việc của bố mà"
Thăng Long vừa nói vừa dắt xe đạp ra ngoài sân. Hà Nội nhìn theo rồi nhìn bố đạp xe ra đầu làng. Bố lại đi chơi mà không rủ mình. Chắc nói là đi có việc cho mình khỏi đi theo thôi. Hà Nội nghĩ thế. Cậu chạy ra khỏi nhà rồi cầm con diều theo để ra ruộng thả diều. Thả diều được một lúc thì cậu chán rồi định lên trạm xá xem bố làm gì. Đang mải đi lượn lờ thì cậu thấy bố đạp xe về nhà ông. Cậu hí hửng đi ra chỗ xe đạp của bố, nhưng chưa kịp đến nơi thì thấy bố ngã xuống ruộng. Cậu hoảng hốt chạy đến xem, rồi vội vàng xuống ruộng đỡ bố dậy.
"Bố có sao không???"
Cậu hỏi đầy lo lắng. Thăng Long xoa đầu mình, ban nãy ngã cắm đầu xuống nên giờ nhức đầu quá. Thấy thằng con cứ lo lắng thì chỉ biết cười cười rồi an ủi rằng bố nó không sao đâu. Cậu nhìn lên đường bờ đê.
Trời ơi, ai lại đi phơi một đống thóc với rơm rạ ở giữa đường thế này? Bánh xe đạp mà đi trên thóc thì dễ ngã lắm. Cậu dìu bố lên mặt đường rồi phủi bùn đất dính trên quần áo. Thăng Long dựng xe đạp lên rồi đèo cậu về nhà luôn.
Ông nội thấy hai bố con về, lấm lem bùn đất thì chạy ra hỏi han. Biết được thằng con trai bị ngã xuống ruộng rồi thằng cháu nội ra giúp thì ông chỉ biết thở dài. Đại La biết ai hay phơi thóc ở đoạn đường đó. Bao nhiêu người than phiền về chuyện đó rồi, nhưng nhà ấy thì chẳng quan tâm, đến mức trưởng thôn nói cho thì cũng chỉ ậm ừ vài ba hôm đầu rồi mấy hôm sau lại đâu vào đấy.
"Bố ngã có đau không?"
Cậu vẫn ríu ra ríu rít hỏi han bố, rồi bố cũng chỉ nói là bố vẫn bình thường, không sao cả. Thằng bé nghe xong thì cũng chỉ gật gù rồi thôi. Cậu nhóc thấy ông nội lại chuẩn bị đi đâu đó thì chạy theo.
Hai ông cháu, ông dắt tay thằng cu con, đi đến chỗ nhà phơi đầy thóc ngoài đường kia. Cậu nhóc nhìn mấy người lớn nói chuyện. Cậu nhìn qua ông nội. Ông nói rất chậm rãi, từ tốn và nhẹ nhàng, trái ngược hẳn với bên kia cứ gắt gỏng lên như muốn cãi nhau. Ông nội thấy chẳng nói được thì thôi, chuyện nhà người ta thì cũng không nên xen vào nhiều. Ông lại chào họ rồi dắt thằng nhóc con về.
Về đến nhà, Hà Nội lại bắt đầu nghĩ về mấy người kia và đống thóc phơi vô ý thức. Cậu bực lắm. Rồi nhỡ đâu ai đi qua đống thóc đó thì sẽ lại ngã như bố cậu. Nghĩ lại thì lại cay. Đến trưa ngày hôm sau, trời nắng chang chang, cậu nhóc cầm bao diêm đến đống thóc đấy. Cậu cứ nghĩ liệu thế này có ổn không, rồi lại chắc nịch với cái suy nghĩ, bố ngã vì đống thóc này thì đống thóc này không xong với mình đâu. Phí cũng được, nhưng người ta phải chừa mà không phơi thóc vô ý thức ra đường như thế nữa.
Cậu lẳng lặng chia đống thóc ra làm đôi, rồi đốt một nửa. Đốt hết thì phí quá. Cậu cứ đứng đực ra đó, đến khi mấy người vô ý thức kia về thì mới chạy đi, cũng không quên trêu chọc cho chúng nó tức chơi.
Mấy hôm sau, người ta đến tận nhà để tìm thằng nhóc. Thăng Long nghe hàng xóm nói xong thì mới ngớ người ra rồi gọi Hà Nội ra. Cậu nhóc còn đang mải bế một con chó con của ông nội, nhưng vẫn lẹt đẹt chạy ra. Mấy người hàng xóm thấy thằng nhóc thì bắt đầu mắng chửi cậu, nhưng cậu bỏ ngoài tai hết. Nhưng con giun xéo lắm cũng quằn. Cậu nghe thấy người ta mắng bố cậu không biết dạy con thì không chịu nổi nữa liền bỏ con chó con xuống rồi cãi lại luôn.
"BỐ CHÁU BỊ NGÃ CẮM ĐẦU XUỐNG RUỘNG, CÔ CHÚ KHÔNG BIẾT THƯƠNG BỐ CHÁU THÌ THÔI, CÒN RA ĐÂY CHỬI BỐ CHÁU À?"
"Á à tao nói một câu mà mày cãi chem chẻm, thằng này láo nhỉ?"
"Cháu láo vì cô chú lớn tuổi mà không biết điều đấy! Cháu chưa đốt hết đống thóc đấy thì thôi đi, đừng có mà được nước lấn tới. Cô chú thử gọi bác trưởng thôn ra xem bác bênh ai??? Phơi thóc đầy ra đường, chiếm hết chỗ người ta đi lại thì cháu đốt có 1 nửa là còn nhân từ đấy. Thiếu điều cô chú mà còn mắng bố cháu thì cháu ném đống còn lại cho trâu bò ăn đấy nhá!!!"
Thăng Long nghe thằng cu con cãi tay đôi với hai người lớn thì cũng vừa buồn cười vừa sợ, nhưng cũng có phần nể thằng nhóc. Vì thương bố mà nó dám đốt đống thóc làm bố nó ngã rồi sẵn sàng cãi tay đôi với người lớn để bênh bố. Nhưng mà cãi nhau thế này thì không ổn, bố cậu chỉ đành gật gù rồi cười gượng bảo sẽ dạy lại cháu rồi dẫn con vào nhà. Mấy người hàng xóm kia thấy thế thì mới chịu về. Vào trong nhà, Thăng Long mới hỏi cho ra nhẽ.
"Sao con lại đốt thóc nhà người ta?"
"Bố ngã thế thì sao con chịu nổi? Chả ai có ý thức mà phơi đầy thóc ra sân như thế cả."
Thăng Long chỉ gật gù tí. Hình như hôm họp tổ dân phố là cậu nhóc kia cũng tí tởn đi với ông nội. Bác trưởng thôn cũng nói về chuyện mấy nhà dân phơi thóc phơi rơm rạ đầy ở ngoài đường. Chắc nó nghe được nên mới làm trò đấy. Cậu nhìn bố, vẫn còn chút lo sợ bố sẽ mắng vì đốt mất miếng cơm nhà người ta nhưng bố cậu chỉ vỗ vai.
"Lần sau không được thế"
Thăng Long thở dài. Quả này đền tiền ốm luôn, mà thằng con thì nghịch dại quá, rồi lại lời ra tiếng vào nó không hay. Nhưng thằng bé biết nghĩ cho bố nó như thế là tốt rồi, chỉ có điều, không được phá phách như thế.
HeYing
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com