Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Bộ 1 - 1.1

Mẹ tôi là góa phụ, nhưng sau ba năm giữ tang, bà lại qua đời vì khó sinh.

Mọi người trong làng đều nói tôi là quái vật, hại mẹ chết, còn không biết cha là ai, là điềm xui xẻo nên vứt tôi vào nghĩa địa hoang, để tôi tự sinh tự diệt.

Chỉ có ông là người cản thi không ghét tôi, đã nhặt tôi về, nuôi tôi trong nghĩa trang.

Ông nói tôi có bát tự thuần dương, Chu Tước nhập mệnh, ma quỷ tà sát không thể xâm nhập, không sợ khí xú uế của nghĩa trang.

Tiếc là nghề cản thi đòi hỏi người có mạng cứng, mặt mũi xấu xí, chỉ truyền cho con trai không truyền cho con gái.

Mãi cho đến khi thấy tôi tròn một tuổi gõ chuông trấn hồn, điều khiển cương thi mà ông đuổi đi đại chiến với xà yêu, ông rơi vào trầm tư.

"Hình như là... Không phải không được."

1

"Người âm đi đường, người dương tránh xa!"

"Bang, bang, bang."

Tôi là Hứa Trùng Dương, được ông nhặt về từ nghĩa địa hoang vào ngày 9 tháng 9 âm lịch.

Vì bát tự thuần dương nên ông đặt tên cho tôi là Trùng Dương, biệt danh là Cửu Cửu.

Nghe nói mẹ tôi là góa phụ, đang giữ tang ba năm đột nhiên mang thai tôi.

Khi sinh ra tôi, bà đã qua đời.

Mọi người trong làng cho rằng tôi xui xẻo nên vứt tôi vào nghĩa địa sau núi.

Là ông, người làm nghề cản thi đã nhặt tôi về.

Năm nay ông đã hơn năm mươi tuổi, tên Hứa Hữu Đức, làm nghề cản thi cả đời, không vợ không con.

Muốn làm cái nghề này, điều kiện đầu tiên là phải có mạng cứng.

Những người vía quá nhẹ không thể trấn áp âm hồn, có khi còn gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Điều kiện thứ hai là có ngoại hình xấu xí.

Người quá tuấn tú không thể hù dọa người khác được.

Khi còn nhỏ, nhà ông bị cháy lớn, nửa mặt bị bỏng.

Gia đình chê ông xấu xí nên ném ông cho một ông cụ làm nghề cản thi, từ đó ông kế thừa nghề của ông cụ ấy.

Lúc ông nhặt tôi về, mùa màng thất bát, lương thực không đủ ăn, nhiều người phải xa xứ để kiếm sống.

Một ông già hơn năm mươi tuổi như ông tự nuôi sống chính mình đã khó, huống chi là nuôi thêm một đứa bé.

Mọi người trong làng đều khuyên ông: "Con bé này không biết là con của góa phụ kia với thằng đàn ông nào, vừa chào đời đã hại mẹ mình chết, mạng cứng lắm, nuôi không nổi đâu!"

Ông vừa hút thuốc làm từ ngải vừa nói: "Mạng cứng thì tốt, ông già này cũng có mạng cứng, để xem hai ông cháu ai khắc ai chết trước đây!"

Mọi người lại nói: "Nó chỉ là một bé gái thôi, âm khí nặng, ông nuôi nó trong nghĩa trang, nhỡ xác chết vùng dậy thì sao?"

Ông cầm tờ giấy đỏ viết ngày tháng năm sinh của tôi, bật cười: "Mấy người nhầm rồi... Con bé này bát tự thuần dương, Chu Tước nhập mệnh, tai họa bình thường không dám đến gần, làm gì có kẻ nào dám khiến xác chết sống dậy trước mặt nó chứ!"

Lời ông nói rất nhanh đã truyền khắp nơi.

Ai cũng biết ông già Hứa Hữu Đức cản thi ở nghĩa trang nhặt được một bé gái, còn đặt tên cho nó là Hứa Trùng Dương.

Thời đó đa số con gái không có tên chính thức, chỉ gọi là Đại Nha, Nhị Nha hoặc Chiêu Đệ, Lai Đệ...

Với việc ông quyết tâm nuôi tôi, mọi người đều khinh thường.

Một ông già không có gia đình như ông làm gì có sữa để nuôi một đứa bé mới chào đời?

Tôi cứ khóc, khóc đến nỗi khiến ông đau đầu.

Vì vậy, một người sống cô độc cả đời lần đầu tiên phải hạ mình đi hỏi thăm xem trong làng ai có vợ sinh con, rồi bế tôi đến xin chút sữa.

"Con bé đói quá rồi, có thể thương xót cho nó chút sữa không?"

Nhưng bộ dạng của ông quá đáng sợ.

Áo đạo bào màu xám bạc, đội mũ vải xanh, đi dép cỏ, thắt lưng đen, còn ông thì gầy guộc, nửa mặt bị bỏng trông chẳng khác nào sứ giả của Diêm Vương.

Ông mới đến trước cửa nhà người ta, còn chưa mở lời đã khiến người ta hoảng sợ, gà bay chó chạy.

"Á! Có ma!"

"Xui chết mất, mau cút đi!"

Ông đến mấy nhà, không làm người ta sợ hết hồn thì cũng bị mắng chửi đuổi đi.

Hết cách, lúc đi ngang nhà trưởng làng, thấy con chó vàng nhà họ đang cho lũ cún con bú, ông quyết định liều một phen, nhét tôi dưới bụng con chó vàng.

"Chó vàng à, cứu một mạng người hơn xây bảy tầng tháp, dù tám hay chín đứa con thì chắc cũng không thiếu sữa đúng không?"

Được uống sữa của chó mẹ, tôi cuối cùng cũng thôi khóc.

Chó vàng rất có linh tính, không những không đuổi tôi đi mà còn nuôi tôi như con.

Trưởng làng và ông là họ hàng, con dâu của ông ta cũng vừa mới sinh một đứa cháu trai mập mạp, thấy chúng tôi đáng thương nên nhắm mắt cho qua.

Nhờ sữa chó mẹ và nước cơm ông nấu, tôi dần trưởng thành.

Lúc đầu, tôi có thể nằm trong quan tài của ông cả ngày.

Sau đó, dần dần tôi học bò.

Có lúc ông vừa ru tôi ngủ, đặt tôi vào quan tài trống xong, mới quay đi phơi thuốc, tôi lại bò sang quan tài khác.

Ông vội bế tôi xuống: "Tổ tông à! Cái xác này bị chặt đầu vì tội ăn cắp, đầu mới được khâu lại, cháu đừng có phá!"

Tôi mỉm cười, duỗi tay đập mạnh vào đầu người chết trong quan tài.

"Bốp!"

Ông tôi: "..."

2

Ông không có nhà riêng, hơn nữa vì công việc coi sóc nghĩa trang nên ăn ở đều ở đây.

Thỉnh thoảng nếu trong vòng mười dặm có chỗ nào cần thu dọn xác, ông sẽ đặt tôi trong quan tài để ngủ rồi ra ngoài làm việc.

Ngày xưa, trong túi của con người ta chẳng có bao nhiêu tiền.

Tiền công là dựa vào việc nhà đó có gì, có lúc là lương thực, có lúc là một giỏ trứng, hoặc một con gà, một miếng thịt...

Người ta cho cái gì, nhà ăn cái đó.

Ông luôn dành những thứ ngon nhất cho tôi.

Không hiểu sao năm đấy có rất nhiều đám tang.

Ông nội nhận được nhiều thù lao, tôi cũng được ăn nhiều hơn.

Trẻ con thay đổi rất nhanh, tôi cứ thế dần trở nên mập mạp trắng trẻo.

Thời gian đầu tôi chỉ có thể dần ngồi chơi, đến khi biết bò, mỗi lúc thức dậy không thấy ông nội đâu, tôi sẽ bò ra quan tài.

Có lẽ đúng như ông nói, tôi có bát tự thuần dương, Chu Tước nhập mệnh.

Lúc mới học bò, suốt ngày tôi bò qua bò lại giữa các quan tài trong nghĩa trang nhưng chưa bao giờ gặp chuyện kỳ lạ hay xác chết sống dậy.

Thỉnh thoảng bò vào quan tài nào đó, nằm chung với xác chết, tôi chỉ thấy hôi thối, rồi ông nội sẽ dùng thảo dược tắm rửa cho tôi.

Thời thơ ấu của tôi, bên tai lúc nào cũng nghe thấy tiếng hét thất thanh của ông.

"Cửu Cửu! Cháu đang làm gì đấy!"

"Cửu Cửu! Cái đó không thể ôm!"

"Tổ tông ơi, cháu không thể ngồi yên một lát hả!"

Ông nội không biết, không phải tôi cố tình đến gần họ, mà là họ cứ bám lấy tôi.

Họ dù chết nhưng vẫn còn nhiều lời chưa nói, thế nên cứ muốn kể chuyện cho tôi nghe.

Ví dụ như ông chú bị chặt đầu, xác bị bỏ lại trong nghĩa trang không ai đến nhận, chú ấy kể chú ấy giấu vàng dưới gốc cổ thụ sau làng, bảo tôi đi lấy để mua kẹo ăn.

Còn chị gái chưa chồng nhảy sông tự tử, chị ấy nói chị ấy không tự tử, mà có con ma da kéo ống quần của chị ấy xuống nước. Bây giờ con ma da kia thay chị ấy đi lấy chồng, chị ấy không cam tâm, muốn tôi dẫn chị ấy đi trả thù.

Nhưng lúc đó tôi còn quá nhỏ, nghe rồi cũng chẳng biết nói gì, chỉ có thể lo lắng suông kêu "ê a".

Ông tôi là người hay sốt ruột, thấy tôi cứ kêu, ông cũng cuống cuồng.

"Cháu muốn nói gì? Cháu nói đi!"

"Trời ạ, làm người ta lo muốn chết!"

Tôi cũng lo lắng, nhưng tôi mới có một tuổi rưỡi thôi mà.

Tôi chỉ là một đứa bé.

Chú dì ông bà ơi, mọi người đừng sốt ruột, đợi Cửu Cửu biết nói, Cửu Cửu nhất định sẽ giúp mọi người.

Tôi học nói là một cơ duyên bất ngờ.

Làng tôi có một cái hồ rất lớn. Nước hồ trong vắt nhưng sâu không thấy đáy, hàng năm luôn phát ra luồng khí lạnh lẽo.

Người lớn không cho trẻ con như chúng tôi đến gần, chỉ có mấy bà cụ đến đó giặt quần áo.

Ông dặn tôi: "Cửu Cửu, cái hồ đó âm khí nặng lắm, cháu tuyệt đối không được đến đó chơi đấy, coi chừng bị thủy quái kéo xuống nước!"

Tôi rất nghe lời, thường ngày chỉ quanh quẩn gần nghĩa trang, không chạy ra bờ hồ.

Nhưng tôi không đi, thứ trong hồ nước lại bò ra chơi với tôi.

Đó là một thứ vừa giống người, vừa giống ếch lẫn khỉ, trên đầu có một vũng nước, trong vũng nước có hai con ếch nhỏ. Con ếch nhỏ có màu xanh, trên người có hoa văn màu xanh vàng.

Thấy tôi, nó kêu "lục cục lục cục".

"Cô tên Hứa Cửu Cửu, là cháu gái của Hứa Hữu Đức đúng không?"

Thứ đó trông thì đáng sợ nhưng giọng nói lại yếu ớt, hệt như một đứa trẻ không lớn hơn tôi là bao.

Lúc đó tôi vẫn chưa biết nói, chỉ có thể "ê a" trả lời.

Nó nhận ra vấn đề, nhíu mày, có điều vẫn không bỏ cuộc: "Có muốn... Có muốn chơi cùng không?"

Vì mẹ tôi là góa phụ, vừa sinh tôi ra đã chết, người trong làng chê tôi xui xẻo, gặp tôi liền tránh xa. Thế nên đây là lần đầu tiên có người... À không, có thứ gì đó chủ động nói chuyện với tôi.

Nghe nói nói muốn chơi cùng, tôi vui lắm: "Ê a ê a..."

Thấy tôi đồng ý, nó liền nói: "Đi thôi!"

Tôi lắc mông lảo đảo theo sau nó.

Chị gái bị ma da kéo xuống nước làm thế thân vội chạy đến, hô hoán: "Tổ tông ơi, nó là khỉ nước, đừng đi theo!"

Nhưng quanh nghĩa trang có bùa chú của ông trấn áp, chị ấy không thể ra ngoài.

Tôi nghe chị ấy gọi, thầm nghĩ: Khỉ nước? Chưa từng gặp, càng muốn đi!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com