File 1-02. Cuộc sống sau ba năm
Thứ 2, 8/29/2022.
Huntington Beach.
Hôm nay là thứ hai, mà tới ngày thứ năm, tức ngày mùng một Tây tháng chín nó mới nhập học năm thứ tư. An vẫn cần phải dậy sớm để làm một số việc cần thiết chuẩn bị cho năm học mới.
Chiếc đồng hồ đeo tay đã trung thành với An từ năm cuối phổ thông hiển thị bốn giờ năm mươi phút sáng, và đầu óc nó vẫn còn quay cuồng vì giấc mơ đêm qua. Dường như nó vẫn chưa quen được việc gặp gỡ Igor và Agatha trong giấc mơ như thế này. Nó rời khỏi giường, xỏ chân vào đôi dép lê, ngồi tựa vào cửa sổ nhìn ra mặt trời lên trên đường chân trời phía xa biển Huntington.
Dưới bậu cửa sổ là cái bàn làm việc, nơi để chiếc máy tính xách tay Razer 13 inch cùng khẩu súng ngắn FN Five-SeveN đã kéo chốt an toàn - đây là khẩu súng đầu tiên nó được anh Hiệp mua tặng vào lần đầu tiên nó nhận được giấy phép sử dụng súng và đạt điểm tối đa trong một cuộc thi bắn súng vào đầu năm. Trong băng đạn có đủ mười viên đạn 5 li 7 và chỉ có thể chứa mười viên đạn vì phiên bản cấp cho dân thường của Five-SeveN chỉ cho phép chứa mười viên. Từ lúc mua về, nó chỉ lấy ra vài lần coi như là kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ, thi thoảng nó cũng mang theo tới trường bắn vào những ngày không phải đi học để tập bắn nên khẩu súng vẫn còn như mới.
Ba năm ở trên đất Mỹ, cũng là ba năm mà nó ngồi trên ghế nhà trường đại học với cái máy tính cùng những dòng code, và cũng là ba năm mà nó nắm giữ thẻ xanh - nếu như nó qua Mỹ theo diện du học sinh thì nó sẽ không thể đi làm trang trải cuộc sống được, và thực sự ở chung với anh chị Hiệp và Fusae đã tạo cho nó lợi thế vượt trội hơn so với các du học sinh cùng thời là được đi làm một cách đường đường chính chính ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến đây. Suốt ba năm ròng, ngoài giờ học ra, nó đã tham gia vào đủ thứ công việc khác nhau từ sáng đến tối, nào là bồi bàn quán phở, trông giữ và tính tiền ở tiệm giặt ủi, quét dọn ở các khu nhà từ thiện cho người vô gia cư, vận chuyển và giao nhận hàng hóa,... thi thoảng nó được giao cho công việc kiểm tra quảng cáo để hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo cho các công ty công nghệ nhờ được các giảng viên và bạn bè giới thiệu. Riêng mùa COVID, nó nhận thêm việc đi chợ giùm cho một số người không thể ra khỏi nhà. Việc nặng có, việc nhẹ cũng từng trải, và bây giờ tiền bạc trong tài khoản của nó cũng đã có phần khá hơn so với thời điểm mới xuất ngoại. Hồi nó mới đi, nó đang nắm giữ số tiền trị giá mười bảy ngàn đô (khoảng bốn trăm triệu Việt Nam đồng, nhận được từ sau phi vụ Metaverse với các vị sư thầy quốc doanh), và sau ba năm được anh chị lo liệu vấn đề ăn uống và điện nước hàng ngày, khối tài sản ròng của nó đã lên tới hơn hai mươi lăm ngàn đô - với một sinh viên thì ba năm kiếm được tới hơn tám ngàn Mỹ kim không phải là một người tầm thường, đó là một con người chịu thương chịu khó và có tinh thần cầu tiến, vốn là những con người mà nước Mỹ sẵn sàng chào đón.
Số tiền dành dụm được đều được nó dùng để mua chiếc Honda CBR250RR và máy tính cùng các dụng cụ phục vụ cho việc học tập chuyên ngành An ninh mạng. Một tuần sau khi đậu bằng lái xe, vào một ngày chủ nhật cuối tháng chín năm ngoái, chị Fusae đã rất ngạc nhiên khi thấy một chiếc Honda thể thao màu trắng pha một chút đỏ tươi với mâm bánh màu vàng nhám đậu trước cửa.
"Hello chị!"
"Oh my, xe đẹp quá à...", đôi mắt Fusae tròn lên trước chiếc xe mới cứng của em trai, "Xe này em đi thuê hay là...?"
"Xe này là do chính tay em mua đó.", An rạng rỡ dắt chiếc xe mới cứng vào garage. "Tất cả đều là từ chính mồ hôi và nước mắt của bản thân em mà có đó ạ."
"Vậy em đã đăng ký bảo hiểm chưa?"
"Rồi ạ. Làm hết mọi thủ tục cần thiết trong buổi sáng nay luôn."
An vẫn nhớ rõ nét mặt hứng khởi của chị ngày đó. Duy chỉ có điều là niềm vui có xe mới lại không kéo dài bao lâu khi cũng trong khoảng thời gian cuối tháng đó, nữ ca sĩ Phi Nhung đã qua đời tại Sài Gòn vì COVID-19 - tin tức đó làm cho ai nấy đều bàng hoàng, còn Fusae thì rất buồn vì mất đi một người nghệ sĩ mà bản thân chị rất kính trọng.
Nhân tiện nói về Phi Nhung, trong những ngày tháng bươn chải đầu đời, nó cũng thường xuyên nhìn thấy những nghệ sĩ hải ngoại ra đường ăn sáng, và có đôi lần ra quán phở làm việc ngày chủ nhật, đôi mắt nó đã chứng kiến những gương mặt thân quen trong các chương trình Paris By Night hay những video clip nổi tiếng tại hải ngoại xì xụp bát phở trong chính cái quán mà nó đang làm việc, người trẻ có mà người già cũng được thấy.
Chính bản thân nó cũng từng lân la làm quen với họ và sau một thời gian làm quen, các nghệ sĩ cũng rất ấn tượng với hiểu biết chi tiết về các chương trình Paris By Night, thậm chí có người còn được nghe An thống kê và tính xác suất về những biến cố liên quan đến chuyên mục đố vui khán giả trong những lần thu hình ấy - đối với những người làm nghệ thuật, trừ khi có bằng đại học ra thì họ có lẽ muôn đời sẽ không hiểu được hoàn toàn những điều mà An chia sẻ.
Thành viên của đại gia đình Thúy Nga mà cậu thanh niên mang tên Nhật quen thân nhiều nhất chính là Hoàng Mỹ An, nữ ca sĩ trẻ kiêm vũ công chuyên nghiệp hiện đang cộng tác với trung tâm Thúy Nga. Sở dĩ An quen được cô chị gái cùng tên thật với mình là do nàng cùng học với An tại Đại học Nam California, dù An học trong ngành Công nghệ Thông tin còn chị kia học Quản trị Kinh doanh - hai người cùng đăng ký nhập học cùng ngày, cùng tháng và cùng năm, nhưng nàng lại tốt nghiệp sớm hơn An một năm. Ngược lại, Mỹ An rất thân với Fusae vì Fusae trang điểm rất đẹp và nấu ăn rất ngon, đồng thời chính chị cũng từng chuẩn bị cơm trưa cho Mỹ An trong những hôm nàng phải ở lại để tập dượt cho các chương trình PBN hoặc liveshow, và An thường xuyên mang cơm trưa đến cho cô nàng dancer vào những lúc đó. Khi biết chị em học cùng trường, hai người bắt đầu qua lại và gần gũi nhau hơn - em quý chị vì chị là ca sĩ kiêm vũ công nổi tiếng và tính tình rất dễ thương, còn chị quý em vì biết những người con trai học IT thường rất giỏi, đồng thời em lại là người am hiểu sâu rộng về trung tâm Thúy Nga.
Hai người quen nhau tới tận ba năm trời và tới giờ vẫn còn rất quý nhau như chị em ruột chứ không chỉ dừng lại ở mối quan hệ giữa một người nổi tiếng với người hâm mộ nữa, phần vì Mỹ An là con út trong gia đình và bản thân cô muốn có một người để gọi bằng em, phần vì bản thân An cũng thích những cô gái lớn tuổi hơn mình. Cũng nhờ Mỹ An mà cậu thanh niên có thêm nhiều thông tin để nghiên cứu về trung tâm Thúy Nga, bên cạnh Internet như là nguồn tin có sẵn. Ngoài giờ đi học và đi làm part-time, An dẫn nàng đi chơi trong những con đường băng qua rừng ở bờ biển phía Nam, dạo chơi trên những bãi cát vùng Huntington, đi shopping ở khu Phước Lộc Thọ hay thăm các phim trường tại Hollywood,... còn nàng ca sĩ dẫn An đi thăm bố mẹ mình, cùng với gia đình đứng sau sự thành công của trung tâm Thúy Nga - không ai khác chính là giáo sư Tô Văn Lai và con gái của ông, Tô Ngọc Thủy.
Tô Văn Lai sinh ngày 11 tháng 5 năm 1937 tại Sàigòn - Gia Định. Từ nhỏ, ông đã được học và tìm hiểu về những giá trị và các thành tựu văn hóa nổi tiếng của nước Pháp. Năm 17 - 18 tuổi, ông có được bằng Thành Chung (Diplôme) nhờ trình độ tiếng Pháp và tiếng Việt xuất sắc, vốn là thành tựu học thuật rất hiếm trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ, và vào thời điểm đó, những người có bằng này sẽ được trực tiếp trở thành Đại tá. Ông kể rằng, nếu như ông theo nghiệp binh, ông có thể trở thành một sĩ quan cấp tướng và có thể đã chết vì bị đày đi cải tạo.
Gia đình Tô Văn Lai từng mong ông trở thành bác sĩ, nhưng mong ước đó đã không thành vì hoàn cảnh gia đình thiếu thốn không đủ để lo cho ông theo học ngành này. Sau khi có bằng Thành Chung, ông đã theo học Sư phạm tại Đại học Sư phạm Đà Lạt theo ý nguyện của mẹ (vì ngành Sư phạm đào tạo trong vòng ba năm trong khi ngành Y phải mất tới bảy năm). Khi được trúng tuyển vào Sư phạm, ông được nhận vào ban Triết học của ngành và tu nghiệp tại Viện Đại học Đà Lạt. Ra trường với bằng đại học cấp cao vào mùa hè năm 1963, ông được bổ nhiệm dạy học tại trường Nguyễn Đình Chiểu tại Mỹ Tho, bắt đầu từ niên khóa 1963 - 1964. Ngoài việc giảng dạy và luyện thi Tú Tài cho các học sinh Đệ nhị cấp (tương đương với lớp 11 hoặc năm thứ sáu của bậc Trung học ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại), ông còn phụ trách tuyển chọn nhạc cho chương trình Văn nghệ Phát thanh Học đường hàng tuần, và thời gian trôi qua, ông đã bắt đầu có đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật. Ông cũng từng dạy thêm tại các trường tư thục ở Gia Ðịnh, Văn hóa Quân đội Việt Nam Cộng hòa, trong đó có trường nữ Lê Ngọc Hân đã tách ra từ trường Nguyễn Đình Chiểu.
Vào một thời điểm nào đó sau khi tốt nghiệp đại học, Tô Văn Lai đã gặp một người phụ nữ mà dân gian vẫn hay gọi là "bà Thúy Nga" và kết hôn với bà. Ngày 18 tháng 10 năm 1964, hai người họ có người con gái đầu lòng, và đó chính là Tô Ngọc Thủy, người kế nhiệm cha mình trong việc điều hành hoạt động của trung tâm Thúy Nga tại hải ngoại.
Trung tâm Thúy Nga vốn dĩ được thành lập từ năm 1972, nhưng sản phẩm đầu tay của nó lại là cuốn băng Thái Thanh Seléction, tuyển chọn những ca khúc của danh ca Thái Thanh, thân mẫu của nữ ca sĩ Ý Lan và là em vợ của nhạc sĩ Phạm Duy; cuốn băng nhạc Thanh Tuyền cũng được ra đời sau đó bởi chính hãng đĩa này, và đó là hai sản phẩm đầu tiên và được biết đến nhiều nhất của trung tâm Thúy Nga trước biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau biến cố này, gia đình ông đã trải qua một quãng thời gian khó khăn với những tên cộng sản mới tràn vào cướp chính quyền, cho đến tháng 12 năm 1976 thì nhờ có quốc tịch Pháp nên gia đình ông đã được sang Pháp - trên đường đi, ông mang theo những tài liệu văn hóa từ thời Việt Nam Cộng hòa mà ông may mắn còn giữ lại được khỏi bàn tay hủy diệt của những tên lính cộng sản Bắc Việt với danh nghĩa "tiêu hủy văn hóa đồi trụy của chế độ cũ".
Tại kinh đô ánh sáng Paris nơi những tinh hoa văn hóa được hình thành từ những năm đầu tiên thành lập nhà nước cộng hòa, Tô Văn Lai cùng vợ tiếp tục gầy dựng lại nhãn hiệu Thúy Nga cũ với những cuốn băng sang lại và tái phát hành, đồng thời bản thân ông cũng đã bươn chải kiếm sống cả mấy năm liền cho đến khi thực hiện được cuốn băng Paris By Night đầu tiên vào năm 1983. Phải đến ba năm sau, trung tâm mới có thêm kinh phí thực hiện tiếp chương trình thứ hai...
"Đặt chân lên đất Pháp trong mùa Giáng sinh 1976 thật là một HẠNH PHÚC RỰC SÁNG khi đã thực hiện được giấc mơ mà mình đã ôm ấp từ khi tuổi lên 5, cắp sách đến trường làng Việt Nam để học ngôn ngữ Pháp, lịch sử Pháp, KỊCH ẢNH văn hóa Pháp như Le Cid (P. Corneille), Andromaque (J. Racine), Harpagon (Molière), Fables (La Fontaine),... nghệ thuật ca diễn tượng trưng cho nền văn minh Pháp đã trải qua nhiều thế kỷ mà hôm nay những gì học được trong sách vở mới hiện ra trước mắt, bao nhiêu tượng đài lịch sử mà văn hóa trường lớp đã dạy mình lúc còn ở Việt Nam như Palais Royal, Ngục Bastille, Place de la Concorde, Champs Élysées, Sacré Coeur Basilica trên đồi Montmartre và khu Moulin Rouge... Trong lịch sử văn hóa Pháp cũng không thể quên 2 triết gia danh tiếng là Descartes (Je pense donc je súis) và Pascal (Le coeur a ses raisons que la raison ne connait point)." - đó là những gì mà Tô Văn Lai đã viết về nước Pháp cũng như những gì ông học được về văn hóa Pháp từ khi còn ở Việt Nam. Ông yêu văn hóa Pháp và chuyên về bộ môn Triết học mà từ bộ môn đó, ông đã được tiếp xúc với những tư tưởng, lý luận cuộc sống của nhiều triết gia nổi tiếng thế giới, Đông phương có, Tây phương cũng có, và những dòng chữ đó kì thực không phải là ngẫu nhiên mà có. Nước Pháp trở thành quê hương thứ hai của ông nhanh chóng, sau đó là Hoa Kỳ khi trung tâm chuyển qua hoạt động tại thủ phủ của người Việt tị nạn, Little Saigon thuộc miền Nam California.
Về những đóng góp của ông đối với người Việt hải ngoại, những chương trình Paris By Night, các băng Thúy Nga Video cùng hàng trăm CD được phát hành là minh chứng rõ ràng nhất - ông chủ động lên ý tưởng để thực hiện chương trình, mời các ca sĩ/nhạc sĩ về cộng tác với trung tâm, thậm chí còn đích thân đến Việt Nam để thu thập thêm những tài liệu quý giá khác và gặp mặt các nhạc sĩ còn ở Việt Nam để mời họ sang bên kia bờ đại dương tiếp cận với những người yêu mến những dòng nhạc của họ. Cũng có lần Tô Văn Lai bị công an Việt Nam bắt vì tàng trữ những hình ảnh thu trái phép để thực hiện chương trình Paris By Night 90 - Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam, nhưng ông đã may mắn thoát nạn và chương trình đó cùng với cuốn Paris By Night 91 - Huế, Sàigòn, Hà Nội liền sau vẫn diễn ra thành công tốt đẹp mặc cho sự lên án của những kẻ ở bên phe thắng cuộc. Thực tế, người dân Việt Nam yêu Paris By Night, yêu trung tâm Thúy Nga cùng những giá trị nghệ thuật mà nó mang lại, nhưng những kẻ cai trị vẫn coi nó như một thứ gì đó mà chúng căm ghét nhưng không thể làm gì được - nghe thì vẫn nghe, xem thì vẫn xem, khen hay thì vẫn khen hay nhưng dẫu gì thì Thúy Nga vẫn đại diện cho văn hóa, nghệ thuật sân khấu đã tồn tại dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, một điều mà tới bây giờ vẫn còn để lại một mặc cảm rất lớn khó có thể xóa nhòa trong tâm trí của bất kỳ tên Việt cộng nào tự cổ chí kim.
Bây giờ Tô Văn Lai đã qua đời, nhưng di sản của ông vẫn còn được tiếp tục bởi Tô Ngọc Thủy lâu nay, dù biết rằng con đường phía trước vẫn sẽ còn nhiều chông gai và khó nhọc, thậm chí có thể không tiếp tục được lâu dài. An đã tham dự lễ tang, được chứng kiến tận mắt thi hài lạnh ngắt của một con người vĩ đại đã thay đổi hoàn toàn tư duy âm nhạc và nghệ thuật của nó trong chiếc quan tài gỗ mở phần nắp trên. Nhờ có Paris By Night, nhờ có trung tâm Thúy Nga, nó biết được nghệ thuật sân khấu đẳng cấp thế giới thực sự phải ra làm sao, biết được âm nhạc Việt Nam đã từng có một thời phát triển đến mức phong phú như thế nào, biết được màu nhiệm của kỹ thuật hòa âm ở xứ sở hiện đại biến một bài hát không nổi tiếng trong nước thành một nhạc khúc top hits, thậm chí là bất hủ,... Tất cả những điều đó làm cho gu âm nhạc của An được nâng cao lên, hơn hẳn so với những người bạn cùng trang lứa tối ngày chỉ biết nghe theo những điệu nhạc tựa như thơ con cóc, nổi lên được một thời rồi chìm sâu và chẳng còn ai nhắc đến nữa. Và bây giờ nó tha hồ được tiếp cận với những dòng nhạc mà nó yêu mến, chẳng còn vướng bận gì với cái thế giới âm nhạc dị thường ở Việt Nam nữa là nó đã thỏa mãn quá rồi, và đó chỉ mới là một khía cạnh rất nhỏ của thiên đường Mỹ quốc. Nó còn nhiều thứ phải học, phải tiếp cận để biết được tại sao nước Mỹ đã trở thành siêu cường, dẫn đầu thế giới với những thành tựu không ai có thể tưởng tượng nổi, và đó là những gì nó cần để có được quốc tịch Hoa Kỳ cùng cuốn passport hình con đại bàng.
...
An khoác lên người chiếc áo sơ mi màu trắng bên ngoài cái áo thun màu đen, lấy chiếc quần jean đen trong tủ mặc vào, bước vào toilet dưới tầng hai đánh răng rửa mặt rồi trở lại phòng xỏ giày, coi như bước đầu chuẩn bị cho ngày mới.
"Chị hai?"
Fusae đã dậy sớm từ trước để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Nàng mặc chiếc đầm xanh ngọc khoác ngoài là một chiếc áo len mỏng, trong căn bếp rộng rãi có mùi thơm của món cà ri.
"Dậy sớm vậy em?", Fusae đã nghe được tiếng An bước xuống cầu thang. Bình thường An chỉ dậy vào lúc năm giờ bốn lăm phút hoặc sáu giờ để tập thể dục ở ngoài biển, vậy mà giờ mới năm giờ đúng mà An đã dậy.
"Uhm... Chẳng hiểu nữa. Tại mắt em chợt mở đúng lúc vậy thôi à."
"Vậy thì giúp chị nấu cà ri nào. Coi thử cơm chín chưa?"
An ngó tới cái nồi cơm điện, màn hình điện tử trên nồi vẫn còn hiển thị năm phút nữa là cơm chín. Nồi cà ri màu vàng đất sôi sùng sục, thơm đến nức mũi.
"Còn khoảng năm phút nữa."
"Lấy cho chị ít cà phê và chocolate.", Fusae vẫn cầm vá trộn hỗn hợp màu vàng đang ngả qua màu nâu sáng trong nồi. "Trên tủ có lon cà phê và trong tủ lạnh có ít choco đó."
"Dạ.", An ngoan ngoãn nghe theo lời chị, lấy cà phê và mở tủ lạnh lấy ra một thỏi chocolate ăn dở mà được gói lại cẩn thận. "Chị cũng dùng mấy cái này để làm cà ri ạ?"
"Chị đang thử một kiểu nấu cà ri mới mà chị đã học được hồi mới về Nhật, cái năm mà bọn chị bảo lãnh cho em qua Mỹ đó."
"Như vậy là ba năm trôi qua rồi... Chị giữ cái công thức đó tận ba năm liền mà chưa triển khai lần nào à?"
"Thời gian qua có nhiều công thức quá, chị cũng quên mất. Với lại mình vừa mới trải qua COVID nữa, nguyên liệu khan hiếm nên chị cũng không tìm được đồ phù hợp để nấu. Trước dịch chị có nấu cà ri cho em nhưng không phải là theo công thức này."
"Ha, cái đó thì em nhớ mà. Cà ri cay theo đúng kiểu của người Ấn Độ.", An nhớ lại lần đầu tiên nó được ăn cà ri do chính tay chị nấu, nhưng đó là cà ri gà cay theo phong cách Ấn.
"Lấy cho chị cái hũ sữa chua còn một tí trong tủ lạnh ấy.", Fusae tiếp tục ra lệnh. "Thêm chút mật ong và sốt Worcestershire nữa."
"Sốt Worcest-- gì cơ?"
"Worcestershire. Trong cái bịch đồ chị mua tối qua để trên bàn ăn ấy. Nhìn cái nhãn là biết.", nàng đưa tay vén lọn tóc trắng muốt lên mang tai, chỉnh cặp kính trên mũi. An cũng làm theo lời chị, tìm trong tủ lạnh rồi trong cái bịch ni lông trắng chứa những hũ gia vị tẩm ướp đồ ăn mà chị mua về từ chiều tối chủ nhật vừa qua. Có những món cần thiết, nàng bỏ từng chút một của từng loại vào trong nồi mà tiếp tục đảo, khuấy, đồng thời giữ lửa nhỏ mà đợi cho đủ thời gian.
"Được rồi. Trong khoảng thời gian chờ đợi thì em đi tập thể dục được đó."
"Dạ."
An mở cửa bước ra ngoài phố, bắt đầu chuyến dạo bộ ngoài con phố gần kênh đào Talbert. Khu nhà ở dày đặc này là những nơi có biệt thự và garage riêng, và trị giá của mỗi căn nhà khoảng đâu đó ít nhất tám, chín trăm ngàn Mỹ kim, phía bắc đại lộ Atlanta và đông bắc biển Huntington. Xung quanh cũng kha khá đông người gốc Á sinh sống bên cạnh sắc dân da trắng.
Cậu thanh niên vẫn còn nhớ rõ ngày nó mới đặt chân đến đây, An đã thực sự choáng ngợp trước một mê cung toàn nhà với nhà, thậm chí mấy ngày đầu nó còn đi lạc ngay trong chính cái khu đó vì chưa quen với khu vực sống mới cũng như lúc đó, nó còn chưa có phương tiện gì để di chuyển ngoại trừ chiếc Toyota Highlander Hybrid bảy chỗ màu đen nhám của anh Hiệp - nó học lái bốn bánh trước khi thành thạo hai bánh, nhưng thực sự nó vẫn thích mô tô hơn.
Nhà Hiệp ban đầu có hai chiếc ô tô, ngoài chiếc Highlander ra còn có chiếc Mini Cooper bốn cửa màu xanh lá mạ sọc trắng của Fusae - ở Mỹ có nhiều hộ gia đình xây garage đủ rộng để chứa hai chiếc ô tô, và căn nhà Hiệp đã mua có thể chứa được hai chiếc như vậy, chưa kể vẫn còn dư sức chứa được chiếc Honda thể thao 250 phân khối của An sau này. An đã tập chạy trên cả hai chiếc xe đó và bây giờ nó có thể dùng xe ai đi cũng được - nếu An chọn chiếc Cooper thì Hiệp sẽ lái con xe bảy chỗ đi làm và ngược lại, để Fusae ở nhà, nhưng vì tính chất công việc vận chuyển nên An thường hay đi Highlander, và chiếc xe ấy đã là một trong những công cụ đắc lực để cậu có thể kiếm cơm đỡ đần gia đình.
Đôi chân An rảo bước qua đoạn đường nhỏ sau những căn nhà được quy hoạch gọn gàng và dọc đoạn kênh đào Talbert thẳng tắp kéo dài ra hai hướng bắc - nam xa xăm. Dưới lòng kênh có vẻ không sâu vì nước khá trong, có thể nhìn khá rõ hàng đá xếp ở hai bên lòng kênh, dù rằng kênh đào này được xây dựng để phục vụ cho việc thoát nước. Trong một lần đi khám phá vòng quanh Huntington, nó đã thấy được cửa kênh là đầm Talbert (tiếng Anh: Talbert marsh) hướng thẳng ra biển. Khu đầm nước mặn này tập trung kha khá những loài chim ven biển đến sinh sống ở đây.
Trên đường đi nó gặp vài người hàng xóm thân quen cũng đang đi bộ thể dục sáng sớm. Hàng xóm quanh khu này biết được vai trò của An trong việc vận chuyển hàng hóa tiếp tế đến cho các bệnh nhân COVID-19 nên mọi người khá kính trọng nó - thi thoảng hàng xóm nhờ nó chuyển hộ đồ miễn phí thì nó sẵn sàng giúp. Chào hỏi và nói chuyện dăm ba câu rồi đường ai nấy đi, nó nhận ra mặt trời bắt đầu lên cao, đồng hồ cũng điểm sáu giờ kém nên nó phải quay lại nhà. Chắc hẳn món cà ri công thức mới của Fusae đã sẵn sàng rồi.
Về đến nhà thì Hiệp cũng đã có mặt tại đó rồi. Anh cũng đang ngồi trên bàn bếp với đĩa cà ri còn đang bốc hơi nóng.
"Ăn sáng với cà ri chứ?"
"Dạ."
Hiệp không bất ngờ khi đi bộ hít thở không khí trong lành là thói quen của An được rèn luyện và duy trì từ những ngày đầu mới sống tại đây. Fusae múc sẵn một đĩa cơm cho An và nó cũng ngồi vào bàn.
"Món cà ri thế nào em?"
"Em cảm thấy có mùi táo gợn gợn...", An cố tìm từ ngữ trong đầu để mô tả về hương vị của món cà ri mới. "Ngọt đâu đó cũng bằng phân nửa món sườn chua ngọt á chị."
"Hợp khẩu vị của em đúng không?"
"Dạ. It's so damn nice...", sống ở Mỹ ba năm, ngày nào cũng nói tiếng Anh và bây giờ thi thoảng nó cũng nói trộn giữa tiếng Việt và Anh khi nói chuyện với những người có cùng tiếng mẹ đẻ.
"Món này em làm theo công thức mới hả?"
"Dạ. Công thức này em học được từ tận trong hẻm Yongen-Jaya lận đó anh.", rồi Fusae kể sơ về những gia vị mà chị đã thêm vào trong lúc nấu cà ri.
"Có táo trong này, hẳn nào thằng nhỏ cứ kêu là có vị táo..."
"Nhưng mà nó ngon, phải không anh?"
"Yeah.", anh xoa nhẹ lên đầu chị, tỏ vẻ hài lòng và cưng nựng em gái. Ăn cơm xong, Hiệp lên đường đi trước để đến văn phòng luật của mình, còn An lên phòng, chuẩn bị giấy tờ trong túi đeo chéo và đến trường làm một số thủ tục cho năm học mới.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com