Không Tên Phần 1
MB
Khổ thơ thứ nhất là cảnh sông nước được cảm nhận qua tâm trạng buồn bã của nhà thơ - cái buồn trong tâm trạng đã lan qua tới cảnh vật:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song;
Thuyền về nước lại sầu trăm ngã,
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Hình ảnh "sóng gợn" gợi những làn sóng nhỏ, lăn tăn nối tiếp nhau lan xa trên mặt nước. Những con sóng "buồn điệp điệp" như diễn tả một nỗi buồn miên man không dứt. Từ láy "điệp điệp" mang đến khả năng gợi hình, gợi cảm cao. Ở câu thơ này dường như có hai hình ảnh con sóng "sóng nước" (sóng gợn tràng giang) và "sóng lòng" (buồn điệp điệp) hòa vào nhau tạo thành một dòng sông sông nước và một dòng sông tâm trạng chảy dài và chảy dọc suốt cả bài thơ.
Hình ảnh "con thuyền" trong câu thơ của Huy Cận là một điểm sáng tạo độc đáo, miêu tả hình ảnh con thuyền cô đơn xuất hiện giữa những lớp sóng buồn hiu hắt trong buổi chiều tà. Con thuyền nhỏ bé ấy buông xuôi, lẻ loi, lênh đênh thả mái xuôi dòng, mặc cho dòng nước đẩy đưa càng làm nổi bật cái mênh mông, hoang vắng của dòng sông rộng, đồng thời khắc sâu thêm cái vắng lặng của không gian vì không có cả tiếng mái chèo tạo nên tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền.
Đọc kỹ câu thơ "con thuyền xuôi mái nước song song" mới thấy rằng giữa thuyền và nước chẳng có quan hệ gì với nhau cho dù chúng đang ở rất gần nhau bởi thuyền thì xuôi mái, nước thì song song: một khung cảnh không chỉ mênh mông, im ắng mà còn đem đến cảm giác của sự chia lìa.
Câu "thuyền về nước lại sầu trăm ngã" gợi hai cách hiểu: thuyền về, nước đã sầu nay lại còn sầu hơn; hoặc là thuyền và nước chuyển động ngược chiều nhau. Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai ta nhấn mạnh cho sự chia lìa được nói ở trên. Thuyền rồi sẽ về chốn cũ, còn nước sẽ ở lại với dòng sông, nỗi sầu chia ly tan tác sẽ tỏa đi trăm ngã.Phép đối được sử dụng rất sáng tạo, chỉ đối ý, đối hình mà vần thơ vẫn cân xứng, hài hòa.
Khung cảnh còn gợi lên sự nhỏ bé, bơ vơ qua hình ảnh "củi một cành khô lạc mấy dòng". Nhịp thơ bất thường 1/3/3 kết hợp với hình ảnh thơ đối lập cùng nghệ thuật đảo ngữ: "Củi một cành khô" đã nhấn mạnh vào cái nhỏ nhoi, bơ vơ của thân phận trước sự rộng lớn của cuộc đời. Ngoài ra, câu thơ còn sử dụng nghệ thuật tăng tiến gợi ấn tượng về sự nhỏ bé giữa cái mênh mông của sông nước: củi-một-cành-khô-lạc-mấy dòng. Câu thơ bảy chữ như vỡ ra thành sáu mảnh cô đơn. Từ "củi" gợi hình ảnh một vật tầm thường trong cuộc sống, "khô" gợi sự khô héo, tàn lụi. Số từ "một" chỉ sự ít ỏi, tô đậm sự đơn độc. Thứ bé nhỏ ấy lại được đặt trong sự tương quan với "lạc mấy dòng" nên gợi liên tưởng đến sự mất phương hướng, bị dập vùi, trôi nổi lạc loài.
Hình ảnh thơ vừa mang tính chân thực, đời thường (tinh thần hiện đại), vừa mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng, tĩnh lặng - hình ảnh ẩn dụ rất đắt (vẻ đẹp cổ điển) gợi lên hình ảnh về kiếp người trôi dạt, đơn côi, bé nhỏ trước sự rộng lớn của sông nước và cuộc đời. Đây không chỉ là tâm trạng của Huy Cận mà còn là của các nhà thơ mới - một cành củi khô trôi dạt trên dòng "Tràng giang".
Khổ thơ thứ hai là cảnh bến sông hoang vắng và nỗi buồn cô đơn của nhà thơ:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Hình ảnh "cồn" giữa dòng sông vốn gợi sự trống vắng, đơn độc nay thêm từ "nhỏ" lại càng buồn hơn. Từ láy "lơ thơ" được đảo lên đầu dòng nhằm nhấn mạnh hình ảnh sự sống thưa thớt trên cồn nhỏ. Từ láy có thể gợi hai nghĩa : cồn cát ấy nhỏ nên lơ thơ, cồn cát ấy cây cỏ ít nên lơ thơ. Hiểu theo cách nào thì từ "lơ thơ" cũng gợi lên sự thưa thớt, vắng vẻ. Hơn nữa, trên cồn cát ấy cũng có gió nhưng lại là gió "đìu hiu". Hai từ "đìu hiu" ấy còn mang tâm trạng buồn bã, hiu hắt của con người và dường như còn lan tỏa vào cảnh vật: cảnh không chỉ buồn hiu hắt, mà còn gợi lên sự thê lương.
Một câu hỏi tu từ gợi nỗi niềm bâng khuâng hoài vọng: "Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều." "Đâu" là ở đâu từ xa xôi vọng lại. Âm thanh làng xa vãn chợ chiều gợi sự tàn tạ, tan rã. Một âm thanh chợ chiều ở xa vang thật não nề, làm tăng sự xa vắng, tiu đìu. Ngoài ra "đâu" còn có thể hiểu là không có cả một tiếng chợ chiều để nhà thơ tìm niềm an ủi.
Nếu ở khổ đầu, không gian mở ra theo chiều dài và rộng thì ở khổ này, không gian được mở ra theo cả ba chiều: chiều cao vời vợi của bầu trời, chiều dài bát ngát của dòng sông và chiều rộng mênh mông của vũ trụ.
Nghệ thuật tương phản "nắng xuống-trời lên" kết hợp với cụm từ "sâu chót vót" đã làm nổi bật không gian ít nhất ở hai chiều: chiều cao và chiều rộng. Nắng chiều chiếu xuống, đẩy bầu trời cao đến tận cùng. Hai động từ ngược hướng "lên-xuống" đem đến một cảm giác chuyển động rất rõ rệt. Nắng chiều xuống đến đâu, trời lên cao đến đó. Hình ảnh "sâu chót vót" là một sáng tạo diễn tả vừa tinh tế vừa chính xác khung cảnh thiên nhiên rộng lớn: trong chiều cao của bầu trời, Huy Cận cảm nhận được độ sâu thẳm của không gian. Từ "sâu" vừa gợi độ cao, vừa gợi cái hun hút, thăm thẳm của bầu trời hoàng hôn, từ "chót vót" lại càng làm tăng thêm cái rợn ngợp của khung cảnh, càng khiến con người thêm nhỏ bé trước vũ trụ bao la.
Câu thơ thứ thư tiếp tục khiến không gian như được mở ra: "Sông dài trời rộng bến cô liêu". Trong không gian bao la, bát ngát ấy, hình ảnh của bến sông hiện lên đã nhỏ bé, đơn độc, lại là "bến cô liêu" nên càng chơ vơ, lạnh lẽo, buồn vắng. Cái lạnh, cái vắng ấy như càng đối lập với vũ trụ bao la, rộng lớn và càng tô đậm thêm nỗi buồn đến sầu não của nhà thơ khi cảm nhận rất rõ sự bé nhỏ, đơn độc và tội nghiệp của một kiếp người. Nghệ thuật tương phản vì thế được sử dụng rất thành công, gây ấn tượng sâu sắc.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com