Chương 1:ĐỤNG VÀO NHAU - LƯỚT QUA NHAU
Sáng Sài Gòn.
Nắng chói chang chuẩn bị cho một ngày nóng đỉnh điểm gần một tuần trở lại đây. Mọi phòng học đều kéo rèm kín bưng không để nắng chiếu vào và thay vào đó là ánh sáng của những bóng đèn tuýp. Phong Linh vẫn để rèm cửa sổ hé ra một chút đủ để một tia nắng nhỏ chiếu vào bức tường sau lưng cô. Cô vẫn không quên hỏi sinh viên phía dưới có nhìn rõ slide bài giảng không khi cô kéo rèm như vậy. Cô giáo trẻ thích được tận hưởng cảm giác nắng chiếu qua khung cửa sổ như thế để không cảm thấy ngộp thở trong không khí điều hòa và đèn điện của phòng học. Cô say sưa giảng về các học thuyết tạo động lực, từ các học thuyết nội dung của Abraham Maslow, Alderfer, McClelland, Frederick Herzberg đến các học thuyết quá trình của B.F. Skinner, Victor Vroom, Stacy Adams, Edwin A.Locke. Cô tự cười với bản thân, sao mình lại có thể phân tích các học thuyết này một cách logic và chi tiết như thể hiểu rất rõ những nhà nghiên cứu đó vậy; trong khi đó thì chưa bao giờ tự tay áp dụng chúng cả. Đúng là lý thuyết. Nếu không thể đưa chúng vào thực tế thì sẽ chúng chỉ là mớ lý thuyết xuông mà thôi. Chúng sẽ tạo động lực trong lao động thực tế như thế nào đây nhỉ? Đến bao giờ mình mới có thể thực hiện lý tưởng của đời mình đây.
Ý nghĩ đó thường xuyên lướt qua trong tâm trí cô giảng viên trẻ đang bấm nút chỉnh slide đều đều trên bục giảng. Cô liếc mắt xuống chiếc điện thoại đang rung rừ rừ trên mặt bàn. Màn hình hiện lên một chữ duy nhất: "Thầy" trên nền hình ảnh của cô và thầy chụp kỷ niệm ngày nhận bằng thạc sĩ. Cô khi ấy mặc lễ phục là chiếc áo thụng và mũ hình vuông có gắn dây tua hướng bên phải 45 độ quen thuộc trong các buổi lễ tốt nghiệp. Nụ cười rạng rỡ của cô và ánh mắt hiền từ của thầy giáo hướng dẫn cô luận văn tốt nghiệp được ghi lại một cách tự nhiên và tình cờ nhờ một người bạn tới chúc mừng cô ngày đó. Thầy là thần tượng của cô, là người thầy mà cô vô cùng ngưỡng mộ, cảm phục và trân trọng không chỉ bởi kiến thức uyên thâm của một vị Phó Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành quản trị nhân lực mà còn bởi sự hiền từ và bình dị của một người thầy giáo luôn ngập tràn nhiệt huyết với nghề. Từ ngày chào tạm biệt thầy tại Hà Nội, Phong Linh và thầy chưa từng liên lạc lại với nhau. Khoảng cách xa xôi và cuộc sống vội vã khiến con người ta không có thời gian hỏi thăm đến nhau như đã từng một thời dành nhiều sự quan tâm và gần gũi cho nhau trước đó.
Thầy là người nếu không có việc gì quan trọng sẽ không gọi lại đến lần thứ hai.
Phong Linh nhìn nhanh chiếc đồng hồ trên cổ tay. Cô bỗng im bặt và ngừng bài giảng lại khi màn hình đã hiện lên dòng chữ: "2 cuộc gọi nhỡ từ Thầy". Cô bỗng cảm thấy nóng lòng và sốt ruột.
- Mình xin lỗi cả lớp một chút! – Cô giáo vừa cầm điện thoại vừa bước ra cửa khi nói câu đó với gần 40 sinh viên. Cả lớp đồng thanh "Ồ" lên một tiếng và bắt đầu những câu chuyện khác nhau. Một vài sinh viên nói vọng theo:
- Cô có thể nghe điện thoại bao lâu cũng được ạ!
- Cô đừng để chàng trai của mình phải chờ lâu. – Một sinh viên khác nói với theo trêu đùa cô.
Phong Linh vuốt điện thoại thật nhanh.
- Phong Linh à, em có đang ở trường không? Em có đang bận gì không? Thầy nhờ em một chút.
- Ôi, thầy đang ở Sài Gòn ạ? Em đang ở trường ạ, có việc gì thầy cứ nói với em ạ. Em có thể sắp xếp được.
- Thầy đang đi dự một cuộc hội thảo nhưng thầy để quên tài liệu ở khách sạn. Mà khách sạn đó gần trường em. Bây giờ thầy quay lại lấy thì không kịp. Em có thể qua khách sạn lấy tài liệu mang tới đây giúp thầy được không? Thầy sẽ gọi cho khách sạn báo họ mở cửa phòng cho em. – Giọng thầy giáo già gấp gáp và mệt mỏi trong chuyến hành trình dài.
- Dạ vâng ạ. Thầy cho em tên khách sạn và địa chỉ nơi diễn ra hội thảo. Em sẽ tới ngay ạ. – Cô học trò vui vẻ.
- Thầy để trong chiếc túi màu trắng, em xem sẽ có dòng chữ "Quản trị nguồn nhân lực, xu hướng quốc tế và thực tiễn Việt Nam", ở trong vali trong phòng 203 khách sạn...
Cô giảng viên trẻ vội vã cho lớp nghỉ sớm nửa giờ đồng hồ và hứa sẽ dạy bù vào giờ sau vì có việc gấp.
*
Tấn Khang vội vàng chỉnh lại cà vạt, cầm áo vest và đi ra khỏi phòng. Anh không quên nhắc cô thư ký bên ngoài chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp buổi chiều. Đi được một đoạn chợt anh quay lại nói với cô thư ký vừa cầm chiếc gương giơ lên trước mặt:
- Anh sẽ ăn trưa với Tiến sỹ Dessler luôn và quay lại vào đầu giờ chiều.
Tiến sỹ Garry Dessler là Giáo sư tại trường Đại học Quốc tế Florida, đã từng giảng dạy cho Tấn Khang khi anh du học Mỹ. Lần này ông đến Việt Nam tham gia hội thảo về "Quản trị nguồn nhân lực, xu hướng quốc tế và thực tiễn Việt Nam", Tấn Khang nhận lời làm khách mời vì biết buổi hội thảo có ông.
Tấn Khang lái xe ra khỏi tầng hầm của tòa nhà công ty anh. Anh đeo kính dâm thời trang và mở mui xe để tận hưởng ánh nắng mặt trời chiếu xuống con đường anh đang đi. Ánh mắt anh bỗng dừng lại nơi cô gái đi chiếc xe gắn máy màu vàng cam đang dừng chờ đèn đỏ bên cạnh xe anh. Cô có mái tóc đen ngang lưng và đang ngước nhìn đèn chăm chăm với cặp kính cận. Cô đếm từng giây trôi qua bằng cách gõ ngón tay trỏ nhè nhẹ lên tay ga. Thỉnh thoảng cô lại hít một hơi thật sâu. Cô gái ấy giữ tư thế sẵn sàng để chuẩn bị ga đi khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh.
Khi Phong Linh đếm ngược được đến giây số ba thì một cơn mưa bóng mây trút xuống khiến Tấn Khang giật mình nhận ra mình đang mở mui xe. Anh vội vàng nhấn nút đóng lại trong khi cô gái lái xe gắn máy anh ngắm nhìn nãy giờ đã phóng nhanh ngay khi hết đèn đỏ. Mưa đổ ướt con đường họ đang đi rồi sau đó lan đến vài ngôi nhà. Nắng thì vẫn chiếu xuyên qua những hạt mưa, trải dài trên con đường.
Phong Linh biết cơn mưa bóng mây sẽ không kéo dài và cô thì đang vội nên cô không dừng lại mặc áo mưa. Nắng và gió Sài Gòn đã sấy khô quần áo và mái tóc cô từ lúc nào. Cô mong là sẽ đến được trước khi cuộc hội thảo diễn ra để kịp đưa tài kiệu cho thầy.
Đường phố Sài Gòn thật hiếm khi vắng vẻ. Đã qua giờ cao điểm mà đoạn đường vẫn còn rất đông đúc. Tới ngã tư có đèn xanh đèn đỏ kế tiếp, Phong Linh lách nhẹ xe về phía bên trái để tiến lên phía trước dòng người. Bỗng một lực khá mạnh tác động vào phía đuôi xe cô khiến cô giật mình suýt ngã. Rất may là Phong Linh đã kịp chống chân và quay lại phía sau nhìn xem có chuyện gì xảy ra. Một chiếc xe hơi đã đâm vào xe Phong Linh. Cô hít sâu để định thần lại và quan sát xung quanh. Cô nhận ra mình đang đứng trên làn đường dành cho xe ô tô thì đã quá muộn. Chiếc siêu xe phía sau cô đã bị xước một vệt khá lớn cạnh đèn phía trước. Vội vã gạt chân chống và bước xuống xe, cô cuống quýt nói lời xin lỗi người lái xe vừa đóng cửa xe tiến lại phía cô:
- Anh có sao không ạ? Xin lỗi anh! Tôi đang vội nên trót đi lộn làn đường. Tôi xin lỗi vì sự bất cẩn này!
Nói rồi, Phong Linh vội vàng kéo túi xách ra, lấy sấp giấy nhớ màu vàng và viết số điện thoại của mình một cách nhanh chóng.
- Đây là số điện thoại của tôi. Sửa xe hết bao nhiêu anh cứ liên lạc với tôi, tôi sẽ chịu trách nhiệm về lỗi sai mình gây ra.
Tấn Khang ngạc nhiên trước cách cư xử của cô gái đang hết sức vội vã trước mặt anh. Bởi thường thì những vụ va chạm thế này, người bị đụng vô sẽ bắt đền người lái xe bất cẩn là anh mà không hề nghĩ tới làn đường, luật lệ này nọ. Và anh thường sẽ xử lý bằng cách nhấn điện thoại để gọi trợ lý hoặc luật sư của mình tới giải quyết. Nhưng cô gái này thật khác, cô ấy đã nhận lỗi sai hoàn toàn về mình, cô ấy lại còn không ngần ngại bồi thường thiệt hại cho anh.
Tấn Khang nhìn một lượt đuôi xe máy của Phong Linh và đầu xe anh. Anh không nhận lấy tờ giấy nhớ mà Phong Linh đang đưa cho mình, chỉ nhẹ nhàng nói:
- Có vẻ như cô vẫn ổn. Tôi cũng không sao. Tôi là người đụng vô xe cô, nên tôi có lỗi. Cô là người lấn làn đường trái luật giao thông, cô cũng có lỗi. Cô đang vội, và tôi cũng có việc phải đi. Hai chúng ta giải quyết trong êm đẹp bằng cách hòa giải được chớ? Không ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về xe của người kia.
Phong Linh thở phào nhẹ nhõm vì vết xước của chiếc siêu xe ấy chắc phải trị giá cả ngàn đô, còn biển số xe máy của Phong Linh bị rớt ra sau cú va chạm chỉ mất vài chục ngàn đồng để gắn lại là cùng. Người ta không bắt đền cô là quá may mắn rồi! Cô vội vã nói lời chào và lái xe đi tiếp. Dòng người hiếu kỳ dừng lại xem quanh họ cũng giải tán nhanh chóng.
*
Phong Linh gạt chân chống ngay khi xe vừa dừng lại trong tầng hầm của tòa nhà nơi thầy giáo cô đang ở đó. Cô nhìn đồng hồ, chỉ còn chưa đầy năm phút nữa hội thảo sẽ bắt đầu. Cô chạy vội ra chỗ thang máy của tòa nhà. Nhìn thấy cả bốn chiếc thang máy đều đang đi lên mà tới tận tầng hai mấy, cô liền chọn giải pháp đi cầu thang bộ.
Tấn Khang cúp máy sau khi báo với ban tổ chức là anh đã đến nơi và đang đi lên. Anh thoáng thấy cô gái vừa bất chấp cơn mưa vẫn phóng xe đi rồi bị anh trong một giây bất cẩn đụng phải trên đường. Anh đang tiến lại phía cô thì cô đã vội vã chạy đi mà không chờ thang máy. Anh tò mò muốn biết cô gái kia sao lại trùng hợp mà xuất hiện ở nơi này. Ý nghĩ đó vừa hiện lên thì Khang bị giật mình khi nhìn thấy cô gái ấy suýt ngã vì trật chân trên đôi giày cao gót. Nhưng ngay lập tức, cô ngẩng lên vẫn cầm trên tay tài liệu rồi tiếp tục chạy lên tầng trên.
Cô lễ tân nở nụ cười tươi tắn chào đón Tấn Khang và mời anh vào vị trí đã được sắp xếp sẵn sau khi hỏi quý danh của anh. Tấn Khang nhìn xung quanh một lượt để tìm kiếm cô gái vừa rồi. Biết đâu anh sẽ tình cờ gặp lại cô một lần nữa. Anh thầm nghĩ như vậy mặc dù chẳng bao giờ anh tin vào duyên phận.
Ánh mắt anh dừng lại khi nhìn thấy Tiến sỹ Dessler. Anh tiến về phía ông và tỏ ra vui mừng:
- Hello, Mr. Garry Dessler. Do you remember me from Florida International University?
- Oh...I'm sorry. I don't remember you.
- I'm Khang. I sent you an email last week.
- Well, I taught you, right?
- Yes. You taught me about Human Resource Management at Florida International University. You're an excellent lecturer.
- Thanks. So, what do you do?
- I'm a CEO at Kim Khang Group.
...
Tiếng phát biểu ổn định vị trí để bắt đầu cuộc hội thảo vang lên. Vừa ngồi xuống ghế, Tấn Khang nhìn thấy cô gái ngày hôm nay đã xuất hiện trước anh không dưới một lần. Cô ôm tài liệu trước ngực, đưa mắt nhìn khắp khán phòng và trở nên bình tĩnh hơn lúc chạy khi nãy. Cô lễ tân chỉ cho cô gái về phía người đàn ông có mái tóc bạc trắng đang đứng dậy để nhìn thấy cô gái phía xa.
Phong Linh mừng rỡ khi nhìn thấy thầy giáo mình. Vừa đi cô vừa cúi người xuống vì thầy giáo cô ở hàng ghế đầu tiên. Cô nở nụ cười tươi rạng rỡ. Thầy cũng nhìn cô cười hiền từ như ngày nào. Đã gần hai năm trôi qua, thầy giáo cô già đi nhanh quá! Mắt thầy sâu hơn, da thầy nhăn nheo hơn, và tóc thầy cũng không thể bạc hơn được nữa.
- Ôi, em chào thầy! Tài liệu của thầy đây ạ! Thầy làm việc đi ạ. Hội thảo kết thúc em sẽ gọi cho thầy sau ạ.
- Phong Linh đến rồi à? Cảm ơn em!
Cô đặt tài liệu lên bàn và hai thầy trò chỉ kịp nắm tay nhau một cái thật chặt chưa đầy một giây vì người của ban tổ chức ra nhắc nhở cô.
Tấn Khang từ nãy tới giờ vẫn không rời mắt khỏi cô gái kia. "Chắc cô ấy là thư ký hoặc trợ lý của người đó!" – Anh thoáng nghĩ. Cô ấy lúc này đang lom khom đi nhanh xuống cuối khán phòng. Cô ấy có nụ cười thật rạng rỡ! Anh bỗng mỉm cười. Thật là một ngày thú vị khi gặp một kiểu thời tiết thú vị, dự một cuộc hội thảo thú vị và... nhìn thấy một cô gái hết lần này tới lần khác...như thể đã có duyên với cô ấy, từ rất lâu rồi vậy! Lâu lắm rồi anh mới thấy Sài Gòn có nhiều điều thú vị đến vậy!
*
Quán cà phê mang phong cách cổ điển giữa lòng thành phố. Lần đầu tiên Phong Linh tới quán này. Vào quán, Phong Linh phải leo lên những bậc cầu thang nhỏ khá cao, được décor với những chai lọ treo bên tường và cái màu xanh rất vintage. Nằm trên lầu 4 một chung cư cổ kiểu Pháp giữa lòng thành phố, xung quanh là những tòa nhà cao ốc hào nhoáng hiện đại, quán mang theo mình phần không gian nhỏ bé của một Sài Gòn xưa. Nơi đây lưu giữ khá nguyên vẹn kiến trúc của Pháp, cũ kỹ nhưng chính sự tinh tế trong cách bài trí không gian và trang thiết bị nội thất sắp đặt trong quán nên đã mang lại cho nơi đây một vẻ cổ điển, sang trọng và rất tinh tế.
Những ngày hội thảo và họp hành liên miên của thầy giáo cuối cùng cũng kết thúc, Phong Linh mới có cơ hội được gặp thầy trước khi thầy ra Hà Nội. Chỉ là không ngờ thầy lại hẹn gặp Phong Linh tại một quán cà phê đặc biệt như vậy. Cô ngồi chống cằm tại một góc quán, nhìn ra cửa sổ và chờ thầy tới.
- Thầy xin lỗi! Em đợi thầy lâu chưa? Thầy không ngờ Sài Gòn lại tắc đường còn đáng sợ hơn cả Hà Nội nữa. – Thầy vừa đi tới, vừa thở gấp vừa hối hả xin lỗi và giải thích khiến Linh bối rối vội vàng đứng dậy.
- Thầy tới rồi ạ! Không sao, không sao đâu thầy ạ. Ngồi quán này cảm giác rất tuyệt! Mà sao thầy biết quán này hay vậy ạ?
Thầy chưa kịp trả lời thì một cô gái trẻ đặt cuốn menu trên bàn với giọng lễ phép:
- Dạ thưa, chú và chị dùng gì ạ?
Hai thầy trò mải mê lựa đồ uống và cũng quên đi câu hỏi trước đó. Sau khi hỏi han và tâm sự chuyện cuộc sống, chuyện công việc và rất nhiều chuyện khác nữa; thầy giáo bỗng nhìn cô học trò cưng trìu mến:
- Vậy em có thực sự mong muốn trải nghiệm thực tế những học thuyết, những lý luận đã đọc trong sách vở không?
Linh chưa kịp cất tiếng trả lời thì thầy giáo tiếp tục:
- Em còn rất trẻ, nếu em dũng cảm thử thách bản thân thì sau này em sẽ không phải cất lên hai từ "giá như". Cuộc đời ngắn lắm, hãy làm những điều em mong muốn. Trong cuốn sách "Người thầy" của Frank McCourt mà em tặng thầy, ông ấy có viết: "người thầy không phải là một giám thị hà khắc luôn giảng dạy theo những giáo án đã được sửa soạn công phu, mà là người giải đáp tất cả những thắc mắc của người học, là người hướng dẫn và cố vấn dày dặn kinh nghiệm". Chắc em cũng rất muốn đi trải nghiệm để trở thành một người thầy như thế chứ?!
Trong lúc Phong Linh còn đang mải mê gật gù tâm đắc và suy nghĩ về những lời thầy giáo nói thì thầy đã đưa ra gợi ý luôn dành cho cô học trò.
- Thầy thấy ở Sài Gòn thì Tập đoàn Kim Khang được đấy. Dạo này thầy đi dự nhiều hội thảo mới biết được tập đoàn này không chỉ kinh doanh rất thành công mà làm nhân sự cũng được lắm, rất biết cách thu hút nhân tài. Em thử tìm hiểu và thử sức ở đó xem. Chắc sẽ có rất nhiều cơ hội dành cho em.
Nói rồi, thầy cầm tách cà phê lên nhấp một ngụm.
Phong Linh mỉm cười nhìn thầy và mạnh dạn nói:
- Vâng ạ. Em sẽ thử. Cũng sắp nghỉ hè rồi, em chỉ phải hướng dẫn khóa luận cho một vài sinh viên năm cuối thôi nên sẽ có nhiều thời gian hơn thầy ạ.
Hai thầy trò hào hứng khi nói về lý tưởng ấy. Khi gặp được người cùng chung lý tưởng, ủng hộ lý tưởng của mình hết lòng thì con người ta sẽ có thêm một nguồn động lực mạnh mẽ để thực hiện lý tưởng đó.
*
Tối nay, Phong Linh đến thăm ba nuôi của cô. Đã khá lâu rồi cô không đến thăm ba, một phần vì ba cô rất bận rộn, một phần vì cô có nhiều niềm vui khác theo đuổi ở bên ngoài. Ở giữa Sài Gòn náo nhiệt, vẫn có một nơi để cho cô trở về, đó là nơi cô đang ngồi đây, nhà của ba nuôi cô, cũng là hiệu trưởng trường cô đang làm việc.
Căn nhà hai tầng xây theo kiểu biệt thự, phía trước có một khu vườn nho nhỏ, trong nhà còn có bể cá khiến mỗi người tới đây đều hiểu được chủ nhân của nó yêu thiên nhiên đến thế nào. Mỗi lần tới đây Linh đều cảm thấy thoải mái như được trở về nhà mình thật sự vậy.
Hai ba con Phong Linh đã ăn xong bữa tối, đang ngồi uống nước và ăn hoa quả trên bộ bàn ghế sô pha đã không còn mới nhưng trông vẫn đẹp và tinh tế.
- Con vừa nói gì vậy? Con xin việc ở Kim Khang???
Ba nuôi Phong Linh giật mình đến mức suýt chút nữa là đánh rớt ly nước trên tay. Ông không giấu nổi sự lo lắng hỏi lại bằng giọng hơi lạ: "Con xin việc ở Kim Khang sao???"
- Dạ đúng rồi ba. – Phong Linh đang gọt táo bỗng dừng lại ngước lên nhìn sự phản ứng bất ngờ của ba nuôi cô.
- Con thiếu tiền sao? Ở trường có chuyện gì sao? Sao con không nói với ba?! Ba có thể giúp con mà!!! – Vẫn là giọng nói lo lắng của người ba nuôi.
- Không, không, ba! Ba bình tĩnh nghe con nói đã....
Phong Linh bỏ quả táo đang gọt dở xuống đĩa và hào hứng nói về dự định, lý tưởng của mình cho ba cô. Khi đã bình tĩnh hơn, ông bắt đầu từ tốn phân tích với cô con gái:
- Con phải suy nghĩ cho kỹ nha. Thứ nhất, về sức khỏe, liệu con có sức để làm hai công việc một lúc không? Thứ hai, về thời gian, liệu con có thu xếp được thời gian giữa ở trường và ở doanh nghiệp để không bị trùng nhau hay không? Còn nữa, dự định trở thành nghiên cứu sinh của con thì thế nào? Con không định thực hiện nữa sao?
- Con cũng đã nghĩ tới những điều đó rồi ba. Về vấn đề thứ nhất và thứ hai, hiện nay con sắp bước vào kỳ nghỉ hè, chỉ phải hướng dẫn một vài sinh viên năm cuối hoàn thành khóa luận tốt nghiệp và không phải lên giảng đường nên gần như là con chỉ làm một công việc đó là ở doanh nghiệp trong thời gian tới. Và trong quá trình trải nghiệm thực tế con sẽ tìm được đâu là đề tài thực tiễn nhất để chọn ra đề tài nghiên cứu.
- Vậy sau khi hết kỳ nghỉ hè thì sao? Con sẽ rất vất vả đó.
- Ba... con mới nộp hồ sơ ứng tuyển, vẫn còn chưa biết có qua vòng hồ sơ để vào vòng thi viết rồi qua thi viết để vào phòng phỏng vấn không nữa. Tóm lại là, con còn chưa biết có đậu không để mà lo lắng tới chuyện sau đó vài tháng. Con chỉ lo con thi rớt thì thầy giáo con sẽ buồn lắm, chắc ba cũng thất vọng về con lắm, Lâm cũng sẽ cười vô mặt con mất, và con cũng sợ con nhụt chí mất...- Phong Linh từ lo lắng bỗng mím môi, hít thật sâu nhìn ba cô. – Vậy nên, con sẽ cố gắng hết mình và ba sẽ cổ vũ cho con nha!
Ba cô suy nghĩ hồi lâu, rồi trước sự chờ đợi ý kiến từ mình của cô con gái, ông lặng lẽ đáp:
- Nếu con có lòng quyết tâm như vậy thì ba sẽ ủng hộ con gái của ba!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com