Chương 1: Chuột cống thì sống ở đâu?
Trời cứ thế đã bắt đầu vào đông, không cần quan tâm liệu người ta đã kịp ra ngoài mang theo áo khoác giữ ấm hay chưa. Cái mùa kinh khủng khiếp nhất trong bốn mùa: lạnh gây cho lũ văng vật đầu đường xó chợ cảm giác muốn chết nhưng lại không tài nào chết được. Từ một bãi rác tanh tưởi và bẩn thỉu, Tống Hưởng Tuấn co quắp trong xó tối nhớp nháp đang gặm nhấm nốt miếng bánh mì mốc như cách nó gặm nhấm sự cô đơn ngày qua ngày. Đây là thứ đầu tiên ăn được sau hơn một ngày lân la bới móc đống rác hôi thối của trung tâm thành phố và đi ngửa tay xin dạo. Người lớn đi ngang qua thấy vậy cũng chẳng thèm thương hại, mặc xác cơ thể gầy yếu run run ngồi bệt trên nền đất lạnh, bàn tay khe khẽ mở từng bọc túi ni lông hôi thối với hi vọng tìm thấy thứ gì đó có thể ăn được mà không làm cho nó bệnh hơn.
"Coong."
Một người đi qua tiện tay thả lon nước ngọt xuống đất, đổ tung tóe cũng chẳng buồn ngoái đầu lại nhặt bỏ vào thùng rác. Tống Hưởng Tuấn mừng quýnh lên, chạy tới chỗ nước đổ lênh láng, vơ vội lấy lon nước còn sót lại một ít như thể con hổ đói sợ bị người ta cướp lấy mồi. Nó rít bằng hết, dốc cho đến khi lon nước chẳng thể chảy ra thêm một giọt nào nữa sau năm phút đồng hồ dốc ngược. Tống Hưởng Tuấn phủi chân, thắt lại đôi giày rách, chuẩn bị đi tiếp. Nó sống như một con sâu mọt trong đáy xã hội một cách dửng dưng và hiển nhiên.
Chẳng tự dưng mà nó nghèo. Chẳng tự dưng mà nó phải lang thang lếch thếch đi khắp mọi nơi bới thùng rác, thậm chí lúc túng quá còn phải đi xin xỏ đồ thừa, đồ bỏ đi của những nhà hàng con con, hết nơi này đến nơi khác. Không biết đêm rét lạnh như thế nó ở đâu được, làm gì được. Người ta chỉ biết chiều hôm qua đang thấy nó vội vàng tọng vào miệng một chiếc bánh bông lan vừa ăn cắp được ở cửa hàng thành phố A, sáng hôm sau đã thấy nó đang ngửa tay xin mấy đồng bạc của những bà lão bán hàng ăn sáng nhẹ dạ cả tin ở thành phố B rồi. Lúc đầu nó cũng cắn rứt lương tâm lắm, nhưng cái đói, cái nghèo và cái khát vọng được sinh tồn để quay trở về báo thù cái nhà ấy lại cao hơn cả lương tâm của nó, nên thành ra cũng quen, dần dà nó cũng chẳng nghĩ đến xem ăn trộm như vậy là tốt hay xấu. Nó chỉ biết nó đói, nó nghèo, và nó cần phải được đáp ứng nhu cầu thiết yếu ấy mà thôi.
Người ta thả nó ra ngoài đại dương toàn cá dữ khi nó mới chỉ là một con cá non, bắt nó sải cánh bay hàng ngàn dặm trong khi nó mới chỉ biết vụng về khép mở cánh. Nó không xấu, cũng đã từng không tệ. Cuộc đời làm nó xấu, nó tệ như thế, và nó chấp nhận cái điều ấy hiển nhiên như việc nó hay nhận được mấy cái chổi vào đầu từ con mụ bán hàng thịt mỗi khi nó vất vưởng quanh gian hàng của mụ làm mụ không bán được hàng. Thật ra cũng chẳng phải tại nó trông rách rưới, mụ vốn lúc nào chả ế, chẳng qua mụ cứ mượn cớ đánh nó cho thỏa tay. Trẻ con mà, mụ cứ đánh thế nào chả được, nó có cãi bằng trời thì mụ cũng không sợ.
Nếm mùi đời đến ngán cả rồi, con người nó cũng trở nên cằn cỗi. Tống Hưởng Tuấn ăn nói cục cằn và thiếu lễ phép, từ một đứa trẻ bình thường và đàng hoàng biến thành đứa đầu đường xó chợ ăn nói hỗn hào vô học trong câu dọa nạt của người lớn với con cái của họ từ bao giờ chẳng biết.
Con không được ăn nói như một đứa đầu đường xó chợ như vậy.
Sống chưa lâu, hưởng thụ việc được chăm sóc cũng chưa được bao nhiêu, vậy mà những mặt xấu xa và thối nát của xã hội nó đều đã từng giáp mặt gần đến mức không thể gần hơn rồi. Nó đã vô tâm đến mức chẳng buồn quan tâm xem hành động của mình có đạo đức hay là không.
Nó chỉ cần biết bây giờ nó lại đói và trong túi nó thì không có một xu nào.
Hồi nãy nó vừa ăn bánh mì. Một mẩu dài bằng gang tay, mốc xanh mốc đỏ, một người chủ cửa hàng bánh khinh miệt vứt cho nó vào trúng thùng rác sau một hồi giằng co qua lại. Nó tự thán, phải kì sầu lắm nó mới chưa chết sau khi đã ngốn hết đống đó vào miệng. Ngon thì không ngon, đồ mốc thì có bao giờ bổ béo gì, nhưng nó sống được chính là nhờ những miếng không ngon không bổ ấy. Miếng đẹp làm ngon mắt, miếng ngọt làm ngon bụng, miếng đắng lúc đói thì lại ngon lòng.
Chậc, cốt sao để nó không gục ở đây là được.
Trước đây nó không ăn nhiều như bây giờ. Mười sáu, mười bảy tuổi, người ta đuổi nó đi vào khoảng thời gian nó cần ăn cần ngủ hơn bao giờ hết. Nhiều đêm bụng đói cồn cào, đếm đi đếm lại từng đồng bạc lẻ trên tay, Tống Hưởng Tuấn lại thầm nuốt nước bọt. Nếu như nó ăn đêm, vậy thì sáng hôm sau nó sẽ chẳng còn tiền để ăn nữa. Mà hỡi ôi, những ngày tháng như thế này còn dông và dài, nó không biết tự kiềm lòng thì phải dựa vào đâu mà sống đây?
Giờ thì nó biết nó không nhịn nổi nữa rồi. Đôi bàn chân Tống Hưởng Tuấn, cả cặp giò cũng đều không ngừng run rẩy. Không thể đứng vững nữa, nó chống tay vào tường, khuỵu đầu gối xuống, miệng thở dốc. Đôi mắt nó mờ đi, mồ hôi cứ thế toát ra như nước, ướt cả hai bên tóc mai. Chưa bao giờ nó cảm thấy tệ như thế. Một tay chống vào tường, một tay nó tự vỗ ngực, những tiếng ho xé phổi nối nhau liên tục. Bụng nó đau quặn lên, réo òng ọc, không biết là do khúc bánh mì mốc lúc sáng nó ăn, hay là do nó đã quá đói.
Nhưng Tống Hưởng Tuấn mong rằng cái ngày tàn của cuộc đời mình đừng chóng đến nơi như thế. Nó đã cố gắng để được sống, cố gắng để sinh tồn, cố gắng để tìm thấy một cơ hội kiếm ra tiền, xây dựng cái tương lai tốt đẹp hơn cho đám người đã từng đuổi nó đi một phe sáng mắt. Những ước mơ của nó còn dang dở, những hộp màu, hộp sơn trên kệ bày ở cửa hàng vẫn luôn là niềm khát khao vô bờ của nó. Đôi chân và đôi vai run cầm cập, nhưng đôi mắt nó vẫn mở căng ra nhìn mặt đất trơn bẩn, một cách tức giận và căm thù.
Chả hiểu nó tức giận bản thân nó hay là ai.
Chỉ biết rằng chớp mắt một cái, Tống Hưởng Tuấn đã hoàn toàn nằm xuống, mắt nhắm nghiền, mặt mày xanh lét. Đến cả mặt đất cũng phải khó khăn lắm mới dỏng tai lên để nghe được nhịp đập càng ngày càng nhẹ dần trong lồng ngực nó và hơi thở đang ngày một yếu đi.
Nó được cứu và nhận nuôi vào một ngày xấu trời như thế.
Dù gì thì, hiện tại mọi thứ đối với nó xem ra cũng không tệ. Tuy rằng nó không được đi học, không được nhập bọn chơi bóng với tụi thiếu gia như hồi xưa, nhưng điều đó chẳng làm nó nản chí. Tống Hưởng Tuấn ban ngày vào bếp làm bánh bao, tối trời lại ngồi trông quán ăn đêm, thời gian rảnh rỗi có thể đạp xe ra phố tìm đồ nghề vẽ vời. Bố mẹ nuôi nó cũng chẳng yêu cầu gì nhiều, nó đối với họ cũng vậy. Người dưng mà, tình cảm cũng chẳng được gì là mặn nồng quá, nhưng Tống Hưởng Tuấn vẫn cảm thấy hài lòng về bố mẹ nuôi của mình.
Nó đã từng hỏi, tại sao hai người đến cả kinh tế của gia đình còn đang chật vật khó mà kham nổi chỉ bằng mấy hàng ăn xiêu vẹo này lại có thể đưa nó về và nhận nuôi nó dễ dàng như thế. Nó quách thèm tin vào sự nhân hậu và thương hại của con người, và dường như những câu chuyện cổ tích đã xa thế giới quan của chàng trai mười bảy quá rồi. Bố mẹ nuôi nó chỉ lắc đầu, trả lời qua quýt rằng.
Khi mày đủ lớn, cha mẹ sẽ tự nói cho mày biết.
Người khác nhìn vào sẽ cảm thấy như nó đang bị lợi dụng, hoặc còn hơn thế nữa, và đương nhiên chính bản thân nó cũng nhìn thấy được điều này. Nhưng nó thây kệ. Cái đói nghèo, rét mướt và sự ghẻ lạnh hắt hủi còn chưa quật chết nổi nó, thì những thứ khác có là hề gì. Nó không sợ điều gì cả. Tống Hưởng Tuấn chỉ cần biết rằng nó có nhà để về, có cha mẹ để gọi, có công việc chính đáng và cuộc sống hiện tại của nó không còn quá khó khăn như những ngày tháng tăm tối trước đây nữa.
Thế là đủ.
Chỉ thế và thế thôi.
Những người bạn cũ không nhận ra nó. Bặt đi mấy tháng Song Hyeongjun đã thay đổi quá nhiều. Mái tóc xoăn đã dài chờm cả mắt không thèm đi cắt, làn da vẫn còn trắng nhưng chi chít đâu những vết xước, vết sẹo và bản tính hào sảng hay nói hay cười cũng chẳng còn nữa. Điều kì lạ là sau nhiều bận bị bỏ đói, lăn lộn hết xó này đến xó khác trong tình trạng chẳng khấm khá gì, Tống Hưởng Tuấn phát hiện mình phải cao lên cả thước. Gầy đi nữa.
Nó không bất ngờ lắm khi nhìn thấy bản thân trong gương. Tuấn chép miệng. Cái gì cũng phải thay đổi thôi.
Tống Hưởng Tuấn cũng không buồn liên lạc với Cửu Chính Mô, cái người mà nó tưởng rằng ngay khi nó có thể, nó sẽ gọi cho anh ta một cuộc để anh ta biết nó đang ở đâu, rằng cho anh ta biết được nó từng phải sống một cuộc sống tồi tệ đến mức có thể đã chết rồi nhưng thật may phước là nó vẫn chưa chết. Cửu Chính Mô có lo cho nó hay không, có đi tìm nó hay không, hay là cũng tưởng rằng nó đã chết ở xó ất ơ nào đấy giống như thiên hạ vẫn đồn thổi như vậy.
Nó thầm nghĩ, thôi thì cứ để người ta nghĩ rằng nó đã chết rồi. Như thế, có khi lại hay hơn. Nó vẫn sẽ là Tống Hưởng Tuấn, nhưng mà là thằng Tống Hưởng Tuấn nào đó khác hoàn toàn so với thằng công tử bột mà nó vẫn quen thuộc.
"Cho một đĩa chân gà, hai chai bia với!"
"Vâng, có ngay."
Tống Hưởng Tuấn lau bàn tay ướt vào khăn, nhanh nhẹn đeo đôi găng tay chạy vào bếp, chuẩn bị tiếp đón hai "thực khách" đầu tiên của tối hôm nay.
Thường thì ít ai đến muộn như vậy. Tầm này mọi ngày nếu không còn ai thì dẹp quán là vừa rồi, nhưng dân buôn bán mà, khách hàng đến giờ nào thì mình tiếp giờ đấy thôi.
"Của hai anh." Tống Hưởng Tuấn giở lại cái giọng ngoan ngoãn được dạy từ thời tấm bé, tay vừa bưng đĩa chân gà thì miệng cũng thuận tiện mà lấy lòng khách.
"Ý. Trông nó giống thằng Tống thật đấy." Người bên phải, bây giờ mới cởi áo khoác để lộ ra bộ đồng phục nam sinh và bảng lớp trên ngực trái, ngẩng đầu ngước nhìn nó.
Tống Hưởng Tuấn không giật mình, chỉ vội lủi đi, cúi đầu để mái tóc dài che đi đôi mắt. Sợ cái gì, trên thế gian này có biết bao nhiêu người giống nhau như thế, không việc gì phải chột dạ cả.
"Tưởng nó chết rồi? Bọn lớp bên bảo nó bị quẳng ra sông, đáng đời lắm. Trước bạn gái tao bỏ tao để theo nó đấy." Người đối diện chép miệng, tuôn một tràng dài, kèm đằng sau là thêm mấy tiếng chửi rủa.
"Dì kế nó khai báo với nhà trường là nó gặp tai nạn, ngã xuống cống, không qua khỏi. Tao cũng không tin lắm, nhưng mà nghe thấy hả dạ."
"Thụt chân xuống cống á? Hahaha."
Tống Hưởng Tuấn núp sau cánh cửa sắt vẫn nghe thấy tiếng cười khoái chí của tên nọ, bàn tay đã nắm thành nắm đấm. À, thế ra mẹ kế nó đã nhanh chóng bịa ra một lí do hoàn hảo đến thế, thảo nào người ta không muốn tin vào sự hiện diện của nó nữa. Tống Hưởng Tuấn thản nhiên, một người phụ nữ thâm độc và hiểm ác ấy, cuối cùng cũng vẫn lộ rõ cái bản tính ngu muội trong việc che lấp những kế hoạch dơ bẩn của chính mình.
Mong rằng, người đó sẽ đến. Không phải ai cũng sẽ tin vào lời bao biện đầy lỗ hổng này như bọn não ngắn đang ngồi ngoài kia.
"Tao tưởng chỉ có chuột cống mới ở dưới cống chứ. Ai ngờ còn có cả Tống Hưởng Tuấn, haha."
"Phải rồi, chết dưới cống. Nó cũng chỉ là một con chuột cống mà thôi. Bây giờ con chuột cống ấy cũng chết rồi, sẽ không một ai đe doạ đến hạng nhất và hạng nhì của tao với mày nữa."
Bọn dơ bẩn. Giáo dục Trung Quốc, cao trung C có bị mù mới cho loại nhân phẩm thấp như chúng mày đứng đầu bảng vàng.
Tống Hưởng Tuấn khẽ chửi thầm một câu. Mẹ nó.
Đêm hôm ấy, Tống Hưởng Tuấn dẹp tiệm rất khuya. Về nhà, mẹ nuôi có hỏi, chỉ dám trả lời, đang dẹp tiệm lại có khách qua ăn đêm, không dám không tiếp. Bố nuôi gật đầu khen chăm chỉ, còn thưởng cho một cái bánh bao nóng. Tống Hưởng Tuấn nhận lấy chiếc bánh bao nóng hổi to bằng lòng bàn tay, bỗng dưng lại có cảm giác không muốn ăn.
Thì ra đối với người khác, nó lại là đứa chướng tai gai mắt đến thế. Thì ra cái chết của nó có thể trở thành chủ đề bàn tán trêu đùa một cách vô tổ chức như vậy. Thì ra sau khi không còn được sống trong nhà giàu sang, vầng hào quang ảo tưởng của chính mình cũng đã cạn thấp đến mức trong mắt người khác, nó đã sớm trở thành thằng phụ quán ăn. Tống Hưởng Tuấn nuốt không trôi miếng bánh, bèn đem cất đi.
Ngồi vào bàn cạnh cửa sổ, mở đèn lên. Sách vở bày la liệt, Tống Hưởng Tuấn hôm nay lại không có tâm trạng để động vào. Lôi ra từ dưới chân tủ và trong ba lô ra một cuốn sổ vẽ còn mới và chiếc bút chì than đã gọt ngắn chỉ còn một đốt ngón tay, Tống Hưởng Tuấn bắt đầu vẽ.
Một nét, hai nét. Ba nét đan chéo vào nhau. Rồi năm, sáu nét nữa.
Đêm nay Tống Hưởng Tuấn vẽ về tri kỉ của mình.
Tống Hưởng Tuấn vẽ Nam Đạo Hiền, hoạ một nét cười trên khoé môi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com