Trăng treo tháp núi (4)
Dương Uyển một mực đứng ngoài cửa nghe hai người đối thoại.
Đặng Anh đã giảng đến thiên "Nhân trắc" trong quyển thứ năm thuộc "Trinh Quán chính yếu", kể về hai chuyện Đường Thái Tông không kị sinh nhật, ai điếu đô đốc Tương Châu Trương Công Cẩn vào năm Trinh Quán thứ bảy, và Đường Thái Tông hạ chiếu binh lính ốm bệnh vào năm Trinh Quán thứ mười lăm. Dịch Lang yên lặng lắng nghe chàng, thi thoảng nêu câu hỏi.
Lúc Đặng Anh ra khỏi thư phòng, màn trời đã xâm xẩm, Thừa Càn Cung sáng choang đèn đóm.
Dương Uyển đứng dưới thềm chờ chàng, khoanh tay cười với chàng, "Chàng lợi hại thật đó."
Bước chân Đặng Anh vẫn hơi không vững, lúc xuống bậc không thể không đỡ cột trụ mái hiên. Dương Uyển vươn tay cho Đặng Anh mượn lực, thay chàng nhìn bậc thang dưới chân, nhẹ giọng nói tiếp, "Em hổ thẹn không bằng."
Đặng Anh cúi đầu nhìn Dương Uyển, cười, "Nghe nói nàng muốn mua Thanh Ba Quán."
"Đàm Văn Đức nói với chàng à?"
"Ừ, sao phải mua?"
Dương Uyển ngẩng đầu, "Bởi đó là tiếng nói của Đại Minh, tuy nó cứng quá dễ gãy nhưng em thích vô cùng."
Tiếng nói của Đại Minh.
Đây là lần đầu tiên Đặng Anh nghe thấy có người dùng hai chữ "tiếng nói" để hình dung văn chương lưu hành trong thiên hạ, sinh động khôn tả, song cũng quá chuẩn xác, khiến người ta có ngay cảm giác hình tượng, đâm lại gợi ra sự tàn nhẫn.
"Mua rồi còn cần kinh doanh, có đủ tiền không?"
"Không đủ hỏi xin chàng cũng vô dụng." Cô nói, kéo cánh tay Đặng Anh, "Tiền là của tỷ tỷ và Dịch Lang, em mượn dùng tạm, ngày sau sẽ trả. Chàng làm xưởng đốc Đông xưởng nhớ giúp em che chở nó nhé, để nó kiếm tiền cho em."
Đặng Anh cười gật đầu, đáp một tiếng "Được".
Hai người đi trên đường cung, Đặng Anh trọng thương mới khỏi, mỗi bước đi đều có phần cố sức.
Dương Uyển vừa đi vừa ngẩng đầu ngắm trăng, chợt nói: "Cuối tháng này, chàng dẫn em xuất cung đi."
Đặng Anh hỏi lại: "Nàng muốn đi đâu?"
"Muốn dẫn chàng về nhà ăn cơm."
Đặng Anh đứng lại, ngập ngừng lưỡng lự.
Dương Uyển quay đầu, "Chàng sợ Dương Tử Hề à?"
"Phải." Đặng Anh thuận theo ánh mắt Dương Uyển, nhìn lên tường cung, "Có lẽ không bao lâu nữa, ngài ấy sẽ đích thân thẩm vấn tôi."
"Vì sao?"
"Sang năm Hàng Châu phải tiến hành tân chính thuế khóa, Hộ bộ đã bắt đầu thanh toán học điền còn lại ở Hàng Châu rồi."
Dương Uyển bóp ngón tay, "Chàng định ứng đối thế nào?"
Đặng Anh lắc đầu, "Một khi Trừ Sơn Thư Viện và Hồ Đàm Thư Viện bị tra, Ti lễ giám sẽ bảo hộ tôi."
Dương Uyển nghe vậy lại cau mày, ngay sau đó xoay người nhìn Đặng Anh, "Nếu Ti lễ giám muốn bảo hộ chàng, vậy ngược hặc tội chàng sẽ thế nào?"
Đặng Anh trầm mặc.
Dương Uyển nhìn Đặng Anh đăm đăm, nửa hỏi nửa đáp: "Chàng muốn bảo vệ họ?"
Đặng Anh giơ tay xoa má Dương Uyển, "Uyển Uyển, chờ vết thương của tôi tốt hơn, đủ tốt để có thể ngồi lâu, tôi sẽ về nhà ăn cơm cùng nàng."
Dương Uyển cúi đầu, da mặt vuốt ve trong lòng bàn tay Đặng Anh.
"Chàng còn đau lắm à?"
Đặng Anh vuốt khóe mắt Dương Uyển, lắc đầu, "Đóng vảy lâu rồi, thuốc nàng cho tôi đều rất tốt."
Đóng vảy rồi tróc vảy, sau đó thì tiêu sưng, trận thương bệnh này của Đặng Anh kéo dài đến mùa đông năm Trinh Ninh thứ mười ba.
Trong khoảng thời gian ấy, Dịch Lang đồng ý giữ Đặng Anh lại thư phòng của mình, đôi khi cũng cho phép Đặng Anh đứng không vững ngồi một lúc trước mặt cậu.
Kể từ đầu tháng Chạp, Hàn lâm viện đề cử một vị lão hàn lâm tên Uông Lâm Giang đảm nhiệm chức vụ thầy dạy hoàng tử, bắt đầu dẫn dắt Dịch Lang đi sâu vào "Trinh Quán chính yếu". Dịch Lang nghe giảng xong về thường có thói quen ôn bài cùng Đặng Anh.
Lúc có mặt Đặng Anh, Dương Uyển rất ít tiến vào, dù vào cũng chỉ để đưa chút đồ ăn thức uống cho hai người.
Có một bận, cô nấu mì cho hai người họ, Đặng Anh không thể ăn trước mặt Dịch Lang, bèn bưng mì ngồi dưới hiên ăn. Chàng cẩn thận xắn ống tay áo để không nhúng phải nước dùng, để lộ một đoạn cánh tay trong giá rét, chậm rãi mà chăm chú ăn từng miếng.
Thỉnh thoảng, Dịch Lang trong thư phòng sẽ ngẩng đầu xem Đặng Anh, song không nói gì.
Dương Uyển một mình đứng dưới cửa sổ, nhìn hai người họ tự mình trầm mặc ăn mì trước mặt cô, tuy dưới song lạnh nhưng trong lòng lại có phần ấm áp.
Tính thuần như tuyết, xa chẳng thấy hương, Đặng Anh là một người cần phải gần gũi mới có thể nhìn rõ chân tâm.
Dương Uyển thấy được ở chàng vẻ đẹp tàn khuyết như vạn vật hiến tế, cực kì giống cốt lõi của cái đẹp tang thương.
Ngày đông cuộn rèm, trước mắt ngập trong tuyết lớn, chẳng bao lâu sau sẽ hóa thành vũng bùn, nhưng vẫn chẳng ảnh hưởng đến việc nó đang hao kiệt bản thân, hiến dâng tinh khiết cho mặt đất trước mắt. Chàng chẳng bay hương đi xa được, không để ai biết trong đêm đen, chỉ khi châm đèn cuốn rèm mới có thể tình cờ hạnh ngộ.
Vạn vật nhũn nhặn ngây thơ, thế nên Jutarō Terauchi1 mới nói: "Thật có lỗi khi tôi sinh ra là một con người."
1 Một nhà thơ người Nhật Bản, sống vào thế kỉ 20.
Dương Uyển viết câu này vào bút kí.
Ngày đó, Dịch Lang ban thưởng cho Đặng Anh một bộ y phục mùa đông.
Gấm lĩnh màu xanh nhạt lót nhung thú, Dương Uyển nhớ đó là tấm áo bào duy nhất màu sáng của Đặng Anh.
Đặng Anh bận tấm áo đông ấy, dẫn Dương Uyển xuất cung.
Hôm đó là hai mươi tư tháng Chạp, dân gian cúng Táo quân, thế gia vọng tộc các nơi đều treo túi đỏ tiếp phúc, dùng để nhận "phi thiếp".1
1 Một tập tục bắt nguồn từ thời Tống, các nhà thường treo trước cổng một túi giấy màu đỏ viết hai chữ Tiếp Phúc ở mặt ngoài, dùng để nhận thiếp chúc mừng năm mới (phi thiếp).
Trước cổng chùa Quảng Tề dựng đèn ngao sơn1, cao mười hai trượng, bên trên treo hơn trăm ngọn đèn màu vàng ngọc. Dương Uyển vừa đi vừa ngẩng đầu ngắm khung đèn đã dựng được già nửa kia, "Em từng xem dựng đèn ngao sơn trong cung rồi, cái cao nhất còn cao hơn cái này nữa."
1 Loại đèn lồng chùm thường được dựng vào tết Nguyên Tiêu thời xưa ở Trung Quốc.
Đặng Anh gật đầu, "Năm nay trong cung dựng tất thảy tám đèn, đèn lớn nhất nàng thấy ở là Thái Hòa Điện, do mấy quan viên Hàng Châu đưa tới. Đèn trước cổng chùa Quảng Tề cũng là của nội đình làm, đốt liền tám ngày tính từ giao thừa, cho bách tính thưởng ngoạn."
Dương Uyển cúi đầu lẩm bẩm: "Một chiếc đèn ngao sơn đáng giá nghìn vàng cơ đấy."
Đang nói thì nghe thấy tiếng Dương Luân vọng từ dưới đèn ngao sơn: "'Tuyên Hòa thải sơn, dữ dân đồng lạc'1, Lễ bộ cũng giỏi nghĩ thật đấy, đường quan Hộ bộ cả năm mắc nợ, đến ta còn hận không thể quỳ dưới cửa nha môn, thử hỏi ai mà đồng lạc cho được."
1 Câu này phỏng theo ghi chép "Tuyên Hòa di tích" thời Tống: Năm Tuyên Hòa thứ sáu, [đèn] ngao sơn trước đại nội bắt đầu dựng từ đông chí, cao mười sáu trượng, rộng ba trăm sáu mươi lăm bộ; hai cây ngao trụ trung tâm cao hai mươi tư trượng, trên đặt rồng vàng, trong miệng rồng châm một ngọn đèn; ở giữa treo một biển lớn, viết tám chữ vàng: "Tuyên Hòa thải sơn dữ dân đồng lạc (dịch nghĩa: ngao sơn màu sắc nơi Tuyên Hòa cùng chung vui với dân chúng)". Tối mười bốn tháng Giêng hạ thánh chỉ: "Tuyên vạn tính!", tức thì bách tính trăm vạn ở đô thành ùn ùn như mây kéo đến dưới ngao sơn. Tống Huy Tông ban thưởng rượu ngon, bách tính mỗi người một chén, quả thực là "dữ dân đồng lạc".
Tiêu Văn đứng sau lưng y vội kéo cánh tay y: "Câu này thiếp nghe còn thấy hết hồn nữa. Bệ hạ muốn chung vui cùng dân chúng nên dựng đèn ngao sơn, chúng ta theo xem là được. Hôm nay Tinh Nhi vừa ra ngục, Uyển Nhi cũng sắp về, thiếp biết chàng làm việc ở Hộ bộ, thấy cảnh tượng phô trương như vậy trong lòng không xuôi, nhưng dẫu tức giận thế nào thì chung quy hôm nay vẫn phải nhịn. Mùa thu, Uyển Nhi bị thương nặng như vậy trong chiếu ngục, chàng ở Hàng Châu, mà chúng thiếp thì không hỏi thăm được câu nào, chàng thấy áy náy, trong lòng thiếp thì lại chẳng. Thiếp mặc kệ, hôm nay diễn kịch thế nào cũng phải thưởng tiền, thiếp phải cho Uyển Nhi được ở nhà vui vẻ một ngày."
Nhắc tới Dương Uyển, Dương Luân mới đổi sắc mặt, "Nó nói bao giờ thì tới?"
Tiêu Văn đáp: "Bảo là trước giờ Thìn... Ơ?"
Chưa nói hết, nàng đã trông thấy Dương Uyển trên phố, vội nhấc váy chạy tới đón cùng nha hoàn, đi đến trước mặt thì gặp Đặng Anh đứng cạnh Dương Uyển, vội nhún người toan hành phụ lễ với Đặng Anh, Dương Luân theo qua đỡ lấy Tiêu Văn, "Nàng là người có cáo mệnh."
Tiêu Văn hơi khó xử.
Đặng Anh lui ra sau một bước, khom lưng xá Dương Luân, "Dương đại nhân." Rồi lại quay sang đáp lễ Tiêu Văn, "Đặng Anh bái kiến phu nhân."
Dương Uyển thấy chàng hành lễ cũng bèn theo chàng vái chào Dương Luân và Tiêu Văn.
Tiêu Văn vội đỡ Dương Uyển dậy, "Không phải hẹn giờ Thìn à? Sao tới sớm vậy?"
Dương Uyển nói: "Hôm nay trong cung cúng táo quân, tiểu điện hạ không phải đi nghe giảng, sáng sớm đã được trung cung đón đi ăn kẹo ông táo1 rồi ạ. Dù sao em cũng rảnh rỗi, bèn xin Đặng Anh dẫn em ra ngoài sớm."
1 Một loại kẹo truyền thống của người Trung Quốc, làm bằng đường mạch nha, thường được ăn vào ngày cúng táo quân.
Tiêu Văn dắt Dương Uyển không chịu buông tay, "Ta không được gặp em đã gần hai năm rồi, kể từ khi nương nương nhà chúng ta không khỏe, lão thái thái khóc ốm cả người, bây giờ thần trí không tỉnh táo, ngày nào cũng gọi tên em và nương nương, bọn ta nói với mẹ không thể gọi tên của nương nương, thế là về sao mẹ chỉ gọi đi gọi lại tên em, ngày này qua ngày khác hỏi ta em đã qua cửa nhà họ Trương chưa..."
Dương Luân ho một tiếng.
Tiêu Văn hối hận mình lỡ lời, "Ôi chao, ta hồ đồ quá, nói cũng chẳng biết lựa lời."
Dương Uyển cầm tay Tiêu Văn cười, "Em ở trong cung rất ổn ạ."
"Ổn thì tốt." Tiêu Văn lau khóe mắt, "Bên ngoài lạnh lắm, chúng ta vào thôi."
Dương Uyển ứng tiếng, ngoái lại nhìn Đặng Anh, "Đi thôi."
Đặng Anh cười gật đầu với Dương Uyển nhưng không lại gần cô mà tụt hậu mấy bước, cùng Dương Luân theo sau tì nữ đi vào cổng phủ.
Dương Luân chắp tay sau lưng hỏi Đặng Anh, "Ta hỏi ngươi một chuyện."
"Vâng."
Dương Luân ho một tiếng, "Hôm qua Hình bộ sang Bắc trấn phủ ti đưa tập, Nội các đã xem cùng, tội danh của Trương Tông dự định là tư giao nội đình. Vì sao lại đột nhiên dự định ra một cái tội như vậy?"
Đặng Anh hỏi lại, "Sao ngài lại hỏi tôi?"
Dương Luân dừng chân, "Nội các chỉ có mình ông ta không tán thành tiến hành tân chính, hiện giờ ông ta đột ngột vào ngục, ngươi bảo ta phải nghĩ thế nào? Mà tội danh này dự định khéo thật, tư giao nội đình, kế tiếp là thành án khép tử tội rồi, ha... Đến người Đông Lâm cũng chẳng có chỗ mà ăn."
Đặng Anh nhìn Dương Uyển đang ríu rít líu lo với Tiêu Văn, "Là Dương Uyển làm."
Dương Luân nhíu mày, "Uyển Nhi?"
Y kinh ngạc đưa mắt về phía Dương Uyển, "Nó coi quan chính Đại Minh là trò chơi bé gái đấy à?"
"Dương Tử Hề."
Đặng Anh bỗng gọi tên tự của Dương Luân. Dương Luân sửng sốt, còn chưa kịp mở miệng đã nghe Đặng Anh nói tiếp: "Từ lúc nào mà ngài lại trở nên tự phụ đến nỗi muội muội ruột của mình cũng không khoan dung được như vậy?"
Dương Luân phản bác: "Ta không khoan dung với nó hồi nào, còn không phải ta sợ nó chơi với lửa có ngày chết cháy à?"
"Nếu nàng không làm vậy, bài 'tựa' Ninh phi viết đi kèm Ngũ hiền truyện đã khắc ấn tại Thanh Ba Quán rồi, đến lúc đó bệ hạ nổi giận, người bị Bắc trấn phủ ti bắt trói chính là ngài và Dương Tinh."
Dương Luân kinh ngạc ngậm miệng.
Đặng Anh lại mặc kệ y, tiếp tục hỏi: "Dương Tử Hề, nếu đây là trò chơi bé gái, ngài còn có thể thúc đẩy tân chính ở Hàng Châu không?"
Hai người đứng trong màn tuyết sân giữa, hơi thở phả ra lập tức hóa khói trắng.
Dương Luân phủi sương đọng trên người, hừ lạnh, "Đặng Phù Linh, hôm nay ngươi cáu kỉnh quá nhỉ."
Đặng Anh lùi một bước khom người thở dài, "Mong đại nhân thứ tội."
Dương Luân cúi đầu nhìn Đặng Anh, "Câu này mấy ngày nữa lại nói, người Hộ bộ điều xuống Hàng Châu thanh toán học điền đã trở về, tối đa là ra Tết, tấu sớ Nội các hặc ngươi sẽ được trình lên, ta không còn lập trường gì trì hoãn thay ngươi nữa, tự giải quyết cho tốt."
"Ngài có liên danh dâng tấu cùng Nội các không?"
"Ta không liên danh!" Y thình lình lên giọng, "Đợi đến lúc ngươi bị khép tội rồi, ta sẽ đích thân đến tịch biên nhà ngươi, để cho người ta xem cái gã xưởng đốc Đông xưởng nhà chỉ có bốn bức tường nhà ngươi nực cười đến mức nào!"
Đặng Anh cười lại gần Dương Luân một bước, "Tử Hề, xin lỗi, tôi không cố ý vô lễ với ngài."
"Ngươi không nghe nổi ta mắng Dương Uyển chứ gì."
Nói rồi y cúi đầu, không nhịn được cũng cười một tiếng.
"Người một nhà chúng ta đoàn tụ ăn cơm mà nó cứ khăng khăng dẫn ngươi về cùng, cứ làm như đi lại mặt ấy..."
Nói đến hai chữ "lại mặt", y chỉ hận không thể cho mình một cái tát.
Đặng Anh thấy Dương Luân rối rắm, cúi đầu cười, "Đã ba năm rồi tôi không được ăn cơm ở nhà ngài."
Dương Luân nghe xong, xoay người đi qua cửa, vừa đi vừa bảo nô bộc đối diện: "Đi lấy rượu ra đây!"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com