21
Quỳnh nhìn xấp ảnh trên bàn, không khỏi tái mét mặt.
Đây không phải lần đầu tiên Quỳnh thấy những bức ảnh này. Đó chính là những bức ảnh được gửi qua email của Quỳnh, mà Quỳnh đã lờ đi.
- Con giải thích đi!
Giọng của bố đanh lại.
- Con... con với chị ấy chỉ là...
- Con định nói con với chị ấy chỉ là bạn chứ gì? Chỉ là ôm hôn nhau vài cái thân mật và sống cùng nhau cho vui chứ gì?
Quỳnh cứng họng. Vốn dĩ bố Quỳnh đã biết và hiểu rõ tất cả rồi, ông còn muốn Quỳnh phải giải thích điều gì nữa, chi bằng cứ đánh Quỳnh, mắng Quỳnh, trút cơn giận lên đầu Quỳnh, có lẽ Quỳnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn là việc ngồi chịu đựng sự im lặng mà không phải im lặng này.
- Sao không nói gì nữa? Con khinh không thèm nói một câu với hai người đẻ ra con à?
Quỳnh cúi gằm mặt, tay siết chặt. Không cần ngẩng mặt lên, Quỳnh cũng biết mặt bố đang dần nóng bừng lên. Bố Quỳnh vốn nóng tính, một khi đã nổi trận lôi đình thì không ai dám đụng vào.
Không khí trong phòng nặng nề như muốn bóp nghẹt cả ba con người đang ngồi, cảm tưởng như thở cũng không ai dám thở mạnh. Hai bàn tay Quỳnh bấu chặt lấy nhau, môi cũng cắn chặt lại, trắng bệch, dọc sống lưng một luồng lạnh toát.
Quỳnh phải giải thích làm sao đây...
Bố mẹ Quỳnh, là người không bao giờ chấp nhận con mình có một mối quan hệ như vậy. Đây không phải lần đầu tiên Quỳnh bị phát hiện, trước đó rất lâu, hồi Quỳnh học trung học, cũng có quen một bạn nữ. Quỳnh còn nhớ...
Sau đó là một trận đòn đầy tủi hờn và đau đớn.
Nhưng điều đó không khiến Quỳnh khác đi được, vì đó là bản chất của Quỳnh. Từ ấy, Quỳnh kín đáo hơn, cẩn trọng hơn trong các mối quan hệ, khéo léo che giấu con người mình, đồng thời tự lập hơn, dần dần tách khỏi bố mẹ. Quỳnh chỉ đơn giản mong một ngày nào đó khi Quỳnh đã thực sự đứng trên đôi chân của mình rồi, sẽ được đường đường chính chính sống với đúng bản thân, không còn phải lén lút sợ sệt nữa, khi ấy bố mẹ có cấm cản như thế nào, Quỳnh cũng sẽ không cần quá bận tâm vì vốn dĩ, Quỳnh chẳng phụ thuộc vào ai cả.
- Có phải ngày xưa bố vẫn còn nhẹ tay quá với con không? Nhẹ tay quá nên mới dạy ra thứ người không ra người ngợm không ra ngợm này phải không?
Càng im lặng, bố càng sôi máu, càng dồn ép Quỳnh, khiến Quỳnh bí bức muốn nghẹt thở. Từng từ của bố như từng nhát dao cắm ngập vào tim Quỳnh, từng hình ảnh về trận đòn năm xưa quay lại, rõ mồn một trước mắt.
Có lẽ trận đòn năm đó, là quá đủ rồi.
Cộng thêm từng từ, từng chữ của bố hôm nay, cũng đâu khác gì một trận đòn thứ hai đâu.
Quỳnh làm gì sai?
Rốt cuộc Quỳnh đã làm gì sai khi yêu một người chứ?
Quỳnh nào phải quân trộm cắp giết người, Quỳnh chỉ yêu một người thôi, người đó là trai hay gái có gì liên quan?
Những suy nghĩ đó nổ ầm ầm trong đầu Quỳnh, tai Quỳnh ù đi, bên trong dường như có một giọng nói của ai đó, rất to, gào thét và chiếm trọn tâm trí Quỳnh, thôi thúc Quỳnh vùng lên. Khao khát được là chính mình bấy lâu nay của Quỳnh thức tỉnh và trỗi dậy, vùng lên như một cơn sóng dữ.
- Bố, mẹ, con đã làm gì sai ạ? Con không cướp của giết người không độc ác với ai, con chỉ yêu một người thôi, con sai ở đâu? Bây giờ con vẫn đang tự kiếm tiền tự nuôi sống, cuộc sống này là của con, nhưng tại sao con lại không thể lựa chọn người con yêu ạ?
- Mày lại còn hỏi mày sai cái gì à? Mày người không ra người ngợm không ra ngợm, thử hỏi mày để mặt mũi sĩ diện của bố mẹ mày, của cái nhà này đi đâu? Rồi thiên hạ nhìn mày như một đứa biến thái, người ta xa lánh mày, tao không cần biết bên Tây bên Tàu người ta sống thế nào ăn ở thế nào yêu đương nhăng cuội thế nào, nhưng đây là Việt Nam, cái thể loại như mày là không thể chấp nhận được! Từng ấy thứ đã đủ để sai chưa? Đủ chưa?
Chữ "đủ chưa" bố Quỳnh như gầm lên, đập bàn "sầm" một cái rất mạnh, đứng phắt dậy, mặt đỏ tía tai vì giận. Trông ông như con hổ dữ vừa gầm lên, chỉ trực lao tới trút cơn thịnh nộ lên người ngồi đối diện.
- Nếu thế, thì đáng nhẽ ngay từ hôm đó, bố đã nên đánh chết con rồi. Con là con, chuyện con yêu con gái, là chuyện vĩnh viễn không thể thay đổi được đâu, bố mẹ đừng cố dùng cái gọi là quyền của phụ huynh để áp đặt và kiểm soát con nữa!
Quỳnh mất bình tĩnh, ngẩng mặt lên gằn từng chữ, tay siết đến trắng bệch, vì uất ức mà cổ họng như vừa nuốt phải một tảng đá, bất chợt nhói lên theo từng cơn nuốt nước miếng, mắt bắt đầu xuất hiện vài tia đỏ. Nhưng Quỳnh không cho phép mình rơi nước mắt.
Tuyệt đối không được rơi nước mắt.
Bất chợt, một tiếng "bốp" vang lên, mắt Quỳnh hơi tối lại, xây xẩm mặt mày. Quỳnh đưa tay lên ôm má, cái tát như trời giáng vừa rồi...
Là của mẹ.
Quỳnh không thể tin vào mắt mình nữa. Giữa bố và mẹ, Quỳnh luôn quấn mẹ, gần mẹ hơn. Quỳnh và bố rất khắc nhau, hiếm khi hai bố con nói chuyện được với nhau quá năm phút. Quỳnh vẫn luôn cảm thấy may mắn rằng dù bản thân không hợp gia đình, không hợp bố thì ít nhất, mẹ còn là người trò chuyện với Quỳnh, hiểu Quỳnh một phần nào đó, khiến Quỳnh cảm thấy không khí trong nhà nhẹ nhõm hơn mỗi lần trở về.
Với Quỳnh, gia đình, chính là nơi có mẹ.
Nhưng lần này, bố Quỳnh nổi trận lôi đình như vậy còn chưa động tay, mà mẹ đã...
Quỳnh nhìn mẹ, đôi mắt không thể giấu diếm ầng ậc nước.
- Nuôi mày ăn học bao nhiêu năm, muốn gì cũng chiều, bảo muốn thi thố làm người mẫu cũng nhắm mắt cho qua, cho mày tự do thỏa chí, để đổi lại tất cả những thứ này sao Quỳnh?
Mẹ im lặng từ đầu, rồi cuối cùng cũng lên tiếng.
Mẹ khóc. Mẹ bất lực, quay người lại, bỏ lên trên gác.
Quỳnh vẫn chưa thể hoàn hồn lại sau cơn đả kích hồi nãy.
Nước mắt lăn trên má Quỳnh, Quỳnh cũng chẳng buồn níu chúng lại nữa.
Đầu Quỳnh trống rỗng, tất cả những gì định đối đáp lại đã lường trước trong đầu ban nãy đã tan biến từ bao giờ.
- Nghe đây... Tao cho mày đúng mười ngày để thu xếp tất cả công việc, cắt đứt với người kia, về ngay Hà Nội sống. Sau mười ngày nữa mà không về, thì đừng có trách bố mẹ độc ác!
Tai Quỳnh như ù đi theo từng chữ của bố.
Bố Quỳnh là người nói được sẽ làm được, dù bằng cách gì, chỉ cần ông muốn. Tiền, quyền, mối quan hệ, bố Quỳnh đâu có thiếu. Quỳnh không biết nữa, lỡ như...
Mười ngày...
Cắt đứt...
Về Hà Nội.
Minh Tú sẽ ra sao.
----------------------------------------------
Tác giả còn sống đây!
Còn ai nhớ tôi không?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com