Chương 88: Duy Và Quang Anh Là Ngoại Lệ Của Nhau
Thời gian trôi nhanh như một cơn gió mùa hạ, nhẹ tênh mà vẫn kịp để lại những dư âm ngọt ngào trong lòng người. Nó lướt qua đời ta không một tiếng động, chẳng ồn ào, chẳng hấp tấp, cứ thế âm thầm len lỏi vào từng kẽ lá, từng góc phố quen thuộc. Và rồi, khi ta chợt ngoảnh đầu nhìn lại, đã thấy tóc ngày nào còn cắt ngắn gọn gàng nay đã dài chạm gáy, bàn chân nhỏ xíu một thời nay đã vươn dài từng bước, và đôi mắt trong veo từng ngơ ngác trước thế giới nay đã bắt đầu biết ngắm nhìn người khác bằng một ánh nhìn chăm chú, đầy để tâm và cảm xúc.
Duy giờ đã lên lớp 5, cái tuổi chập chững bước vào vùng đất của những tò mò lớn dần.
Còn Quang Anh, cậu bạn thân thiết thuở nhỏ, nay đã học lớp 7, ở độ tuổi mà người ta bắt đầu biết nghĩ nhiều hơn, sâu hơn, và có phần lặng lẽ hơn xưa.
Hai đứa trẻ ấy đã cùng nhau lớn lên, như hai chồi non cùng vươn mình giữa khu vườn đầy nắng sớm và tiếng chim hót. Chúng là bạn từ những ngày chập chững, từ lúc còn ê a học nói, chạy lon ton trong con hẻm nhỏ mỗi buổi chiều. Cùng sống trong một khu phố, cùng chia sẻ những âm thanh quen thuộc, tiếng rao bánh buổi sáng từ cô bán hàng đạp xe qua, tiếng lộp độp của cơn mưa đầu mùa rơi trên mái tôn kêu như tiếng gõ cửa đánh thức ký ức tuổi thơ mỗi lần ùa về.
Tình bạn của chúng không bắt đầu bằng những lời thề thốt hay cam kết cao xa. Nó không cần những hứa hẹn hoa mỹ, cũng chẳng cần những tấm thiệp ghi ngày kỷ niệm. Mà nó đến, và tồn tại, đơn giản như cơn gió ngang qua sân trường giờ ra chơi mát rượi, vô hình nhưng không thể thiếu. Như ánh nắng xuyên nhẹ qua những tán phượng vĩ đỏ rực mỗi độ hè về dịu dàng, âm thầm nhưng chưa bao giờ vắng mặt.
Duy chưa từng phải đề phòng Quang Anh. Từ thuở nhỏ cho đến khi lớn dần, cảm giác an toàn bên cạnh anh ấy vẫn luôn nguyên vẹn như thuở ban đầu, không chút nghi ngại, không chút dè chừng.
Với Duy, Quang Anh là vùng trời không mây, là nơi không cần dựng hàng rào hay rút lui phòng vệ, là người mà chỉ cần ở bên, Duy có thể thở nhẹ một cái rồi an nhiên mà sống.
Còn Quang Anh người anh lớp 7 có ánh mắt sâu và bàn tay lúc nào cũng ấm thì lại dành cho Duy một thứ dịu dàng mà chẳng ai khác từng nhận được. Một sự nhẹ nhàng không phô trương, không cố gắng thể hiện, nhưng cứ đều đặn như nắng sớm mỗi ngày.
Là cái cách Quang Anh mở nắp chai nước đưa cho Duy trước khi em kịp với tay, là cái cách luôn lặng lẽ nghiêng vai cho Duy dựa khi buồn ngủ giữa trưa hè, là cái cách âm thầm ghi nhớ từng điều nhỏ xíu về Duy như thói quen ăn, giờ ngủ, hay cả chuyện Duy ghét hành.
Từ những buổi trưa ngồi chung trên xích đu trong sân nhà, chân đung đưa, đầu ngửa lên trời như thể chỉ cần với tay là có thể chạm vào mây trắng bồng bềnh, đến những chiều muộn cùng ngồi trong thư viện trường. Một đứa ôm cuốn truyện tranh cười khúc khích, một đứa nằm gục bên cạnh, thở đều như tiếng gió ngoài cửa sổ. Mọi thứ giữa họ cứ thế mà trôi đi, không cần lập kế hoạch, không cần phải nhắc nhở nhau, bởi chỉ cần một điều duy nhất: “có nhau”.
– Anh ơi, mai thi Toán á…
Giọng Duy lí nhí như gió thoảng, đôi mắt len lén nhìn người bên cạnh.
– Ừ. Lát anh làm cho em mấy đề dễ dễ để luyện trước nha?
Quang Anh đáp, giọng nhẹ như ru, tay đã với lấy cuốn vở bài tập.
– Vậy... lát em bóc dùm cam cho anh nha?
Câu đề nghị nhỏ, nhưng ánh mắt lại sáng lên như đèn vàng trong đêm tối.
Những cuộc trao đổi giản đơn, bé xíu như hạt bụi nắng lơ lửng trong phòng. Nhưng lại có sức nặng tinh thần như những viên kẹo giấu trong túi áo chẳng cần phô ra mà vẫn luôn hiện diện, luôn mang lại cảm giác ấm áp, dịu dàng. Những lời nói tưởng chừng vô nghĩa ấy, khi gom lại, hóa ra lại là thứ gắn kết bền bỉ nhất không màu mè, nhưng sâu đậm, không ồn ào, nhưng chẳng bao giờ phai.
Duy hay bệnh vặt. Cái kiểu cảm sốt lặt vặt như thể đã trở thành một phần quen thuộc trong cơ thể em, như thể cơ thể nhỏ bé ấy cứ thay mùa là nhắc khẽ:
"Em cần được chăm chút hơn một chút nữa."
Lúc thì sụt sịt mũi, lúc thì ho khan vài tiếng, đôi khi chỉ cần một làn gió thổi qua cũng đủ để em hắt xì đến mấy lần.
Và mỗi lần như vậy, không sai chút nào, Quang Anh sẽ nhíu mày – cái nhíu mày đặc trưng của người anh đang cố gắng ra vẻ nghiêm túc, nhưng ai nhìn cũng biết là đang lo muốn chết.
– Mặc áo vô coi. Không mặc anh giận.
Giọng nói nghe như ra lệnh, mà lại pha chút dỗi nhẹ, kiểu như đang trách móc một thói quen cũ mà nhắc mãi chẳng sửa.
Thế rồi, không chờ Duy đáp, chính Quang Anh là người cúi xuống, kéo khóa áo khoác lên tận cổ cho em. Động tác nhẹ nhàng, chậm rãi như sợ kéo mạnh sẽ làm đau. Tay còn khẽ vén lại sợi tóc lòa xòa trên trán, rồi lấy khăn giấy từ ngăn nhỏ trong cặp lúc nào cũng có sẵn để lau đi giọt mồ hôi bé xíu vừa mới đọng lại nơi trán em.
Miệng thì vẫn lầm bầm:
– Không chịu giữ ấm gì hết… Biết bao nhiêu lần rồi…
Nhưng đôi mắt thì không giấu được vẻ lo âu, cái kiểu lo của người chẳng cần nói "anh lo cho em" mà ai cũng biết rõ như ban ngày.
Có lẽ đối với Quang Anh, việc chăm sóc Duy đã không còn là hành động ngẫu nhiên. Nó trở thành phản xạ, thành thói quen. Như cách người ta buộc dây giày trước khi ra khỏi nhà, hay như việc nhìn lên trời mỗi khi mưa lất phất để đoán xem có cần mang áo mưa cho người bên cạnh hay không.
Có bữa Duy bị điểm kém môn Văn. Bài làm bị phê mực đỏ chi chít, chữ “lạc ý” bị khoanh tròn to tướng khiến em buồn đến mức chẳng buồn nói năng. Tan học, Duy chẳng đi về ngay mà cứ ngồi thừ ở góc bàn, hai tay ôm gọn lấy gối, mặt úp xuống vở như thể muốn tan vào luôn cái bàn gỗ lạnh lẽo. Trông em lúc ấy như một cục bột ủ lâu mà chẳng chịu dậy, mềm nhũn, rũ rượi, chẳng chút sức sống.
Quang Anh không hỏi gì nhiều, cũng chẳng nói mấy câu an ủi to tát. Chỉ nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, đặt một viên kẹo sữa nho nhỏ vào lòng bàn tay em – viên kẹo gói giấy sọc sọc màu xanh bạc hà mà em thích nhất. Giọng cậu vang lên khẽ khàng, như thể đang kể một điều gì đó quan trọng lắm:
– Không ai viết hay được liền đâu. Nhưng anh thấy, em là người viết ra những câu… làm người ta muốn lắng nghe.
Viên kẹo vẫn nằm yên trong tay Duy, chưa kịp bóc. Nhưng ngay khoảnh khắc ấy, trong lòng em đã thấy ngọt, một vị ngọt rất riêng, không tan trên đầu lưỡi mà thấm thẳng vào tim. Đôi má vốn đã trắng, giờ lại ửng đỏ như bị nắng nhẹ chiều hôm chạm vào. Duy chẳng dám ngước lên nhìn Quang Anh, chỉ ráng gật đầu thật khẽ, một cái gật đầu như lời hứa thầm giữa hai người, rằng em sẽ viết tiếp, không phải vì điểm số, mà vì ánh mắt anh nhìn em lúc ấy rất dịu và ngọt.
Bên ngoài, nắng cuối ngày trải dài trên nền gạch hành lang, vàng ươm và tĩnh lặng. Còn trong lòng Duy, có một ánh sáng khác cũng đang len lén chiếu rọi từ lời động viên không ồn ào, nhưng chân thành đến mức khiến cả thế giới bên trong em rung rinh.
Thỉnh thoảng, sau giờ tan học, Quang Anh sẽ chạy bộ ngang qua trường tiểu học dù đường vòng và tốn thời gian hơn, chỉ để dúi vào tay Duy một cây kẹo mút. Không hoa, không gấu bông, không thư tay, chỉ đơn giản là một lời giải thích nhẹ như gió thoảng:
– Tại hôm nay anh đi ngang tiệm, thấy vị này giống vị em thích.
Kẹo không đắt, đôi khi chỉ là cây vị nho hoặc dâu cuộn sẵn trong bao bóng loáng, nhưng với Duy, nó ngọt như món quà sinh nhật bất ngờ mỗi lần nhận. Mỗi lần như thế, Duy sẽ cầm kẹo bằng hai tay, mắt cụp xuống, không nói gì nhiều, chỉ lén mím môi cười kiểu cười chỉ một người thấy là đủ.
Có hôm Duy quên mang áo khoác. Gió về sớm, thổi hun hút giữa hành lang trường, lạnh đến run người. Quang Anh thấy vậy, không nói một lời, chỉ im lặng cởi áo mình rồi nhẹ nhàng quàng lên vai em. Anh không đưa thẳng, mà đi một vòng ra sau, quấn cả hai đứa trong vạt áo rộng rồi đứng thẳng lưng, như thể muốn chắn luôn cả gió lẫn buốt lạnh khỏi Duy. Còn bản thân thì run như cún ướt mưa, da nổi gai nhưng mặt vẫn tỉnh bơ, như thể sợ nếu mình tỏ ra yếu, Duy sẽ lạnh hơn.
Duy không nói “cảm ơn”. Em chỉ nhẹ nhàng kéo vạt áo lên một chút, rồi khẽ nghiêng người, để lưng hai đứa chạm vào nhau lưng áp lưng, vai chạm vai, không lời mà vẫn đủ gần để sưởi ấm. Cả hai đứng im như thế trong sân trường chiều muộn, khi tiếng ve chỉ còn rơi lẻ tẻ, và nắng đã nhạt màu như nỗi nhớ không tên.
Lúc ấy, em không biết gọi tên cảm xúc đó là gì. Nhưng sau này, Duy sẽ nhớ rất rõ: có một chiều se lạnh, hai đứa nhỏ nép vào nhau trong cùng một chiếc áo, và hơi thở tuổi thơ đã đủ ấm cả một đoạn đường dài.
Họ chẳng bao giờ gọi nhau là “bạn thân”. Không gán cho mối quan hệ ấy một cái tên cụ thể, cũng chẳng ghi tên nhau vào mấy tờ giấy "test tình bạn", "ghép tên trái tim" hay “chỉ số hợp nhau” như mấy đứa cùng lớp thường làm vào giờ ra chơi. Cả hai như chẳng cần bằng chứng nào để khẳng định vị trí của đối phương trong lòng mình.
Nhưng có một thói quen không bao giờ thay đổi: đi cùng nhau, ngồi cạnh nhau, tìm nhau mỗi khi thấy lòng chơi vơi. Như thể, dù thời gian có chảy trôi đến đâu, tay vẫn sẽ tự nhiên vươn về phía người kia.
Tình cảm ấy, lặng lẽ thôi, không có pháo hoa, không có tán dương, nhưng bền hơn cả sợi chỉ đỏ người ta vẫn hay nhắc. Một loại gắn bó không cần ràng buộc, nhưng khi thiếu đi, lòng lại hoang hoải như lạc mất điều quan trọng nhất.
Một lần, trong buổi chiều chạng vạng, hai đứa ngồi bệt trên bậc thềm sau nhà. Trời chuyển màu cam cháy, gió lùa qua khe cửa cũ, mùi rơm khô và tiếng quạ kêu xa xa như vẽ thêm cái buồn lành lạnh của hoàng hôn. Tay cầm gói snack đã mềm, hai đứa nhai lạo xạo, không nói gì một lúc lâu.
Rồi Duy lên tiếng, giọng như đang nhặt lại một kỷ niệm cũ:
– Hồi nhỏ, em hay nắm tay anh ghê á.
Quang Anh bật cười, mắt không rời đám mây đang trôi ngang mái ngói đỏ:
– Thì hồi nhỏ em sợ lạc.
– Giờ lớn rồi, không sợ nữa? Nhưng mà em mới lớp 5 thôi vẫn nhỏ lắm đó!
Duy không trả lời liền. Em nghiêng đầu nhìn anh, ánh mắt ánh lên nét tinh nghịch mà vẫn có gì đó rất mềm, rất thật kiểu ánh nhìn mà chỉ dành cho người đặc biệt. Dáng người vẫn nhỏ bé như cũ, gầy gò trong lớp áo mỏng, là kiểu được nuông chiều mà không hư hỏng. Một thoáng sau, em khẽ đáp:
– Không sợ. Vì giờ có anh rồi. Em cứ ckn nít vậy anh có chịu không, không chịu cũng buộc chiệu.
Quang Anh không nói gì. Chỉ đưa tay xoa đầu em, những ngón tay lùa vào tóc như thể đang giữ lấy điều gì đó quý giá. Anh cười nghiêng nghiêng, kiểu cười lặng lẽ mà ấm như buổi hoàng hôn hôm ấy như thể nói "anh sẽ cưng chiều em mỗi ngày", và sẽ khắc sâu nó vào những ngày sau này.
– Vậy thì, anh sẽ cứ ở đây để em dựa vào nhé!
Lời nói ấy không có tiếng gió, không vang vọng như lời hứa trong phim. Nhưng nó nhẹ nhàng đi vào lòng Duy như một lời cam kết không cần ký tên.
Dù sau này lớn lên bao nhiêu, dù đi xa đến đâu, vẫn sẽ có một người đứng đó như bóng cây quen thuộc nơi sân trường, như hơi ấm dịu dàng mà cả đời chỉ muốn quay về.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com