Dỗ dành #4
Ông To chiến tranh lạnh với bà Loan rồi.
Chẳng phải lớn lao gì, nhưng ông chồng đã giận vợ được hẳn ba phút, xem như cũng kỳ tích.
Chuyện là ông To hôm nay có việc bên nhà bác Suy, đi suốt nửa ngày, đến chiều về lại bị cú sốc trong nhà doạ cho choáng váng.
Lại nói, hôm nay em Dâu nhà này được nghỉ học vì sốt, ông To muốn ở nhà chăm con lại bị vợ đuổi đi làm, nên mất mát vô cùng, ngồi với bác Suy mà mông cứ như phải bỏng.
Vì thế nên khi được thả về, ông To chạy vèo vèo về nhà, trên đường còn không quên quẹt thẻ một chiếc xe đạp màu hồng mới cho em Dâu.
Xe vừa đậu vào hầm, ông To khệ nệ vác thùng xe đạp lên cho em, định bụng ở phòng khách vừa chăm em vừa lắp. Nào ngờ cửa vừa mở, ông To đã ngã ngồi trên đất.
Em Dâu ngồi ngốc ở trong cũi quây đồ chơi nghịch gấu bông. Điều đáng nói là em vận chiếc đầm xoè màu trắng, trên đầu vừa đính hoa vừa thắt nơ, còn có tấm voan mỏng bấm vào tóc, chân bíp bíp giày của bé lớn, vừa thấy bố liền sáng rỡ mắt chạy đến. Khổ nỗi em vừa sốt dậy, mắt vẫn còn ửng nước vì khóc, rơi vào mắt người làm cha như ông To chỉ thấy xót tê cả ngực.
Ông To bế con, hôn khắp mặt, để mùi sữa lấp đầy khoang phổi mới để em trở lại vào cũi, hầm hầm hổ hổ lao vào phòng ngủ, ngồi phịch lên giường, nhìn vợ đang trố mắt ngạc nhiên, bất chợt oà khóc.
Vợ chồng ở với nhau cả mấy năm, đây có lẽ là lần thứ ba ông To khóc trước mặt vợ, nhưng lần này lại khác hai lần trước, đợt này khóc trông có vẻ oan ức lắm.
- Sao em lại .. Sao em lại cho Dâu mặc bộ đấy ?
- Mặc thế thì làm sao ?
- Dâ-Dâu là con anh mà.
- Thì cũng là con em mà ?
- Nhưng đấy là váy cưới rồi còn gì ?
Bà Loan nghệch mặt. Hoá ra là có ông bô to đầu nọ tiếc con, không muốn cho con lấy chồng nên mới không cho mặc quần áo cưới.
- Nó mới có mấy tuổi.
- Anh không biết ! Anh không chịu ! Em không được mặc như thế nữa.
Bà Loan đầy khinh bỉ nhìn chồng trên mặt toàn là nước, bất chợt lao ra khỏi phòng. Em Dâu ngồi trong cũi khóc đến khàn cả tiếng, vùng vẫy gào mẹ gào bố, mặt đỏ lựng như trái cà chua.
- Ơi ơi mẹ đây. Mẹ đây. Em sao vậy ? Dâu sao ? Dâu khó chịu hả con ?
- Bố .. Bố ... Bố ... Bố ..
Dâu được mẹ bế cứ nghiêng người hướng về phòng, bà Loan cũng chiều con, bế vào tận nơi.
- Bố .. bế ...
Ông To đang khóc, thấy con vào liền chùi mạnh vào gối, mặt méo xệch dang tay chờ đón con.
Em Dâu sà vào lòng bố, dùng bàn tay múp thịt chạm vào mặt bố, dường như cảm thấy điều gì đó, lại tiếp tục khóc ré lên.
Ông To hoảng hồn, vội xoa lưng con trấn an, dỗ dành cả buổi.
- Ơi, Dâu làm sao ? Dâu khó chịu ở đâu ? Hay bố bế Dâu mạnh, bố làm Dâu đau ? Để mẹ bế nhé ?
Đứa nhỏ vội lắc đầu, gục đầu vào vai bố, năm ngón tay ngắn ngủn túm cổ áo bố, nấc nấc nói ra.
- Bo-Bố đừng khóc.
Ông To nghe con nói, hốc mắt nóng lên, đỏ dần, như thể chuẩn bị chảy nước mắt lần nữa, nhưng lại cố kiềm chế, không thể không nghe lời bé cưng.
- Bố không khóc.
- Bố đừng khóc.
- Em khóc vì thấy bố khóc hả ?
Đứa nhỏ khẽ gật, dụi má vào vai bố.
- Dâu ơi.
- Dạ ?
- Sau này Dâu đừng lấy chồng nhé ? Dâu ở với bố với mẹ nhé ? Bố mẹ nuôi Dâu cả đời.
Đứa nhỏ mũi còn hai dòng sụt sùi cả ngày, tất nhiên chẳng hiểu nổi đầu cua tai nheo "lấy chồng" là cái gì, nghe bố dạy cũng gật theo, nghe bố nhắc đến "mẹ" lại càng gật mạnh.
Ông To biết con cũng chẳng hiểu mình muốn nói gì, nhưng trái tim vẫn được an ủi thì tốt hơn là bị bỏ mặc, vừa nấc vừa bế con đi ra cũi đồ chơi, tháo thùng giấy bắt đầu lắp ráp xe đạp.
Đồ chơi trẻ con trông thì rất đáng yêu, nhưng công đoạn lắp ráp và gia cố lại vô cùng phức tạp. Chi tiết đinh ốc thì dễ dàng, nhưng còn phải lắp thêm phụ kiện che lại các điểm nhọn hoặc điểm gồ có thể gây hại cho trẻ, thành ra quá trình có thể mất hơn ba tiếng. Cộng thêm ông To mới khóc xong, mắt một con đậu con bay, tèm nhèm nhìn cái búa ra cái tua vít, mãi mới xong. Lưng áo thấm đẫm mồ hôi.
Suốt quá trình lắp, bên cạnh bố luôn có đứa nhỏ tò mò nhìn, nó không biết mồ hôi là gì, thấy trán bố chảy nước lại nghĩ bố khóc, nó lại khóc. Bố thấy con khóc thì nghĩ xa xôi, lại khóc. Bố khóc rồi con khóc rồi con khóc rồi bố khóc, bà Loan ở trong bếp mà đầu ong ong như đứng ngoài chợ chịu nắng.
Em Dâu nín rồi, bố còn đang lau nước mũi, em dang tay đòi bố đến bên cũi của em.
Bố tiến đến, ngồi xổm xuống, em Dâu cách một lớp rào nhựa vươn cổ hôn má bố, mắt long lanh.
- Bố cố lên.
Thế là lại có ông bô nào đấy vui được mấy phần.
Ông To bế con ngồi thử lên xe đạp, đẩy xe đi. Đứa nhỏ vui vẻ cười khoái chí, trái ngược hoàn toàn với bố.
Ông To nhìn con một lúc, dứt khoát bế nó rời khỏi xe đạp, để nó ngồi trong lòng, nhỏ nhẹ dặn dò.
- Sau này Dâu biết đi xe thạo rồi, Dâu phải luôn chạy xe về phía bố nhé.
Đứa nhỏ gật mạnh, vẫn là chẳng hiểu gì, nhưng cứ học vẹt trước đã.
Bà Loan ở trong bếp vô tình nghe thấy, trực tiếp cầm muỗng lăm lăm bước ra, hạ thẳng vào người chồng.
- Dở hơi à ? Dạy ngược rồi. Phải là "dù con có đi đâu, chỉ cần quay lại, bố mẹ sẽ luôn ở sau ủng hộ con". Ông dạy con cái kiểu gì thế hả ?
- Không ! Không cho nó đi ! Không đi đâu hết ! Chỉ ở với anh thôi !
- Chứ không định cho nó lớn à ?
- Lúc đấy rồi tính. Bây giờ chỉ được biết bố mẹ thôi.
Bà bô hết nói nổi chồng, bỏ vào bếp nấu cơm, để lại hai bố con thủ thỉ thù thì cái gì đấy cả chiều.
Bốn anh em kia cuối cùng cũng về tới nhà, điều đầu tiên làm chính là đi tìm em Dâu.
Uyên - Nguyên thấy chị lớn có xe đạp thì thích lắm, tranh nhau đòi chơi. Em Dâu còn chẳng biết cái đấy gọi là gì, thấy các em thích cũng không đòi, ngồi ở trong lòng Bảo Khang bận bịu làm cô giáo.
Đình Dương dạo này đang thi giữa kỳ, vô cùng căng thẳng, về đến nhà thơm thơm em Dâu mấy cái đã chôn ở trong phòng làm bài. Vốn dĩ thi cử đối với anh em nhà này vô cùng dễ dàng, chỉ là lớp Đình Dương vừa có bạn mới chuyển vào, khều anh mấy câu, anh lại hay chấp nhặt, quyết dùng học lực đánh bay nhóc học sinh mới ngổ ngáo kia.
06|04|2025|Lluvia
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com