Gia Vị Trong Món Ăn Việt
Các loại cây gia vị giữ một vị trí rất quan trọng trong món ăn của người Việt. Công dụng chủ yếu của các loại lá, gia vị là để tạo mùi thơm đặc trưng cho món ăn, sử dụng như bài thuốc dân gian và cuối cùng là để trang trí cho món ăn thêm sinh động.
Người Việt rất tài tình và khéo léo trong việc sử dụng, kết hợp các loại rau gia vị để tạo ra những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng cho sức khỏe.
Trước khi nấu một món ăn nào đó trong thực đơn mỗi ngày, việc liệt kê nguyên liệu chính khi nấu rất quan trọng. Ví dụ như cá, thịt bò, thịt lợn, đậu phụ thì sẽ đi kèm với một loại rau gia vị đặc trưng từng vùng miền.
Những món ăn kinh điển cần nhiều rau thơm đặc trưng như là món phở có húng láng, đậu phụ thì ăn kèm với rau kinh giới, trứng vịt lộn thì ăn với rau răm và gừng, thịt vịt Vân Đình thì không thể thiếu rau diếp cá...
Trước kia khi chưa có nhiều loại thuốc hiện đại, người Việt phòng bệnh và chữa bệnh chủ yếu thông qua đường ăn uống, bằng cách sử dụng các loại thảo mộc tự nhiên, các loại cây gia vị để chữa các chứng bệnh đơn giản như cảm, sốt, đầy bụng khó tiêu, đi ngoài.
Việc sử dụng các bài thuốc quý qua các món ăn được lưu truyền trong gia đình theo nhiều thế hệ và truyền miệng từ người này qua người khác, đôi khi cũng bị tam sao thất bản nhưng nói chung các loại cây gia vị, thảo mộc đều lành với cơ thể, nó không những phòng bệnh tốt mà còn chữa được bệnh nữa.
Sử dụng các loại rau thơm để trang trí món ăn không phải là điều mới mẻ nếu không muốn nói là khá cổ điển. Tôi cũng hay dùng lá các loại rau như mùi ta, bạc hà, tía tô, các loại lá nhiều màu sắc để làm cho món ăn được nổi bật và có điểm nhấn trong đĩa đồ ăn. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều người lạm dụng lá bạc hà để trang trí món ăn, bất cứ món gì cũng thấy có cọng bạc hà trong đó, bản thân bạc hà là loại gia vị đa năng, phù hợp với nhiều thể loại đồ ăn từ mặn đến ngọt, nhưng không khéo léo để sắp đặt nó trong đĩa đồ ăn thì rất phản cảm. Không nhất thiết lúc nào cũng phải là một ngọn rau, mình có thể bằm nhỏ, có thể xé nhỏ, có thể để nguyên lá, làm rất nhiều các để làm món ăn trông hấp dẫn, nổi bật và đặc biệt. Bạc hà không phải là lựa chọn duy nhất, nó chỉ là đại diện nổi bật trong thế giới rau thơm mà thôi. Nghệ thuật nấu ăn cần tìm tòi và sáng tạo, muốn nấu ăn ngon, trang trí giỏi cần có sự thay đổi và trải nghiệm để biến những điều cũ rích trở nên mới lạ và đặc biệt.
Tôi thấy mình thật may mắn vì sống giữa một đất nước nhiệt đới, thiên nhiên ưu đãi, có được khí hậu quá tuyệt vời để ươm trồng các loại rau thơm mà các nơi khác không dễ gì có được. Việc sơ chế và bảo quản rau thơm cần có quy trình cụ thể để cất giữ được lâu hơn, để rau không bị dập nát, mất mùi. Rau sau khi được mua ở chợ về, tôi thường phân loại ra, nhặt bỏ rễ rồi rửa sạch, với những loại rau dễ dập nát như mùi ta, thìa là, hẹ nên nhẹ nhàng ngâm trong nước lạnh rồi vẩy sạch, không nên vò sẽ khiến tinh chất trong rau trôi ra nước hết. Với các loại rau thơm dày dặn hơn như mùi tàu, tía tô, húng chó, có thể ngâm chút nước muối loãng và rửa dưới vòi nước chảy cho sạch. Tất cả các loại rau sau khi ngâm rửa đều phải được vẩy khô hoặc cho vào lồng vắt hết nước đọng trên lá, sẽ dễ hơn cho việc bảo quản. Lót một lớp giấy thấm mỏng dưới đáy hộp, rồi cho rau vào phủ thêm một lượt giấy thấm lên trên cùng rồi đậy nắp lại là có thể bảo quản cả tuần trong tủ mát.
Việc sử dụng rau thơm cho món ăn phụ thuộc vào nhu cầu và sở thích mỗi người, không ai có thể bắt bạn phải sử dụng rau này với món này hay rau khác với món kia. Việc của bạn là đọc nhiều hơn, học nhiều hơn để phân tích được các loại rau này tính gì và thịt cá của mình tính gì, âm dương ngũ hành ra sao, có kết hợp được hay không, đó chính là cái cơ bản, để bạn bước vào những trò chơi kết hợp gia vị vô cùng thú vị của thế giới hương thơm.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com