Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 18 - 30

PHẦN 18

XLA-VIN

- Chào anh An-đrây An-đrây-ê-vích (1).

- Chào anh.

- Tôi có ý muốn nhờ anh giúp tôi nắm được tình hình ở đây, tôi là Xla-vin Vi-ta-li Vxê-vô-lô-đô-vích.

- Thế thì không phải nhiệm vụ của tôi rồi.

- Mọi người đều bảo anh cảm nhận tình hình ở đây tốt hơn cả, nhất là tình hình Na-gô-ni-a, việc cung cấp hàng của ta, chu kỳ cung cấp…

- Ấy cái ấy anh đều có thể đọc trong báo cáo. Chỉ có ý nghĩa của nó… Viết gì thì viết, nhưng hàng hoá vị tất đã chạy.

- Sao vậy?

- Tại chúng ta còn khờ quá.

- Cũng có thể thế - Xla-vin đồng ý – có điều, trong trường hợp này, nắm được cái mắt xích chính thì tốt. Ta còn khờ ở chỗ nào? Làm sao loại bỏ cái khờ ấy? Tình hình Na-gô-ni-a thì lại rất đ áng phải quan tâm.

- Loại bỏ được cũng rất đơn giản thôi. Các cơ quan phục vụ ở cảng này nợ chúng ta 5 triệu đồng. Dĩ nhiên cũng chả đáng gì so với những cái đã bay theo gió, nhưng với quy mô ở đây thì cũng là một món tiền khá, mà ta cứ đằng thắng đòi, thì nếu họ chưa trả nổi, ít nhất họ cũng phải giữ phép lịch sự phục vụ chu đáo cho các chuyến tàu của ta đi Na-gô-ni-a, giải phóng chúng, ưu tiên, đừng có giữ lại mỗi tàu trung bình ba ngày đêm trên bến. Ta thì cứ mềm mỏng, sợ họ hiểu lầm, họ bực bội, trong khi trên tất cả các báo chí, bọn họ chửi ta thả cửa…

- Nhưng cách mềm mỏng ấy cũng là chứng minh của sức mạnh, An-đrây ạ, đúng thế không?

- Đồng ý. Rất đúng. Nhưng ta sẽ còn mặt mũi nào nhìn nhau nữa, nếu để cho bọn chúng bóp chết Na-gô-ni-a? Chỉ riêng cái chuyện để hàng cung cấp chậm trễ, đã có bao kẻ lợi dụng để phao tin: “Người Nga hứa nhiều, nhưng không giữ lời hứa”, thời gian cứ bay vèo vèo, và ta thì chết cháy vì họ. Anh bảo sao nào?

- Tệ thật. Và sẽ còn tệ hơn nhiều nữa.

- Ở đây người ta thấy tôi nói vậy thì lại bảo rằng tại tôi hay bẳn tính và tẻ lạnh, khó chơi. Đâu phải thế, chẳng qua tôi ra cảng nhiều hơn anh em, tôi đã gặp nhiều loại người, qua đó, tôi hiểu rõ là họ đang nghĩ gì ta, họ bảo: “Bọn ấy thì có thể cứ cưỡi bừa lên cổ chúng cũng nhịn”.

- Thôi đượ, anh hãy gà cho tôi để tôi làm bài báo nhé, làm sao viết cho khéo hơn một chút là được. Hai giờ chiều nay, tôi ăn cơm với một người bạn đồng nghiệp người Mỹ, từ hồi vụ án Nuy-rem-be đến giờ mới gặp nhau…

- Pôn Đích à?

- Đúng thế. Anh cũng quen?

- Anh ấy chơi với một người bạn của tôi. Theo tôi, đó là một nhà báo có suy nghĩ, tuy bực một nỗi là uống rượu bét nhè.

- Bốn giờ, tôi sẽ gặp anh nhé?

- Không, bốn giờ tôi bận. Thôi ta hẹn vào quãng 9 giờ tối.

- Ở chỗ tôi nhé?

- Anh ở đâu nhỉ?

- Ở “Hin-tơn” phòng 607. Tầng 6. Hành lang bên phải.

- Tôi biết. Được rồi, tôi sẽ đến anh vào lúc 9 giờ.

*

* *

Pôn Đích ngồi xuống cạnh Xla-vin, chửi làu bàu:

- Anh đã bẫy tôi vào cái chuyện thổ tả này, I-van ạ. Bây giờ ta đến tiệm “Mắc Đô-nan” nào đây?

- Có cái hiệu ở cạnh toà nhà nơi lão Bê-liu đã sống ấy.

- Lão đã sống ở khu ổ chuột, tiệm”Mắc Đô-nan” ở đấy hôi như nước ráo ấy, tôi đã nhìn hết lượt rồi.

- Còn tôi lại muốn ngó qua một tý, xem nó thế nào?

- Thôi, anh đừng úp mở, I-van. Anh biết gì về bản thân lão Bê-liu ấy? – Pôn Đích chia ra 8 đô-la cho Xla-vin – Anh cầm lấy, để anh mua nhé, không thì tôi lại uống sạch hết.

- Tiền gì thế này?

- Đừng có làm bộ ngốc, tôi đã thua cuộc anh rồi mà. Anh đã linh cảm về Giôn thính hơn tôi, ông ta quả thực đã hỏi tôi về anh đúng như câu anh đã đoán. Anh giải thích rõ xem nào, anh đã biết được những gì trong vụ này?

- Chẳng biết gì cả. Tôi chỉ có thể dự đoán. Tôi nghe nói, Bê-liu ở thuê trong một căn phòng đâu đó gần ga.

- Gần cảng. Nhưng ầm ỹ lắm, cần trục làm việc suốt ngày đêm ngay dưới cửa sổ. Rồi sao nữa?

- Nghe nói trong phòng lão ta có cả sách tiếng Nga.

- Sách U-krai-na. Và bưu ảnh nữa, nhiều bưu ảnh cũ…

- Có phó-mát khô và nửa cái bánh mì trên bàn nữa, đúng không?

- Phó-mát ôi ấy mà, còn bánh mì thì không có, mà là thứ bánh bột đã khô queo. Vậy ra anh cũng ở trong phòng lão ta rồi à?

- Pôn ạ, giá tôi mà đặt chân tới đó thì người ta đã đem tôi đi thẩm vấn rồi… Thế Bê-liu bị giết bằng cách nào? Súng lục không kêu chăng?

- Không. Bị bắn lén bằng súng bắn tỉa, đặt từ một cái cần cẩu ở cảng chĩa sang cửa sổ. Lão đang tập thêu ren gì đó, xung quanh đầy khăn rải bàn, khăn ăn, những đường riềm. Rồi hình gà sống, gà mái… Nhưng này, anh biết những gì về lão ta? Lẽ nào các anh lại tự dưng đi tìm lão, hả I-van?

- Pôn ạ, anh hãy cho tôi biết, lão ta có những sách gì?

- Tôi quên rồi… Tôi có ghi đây, nhưng sổ đã để ở phòng. Thơ, chủ yếu là thơ thôi.

- Một cái buồng con, cần trục dưới cửa sổ, khăn rải bàn và khăn ăn có hình gà qué, và thơ…

- Bợm thật, anh phân loại các sự kiện rành rẽ lắm. Trước kia, chưa nhạy thế đâu, anh chỉ dồn dập tích thật nhiều sự kiện, thông tin đơn thuần từ Nuy-rem-be thôi. Thời gian trôi qua, bây giờ trong anh đã thấy rõ tính độc lập suy nghĩ. Thật tuyệt, anh biết tổ chức một cách táo bạo các sự kiện rời rạc thành luồng ý nghĩ.

- Anh làm tôi phổng mũi đấy! Thế cảnh sát có nhiều không? Giới báo chí?

- Sau khi khám xét xong, họ mới được vào.

- Họ cần tìm cái gì?

- Có quỷ mà biết. Người ta nói ám chỉ rằng lão ta là gián điệp của các anh.

- Ám chỉ à, thì một con bé con cũng biết cạnh khoé được, những việc như thế này phải có chứng cớ hẳn hoi chứ!

- Chứng cớ, thì người ta nặn ra. Khắc được!

- Có nghĩa lý gì không chứ!

- Nghĩa lý à, thì đấy: lão ta sống gần cảng này, ở đó tàu bè của các anh đi Na-gô-ni-a; bây giờ ở đấy đang dấy lên chiến dịch chống việc viện trợ ấy, thế còn Bê-liu thì đơn giản quá: soi ống nhòm và để tín hiệu.

Xla-vin bụm miệng cười to.

- Thì sao? – Pôn tiếp tục – Quan trọng là quẳng được đi một con mèo già không nuôi được nữa, ai muốn vơ thì cứ vơ lấy. Và kẻ bị hắt phân vào người sẽ là kẻ có lỗi, dù cho rằng cuối cùng có rửa sạch đi được chăng nữa.

Trong quán “Mắc Đô-nan” cạnh cảng, cách cái nhà trọ hạng ba mà Bê-liu đã sống khoảng hai khối nhà, không khí rất ngột. Xla-vin sửng sốt thấy ruồi nhặng nhiều vô kể, bụng vằn xanh béo mập, chúng bay chậm chạp như những chiếc “Gioong-ke” quá tải, và phát ra những tiếng vo ve phát ớn.

- Ta uống cà-phê nhé – Xla-vin đề nghị - còn ăn trưa ta sẽ đi ăn ở đâu đó ngoài trời, được chứ?

- Này, nhưng có phần chắc là anh biết về lão Bê-liu này, hắn là nhân viên của các anh, hẳn thế, I-van ạ!

- Anh bạn già ơi, chúng tôi cần gì phải để một tay gián điệp như vậy ở chỗ này, tôi nói nghiêm túc đấy. Chúng tôi đã công khai nói rằng nếu xảy ra xâm lược vào Na-gô-ni-a thì chúng tôi sẽ giữ Gri-xô. Các con bài đều ngửa, chẳng có gì phải bí mật nữa. Nói chung trên thế giới bây giờ ít điều bí mật lắm, mọi cái đều có thể tính ra, chỉ cần có cái đầu làm việc.

Người da đen đang rót cà-phê vào các cốc giấy nói với Pôn:

- Hôm nay tôi đã được vinh dự thấy ông, thưa ông.

- Còn tao thì chưa thấy mày.

- Thưa ông, chính ông cũng đã trông thấy tôi. Ông đã đi từ căn phòng của tên I-van bị giết ra.

- Ai?! Pôn sửng sốt, - I-van?

- Bê-liu ấy. Tên thật lão chính là I-van, gọi theo kiểu Anh là Ai-ven. Lão là người Nga đấy.

- Tôi cũng là người Nga đây – Xla-vin nói.

- Ồ, xin lỗi ông, thưa ông, tôi không thể nào đoán ra ông là người Nga, tôi nghĩ ông là người Anh.

Xla-vin lấy ra bao thuốc “Ya-va” (2), rút điếu thuốc ra nhưng không hút, anh nói chung không hút, chỉ đôi khi ngậm điếu thuốc vào miệng, nhấm nhấm.

- Thế tại sao lão ta lại sống ở đây, hả anh bồi? Sao lại có người Nga ở Luy-xbua? Lão có nói gì với các anh về chuyện ấy không? – Xla-vin hỏi.

- Không ạ. Lão chỉ hát khi nào đã uống rượu say mèm thôi.

- Lão thường xuyên say mèm thế à?

- Lão chỉ bắt đầu uống rượu nhiều từ khi thấy những chuyến tàu Nga ghé bến này, thuỷ thủ các ông thường hay uống bia ở chỗ tôi. Bê-liu luôn ngồi trong cái góc kia kìa, chỗ tối tối ấy, để nhìn họ. Khi họ đi rồi thì mới uống, uống chán lại hát những bài hát quê hương. Nhưng không ai đánh đập gì lão, người ta vẫn để cho lão ngồi như thế và hát, chỉ đuổi lão đi khi nào lão bắt đầu nói lảm nhảm…

- Người ta còn để cho lão hát, thế là rất nhân đạo rồi – Pôn Đích nói – còn cho phép lão được hát sau này ở trên trời, đến ngày phán xử, các người cũng còn được tính công nữa đấy! Nào đưa tiếp cho ta một cốc uýt-xky có đá nữa.

- Chúng tôi chỉ còn uýt-xky Tây Ban Nha thôi. Thưa ông, uýt-xky nhãn hiệu “Đích” người bên các ông không uống thứ đó.

- Chúng nó là một lũ đần độn, để ý đến bọn ấy làm gì. Nếu anh không nói với họ rằng đây là rượu “Đích”, cứ rót mạnh tay vào và đặt ngay dưới mũi họ ấy, gõ nhẹ vào đáy cốc cho bọt uýt-xky nó sóng sánh một chút, thế là ổn mà…

- Cám ơn ông đã chỉ bảo, tôi sẽ thử làm. Ông có thích chơi bi-a không ạ? Chúng tôi có cái bàn bi-a đáng mặt lắm, các viên bi-a cũng nặng.

- Anh này – Xla-vin hỏi - thế có lần nào Bê-liu hát khi có mặt các thuỷ thủ Nga không?

- Vâng, thưa ông, cũng có một lần, và lão vừa hát vừa khóc ròng, thế là các thuỷ thủ đem tặng lão phong bì có in hoa và bưu ảnh…

- Hồi nào vậy?

- Tôi nhớ là vào tháng Chạp, thưa ông, nhưng không biết có thật đúng không. Sau đó, tôi thấy là lão có vẻ sợ sệt thế nào ấy, như lúc nào cũng có ý chờ đợi cái gì đó, - Xla-vin bèn đặt các tấm bưu ảnh trước người phục vụ tiệm ăn.

- Anh lấy làm kỷ niệm, nhưng chớ để người ta lấy súng bắn tỉa mà giết oan đấy nhé?

- Cám ơn ông tặng quà, nhưng thưa ông, bây giờ tôi xin phép từ chối thì tốt hơn: Cảnh sát đang đi lùng hỏi tất cả những ai quen biết Bê-liu, các nhân viên bưu điện bị đưa vào đồn, người ta kiểm tra thư từ, điện tín. Mọi sự đều có thể xảy ra, nên tôi xin đa tạ ông, chúng tôi đã quen sợ đến cả cái bóng của mình nữa.

“Tháng Chạp, các tàu đầu tiên đã đến đây – Xla-vin nghĩ – Và ông lão I-van của chúng ta lần đầu tiên lại được thấy những người Nga thực sự và viết lá thư cho ta. Loay hoay mãi, nhưng không dám gửi. Mọi sự đều đơn giản nhưng rõ ràng. Rồi thì có lẽ cảnh sát đã báo cho chúng việc Bê-liu đã đến gần sứ quán của ta. Glép đã tính toán cũng gần như mình đã tính, và đã khử Bê-liu. Bây giờ thì chỉ còn có một mình hắn, Giôn Glép, là có thể nhận diện đúng bức ảnh nào là kẻ mà chúng đã mộ được!”

…Khi Xla-vin dừng chiếc “Fi-át” cạnh tiệm ăn nhỏ kiểu Pô-li-nê-di – bàn ăn được đặt bên bờ biển, dưới những dãy ô dệt to rộng, tạo thành bóng râm – thì Pôn Đích vật người ra trước tiên, người đẫm mồ hôi.

-Gượm đã – Xla-vin nói – anh hãy quay lại mà ngắm chiếc “Méc-xê-đét” đang săn tôi kia kìa. Anh nhớ lấy số xe nhé, độc nhất vô nhị đấy; cái số ấy không có trong bảnh danh mục của cơ quan thanh tra ô-tô sở tại đâu.

- Chấm hết chuyện chán ngắt ấy đi thôi, Vít (3) ạ! – Pôn Đích rút cục đã gọi Xla-vin bằng tên thân mật - Chẳng nên quá nghi ngờ như thế.

- Thì đấy, chiếc “Pho” sẽ theo ta vào thành phố, và anh đừng cãi với tôi nữa, lần này tiền đánh cuộc sẽ gấp đôi số tiền tôi được cuộc ban sáng đấy.

- Thế ra là Giôn đích thị từ chỗ đó đến thực à? Pôn thở dài chán ngán. - Tôi có bảo anh thế đâu?

- Anh đừng có coi tôi là thằng già ngu ngốc, hiểu chưa?

(1) Tức Dô-tốp (ND).

(2) “Ya-va”: loại thuốc lá thơm phổ biến và có tiếng ở Liên Xô.

(3) Tên Xla-vin gọi theo kiểu Anh, Mỹ cho có vẻ thân mật (cả tên là Vi-ta-li) ND

Phần 19

CÔN-XTAN-TI-NỐP

Tướng Phê-đô-rốp chuyển cái cặp tài liệu cho Côn-xtan-ti-nốp. Côn-xtan-ti-nốp chăm chú nhìn những cột chữ số và trầm ngâm nói:

- Chỗ chúng tôi cũng bị rì rì. Chẳng có gì đặc biệt hơn, may chăng chỉ có chuyện cô Vin-te đột ngột sửa soạn đi Pi-xun-đa nghỉ một tuần.

- Nghỉ phép thường kỳ?

- Không. Đi bằng tiền riêng của cô ta.

- Ở Viện họ, có cái lệ như thế à?

- Chúng tôi sẽ xác minh.

- Xác minh ngay được không?

- Nếu đồng chí cho phép tôi gọi điện cho Prô-xcu-rin ngay.

- Để tôi gọi được không? – Pi-ốt Phê-đô-rốp mỉm cười – Hay là đồng chí ấy chỉ thi hành mệnh lệnh của htủ trưởng trực tiếp thôi?

Sau mười phút, Prô-xcu-rin báo là ở Viện nơi Vin-te làm việc, người ta thường cho các cộng tác viên khoa học bậc cao đi nghỉ phép theo kiểu tiền của mình. Anh còn thông báo là Sác-ghin đã bay đi Ô-đét-xa hôm nay, không phải đi nghỉ mà đi công tác, đi kiểm tra tại chỗ việc bốc xếp hàng cho các tàu sắp đi Na-gô-ni-a.

- Thôi nào – Phê-đô-rốp nói – ta hãy tạm kết luận: Thứ nhất Pa-ra-mô-nốp bị loại ra, anh ta không dính vào đây; chỉ là một anh chàng nghiện rượu bất hạnh.

- Giá tôi, thì tôi gọi đó là người bất hạnh số 2, anh Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích ạ. Số một là I-van Bê-lốp, cũng chính là Ai-ven Bê-liu. Tôi đã nhờ anh em ở Sở công an Nô-vô-rốt-xcơ hỏi chuyện các thuỷ thủ thánh Chạp năm ngoái chủ yếu là thuỷ thủ Nô-vô-rốt-xcơ đã đến Luy-xbua. Hai người trong số được hỏi đã ở tiệm “Mắc Đô-nan” hồi tháng Chạp ấy, và đã nhớ rằng Bê-liu đã hát cho họ nghe bài “Gió cuốn” và “Ơi, cánh đồng, cánh đồng” (1). Lão hỏi, có thể được ra tàu họ chơi là leo lên thanh chống bão không, giá ra được, thì như lão nói, lão “có thể phớt hết sự đời, mặc cho bọn chúng kết tội hoặc bỏ tù…”

- Trong thời gian chiến tranh, Bê-liu bao nhiêu tuổi?

- Mười tám. Rời khỏi đất nước cùng với bọn Đức. Xla-vin báo là lão đã bị “làm phép tẩy lễ” mất hy vọng trở về rồi.

- Còn tên gián điệp thì thực sự đang làm việc ở Mát-xcơ-va. Mọi hy vọng của ta, rằng đây chỉ là một trò nghi binh khiêu khích, một trò chơi trên làn sóng điện, đã tan biến hoàn toàn.

- Đáng tiếc, đúng như vậy! (2)

- Thế đó là Sác-ghin hay Vin-te?

- Những người còn lại đều nằm trong sơ đồ nghi vấn cả.

- Có bao nhiêu người còn lại?

- Tất cả những ai dính dáng đến cái mối Na-gô-ni-a. Tức là sáu người cả thảy.

- Và đồng chí muốn được phê chuẩn việc kiểm tra họ?

- Chưa có đủ cơ sở để xin một sự phê chuẩn như vậy. Đồng chí lại là người đầu tiên không hiểu tôi rồi!

- Cái cách nói mập mờ hay nhất bao giờ chả nằm trong cái câu “thiên hạ không hiểu mình”, đúng không?

- Dẫu sao, tôi cũng có thể đề nghị anh cho phê chuẩn công việc về Vin-te và Sác-ghin được rồi, còn về Dô-tốp thì Xla-vin ngay hôm nay phải đánh điện về, tôi sẽ đợi, có thể đến nửa đêm thì điện sẽ tới.

- Anh cứ đợi ở nhà nhé.

- Tôi vừa đợi vừa kết hợp làm việc. Anh em mới tìm được cho tôi một số tư liệu về vụ tai tiếng có Glép tham dự, tôi nghĩ, đó cũng là một đầu mối có thể tóm được để rồi giật giật tung chỗ nút thắt ra.

- Được rồi. Tôi sẽ thức đến một giờ sáng. Anh cứ gọi điện nếu có gì quan trọng.

- Gmư-ri-a sẽ bay đến chỗ Sác-ghin, cứ để đồng chí ấy nắm Sác-ghin tại chỗ. Còn tôi, nếu anh đồng ý, thì ngày kia sẽ bay đi Pi-xun-đa, tới chỗ Vin-te.

- Anh đi Pi-xun-đa à? – Phê-đô-rốp cau mày, ngồi lặng thinh giây lát, rồi cầm lấy một cặp giấy trong chồng cặp xếp cẩn thận trên bàn, xem các giấy tờ, lấy ra một tờ và chìa cho Côn-xtan-ti-nốp – May quá, anh làm tôi nhớ ra. Trong tờ tài liệu này có báo là tuỳ viên báo chí của sứ quán Mỹ Lun-xơ, mà cơ quan phản gián ta đã xác định được là nhân viên CIA, đã bay đi Pi-xun-đa, cũng ngày ấy và chuyến ấy với Ôn-ga Vin-te.

Vé đã đề tên Ôn-ga Vin-te quả thực đã được mua cho chuyến máy bay mà Lun-xơ đã bay. Nhưng chị ta lại không có trong máy bay, không thấy xuất hiện ở Pi-xun-đa ngày hôm sau và suốt thời gian tiếp đó, mà cũng không thấy trả lại vé. Còn ở nhà chị ta thì gọi điện đến không có ai trả lời, tuỳ cứ khoảng hai giờ một lần, người ta liên tiếp gọi cho chị.

Côn-xtan-ti-nốp hỏi Prô-xcu-rin:

- Đồng chí đã gọi điện đến chỗ chị ta làm việc chưa?

- Chúng tôi không muốn đánh động bằng những cây hỏi thừa. Chị ta là người giao thiệp rộng, duy trì quan hệ tốt với mọi người, có thể có người sẽ báo cho chị ta biết, rằng chị ta đang bị để ý chăng?

- Thế ở chỗ ông bố chị ta?

- Cũng không thấy – Prô-xcu-rin nhăn mặt – Các chiến sĩ nói rằng “không ghi nhận được sự hiện diện thực tế”.

- Đã xem khu nhà chị ta ở, đã dò hỏi gì chưa?

- Chẳng ai biết gì cả. Căn hộ khoá chặt.

- Tóm lại, các đồng chí đã mất dấu Vin-te.

- Vâng. Có thể nói như vậy.

- Đồng chí có thể nói gì khác hơn không?

- Thực tình, không thể nói gì khác được nữa.

- Hảy huy động người của đồng chí tìm kiếm Vin-te hết sức kỹ lưỡng. Đồng chí nói đúng, không nên đánh động bằng sự chý ý quá đáng, nhưng phải nhanh chóng tìm ra chị ta bằng bất cứ cách nào. Ta hãy lần theo tất cả các mối liên hệ của chị ta. Đồng chí có nói là trong “tổng số các dấu hiệu” của Vin-te, đặc biệt nổi bật tính quảng giao… Có thể ta tin cậy được ai nhất, trong tất cả những người chị ta quen biết?

- Tin cậy với ý nghĩa nào?

- Đồng chí hỏi vậy là tốt đấy – Côn-xtan-ti-nốp hài lòng nhận xét – Chúng ta vẫn phải nhất thiết tin tất cả mọi người trước khi có gì khác. Tôi chỉ muốn hỏi là: Ai sẽ không tiết lộ một lời nào về cuộc nói chuyện với chúng ta?

- Người bạn gần gũi nhất của Vin-te là nữ tiến sĩ Rai-xa Ni-a-mê-tô-va, nhưng nhà Rai-xa không có điện thoại và cũng không đi làm, vì đang nghỉ ốm, chúng tôi đã hỏi rồi.

(1) Hai bài dân ca U-krai-na (ND).

(2) Côn-xtan-ti-nốp nói như vậy vì ngay trong cặp của ông còn một bức điện bằng chữ số chưa đọc được. Nội dung bức điện - về sau mới giải mã được – như sau:

“Bạn thân mến! Cám ơn vì tin của bạn cực kỳ hay. Chúng tôi không chỉ đệ trình lên lãnh đạo của chúng tôi, mà cả lên Chính phủ chúng tôi. Chúng tôi muốn biết, hành động ngoại giao nào sẽ có thể ngăn chặn được Mát-xcơ-va giúp đỡ quân sự cho Na-gô-ni-a, nếu ở nước này xảy ra biến động. Đáng lo, là bạn và những người quen của bạn đã bắt đầu bị theo dõi, chúng tôi nghĩ rằng đó là hậu quả của sự mệt mỏi. Xin khuyên bạn đi nghỉ vài ngày ra biển. Trong lần liên lạc sau hãy gửi cho chúng tôi những phân tích của bạn… Chúng tôi vẫn đang nghĩ tới vấn đề bạn nêu về chiến dịch nghi binh. Có nên thực hiện chậm hơn đề nghị của bạn? Hay bạn cương quyết đòi tung ra trò chơi này để bịt đầu mối ngay? Chuyển lời chào từ người bạn P. của bạn. Xin báo là một phần tiền thưởng đã được P. gộp vào cổ phần các hãng “Iu-nai-tít Frút” và “Tơ-rết Co-pô-rây-sần” G. và L. của bạn (chú thích của tác giả).

Phần 20

TÌM KIẾM – III

…Nét chữ Côn-xtan-ti-nốp mạnh mẽ và rất hoạt. Nhưng trong thời gian gần đây, ông không thích viết, mà đánh máy ngay trên cái máy chữ cỡ nhỏ, vì chữ đánh máy khác hẳn chữ viết. Hon nữa, khi Côn-xtan-ti-nốp chuẩn bị đưa in bản luận án của mình (đề tài có tính chất công khai – “Những thủ đoạn chính trị của nước Đức Hít-le trước cuộc nổi loạn của Phran-cô”), ông thật sự ngạc nhiên thấy những trang đánh máy hoàn toàn có vẻ khác với những trang sắp chữ ở nhà in, y như thể chúng có hai nội dung khác nhau vậy! Khi ấy, ông chợt nghĩ ra rằng chuẩn mức để đo trách nhiệm của ý nghĩ con người phụ thuộc rất lớn vào việc nó sẽ được in trên giấy nào, với kiểu chữ nào. Ở đó, hình thức cũng đã là một phần biểu đạt nội dung, không thể khác.

…Côn-xtan-ti-nốp yêu cầu người thư ký đừng cho liên lạc điện thoại tới ông và cũng đừng cho ai vào phòng, chỉ trừ có việc khẩn cấp của Pa-nốp ở ban giải mã, hay của Tơ-ru-khin (đang tìm kiếm Vin-te), cũng như nếu có điện khẩn mới đến của Xla-vin (ngày hôm qua, kết quả khai triển chưa được mấy, Xla-vin báo là đang bắt tay vào xác minh giả thuyết về “Dô-tốp”, đồng thời yêu cầu gửi tài liệu về Glép, càng nhanh càng tốt). Quen biết Xla-vin đã mười năm, Côn-xtan-ti-nốp hiểu là không phải bỗng nhiên mà Xla-vin thúc giục. Ở địa vị anh, Côn-xtan-ti-nốp cũng sẽ phải hành động như thế: Người làm chứng duy nhất đã bị Glép thủ tiêu, và bây giờ không còn ai có thể nhận dạng được tên gián điệp CIA ở Mát-xcơ-va nữa, do đó phải dùng đến một đòn cốt tử, buộc chính Glép phải nói ra tên phản bội đó. Côn-xtan-ti-nốp biết được ý kiến mới ló ra này của Xla-vin sau khi Xla-vin vớ được câu nói của Pôn Đích về vụ “ma-phi-a Hồng Kông” và Glép cố tìm cách lấy câu này đi bằng hàng chục câu đánh trống lảng khác, với một vẻ sôi nổi thiếu tự nhiên.

Côn-xtan-ti-nốp làm việc đến khuya, ông đặc biệt xem kỹ năm cặp tài liệu có những đoạn cắt ở báo ra, được chuẩn bị ở các ban, trong những ngày gần đây.

- Tình huống hiện ra trước ông, đại thể như sau:

“Ở phi trường Hồng Kông, ngày 12 tháng Chạp 1966, quan chức sở thuế quan Ben-sơ đòi kiểm tra hành lý của ông Lưu làm việc ở nhà băng “Lâm-li-mi-tít”, và của cô Các-men Phéc-nan-đét, đi chuyến máy bay từ Xan Phran-xi-xcô tới. Đi cùng ông Lưu và cô Phéc-nan-đét, có phó chủ nhiệm phân xã USIA (1) ở Hồng Kông là Đ.G.Glép. Ông Glép đề nghị viên chức thuế quan Ben-sơ huỷ bỏ lệnh khám, vì như ông ta nói, “ông Lưu là người bạn chung thuỷ của ông ta, người mà ở Mỹ người ta tin tưởng vô hạn”, còn cô Phéc-nan-đét thì lại là “nhân viên Hội đồng tư vấn của hãng kim hoàn Mỹ “Cúc và các con”. Ben-sơ trả lời, đại ý là ông ta không hề đặt vấn đề nghi ngờ gì lòng tin của ông Glép vào ông Lưu và cô Phéc-nan-đét, nhưng không thể cho rút lệnh kiểm soát kia được, vì điều đó đặt ông vào một tình trạng khó xử với cấp dưới.

Tiếp đó, Ben-sơ được Glép mời vào phòng công vụ, tại đó, ông phó Chủ nhiệm phân xã thông tấn Mỹ tự giới thiệu với viên chức sở thuế rằng hắn là nhân viên CIA. Tuy nhiên, ngày hôm sau Ben-sơ từ chối không chịu lặp lại lời khẳng định đó, lại còn thề là đã không nói, mặc dù trong lúc xảy ra vụ tai tiếng, ông ta đã phun ra điều đó và phóng viên tờ báo “Thời sự” là Đô-nan Ghi đã ghi âm lại được. Chính dựa trên cuốn băng ghi âm này, anh ta đã đăng lên báo tài liệu giật gân của mình.

Vậy là dù bị phản kháng, chiếc va-ly vẫn được mở, và ở giữa lần đáy thứ hai, người ta đã khám phá ra một khối lượng hê-rô-in (bạch phiến) được đánh giá vào khoảng ba triệu đô-la , một vụ buôn lậu lớn chưa từng thấy hồi đó.

Mười phút sau khi khám xét ở phi trường, trạng sư của ông Lưu là ông Đỗ Tử Lý mới tới, và tuyên bố là chiếc va-ly mà cơ quan thuế quan đã mở không phải là của ông Lưu. Lúc đó, một trong ba thư ký của ông Lưu, ông Như Nghĩa, hai mươi bảy tuổi đã thừa nhận chiếc va-ly đó là của mình. Ông không cho biết thêm chi tiết nào nữa, và lập tức bị bắt ngay.

Khi nhà chức trách giải ông Như Nghĩa, tay bị còng tới chiếc xe của cảnh sát, phóng viên báo “Thời sự” Đô-nan Ghi đã nghe thấy viên thư ký thứ hai của ông Lưu nói với người bị bắt: “Ngày mai ông sẽ được thả, sau khi nộp tiền bảo đảm, nhưng ông nhớ hãy giữ thái độ sao cho đúng yêu cầu”. Thế nhưng trên đường giải về, chiếc xe cảnh sát đột nhiên bị một luồng đạn quét ngang, và ông Như Nghĩa đã chết trước khi đưa tới bệnh viện của trại giam.

Sau khi đăng bài báo ở tờ “Thời sự” và in lại ở tờ “Tạp chí phương Đông”, phóng viên Đô-nan Ghi đã bị buộc tội là xuyên tạc và vu khống, vì theo tuyên bố chính thức của viên lãnh sự Mỹ, ông Glép lúc đó đang có mặt tại phòng triển lãm đồ gốm I-rắc, ông Ben-sơ cũng từ chối không chịu khẳng định việc ông Glép có mặt tại sân bay trong lúc xảy ra vụ tai tiếng.

Ông Đô-nan Ghi bèn chuyển cho toà án cuộn băng ghi âm, mà theo kết luận của các chuyên viên giám định, thì rõ ràng có nghe thấy giọng nói của ông Glép trong đó. Thêm vào đó, Đô-nan Ghi còn xuất trình trườc toà ba tấm ảnh phụ nữ mà In-te-pôn (2) đang truy nã vì tội có liên quan đến việc “kinh doanh ma tuý”. Một trong ba tấm ảnh đó giống cô Các-men Phéc-nan-đét như đúc, và theo tư liệu đã ghi nhận được của “In-te-pôn” thì cô ta có nhiều tên: Ma-ri-a, Rô-xi-ta, Các-men.

Sau đó, ông Glép biến khỏi Hồng Kông, không đến Toà sơ thẩm với tư cách bên nguyên, và cả cô Phéc-nan-đét cũng biến mất.

Đô-nan Ghi thì bị triệu hồi khỏi Hồng Kông và được phái sang Thái Lan. Tại đó, anh ta bị một bọn khủng bố tấn công bất ngờ. Anh phải nằm viện bảy tháng, và khi trở về Niu Yoóc thì tờ báo từ chối không muốn anh ta tiếp tục cộng tác nữa. Đô-nan Ghi bèn kết luận rằng chính CIA đã dàn cảnh cho mọi hoạt động tấn công anh ta. Toà án đã không chịu thụ lý vụ kiện của Ghi, vì anh ta không thể có tài liệu gì chứng thực cho lời buộc tội của mình. Đô-nan Ghi bèn tuyên bố là anh sẽ bỏ hết tiền riêng vào cuộc điều tra do anh đích thân thực hiện và sẽ thu thập cho đủ những chứng cớ cần thiết.

Vụ “Đô-nan Ghi” được nhắc đến lần cuối cùng vào tháng Giêng năm 1970. Còn từ 1976, có thấy xuất hiện lại tên Đô-nan Ghi trên tờ báo cực hữu “Xtar” (Ngôi Sao) dưới các bài vở tin tức truyền về từ Na-gô-ni-a”.

“Điện gửi Trung tâm.

Xin cám ơn các thông tin về Glép, Phéc-nan-đét và Đô-nan Ghi. Có thể cho Đmi-tơ-ri Xtê-pa-nốp, nhà văn kiêm nhà báo Xô-viết ở đây, được biết về các tài liệu này không? Vì đồng chí ấy đã nghiên cứu về Hồng Kông, về ma tuý, những người của CIA và của Mao có dính dáng đến chuyện này.

Xla-vin”

*

* *

- Tôi nghĩ, đồng chí phải cấp tốc bay đi Na-gô-ni-a một đôi ngày, không cần lâu lắm. – Phê-đô-rốp nói, sau khi nghe báo cáo của Côn-xtan-ti-nốp vào lúc sáng sớm – Tuy nhiên, tôi thay đổi chút ít nhiệm vụ chuyến đi: Thứ nhất, đích thân nghiên cứu kỹ lưỡng khả năng những bệ phóng đạn đạo đã được sửa chữa đến đâu, những bệ phóng do khối NATO đã lắp đặt ở đó, từ thời thực dân, và sau đã bị phá huỷ. Thứ hai, đồng chí hãy nói chuyện với Xtê-pa-nốp và mời đồng chí ấy giúp cho công việc của chúng ta, vì cần phải hiểu Glép tận gốc kể cả “cái nút Hồng Kông”.

*

* *

Côn-xtan-ti-nốp bay đi Na-gô-ni-a bằng chuyến bay đêm: ông tới đó vào lúc sáng sớm, gặp gỡ Xtê-pa-nốp vào buổi trưa trước chuyến đi đến các công trình cũ của NATO, nơi trước kia đã đặt các tên lửa có vũ khí hạt nhân hướng về phía Liên Xô. Vé khứ hồi, định đăng ký vào chuyến bay chín giờ tối.

…Côn-xtan-ti-nốp trình bày cho Xtê-pa-nốp cốt lõi vấn đề một cách vắn tắt và kết thúc như sau:

- Tóm lại: Glép! Lưu! Nút Hồng Kông! Ma tuý! CIA! Tình báo Trung Quốc! Đồng chí có thể giúp gì chúng tôi trong việc tìm hiểu các vấn đề đó không?

- Lưu hẳn là người của tình báo Bắc Kinh ở Hồng Kông?

- Có lẽ thế.

- Đấy chưa phải câu trả lời, thưa đồng chí Côn-xtan-tin I-va-nô-vích! Hoặc là khẳng định, hoặc là phủ định kia.

- Nhưng chúng tôi còn chưa biết! Nên tôi mới bay đến đây tìm đồng chí đấy, đồng chí Xtê-pa-nốp ạ! Còn bây giờ chúng tôi chú ý đến Glép hơn cả.

- Ở đây, ở Na-gô-ni-a hắn nguy hiểm đến mức độ nào đối với lợi ích của nước ta?

- Mức độ đáng kể! Có thể nói hắn là một mắt xích trong chuỗi xích nối CIA với tên gián điệp của chúng ở Mát-xcơ-va.

- Gián điệp ở Mát-xcơ-va! Người Nga?

- Chúng tôi chưa biết. Ít ra là hiện giờ chưa biết.

- Đề tài phản bội hấp dẫn tôi đấy – Xtê-pa-nốp nói – Nhưng thế nghĩa là thế nào nhỉ, theo đồng chí?

- Cũng là một hiện tượng dị biệt thôi – Côn-xtan-ti-nốp trả lời tự tin. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng sự phản bội nói chung là một phạm trù bệnh lý, chứ không nằm trong thuộc tính một người bình thường.

- Đồng chí không đơn giản hoá sự giải thích đấy chứ?

- Ngược lại. Tôi còn làm phức tạp thêm, Đmi-tơ-ri Iu-rê-vích ạ! Nhưng tôi bày tỏ quan điểm riêng của mình, cần gì phải dựa theo những quan điểm khác phải không? Vậy là đồng chí đồng ý giúp chúng tôi chứ?

- Không có vấn đề gì khó, đồng chí Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ! Có điều tôi không thạo chụp ảnh bằng những máy ảnh bí mật và không biết bò trên mái nhà – Xtê-pa-nốp mỉm cười.

- Đồng chí quan niệm về công tác phản gián tài tử thật! – Côn-xtan-ti-nốp cũng mỉm cười – An ninh quốc gia là công việc dính dáng đến những vấn đề Nhà nước, và công cụ chính phải là cái đầu suy nghĩ, chứ đâu phải những năng khiếu nhào lộn, làm xiếc…

- Vậy tôi có thể giúp vào việc gì, và giúp cách nào?

- Đồng chí Đmi-tơ-ri Iu-rê-vích ạ, công việc có thể cũng có mạo hiểm đấy. Còn chúng tôi xin cứ đối xử với đồng chí theo cách của người nhà. Sách báo và phim quay được của đồng chí cần cho đất nước đấy. Và đồng chí hãy cẩn thận hơn chút nhé! Vấn đề là ở chỗ, ở Na-gô-ni-a này có một nhà báo Mỹ tên là Đô-nan Ghi đang làm việc…

(1) USIA (United States Information Agency): Hãng thông tấn Hoa Kỳ (ND).

(2) In-te-pôn (Interppol) viết tắt từ chữ International Criminal Commission Police: Uỷ ban cảnh sát hình sự quốc tế, có trụ sở ở Pa-ri, nhằm phối hợp mọi hoạt động các nước thành viên, để cùng truy lùng tội phạm (ND).

Phần 21

NHỊP ĐỘ

“Bạn thân mến, chúng tôi sung sướng chuyển đến bạn lời chào của P. kiều diễm. Theo đề nghị của P. chúng tôi xin thông báo là công việc của bạn tiến triển rất tốt, và những cổ phần mà cô ấy kiếm được từ tiền thưởng của bạn đã được bỏ vào một công việc đáng tin cậy, có thể trông đợi 12 đến 13 phần trăm lãi cho mỗi khoản vốn. Xin báo là tiền thưởng của bạn gồm 32.772 đô-la 12 xu. Tuy nhiên, do bạn đã yêu cầu gửi thuốc men, những đồ vàng bạc, nên chúng tôi đã chi đi 641 đô-la 3 xu, do vậy, số tiền còn lại là 32.131 đô-la 09 xu. Theo đánh giá của người chỉ huy chúng tôi, bạn sẽ đóng góp một phần lớn lao vào sự nghiệp giải phóng Na-gô-ni-a khỏi chế độ cộng sản. Yêu cầu bạn tiếp tục thông tin thường xuyên. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề chúng tôi quan tâm hơn hết là: Ở Mát-xcơ-va có biết gì về sự giúp đỡ của chúng ta cho các nhóm đối lập chánh phủ và nếu biết thì cụ thể biết những gì? Sẽ có sự mở rộng viện trợ cho chế độ Gri-xô không? Chúng tôi rất quý các tin báo kịp thời của bạn về thời gian và nơi xuất phát các đoàn tàu thuỷ. Nay mai, chúng tôi sẽ gửi cho bạn những hướng dẫn mới và tất cả những gì lần trước bạn yêu cầu. Chúng tôi rất vui mừng vì mọi lo ngại của bạn giờ đã có thể loại bỏ. Sắp tới có lẽ chúng tôi đề nghị tạm nghỉ liên lạc bằng vô tuyến một thời gian để bảo mật, và sẽ thảo luận những hình thức làm việc mới cho giai đoạn tiếp. Xin chân thành chúc mừng bạn. Các bạn L và G của bạn”.

*

* *

“Gửi Cục tình báo Trung ương Hoa Kỳ. Tối mật. Bộ phận vạch kế hoạch chiến lược.

Chiến dịch “Ngọn đuốc” đã bước vào giai đoạn cuối. Mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Cần liên lạc với lầu Năm góc về vấn đề cung cấp máy bay lên thẳng cho Ô-ga-nô vào thời gian gần nhất.

Các giai đoạn của kế hoạch:

Vào ngày N. (thứ bảy hoặc chủ nhật, rất…

thiếu trang 179,180,181,182

- Họ có đánh điện cho Dô-tốp không?

- Theo chỗ tôi biết thì không.

- Sao vậy?

- Trên thực tế, hai người đã ly dị rồi, họ sống mỗi người một nơi.

- Chị ta ốm khi nào?

- Ông già láng giềng của Đu-bốp kể là chị ấy bị quỵ từ buổi chiều. Đu-bốp xoa mù-tạt cho chị ấy, cho xông bằng mù-tạt, vỗ vỗ chân cho ra mồ hôi, anh ta lóng nga lóng ngóng, ông già nói thế, nhưng đã làm đủ mọi cách. Sáng ra anh ấy gọi xe cấp cứu, nhưng đã muộn.

- Tôi chẳng hiểu gì cả - Côn-xtan-ti-nốp nhắc lại - Chẳng thể hiểu cái quái gì cả!

Và ông gọi điện cho ban giải mã.

Pa-nốp báo cáo là đã ba ngày trở lại đây - tức là sau cái chết của Vin-te, không thấy có các bức điện vô tuyến đánh từ trung tâm tình báo CIA nữa.

- Vậy là chính chị ta đã thu những bức điện kia? – Côn-xtan-ti-nốp đăm chiêu hỏi, mắt nhìn sang Prô-xcu-rin.

- Chẳng thế, còn ai vào đây nữa!

- Ôi chao – Côn-xtan-ti-nốp lắc đầu, lấy điếu xì-gà ra, từ từ bóc lớp giấy bóng kính – Cho mọi người tập hợp, ta sẽ bàn bạc tình hình.

*

* *

Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, vào hồi 7h15, như trước kia, trung tâm tình báo ở A-ten của CIA đã đánh cho tên gián điệp ở Mát-xcơ-va bức điện ngắn (1).

- Vậy là không phải Vin-te? – Côn-xtan-ti-nốp mời Prô-xcu-rin và Pa-nốp lên và hỏi.

- Cũng rất có thể là bọn chúng chưa kịp hay biết gì về việc chị ta chết đột ngột – Prô-xcu-rin không đồng ý!

- Cũng có thể… Thế Vin-te làm gì vào những ngày cuối cùng? Gặp gỡ với ai? Nói những chuyện gì?

- Rai-xa Ni-a-mê-tô-va nói là Vin-te đã ở chỗ chị ấy trước hôm chết, một cuộc gặp gỡ bình thường của các bạn gái, không có gì quan trọng cả, vui vẻ nữa, thế thôi.

- Đồng chí có hiểu tí gì không? Côn-xtan-ti-nốp hỏi Pa-nốp – Tôi thật không hiểu ra làm sao nữa. – Ông quay sang Prô-xcu-rin - để tôi sẽ đến gặp Rai-xa Ni-a-mê-tô-va nhé, dẫu sao tôi cũng có biết Vin-te, câu chuyện có thể có giá trị hơn. Anh báo trước cho chị ấy nhé, càng sớm càng tốt…

Tuy nhiên, ông phải hoãn lại cuộc đến thăm Rai-xa: Trung tướng Phê-đô-rốp đột ngột gọi Côn-xtan-ti-nốp, Prô-xcu-rin và Cô-nô-va-lốp lên. Mặt ông nhợt nhạt, nhợt nhạt đến mức xanh xao. Ông ngồi sau bàn, tay đặt lên phía trước và có thể trông rõ các ngón tay của ông đang nắm chặt hộp bút chì màu, các móng tay tím nhợt hẳn ra.

- Điều này cũng không là khám phá mới mẻ gì với các đồng chí – Ông nói - nếu như tôi khẳng định là trong tình báo, không ai tiến hành cuộc độc thoại bằng vô tuyến suốt trong một năm. Phải có hồi âm – đó là kẻ mà ta chưa có một khái niệm nào. Đây là một cuộc đối thoại mà sự sôi nổi của nó – như ta đã có dịp chứng minh - phụ thuộc vào tình hình căng thẳng đang dần tăng lên hiện nay trên lục địa châu Phi, cụ thể là Na-gô-ni-a. Kết luận thật rõ ràng: nguồn đưa tin là một kẻ rất am hiểu, hắn thông báo cho các ông chủ của hắn một loạt lĩnh vực rộng lớn của các vấn đề. Như thế là mỗi cuộc đối thoại đều làm thiệt hại cho chúng ta. Xác định mức độ thiệt hại này, hiện chưa thể làm được. Chúng ta sẽ xác định nó, nhưng càng làm muộn bao nhiêu càng phải trả giá đắt bấy nhiêu. Còn bây giờ các đồng chí hãy xem thông báo đặc biệt khẩn mà tôi vừa nhận được…

Phê-đô-rốp mở cặp giấy đỏ, dặng hắng và đọc chầm chậm như đánh vần từng chữ:

“Hôm nay vào hồi 5 giờ sáng, chiếc tàu vận tải U-xpen-xky, đăng ký tại cảng Ô-đét-xa, đã bị nổ khi đi vào cảng Luy-xbua với toàn bộ số hàng gửi cho Na-gô-ni-a. Chiếc tàu từ cảng Muốc-man-xcơ, chở máy móc nông nghiệp, xe vận tải và thuốc men. Ba nhân viên trong đội tàu đã hy sinh”.

Phê-đô-rốp chậm rãi nhìn các cán bộ công an một lượt rồi lại nắm tay vào và chuỗi tay ra, như thể cố làm cho nó ấm lên:

- Tôi cho rằng hành động này là trò phiêu lưu tự biên tự diễn của CIA; chính phủ chúng chưa thể chuẩn y cho một hành động trâng tráo như thế. Rốt cuộc là bọn chúng đã hiểu, tình hình phải làm như vậy và không thể giấu được hành tung của chúng nữa.

Phê-đô-rốp im lặng một lúc, rồi ông nói không kìm được nữa:

- Tôi nghĩ rằng sau khi nghe được tin báo về tai nạn của chiếc tàu chúng ta như thế, thì đến ngay cả Phê-lích Ét-mun-đô-vích (2) cũng sẽ xin từ chức. Rõ chưa? Xla-vin thì ngồi ngâm cứu ở Luy-xbua, các anh ngồi đây mà vạch kế hoạch, trong khi chúng giết người, phá hoại phương tiện kỹ thuật!... Các anh không tìm ra được thì cứ nói, để tôi còn thu xếp, cắt cử người khác!

Côn-xtan-ti-nốp nói nhỏ:

- Xla-vin đang thực hiện nhiệm vụ của mình một cách xứng đáng, chỉ có tôi, tôi xin sẵn sàng từ chức ngay.

Phê-đô-rốp rút tay khỏi bàn.

- Về việc anh từ chức thì hãy gượm: trước tiên anh hãy làm cho xong việc đáng phải làm đã. Có vậy thôi. Mời các anh về nghỉ.

(1) Nội dung bức điện lúc đó vẫn chưa giải mã được như sau: “Hôm nay, chúng tôi đã đọc tín hiệu kiểm tra của bạn. Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra ở chỗ đã hẹn vào thời gian thường lệ. G và L của bạn” (tác giả chú thích).

(2) Tức P.E Dgéc-din-xky, nhà hoạt động phản gián Xô-viết nổi tiếng, đứng đầu cơ quan an ninh Liên Xô hồi đầu Cách mạng tháng Mười (ND).

Phần 22

XLA-VIN

Tại bữa chiêu đãi ở sứ quán Liên Xô, Glép kéo Dô-tốp ra một chỗ, chìa cho anh cuốn sách nhỏ bìa cứng, đã sờn, giải thích:

- Hoá ra cái này khó tìm quá đỗi: phải nhờ tận Oa-sinh-tơn, và nhà xuất bản sách Nga Cam-kin đã giúp đỡ.

- Rất cám ơn. Ông cho mượn được bao lâu?

- Cho mượn mãi mãi.

- Không cần đến thế, cảm tạ ông. Một tuần nhé?

- Được lắm, ông có muốn chụp phô-tô co-py lại trên máy Xê-rốt (1) không?

- Chỗ tôi cũng óc một cái máy Xê-rốt, tuy ọc ạch, nhưng tôi cũng sẽ cố gắng tự sao chụp lại.

Dô-tốp, vốn dân mọt sách, không kìm được mình, vội liếc ngay năm xuất bản của cuốn sách, viết về dân ca châu Phi: 1897.

- Cám ơn ông Giôn – anh nhắc lại, - tôi thật hết sức hàm ơn ông.

- Chính tôi phải cảm tạ ông mới phải, En-driu (2) ạ!

- Cảm tạ tôi? Về cái gì?

- Về tình bạn ông đối với chúng tôi.

- Tình bạn loại trừ khái niệm “tạ ơn”, ông Giôn ạ, ít ra thì cũng là người Nga chúng tôi nghĩ thế. “Tạ ơn”, có gì đó gắn vào với chuyện kinh doanh.

- À, thế nhân chuyện kinh doanh, ông có thể giúp tôi được không?

- Việc gì vậy?

- Tôi rất muốn gặp đại diện thương mại của các ông.

- Không có vấn đề gì khó, để tôi sẽ thu xếp. Nhưng về đề tài gặp gỡ?

- Về Na-gô-ni-a ấy mà.

- Ông có can hệ gì đến Na-gô-ni-a?

- Cũng như các ông thôi, tôi nghĩ đến tương lai của nước này. Chính phủ nước tôi bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về việc các ông cung cấp thiết bị kỹ thuật. Mà tôi sở dĩ biết chuyện này vì hãng tôi đang nghiên cứu làm thế nào cho các thiết bị của các ông chóng hỏng!

- Các ông giở trò vô ích thôi, Giôn ạ, chả lẽ các ông muốn có thêm một Việt Nam thứ hai?

- Chúng tôi thì không. Nhưng chính các ông muốn có đấy, En-đriu ạ! Đừng nghĩ rằng tôi ủng hộ Chính phủ tôi, ở đó cũng không có nhiều những đầu óc thông minh lắm đâu, tuy nhiên, cũng gọi là có dăm ba kẻ có nếp nhăn ở vỏ não. Chúng tôi đã không nhúng vào Na-gô-ni-a, chính là các ông đã thò tay vào đó. Các ông đã ký hiệp định với Gri-xô, vậy là nếu có chuyện gì, thì các ông sẽ viện trợ quân sự cho ông ta chứ gì.

- Ở vào địa vị tôi thì tôi sẽ chi viện.

- “Ở vào địa vị tôi”! Ông đâu phải là Chính phủ. Nói chung, dân chúng các ông ủng hộ một hành động như thế không?

- Dứt khoát là ủng hộ rồi.

- Chà, đấy mới đúng là cách trả lời của đàn ông…

- Khi nào ông có thể nói lại với xếp của ông?

- Ông hãy gọi điện vào khoảng 3 giờ chiều mai, ô-kê?

- Thoả thuận thế nhé. Nhờ ông chuyển lời hỏi thăm của tôi đến bà vợ kiều diễm của ông, En-đriu ạ.

- Cảm ơn ông.

- Khi nào ông đón bà ấy quay trở lại đây?

- Khi nhà tôi xong công việc ở Mát-xcơ-va.

Họ bắt tay nhau rổi chia tay. Cũng như mọi buổi tiếp tân, buổi này được tổ chức chào mừng dàn nhạc Xô-viết đến Luy-xbua, cũng là một hình thức của công tác ngoại giao: ở đó người ta hẹn nhau gặp gỡ, đề cập đến những vấn đề đáng quan tâm, tuy không phải bao giờ cũng đáng quan tâm cho cả hai phía, trao đổi những thông tin đã được hiệu chỉnh chính xác và với liều lượng chính xác.

Còn Glép, sau khi rời khỏi chỗ Dô-tốp, đến trao đổi mấy câu xã giao lịch thiệp với tham tán về văn hoá của sứ quán, tỏ bày sự hào hứng của mình với nhạc trưởng dàn nhạc, ôm lấy anh một cách thân thiện và nói đùa:

- Khi quả núi không chịu đến với Ma-hô-mét, thì đã có Đức Phật triệu tập hội nghị các nước không liên kết lại với nhau (3). Chào Vít thân mến, ông biến đi đâu thế?

- Chỉ có ông biến đi mất, chứ tôi vẫn đang gắng làm việc đấy thôi.

- Ái chà chà, cái công việc quỷ quái ấy chứ gì!

- Cũng không đến nỗi quỷ quái lắm đâu!

- Tôi muốn nói gánh nặng của công việc, chứ không đề cập đến mục tiêu, Vít ạ!

- Tôi cũng đang nói về vấn đề ấy đấy, có điều gánh nặng của công việc không ai gọi là quỷ quái bao giờ! Còn nếu nói về gánh nặng mà chiếc xe “Fi-át” nhỏ bé của tôi thì lại là chuyện khác: Hãy thử mà bứt ra khỏi những con mắt tò mò, đi. Ở đây người ta quá tò mò phải thế không ông?

- Người ta theo dõi ông không rời chứ gì? – Glép thở dài – Làm thế nào được, phải quen đi thôi. Bọn họ còn theo dõi tôi cả ở trong cầu tiêu nữa ấy!... Thôi, hôm nay Pi-la đang đợi chúng ta để thết món Xpa-ghét-ti (4) đấy. Ông có thích ăn Xpa-ghét-ti không?

- Tôi thích, nếu có nhiều. Một nữ diễn viên Pháp thông minh đã nói thật chính xác về sự khác nhau giữa bàn ăn Mát-xcơ-va và bàn ăn phương Tây. Cô ta bảo: “các tủ kính bày hàng ở Mát-xcơ-va thì thật sơ sài, trông chẳng có gì hấp dẫn, nhưng nếu bạn đến chơi bất kỳ nhà ai thì nào cá hồng khô, nào giăm bông, nào phó-mát, chẳng thiếu gì! Còn bên chúng tôi thì các tủ kính bày cứ hoa cả mắt, thế nhưng đến chơi thì người ta chỉ mời bánh quy với cốc nước chè thôi!”. Nhận xét vui đấy chứ?

Glép phì cười:

- Được quá! Ác khẩu. Nhưng đúng! Sẽ có Xpa-ghét-ti, không những có cả phó-mát, mà tôi sẽ bảo để Pi-la chuẩn bị có cả thịt nữa, dù phải phá sản cũng cam… và ông sẽ tự đến, hay là tôi phải tìm cách nẫng ông ra khỏi lưới giám sát của các tay pin-kéc-tơn (5) địa phương?

- Thế thì để ông đánh tháo cho tôi hơn… Như thế về phía ông thật đĩnh đạt hết chỗ nói.

- Được, trước tiên để tôi đi kéo người thân của ông trước, sau rồi sẽ lên chỗ ông.

- Người thân của tôi, cô ấy lại ở Mát-xcơ-va kia, Giôn ạ!

- Tôi nói Pôn đấy!

- Ái chà, ông ấy đã là người thân của tôi ư? Ông phải chúc mừng tôi mới phải, có Pôn Đích là người của mình thật hết sức vinh dự.

- Ông ta đã đem câu chuyện về lão Nga xấu số ra để căn vặn tôi suốt.

- Lão Nga nào?

- Cái lão đã chữa cái ra-két cho ông ấy.

- Ác-khíp-kin, Bê-liu. Thế lão ta đúng thật là người Nga à?

- Hẳn rồi. Và người ta đã gọi lão hệt như Pôn đã gọi ông: I-van, Ai-ven.

- Tin ông lão chết đã đăng trên báo chưa?

- Có lẽ hiện giờ thì chưa. Tôi có các bạn làm việc ở FBI (Cục điều tra liên bang) nhưng đóng ở đây, họ cho rằng đăng tin này hãy còn sớm, ít số liệu. Họ cho rằng vụ này còn rất hay, chưa thể bình luận ngay được.

- Nếu ông biết thêm điều gì mới thì nói cho tôi hay với nhé.

- Ông định viết về số phận tên di cư xấu số ấy chăng?

- Nếu đó là một số phận ly kỳ thì sao lại không viết? Tôi sẽ viết đấy, nhất định thế!

- À, ông đã đọc tuyên bố của ông Ô-ga-nô chưa?

- Ông ta luôn có nhiều tuyên bố lắm, ông định nói về cái tuyên bố nào?

- Tuyên bố hôm nay. Các gã ký giả bên phía chúng tôi đã lọt vào gặp được ông ta, - ông ta vốn hay xua đuổi họ - báo chí đế quốc mà lại…

Xla-vin bật cười.

- Ông ta không chơi bóng bàn đấy chứ?

Glép chưa hiểu ra ngay, vươn người về phía người đối thoại – theo thói quen – và hỏi:

- Bóng bàn? Sao vậy? Ông định ngụ ý gì?

- Tôi ngụ ý đến một nền ngoại giao – Xla-vin đáp – Ông có nhớ đã từng có một kiểu ngoại giao như thế rồi không?

- À, đó là những trò chơi của tiến sĩ Kít-xinh-giơ. Nói chuyện với ông khó quá, ông quá am hiểu so với một ký giả, Vít ạ!

- Một ký giả không am hiểu thì thật là điều phi lý! Ông ạ, vậy ông Ô-ga-nô gần đây nhất đã tuyên bố những gì?

- Ông ta nói rằng cả các cố vấn của các ông, cả hàng hoá vẫn cung cấp cho Na-gô-ni-a, cũng không cứu vãn được cho Gri-xô khỏi sụp đổ. Ông ta bảo, đó chỉ là vấn đề của ba bốn tháng tới.

- Tôi nhớ, trước đây ông ta cũng đã tuyên bố thế rồi!

- Phải, chỉ có điều ông ta chưa nêu được thời hạn như bây giờ.

“Vậy là, bọn chúng đã có một thời hạn xác định – Xla-vin nghĩ – Tên kia dám để lộ thời hạn ba, bốn tháng là tối đa, cũng không phải thừa - Bọn chúng phải bắt đầu sớm hơn thế nhiều”.

Về nhà, Glép vào ngay phòng làm việc, hạ cửa sổ xếp nếp xuống cho kín, vặn nhạc to lên, lấy máy ghi âm nhỏ từ trong túi ra. Mi-crô được lắp trong một cái đồng hồ, rất tiện; hắn nối nó vào một hệ thống máy đặc biệt và bắt đầu chăm chú nghe. Các câu nói của Dô-tốp: “Chỗ tôi cũng có một cái máy Xê-rôx tuy ọc ạch nhưng tôi sẽ cố gắng tự sao chụp lại”, “Cám ơn ông Giôn, tôi thật hết sức hàm ơn ông”, “không có vấn đề gì khó để tôi sẽ thu xếp”, “ở vào địa vị tôi thì tôi sẽ chi viện”, “dứt khoát là ủng hộ rồi”, “ông hãy gọi điện vào khoảng ba giờ chiều mai, ô-kê!” hắn ghi sang băng có độ nhậy cao và cất nó vào két.

Thay quần áo xong xuôi, hắn đến chỗ Pi-la, chuyển cho ả cái máy ghi âm bé xíu thứ hai và nói:

- Tiểu thư xinh đẹp ơi, em sẽ phải hôn Dô-tốp, nói với hắn “Anh yêu quý” và trò chuyện sao cho hắn nói với em những lời sau đây: “Mệt quá, không thể làm hơn được nữa”, “Thôi kệ mọi thứ!”. Em có ba tiếng để hoàn tất kịch bản, kịp chứ? – Em hãy ngẫm nghĩ cho khéo, vì trong băng ghi âm chỉ ghi đủ có bốn mươi phút thôi, rõ chưa? Em nhớ bảo A-li-xa làm thêm thịt vào món Xpa-ghét-ti nhé. Tay Xla-vin này biết đòi hỏi những gì hắn muốn đấy. Hiện giờ ta hãy chịu khó chiều hắn một chút, được chứ?

(1) Xerox: Các máy sao chụp chính xác và nhanh chóng do hãng Rank – Xerox của Mỹ chế tạo (ND).

(2) Tên An-đrây đọc theo âm tiếng Anh (ND).

(3) Ngạn ngữ các nước Hồi giáo: khi nào quả núi không đến với Ma-hô-mét thì Ma-hô-mét sẽ tự mình đến với quả núi (ND).

(4) Món mì sợi Ý rất mềm và ngon (Spaghetti).

(5) Pin-kéc-tơn (Pinkecton): tên một hãng thám tử tư có tiếng ở Mỹ về sau trở thành danh từ chung để chỉ các thám thử (ND).

Phần 23

TÌM KIẾM – IV

Sau khi nói chuyện với Côn-xtan-ti-nốp qua hệ thống liên lạc cao tần từ Sở Công an Ô-đét-xa, Gmư-ri-a vào quầy bán vé của hãng A-rê-rô-flốt và mua vé bay chuyến tối.

“Dù thịt một con cừu ghẻ cũng còn được một nắm lông, anh vừa nghĩ vừa rút chiếc quần bơi trong cặp ra. Bay đến tận Ô-đét-xa, mà không được tắm biển cho đã, thì thật ngốc! Hơn nữa, Sác-ghin, theo lập luận, thì đã ra khỏi danh sách. Chẳng còn bận bịu gì nữa, một cú nghỉ hè thật bất ngờ, anh hay gọi là “va-căng-xơ”! Anh rất thích cái từ gốc tiếng Pháp này, đến cả các chuyến nghỉ đi săn anh cũng gọi là “va-căng-xơ”. Vả lại, trong suốt những năm làm việc trong ngành pảhn gián – anh đã làm ở đó hai mươi nhăm năm cả thảy, trong tổng số bốn mươi bảy năm của đời mình, mà anh chưa có được một kỳ “va-căng-xơ” thật sự nào. Mùa hè không lôi cuốn anh lắm, và anh tránh xa việc xin vé đi nghỉ - chuyện vé này thật khó khăn, ngao ngán. Anh dành một tuần để mở màn đi săn vịt trời vào cuối tháng tám, hai tuần để săn lợn lòi vào tháng mười một, và nếu được phép săn bắn mùa xuân thì anh về A-khơ-tư-ri cuối tháng tư, lúc ấy vừa vặn vào mùa săn ngỗng phương Bắc.

Gmư-ri-a biết tính toán thời gian, việc săn bắn rèn luyện cho anh sự chính xác tuyệt đối về thời gian, nên nói chuyện với Mát-xcơ-va xong, anh vào quầy căng tin ngay - một miếng phó-mát mềm, một cốc sữa, một tách cà-phê thế là đủ, rồi ra bến ô-tô lấy vé đi ra bãi tắm, tiện thể hỏi xem tuyến xe nào đi ra sân bay “việc gì còn phải phiền đến anh em trong sở, lại cảm thấy bị lệ thuộc vào người khác, tự do muôn năm!”, rồi gửi cặp và đồ đạc vào phòng giữ đồ, bơi lội thoả thuê để về Mát-xcơ-va với nước da rám nắng!

Gmư-ri-a ghé vào quán ăn và chạm trán với Sác-ghin. Sác-ghin lơ đãng nhường bước Gmư-ri-a đi trước, tiếp đó là Van Dê-gơ của hãng “Tờ-rết Co-pô-rây-sần”, sau rốt, chính là Sác-ghin.

Trong quán vắng vẻ, khách ở khách sạn có việc đi tắm mát, những người đi nghỉ thì đang ở ngoài bãi phơi nắng, Sác-ghin ngồi với Van Dê-gơ bên cửa sổ, cạnh một cây cọ, cái cây dường như để trả thù việc người ta chở nó từ châu Phi đến, cứ mọc cao ngồng lên – còn nửa mét nữa thì sẽ chạm trần. “Sao Van Dê-gơ lại ở đây nhỉ? – Gmư-ri-a nghĩ – Sác-ghin bay đi có một mình cơ mà!”

Giữa lúc đó ở bàn bên họ đang nói chuyện rất nhỏ bằng tiếng Anh. Sác-ghin thì thào:

- Thật không đúng đắn chút nào, ông đã “dẫn tôi vào tận tu viện” mất rồi.

- “Dẫn vào tu viện” nghĩa là thế nào? – Dê-gơ không hiểu. (Sác-ghin nói với những thành ngữ quá chuẩn, theo đúng các quy tắc ngữ pháp, khiến cho thứ tiếng Anh hàn lâm viện của anh ta quả là khó hiểu!)

- Nghĩa là từ nay về sau, tôi sẽ không thể giúp ông như đã làm trước đây được nữa.

- Rất không hay, Lê-ô ạ. Không hay đối với cả ông và cả tôi.

- Thế thì ông hãy thực hiện những lời hứa của mình đi.

- Ông nghĩ rằng cái đó chỉ phụ thuộc vào một mình tôi hay sao?

- Nhưng ở đây ông đại diện cho quyền lợi của hãng phải thế không?

- Tôi cố gắng làm việc đó, Lê-ô ạ. Nhưng đâu phải mọi thứ đều tùy thuộc ở tôi? Tôi không phải có toàn quyền như cảm tưởng ban đầu dễ lầm. Việc bảo vệ uy tín là điều lừa gạt thôi. Tình hình càng nát trong giới chóp bu của công ty tôi, người ta càng gửi cho tôi mác ô-tô thật sang trọng, càng cho tôi chi nhiều tiền, để tôi có đủ phương tiện làm phách và thết đãi các bên ký kết của tôi, thế thôi!

- Ông thết đãi ai là việc của ông, nhưng tôi cần nhìn vào sự thông minh tối thiểu ở các ông chủ của ông. Nếu họ vung tuyên bố của họ ra, thì đối với tôi, như vậy coi như kết thúc, ông thấy không? Tôi hoàn toàn tỉnh táo khi tôi nói đây, ông Dê-gơ ạ!

Rồi Sác-ghin quay lại, lấy tiền, tiến đến chỗ cô thu tiền ở quầy hàng thanh toán. Nhưng Van Dê-gơ vẫn chưa đứng dậy.

- Ta đi thôi – Sác-ghin nói – cùng đi nhé, phải làm cái gì chứ.

Gmư-ri-a gọi tắc-xi đến cơ quan an ninh, lại gọi cho Côn-xtan-ti-nốp và khi đã truyền đạt gần như nguyên văn cuộc đối thoại lạ lùng kia, mà anh là người chứng kiến ngẫu nhiên, anh yêu cầu cho phép anh được hành động tiếp tục.

“Gửi Trung tâm.

Suốt đêm Sác-ghin và Van Dê-gơ không ra khỏi phòng của Sác-ghin, cùng soạn thảo một bản tóm tắt báo cáo nào đó. Ba lần, họ xin đăng ký điện thoại gọi đi Luân-đôn, Mác-xây và La Hay, nhưng không gọi được vì đường dây bận.

Gmư-ri-a”

“Gửi Gmư-ri-a.

Hãy về Mát-xcơ-va. Về Sác-ghin yên tâm, đâu vào đấy cả!

Trung tâm”

*

* *

(Bản tóm tắt báo cáo mà Sác-ghin soạn trong căn phòng khách sạn ở Ô-đét-xa đã ghi nhận rằng, sau khi Van Dê-gơ nghe được lời đồng ý sơ bộ là sẽ bán dầu thô cho công ty anh ta - sự đồng ý có tính thân hữu, và chưa chính thức – đã đánh tê-lếch ngay cho ban giám đốc hãng, và họ đã đăng ngay lên báo chí tin đó; chỉ có điều đã tự ý nêu ra một cái giá hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Liên hiệp xuất nhập khẩu Liên Xô, mà người phải chịu trách nhiệm về việc định giá chính là Sác-ghin. Về phần Sác-ghin thì anh đã được đích thân Phó giám đốc Liên hiệp xuất nhập khẩu trao nhiệm vụ báo tin sơ bộ trên cho Van Dê-gơ, vì thế, trong câu chuyện ở quán ăn mà Gmư-ri-a đã chứng kiến, Sác-ghin đã bực dọc không vì cái gì khác, mà chính là do mánh lới vặt, không đứng đắn trong cam kết của anh bạn hàng phương Tây của mình).

Phần 24

CÔN-XTAN-TI-NỐP

- Chị Rai-xa ạ - Côn-xtan-ti-nốp vừa nói vừa bước vào căn phòng xinh xắn trải thảm, - tôi đến để nhờ chị một việc.

- Mời đồng chí vào – Rai-xa Ni-a-mê-tô-va chấp nhận một cách thoải mái – có điều tôi chưa hề biết gì về đồng chí. Người ta chỉ gọi điện thoại cho tôi báo rằng sẽ có một vị tướng đến, còn để làm gì thì họ không giải thích.

- Tôi không thể hy vọng là cuộc nói chuyện giữa tôi và chị sẽ hoàn toàn bí mật, đối với mọi người xung quanh, kể cả đối với người thân, bạn bè gần gũi nhất?

- Đồng chí tin vào lời hứa danh dự chứ? - Người phụ nữ thở dài, cái nhìn của chị vô tình lướt ngang những bức ảnh trên tường - chị và người chồng cũ.

Prô-xcu-rin đã cho Côn-xtan-ti-nốp xem một trong các tấm ảnh này. Họ đã bỏ nhau ba năm về trước. Anh chồng mê một cô khác, vả lại cũng chẳng có cách gì để giữ anh ta nữa: Sau khi mổ vì chửa ngoài dạ con, Rai-xa không thể có con được nữa.

- Tôi rất tin lời hứa danh dự - Côn-xtan-ti-nốp trả lời – không biết chị có biết câu chuyện này không; khi Crô-pốt-kin (1) chết, bà vợ goá đã viết thư cho Lê-nin. Tất cả đám vô chính phủ lúc ấy đang ngồi tù, chẳng còn ai đưa vị công tước nổi loạn kia đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Quả phụ xin Lê-nin cho phép tạm tha bọn vô chính phủ để đi đưa tang. Lê-nin gọi Dgiéc-din-xky đến, sau khi thảo luận, hai người thống nhất để Dgiec-din-xky tới Bu-tri-rơ-ka, yêu cầu cho tất cả đám vô chính phủ bị tù xếp hàng lại. Rồi đồng chí đến từng người và lấy lời hứa danh dự là sau khi chôn cất Crô-pốt-kin xong, người đó sẽ quay lại nhà tù. Ấy vậy mà bọn họ đã quay về tất cả! Đủ hết, thế đấy! – Và tôi là người của KGB, hậu sinh của Tsê-ka, nên dễ hiểu là tôi đã được rèn để tin vào lời hứa danh dự.

- Không lẽ bọn họ lại quay về tất cả? - Người phụ nữ hỏi khẽ - kỳ diệu thật. Sao sách vở lại không viết về chuyện này nhỉ?

- Có viết đấy chứ. Tôi đã được đọc ở trong sách mà! – Côn-xtan-ti-nốp đáp.

- Tôi cũng xin hứa danh dự - Rai-xa nói – Hơn nữa, chú tôi, Sa-ríp Sa-ki-rô-vích cũng làm việc ở cơ quan Tsê-ka và đã bị phát-xít xử bắn ở nhà tù Mô-a-bít cùng với Mu-xa (2) đấy.

- Tôi có biết việc ấy. Thế này nhé, chị Rai-xa I-xmai-lốp-na, tôi đang cần biết tất cả những gì liên quan đến Ôn-ga Vin-te.

- Ôn-ga? – Rai-xa kinh ngạc, mắt chị bỗng chốc ứa lệ - có chuyện gì vậy, đồng chí? - Thật đau đớn, trời ạ, đau thương quá… sao đồng chí lại quan tâm đến cố ấy đúng vào lúc này?

- Tôi muốn hỏi chị ấy đã đến chỗ chị lần cuối vào khi nào?

- Tôi không nhớ rõ… Năm ngày trước đó, hay bốn ngày thì phải, vậy thì sao hả đồng chí?

- Chị ấy đến có một mình sao?

- Không. Đi cùng Xê-ri-ô-gia.

- Xê-ri-ô-gia nào?

- Còn Xê-ri-ô-gia nào nữa? Đu-bốp ấy. Họ đến chỗ tôi quãng bảy giờ, đem rượu sâm-banh đến; Xê-ri-ô-gia kiếm ở đâu đấy, được loại rượu tinh chất A-brau Đuyếc-xô, loại sâm-banh chay chưa hề pha gì hết ấy. Cả hai ngồi đây, chuyện phiếm một lát rồi về.

- Chị thấy sức khoẻ Ôn-ga hôm đó thế nào?

- Hoàn toàn tốt, thế mới khủng khiếp chứ! Giá như chị ấy ốm yếu thì đành một nhẽ…

- Chị cố nhớ lại xem buổi tối hôm ấy có những chuyện gì?

- Người ta thường nhớ những giây phút đỉnh điểm, có gì bất ngờ, còn hôm ấy thì chẳng có gì đặc biệt cả… Xin lỗi, đồng chí tên là gì nhỉ?

- Côn-xtan-tin I-va-nô-vích.

- Đồng chí cũng thấy đấy, Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ, khó mà kể lại cho người khác nghe về câu chuyện đã nói với một người bạn gái, một câu chuyện thật tầm thường, như không có gì… Ôn-ga đã mở băng cát-xét, - Rai-xa bật khóc – chị ấy thuộc tất cả các băng cát-xét, vì chính chị ấy đã đem tặng tôi hàng chồng một, mỗi khi chị ấy đem chúng từ Luy-xbua về.

- Hôm ấy chị ấy mở băng Đê-mi-xơ Rút-xốt (3), chị ấy ngồi cạnh Xê-ri-ô-gia và hỏi anh ta có nhớ bài hát này không, anh ta trả lời là không nhớ, chị ấy bèn nói: “Ngốc ơi, đấy là bài hát của chúng mình mà”. Anh ta kinh ngạc nhìn chị, còn chị ấy thì phá lên cười, cười một cách kỳ lạ, chỉ có người chết mới cười lạ đến như thế, và bảo: “Anh nhớ không, bài hát này lúc nào cũng thấy truyền trên ra-đi-ô ở cái phòng “Luých” của chúng mình ấy”. Anh ta lại tỏ ra không hiểu: “Luých” nào nhỉ? Ôn-ga lại càng khoái trá hơn: “Ở Hin-tơn ấy, khách sạn Hin-tơn ấy mà!”. Anh ta đứng phắt ngay dậy như bị ma ám, hất đổ cốc sâm-banh vào người chị ấy, mà bộ trang phục của Ôn-ga hôm ấy thật tuyệt diệu, có xếp nếp, bằng thứ vải giếc-xy của Anh, rất nhẹ, giờ đang đúng mốt. Anh ta rất phiền muộn, cầm lấy tay chị, dắt ra buồng tắm để gột áo, rồi họ quay vào, lặng lẽ, lạ lùng là sao ấy… - Tôi hỏi Ôn-ga: “Nào, kể tiếp về cái phòng “Luých” của các cậu xem nào?”. Chị ấy nhìn Xê-ri-ô-gia, gắng gượng mỉm cười và đáp: “Thôi, để lần khác”. Và chị ấy im bặt, không nói gì thêm nữa.

- Đấy là tất cả những gì đã diễn ra trong sáu mươi phút? – Côn-xtan-ti-nốp hỏi nhỏ - Chị có nhớ ai trong các nhà văn vĩ đại, đã khẳng định rằng “Tài năng – đó chíng là chi tiết” không nhỉ?

- Hình như là Sê-khốp?

- Không phải, Sê-khốp nói khác kia, ông bảo: “Sự ngắn gọn của chị em là tài năng” – Côn-xtan-ti-nốp thở dài – Cũng là điều hay, nếu như các nhà văn của chúng ta biết theo đúng cái phương châm này… Còn về câu “chi tiết” kia là do Tuốc-ghê-nhép nói.

- Nhưng Tuốc-ghê-nhép hoàn toàn có thể ướm vào mình ý nghĩ của Sê-khốp, vì mọi tiểu thuyết của ông đều rất ngắn gọn.

- Đúng, - Côn-xtan-ti-nốp đồng ý – (Ông cố ý cắt ngang tiến độ của câu chuyện để người phụ nữ có dịp bình tâm lại, nói về người bạn gái đã khuất là điều không phải dễ gì, nhất là khi đã phải hứa danh dự là giữ im lặng về câu chuyện này với đồng chí cán bộ công an). Cũng dễ hiểu, chị hãy đọc lại Tuốc-ghê-nhép lần nữa, tôi chưa nói về tiểu thuyết vội, hãy chỉ lấy các bức thư của ông thôi, chị có nhớ nhà văn đã mô tả chi tiết đến thế nào về tiếng ngân vang của chim họa mi?... Đoạn ấy có thể in thành một bài thơ bằng văn xuôi! Tuốc-ghê-nhép đã tìm được ngôn từ để truyền đạt hết từng cung bậc của bài ca buổi sáng do chim họa mi hót lên trong từng huyện một của tỉnh Cuốc-xcơ. Thật tuyệt diệu!

- Đồng chí biết không, chính Ôn-ga cũng là một loại người ưa buổi sáng đấy – Rai-xa tư lự, rồi lại sửa lại - Phải, trước đây kia, trước đây cô ấy đã là một người như thế…

- Tôi không hiểu…

- Đấy là tôi bắt đầu từ chuyện hoạ mi sang ấy mà – Rai-xa lý giải – Có loại người ưa buổi sáng, có loại người ưa buổi chiều. Người ưa buổi sáng luôn luôn tươi cười dù họ có gì không như ý chăng nữa, như thể là họ sợ làm những người xung quanh bực bội, vì tâm trạng xấu của mình. Còn người ưa buổi chiều thì luôn đem trưng bày cái tâm trạng u ám của mình ra như bày hàng trong tủ kính! Tôi không hiểu vì sao đồng chí lại quan tâm tới Ôn-ga, tôi biết là không phải bỗng dưng cơ quan an ninh lại đi quan tâm tỉ mỉ đến một con người.

- Chị vừa nói là Đu-bốp đứng phắt dậy, đến nỗi hất đổ cốc rượu. Chị hãy cố nhớ lại nữa xem, sau lời nói nào của Ôn-ga, thì sự việc ấy diễn ra?

- Ôn-ga chỉ nói: “cái phòng “Luých” của chúng mình”, và anh ta không hiểu. Khi chị ấy nhắc đến “Hin-tơn”, thì anh ta vụt đứng dậy… - Rai-xa bỗng im lặng, trên trán dường như tụ lại những vết nhăn nhỏ, thường có ở những người thích sưởi nắng và rất chóng bắt nắng.

- Chị có thể cho biết, chị Rai-xa ạ, tôi xin lỗi chị vì câu hỏi tò mò này, sự gần gũi giữa họ đã bắt đầu chưa, từ hồi còn ở Luy-xbua?

- Đồng chí nói phải, đúng là “sự gần gũi”. Bây giờ người ta hay dùng từ “họ cưa kéo nhau”. Nghe tầm thường quá phải không? Tôi không hỏi Ôn-ga về chuyện đó bao giờ, và chị ấy cũng không nói, Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ… Tuy hết sức cởi mở, nhưng chị ấy cũng rất kín đáo khi câu chuyện liên quan đến đời tư. Nhưng như tôi thấy, thì hình như mọi chuyện giữa họ đã bắt đầu từ khi còn ở đó.

- Chị ấy có chuẩn bị sẽ lấy Đu-bốp không?

- Khó nói thật. Tôi cũng không rõ. Tôi chỉ nhớ có một lần, Ô-ga thú nhận: “Xê-ri-ô-gia không thích trẻ con”. Rồi sau đó, đến ba tuần liền, chị ấy trách gặp anh ta, chị đến ở với tôi, mà nhà tôi không mắc máy điện thoại, muốn tìm cũng khó, nên cứ việc dưỡng thân cho khoẻ…

- Thế chị ấy còn có thể ẩn náu ở đâu nữa?

- Ở chỗ Ga-li-a Pô-ta-pen-cô, cô bạn gái của chúng tôi và… Ồ, có lẽ không còn đâu khác nữa…

- Vin-te có các nghiên cứu sinh ở viện chứ, chị Rai-xa?

- Anh nói quá thản nhiên: “Vin-te…”. Chị ấy đối với tôi bao giờ cũng là Ô-len-ca (4) kia!... Còn chuyện nghiên cứu sinh, thì theo tôi, ai đang chuẩn bị luận án tiến sĩ mà lại chả có học trò.

- Vâng, tôi cũng nghĩ thế…

- Sao, đồng chí cũng đã học qua nghiên cứu sinh?

- Bản thân tôi cũng đã từng có các nghiên cứu sinh nữa. Xin mạn phép chị, tôi cũng là tiến sĩ về công pháp quốc tế.

- Chết, tôi đâu ngờ được!

- Vì sao vậy?

- Vì đồng chí còn trẻ quá!

- Tôi bốn mươi bảy rồi đấy, còn trẻ trung gì nữa? Thế nếu Put-skin bị giết vào năm ba mươi bảy tuổi thì sao? Và Bai-rơn? Léc-mông-tốp? Pi-xa-rép? Chúng ta hay tỏ ra quá hào hiệp trong việc định nghĩa sự trẻ trung của con người!...

*

* *

…Ga-li-na I-va-nốp-na Pô-ta-pen-cô là cán bộ kinh tế bậc cao của “Cục bảo dưỡng ô-tô Liên bang Nga”. Điện thoại trên bàn chị luôn réo không ngớt… Côn-xtan-ti-nốp mấy lần định bắt đầu vào chuyện nhưng vẫn không ăn thua. Ông vô tình nhìn đồng hồ. Năm phút đã trôi qua từ khi ông ngồi đợi, nhưng Pô-ta-pen-cô vẫn tiếp tục câu chuyện về việc xây dựng một cơ sở nào đó ở Brôn-ni-xư, người ta đang giục gấp cho kịp Đại hội Ô-lem-pích Mát-xcơ-va, rồi việc bảo dưỡng và phục vụ xe hơi trên dọc các trục giao thông của Liên bang Nga, vì sẽ có mười ngàn ô-tô từ nước ngoài tới, phải chuẩn bị sẵn sàng đâu vào đấy…

- Chị Ga-li-na I-va-nốp-na – Côn-xtan-ti-nốp nói nhỏ - chị thông cảm cho tôi, đang hết sức phải tranh thủ thời giờ…

Người phụ nữ gật đầu, lấy tay bịt vào màng máy và nói:

- Chúng ta sẽ ra ngoài hành lang nhé, đồng chí chờ tôi một phút nữa thôi.

Côn-xtan-ti-nốp đã quyết định không cho mời Pô-ta-pen-cô đến trụ sở mình, một là, ông cho rằng nói chuyện trong phòng làm việc của ông sẽ mang một tính chất hoàn toàn khác, chị ấy có thể sẽ đâm bối rối. Đâu phải không có ý nghĩa khi một bác sĩ giỏi thường đến thăm tận nhà người bệnh. Trong nhà, người ta yên tâm hơn, người bệnh thấy mình là chủ nhân, thấy thoải mái. Hai là, Côn-xtan-ti-nốp cho rằng ông không đủ cơ sở để thẩm vấn, thẩm vấn cũng không phải phải việc của ông. Đây chỉ là công việc cần điều tra, tìm hiểu.

- Nào, ta ra ngoài nghỉ chút, hút thuốc đi, - Pô-ta-pen-cô nói, chị đặt ống điện thoại xuống - Ở đây thì không thể thở được. Ngoài hành lang hai người ngồi lên chiếc đi-văng nhỏ bên cửa sổ. Pô-ta-pen-cô hút thuốc, tay trái ôm lấy đầu gối. (Phụ nữ thường ngồi ở tư thế này ngoài bãi tắm, đó là những người bơi giỏi). Chị quay lại nói với Côn-xtan-ti-nốp:

- Rai-xa đã gọi điện cho tôi, chị ấy yêu cầu tôi giúp đỡ. Tôi sẵn sàng thôi, xin cho anh lời hứa danh dự ngay.

- Cảm ơn chị. Vậy là chị đã biết vấn đề mà tôi quan tâm?

- Vâng. Tất cả chuyện ấy thật lạ lùng…

- Chính xác là cái gì? Và tại sao lại lạ lùng?

- Anh biết không? Ôn-ga đến tôi vào buổi sáng mắt đau làm sao ấy, như đã bị vắt hết nước mắt, tôi chưa bao giờ thấy chị ấy như thế… thậm chí, tôi cũng không biết, là nói với chị ấy có nên không… Tóm lại, là chị ấy đến nhờ tôi giá hộ đôi hoa tai… Đôi hoa kim cương có gắn ngọc bích, rất đẹp…

- Sao chị ấy không tự đến hiệu kim hoàn hỏi giá?

- Bởi vì tháng trước, chính tôi mua hoa tai cho đám cưới cô em, và đã nhờ được bác Grô-gô-ri Mác-kô-vích giá hộ, bác ấy già lắm, đã làm thợ kim hoàn từ thời Nga hoàng kia.

- Có thể hỏi địa chỉ bác ấy chứ?

- Bác ấy không tiếp đâu. Bác ấy nghỉ hưu rồi, chỉ tiếp người quen, các cụ thợ kim hoàn là hay đa nghi lắm… Đôi hoa của chị ấy có một điều rất lý thú là ở trong hộp, dưới lần da dê thuộc có một dòng chữ “Xê-ri-ô-ski-ốt Xê-ri-ô-ski” (5). Vậy là Đu-bốp đã tặng chị ấy.

- Đấy là vào lúc nào chỉ?

- Sau khi họ ở nhà chị Rai-xa về độ ba tiếng. Ôn-ga để hoa tai lại, chị ấy bảo đến trước chuyến bay sẽ quay lại lấy, thế mà rồi…

- Vậy đôi hoa tai ấy đâu rồi?

- Tôi vẫn giữ… Tôi định đến chỗ cụ thân sinh của chị ấy. Nhưng đau đớn quá, hãy khoan đã, vì tôi nghe nói cụ già đang ốm nặng, rất khó thở…

- Ôn-ga không giải thích gì cho chị cả?

- Giải thích cái gì mới được chứ?

- Chẳng hạn, tại sao lại trông thiểu não như vậy? Đánh giá món quà tặng của anh bạn để làm gì?

- Những việc như thế không ai giải thích bao giờ, anh Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ, nhất là đối với bạn gái.

- Còn đàn ông chúng tôi thì cứ có gì nói hết với bạn, nếu thực sự là bạn thân ấy.

- Chính vì thế mà phụ nữ chúng tôi mới yêu các anh!

- Có lẽ chị nói đúng thật. Trong rừng, con dê cái rất thận trọng, cón con dê đực thì mất hết vẻ tinh khôn!

- So sánh của anh cũng kỳ đấy!

- Cách so sánh của người đi săn, chị ạ!

- Vậy là bác Gri-gô-ri Mác-cô-vích đã định giá đôi hoa tai. Nó trị giá bảy ngàn rúp. Thật hoàn toàn không tưởng tượng nổi phải không anh. Bác ấy còn cho rằng nó hoàn toàn không phải được làm ra ở trong nước nữa.

- Thế thì do đâu sản xuất?

- Bác ấy cho rằng đó là hàng kim hoàn của Bỉ. Vì kim cương là của châu Phi, mà ngày xưa bọn Bỉ nắm quyền khai thác các mỏ kim cương mà.

- Chị có quen thân với Đu-bốp không?

- Biết nói với anh thế nào. Phải nhận là tôi không có cảm tình với anh ta lắm, tuy anh ta thông minh, và như Ôn-ga nói, có tài, lại không uống rượu, nhưng dù sao, thâm tâm tôi vẫn thấy là không thể gần gũi anh ta được.

- Sao vậy?

- Tôi cũng không biết nữa… Không gần được, thế thôi! Tôi cũng không đến viếng nữa, vì biết là đến thì sẽ lại phải nghe giới thiệu cà kê, y như kịch, mà tôi thì tôi không chịu nổi điều ấy, tình cảm thì nên giữ trong lòng…

- Ở chỗ chị về, Ôn-ga còn đi đâu?

- Tôi không rõ… Chị ấy gọi điện đi đâu đó, hỏi về các tập quảng cáo, các sách tra cứu… Tôi không nhớ rõ, hình như chị ấy có nhắc đến một tên ai là Lép.

*

* *

Prô-xcu-rin chăm chú nghe Côn-xtan-ti-nốp, mở cặp giấy ra, lật giở các trang và nói:

- Chỉ có một người quen chị ấy có tên gọi là Lép!

Côn-xtan-ti-nốp bật cười:

- Anh nói một câu chuẩn thật, y như làm bài dịch từ tiếng Anh ra ấy! Thế anh Lép này có họ gì?

- Lu-kin Lép Va-xi-li-ê-vích Lu-kin.

- Tôi nhờ anh gặp anh ấy nhé. Gặp ngay đi. Đồng ý chứ? À, mà này… Đã hiện rõ hìng Đu-bốp, hiện lên với một vẻ kỳ lạ khác thường. Anh ta ở đâu nhỉ?

- Tôi đã bắt đầu tìm kiếm anh ta, đồng chí Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ, nhưng anh ta cứ như lặn xuống nước ấy.

- Cũng biệt vô âm tín à! – Côn-xtan-ti-nốp lại mỉm cười – Anh cố tìm ra trước buổi chiều nhé.

*

* *

- Đồng chí Lu-kin, tôi là Prô-xcu-rin từ Cục an ninh tới. Xin chào đồng chí.

Lu-kin mời Prô-xcu-rin vào phòng. Những giá sách dựng trong một căn phòng lớn, xếp đầy sách, từ điển, sách tra cứu. Lu-kin làm việc ở phòng Quốc tế Vụ thông tin kỹ thuật.

- Đồng chí đừng để tâm đến vẻ bừa bộn này – Lu-kin nói - đấy chỉ là cái bừa bộn bên ngoài thôi. Tôi sẵn sàng giúp đồng chí, đồng chí Prô-xcu-rin ạ.

- Vâng, tôi hiểu.

- Thế này nhé, đồng chí Lu-kin ạ. Tôi muốn biết là chị Ôn-ga Vin-te đã hỏi đồng chí về vấn đề gì, lần cuối cùng?

- Ôn-ga hỏi tôi về các tập quảng cáo các khách sạn “Hin-tơn”. Thế có chuyện gì vậy?

- Đồng chí Lu-kin, đồng chí cho phép tôi hỏi trước nhé.

- Xin mời đồng chí.

- Các tập quảng cáo ấy có những gì vậy?

- Mô tả các khách sạn, tiệm ăn, quán bán bia, tiệm thuê phòng, địa chỉ, số điện thoại, số tê-lếch.

- Những tập quảng cáo này được in từ đâu?

- Theo tôi là từ I-ta-li-a. Hoặc từ Anh. Hình như là từ Luân Đôn, à mà phải, đích thị là từ Luân Đôn.

- Đồng chí thử nhớ xem, có bản mô tả khách sạn “Hin-tơn” ở Luy-xbua không?

- Tất nhiên là có. Theo tôi, Ôn-ga quan tâm tới chính cái khách sạn đó.

- Vì sao vậy?

- Tôi không hỏi. Chị ấy xem hết cuốn sách, dừng lại ở đúng trang có ảnh “Hin-tơn” ở Luy-xbua, chị ấy còn gấp mép lại nhưng rồi lại vuốt thẳng ra, vì chị ấy biết tôi giữ gìn sách như thế nào.

- Thế quyển quảng cáo ấy bây giờ ở đâu rồi?

- Ôn-ga cầm theo người.

- Chị ấy có hứa sẽ trả chứ?

- Vâng, hôm đến viếng, tôi còn trông thấy quyển ấy ở trong phòng Đu-bốp.

- Chị ấy đến hỏi anh ngay lập tức về quyển này, hay là trước đó đã có lần nói chuyện với anh về nó?

- Không. Vừa đến cửa, chị ấy đã nói ngay: “Lép, anh cho tôi mượn tập quảng cáo “Hin-tơn” chút nhé!”. Thế là tôi đưa. Nhưng có chuyện gì vậy, đồng chí Prô-xcu-rin?

- Đồng chí có nhận thấy điều gì khác thường trong thái độ của Vin-te không?

- Ai? À, chị Ôn-ga ấy à? Chị ấy chỉ trông khác hẳn, như sau một đêm mất ngủ vậy, còn thì tôi không thấy có gì khác thường nữa.

*

* *

Cô-nô-va-lốp ngồi với bác thợ kim hoàn lão luyện A-bra-mốp, người được mời đến làm giám định. Anh nhìn mảng trán hói bóng loáng của bác, còn bác đang viết, gắng nắn nót từng chữ:

“Tôi là A-bra-mốp I-gơ-na-chi Va-xi-li-ê-vích, được mời đến làm chuyên viên về một vụ điều tra “mỹ nghệ kim hoàn”, đối với các câu hỏi đề ra, tôi xin trả lời như sau đây: Hoa tai lồng kim cương, được làm bằng vàng, nền dát bạch kim, là một tác phẩm độc nhất vô nhị của nghệ thuật làm kim hoàn, hiển nhiên là nó không phải được chế tạo tại Liên Xô. Chắc chắn hơn cả là nó được sản xuất ở Bỉ hay Hà Lan; cũng không thể phủ nhận khả năng là nó có thể được làm ở xí nghiệp kim hoàn của hãng “Cúc và các con” ở Niu Yoóc, nếu xét cả kiểu hộp, cách lót nhung và cái kẹp bằng xen-tuy-lô-ít; lại cũng có thể giả định rằng nó được làm tại Pháp, cũng ở hãng chi nhánh của “Cúc và các con”, hiện nay lấy tên là “Tu-lu-dơ oa-rơ”. Giá đôi hoa tai hiện nay xấp xỉ năm ngàn rúp. Giả định theo giá ngoại tệ lưu chuyển tự do, thì đôi hoa tai nói trên trị giá từ ba đến bảy nghìn đô-la, tùy từng nơi mua”.

- Đúng là hãng “Cúc” hả bác A-bra-mốp? – Sau khi đọc lại lần nữa kết luận của bác, đại tá Cô-nô-va-lốp hỏi – Không thể nhầm lẫn được chứ bác?

- Thợ kim hoàn cũng như công binh, nhầm lẫn chỉ có đến một lần trong đời là cùng! Ngọc óng ánh như giọt lệ, lỗ khoan xanh lơ, các mặt đánh bóng bằng tay, kèm với gọt giũa chút ít bằng máy cho nhẵn – Còn ai vào đây, nếu không phải hãng “Cúc” làm? Chỉ có bên ta mới không cần giữ khách và không nghĩ đến việc giữ được thiện cảm tiếp nối vói khách hàng, còn bên họ thì phải thế, không thể khác được, họ sống bằng thị trường, chứ đâu phải bằng các cuộc học tập chính trị suông! Xin đồng chí đừng giận nếu tôi nói quá bạo mồm, nhưng tôi quen nói thẳng những gì tôi nghĩ.

- Ở đâu có những chi nhánh của hãng “Cúc và các con”, bác có thể chỉ giúp được không?

- Ở đâu nghĩa là thế nào? Bọn “Cúc” nắm cả thế giới, ở nước nào chả có văn phòng của họ, đây đâu phải chuyệnchỉ bán hạt giống rau đậu, đây là kim cương bằng thật! Thứ này có uy tín rất cao, có dễ gì người ta mỗi lúc biết xác định được cái giá của uy tín đâu?

- Đúng, chưa phải ai cũng biết đâu – Cô-nô-va-lốp tán đồng – Này, thế bác bảo kiểu hoa tai này có thể được liệt vào loại quà tặng ra mắt không?

- Úi chao! Quà tặng ra mắt à, đó chỉ là cỡ cái bút “Pác-ke” thôi chứ! Anh chưa biết nước ngoài đấy, chứ tôi thì lạ gì! Quà tặng ư? Thì quyển sổ ghi chép này, hộp diêm nhãn đẹp này, hay cao nhất là quyển sách tranh ảnh về nền kiến trúc Pô-ly-nê-di! Anh cứ tưởng bọn tư sản nó hào hiệp lắm phỏng? Nó hà tiện lắm! Còn hà tiện hơn anh thanh tra tài chính của ta ấy! Hãng “Cúc” không cần phải phát quà ra mắt! Hàng của hãng “Cúc” chỉ có thể tặng một lần trong đời đã là quý lắm: vào ngày cưới cho người yêu, và vào lễ mừng con gái đến tuổi thanh niên, thế thôi. Anh hãy quên cái chuyện phát chẩn quà ra mắt đi, khi đặt hãng “Cúc” vào trong câu chuyện!

Cô-nô-va-lốp mỉm cười:

- Cảm ơn bác, cảm ơn đồng chí A-bra-mốp nhé!

*

* *

“Điện gửi Xla-vin.

Cố gắng xác định xem Đu-bốp có thuê phòng ở “Hin-tơn” không, và nếu có thì là phòng nào? Chu kỳ thuê theo thời hạn nào? Giá cả? Trả tiền ra sao - bằng séc hay tiền mặt? Xác định xem cơ quan đại diện của hãng kim hoàn “Cúc và các con” ở đâu? Ai là tổng giám đốc? Có bảng ca-ta-lô hàng kim hoàn của Bỉ không? Có thể tìm lại được tên người nào đã mua hoa tai kim cương có đính ngọc bích trị giá khoảng từ ba đến bảy nghìn đô-la khoảng một năm trước đây không?

Trung tâm”

*

* *

Bộ phận của Cô-nô-va-lốp tổng họp các tư liệu về Đu-bốp. Trong đó, Côn-xtan-ti-nốp còn giao thêm nhiệm vụ xác minh tại sao sau khi ở Luy-xbua về Đu-bốp từ chối không tiến hành làm luận án tiến sĩ mà người ta đề nghị.

- Thưa đồng chí thiếu tướng, anh ta không những từ chối không làm luận án tiến sĩ thôi đâu – Cô-nô-va-lốp báo cáo, sau khi đã khái quát lại các tài liệu thu thập được cho tới đêm trước – Mà là cả một bối cảnh khá thú vị hiện ra nữa. Một là, người ta đề nghị cử anh ta làm trưởng phòng ở trong vụ, lương tháng 350 rúp, vậy mà anh ta cũng từ chối. Thật lạ, bởi vì anh ta thường tỏ ra với người xung quanh, tuy không cố tình, dai dẳng, nhưng chính xác, là anh ta cũng khá thiếu tiền. Anh ta cũng từ chối cả việc được cử đi học thêm ở Viện Hàn lâm. Ba tháng trời anh ta chờ đợi chức chuyên viên bậc một ở chính cái phòng của Viện điều phối tư liệu, mới tụ tập đủ các tài liệu mật nhất về cái “nút thắt ở châu Phi”. Lương tháng của chức chuyên viên ấy chỉ có 200, không có tiền thưởng thêm.

- Anh ta được lợi lộc gì ở Viện điều phối chăng? Những chuyến đi công tác thú vị? Triển vọng còn lên nữa?

- Chẳng có gì cả. Nếu anh ta nhận chức trưởng phòng kia, người ta có thể bảo đảm cho anh ta có khả năng đi công tác gần như khắp thế giới. Còn nếu anh ta định làm luận án, người ta cũng sẽ hứa tạo cho nhiều điều kiện ưu đãi. Còn triển vọng tăng tiến ở Viện điều phối không đáng kể, may chăng chỉ có là bảo vệ luận án.

- Thế anh ta đang viết luận án chứ?

- Không. Chúng tôi đã hỏi kỹ, anh ta thậm chí cũng không đặt cả vấn đề này ra nữa.

- Người ta nhận xét thế nào về anh ta?

- Tốt cả thôi. Có kỷ luật, khiêm tốn, rất cẩn thận trong công việc khi dùng đến các tài liệu mật.

- À, mà ở nhà anh ta có máy thu thanh loại gì?

- Anh ta hiện không có ở Mát-xcơ-va, thưa đồng chí. Chúng tôi không có quyền – ít ra là vào lúc này - bước vào căn hộ của anh ta.

- Phải nghĩ cách xác minh xem anh ta có loại máy thu thanh gì?

*

* *

…Bốn giờ sáng, Prô-xcu-rin tới. Côn-xtan-ti-nốp hỏi:

- Đu-bốp ở đâu?

- Tôi sẽ làm mọi cách để có thể tìm ra anh ta hôm nay.

- Không được, trong trường hợp này, không thể cho phép đồng chí làm mọi cách, mà chỉ được làm những gì không trái với luật pháp thôi…

Côn-xtan-ti-nốp mở cặp có những bức điện thượng khẩn ra.

- Đồng chí hãy trả lời, ai trong số những người còn nằm trong danh sách thu hẹp, biết được việc cung cấp hàng của ta cho Na-gô-ni-a?

- Tôi phải xem lại lần nữa các tài liệu về những “Phi-guya-răng” đã.

- Ai kia? – Côn-xtan-ti-nốp nhăn trán – “Phi-guya-răng” à, nếu theo như Bác-khu-đa-rốp (6) định nghĩa, thì chỉ có nghĩa là “nghệ sĩ ba-lê”.

- Người ta vẫn chấp nhận nói thế đấy, thưa đồng chí thiếu tướng. “Phi-guya-răng” là cái từ đối với chúng ta xác đáng hơn cả, để biểu đạt ý nghĩa chứa chất trong nó.

Côn-xtan-ti-nốp cự lại một cách đăm chiêu:

- Bản thân cái từ không là gì cả, nó không thể là giả dối hay xác thực, hình như Xô-crát đã nói thế. Giả dối hay xác thực xuất phát từ việc kết hợp các từ lại với nhau thành cái mà ngày nay chúng ta gọi là “quan điểm…”. (Đã từng làm thợ tiện ở Đa-pô-rô-gie, Côn-xtan-ti-nốp được Đoàn thanh niên đề cử vào ngành an ninh theo chế độ động viên, năm năm mươi tư (1954). Tốt nghiệp Đại học Luật tại chức; ông viết nốt cả một luận án khác nữa, với tư cách thí sinh tự do, và xin thi cả ở khoa Ngữ văn, đề tài ông chọn là văn học Anh thế kỷ 19. Cụ thân sinh ra Côn-xtan-ti-nốp là chiến sĩ biên phòng đã hy sinh trong thời kỳ phòng thủ Brét-xtơ, vốn cũng là một giáo viên tiếng Nga, có lẽ vì thế mà Côn-xtan-ti-nốp thường có một đòi hỏi đặc biệt chính xác khi trình bày các ý nghĩ. Một trong những quyển sách yêu thích của ông là công trình của nhà văn Lê-nin-grát Lép U-xpen-xky. Cuộc đấu tranh thường xuyên của nhà văn già bậc thầy này để gìn giữ sự trong sáng của ngôn ngữ, đã làm Côn-xtan-ti-nốp khâm phục).

- Tôi phải xem lại các tài liệu về các “phi-guya…” - ấy xin lỗi, về các nhân vật mà chúng ta đang quan tâm!... Nhưng còn câu hỏi về việc cung cấp hàng thì nhân lý do gì mà lại cần đến nữa? – Prô-xcu-rin hỏi thêm.

- Nhân có bức điện của Xla-vin. Tôi có thể gà đồng chí trước một chút: Ở Luy-xbua, về việc cung cấp hàng này, chỉ có một người biết – đó là Dô-tốp.

- Chắc hẳn về việc này Ôn-ga Vin-te cũng có biết – Prô-xcu-rin cười - nếu ta xét đến quan hệ của anh ta với vợ là hữu nghị và chung sống hoà bình!

- Cho là như vậy đi. Còn ai nữa?

Một giờ rưỡi sau, Prô-xcu-rin báo cáo là tin mật đó – xét trên gốc gác công việc – thì chỉ còn có một người nữa được đọc, đó là Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích Đu-bốp.

*

* *

“Tối mật.

Gửi thiếu tướng Côn-xtan-ti-nốp.

Theo yêu cầu của đồng chí, tôi xin báo là vé máy bay đi Át-le cách đây bốn ngày đã được bán cho một hành khách tên là Đu-bốp Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích ở hãng A-ê-rô-flốt, tại khách sạn “Mê-tơ-rô-pôn”.

Trung tá Du-cốp”.

(1) Pi-ốt Crô-pốt-kin (1842 – 1921) công tước Nga, nhà địa lý học nổi tiếng, tham gia phong trào Dân tuý rồi trở thành một trong những người cầm đầu phái cách mạng vô chính phủ ở Nga. Sau 1917 từ nước ngoài (ông sống lưu vong từ năm 1876) mới trở về Nga. (ND)

(2) Mu-xa Gia-lin (1906 – 1944) Nhà thơ Tác-ta nổi tiếng, anh hùng Liên Xô, tác giả tập thơ “Quyển vở ở Mô-a-bít”, được truy tặng giải thưởng Lê-nin (ND).

(3) Đê-mi-xơ Rút-xốt (sinh năm 1917) ca sĩ tạp kỷ gốc Mỹ-Latinh, sinh ở Ai Cập, hết sức nổi tiếng ở phương Tây trong những năm 1968 – 1978 (ND).

(4) Gọi “Vin-te” là họ, thì không có biểu hiện gì đặc biệt. Còn gọi “Ô-len-ca” là tên Ôn-ga, nhưng là cách gọi âu yếm (ND).

(5) “Xê-ri-ô-ski-ốt Xê-ri-ô-ski” chơi chữ rất tinh tế, nhờ ở hai từ đồng âm “Xê-ri-ô-ski”, chữ thứ nhất nghĩa là “đôi hoa tai nhỏ”, chữ thứ hai “Xê-ri-ô-ski” tức là của “Xê-ri-ô-gia” tặng gọi một cách âu yếm (ND).

(6) Bác-khu-đa-rốp: nhà ngôn ngữ học Liên Xô, tiến sĩ khoa học, tác giả nhiều công trình về ngữ pháp tiếng Anh (ND).

Phần 25

TÌM KIẾM - V

Té ra Đô-nan Ghi là một người cao, trông còn trẻ, nhưng tóc lại đã bạc hết, một vết sẹo lằn đỏ rạch ngang trán, nên trong giới kí giả người ta gọi anh ta là “Ghi-hác-vy Xcoóc-zê-ni”(1)

Anh ta hẹn gặp Xtê-pa-nốp ở dưới tiền sảnh của khách sạn - vì máy điều hoà không khí trong phòng anh ta cũng như ở tất cả các phòng khác, đều không chạy được nữa. Bọn thực dân đã tháo dỡ các thiết bị, dù bọn chúng đã được hứa trả nhiều tiền nếu đồng ý huấn luyện các viên chức địa phương cách sử dụng các hệ thống cũng không lấy gì làm rối rắm này. Chỗ duy nhất trong khách sạn có thể thở được là tiền sảnh, ở đấy có gió lùa, vì tất cả các cửa đều thường xuyên mở, và từ đại dương, hơi mát toả vào, nhất là từ lúc xế chiều.

- Tôi là Đmi-tơ-ri Xtê-pa-nốp, phóng viên Mát-xcơ-va, cảm ơn ông đã dành chút thời gian cho tôi.

- Tôi vui thích được gặp ông, thành thực mà nói, tôi chưa lần nào nói chuyện đối diện với một người Nga cả. Ông có việc cần đến tôi?

- Vâng.

- Vậy xin mời ông đề xuất, ông Xtê-pa-nốp.

- Tôi quan tâm tới bản anh hùng ca của ông với Glép…

Mặt Đô-nan Ghi đờ ra, anh ta thò tay lấy thuốc lá, rút ra một bao “Che-xtơ-phin” nhàu nát, đưa mời Xtê-pa-nốp, rồi hít một hơi dài như để thoả cơn thèm, sau đó rụt đầu vào giữa đôi vai xương xẩu và trả lời:

- Tôi thật không muốn động đến đề tài này nữa!

- Ông đã thua cuộc?

- Không chỉ thua. Tôi đã kí bản đầu hàng vô điều kiện.

- Vì ông không đủ các chứng cứ à?

- Ông biết không, tôi đã đi du ngoạn ở châu Á mấy lần.

- Không chỉ vì thế. Tôi có những tư liệu về nhà băng của ông Lưu.

- Ông nhận được chúng một cách hợp pháp hay do tình báo đã cung cấp cho ông?

- Nếu như tình báo cung cấp cho tôi thì tôi rất khó in sách về ông Lưu - không cơ quan tình báo nào trên thế giới lại thích tài liệu của họ lọt ra trên báo chí, ấn phẩm. Ông đã gỡ việc này từ một đầu khác, ông Ghi ạ. Lẽ ra phải bắt đầu từ chỗ viên thư kí của ông Lưu đã bị giết theo lệnh của ai.

- Không tìm được hung thủ.

- Ông tin rằng bọn chúng bị truy tìm à?

- Vâng, tuy đây chỉ là hình thức… Nhưng điều đó làm sao có thể đạt được ở Hồng Kông!... Chắc ông có đến đó rồi?

- Hồng Kông thì tôi chưa đến.

- Nếu ông quan tâm đến vấn đề ma tuý trên thế giới, tôi khuyên ông nên đến đó.

- Tôi định đến, nhưng người ta không làm thủ tục nhập cảnh cho tôi. Việc đi lại tự do đối với những ai họ cho là “đỏ” bị hạn chế, còn khi đeo đuổi những mục tiêu vụ lợi của mình, thì họ lại làm rùm beng lên về vấn đề này… Cái tên họ San-xơ có gợi cho ông nhớ về chuyện gì không?

- Vin-hem San-xơ, người Đức ở Muy-ních phải không?

- Đúng thế.

- Lão ta đã từng làm việc ở đó với Glép.

- Ông biết tiểu sử lão ta chứ?

- Không. Một lão già Đức, nói thạo tiếng Anh, đi phổ cập những ấn phẩm của Mỹ.

- Chuyện lão ta đã từng là sĩ quan chỉ huy của SS, ông có biết không?

- Lại cũng nằm trong những trò tuyên truyền chứ gì?

- Chúng tôi đã in trên báo bản sao fắc-xi-mi-lê các lệnh xử bắn của hắn, ông Ghi ạ. Hắn đã được liệt vào danh sách tội phạm chiến tranh.

- Thế thì các ông cứ việc đòi trao trả hắn đi.

- Chúng tôi đã đòi hắn ba lần. Và bây giờ hắn vẫn chỉ huy nhóm khủng bố ở Hồng Kông. Tôi nghĩ là cũng chính San-xơ đã tập dượt việc tấn công ông, hắn biết làm việc đó, hắn đã làm như vậy đối với Xcoóc-zê-ni.

- Do đâu mà ông biết chuyện này?

- Thì Xcoóc-zê-ni đã nói với tôi.

- Ông đưa thêm một kẻ lạ mặt vào sự việc của tôi để đem lại cái gì, ông Xtê-pa-nốp?

- Đem lại nhiều thứ chứ. Dù sao, đa số dân Mỹ cũng vẫn căm thù chủ nghĩa quốc xã. Nếu như ông chứng minh được rằng Glép đã che giấu cho San-xơ, ông sẽ thu hút được một sự chú ý hoàn toàn khác đối với sự việc của ông. Tôi sẵn sàng trao cho ông tài liệu của tôi về San-xơ. Còn ông hãy kể cho tôi nghe tại sao ông đã kí vào bản đầu hàng vô điều kiện thế?

- Ông muốn viết truyện này?

- Còn tuỳ thuộc ở ông.

- Tôi thì không muốn ông viết về truyện này.

- Ông sợ mất việc?

- Mất cả tính mạng nữa chứ. Mất việc chỉ là một nửa tai hoạ, tôi đã khắc phục bằng nghề rửa tàu thuỷ khi tôi cố tâm định lật tẩy Glép. Nhưng bọn chúng sẽ bắn tôi thẳng tay ấy…

- Thế nếu như tôi thay đổi hết tên họ? Thay địa điểm đã xảy ra sự việc?

- Nếu vậy thì phải trả giá là 50 nghìn đô-la.

- Mỗi ngày ở đây tôi được lĩnh có 12 đô-la tiền tiêu thôi, ông Ghi ạ. Nếu tính rằng tôi còn phải ngồi vào đây chí ít là một tháng nữa mới viết xong, thì có lẽ ta nên chia đôi, ông một nửa, tôi một nửa vậy.

- Một món hời đấy. - Khuôn mặt Ghi từ nãy đến giờ vẫn căng ra, có hơi thư giãn một chút. - Ông bạn đồng nghiệp này, ông hiểu cho, tôi đã bán tất cả tài liệu về Glép rồi. Bán sạch sành sanh, với giá 10 nghìn đô-la. Khi bọn chúng gửi thư cho tôi và bảo là mẹ tôi sẽ phải chết, và chúng sẽ còn bắt cóc chị tôi, thì tôi hiểu là chúng sẽ làm thật. Chúng dám làm qua đi chứ, ông hiểu không! Biết làm sao được? Chả lẽ phải chở cả mẹ và chị sang ở với các ông? Không đủ tiền, mà vé thì quá đắt! Vả lại, tôi yêu nước Mỹ của tôi, và hoàn toàn không thích chế độ của các ông.

- Thì cũng như tôi không thể thích gì chế độ các ông ấy.

- Tôi biết. Các đồng nghiệp của tôi vẫn đọc ông.

- Còn ông?

- Không. Nói chung, tôi chẳng đọc gì hết, ông Xtê-pa-nốp ạ. Tôi không tin một chữ nào in trên sách báo vì tôi đã biết thừa là nó được tạo ra như thế nào. Tôi viết những gì người ta muốn ở tôi, tôi làm cho xong việc, ông Xtê-pa-nốp ạ. Tờ báo “Xtar” (Ngôi sao) đã mua tôi, mua theo yêu cầu của bọn Glép, tôi tin chắc như thế.

- Không hẳn! Glép đâu đủ sức làm điều đó. Theo yêu cầu của các ông chủ của Glép mới đúng.

Ghi lắc đầu, cười khẩy.

- Ông nghĩ thế nào, Glép chuyển bao nhiều phần trăm lợi nhuận vào tài khoản của các ông chủ, sau mỗi chuyến áp-phe hê-rô-in? Không quá 3% đâu - bọn ấy rất thận trọng, chúng biết có thể lấy được bao nhiêu. Chẳng thà lấy ít một, mà lâu dài, còn hơn lấy cả một lần và bị mắc vạ.

- Còn phải xét xem cái “một lần” ấy nó như thế nào!

- Giá quy định thật đơn giản : mỗi chuyến áp-phe thành công, Glép phải chi 5% để bọc lót. Trong số 5% lợi nhuận phải chi ấy, lão ta dành cho các ông chủ 3%.

- Nếu thế thì sao lão không ngồi chơi sưởi nắng ở Mai-a-mi cho khoẻ, lại còn phải sang Luy-xbua với vai trò điếu đóm làm gì?

- Bởi vì tất cả số tiền lão có, lão lại dở hơi đem ném cả vào Na-gô-ni-a, ông Xtê-pa-nốp ạ. Khoảng 10% cổ phần tất cả các khách sạn ở đấy là của lão. Nhưng lão chưa kịp hốt bạc triệu thì mọi thứ đều bị đảo lộn. Và lão phải tìm cách thu tiền về có gì là khó hiểu.

- Ông có chứng cớ gì không?

- Chứng cớ có ở Li-xbon và Pa-ri. Ở Béc-nơ cũng có, ở đấy có in những sách tra cứu tuyệt hảo cho những ai định hùn vốn làm ăn. Glép không thể cứ giữ tiền bằng tài khoản. Ở nước chúng tôi hệ thống thuế khoá của bộ tài chính làm việc còn gắt gao hơn cả FBI…

- Nhưng lấy lại Na-gô-ni-a, lão không hiểu là điều đó phi thực tế hay sao?

- Tôi lại coi điều đó là hoàn toàn thực tế.

- Không ăn thua đâu!

Ghi lắc đầu:

- Ăn thua quá đi chứ!

- Mà có lẽ chính ông cũng không muốn để lão ta thu được tiền về cho lắm, đúng không, Đô-nan? - Xtê-pa-nốp hạ giọng: - Ông rất không muốn để lão lại được bắt đầu sự nghiệp ở đây? Một sự nghiệp cho phép lão ta bỏ túi hàng triệu bạc và ca khúc khải hoàn mà về nước Mỹ?

- Tôi rất không muốn điều đó, nhưng tôi còn không muốn hơn nữa việc lão ta sẽ bắn giết cả gia đình tôi.

- À, nhưng làm việc đó phải có những kẻ thừa hành.

- Không, Glép biết tự tay làm tất cả.

- Hắn sợ nhân chứng chăng?

Ghi lại nhún vai.

- Sao lại sợ? Hắn đâu có sợ. Hắn khử cả nhân chứng ấy chứ, nếu cần thiết. Chẳng qua hắn thích công việc ấy. Hắn là dân “mũ nồi xanh” chính cống, lí tưởng của hắn là sức mạnh, những gì ông nói về San-xơ đều có thể áp dụng cho Glép trong ý nghĩa của tôi. Tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu như hắn treo ảnh Hít-le trong nhà, bây giờ, tôi chẳng còn ngạc nhiên trước bất cứ điều gì nữa.

- Ông có thể nêu tên một vài người mà ông đã từng nói chuyện về hắn?

- Tôi đã nói là tôi bán hết các tài liệu rồi, hết nhẵn rồi, tôi muốn sống, vậy đấy. Ông hiểu chứ?

- Tôi hiểu. Nhưng vài tháng nữa tôi sẽ sang Mỹ. Ông chỉ cần cho tôi biết hai cái tên, không cần hơn, để khởi đầu. Ông cho tôi tên vài người không ưa thích gì bọn quốc xã, tôi sẽ tự tiến hành điều tra, vì ở đó có khoản nhuận bút sách, tôi sẽ chi cho việc tìm kiếm tư liệu mà không dính dáng đến ông.

- Người ta không trả nhuận bút cho các ông ở nước ngoài đâu. Bên tôi đã có văn bản, viết rằng: gì chứ lợi nhuận của các ông thì họ lột hết.

- Ông bảo, ông không tin vào báo chí kia mà - Xtê-pa-nốp phá lên cười. - Tuy rằng về khoản này bọn họ viết cũng có phần đúng đắn.

- Ông nói với một kí giả cánh hữu như vậy là táo bạo đấy, ông Xtê-pa-nốp ạ.

- Đây là tôi nói với một kí giả phải làm việc cho tờ báo cánh hữu, ông Ghi ạ. Hai việc ấy đâu phải là một. Còn về việc đánh thuế nặng đối với tác phẩm của tôi in ở nước ngoài, tôi sẽ tìm dịp để kháng cáo lại…

- Ông hãy giải thích với tôi, vì sao ông căm thù chủ nghĩa quốc xã đến thế? Tất nhiên, tôi hiểu - bên các ông đã mất mười triệu sinh mạng.

- Hai mươi triệu, ông ạ.

- Thế cơ à?

- Vâng. Còn riêng tôi… Một khi chúng đã giết tới bảy anh chị em trong gia đình tôi, thì còn gì phải nói nữa… Và bây giờ những tên như San-xơ ấy đang nhởn nhơ ở Hồng Kông và phổ biến các ấn phẩm loè loẹt, để tuyên truyền cho cái “dân chủ” và “công lí” của chúng…

- Tôi không uống rượu, ông Xtê-pa-nốp ạ, nhưng nếu ông xiết cổ được thằng Glép cho nó thấy giời đất thì lạy Chúa, tôi sẽ uống cạn một cốc rượu Ma-đê-ra(2) để mừng ông. Ông hãy thử nói chuyện với vợ cả của hắn xem, thường thì nằm ở nhà thương tâm thần, nhưng cũng đôi khi sống ở nhà. Nghe đồn là bà ta hoàn toàn khoẻ mạnh. Tất nhiên là người ta không tin bà ta, nhưng bà ta sẽ cung cấp được cho ông một vài sự kiện. Bà ta tên là Em-ma San-xơ, chính là con gái cái lão Vin-hem San-xơ, mà ông đã kể cho tôt khá nhiều chuyện và bằng một giọng thống thiết đến như thế. Nhưng ông cũng nên nhớ rằng Em-ma ra đời vào tháng Năm năm bốn mươi lăm - cái đó rất quan trọng để hiểu được bà ta yêu cái gì, ghét cái gì.

(1) Skorzeny: sĩ quan của Hít-le có một vết sẹo ngang mặt, nổi tiếng trong Đại chiến II vì chiến dịch cứu thoát Mút-xô-li-ni.

(2) Madera : một loại rượu vang ngon có tiếng, thoạt tiên được sản xuất ở đảo Ma-đê-ra (Bồ Đào Nha).

Phần 26

XLA-VIN

- Con người ở ta dần trở nên tốt hơn - Xla-vin nhắc lại, giọng tự tin, tay anh khoác chiếc áo véc-tông lên thành ghế - Anh cứ nghĩ mà xem, ở ta bây giờ rất phổ biến bài hát về chú cá sấu Ghê-na tốt bụng, còn trước kia, người ta vẫn đem cá sấu ra doạ trẻ con đấy.

- Ở đây, anh cứ thử ra sông mà ngụp lặn xem! Tha hồ có những chú Ghê-na “tốt bụng”! - Dô-tốp cười - Đây không phải là sự tốt bụng, đây chỉ là đưa kiến thức phổ cập cho quần chúng. Tôi muốn nói về chương trình vô tuyến: “Trong thế giới động vật”. Trên màn ảnh, những chú cá sấu trông cũng hiền lành, tốt bụng như thế. Con người ta dần trở nên đa cảm hơn, điều ấy thì đồng ý, chứ còn nói về sự tốt bụng, thì tôi xin giữ ý kiến mình. Loài người còn bao nhiêu lầm lỗi, Vi-ta-li ạ… Anh có hay cho ai vay tiền không?

- Cũng có cho.

- Và lần nào người ta cũng trả anh chứ?

- Hừm… Cũng tuỳ người.

- Cũng tuỳ người! Thế anh có hình dung ra rằng ở thế kỉ trước mà không trả nợ thì ra sao không? Chỉ cần anh nói toáng ra trước mọi người, thì người vay nợ đó, nhất là lại ảnh hưởng kiểu nhân vật của Léc-môn-tốp, sẽ đi ngay sang phòng bên cạnh, rồi “đòm” - tự làm một phát vào tim tức thì! Còn bây giờ ấy à, anh cứ thử đòi xem, người ta sẽ mắng lại anh: “Đồ keo cú bủn xỉn, cứ đợi đấy đã, có gì ghê gớm đâu kia chứ.” Hoặc anh hãy nhớ lại các buổi họp đoàn thể thuở trẻ của chúng ta, người ta ngồi phát biểu, phân tích đạo đức. Nhờ trời, thế cũng là nhẹ chán, còn trước kia ấy à, người ta lộn mề anh ra ấy chứ, đưa lên giàn lửa mà sám hối ấy chứ. Không, không, Vi-ta-li ạ, chẳng qua là loài người mệt mỏi vì độc ác rồi, họ muốn quên đau khổ đi, và bây giờ họ sống lộn xộn như trong cái nhà bếp công cộng ấy, thế thôi.

Xla-vin bỗng hỏi:

- Anh có muốn về nhà không?

- Về nhà? Muốn chứ, miễn là tôi có nhà để về.

- Tôi cũng có được nghe kể về chuyện anh.

- Thì đấy… Vậy mà anh bảo là chúng ta tốt ra. Chân lí còn nằm đâu đó bên cạnh ông thánh tông đồ Pôn ấy kia! Anh có nhớ không: “Dân Do Thái giáo thì cầu xin điều báo trước, còn người cổ Hy Lạp chỉ cầu xin sự sáng suốt”. Đúng thế! Người này cầu sự thần diệu, người kia lại cầu có kiến thức, một số khác say sưa muốn thành đạt, một số khác nữa thì cố học lấy sự khôn khéo, thế nhưng chẳng có ai lấy sự tốt bụng làm tín ngưỡng đâu!

- Anh làm ngụm rượu nhé!

- Rất vui lòng.

- Ồ, mà vốt-ca lại hết rồi.

- Tôi không chịu nổi vốt-ca. Tôi mê uýt-xky hơn. Còn Glép thì lại căm thù uýt-xky, chỉ thích vốt-ca.

“Nghe đi! Nghe đi! Glép” - Xla-vin nghĩ bụng. Lúc này anh tin chắc là mỗi một tiếng sột soạt trong phòng anh đều đang được ghi âm - Cứ nghe xem chúng tao đang nói gì đi, còn tao cũng rất muốn được nhìn thực mắt vào mi, khi mi say rượu, Glép ạ!”

- Không có gì nhắm à? - Dô-tốp hỏi.

- Còn bánh quy thôi. Anh ăn nhé?

- Vâng. Tôi đang đói.

- Ta đi làm tạm miếng gì nào?

- Tốt hơn hết là lại chỗ tôi vậy nhé. Cô tôi mới gửi cho giò, loại giò khô tuyệt lắm và pho-mát Xun-gu-ni. Anh có thích pho-mát Xun-gu-ni không?

- Nhất rồi! Cảm ơn anh, tôi rất sẵn lòng. Chỉ có điều phải đợi điện thoại cái đã, một ông bạn hứa gọi điện cho tôi, rồi kéo đến chỗ Pi-la, mặc dù tôi đang không muốn đi.

- Một phụ nữ thú vị đấy. Cô ta có cách tư duy rất đàn ông, nhưng lại đi kèm với sự yêu cầu của phụ nữ. Biết cách xét đoán tỉnh táo đến mức ngạc nhiên.

- Kể ra, tôi lại rất có thiện cảm với khái niệm “xét đoán tỉnh táo”. Chúng ta hiểu biết được là nhờ có lí trí. Sự xét đoán của lí trí sẽ dẫn mọi ý kiến khác nhau tới thống nhất, - Xla-vin nói - Ý kiến chỉ là ý kiển thôi, dù dăm bảy ý kiến khác nhau cũng không làm thành một khái niệm - còn khái niệm thì như chiếc cầu thang đưa dần tới nhận thức, nó xếp đặt các ý kiến thành một sự xét đoán sử dụng vào đó trí tưởng tượng, nhận thức và trí nhớ. Pi-la có một trí nhớ thật mẫn tiệp, anh có thấy thế không?

- Anh đừng có phân tích cô ta theo kiểu tách bạch, rạch ròi từng điểm như vậy. Đừng cho rằng lô-gích sẽ giúp ta hiểu được con người. Con người về bản chất rất phi lô-gích.

- Anh nói thế vì chuyện cô vợ anh chăng? - Xla-vin nói nhỏ.

Dô-tốp uống cạn chỗ uýt-xky, cầm bánh bích quy ngửi ngửi, bẻ một mẩu, nhai nhai một cách uể oải và đáp, giọng tư lự:

- Không đâu. Trong câu chuyện của tôi, mọi cái đều đúng lô-gích cả. Sự khác biệt về tuổi tác, tính khí, sở thích và cuối cùng cũng là do sự ngốc nghếch của chính tôi nữa.

- Tội gì anh phải rắc tro lên mặt mình như thế?

- Không đáng phải thế. Nhưng rắc tro và nhận định sự việc là hai chuyện khác nhau. Anh đã nói về chuyện này, có nghĩa là người ta đã thì thào với anh khắp chốn về chuyện gia đình tôi, hẳn tất cả đều chê cười Ôn-ga, như vậy là không chân thực. Cô ấy thông minh hơn tôi, cô ấy có tài, về mặt thiên bẩm, cô ấy là người sáng tạo, tức là con người tư duy và cô ta còn đẹp hơn nữa. Mà tôi lại muốn đẽo gọt cô ta thành một người giống như tôi. Thế là đi đứt. Chẳng nên tự biện bạch cho mình, rằng mình đã hết lòng, luôn hốt hoảng lo âu vì cô ta làm gì. Lo cô ấy sống (chữ này bị bẩn, không rõ có đúng không) ra sao? Ai đến với cô ấy? Ai bắt nạt cô ấy? Và người ta nghĩ gì về cô ấy?... Chỉ có cách hoặc là chấp nhận một cá tính bên cạnh anh, chấp nhận (thiếu hai chữ do bị bẩn), và sẽ diễn ra sự hoà hợp huyền diệu như tan hoà vào nhau, hoặc là không. Chứ chẳng có cách thứ ba nào nữa, đừng nên sống bằng ảo tưởng làm gì…

- Anh có đề nghị được về nước công tác không?

- Không, tôi đang cần ở lại đây. Tôi đã ghi tên đóng tiền cho hợp tác xã xây dựng(1), phải đợi một năm nữa kia. Chúng tôi có một tủ sách chung, cả cô ấy, cả tôi, đều không thể sống thiếu nó được, chứ chưa kể nhu cầu làm việc!... Mà nếu không có nhà, tôi biết tha các tập an-bom hội hoạ châu Phi về đâu bây giờ? Đến nửa tấn sách ấy! Mà về, nhìn thấy Ôn-ga thì tôi lại đau xót, cô ấy cũng biết thế. Và cô ấy cũng đâu có thanh thản trong lòng!...

- Cô ấy chưa định lấy chồng nữa chứ?

- Sẽ không lấy ai đâu.

- Sao vậy?

- Đấy lại không phải là chuyện giữa anh và tôi.

- Xin lỗi anh.

- Không có gì. Tôi chỉ cảm thấy là anh hỏi không phải vì tính tò mò hay thích nhòm qua lỗ khoá nhà khác… Trước kia thì tôi không kéo dài những câu chuyện kiểu này, còn bây giờ, cắt ngang cũng chẳng để làm gì… - Dô-tốp cười ngượng nghịu và lại đưa ly rượu ra. - Nào, anh rót thêm tí nữa! Làm thằng say kể cũng thích - lúc ấy chẳng còn biết lo lắng nỗi gì, chỉ còn biết chuếnh choáng thôi…

- Thế sao anh lại không ưa những kẻ uống rượu?

- Ông bố tôi vốn nghiện ngập. Một người rất có năng khiếu, nhưng không biết tận dụng khả năng của mình. Một người Hy Lạp.

- Nghĩa là sao? - Xla-vin không hiểu.

- Tức là, giống kiểu người Hy Lạp, nói rõ hơn, là không chịu tin vào sự sáng suốt ở những người gần gũi mình. Những người A-ten chả thường thích sùng bái nước ngoài là gì?... Đến cả Pi-ta-go của họ, mà họ cũng tặc lưỡi : “Vâng, cũng là thiên tài đấy, nhưng được thế là nhờ công dạy dỗ của các thầy giáo tận nước ngoài…” Bố tôi vốn là nhà triết học. Nhưng một nhà triết học chân chính phải là người nghiên cứu tự nhiên, không thế, bọn họ chỉ là đồ láu cá. Bố tôi nghiên cứu hết mọi sự, thế rồi bắt đầu uống rượu. Trời ạ, sự xích gần đến kiến thức quả là nguy hiểm, thật rất nguy hiểm! anh có nhớ chuyện người ta hỏi Pi-ta-go rằng ông làm gì không?

- Có. Ông đã bảo: “Tôi chằng làm gì cả! Tôi là triết gia”.

- Đấy, bố tôi như vậy đấy!... Lúc đầu thì sống để thưởng ngoạn cảnh quan của thế giới, rồi sau đâm ra chán ngán, vả lại cũng thiếu nghị lực nữa. Không tin ở mình, cả những người gần gũi quanh mình, thế là hết, thở hắt ra, và chỗ ở của ông là ở thiên đàng… Này, sao ông bạn của anh vẫn chưa gọi điện nhỉ?

- Tôi chờ thêm dăm phút nữa vậy. Tay này thường vẫn đâu ra đấy lắm.

- Bọn họ nói chung đều biết sống đâu ra đấy - Dô-tốp cười khẩy - À mà không biết tại sao cái tay Glép tinh ma kia lại biết việc cung cấp hàng của ta cho Na-gô-ni-a nhỉ? Ở đây chỉ có một mình tôi được biết việc này, ngoài ra không có ai.

Xla-vin nhanh như cắt, dẫm nhẹ lên chân Dô-tốp ra hiệu, nhưng Dô-tốp phẩy ta phớt đều:

- Dào ôi, bọn họ không nghe trộm anh đâu! Giá anh làm đại sứ thì lại là chuyện khác!...

*

* *

…Nghe lại cuốn băng, tới những lời cuối cùng của Dô-tốp, Giôn Glép đứng phắt dậy khỏi bàn, đút cuộn băng chưa chỉnh lí lại vào túi, và đi đến chỗ Rô-bớt Lô-ren-xơ.

- Công việc đã xong cả. - Hắn nói. - Tôi rất yên tâm về “Ngọn đuốc”.

- Xin chúc mừng ông, ông sẽ nói thêm với tôi về chi tiết, hay là cái đầu của tôi không cần lắm trong chuyện này, đối với ông?

- Chính nhờ vào những chi tiết của tôi - Giôn Glép đáp, không giấu được vẻ mếch lòng, - mà ông sẽ được huân chương, còn tôi bất quá cũng chỉ được đi nghỉ hai tuần là cùng.

- Để trong thời gian đó, ông lại mộ thêm được một thằng cha cỡ như Tỉnh Táo nữa, và để rồi tôi lại được huân chương, còn ông thì lại được đi nghỉ nữa! Lô-ren-xơ cười to.

- Lấy đâu ra những tên như Tỉnh Táo nữa, ông trùm! Hiện giờ hắn đang đắc lực thì tôi với ông còn được lên voi, làm gì cũng được, ta đang ở trung tâm chú ý, tên tuổi ta được tổng thống biết đến, ta được bảo hiểm khỏi mọi công kích từ nội bộ. Thằng cha Tỉnh Táo ấy là sinh mạng của tôi với ông. Hắn cũng là niềm hi vọng của CIA. Na-gô-ni-a rốt cục sẽ chỉ là một giai đoạn trong hoạt động tương lai của hắn, chuyện vặt thôi mà, chúng ta đã thắng cuộc rồi! Tôi nghĩ rằng, hắn ta có phần bị thần hồn nát thần tính, chứ chưa kẻ nào có thể giải mã được về hắn. Chẳng qua hắn mệt mỏi, chúng ta phải cho hắn nghỉ một chút sau khi kết liễu Gri-xô. Đấy, theo các chi tiết của tôi, thì hãy để Dô-tốp khớp vào với vai Tỉnh Táo, nhưng phải để Dô-tốp nhập vai “trong bóng tối”. Tư duy của hắn cứng một chiều, hắn thuộc nòi các thánh tông đồ. Hắn đã nói với Xla-vin về việc cung cấp hàng mà Tỉnh Táo đã báo cho ta. Vậy là Mát-xcơ-va sẽ biết việc này. Họ sẽ tìm kiếm chỗ rò rỉ tin tức - và ta phải tổ chức cho ra chỗ rò ấy. Tại đây. Đó chính là trò chơi mà ta đã hứa để làm yên lòng Tỉnh Táo.

- Sẽ đem lại cho ta được gì? Chúng ta sẽ làm ra sao? Và cái giá sẽ là bao nhiêu?

- Cái giá vặt vãnh thôi, vài bữa cốc-tai. Bằng cách nào ư? Đó là việc của tôi, ông cứ việc điều hành đường lối còn chiến thuật đánh gần, hãy để tôi. Ta sẽ được gì à? Được chiến thắng. Thứ nhất là bọn Nga sẽ thu được bằng chứng rằng Dô-tốp là gián điệp của ta. Thứ hai, để bọn chúng sẽ lấy được tin tức này, ta có dịp vu cho Xla-vin làm gián điệp. Ông hãy chuẩn bị cho cuộc đột kích, bọn kẻ cướp sẽ lấy ở két của ông các tên tuổi “những người bạn” của ta, trong số đó, hai năm rõ mười là phải có Dô-tốp. Thứ ba, việc kết tội làm gián điệp và hành động găng-xtơ sẽ buộc Luy-xbua trục xuất đa số bọn Nga đang làm việc ở đây. Việc cung cấp hàng cho Na-gô-ni-a sẽ giảm đi một nửa. Nửa kia sẽ bị các nhóm khủng bố của Ô-ga-nô tiêu diệt. Thứ tư, sau chiến dịch này, nhất là khi Xtau bắt Xla-vin, ở đây sẽ không còn những kẻ dòm dõi, tọc mạch nữa, và nếu còn, thì bọn chúng cũng phải đặc biệt thận trọng. Trước khi bắt đầu “Ngọn đuốc”, một hành động như thế sẽ cực kì bổ ích, mà lại ít ồn ào.

- Ông làm một chén chứ, Giôn?

- Tôi sẽ uống thoả thích khi nào người ta gọi điện từ Na-gô-ni-a cho tôi, báo rằng họ đang phái trực thăng đến đón tôi thăm dinh của Ô-ga-nô.

- Ông cứ gõ vào tủ gỗ ấy mà chờ.

- Suốt đêm đến sáng tôi chỉ chuyên tâm làm việc đó đấy, ông trùm ạ!

- Khi nào thì ông mới thôi dúng vào cái chữ “trùm” dễ lộ kia? Đã bao nhiêu lần tôi đã xin ông gọi tôi bằng tên!

- Tôi là người có những thích thú bệnh hoạn, ông trùm ạ, tôi rất lấy làm khoan khoái khi được tự hạ mình trước người khác.

- Ông đã nghĩ được cách nào đẩy được thông tin về Dô-tốp cho bọn chúng?

Glép vắt hai tay ra sau đầu, ngả người ra, phá lên cười mà không biết hắn cười cái gì. “Tôi hi vọng sẽ có dịp, thưa ông! Và tính tôi còn rất hay thù dai nữa đấy, không tha thứ cho một ai đâu. Không tha ai hết, ông ạ!”.

Lô-ren-xơ chăm chú nhìn Glép dưới hàng lông mày chổi xể đã đốm bạc, và nói một cách tư lự:

- Tính thù dai là một nét xấu, Giôn ạ, nhất là trong nghề chúng ta. Người tình báo phải yêu đến phát run lên đối thủ của mình, chỉ khi ấy anh ta mới bóp cổ được hắn.

(1) Ở Liên Xô có hình thức hợp tác xã xây dựng nhà ở cho công dân (JSK) . Hợp tác xã tiến hành xây dựng nhà trên cơ sở tiền đóng góp của người yêu cầu, có vay vốn ngân hàng dài hạn. Nhà được phân theo thứ tự yêu cầu, và trả tiền dần trong khi sử dụng.

Phần 27

TÌM KIẾM - VI

Đạo diễn ở Hô-li-út là I-út-gin Cu-dan-ni đã làm quen với Xtê-pa-nốp ba năm về trước trong kì đại hội điện ảnh Xanh Xê-bát-chiên(1). I-ut-gin mang đến dự thi cuốn phim tài liệu của mình về Nam Việt Nam, còn Xtê-pa-nốp cũng mới từ chỗ các chiến sĩ du kích Lào và Việt Nam trở về , được mời làm thành viên của Ban giám khảo.

Bộ phim của I-út-gin làm Xtê-pa-nốp thích thú. Anh chàng người Mỹ này quay chính xác và điềm tĩnh, không dùng các xảo thuật (kĩ xảo). Anh ta đã tập hợp vào phim những thứ trái ngược nhau tưởng không thể đứng cùng nhau được: cơn đau đẻ dưới bom đạn các “Con ma” và buổi học nhảy điệu “rốc” ở trường trung học, cái chết của một thanh niên Việt Nam bên cạnh bài giảng về các chỗ hổng trong vũ trụ của một giáo sư tóc dài, có cặp mắt ngây thơ như trẻ con; rồi buổi ca nhạc không chuyên của các chiến sĩ du kích bên cạnh buổi ca nhạc của các tay nghiền ma tuý theo triết học Bớc-cơ-ly.

Lần ấy trong quán “I-bê-ri-a”, - nơi tụ tập các khán giả xem phim cũng như những kẻ chuyên ngáp vặt, đến đó để xem mặt những diễn viên nổi tiếng, - có (thêm chữ này vào cho có nghĩa) người đã giới thiệu Xtê-pa-nốp với Cu-dan-ni.

- Thật bực mình, không phải vì họ sẽ đánh trượt tôi, - Cu-dan-ni nói, - cái đó tôi không nghi ngờ gì cả, mà tôi bực mình hơn vì người ta sẽ tặng cho Ơ-xê-bi-ô phần thưởng cao nhất, trong khi hắn là một tên phát-xít, đồ súc sinh!

- Ông muốn nói cuốn phim về Xan-chi-a-gô đê Com-pa-xtê-la? - Xtê-pa-nốp hỏi.

- Vâng. Một bộ phim cũng khá đấy, nhưng bực một nỗi là nó do một thằng mất dạy làm ra, tên này trước nó đã cầm đầu “sư đoàn xanh” của phát-xít.

- Phim cũng chưa hay đến mức xứng đáng giải nhất - Xtê-pa-nốp nói.

I-út-gin phá lên cười:

- Đó là quan điểm cá nhân ông? Hay là với tư cách một thành viên Ban giám khảo?

- Tuỳ ông nghĩ - Xtê-pa-nốp lẩm bẩm.

Ngày hôm sau, khi gặp các đồng nghiệp ở hành lang, Xtê-pa-nốp quả nhiên đã thấy I-út-gin nói đúng. Ban tổ chức đại hội đã chơi trò tâm lí chiến với các thành viên Ban giám khảo và nêu tên Ơ-xê-bi-ô như lăng-xê một người đáng trúng giải, trên báo chí ngày nào cũng xuất hiện các bài phỏng vấn hắn ta, bọn phê bình bồi bút viết những bài phê bình ca tụng hắn nức nở.

Nhưng Tây Ban Nha là một đất nước đặc biệt; Xtê-pa-nốp đã có lần nói đùa ở Tbi-li-xi(2): “Các anh thật đúng là anh em với Bát-xcơ, mà nói chung là với cả Tây Ban Nha. Bên nước họ cũng như ở đây, lời nâng cốc ở bên bàn tiệc đủ quyết định mọi vấn để!”.

Xtê-pa-nốp đã tập hợp số người làm báo quen biết lại.

- Các bạn ạ, tôi chăm lo không phải cho một người Nga, mà là cho một người Mỹ. Anh chàng Mỹ này nghèo túng, anh ta mới làm được bộ phim đầu tiên, anh ta cũng không phải đảng viên cộng sản, chỉ là một chàng trai chính trực, thế thôi. Tôi muốn các bạn hãy xem cuốn phim của anh ta và viết lên sự thật về nó.

Rồi anh gặp gỡ chủ tịch cuộc Đại hội liên hoan vào buổi chiều, trong căn hộ của mình (người Tây Ban Nha trọng uy tín hơn hết, nếu anh là thành viên Ban giám khảo, anh phải được thuê cho cả một căn hộ để ở, chứ không chỉ ở có một buồng, còn trong tủ lạnh không chất đầy các hộp bia, mà phải là “uýt-xky”, “gin” và các chai “rô-xa-đô” chính cống, sản xuất từ Na-va-ra - cho hợp sở thích người ngoại quốc, bởi vì Hê-minh-uê đã từng ca tụng. Khi đã tạo nên vẻ uy nghi đáng trọng vọng như thế rồi, chính người Tây Ban Nha lại rơi vào sự mê hoặc của cái uy tín giả tạo ấy. Tức cười, nhưng mà thật thế). Khi đã làm một ngụm rượu vang lấy trong tủ ra mời - mà dân Tây Ban Nha là dân ít nghiện rượu nhất thế giới - Xtê-pa-nốp nói:

- Ông bạn thân mến, cuộc nói chuyện hôm nay có tính chất hết sức tin cậy.

- Tôi biết - Ông chủ tịch liên hoan phim đáp - ông muốn cho giải Cu-dan-ni, tôi cũng có người ở các báo, nên tin tức đến tai tôi ngay lập tức. Ông không giành được phần thắng đâu Xê-nho(3) Xtê-pa-nốp ạ, vì Xanh Xê-bát-chiên còn muốn sùng đạo hơn cả giáo hoàng La Mã. Chúng tôi không dám liều tặng thưởng cho một bộ phim, tuy là phim Mỹ, nhưng đứng trên quan điểm chống Mỹ.

- Ông không hoàn toàn chính xác đâu. - Khi ấy Xtê-pa-nốp lên tiếng - Cu-dan-ni đứng trên quan điểm chính cống của người Mỹ. Ông hãy tin lời tôi, chỉ sau một năm rưỡi nữa là cùng, anh ta sẽ được giải thưởng cỡ quốc gia của Mỹ.

- Ở Mỹ không có giải quốc gia cho các phim thời sự, tài liệu, còn giải Ô-xca, người ta chỉ dành cho phim truyện… Với lại, tôi không tin rằng một, hai năm nữa, chiến tranh ở Việt Nam sẽ kết thúc.

- Nó sẽ còn kết thúc sớm hơn ấy chứ!

- Tôi coi trọng ý kiến của ông, tôi muốn kết bạn với ông - tôi muốn nói, ông với tư cách đại diện của một nước, chứ không chỉ là Xê-nho Xtê-pa-nốp - tuy nhiên, ông đừng đặt tôi vào tư thế khó xử. Tôi không thể ủng hộ ông được, có quá nhiều người đã bị cuốn vào việc này. Ơ-xê-bi-ô sẽ được huy chương vàng, nhưng nếu Ban giám khảo bị chia rẽ thì điều đó thật không hay.

- Tôi sẽ kho mà chuẩn bị dư luận ở Mát-xcơ-va, - Xtê-pa-nốp vừa hút thuốc vừa nói, - trong kì Đại hội liên hoan phim sắp tới của chúng tôi, khi các ông đem phim của các ông đến. Một người Tây Ban Nha nhận được giải thưởng ở ngay Xanh Xê-bát-chiên là một chuyện, còn anh ta được Đại hội Mát-xcơ-va đánh giá thế nào, lại là một chuyện khác.

- Dù sao thì Mát-xcơ-va cũng sẽ không thể cho Ơ-xê-bi-ô ăn giải gì cả, vì anh ta đã quay phim về các cựu chiến binh của “sư đoàn xanh”.

- Béc-lan-ga cũng đã tham gia chiến tranh, anh ta cũng từng là lính của “sư đoàn xanh” vậy mà chúng tôi lại đã ca ngợi phim “Tên đao phủ” của anh ta đấy thôi.

Ông chủ tịch liên hoan phim thở dài.

- Xê-nho Xtê-pa-nốp ạ, tham gia chiến tranh là một chuyện, còn ca ngợi nó bằng các phương tiện nghệ thuật lại là chuyện khác. Được rồi, nếu tôi đem ba cuốn phim của các nhà làm phim tài liệu trẻ tuổi đến, ông sẽ đảm bảo cho tôi giải vàng chứ? Hay ít ra là hai huy chương bạc?

Xtê-pa-nốp lắc đầu:

- Cho dù bên chúng tôi cũng lắm điều kì quặc, nhưng dẫu sao giải vàng ở Đại hội liên hoan chúng tôi vẫn cho phim nước ngoài, có điều, tôi chưa thể bảo đảm được.

Ông chủ tịch xích lại gần Xtê-pa-nốp, kéo anh sát lại và ghé vào tai:

- Tôi không tin ông.

Và ông ta đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng, ra ngoài cửa căn hộ mà ban phụ trách đã thuê cho Xtê-pa-nốp, nhìn vào phòng tắm hỏi giá thuê. Rồi cũng chính ông tự trả lời là không dưới 50 đô-la một ngày, cuối cùng ông quay về chỗ ngồi và nói:

- Va-mô-xơ a-ve-rơ(4). Tôi đảm bảo cho anh chàng Mỹ kia được giải báo chí đấy.

- Ít quá.

- Ông mất trí à! Tôi có thể phải trả bằng máu đấy! Ông tưởng rằng khuyên nhủ bọn quan liêu ở Bộ thông tin và du lịch, cái bọn quyết định mọi thứ ấy, là dễ lắm à?

- Đáng lẽ phải cho I-út-gin giải vàng, nhưng vì sợ phản ứng của Oa-sinh-tơn thì ông phải dành cho giải bạc - và mọi người sẽ hiểu là ông không thể hành động thật công bằng được. Còn nếu ông cho anh ta giải báo chí thì sau đó - tất nhiên không phải ở Tây Ban Nha - sẽ nổi lên tiếng đàm tiếu ồn ào: giải này bị áp lực của chính quyền Phran-cô…

- Suỵt! - Ông chủ tịch lại chồm lên khỏi ghế. - Xê-nho Xtê-pa-nốp, sao ông lại… Thống chế là người cha của mọi người dân Tây Ban Nha, và ở nước tôi không hề có sự lộng hành của kiểm duyệt.

- Vâng, tôi hiểu, - Xtê-pa-nốp đồng ý, - tôi đã nói là làng báo nước ngoài người ta sẽ viết, chứ không phải nước tôi. Người Pháp sẽ bắt đầu trước tiên cho mà xem…

Rút cục, I-út-gin được giải thưởng đồng, và điều đó đã mở đường cho anh bước vào ngưỡng cửa lớn của điện ảnh. Người Mỹ cũng trọng uy tín như người Tây Ban Nha, và đối với họ, cái căn bản nhất là sự thừa nhận ở nước ngoài. Dân tộc Mỹ cũng như bất kì một dân tộc trẻ nào, có phần kém tinh tường trong việc nhìn nhận các nhà tiên tri ở ngay tổ quốc của mình.

Từ đó, mỗi khi Xtê-pa-nốp có dịp sang Mỹ, I-út-gin lại bỏ dở công việc và phóng lên Oa-sinh-tơn để giúp Xtê-pa-nốp kiếm được thị thực (thường anh không được phép đi thăm miền bờ biển phía Tây và miền Nam nước Mỹ). I-út-gin cũng hay đi du lịch với Xtê-pa-nốp, nhường cả ô tô của mình và chìa khoá căn hộ độc thân ở Grin-uýt Vi-li-giơ cho anh.

I-út-gin hai lần vào Đảng Cộng sản rồi lại xin ra, có hồi anh ta tích cực ủng hộ Ken-nơ-đi; có những vấn đề, hai người loại ra khỏi phạm vi tranh cãi - bởi vì tranh cãi cũng vô nghĩa, không ai thuyết phục được ai. Nhưng họ tin chắc rằng có thể hoàn toàn tin cậy nhau, nhất là trong những việc liên quan đến sự nghiệp làm hai dân tộc xích gần lại nhau.

Và thế là Xtê-pa-nốp đã đánh điện từ Na-gô-ni-a cho chính anh ta: I-út-gin Cu-dan-ni…

*

* *

- Bà Glép, bác sĩ đã cho phép tôi được nói chuyện với bà nửa giờ, - Cu-dan-ni nói.

- Ồ! Bệnh tôi đã giảm nhiều thế cơ à? Tôi vẫn tưởng mình hoàn toàn bất bình thường, bây giờ thế là ổn cả, chắc hẳn sắp tới người ta sẽ cho tôi được về nhà. - Người phụ nữ phá lên cười với vẻ lạ lùng.

- Bà Glép, tôi muốn nói chuyện với bà về Giôn.

- À, chính là lão Giôn đã tống tôi vào đây để tôi không còn dịp nói hở gì ra với bọn mật vụ ở FBI! Lão ta trả rất nhiều tiền cho bác sĩ để bọn họ nói với mọi người, rằng tôi là kẻ mắc bệnh tâm thần, không cho các tay FBI động đến tôi - Người đàn bà cúi gập người về phía I-út-gin. - Tôi van ông, xin ông cho tôi làm một hơi, được chứ?

- Bà hút hê-rô-in à?

- Khẽ chứ… Cái gì cũng được. Lúc nào tôi cũng mơ ước được làm một hơi. Một hơi dài, khô giòn, cho đã! Ông cứu tôi với nào.

- Tôi không có… Tôi không đem gì theo, bà ạ… chưa có lúc này đâu, bà hiểu chứ?... Nếu bà kể cho tôi nghe điều tôi muốn biết, thì tôi cũng sẽ cố gắng giúp bà.

- Ông lại phỉnh tôi… Người ta không cho ông vào đây nữa đâu. Mỗi năm, tôi chỉ được phép ba hoa một lần thôi, lão Giôn nó muốn biết xem tôi còn nhớ những gì… Cũng đã có một thằng cha mật vụ FBI đến đây và để lại một véo thuốc, rồi sau đó cả năm, tôi không còn được phép gặp ai nữa.

- Thằng cha ấy tên là gì?

- Thế còn ông tên gì?

- Tôi là I-út-gin Cu-dan-ni, đạo diễn điện ảnh.

Người đàn bà lại bật lên cười, cái cười khô khốc không thành tiếng của mình:

- Nếu thế tôi phải là Grê-ta Ga-bô(5). Ồ mà không, cô ta đã yên giấc dưới suối vàng rồi, hãy coi tôi là Mê-ri-lin Môn-rô(6), thế thì chính xác hơn.

- Bằng lái xe của tôi đây, thưa bà Glép.

- Hà! Thằng cha kia cũng chìa cho tôi một cái bằng như thế! Ông tưởng là tôi tin hắn à?

- Hắn có nói với bà là hắn từ đâu đến không?

- Không. Chỉ nói tên là Rô-bớt So. Thì tôi đã nói với ông, là từ FBI đến mà! Hình như hắn có nói thì phải. Ừ không, hắn quả có nói thật. Rô-bớt So, từ FBI đến.

- Hắn hỏi bà về vụ bê bối ở Hồng Kông?

- Không. Hắn hỏi chuyện về Pi-la, ả đã bay đi Bắc Kinh ra sao và ả lấy đâu ra hộ chiếu ngoại giao. Bọn họ không dám chọc vào các vị ngoại giao, cái bọn mật vụ khốn khổ ấy, lần mò theo dấu vết rồi cuối cùng chạm trán phải cái thẻ xanh: thẻ nhà ngoại giao… Rồi hắn hỏi Giôn đã đưa ả ta từ Hồng Kông đi đâu?

- Pi-la là ai vậy?

- Một con đĩ ấy mà. Đồ đĩ rạc bẩn thỉu.

- Ả ta sống ở đâu?

- Còn ở đâu nữa? Lão Giôn ở đâu thì nó ở đấy. Lão kéo ả theo khắp mọi nơi. Lão lấy ả làm cái nệm, rồi sau lại kì cọ cho sạch trong buồng tắm. Lão còn dùng ả để lót cho mấy gã khốn kiếp ở Béc-lin, khi lão cho bọn kia tiền, thông qua Pi-la. Còn ả thì lại làm ra bộ nữ chiến sĩ cách mạng theo Mao. Ả huấn thị cho bọn trẻ ranh ở Béc-lin kia biết phải nhắm bắn vào ai. Chính lão Giôn đã vạch mặt chỉ tên những bạn bè cũ của lão ra cho ả khử… Đúng hơn, là bạn bè của bố tôi… Bố tôi cần khử kẻ nào đó trong số lũ kẻ cướp cũ, thì Giôn làm liền… Mà tôi nói ông cũng đừng có tin, đừng trố mắt lên như thế, tôi điên đấy… Điên thì nói gì chả được. Ông có thực mang ít bột thuốc đến không đấy? Pi-la thường hay cho tôi hút lắm, nói chung, ả cũng tốt.

- Ả là kẻ đầu tiên cho bà hút hê-rô-in?

- Không. Đầu tiên là lão Giôn. Lão không biết chất lượng hàng hoá ra sao, thế là lão muốn lấy tôi để thử. Kẻ khác thì đã nện vào mồm tôi, còn lão thì lão cứ nhìn trân trân vào mắt tôi, khi tôi rướn người lên sát vào mặt lão… Giống như ông anh tôi vẫn nhìn vào mắt các chú thỏ bị cưa cẳng làm thí nghiệm ấy mà. - Bằng một cái cưa tay ấy… Ông có biết lũ thỏ nó rít lên thế nào không? Ồ, phải nghe lũ thỏ mắt đỏ ấy nó rít lên thì mới hiểu được… Bố tôi thì bảo tôi, đừng có làm phiền anh Dép, bố tôi bảo, đường vào khoa học phải đi qua sự tàn nhẫn… Còn anh Dép, cuối cùng nhổ bọt vào khoa học để trở thành một chính khách cỡ bự, lẽ nào, chính trị lại là một khoa học? Cái đó cũng giống như khi ông anh tôi cưa chân thỏ mà không gây tê.

- Thế ông anh bà hiện giờ đâu rồi?

- Giôn giúp cho anh Dép trở thành bí thư của “Đảng nước Đức mới”, bây giờ, Dép đang bảo vệ cho cái lợi ích ấy của người Đức. Tôi cũng là người Đức đây, phải, tất cả nhà tôi, cả Glép cũng một nửa là người Đức. Có điều lão không thích người ta nhắc đến điều ấy, vi có một người bà con của lão đã làm việc ở Ngân hàng đế chế cho Hít-le, một người rất là trí thức, rất là kín đáo, thầm lặng, lão ấy chỉ biết đến số răng vàng nhổ được ở trại tập trung Au-sơ-vít, số nhẫn cướp được ở trại tập trung Đa-khao… - Người đàn bà lại cười - Nếu ông muốn nạt Glép, thì cứ gặp lão mà hỏi thăm sức khoẻ bác Dích-phrít. Hãy bảo lão rằng ông đang muốn kiện Dích-phrít San-xơ về việc bà con của ông bị thiêu ở cái lò thiêu người. Có điều là sau đó, ông phải lo mà giữ lấy cái mạng - Giôn không tha thứ cho ai về những câu hỏi kiểu ấy đâu. Đến tôi, lão cũng không tha thứ vì kiểu hỏi như vậy, cho nên tôi mới phải vào đây.

- Và bà cũng đã kể hết cho Rô-bớt So?

- Hắn ta là một thằng ngốc, cái gã So ấy mà! Hắn y như cái máy chữ ấy, lạch cạch, lạch cạch, lúc nào cũng muốn làm rối trí tôi lên… - Hình như hắn ta chẳng thèm biết rằng ở trên đời này có một nước gọi là nước Đức, nơi có những người Đức đang sống nữa. Khi tôi tìm thấy trong đống giấy tờ của cha tôi những bức thư của Giôn và vỡ lẽ ra rằng tôi với lão ta cùng một ổ, khi ấy mọi chuyện giữa tôi và lão ta mới bắt đầu - Trước đó, tôi là một con người khác. Tôi đang hoạt động. Tôi đã từng biết công việc xoay xoả ra sao, cho ai và khối lượng bao nhiêu, tôi đã từng biết người ta khử ai, ở đâu và khi nào, tôi đã là một yếu nhân, Đê-vít Hiu là người giúp việc cho Giôn, sau này bị đuổi đi, đã bảo là tôi sẽ trở thành một Ma-ta Ha-ri mới(7).

- Thế Hiu bây giờ ở đâu?

- Không rõ, có lẽ ở Muy-ních. Cần quái gì đến hắn nữa.

- Này thôi, ông có thể cởi quần áo ra được chứ? Người ta cho ông vào gặp tôi trong bao lâu? Tôi rất thích được yêu…

Người đàn bà đứng dậy, bỏ áo ngoài ra, I-út-gin trông thấy những vết thâm trên vai, và nước da vàng ợt, nhăn nheo. “Ngốc thật - Anh nghĩ bụng - lẽ ra phải mang máy ghi âm theo. Chao, giá chụp được cảnh này nhỉ?”.

- Bây giờ thì không nên, anh nói, người ta có thể vào đây, còn ít thời gian lắm. Mai tôi sẽ đến, được không? Tôi sẽ đến với bà hai giờ đồng hồ liền.

- Người ta không cho ông vào gặp nữa đâu. Không ai vào gặp tôi đến lần thứ hai cả…

- Thôi được, bà hãy khoác áo vào, ta nói chuyện lát nữa, rồi chuyển sang khoản tình yêu cũng chưa muộn…

“Ý chí cô ta bị tê liệt - I-út-gin nghĩ, khi thấy Em-ma ngoan ngoãn cầm áo lại và choàng lên đôi vai vàng khè, xương xẩu. - Bao giờ cũng vậy đấy, thoạt đầu là hê-rô-in, sau đó thì khủng khiếp thế này đây. Mà Xtê-pa-nốp cần những chuyện này làm gì nhỉ? Chẳng ai tin được cô ta đâu!”.

- Thế hiện nay bác Dích-phrít ở đâu?

- Tôi đang cầu Chúa cho lão chết đi, khi ấy tôi mới không phải sống hổ thẹn dường này… - Bà ta lại bật cười - Sống… Tôi vẫn sống đấy chứ, phải không? Tôi đang sống đây, - bà ta nhắc lại rất tự tin, - bởi vì tôi đang thở, tôi ăn và thải bã ra ngoài. Đúng hơn là tôi đang tồn tại. Chứ cũng không phải sống. Sống phải khác kia. Tôi đã từng sống khi có Giôn. Khi lão bỏ tôi rồi, tôi còn ít thuốc bột và rồi thuốc hút cũng hết, lúc ấy tôi mới chỉ ăn, uống và thải bã một cách chán ngán thế này.

- Anh Dép của bà hiện ở đâu nhỉ, - I-út-gin tiếp tục, trong thâm tâm cảm thấy những câu hỏi đơn điệu của anh làm người đàn bà khó chịu. Anh biết nên nói với Em-ma thế nào, vì không thể nào đoán định được trước câu trả lời của bà ta - Dép cũng chết rồi à?

- Ồ, không! Dép đang phái những người Đức chính trực sang châu Phi để bảo vệ tự do; anh ấy hoạt động ở biên giới, tập hợp bè bạn ở Muy-ních. Chả lẽ ông không biết Dép San-xơ sao?

- Ông ấy đúng là sống ở Muy-ních à?

- Ông nghĩ là tôi bịa phỏng! Ông cũng là So! Ông là đồ chó săn, mật vụ! Hắn cũng không tin tôi như ông! Mà tôi thì nói thật!

Người đàn bà kêu la mỗi lúc một to. Cửa mở ra, hai người mặc áo choàng đi vào, nhìn I-út-gin vẻ trách móc, rồi đưa Em-ma đang la hét đi, trong khi tiếng kêu tuyệt vọng của bà ta còn vọng lại bên tai anh: “Ô hay, ông cho tôi là điên phỏng?”.

… Xtê-pa-nốp gọi điện cho anh em làng báo ở Muy-ních, người ta cho anh địa chỉ của “Đảng nước Đức mới” của Dép San-xơ ngay, không cần phải tra cứu…

(1) San Sebastian : thành phố biển ở Tây Ban Nha, đa số là dân Bat-xcơ ở, một trong các địa điểm tổ chức Đại hội điện ảnh quốc tế thường kì.

(2) Tbi-li-xi : thủ đô nước cộng hoà Gru-di-a, miền Nam Liên Xô (cũ)

(3) Ông, ngài (tiếng Tây Ban Nha)

(4) Nào ta tiếp tục (tiếng Tây Ban Nha)

(5) (6) Tên các nữ diễn viên Mỹ, các ngôi sao điện ảnh Mỹ hiện đại

(7) Nữ điệp viên rất lừng lẫy trong lịch sử tình báo

Phần 28

TÌM KIẾM - VII

“Điện gửi Xla-vin.

Tìm kiếm mọi chi tiết liên quan đến Đu-bốp. Tính chất quan hệ của anh ta với Vin-te? Có xác định được việc anh ta từng gặp Lô-ren-xơ hay Glép không, dù là gặp một cách tình cờ?

Trung tâm”.

*

* *

“Tối mật.

Kính gửi thiếu tướng Côn-xtan-ti-nốp.

Xin thông báo theo yêu cầu lần thứ hai của đồng chí, rằng hành khách Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích Đu-bốp hôm qua đã bay đi Át-le trên chuyến bay số 852.

Trung tá Dư-cốp”.

*

* *

“Những tư liệu quan sát “Áo Trắng” (mật danh do các nhân viên an ninh ở Áp-kha-di-a đặt cho Đu-bốp vì Đu-bốp bay đến nghỉ ở đây trong bộ com-lê trắng, áo sơ-mi cũng trắng, thắt nơ trắng, chỉ có đôi giày là đen, nặng và đầu tù, giày cũ kiểu Mỹ).

Đến ở khu nhà nghỉ “Hải Đăng” phòng 212. Áo Trắng bắt đầu đi ăn sáng lúc 8h47. Anh ta ngồi vào bàn ăn có hai người đàn bà, một người da ngăm ngăm, khoảng hai mươi ba tuổi, đi cùng với anh ta ra khỏi tiệm ăn vào 9h17.

Anh ta đề nghị cô da ngăm đến phòng anh ta, và cô kia đã nhận lời. Trong phòng Áo Trắng, họ ở lại 52 phút, khi ra đã thay quần áo tắm và bước ra bãi tắm. Họ cùng tắm và phơi nắng ngoài bãi đến 12h49, sau đó cùng đi ăn trưa ở tiệm ăn ban sáng. Ăn ở bàn từ 13h05 đến 13h51. Sau đó lại về phòng Áo Trắng, ở tịt đó đến 16h10, rồi lại ra bãi tắm. Họ trở về vào 18h26, đi ăn tối, lại ngồi vào bàn ăn lúc sáng. Áo Trắng gọi một chai rượu vang có mác “Ti-ba-ni”. Sau đó, anh ta mời cô da ngăm đi dạo. Không gặp gỡ trò chuyện với ai, họ ra khỏi địa phận khu nghỉ mát “Pin-xun-đa”. Ở gần nha bưu điện, Áo Trắng bảo cô da ngăm chờ mình, rồi cầm đồng 3 rúp đổi lấy loại tiền xu 15 kô-pếch, sau đó gọi điện về Mát-xcơ-va theo số điện 341-97-88. Trong lúc nói chuyện với một người nào đó, có tên là Vích-to Lvô-vích, anh ta nói rằng “cần phải biết kiềm chế, rằng anh ta cũng rất muốn nhìn thấy cô ta, song mỗi người phải hoàn thành nhiệm vụ của mình trước mọi người”. Anh ta cũng yêu cầu “Vích-to Lvô-vích đừng lên chỗ anh ta mấy ngày tới nữa, vì rằng sau một tuần, anh ta “mới đi công tác về”. Nói chuyện xong, Áo Trắng mời cô da ngăm vào “ba”, ở đó họ nhảy với nhau đến 12 giờ đêm. Sau đó hai người trở về phòng anh ta và ngủ lại đấy. Báo cáo của Ga-bu-nhi-a”.

Số điện 341-97-88 là của Vích-to Lvô-vích Vin-te, bác sĩ trưởng bệnh viện phụ khoa số ba Mát-xcơ-va. Còn cô “da ngăm đen” được xác định là Ôn-ga Vrôn-xkai-a, hai mươi hai tuổi, ở Mát-xcơ-va, thư kí văn phòng, đoàn viên Côm-xô-môn, chưa chồng, người gốc U-krai-na.

*

* *

Bác sĩ của bệnh viện số 52 trong thành phố nhìn Côn-xtan-ti-nốp một cách ngạc nhiên:

- Tôi đã giải thích tất cả rồi, thưa đồng chí.

- Giải thích với ai?

- Hôm qua có mấy người từ Viện của chị ấy đến, và tất nhiên, cả ông cụ của chị ấy, niềm tự hào của chúng tôi đấy, tôi đã phải giải thích cả cho ông cụ nữa…

- Nhưng tôi là bạn của chồng chị ấy.

- À ông chồng đang ở nước ngoài ấy ư?

- Vâng.

- Hiểu rồi… Anh ta chưa biết gì hay sao?

- Chưa.

- Vậy đồng chí hãy viết cho anh ta rằng chị ấy không đau đớn gì - đột nhiên bị mất hoàn toàn nhận thức… Một cái chết kì cục, tệ hại quá… Anh bạn của chị ấy kể rằng từ chập tối, chị ấy lên cơn rét, anh ta cho uống át-xpi-rin, chị ấy ngủ thiếp đi, nhưng sốt cao… Anh ta nhớ lại, là đã một tuần rồi, chị ấy bị ho, nhưng dù vậy, vẫn đi ra sân vợt chơi ten-nít, tất nhiên, thế là quá bất cẩn rồi. Đến sáng thì anh ta gọi xe cấp cứu… Chúng tôi đã làm mọi cách có thể làm được, nhưng, hình như phổi đã bị phù, và thế là chúng tôi bất lực.

- Nhưng sao lại “hình như”?

Bác sĩ không hiểu, nhìn Côn-xtan-ti-nốp như để hỏi lại. Côn-xtan-ti-nốp nói rõ hơn:

- Nếu mổ tử thi, thì không thể không rõ hơn nguyên nhân chính xác: nguyên nhân gì đã dẫn đến cái chết thê thảm của một phụ nữ còn trẻ và khoẻ mạnh.

- Đúng thế, nhưng chúng tôi đã không mổ… Xin lỗi, tên đồng chí là gì nhỉ?

- Côn-xtan-tin I-va-nô-vích.

- Rất hân hạnh. Còn tôi là Ác-sin Ghê-oóc-ghi-ê-vích. Vâng, vấn đề là chính Vích-to Lvô-vích, bố đẻ chị ấy đã đề nghị không mổ tử thi, lời nói của ông đối với chúng tôi giống như pháp lệnh, ông cụ là một nhà phẫu thuật đại tài, ai cũng nể, các phụ nữ ở Mát-xcơ-va - vẫn coi ông cụ như thần tượng đấy…

- Ác-sin Ghê-oóc-ghi-ê-vích, đồng chí có thể kể giúp thật chi tiết hơn, được không ạ?

- Ờ, chuyện thế này. Hôm ấy tôi trực. Buổi sáng, quãng tám giờ, có một người đàn ông gọi điện thoại…

- Anh bạn của chị ấy?

- Không, anh ta đến sau, cùng với tôi trên chiếc xe cấp cứu hồi sinh. Đây là người hàng xóm, tôi quên tên, một ông già, vốn là quân nhân… Ông ta báo rằng có một phụ nữ bất tỉnh nhân sự, đề nghị chúng tôi đến ngay. Chúng tôi lên xe đi liền. Ôn-ga khi ấy không những bất tỉnh, mà tôi còn cảm thấy là giờ hấp hối đã điểm, mạch chìm, mi mắt xanh nhợt, đồng tử hầu như không phản ứng. Ở trong xe, chúng tôi dùng bình ô-xy chống choáng cho chị ấy; và khi tới đây, chúng tôi lập tức mời giáo sư Ép-lam-pi-ép, tiếp máu cho chị ấy. Nói tóm lại trong vòng bốn giờ đồng hồ chúng tôi cố gắng hết sức để cứu sống chị ấy. Dù rằng, nói một cách thực bụng ra, tôi tin rằng sẽ không có kết quả…

- Thế tại sao lại không mổ?

- Thì tôi đã nói rồi.

- Không, tôi chưa hiểu lí do.

- Vích-to Lvô-vích đã đề nghị…

- Đấy đâu phải lí do. Chiều hôm trước, chị ta còn mạnh khoẻ, sớm hôm sau đã chết. Vậy mà bệnh viện lại không mổ khám nghiệm. Thế ngộ nhỡ là một bệnh dịch lây lan?

- Không, đây không phải là dịch bệnh. Theo dấu vết khám nghiệm thì là phù phổi bất thần, một cơn phù như gió lốc.

- Bệnh ấy có hay xảy ra không?

- Bản thân tôi thì chưa thấy… Cũng có thấy, nhưng phải qua ngày thứ ba, ngày thứ sáu, quá trình suy sụp làm phổi giảm sút dần dần…

- Thế người bạn của chị ấy… Anh ta là gì nhỉ?

- Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích. Chính anh ta đã kể lại là chị ấy bị ho từ lâu, không được khoẻ…

- Vậy dứt khoát không phải là một bệnh dịch hay lây rồi.

- Nhưng quá trình đột biến như gió lốc này kể ra cũng có trong y học. Đồng chí có nhớ sự việc một cảnh sát Mỹ chết bất thần vì ung thư phổi cũng như kiểu gió lốc này không? Anh ta đang để nghị được khai thêm những chứng cớ mới, người ta đang thẩm vấn anh ta, thế rồi, hai ngày sau anh ta chết.

Côn-xtan-ti-nốp đứng dậy đánh thót một cái, đôi mắt ông thường vẫn tươi cười, xanh biếc, bỗng trở nên xám đục như hai lỗ khoan nhỏ.

- Xin cảm ơn đồng chí Ác-sin Ghê-oóc-ghi-ê-vích… Hôm đó là…

- Đúng hôm tôi trực, như tôi đã trình bày.

- Vậy là bốn ngày trước đây?

- Đúng thế.

- Tôi có thể xin đồng chí sao lại cho một bản kết luận về trường hợp cái chết của chị ấy không? Tôi cần gửi cho chồng chị ấy, như vậy phải hơn. Sẽ có biên bản chính xác, không phải chỉ là miêu tả bằng cảm tính, đúng không? Hơn nữa, lại có bạn của chị ấy hộ tống đến bệnh viện nữa… Anh ta chắc cũng khổ tâm lắm?

- Phải, chúng tôi phải tiêm cho anh ta đấy… Anh ta sững người ra như đá, không khóc được. Nhưng là một người có nghị lực. Ông cụ đến - cụ Vích-to đang họp hội nghị ở Đúp-na, người ta điện cho cụ về, tất nhiên cụ bị choáng rồi và chính là Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích lại trấn tĩnh, đưa cụ về nhà, lo tổ chức ma chay trong có một ngày, anh ta biết kiềm chế mình rất giỏi.

*

* *

Viện sĩ y học, Xéc-gây Xéc-gây-ê-vích Vô-gu-lép đã quen biết với Côn-xtan-ti-nốp trong lúc đi săn. Hai người cùng đi máy bay đến Ca-bác-đi-nô Ban-ka-ria, vào tận vùng Kha-si-xmen Xan-sô-kốp, rồi vào A-khơ-tư-ri cùng với Gmư-ri-a, và hai lần đi A-xtơ-ra-khan nữa.

Khác với Gmư-ri-a, viện sĩ là một nhà đi săn để chiêm ngưỡng, mang theo cả máy ảnh, làm Côn-xtan-ti-nốp cũng lây cái tính thích chụp ảnh khi săn, dù rằng Côn-xtan-ti-nốp thường say sưa hạ “tại chỗ” con mồi săn hơn hết, và điều duy nhất ông ghen tị trong cuộc sống là khẩu súng săn cực tốt trong tay một người bạn săn khác.

Vô-gu-lép thì lại dửng dưng với những thứ săn được. Ông sẵn sàng tặng bạn những nanh lợn lòi săn được, ông yêu thích những bữa ăn quây quần khi đi săn, ông thường bảo rằng trong thế kỉ chúng ta, không một an dưỡng đường nào làm giãn ra được sự căng thẳng thần kinh, chỉ có phương thuốc hiệu nghiệm nhất là đi săn lợn lòi hoặc săn gấu.

- Tất cả những phương pháp trị bệnh, - ông thường nói - dù là dùng các thứ thuốc mới, châm cứu, cho ngủ tĩnh dưỡng, nhịn đói đều là vớ vẩn hết. Phải đi săn! Cùng lắm thì mới phải mổ, dầu sao thì tôi cũng còn tin vào công việc của tôi. Nhưng đấy chỉ là trường hợp không đừng được, chẳng hạn khi chỗ ung thư đã tấy lên. Còn những chứng bệnh nhồi máu, chứng loét dạ dày, chứng xơ cứng mạch máu… chẳng hạn, thì cứ gọi là phải chữa ở đây, trong rừng núi, bằng cách đi săn. Ở đây toả lên mùi dẻ tươi, mùi cỏ tươi và đủ thứ cây quả rừng, khoẻ người lắm…

Côn-xtan-ti-nốp đã gọi điện cho ông, sau một lát suy nghĩ. Trong tình huống như hiện nay, ông không lấy xe riêng mà thường đi chiếc “Von-ga” của cơ quan có sẵn điện đài để dễ liên lạc thường xuyên với các phòng, ban của mình. Cô-nô-va-lốp, Pa-nốp, Prô-xcu-rin, Gmư-ri-a - tất cả các anh hiện nay đang ở tình trạng “cấm trại”. Họ hầu như không được phép về nhà, nhận được thông tin gì là họ tách biệt ra thành nhiều câu hỏi nhỏ, vì họ suy luận rất đúng rằng, càng nghiên cứu tỉ mỉ mỗi chi tiết nhỏ bao nhiêu thì càng có điều kiện đáng tin cậy bấy nhiêu để rút ra kết luận tổng quát.

- Xéc-gây Xéc-gây-ê-vích, tôi sẽ đến thăm anh, nếu được anh cho phép - Côn-xtan-ti-nốp nói - Ngay bây giờ.

- Hoặc là anh đến trong mười lăm phút nữa thôi, hoặc là phải đến chiều tối, Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ - Viện sĩ nói.

- Anh chuẩn bị mổ à?

- Còn khổ hơn ấy. Phải đến họp ở Viện Hàn lâm.

- Không đi được không?

- Có chuyện gì xảy ra vậy?

- Có đấy.

Vô-gu-lép nghe Côn-xtan-ti-nốp nói xong, tắt máy và vội quay ngay số khác:

- I-ri-na Pha-đê-ép-na, - ông nói, - tôi buộc phải đến muộn độ một tiếng. Chị làm cách nào thì tuỳ. Nhưng để các luận án tiến sĩ của Ga-vri-lin, Đa-ri-a-lô-va và Mác-ti-rô-xi-an lùi lại một chút, đừng thảo luận không có tôi nhé, vì những người có thiện chí có thể bị đổ mất. Sao? À, cứ nói với họ là tôi bị chậm, do một cuộc mổ gấp gáp. Cảm ơn chị.

Ông đặt máy xuống, bàn tay còn cứng cáp bóp bóp lên khuôn mặt đã nhăn nhưng còn đầy đặn, và đứng dậy…

*

* *

- Ta đi thôi. Tôi sẽ không gọi điện trước cho bố Ôn-ga đâu. Gọi thế chẳng khác gì lại phải hỏi đến cái chết hai lần, anh đợi trong xe nhé!

- Được rồi, chỉ có điều tôi xin anh lưu ý: không nên để Vích-to Lvô-vích biết, là anh quan tâm đến chính điều gì, xin anh luôn luôn nhớ hộ điều đó nhé…

- Tôi và ông ta đã cùng làm việc trong một quân y viện, Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ. Chúng tôi đã từng đắp chung nhau một vạt áo va-rơi mà!...

- Anh chưa hiểu đúng ý tôi, Xéc-gây Xéc-gây-ê-vích ạ. Tôi không hề có một chút nghi ngờ nào về lòng trung thực của ông già.

Khi đã ngồi trong xe, Vô-gu-lép hút một hơi thuốc và càng lặng lẽ hơn.

- Trong đống giấy tờ cũ của tôi, còn có một tấm ảnh cô con gái của ông ta, cô bé lúc ấy mới được ba tháng… Chúng tôi bị rơi vào vòng vây ở gần Rơ-giép, ông ta đưa tấm ảnh, ghi địa chỉ và yêu cầu, nếu tôi thoát được vòng vây, tôi sẽ đi tìm con bé Ô-li-a. Tôi nhớ khi đi, tôi đã tỏ ra giận dữ ông ta, thậm chí còn văng tục. Ông ta bảo tôi, ông ta là người Do Thái, bọn phát-xít sẽ bắn ngay nếu tóm được ông, còn tôi, may ra, có cơ thoát được. Nhưng tôi càng cáu, tôi bảo, tôi là người Bôn-sê-vích, nếu chúng bắn thì sẽ đồng thời bắn cả hai, chưa kể là chúng còn bắn tôi trước nữa. Tuy nhiên, hồi đó sức khoẻ ông ta quá ọp ẹp, ho khù khụ luôn, nên tôi cũng thoả thuận giữ lại tấm ảnh - dù sao những lời gửi gắm ấy cũng thật thiêng liêng, trong hoàn cảnh thật đặc biệt, khi đứa bé mới sinh được có ba tháng trời…

- Có thể ông ta sẽ hỏi, vì sao anh biết được nỗi khổ tâm của ông ta…

- Tôi sẽ nói, tôi đọc thấy tin buồn đăng trên báo…

- Nhưng trên báo có đăng tin buồn gì đâu…

- Ừ thì tôi bảo, do những người quen báo tin.

- Những người quen là ai mới được chứ?

Vô-gu-lép nhìn Côn-xtan-ti-nốp:

- Anh có gì úp mở chưa nói hết với tôi thì phải?

- Đúng thế.

- Sao vậy?

- Vì nếu anh nghe một cô y tá tỏ ý nghi ngờ chuyện gì thì chuyện ấy cũng không có ảnh hưởng nghiêm trọng tới ai. Còn tôi ở Uỷ ban An ninh quốc gia, tôi không thể chia sẻ những ý kiến với anh nghi ngờ của tôi trong bất cứ một chuyện gì, tôi chỉ có thể dựa vào sự kiện để kết luận.

*

* *

Ông già Vin-te nằm trên đi-văng, gối đầu trên cái áo khoác đã gập lại, tấm mền phủ kín đến tận cằm.

- A, Xê-ri-ô-gia(1) - ông nói nhỏ, và trên má bất giác chảy xuống những giọt nước mắt già nua - Anh đến thăm tôi là quý lắm rồi… Anh có muốn uống một ngụm rượu không?

- Tôi phải đến Viện họp, Vi-chi-a(1) ạ, ở đấy, đến người tỉnh táo cũng đã căng rồi, nếu lại uống chút rượu, cộng với tính khí của tôi nữa…

- Còn tôi, anh biết không, tôi cứ phải uống cho căng mình ra! Không thể khác được - chỉ cần tôi nhắm mắt lại thì lập tức lại nhìn thấy con bé…

- Phải, một tai hoạ kinh khủng. Vi-chi-a, đến nỗi tôi cũng không biết nói thế nào với anh bây giờ. Sao lại không là chúng ta? Sao lại là chúng nó đi trước, đám trẻ ấy!

- Rót cho tôi một chút đi anh!

- Chất cay à? - Vô-gu-lép hỏi, và rót vào chiếc cốc chia độ.

- Phải. Anh nhớ là anh đã từng dạy tôi uống rượu không?

- Ấy là khi anh ngã giúi giụi trong đầm lầy phải không?

- Đúng.

- Năm ngoái, tôi trở lại chỗ đó để đi săn. Ngốc thật! Tôi vẫn tưởng nơi đó là một xó hẻo lánh như năm 1843, ai ngờ người ta đã xây lên một nhà máy sứ, đường sá làm lại cả, ở các làng xung quanh đã đầy những dây ăng-ten.

- Anh gặp Ô-li-a lần cuối là vào lúc nào?

- Tôi có gặp được con bé lần nào đâu, Vi-chi-a. Sau chiến tranh, ai cũng trở nên sung túc, yên ổn cả, đâm ra ít gặp nhau. Chỉ khi hoạn nạn người ta mới lại tìm đến nhau… Thế là tôi không gặp con bé lần nào…

- Ai báo tin này cho anh biết?

- Gơ-nhi-đúc.

- À, phải rồi, Mi-kô-la. Anh ấy có gọi điện cho tôi… Ông già Vin-te uống ngụm rượu, kéo tấm mền phủ lên kín hết cả cằm, người co lại như ớn lạnh.

- Tôi cũng muốn đi theo nó, Xê-ri-ô-gia ạ.

- Vi-chi-a, anh còn bao nhiêu công việc phải làm.

- Làm gi nữa? Có ai cần nữa? Anh mới còn khả năng làm được một điều gì đó, anh biết nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề, còn tôi bây giờ thi tay chân lẩy bẩy, có nhấc nổi cái gì lên tay đâu… Mà chỉ biết nói suông thì tôi với anh không bao giờ chịu thế.

- Sao anh không gọi điện cho tôi, khi người ta mang Ôn-ga đến bệnh viện, Vi-chi-a?

- Tôi cũng được gọi về từ Đúp-na, về đến nơi thì mọi việc đã không cứu vãn được nữa rồi.

- Việc mổ khám nghiệm cho phép kết luận về bệnh gì?

- Tôi không cho mổ.

- Sao vậy?

- Theo các dấu hiệu bên ngoài thì là phù phổi nặng. Vì sao lại nhanh thế?... Tôi cũng chẳng nhớ có trường hợp nào tương tự, Xê-ri-ô-gia ạ… Nhưng tôi không thể cho phép mổ tử thi, anh hiểu không. Vì đâu có phải chỉ chôn đi một mình nó, nó còn mang theo mình cả một cái thai nữa…

- Thật thế ư?

Ông Vin-te nấc lên, vươn người ra, những ngón tay khô, bệt và mảnh dẻ với lấy cái cốc.

- Thôi, Vi-chi-a, không nên uống nữa, anh trắng bệch ra rồi kìa.

- Không, đừng ngăn tôi, anh cứ để tôi! Rót thêm cho tôi. - Ông lại uống, rồi đặt những ngón tay tê giá lên tay Vô-gu-lép.

- Anh có cháu gọi bằng ông rồi chứ?

- Một cháu gái.

- Cháu gái - Ông Vin-te nhắc lại - tuyệt thật, con gái thì nó lại dịu dàng hơn. Tôi cũng mơ ước có một đứa cháu gái, Xê-ri-ô-gia ạ. Trời ơi, tôi mơ ước được kéo dài chút hạnh phúc cuộc sống, được nhìn thấy một đứa trẻ trong nhà.

- Anh chắc chắn rằng, con bé định sẽ có một đứa con?

- Tôi cũng không biết chắc gì về chuyện ấy, đấy là do thằng Xê-ri-ô-gia nói lại với tôi.

- Con rể anh?

- Thôi, bạn già ạ, đừng hỏi tôi tỉ mỉ làm gì chuyện ấy! Chồng nó đang ở nước ngoài kia, Xê-ri-ô-gia chỉ là người yêu của nó. Không phải ngoại tình đâu, nó đã chia tay chồng nó rồi, nó không phải đứa hư hỏng, con tôi thì tôi biết chứ, nó không dám thể đâu… Nhưng chuyện đời mà… Nó chưa thực sự li hôn trên pháp lí, còn thằng kia thì làm việc ở Viện nghiên cứu mật nào đấy, sự thể như thế, lẽ nào ta lại đi vùi dập uy tín của thằng kia, một chàng thanh niên tốt nết, anh biết quá chứ, ở nước chúng ta, người ta đâu có bỏ qua những chuyện riêng tư… Làm hỏng đời thằng bé ấy làm gì? Ô-li-a thì đã mất rồi, nó thì yêu con bé, ta đừng để nó lại phải khổ hơn vì chuyện vỡ lở ra… Anh rót thêm cho tôi một ngụm nữa đi…

- Vi-chi-a, anh dọn tạm sang ở với tôi, được chứ? Dù tạm một thời gian cũng được. Bà Ca-chi-a nhà tôi sẽ rất vui khi tiếp đãi anh, còn cháu gái nó sẽ quấn lấy anh. Thôi, anh đừng khóc nữa, đừng tự xé tâm can mình làm gì.

- Cảm ơn anh. Nhưng tôi sẽ chẳng đi đâu khác hơn được nữa. Rồi Xê-ri-ô-gia sẽ đến ở với tôi, và cả hai chúng tôi sẽ luôn luôn cảm thấy như con con gái tôi bên cạnh.

- Vi-chi-a, tôi hết sức yêu cầu anh, trong khi anh chàng Xê-ri-ô-gia kia chưa đến, anh hãy cho phép tôi đưa anh về nhà tôi đã!

Ông Vin-te lắc đầu nhìn Vô-gu-lép bằng đôi mắt đen mở to, đầy nước mắt, rồi trả lời:

- Xê-ri-ô-gia, khi nào tôi chết, tôi nhờ anh chôn tôi ngay cạnh mộ con gái tôi, được chứ?

Trở về cơ quan, Côn-xtan-ti-nốp tập hợp các trưởng nhóm điều tra lại:

- Chúng ta bắt đầu phân tích trường hợp Đu-bốp. Để cho tiện, chúng ta hãy đặt mật danh cho anh ta là Gác Rừng(2). Có lẽ, phải duy trì được mối liên lạc thường xuyên bằng điện thoại, đặt cả đồng hồ đo điện nữa, mọi việc bây giờ phải giải quyết từng giờ một, dù rằng, (không rõ vì sao, ông lại rất chú ý nhìn vào Prô-xcu-rin) - đặc biệt lúc này, tất cả mọi sự hấp tấp và suy nghĩ theo một chiều sẽ có thể làm hỏng cả việc. Trong vòng mấy ngày tới, chúng ta phải tái lập được - phải tranh thủ đến từng phút - tất cả những gì liên quan đến những giờ phút cuối cùng của Ôn-ga Vin-te. Chúng ta lại không được phép hỏi cung bất cứ ai, điều đó là rõ rồi, chúng ta cũng không có một tang chứng gì để buộc tội Đu-bốp, vì thế phải làm rất khéo tay. Đó là việc thứ nhất. Tiếp đó, phải kiểm tra xem ai, ngoài Đu-bốp, có mặt trong cuộc hội đàm, khi bộ trưởng kinh tế trong phái đoàn chính phủ Na-gô-ni-a sang ta kí kết hiệp nghị.

- Còn có cả bộ trưởng quốc phòng nữa, - Gmư-ri-a nhận xét.

- Đúng thế, những vấn đề cung ứng vật tư chỉ liên quan đến cuộc hội đàm với bộ trưởng kinh tế. Điểm thứ ba, là phải chứng minh cho kiểm sát viên điều này, có lẽ bản thân tôi phải làm để thuyết phục ông ta cho khai quật tử thi và tiến hành giám định y khoa về cái chết của Ôn-ga Vin-te. Nhưng nếu tốt ra, thì phải đến chỗ ông ta với nhiều lí lẽ có sức nặng, hơn là những gì chúng ta đang nắm được.

- Tất nhiên, có nhiều hơn thế này chứ - Prô-xcu-rin nói.

- Đối với chúng ta thì đúng thế, nhưng trước pháp luật thì chỉ căn cứ trên hành động phạm pháp. Nếu kiểm sát viên hỏi, chúng ta có những tang chứng gì để buộc tội Đu-bốp, thì chúng ta sẽ trả lời sao?

- Trả lời, chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà Lun-xơ lại ở cạnh Đu-bốp ở nhà nghỉ Pi-xun-đa.

- Đó không phải là câu trả lời. Anh chưa chứng minh cho kiểm sát viên rằng Lun-xơ là nhân viên CIA. Chúng ta đặt Lun-xơ vào chiến dịch chống phản gián, đó là việc của chúng ta. Còn đối với mọi người Lun-xơ là nhà ngoại giao, đang vun xới cho quan hệ văn hoá, anh thử đi mà chứng minh ngược lại xem. Bản thân tôi sẽ không làm việc đó. Tất cả tin tức mới - tôi nhấn mạnh là tất cả - phải có ở bàn làm việc của tôi, nếu được hai bản thì tốt, một bản sẽ chuyển cho Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích Phê-đô-rốp, ngay sau khi tôi nhận được.

*

* *

- Đến đâu rồi, - tướng Phê-đô-rốp nói - Ta hãy thử tổng hợp nào. Các anh làm việc ấy, hay là cho phép tôi thử làm?

- Xin mời đồng chí - Côn-xtan-ti-nốp mỉm cười.

- Xin cảm ơn, vì các đồng chí tin cậy tôi. Ta bắt đầu từ một góc sự việc. Vậy là, Côn-xtan-ti-nốp đã táo bạo đề ra giả thuyết mà kết quả của sự táo bạo ấy thì lại là hợp lí, nghĩa là nó không xáo trộn gì, trên bình diện xã hội, nhưng lại cho phép chúng ta tiếp cận đến được khu vực quan tâm đặc biệt của CIA. Điều đó đã được chứng minh, đúng hơn, là đang được chứng minh, rằng chẳng bao lâu nữa, ở Na-gô-ni-a sẽ xảy ra đổ máu, và CIA đang cần đến mọi số liệu thường xuyên để biết rằng chúng ta đang nắm được gì về những kế hoạch của chúng. Chúng ta có biết một số sự việc, nhưng chỉ thế, không hơn… Chúng ta, cho đến nay, chưa biết được cả tên nhân viên CIA nào đang hoạt động ở Mát-xcơ-va, chưa biết cả nhân viên sứ quán nào đang liên lạc với hắn. Vậy là: chỉ có những buổi truyền phát điện đài thổ tả kia là chúng ta bắt được, nhưng chúng ta cảm thấy bất lực. Chúng đã bắt chúng ta phải đi tìm kiếm khắp nơi, hăm hở hết sức. Chúng ta đã tìm hiểu Dô-tốp, Vin-te, Pa-ra-mô-nốp và Sác-ghim. Hai lần với Sác-ghim và Pa-ra-mô-nốp. Chúng ta đã đứng trước những dấu vết sai. Pa-ra-mô-nốp đã bị loại ra khỏi vòng, có thể nói là một trăm phần trăm. Các anh gọi hắn ta là gì nhỉ, thằng cha Mì ống bét nhè à? Bét nhè thì rõ rồi, nhưng tại sao lại có cả mì ống nhỉ?

- Vì hắn chỉ đưa tiền đủ cho vợ mua mì ống để sống. Hắn phải nuôi vợ đến cả tạ mì ống ấy chứ chẳng chơi, rồi sau thì lại chạy theo mà nhởn với các cô gái khác!

- Đói quá thì bà ta thỉnh thoảng cũng phải mua thêm ít mật mà uống với nước chứ?

- Mật bây giờ ở ngoài chợ cũng đắt lắm, với số tiền mà hắn đưa, thì không chết đói đã là may, đồng chí Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích ạ.

- À… ra thế… Tóm lại, Pa-ra-mô-nốp, loại ra. Sác-ghim, loại ra. Cũng một trăm phần trăm. Cuối cùng là Vin-te. Một cái chết kì lạ. Phù phổi cấp à, các anh bảo thế chứ gì?

- Xét trên sự việc là việc mổ tử thi chưa được tiến hành, xét trên sự việc là Đu-bốp đã có tác động đến ông già Vin-te, thì ở đây, cũng có cái gì đó là lạ, đồng chí Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích ạ.

- Đồng chí sẽ khởi đầu bằng việc trình bày các buổi truyền tin qua điện đài, từ đó có thể khởi tố một vụ hình sự, vậy là có cơ sở để khai quật tử thi một cách hợp pháp… Chỉ có điều là cha của Ôn-ga lại không muốn cho mổ tử thi. Về đạo đức có vấn đề gì nếu ta đòi mổ?

- Gay cấn đấy, nhưng tôi nghĩ, vẫn hợp với đạo đức, Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích ạ.

- Các anh sẽ đưa ra những lí do gì?

- Tên nhân viên CIA muốn tránh khỏi bị tố cáo, đã giết Ôn-ga.

- Tên CIA ấy sợ bị tố cáo vì cái gì? Hắn là ai? Tang chứng đâu? Tại sao Vin-te có thể tố cáo hắn? Thế ngộ nhỡ cô ta cũng là đồng bọn? Hoặc nói chung, có thể xảy ra một chuyện không may mà chết đột ngột.

- Khả năng ấy đã bị loại trừ.

- Chứng cớ?

- Người đàn ông vẫn rêu rao với mọi người là yêu cô ta, là Đu-bốp, đã vội vã chôn cất “người yêu” ngay, rồi đi nghỉ mát. Ngay ngày đầu tiên, anh ta đã lôi một cô gái khác đến giường mình, đến tiệm ăn và nhảy! Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích, đồng chí tưởng tượng xem, hắn đi nhảy đấy.

- Nhảy? Thằng đểu thật! Nhưng… Nhảy thì kệ hắn. Đấy đâu phải là tang chứng?

- Còn tang chứng thế nào nữa?

- Than ôi, đấy vẫn không thể là tang chứng, các đồng chí ạ. Tôi và các đồng chí đều chưa có tang chứng gì. Nhưng tôi muốn hỏi: các đồng chí và Xla-vin đã có đủ tài liệu để nói chung loại được hẳn Dô-tốp ra khỏi danh sách những người đáng nghi ngờ chưa?

- Tôi có thói quen là rất tin Xla-vin - Côn-xtan-ti-nốp nói.

- Tôi cũng vậy, nhưng dù sao, đấy vẫn không phải là câu trả lời.

- Nếu Xla-vin khẳng định được tính cách trung thực của Dô-tốp, thì tôi không thể không tin.

- Tôi cũng không cần sự khẳng định về tính cách trung thực của Dô-tốp. Tôi cần sự khẳng định là anh ta vô can trong việc này. Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ.

- Tôi sẽ gửi ngay cho Xla-vin bức điện. Dẫu rằng tôi đang định gửi một bức điện khác - mời anh ta trở về đây bình an vô sự.

- Vậy đồng chí phải viết lại đi - Nói rồi Phê-đô-rốp nhấc máy riêng - đường dây này thuộc hệ thống điện thoại của Hội đồng bộ trưởng, - và ông quay số - A lô, khi nào đồng chí có thể gặp Va-xi-li Lu-ki-a-nứt? À, ông ta bay đi rồi à… Vậy ai đang nắm công việc? Được rồi, xin cảm ơn - Ông lại quay số - Ni-cô-lai Gri-gô-ri-ê-vích, chào anh, Phê-đô-rốp ở Uỷ ban An ninh quốc gia đây. Tôi muốn được hỏi anh: Anh có tham gia vào cuộc hội đàm với Na-gô-ni-a không? Đúng, lần ấy đấy. Vậy ai đã chuẩn bị tư liệu? Không, không, tôi muốn hỏi về phía các chuyên viên kia, về chuyện cung ứng hàng chẳng hạn. Vậy à, rõ rồi. Anh ta ở phòng hay ban nào? Đu-bốp à? Anh thu xếp thời gian giùm, phụ tá của tôi là tướng Côn-xtan-ti-nốp sẽ đến anh đấy! À, thì cũng có chuyện rầy rà mà, thế thôi. Xin cảm ơn anh. Tạm biệt.

Phê-đô-rốp gác máy, bỏ kính ra và cất vào bao.

- Thế đấy - ông nói - Về các vấn đề kinh tế thì Đu-bốp chuẩn bị. Tôi xin chúc mứng anh, anh đã để Prô-xcu-rin theo dõi anh ta, anh làm việc đâu ra đấy thật, rất mạch lạc. Bây giờ anh chuẩn bị làm quyết định đi, liên lạc ngay với Viện kiểm sát, chúng ta sẽ phải khai quật tử thi.

*

* *

(Trích kết luận của các giám định viên tham gia vào việc khai quật và mổ tử thi Ôn-ga Vin-te:

Chứng phù hai bên phổi gây nên do tác động của một thứ thuốc (có mùi khó chịu), không hề thấy có trong danh mục các thứ thuốc được bào chế trong nước. Nghiên cứu chất thuốc còn đọng lại chưa tiêu hết, thì thấy khả năng bị mất nhận thức có thể xảy ra sau ba mươi, bốn mươi giây kể từ lúc uống thuốc, tuy nhiên thời gian chết hẳn thì xảy ra chậm hơn nhiều. Vì chúng tôi thấy không xác định được thuốc, nên hành động của những bác sĩ đã cấp cứu Ôn-ga Vin-te sau khi bất tỉnh, theo chúng tôi, là không có gì sai sót. Chính chúng tôi cũng không thể định đoạt được, là có thể dùng loại thuốc gì để có tác dụng đối kháng lại thứ thuốc kia và cứu được nạn nhân ra khỏi tình trạng trên. Còn về câu hỏi đặt ra, là xem nạn nhân có ở trong tình trạng mang thai không, chúng tôi xin xác định dứt khoát là không. Chúng tôi cũng phủ nhận khả năng nạn nhân có bất cứ một di chứng nào kinh niên về bệnh phổi. Phải xác nhận rằng trước khi uống thứ thuốc không xác định được kia, nạn nhân còn hoàn toàn khoẻ mạnh).

*

* *

“Gửi Xla-vin,

Gửi gấp câu trả lời về đại lí của hãng “Cúc và các con”. Những gì đang liên quan đến Đu-bốp, hoàn toàn giữ kín.

Trung tâm”.

“Gửi Trung tâm.

Đại lí của hãng “Cúc và các con” ở Luy-xbua không có.

Phòng loại sang, đắt tiền, số 1096, có hai buồng con ở trong, được dành cho Đu-bốp thuê tất cả 12 lần, từ tháng Ba 1976 đến hết tháng Bảy 1976. Giá thuê phòng 95 đôla một ngày. Lương của Đu-bốp từ tháng Ba đến tháng Bảy năm ấy, được 500 đôla mỗi tháng.

Xla-vin”.

(1) Xê-ri-ô-gia và Vi-chi-a là tên gọi thân mật từ tên chính Xéc-gây và Vích-to

(2) Tên Đu-bốp có gốc chữ là “đúp” nghĩa là cây sồi. Vì cây sồi là một cây cao to, xum xuê trong rừng Nga, nên Côn-xtan-ti-nốp mới đề nghị đặt mật danh là Gác Rừng

Phần 29

GLÉP

- Ông có một mình thôi ư, En-đriu?

Dô-tốp giật mình lùi vào phòng treo áo, và trong bóng tối cầu thang (anh thuê gian phòng ở một ngôi nhà luôn luôn đi ngủ sớm) xuất hiện Pi-la. Mặt cô ta có vẻ lo sợ và tái đi, tóc bơ phờ để xoã ra xung quanh.

- A, Pi-la, mời cô vào, cô có việc gì tìm tôi đấy?

- Ông En-đriu, ông En-đriu yêu quý…

- Có chuyện gì vậy? Cô có gì đó có vẻ lo sợ? Cô hãy vào đây đã nào.

- Xin cảm ơn. Có thể ra ban công được chứ?

- Tuỳ cô, có điều là ở đấy còn khó thở hơn là ở đây.

- En-đriu, ông hãy nghe em nói. Em không phải đến đây để nói với ông rằng em yêu ông và sẵn sàng đi với ông đến bất cứ đâu đâu: về Nga, nếu ông đưa em đi; ở lại đây, nếu ông quyết định ở; hay đi một nơi nào khác mà ông nghĩ ra đâu! En-đriu, ông hãy bình tĩnh đã, ông hứa là sẽ nghe em nói hết đi, ông không gặp Glép đã hai ngày nay, em cũng vậy. En-đriu ạ, em cảm thấy, Glép không đơn giản chỉ là một thương gia đâu, ông ta còn hình như có dính líu với CIA…

- Với ai?!

- CIA! En-đriu thân mến ạ! Và không phải ngẫu nhiên mà ông ta vắng mặt. Có chuyện gì đó xảy ra… Em không biết rõ chuyện gì, nhưng ông Lô-ren-xơ bảo rằng, bây giờ, sau khi chuyện ấy đã xảy ra rồi, thì họ có thể sẽ chơi xỏ một vài người Nga một vố, trong số đó có ông đấy…

- Pi-la, cô nói gì lạ vậy? Tôi không hiểu gì hết.

- Ông bạn già thân mến của em ơi, ông phải gắng mà hiểu em mới được!... Em không bao giờ dám đến ông để thổ lộ những chuyện như thế trước đây – Còn bây giờ thì, Ôn-ga chết rồi…

Dô-tốp ngồi ghé vào chiếc ghế mây đan, hai khuỷu tay chống vào hàng rào ban công, hai bàn tay ôm lấy thái dương.

- Sao không ai báo gì cho tôi cả! Này, nhưng mà cô nói đùa đấy chứ. Chuyện mê sảng, điều ấy không thể xảy ra được, Pi-la ạ!

- Ông hãy cứ yên đã. Ông bạn thân mến ơi, đây là sự thật!

Dô-tốp vùng đứng dậy.

- Số hiệu tổng đài – Cô có biết số hiệu tổng đài liên lạc với Pa-ra-mô-nốp-ri không? Người ta vẫn bảo, có thể gọi điện về Mát-xcơ-va qua Pa-ri đấy! Thế làm sao cô lại biết được chuyện về Ôn-ga? Cô ấy bị làm sao? Tai nạn ô-tô à?

- Em cũng không biết gì về chi tiết. Em chỉ biết tin là chị ấy không còn. Em không biết số hiệu tổng đài gọi qua Pa-ri, nhưng nếu ông muốn, em có thể gọi qua tổng đài Ma-đrít giúp. Ông có chút gì uống không, ông xem, em đang run lẩy bẩy lên đây này.

- À ở kia… Trong “ba”. Chờ tôi một lát nhé.

- Để em đi lấy vậy, đừng bận tâm. Ông uống với đá chứ?

- Ừ, với đá… À, mà thôi, không cần đá, cho tôi một cốc không có đá.

Pi-la bưng một mâm nhỏ lại, trên đó có một ly rượu vang để cho mình và một cốc uýt-xky to cho Dô-tốp. Cô ta nhìn không chớp mắt khi anh chậm rãi uống cốc rượu; cô châm thuốc cho Dô-tốp, những ngón tay của cô vừa lạnh giá vừa mềm mại, cô vuốt bàn tay lên mặt Dô-tốp, run rẩy và thận trọng, như một người mù sờ soạng người thân.

- Ông thân quý của em – cô vẫn nói thì thầm – Em cảm thấy một tai hoạ đang treo lên đầu ông, em cảm thấy sức nặng của nó, ông cho phép em được ở lại cạnh ông, việc đó là cấm kỵ, nhưng em sẽ ở lại đây mà không ai hay biết và trông thấy em được. Hay là ông cho phép em đưa ông lại đằng em?

- Cái gì vậy, Pi-la? Gượm đã, tôi chưa hiểu chuyện gì hết, cô bạn đáng yêu ạ. Cô biết chắc, rằng có thể gọi về Mát-xcơ-va qua Ma-đrít được chứ?

Pi-la nhấc ông điện thoại lên – căn phòng mà Dô-tốp thuê chỗ nào cũng bày biện máy điện thoại, đến mức ở trong buồng tắm cũng có đặt một máy điện thoại màu hồng, và cô ta quay số tổng đài Ma-đrít.

- Rô-xi-ta thân yêu, chào bạn. Vâng, tôi đây. Bạn có thể giúp tôi một chút chứ? Phải, rất quan trọng. Cần cho một người mà tôi rất quý, anh Dô-tốp, tôi có kể với bạn rồi đấy. Phải. Cảm ơn. Nối hộ ngay trực tiếp với Mát-xcơ-va, vì từ đây không gọi được. Phải. Ghi số cần gọi nhé, số điện thoại bao nhiêu, En-đriu?

- Có ngay đây, cảm ơn Pi-la. Nhưng nếu Ôn-ga không còn, thì biết gọi về đâu? Số điện thoại nhà riêng mà… Khoan đã. Tôi quên mất… 233.02.22. À, nhưng…

- Ông muốn nói chuyện với ai vậy?

- Với bố đẻ của Ôn-ga. Số này cơ: 341.97.88.

Pi-la lập tức đọc ngay cả hai số điện để xin tuyến đường dài về Mát-xcơ-va.

- Rô-xi-ta, nếu lúc nào Mát-xcơ-va gọi, lập tức báo cho tôi, tôi đang ở chỗ En-đriu nhé. Số điện 803.15.48. Và giữ máy trong khi chờ máy nhé. Rất mong đấy nhé, Rô-xi-ta. Việc này rất quan trọng đối với chúng ta mà…

Sau hai giờ: Pi-la ra khỏi phòng Dô-tốp. Đã có xe của Glép chờ sẵn. Phía bên kia đường, một chiếc “Pho” trông dữ tướng như một con thú, đâu đó, chứa đầy những hành khách đội mũ ở trong xe.

- Sao? – Glép hỏi… - Thế nào rồi?

- Anh biết không, em thấy thương anh ta.

- Anh cũng vậy. Nhưng dẫu sao em cũng đã cài anh ta vào bẫy chứ?

- Em thương anh ta – Pi-la nhắc lại – Đưa cho em một điếu thuốc nào, thuốc của em hết cả rồi.

- Em hãy thương anh chàng Tỉnh Táo ấy. Đấy mới là bạn đồng hành của em. Chúng ta đang phải làm một công việc tàn ác, không kể đến trái tim.

- Em không muốn làm việc đó, Giôn. Điều đó thật trái tự nhiên, em là đàn bà, anh hiểu chứ, em cảm thấy điều đó rõ hơn. Anh đã tính toán nhầm rồi.

- Anh không nhầm khi anh tính công việc với đàn ông. Anh ta đã nghĩ gì, khi biết có thể sẽ có chuyện lôi thôi ầm ỹ.

- Anh ta cũng chẳng buồn hỏi về việc ấy nữa. Y như là không nghe thấy. Hoặc, có thể là không hiểu.

- Càng tốt… Em nghĩ sao, ngày mai, anh ta sẽ đến chỗ em chứ?

Pi-la lắc đầu.

- Sẽ không đến đâu, Giôn ạ… Ngày mai anh ta về Nga.

- Máy bay của họ bay hôm nay rồi. Phải đợi đến thứ sáu.

- Anh ta sẽ bay bằng bất kỳ chuyến bay nào khác.

- Họ không được bay kiểu ấy đâu. Họ chỉ được bay bằng chuyến bay thường kỳ của họ thôi. Anh ta ngày mai sẽ chẳng thể đi đâu được…

- Chúng ta về thôi chứ?

- Chờ một lát. Anh cũng thấy mệt…

- Mệt về chuyện gì?

- Mệt vì chờ đợi, Pi-la ạ. Anh mệt hết sức vì chờ em, em nhỏ ạ. Anh mệt vì lo cho em đang làm việc. Mà chờ đợi, đó cũng là một việc khổ sở lắm chứ.

Sau ba giờ: Glép nhận được băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa Dô-tốp vói ông già Vin-te, thông qua Rô-xi-ta nối máy liên lạc ở giữa, điều nghe được thật ghê gớm, nhưng rõ ràng là Dô-tốp đã nghe thấy: “Ô-li-a không còn nữa”.

Sau ba giờ bốn mươi phút, Glép đến “Hin-tơn” và lên ngay “ba”, hắn được biết là Pôn Đích đang ở đây, uống bia và viết cái gì đó lên các tờ giấy lau miệng trên bàn ăn bằng bút dạ. Glép kinh ngạc khi trông thấy Pôn làm thơ chứ không phải viết các bài báo.

- Chào Pôn, anh uống một mình và không hay biết gì về vụ rùm beng ở trong khu nhà ăn không ngồi rồi của chúng ta à?

- Thiếu gì vụ rùm beng ở đây? Ở chỗ nào vậy?

- Trong khu vực quản lý của Lô-ren-xơ.

- Ông trùm tình báo của chúng ta ấy à?

- Đúng thế. Ông ra bị bẻ két sắt. Nếu do người lạ gây ra, thì không ai có thể biết được, nhưng nếu lại do bọn găng-xtơ ở đây gây ra, thì phải chờ cho chúng ta yêu cầu chuộc lại, và Lô-ren-xơ đáng thương sẽ phải trả tiền cho chúng. Các tư liệu bị mất có lẽ cũng phải đáng giá. Còn Lô-ren-xơ, có thể nói giữ gìn két mật quá cẩn thận, chu chỉnh, nên bọn chúng lại cứ tưởng là trong đó phải có nhiều đô-la. Kể cái cung cách của chúng ta cũng lạ, dám đi thuê cho một cơ quan như thế một căn hộ ở khách sạn, mới bạo phổi chứ.

- Sao tôi không nghe nói ồn ào gì về chuyện ấy?

- Vì các ông chủ khách sạn “Hin-tơn” là những người thông minh. Chả lẽ lại làm cho khách lo lắng, hoảng sợ, sẽ mất tín nhiệm.

- Anh ta ở phòng số bao nhiêu?

- Đừng bóc lột tôi mà viết tin… phòng 608.

- Và anh ta đang ở trong phòng?

- Làm sao tôi biết được. Nếu anh ta đang trong phòng thì anh đến mà hỏi, rồi kể cho tôi xem phản ứng của anh ta ra sao về việc anh tới thăm.

Pôn Đích cười một cách kỳ quặc, tụt xuống khỏi ghế và còn quay lại phía ông quản lý “ba”:

- Tôi hy vọng sẽ quay lại ngay. Nếu ông khách đây muốn uống, ông mang đến cho ông ta một ly “hai-bôn”(1) để tôi trả tiền.

Glép nhìn theo Pôn Đích mỉm cười có vẻ hồ hởi, và quay lại phía ông quản lý.

- Cho tôi một cốc nước cam, và để tôi tự trả tiền lấy!

Sau ba giờ năm mươi hai phút, Lô-ren-xơ mặt ủ ê nhìn Pôn Đích và hỏi:

- Anh nghe ai thông báo về sự việc này?

- Ông Lô-ren-xơ ạ, tôi không thể tiết lộ nguồn thông tin của tôi, tôi chỉ muốn nhận được một câu trả lời, có đúng là các tài liệu mật, liên quan đến lợi ích quốc gia của đất nước ta đã bị đánh cắp?

- Tôi không thể bình luận gì về câu hỏi đó.

- Cho phép tôi đặt câu hỏi cách khác vậy. Có đúng là có một nhóm người vô danh đã có ý định ăn cắp các tài liệu của cơ quan mà anh đang làm nhiêm vụ?

- Phải, đúng như thế.

- Như vậy thì tôi muốn biết thêm, có đúng thực, ông là nhân viên của Cục tình báo Trung ương không?

- Tôi không có quan hệ gì với cơ quan ấy, tôi là đại diện của hãng “Điện thoại quốc tế”.

- Các tài liệu của hãng ông, hiện có thể có tầm quan trọng nào, và ai đáng quan tâm đến?

- Tên các bạn hàng của chúng tôi, khối lượng cung ứng, giá cả - những cái đó đều có ích cho những kẻ đang cạnh tranh với chúng tôi.

- Ông khẳng định rằng, việc đột nhập có tính ăn cướp này là do các đối thủ cạnh tranh với ông tiến hành à?

- Đúng thế. Những kẻ đang muốn ngăn trở sự phát triển các quan hệ tốt đẹp giữa nước chúng ta và Luy-xbua.

- Ông Lô-ren-xơ, nếu hãng của ông làm việc đứng đắn, được tín nhiệm, thì làm sao còn có ai ngăn trở được quan hệ tốt đẹp của nó với Luy-xbua?

- Bất kỳ công việc trung thực nào cũng có thể bị bóp méo, bất kỳ người tốt nào cũng có thể bị bôi nhọ. Đấy là tất cả những gì tôi có thể nói với ông. Xin cảm ơn ông.

- Xin hỏi ông câu hỏi cuối cùng, thưa ông Lô-ren-xơ.

- Tôi cũng sẽ chỉ trả lời một câu cuối cùng nữa thôi.

- Thưa ông, có phải ông cũng chính là Rô-bớt Lô-ren-xơ, cũng làm việc ở công ty “Điện thoại quốc tế”, người đã trình bày đủ mọi chứng cớ trước thượng nghị viện về việc đảo chính ở Chi-lê?

- Tôi chỉ đưa các chứng cớ ra để chứng minh rằng chúng tôi không có liên quan gì tới bi kịch đó, tấn bi kịch đã xảy ra ở Chi-lê. Thưa ông, tôi cũng rất không muốn rằng câu hỏi của ông và câu trả lời này của tôi, dù nó rất chân thành, lại bị đưa lên báo chí làm gì!

- Ông đã có một đề nghị đối với tôi, và tôi cũng sẵn sàng chấp thuận được lời đề nghị đó, nhưng chỉ trong trường hợp ông cũng sẵn sàng chấp thuận yêu cầu của tôi. Tôi yêu cầu được biết, thưa ông Lô-ren-xơ, là họ đã lấy cắp được những gì của ông?

- Ông quả là con người từng trải… Chả lẽ ông không hiểu cho, rằng tôi không thể trả lời ông được? Chả lẽ ông không hiểu rằng câu trả lời của tôi có thể tác động đến nhiều người; đó là những người tốt - ông hãy tin lời tôi, những người trung thành và tin cậy cùng hợp tác trong công việc của chúng tôi.

Sau năm giờ mười hai phút, giám đốc Nha cảnh sát Xtau gọi điện cho Glép - hắn đang ngồi đối diện với Lô-ren-xơ ngay cạnh máy điện thoại – và nói:

- Đâu vào đấy cả rồi.

Glép đặt máy nói xuống rất thận trọng, thở dài một hơi thật sâu, nhẹ nhõm và cười phá lên.

- Thôi, ông trùm, bây giờ thì tôi có thể vui vẻ uống cạn ly “Hê-re-xơ” rất ngon này được rồi.

Đúng là hắn có thể uống mừng ly rượu vang Tây Ban Nha ấy được rồi, vì cảnh sát, do hàng xóm nghe thấy tiếng cửa kính vỡ, đã ập đến, và bắt gặp Dô-tốp bị trói, đang nằm choáng váng trong phòng của anh, tất cả đều bị xáo trộn lung tung. Nhân viên cảnh sát hình sự vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện được trong hốc tối một chiếc điện đài xách tay, còn ở trong ngăn dưới của bàn làm việc thì có một bản mật mã. Các con số trong bản mật mã ấy giống in như những con số trong bản mật mã mà trong khoảng một năm gần đây, cơ quan phản gián Liên Xô vẫn thường tóm được trên làn sóng. Khi Dô-tốp đã tỉnh lại trong bệnh viện, anh từ chối không trả lời gì về chiếc điện đài. Một lãnh sự ngoại giao Liên Xô được cảnh sát mời đến, cũng hỏi anh về điều đó, thì Dô-tốp chỉ trả lời, tất cả mọi chuyện đã được bày đặt ra chính là một trò khiêu khích, và anh chỉ đề nghị cho anh được trở về Mát-xcơ-va.

- Điều đó phụ thuộc ở Tòa án, ngài Dô-tốp ạ - viên dự thẩm của cảnh sát Luy-xbua nói – Trong căn phòng của ngài, đã phát hiện các đồ vật thuộc diện cấp du nhập vào đất nước chúng tôi. Có lẽ, ngài lanh sự cũng hiểu cho, rằng tôi không thể vi phạm luật pháp của nước tôi được, cho tới khi chúng tôi chưa xác định được, là ngài Dô-tốp đã chuyên chở điện dài cho Luy-xbua bằng cách nào, đã truyền đi những tin gì, truyền cho ai và về những sự việc gì thì chúng tôi chưa thể cho phép ngài rời đất nước chúng tôi được. Hơn nữa, chỗ ở của ngài từ hôm nay sẽ được đặt dưới sự giám sát của chúng tôi.

Các báo buổi chiều in ra với hàng tít lớn “Một vụ gián điệp của Nga lại Luy-xbua bị khám phá” chỉ có một tờ báo duy nhất, gần với quan điểm đại sứ quán Mỹ, lại cho in một lời bình khá kỳ lạ: “Điện đài, ở những đất nước tự cho mình là tự do, không phải là một tang vật buộc tôi. Còn một tờ biểu số, không nhất thiết phải là mật mã. Vì vậy, việc bắt giữ viên kỹ sư Nga, theo chúng tôi, là một sai lầm đáng tiếc, nếu như không nói là một tội lỗi, vì như chúng tôi được biệt, vị đại diện một hãng kinh doanh Mỹ ở đây cũng vừa bị một tai họa ăn cướp tương tự và kẻ đột nhập được vào, hình như lại không có ý định cướp tiền! Vậy bàn tay nào đã chỉ huy toàn bộ bọn chúng?”. Đọc xong lời bình luận này, Xla-vin gọi điện cho Glep.

- Ông Giôn, chào ông, mọi việc vẫn bình thường chứ?

- Xin chào ông Vit thân mến, rất vui vì lại được nói chuyện với ông. Còn ông thì sao?

- Tuyệt lắm. Này, Pôn đi đâu mất ấy nhỉ?

- Theo tôi, thì ôg ta đóng cửa ở trong phòng và viêt. Ông ta nói với tôi rằng đang có một tin giật gân lắm. Ông có muốn chúng ta cùng đi ăn trưa không?

- Rất sẵn lòng. Có điều là tôi trước hết phải gắng lọt vào viện, thăm Dô-tốp một tý.

- Sao lại phải vào viện? Anh ta ốm bệnh gì?

- Ông không đọc báo à?- Xla-vin hỏi và hình dung rất rõ bộ mặt hớn hở của Glep – Anh ta bị cuộc sống gạt ra rìa rồi. Hình như làm gián điệp cho phe nào ấy.

- Ông nói lạ, anh ta là người rất đáng yêu cơ mà.

- Gián điệp thì mới phải là người đáng yêu, nếu quả anh ta là gián điệp chuyên nghiệp, chứ không phải là nghiệp dư. Bảy giờ tối, tôi chờ điện của ông, ô-kê?

- Tôi sẽ gọi, Vit ạ. Ông chuyển giúp tôi lời hỏi thăm của tôi tới Dô-tốp, tôi rất nhớ anh ta… dù rằng các tên nga đối với tôi rất khó nhớ. Hàng rào ngôn ngữ mà! Va anh thử hỏi anh ta, có thể anh ta cần giúp đỡ gì không?

- Rất cảm ơn – Tôi sẽ nói lại, Giôn ạ, ông thật rấ tốt bụng.

NHỊP ĐỘ

“Gửi cục tình báo Trung ương Mỹ.

Chúng tôi sẽ rất biết ơn, nếu bên các anh có thể chuyển lại cho nhưng tin tức mới nhất và tình hình Na-gô-ni-a… Đại sứ quán của ta cho rằng nhóm Ô-ga-nô biểu thị thiện cảm với Bắc Kinh không được khôn khéo lắm. Theo ý kiến các nhà quan sát của ta thì “công việc” ở đó hấp tấp quá, vì Châu Phi tin tưởng rằng quân đội Ô-ga-nô được huấn luyện và trang bị dưới sự điều khiển của cố vấn CIA và thái độ cứng rắn triệt để của Ô-ga-nô là do Oa-sinh-tơn cho phép. Chúng ta đã kiểm soát đúng mức các quan hệ tiếp xúc của Ô-ga-nô chưa? Chúng tôi chờ đợi một câu trả lời chuẩn xác, vì mọi hành động hướng tới lục địa châu Phi hiện nay đều phải giải thích được một cách thoả đáng trên vũ đài quốc tế.

Phòng nghiên cứu của Bộ Ngoại giao”.

“Gửi nhân viên CIA đóng tại Luy-xbua, Rô-bớt Lô-ren-xơ.

Hãy sửa sang cho kỹ tất cả mọi lời phát biểu công khai của Ô-ga-nô, ông ta đã nhắc lại quá lộ liễu các lý lẽ của Bắc Kinh, mà theo ý kiến của Bộ Ngoại giao, như vậy là các mối tiếp xúc của ông ta với chúng ta phơi bày ra quá rõ ràng, sợ rằng như vậy, người Phi sẽ nghi ngờ lòng trung thành với đất nước của ông ta. Ý kiến này cũng trùng hợp với thông báo của nhân viên Tỉnh Táo từ Mát-xcơ-va. Hãy chỉ thị cho Ô-ga-nô hãy tỏ ra gay gắt hơn với “chủ nghĩa đế quốc” và phải lên tiếng phê phán “tính thụ động” của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tỏ ra “quá mức dè dặt” đối với các phần tử thân Mát-xcơ-va.

Phó Giám đốc CIA Mai-cơn Ven-xơ”

“Trích phát biểu của đại sứ đặc nhiệm Mỹ:

Trong lúc dư luận chê trách chúng tôi, ủng hộ nhóm phân rẽ ở đây và coi như chúng tôi là những người đứng sau lưng ngài Ô-ga-nô, tôi không ngừng cải chính và vạch rõ sự thiếu trung thực của những kẻ buộc tội ấy. Những lời phát biểu gần đây của ngài Ô-ga-nô đã thể hiện rõ tính chất độc lập triệt để của mình; những lời phê phán của ông ta đối với đất nước của chúng tôi sẽ không còn làm những người quan sát khách quan nghi ngờ gì, rằng lý tưởng chính trị của ông ta rất xa lạ với những gì mà chúng tôi tuân theo. Chính phủ chúng tôi sẽ không thể chịu trách nhiệm gì về các hành động của ngài Ô-ga-nô. Việc gắn liền ông ta bằng bất cứ cách gì với các mục tiêu và phương pháp của chính sách đối ngoại của chúng tôi là bôi nhọ đất nước chúng tôi và Chính phủ chúng tôi…”

“Gửi Bộ Ngoại giao Trung Hoa, Bắc Kinh.

Tướng Ô-ga-nô đã thông báo cho tôi về những cuộc họp mặt bổ ích mà ông ta đã tiến hành với Lô-ren-xơ mà các đồng chí đã biết. Trong những cuộc thương lượng này, Ô-ga-nô đã được hứa gửi cho một loạt máy bay lên thẳng, súng cối và ba mươi xe tăng hạng nhẹ, những thứ sẽ có thể quyết định xong mọi sự kiện sắp xảy ra trong thời gian trước mắt.

Đỗ Lý Nghị, đại sứ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ở Na-gô-ni-a”

(1) Highball: Rượu uýt-xky pha xô-đa (ND).

Phần 30

TÌM KIẾM - VIII

“Gởi Trung tâm

- Người bán hàng của đại lý hãng “Cúc và các con” ở Rô-ma nhận rằng đôi hoa tai, mà tôi đã đưa ảnh cho xem, đã được ông ta bán cho một người ngoại quốc vào mùa hè năm ngoái, người này nói tiếng Tây Ban Nha khá giỏi, mặc dù nghe giọng thì biết tiếng mẹ đẻ của người đó là tiếng Anh

Ru-bin”

“Gởi Xla-vin

Xác định gấp cho, Đu-bốp đã bay về Liên Xô bằng chuyến máy bay nào?

Trung tâm”

“Gởi Trung Tâm

Đu-bốp trở về Liên Xô sau cuộc đi công tác nước ngoài, trong thời gian ấy anh ta sống ở ngôi nhà dành cho các chuyên gia Liên Xô, và đi qua Rô-ma vào tháng Bảy 1977. Anh ta ở lại Rô-ma ba ngày, sau khi nhận được thị thực chuyển tiếp ở sân bay là 72 tiếng đồng hồ.

Qua chuyện trò với Glép, tôi có cảm tưởng rằng hắn ta hết sức quan tâm tới việc Dô-tốp bị tấn công và việc Dô-tốp bị bắt giữ. Sự quan tâm của hắn ta có phần tỏ ra hơi quá lộ liễu

Xla-vin “

Côn-xtan-ti-nốp so sánh các tài liệu, rồi trao nhiệm vụ cho Ni-kô-đi-mốp tiến hành “gặp gỡ” với Đu-bốp. Ông rất quý đồng chí đại uý ba mươi tuổi này, trong anh có một cái lõi đặc biệt quý đối với một nhân viên phản gián: Anh không sợ phủ nhận mình, anh có thể tự phân tích để rút bỏ các lý lẽ của mình, mà trước đó tưởng như không thể chối cãi được. Có người bảo anh là người hấp tấp, nhưng Côn-xtan-ti-nốp, ngược lại, đặc biệt quý tính cách ấy - đó là một con người biết suy nghĩ, luôn luôn biết tự hồ nghi, chứ không còn gì buồn tẻ hơn là một con người lúc nào cũng tin tưởng tuyệt đối vào sự đúng đắn của mình.

Đại uý Ni-kô-đi-mốp lại là một người bạn tốt của I-go Ku-xen-kô cùng làm việc ở một chỗ với Đu-bốp. Do Ku-xen-kô cho biết, đại uý Ni-kô-đi-mốp biết rằng Đu-bốp vừa bay về đêm hôm trước, và sáng hôm sau, theo lệ thường của các ngày thứ bảy sẽ đi Xan-đu-na.

Côn-xtan-ti-nốp nói:

- Chúng ta có quyền, trên cơ sở khởi tố một vụ án hình sự, bắt tay vào việc tra xét, vì thời gian đã gấp lắm rồi.

*

* *

- Xê-ri-ô-gia, đây là bạn của mình, bạn học ngồi cùng bạn với nhau hồi phổ thông đấy, làm quen nhau đi!

- Tôi là Ni-kô-đi-mốp.

- Tôi là Đu-bốp.

- Anh có thích tắm hơi ở đây không? - Ni-kô-đi-mốp hỏi - Có phải tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ không?

- Tôi thì không thật sự chịu nghe bác sĩ lắm đâu. Tôi rất liều, tuỳ may rủi: sinh ra thế nào thì cứ sống thế.

Ku-xen-kô cười:

- Đấy là đầu hàng rồi, Xéc-gây ạ!

- Anh biết không, cứ chịu khó mà nghe bác sĩ đi, ấy thế rồi lại vào áo quan vì một ông lái xe nào say rượu cũng nên! Biết thế nào được? - Đu-bốp quay lại nhìn Ni-kô-đi-mốp - Xin lỗi, tên tục của anh là gì nhỉ?

- An-tôn

- Thế còn phụ danh?

- Pê-tơ-rô-vích.

- Suýt nữa thì là Páp-lô-vích rồi đấy! (1) Anh làm ở đâu?

- Ở Uỷ ban An ninh. Thế còn anh?

- Tôi rất kính trọng cơ quan của các anh. Ở đấy tôi cũng có khá nhiều bạn. Thiếu ta Grô-mốp chẳng hạn, anh biết không?

- Câu ấy ở phòng nào nhỉ?

- Tôi chẳng bao giờ tò mò đến những việc riêng của người ta hết - Đu-bốp vội trả lời - kẻo nhỡ người ta lại bảo “sợ địch nghe được”

Ni-kô-đi-mốp mĩm cười:

- Chỉ có một chỗ yên tĩnh, đó là nhà tắm, có thể vào đó cho thư thái tâm hồn. Ai không thích uống bia Tiệp Khắc, giơ tay nào?

- Dù phải đau lòng mà giơ tay, nhưng tôi không làm sao khác được - Đu-bốp nói - Ngày hôm nay là ngày tôi ăn kiêng, một tuần một lần, như những tín đồ đạo I-ô-ga vậy.

- Anh có thực cảm thấy người dễ chịu không? - Ni-kô-đi-mốp hỏi

- Thấy chứ! I-ô-ga đúng là một phát kiến quý báu của thế kỷ chúng ta. An-tôn Pê-tơ-rô-vích-tơ ạ. Anh đã được đi công tác ra nước ngoài chưa?

- Chưa.

- Nếu anh được đi, nhớ mua về các sách dạy I-ô-ga, tôi thành thật khuyên anh như vậy. Anh có muốn tôi biểu diễn I-ô-ga cho anh xem không?

- Có chứ, tôi rất thích được xem.

Đu-bốp hít một hơi thuốc lá mạnh cho đỏ lên, rồi dí nó vào chỗ khuỷu tay, nhìn Ni-kô-đi-mốp và Ku-xen-kô với đôi mắt nhanh nhẹn, thậm chí còn vui vẻ nữa, như Ni-kô-đi-mốp cảm thấy.

- Các anh thấy chưa? Tôi không có phản ứng trước nỗi đau nữa. I-ô-ga cho phép loại trừ được một số cảm xúc mà không hại gì đến tâm lý chung. Anh hỏi là tôi làm việc ở đâu à. Tôi và I-go cùng làm một chỗ với nhau đấy. Thế I-go chưa nói với anh à?

- Xéc-gây ạ, anh ấy chưa kịp hỏi tôi.

- Thế hệ mới của chúng ta - Đu-bốp cười, gỡ các khăn trải gường ra - được cái là tin nhau và dễ thuyết phục nhau. Ta đi tắm hơi chứ?

Anh ta để Ku-xen-kô và Ni-kô-đi-mốp đi trước, đuổi theo họ tới gần sát cửa nhà tắm, rồi thình lình quay lại.

- Các anh cứ vào trước, tôi sẽ đuổi kịp

Ku-xen-kô muốn dừng lại đợi, nhưng Ni-kô-đi-mốp đẩy anh ta đi:

- Ta cứ vào đi rồi anh ấy sẽ đuổi kịp sau, ai có việc nấy mà.

Các trinh sát viên theo dõi Đu-bốp, thấy anh ta quay lại, rót đầy bia vào cốc của Ni-kô-đi-mốp, ngửa cổ uống ực một hơi cạn, rồi mới chạy vào nhà tắm.

Đu-bốp tắm hơi rất kỹ, như làm một việc gì rất quan tâm, tắm xong, người anh ta đỏ lên, có chỗ hơi phớt xanh, anh ta thở phì phì, nhắc đi nhắc lại:

- Gớm, sung sướng thật! Sung sướng quá!

(Ni-kô-đi-mốp mỉm cười với anh ta, nhưng trước mắt anh lại hiện ra cái thân thể trương phồng của…Ôn-ga Vin-te, khi người ta mở quan tài ra, đưa thây chị ta về thẳng bệnh viện Mát-vê-ép để mổ khám nghiệm. Không được đưa về bất cứ một bệnh viện thông thường nào ở Mát-xcơ-va vì lý do giữ bí mật: chỉ cần một lời hở ra với ông già Vin-te là Đu-bốp sẽ biết ngay, mà nếu như Đu-bốp đúng là người của CIA thì sao? Lúc đấy Prô-xcu-rin đang ở trong phòng mổ của nhà xác, đã hỏi Côn-xtan-ti-nốp:

- Thế đồng chí vẫn còn nghi ngờ, không thật tin chắc rằng Đu-bốp chính là “anh bạn quý” ấy chứ?

- Chỉ khi nào tôi tóm được đầy đủ tang chứng, tôi mới tin)

Sau khi tắm hơi đợt đầu xong, Đu-bốp khoác vào người hai tấm vải trải gường, và đi kỳ cọ chân tay, ra chỗ cắt móng chân móng tay.

Chính vào lúc ấy, Ni-kô-đi-mốp cho đưa tất cả quần áo đi là.

Đu-bốp bị lỡ vì đã quá lượt - tính theo số tích-kê đã phát - anh ta không nằn nì gì, chỉ tự an ủi rằng đến lần thứ hai thì phải nhớ ra cho đúng số xếp hàng, và quay lại chỗ ngồi. Ni-kô-đi-mốp vẫn tiếp tục mua bia đãi Ku-xen-kô, tưởng như túi tiền của anh ta không đáy.

- Quần áo của tôi đâu rồi? - Đu-bốp hỏi, cũng không nhìn lên giá áo nữa, hình như chỉ thoáng qua là anh ta đã đủ nhận xét thấy tất cả những gì diễn ra xung quanh.

- Tôi đưa đi là, cả của I-go, của tôi và của anh.

- Giá đừng đưa thì phải, An-tôn Pê-tơ-rô-vích, tôi không bao giờ là quần áo ở nhà tắm, tôi thích tự là lấy. Nhưng thôi, đành vậy… Tắm hơi tuyệt chứ!

- Tuyệt - Ni-kô-đi-mốp tán thưởng - Nhưng lần sau nhớ mang muối theo nữa.

- Muối làm gì - Ku-xen-kô ngạc nhiên.

- Thế mà các anh cũng đòi đi tắm hơi - Ni-kô-đi-mốp mỉm cười - Thời cổ, người ta bôi mật lên người rồi tắm, còn bây giờ thì xoa muối - nó sẽ kích thích ra mồ hôi nhiều, đỡ béo phì, phương pháp lại giản dị tự mình làm lấy được, thế mới kỳ diệu chứ!

- Lại thêm một hiểu biết mới nữa! - Đu-bốp nói và nhắm mắt lại một cách sung sướng, ngả lưng xuống đi-văng.

Khi người phục vụ nhà tắm mang đồ đã là phẳng phiu đến, Đu-bốp làm như vô tình, sờ vào túi xem chìa khoá phòng mình còn ở đấy không, khi thấy còn nguyên vẹn, mới hoàn toàn yên tâm.

*

* *

Trung tá về hưu Xi-đô-ren-kô mở bao kính lấy cái kính cổ lỗ có giọng mạ, đeo lên chiếc mũi dày, nhìn Côn-xtan-ti-nốp một cách chăm chú và hỏi:

- Chúng ta không rơi vào tình trạng có quá nhiều hội chứng nghi ngờ xâu chuỗi nhau, thưa đồng chí thiếu tướng?

- Không phải như thế đâu, thưa đồng chí Xi-đô-ren-kô ạ.

- Bản thân đồng chí có tin chắc như vậy không?

- Tôi chưa thể tiết lộ các sự kiện, tôi chỉ có thể chia sẻ với đồng chí những gì mà làm tôi thấy khả nghi…

- Xin mời đồng chí.

- Đồng chí thử hình dung, một người được vinh dự mời viết luận án tiến sĩ, nhưng lại từ chối.

- À nếu đồng chí định nói về Xéc-gây Đu-bốp, thì vấn đề là ở chỗ anh ta vừa viết luận án tiến sĩ, vừa kết hợp với công việc, chứ không chịu nghỉ việc, thế thôi.

- Tôi cũng muốn tin như vậy… Thế đồng chí lại hình dung tiếp, rằng một người được đề nghị làm việc ở một cơ quan có lương cao hơn hẳn và chức vụ cũng cao hơn hẳn…

- Lại vẫn chuyện của Đu-bốp chứ gì, anh ta là người không hám lợi lắm đâu, anh ta sống thật sự khiêm tốn…

- Nhưng đồng chí cứ suy nghĩ tiếp hộ nhé. Khi một người từ chối tất cả những đề nghị đó, lại tìm hết cách để lọt cho được vào một phòng làm việc toàn tài liệu mật, nơi bọn gián điệp nước ngoài cứ như dán mắt vào ấy, thì sao?

- Đấy lại cũng là căn bệnh cũ của chúng ta tái phát. Căn bệnh từ năm ba mười bảy ấy (2), thưa đồng chí thiếu tướng - Xi-đô-ren-kô lại khẳng định - Cứ kiểu ấy thì có thể buộc tội bất cứ ai cũng là gián điệp.

- Rất phải. Tôi thậm chí còn rất vui vì thấy đồng chí bảo vệ anh ta. Nhưng tôi xin lưu ý đồng chí, rằng chúng tôi mời đồng chí đến đây để nhờ đồng chí giúp đỡ, và cụ thể, việc giúp đỡ ấy là: mời đồng chí đi an dưỡng, và cho chúng tôi mượn chìa khoá phòng đồng chí một thời gian. Chúng tôi không có quyền gì ra lệnh cho đồng chí, tất nhiên thế, đây chỉ là việc yêu cầu, và đồng chí có thể từ chối lời đề nghị của chúng tôi. Chỉ có một điều cấm kỵ: đồng chí đừng nói hở điều gì về cuộc gặp gỡ hôm nay của chúng ta với người hàng xóm của đồng chí.

- Cái đó thì tôi xin hứa.

- Đồng chí nghĩ gì về Ôn-ga Vin-te?

- Cô ta là một con người tuyệt diệu. Đúng là tuyệt diệu.

- Đu-bốp yêu cô ta chứ?

- Anh ta có quan hệ tốt với cô ta.

- Anh ta thường có quan hệ với nhiều phụ nữ khác không?

- Chúng tôi sống ở một thời đại, đã có một cách nhìn khác đối với các chuyện ấy rồi. Và nói chung, tôi không tán thành cái kiểu, chỉ do một quan hệ nào đấy, một quan hệ ngẫu nhiên, đã buộc ngay người ta vào bẩy tội chết.

- Đồng chí hãy tin tôi, tôi cũng tán thành quan điểm ấy của đồng chí. Vấn đề ở đây, chỉ là tôi muốn biết, đơn thuần là trên tình cảm con người, về ý kiến của đồng chí: Anh ta có thực yêu cô ta hay không thôi!

- Theo tôi thì có đấy. Anh ta là một người mạnh mẽ, có nghị lực, anh ta đặt cho mình nhiệm vụ phải đạt được một địa vị cao trong công tác, có lẽ vì thế, mà thỉnh thoảng cũng có làm mặt giận với cô ấy, lầm lầm, lỳ lỳ. Nhưng tôi nghĩ, đó không phải là do cô ấy trở nên nặng nề đối với anh ta. Rồi sau đó, cô ta rất … biết nói sao cho đúng nhỉ… rất dân chủ với anh ta, có lẽ thế chăng. Rất tinh tế. Và hiểu biết…

- Và cô ta cũng yêu anh ta chứ?

- Rất yêu… Vì thế mà tiếp nhận anh ta hoàn toàn.

- Có thực hoàn toàn không?

- Đó là điều không phải bàn cãi nữa.

- Đu-bốp có nói với đồng chí, rằng Ôn-ga Vin-te bị chết vì phù phổi chứ?

- Đồng chí thiếu tướng ạ, thì chính mắt tôi trông thấy mà.

- Nếu vậy, xin mời đồng chí đọc giùm kết luận của các bác sĩ giám định đây.

… Xi-đô-ren-kô đã từng được thưởng ba huân chương cờ đỏ, vợ ông là I-ra, một cô y tá rất tốt bụng, mười chín tuổi, đã hy sinh ở Brét-xlau vì một viên đạn của bọn phản bội Vlát-xốp, ngay khi vừa có mang được ba tháng. Ông sống độc thân - ông thề quyết trung thành với vợ một cách cao thượng - và suốt ba mươi năm sau chiến tranh, Xi-đô-ren-kô không hề lẩn tránh nguy hiểm: Ông làm ở phòng điều tra tội phạm, phòng đấu tranh chống tệ nạn trộm cướp, đã từng bò dưới làn đạn réo, nhưng chưa hề bị sướt da đến một lần! Khi dẹp hết nạn trộm cướp ông lên Bắc cực, là người đầu tiên đặt chân lên vùng đất Tai-ga hẻo lánh, đóng cọc dựng lều; đến khi được tặng “Huy chương Danh dự” của những người xây dựng, bị bệnh nhồi máu, rồi về hưu. Trả lời câu hỏi: tại sao không vào Đảng, ông đã trả lời, thoạt nghe có vẻ kỳ cục “Vì tôi đã không bảo vệ được cho vợ và con nhỏ, họ đã nhận viên đạn ấy thay cho tôi”

- Đống chí giả định rằng, chính Đu-bốp đã đầu độc Ôn-ga à? - Xi-đô-ren-kô hỏi, sau một lát im lặng.

- Đồng chí hãy tin rằng, tôi muốn là tôi đã giả thuyết sai. Để làm sáng tỏ việc đó, tôi cần có sự đồng ý của đồng chí, để đồng chí đi nghỉ an dưỡng một thời gian với các bạn cộng sự của tôi. Các đồng chí sẽ ngồi lại với nhau, và cố gắng khắc hoạ lại cuộc sống của Đu-bốp ngày này sang ngày khác. Kể từ lúc anh ta ở nước ngoài về.

*

* *

Phòng Đu-bốp đã bí mật được mở, do chiếc chìa khoá Ni-kô-đi-mốp làm giả. Phòng của Đu-bốp hết sức ngăn nắp, đến mức độ như ở trong một phòng của tu viện: Một bàn viết, trên đó có để chiếc máy thu thanh “Pa-na-xô-níc” cực mạnh; một chiếc đèn to bằng đồng và ngà, và hoàn toàn không ăn nhập gì với hai đồ vật trên là một chiếc đèn pin Trung Quốc to, dài tới ba tấc hai, thường thấy bán ở cửa hàng trang thiết bị cho bộ đội, rất thuận tiện để đi săn hoặc đi câu cá.

Sách trên giá đều đã được đọc đến sờn mòn cả gáy và bìa, đa số là tác phẩm cổ điển, được chọn lọc kỹ, xếp theo khổ sách và màu bìa. Cặp trong một cặp tiểu thuyết của Đích-ken, có ba nghìn rúp mới cứng, mà Đrô-nốp đã phát hiện ra.

(Đrô-nốp, đã có lần gặp người cháu gọi Đu-bốp bằng chú, cậu ta kể rằng “Chú Xê-ri-ô-gia rất chí thú, trong vấn đề tiền nong”. Chú ấy vay của cháu một trăm rúp để đi nghỉ, lúc nào chú ấy cũng kêu túng, và chú ấy đã trả trong vòng ba tháng - cứ mỗi kỳ lương trả khoảng trên ba mươi rúp, vào một thời hạn rất chính xác).

Trên bàn cũng một trật tự chỉnh tề ấy: những tờ hoá đơn trả tiền điện và tiền hơi đốt được ghim thành chồng, ngoài ra không có thư từ, địa chỉ, số điện thoại nào hết. Dường như con người sống ở đây biết rằng thế nào cũng sẽ có người đến tìm kiếm nên đã chuẩn bị trước cả: “Đấy các vị nhìn xem, mọi thứ đều công khai, rõ ràng, như tôi đứng trước các vị đây, có thể soi rõ suốt từ đầu đến chân!”. Không có một móc xích nào chứ đừng nói đến chuyện tang chứng, đấy chỉ là một nét sai biệt rất nhỏ.

*

* *

“Nhóm quan sát cho biết, sau khi trở về, Gác Rừng lắp thêm vào cửa phòng mình một ổ khoá thứ hai, mua được trên đường từ nhà tắm về. Sau đó anh ta xuống sân mở máy xe “Von-ga” số hiệu 27-21, và lái ra phố Xa-đô-vai-a. Gần ga xe điện ngầm “Công viên Văn hoá”, anh ta vòng lại, đỗ xe ở gần Học viện Quan hệ quốc tế, khoá cửa lại, bỏ xe ở đó, xuống tàu điện ngầm, đi tới ga “Thư viện Lê-nin”, ra khỏi ga tàu điện ngầm, lên đại lộ Ka-li-nin, không tiếp xúc với ai, anh ta đi một mạch tới cửa hàng “Me-lô-đi-a”, và dừng lại ở đó, nhìn đồng hồ đúng 17 giờ 20 phút. Một cô gái tầm vóc nhỏ nhắn, mắt đen, tóc cũng đen, mặc bộ quần áo gin màu xanh lơ đến gặp, rồi cùng Gác Rừng xuống tàu điện ngầm, đi tới ga “Ác-bát” thì lên, lại trở lại chiếc ô-tô vào lúc 17 giờ 59 phút. Cùng với cô da ngăm này, Gác Rừng tới tiệm ăn “Nước Nga”, ở đó anh ta đã đặt sẵn bữa ăn chiều. bốn đĩa trứng cá hạt, xà-lách tươi, bơ, bánh mì đen rán, món phi-lê nấu với nấm có rưới rượu vang đỏ, cà-phê và kem. Về rượu nhắm, Gác Rừng chỉ lấy một trăm gam cô-nhắc nhãn “KV” để mời cô da ngăm, còn bản thân anh ta không uống gì hết. Vào 21 giờ 45, Gác Rừng trở về nhà cùng với cô gái, và họ ngủ tại đấy”

*

* *

“Gởi Trung tâm

Một lần nữa yêu cầu cho tôi gặp và tổ chức trò chuyện với Glép. Có thể ép anh ta về vụ bê bối ở Hồng Kông và về những tư liệu đã thu nhập được về anh ta. Tin rằng sau chiến dịch kết thúc ở Mát-xcơ-va, có thể buộc Glép tác động đến việc trả lại tự do ngay cho Dô-tốp

Xla-vin”

Gửi Xla-vin

Đồng ý để tổ chứ một cuộc chuyện trò nữa với Glép, nhưng phải tạo nên được một ấn tượng, là hình như chúng ta tin rằng chính Dô-tốp là nhân viên của Lô-ren-xơ

Trung tâm”

(1) An-tôn Páp-lô-vích là tên của văn hào A. P. Sê-khốp (ND)

(2) Thời kỳ 1937 có những cuộc thanh trừng nội bộ căng thẳng ở Liên Xô, một số cán bộ bị bắt oan, mãi về sau mới được phục hồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com

Tags: