DẪN NHẬP THƯ 1 GIO-AN
Dẫn nhập Lời Chúa Cho Mọi Người
Thư này với Tin Mừng của thánh Gio-an không thể tách rời nhau, và nhắc cho chúng ta rằng đời sống người Ki-tô hữu không khác gì một tiến trình "thần linh hóa" chính con người chúng ta.
Thời đại nào cũng có một số người cho rằng đời sống Ki-tô hữu có vẻ như vô vị quá hoặc hẹp hòi quá. Tuy họ không trực tiếp phê bình các giá trị và những lợi ích mà Ki-tô giáo mang đến cho nhân loại, nhưng họ cảm thấy như Ki-tô giáo đặt ra nhiều giới hạn cho con người. Chúng ta hãy nghĩ tới những người như Các Mác, cho rằng muốn giải thoát con người thật sự thì phải chống lại đức tin. Chúng ta hãy nghĩ tới những người thời nay đặt hết tin tưởng vào khoa học để mở rộng khả năng sự sống. Chúng ta còn nghĩ tới những người đã bị vỡ mộng, hết tin tưởng vào cuộc sống bôn ba của người Phương Tây và đang tìm đến những nền minh triết của người Phương Đông, mong đạt tới cái tuyệt đối mà họ đã không nhận ra trong đức tin Ki-tô giáo.
Ngay cả đối với người Ki-tô hữu, lòng sùng mộ nặng cảm tính đối với Chúa Giê-su, vị Thầy tốt bụng truyền dạy tình yêu đại đồng, thường không cho thấy họ rất thiếu hiểu biết về những điều cao siêu mà đức tin có thể gi úp họ đạt tới. Bởi vì, nơi Chúa Giê-su, chính Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta muốn tìm gặp. Chúng ta là những người đi tìm chân lý, và chúng ta mong được tan biến trong chân lý ấy, là chính cội rễ của mình.
Trong lá thư này, thánh Gio-an khẳng định : các bạn mà có được Con Thiên Chúa là các bạn có được chân lý trọn vẹn, là các bạn đang trên con đường đi đến Tình Yêu đích thực, và được hiệp thông với chính bản thân Thiên Chúa.
Thế nhưng có thể chúng ta sai lầm khi tưởng mình đang ở trong Đức Ki-tô. Do đó, thánh Gio-an xác định rõ các tiêu chuẩn, những điều kiện cho phép chúng ta kiểm chứng xem chúng ta có thật sự bước đi trong ánh sáng hay không, có sống trong tình yêu hay không :
- Chúng ta nhận ra Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô ; tuy vậy, chúng ta luôn luôn phải đặt trước mắt, phải chiêm ngắm các hành động và cách sống làm người của Chúa Ki-tô.
- Chúng ta tin rằng mình đã được "sinh ra bởi ơn trên", được sinh làm con Thiên Chúa : nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta được miễn giữ các điều răn của Người.
- Đức tin đã làm cho chúng ta được nhận biết Thiên Chúa một cách mới mẻ. Nhưng điều quan trọng nhất là hiểu biết tình yêu của Người, và để được vậy, không có gì tốt hơn là bài học thập giá.
Thể văn
1 Gio-an bắt đầu cách đột ngột, không có lời chào hỏi ở đầu và ở cuối tác phẩm, cũng chẳng mang tên tác giả và những người lãnh nhận. Thoạt đầu, người ta có cảm tưởng là tác phẩm này giống như một bài giảng hoặc một thứ thông điệp gửi cho các giáo đoàn thuộc tỉnh A-xi-a. Nhưng nếu nhìn tác phẩm kỹ lưỡng hơn, độc giả có thể thấy rằng 1 Gio-an cũng mang hình thức một bức thư gửi cho một cá nhân hay một nhóm trong những hoàn cảnh xác định.
Cấu trúc
Lời dẫn nhập (1,1-4) :
Ngôi Lời nhập thể và sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con.
I. Bước đi trong ánh sáng (1,5 - 2,28) :
- Điều kiện I : đoạn tuyệt với tội lỗi (1,8 - 2,2)
- Điều kiện II : tuân giữ các điều răn, nhất là điều răn bác ái (2,3-11)
- Điều kiện III : coi chừng thế gian (2,12-17)
- Điều kiện IV : đề phòng những kẻ phản Ki-tô (2,18-28).
II. Sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa (2,29 - 4,6) :
- Điều kiện I : đoạn tuyệt với tội lỗi (3,3-10)
- Điều kiện II : tuân giữ các điều răn, nhất là điều răn bác ái (3,11-24)
- Điều kiện III : đề phòng thế gian và những ngôn sứ giả (4,1-6)
III. Nguồn mạch đức ái và đức tin (4,7 - 5,13) :
- Nguồn mạch đức ái (4,7 - 5,4)
- Nguồn mạch đức tin (5,5-13)
Bổ túc (5,14-21) :
Cầu nguyện cho người tội lỗi (5,14-17)
Tóm lược bức thư (5,18-21).
Đạo lý
Câu kết luận (5,13) làm nổi bật ý định của tác giả khi soạn thảo 1 Gio-an : Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời. Trong thời kỳ tà thuyết được gieo rắc trong giáo đoàn, các tín hữu hoang mang nhận được xác tín này là chính họ mới có sự sống đời đời, chứ không phải các ngôn sứ giả. Theo lời khẳng định của những câu cuối cùng (5,18-20), vì tín hữu là con Thiên Chúa và do đó thuộc về Người, vì tín hữu ở trong Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời, nên tín hữu chiến thắng tội lỗi và ác thần nhờ Thiên Chúa và Đức Giê-su Ki-tô. Do đó, các tín hữu phải làm phát triển và củng cố "trực quan" thực thụ ấy, tức là sự hiểu biết phát xuất từ một đức tin vững mạnh, đầy xác tín.
Đức tin ấy dựa trên nền tảng chính yếu này : đó là biến cố Đức Giê-su đã đến thế gian (4,2.9 ; 5,6.20) và sứ mạng cứu độ của Người (1,7b ; 2,2.22 ; 3,5.8.16 ; 4,10.14 ; 5,6). Mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của Đức Giê-su Ki-tô đã bị các ngôn sứ giả tìm cách phủ nhận và phá huỷ.
Theo 1 Ga 1,3, đức tin tạo nên sự hiệp thông trong sự sống thần linh, sự hiệp thông của các tín hữu với các Tông Đồ, môn đệ của Đức Giê-su. Và bởi vì các Tông Đồ hiệp thông với Chúa Cha và Đức Giê-su, nên các tín hữu cũng được hiệp thông với các ngài. Đức tin đó nảy sinh do các chứng nhân trực tiếp loan báo những điều mắt thấy tai nghe.
Bởi vì các tín hữu thực thụ có đức tin, biết Thiên Chúa (4,6-7), nên họ ngày càng khám phá cách sâu xa hơn Thiên Chúa là ai. Theo 1 Gio-an, Thiên Chúa tỏ mình ra cho các tín hữu dưới hai khía cạnh : Thiên Chúa là ánh sáng (1,5), Thiên Chúa là tình yêu (4,8.16). Định nghĩa thứ nhất về Thiên Chúa (Thiên Chúa là ánh sáng) đã cho độc giả thấy hoàn cảnh cụ thể của giáo đoàn rồi. Ánh sáng đồng nghĩa với sự thật và sự thiện, phản nghịch với sự dối trá, với bóng tối tức là tội lỗi. Là nguồn sự thật và sự thiện, Thiên Chúa còn là tình yêu. Định nghĩa này giãi bày điểm chính yếu nhất của mặc khải Tân Ước. Đối với Gio-an, tình yêu là sự hiệp thông, là sự tự hiến. Trong Thiên Chúa, tình yêu nối kết Chúa Cha với Chúa Con. Đồng thời, tình yêu này của Thiên Chúa được mặc khải trong công trình cứu độ do Đức Giê-su thực hiện (4,9-10) và được thông ban cho chúng ta (4,9a.16).
Đức tin giúp cho các tín hữu nhận biết Thiên Chúa là ánh sáng, là tình yêu, và hiệp thông với Người. Tác giả của 1 Gio-an muốn dựa vào đức tin để cho thấy những yêu sách của đời sống Ki-tô hữu thực thụ. Vì nhận biết Thiên Chúa là ánh sáng và hiệp thông với Người, các tín hữu được kêu mời mở lòng ra đón nhận mặc khải và bước đi trong ánh sáng, nghĩa là sống công chính nhờ lĩnh nhận sự thật, coi chừng thế gian, đề phòng các ngôn sứ giả, tin vào lời sự sống xuất hiện trong thế gian để cứu chuộc loài người, tuân giữ các điều răn, cách riêng điều răn bác ái, đoạn tuyệt với tội lỗi. Đức Giê-su Ki-tô và Thiên Chúa hoạt động để giúp các tín hữu có thể dứt khoát với tội lỗi : Đức Giê-su là Đấng Ki-tô (2,22), là của lễ đền tội vì tội lỗi nhân loại (2,2) ; Thiên Chúa và Đức Giê-su thanh tẩy con người sạch hết mọi tội lỗi (1,7.9). Thiên Chúa là tình yêu cũng kêu gọi, thúc đẩy các tín hữu sống cho xứng địa vị làm con Thiên Chúa. Những yêu sách phù hợp với chủ đề mới này đều liên quan đến các khía cạnh nói trên. Địa vị làm con Thiên Chúa đòi tín hữu phải chọn Thiên Chúa, trung tín, và hết lòng gắn bó với Người cũng như với mọi ý muốn của Người, chỉ đón nhận lời của Thiên Chúa do các sứ giả của Người chuyển đạt. Vì thế, tín hữu có nhiệm vụ dứt khoát từ bỏ tội lỗi hoàn toàn đối nghịch với Thiên Chúa là tình yêu, trung thành tuân giữ mọi điều răn diễn tả ý muốn của Thiên Chúa, cách riêng lòng yêu mến Thiên Chúa là Cha và mọi con cái của Người là anh em của tín hữu ; tín hữu lại còn phải giữ lại nơi mình lời Thiên Chúa, có thái độ đề phòng đối với thế gian và những kẻ phản Ki-tô.
Theo 1 Gio-an, đức ái làm các tín hữu gắn bó với Thiên Chúa là tình yêu, và làm cho họ thương yêu anh em. Đức ái này bắt nguồn từ Thiên Chúa (4,7) và công trình cứu độ do Con Một của Người thực hiện (4,9). Do nguồn mạch này, lòng yêu mến Thiên Chúa và lòng yêu thương anh em liên kết chặt chẽ với nhau (4,20-21). 1 Gio-an cũng cho biết : nguồn mạch đức tin của các tín hữu đó là lời chứng của Thiên Chúa về Con của Người (5,9.11).
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com