Thư gửi mẹ !!
Thư gửi mẹ!
Mẹ biết không, con gái của mẹ đã lớn! Con bắt đầu suy nghĩ cho tương lai của mình.Nhưng mẹ ơi, con đang chênh vênh khi phải đứng giữa hai thế giới hoàn toàn khác nhau mà con chỉ được chọn một. Con sẽ chọn sao đây khi một bên là "món lời" của xã hội, một bên là con đường mà con thích. Buồn thay, khi cái con chọn lại không phải là cái mà xã hội quan tâm!
Gửi mẹ của con. Mẹ ơi, con gái bước vào năm cuối cấp rồi, sắp phải bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời... nó đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời một người, và sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống về sau. Dường như mọi thứ đang hối thúc con phải chọn ngay từ bây giờ, chọn một hướng đi riêng cho mình và con biết mình sẽ phải chịu trách nhiệm cho quyết định táo bạo này!
Nhưng đến giờ con gái vẫn không biết mình nên chọn, phải chọn, sẽ chọn con đường nào để đi. Nhiều lúc con gái tự chất vấn bản thân đang thực sự muốn gì, cần gì? Tất cả đều là số không hay thực sự con đang sống và tồn tại mà hoàn toàn không có mục đích?
Ngày còn nhỏ con gái thích đọc Văn, con gái thích Lịch sử, con gái thích sự thơ mộng của Văn, nét hào hùng từ trang Sử. Còn ba mẹ thích những gì thuộc về tự nhiên, ba mẹ muốn con thật giỏi Toán, Lý, Hóa...
Mẹ hay giải thích với con gái khi con giỏi các môn tự nhiên, đầu óc con sẽ ngày càng linh hoạt, sáng tạo, con sẽ ngày càng thông minh và có cơ hội tiến xa hơn trong cuộc sống.
Ba hay giải thích với con gái xã hội ta chú trọng những điều này, thứ con cần là học gì, làm gì đáp ứng cho xã hội chứ không phải là làm gì con thích, con muốn.
Rồi con gái chọn theo con đường mà mình không thích_ chỉ mong được xã hội chấp nhận. Có lúc vô tâm với chính môn học sở trường của mình
Con lạc lõng và bơ vơ giữa môi trường mà tất cả mọi người đều bất công với Văn, với Sử, với Địa. Không chỉ là bạn bè mà cả thầy cô đều không có sự công bằng. Tất cả nói với con gái thứ chúng ta cần là giỏi, thật giỏi các môn tự nhiên vì sẽ quyết định tương lai ta.
Thỉnh thoảng con gái cãi nhau với bạn bè, mọi đứa bạn của con gái đều nói: “Thế tụi tao thi Y dược, thi Kinh tế; học Văn, Sử có mà chết đói à?”. Mẹ có biết lúc đó, khi nghe các bạn nói vậy, cảm giác của con là như thế nào không? Có chút buồn và đắng mẹ à! Các bạn không nói sai, nhưng có lẽ tất cả mọi người đã bị cuống vào cơn bão của Toán, Lí, Hoá mất rồi. Con tự hỏi, liệu nơi đây thực sự dành cho mình? Liệu nơi đây có phải là con đang chọn đúng?
Con gái không nghĩ vậy. Con gái nghĩ không phải cứ học giỏi là sẽ thành công. Khi bạn phát minh, chế tạo một sản phẩm mới, bạn không biết cách thuyết trình, giảng giải cho mọi người hiểu, tất cả bạn có chỉ là mớ giấy vụn mà thôi.
Khi bạn không biết cách ăn nói, không biết cách cư xử, mọi người mặc kệ bạn học giỏi bao nhiêu, sự tôn trọng họ dành cho bạn là con số không.
Có thể con gái không thông minh, không giỏi tự nhiên như mọi người, nhưng chỉ cần có tâm hồn rộng mở, con gái sẽ được đón nhận thôi, phải không mẹ? Và có lúc con gái cũng ước ao mình được giỏi Toán, Lí, Hoá như các bạn. Nhưng mẹ ơi, dòng máu dành cho văn học như một nam châm dính chặt, luôn chảy trong tim khiến con không thể từ bỏ đi môn Văn mẹ à.
Môn văn không dạy con gái những công thức mà sau này lên đại học sẽ không ngó tới, ra trường không biết sử dụng được bao nhiêu. Môn Văn dạy con làm sao để sống tốt với chính mình, với ba mẹ, với cộng đồng xã hội, môn văn như một tấm gương to lớn mà mỗi khi gặp bế tắc trong cuộc sống, con gái hay lấy để tự nhìn lại bản thân. Con gái tìm được biết bao nguồn kinh nghiệm sống vô tận. Có khả năng thúc đẩy Ta đứng dậy bước tiếp, đối mặt với khó khăn. Điều này thì các môn tự nhiên đều hoàn toàn không đề cập đến. Toán Lí Hoá chỉ làm cho con người ta vùi đầu vào những con số hư vô mà quên mất con người của mình.
Giữa những tăm tối trong cuộc đời, môn văn đưa con về với thế giới của tình thương - nơi mà người với người sống với nhau bằng một niềm tin rất thật. Giữa cuộc chạy đua tất bật của điểm số, môn Văn cho con được một chút bình yên. Nó có khả năng vực dậy con trong những lúc con tưởng như mình không thể tiếp tục. Con người ta có thể sống trong một xã hội không hiện đại, không phát triển, nhưng không thể thiếu tình thương.
Đôi khi con không hiểu môn Văn ngấm vào máu ta ngay từ thời tấm bé, theo những lời ru của bà, của mẹ. Đó là tiếng mẹ đẻ thân thương, là xương là thịt, mà sao mọi người luôn chối bỏ?
Không ai sống mà thiếu đi ngọn nguồn tâm hồn, ngọn nguồn cảm xúc. Sự thật vậy đó nhưng người ta vẫn không thừa nhận trong lòng họ có những thứ thuộc về văn chương.
Mẹ ơi! Con gái mẹ rất thích Văn. Nhưng hình như ba mẹ nói đúng, giỏi Văn không được mọi người tôn trọng. Hình như con nhận ra rằng, xã hội ngày nay càng coi trọng cái gọi là tư duy, lôgic. Họ chỉ cần những con người giỏi kinh tế giỏi tính toán hơn là một con người am hiểu văn chương mẹ à! Nó làm cho con cảm thấy chông chênh và có chút hụt hẫng, bất lực. Mẹ ơi, con gái không muốn ép bản thân mình luôn phải bó buộc quy tắc trong những khuôn phép dường như được định sẵn. Rồi bắt bản thân suốt ngày phải quay cuồng bên những tính toán, những con số mờ mờ ảo ảo đó. Con gái nghĩ, sẽ thật tuyệt biết bao nếu như ta được sống là chính mình, được nghĩ và làm những gì mình thích. Con gái cảm thấy được tự do lắm khi sải bút viết lên những câu chuyện, những tâm tư tình cảm của chính mình. Con gái muốn chính mình tự viết lên và vạch ra cho mình con đường ở phía trước.! Mẹ ơi, liệu suy nghĩ của con có thực sự chính chắn hay nó mơ hồ và không thực tiễn??
Không chỉ ở lớp con, ở trường con và có thể rộng ra xã hội, khi con nói con là học sinh giỏi Toán, Lý, Hóa, mọi người khen con; khi con nói con giỏi Văn, Sử, Địa, họ nói con không giỏi. Vậy thì con phải làm sao? Làm sao để được mọi người tôn trọng? Làm sao con gái có thể đủ tự tin để có thể phấn đấu hết mình cho sở thích của riêng mình. ̃
Rồi con sẽ chọn con đường thế nào? Toán, Lý, Hóa để có cơ hội thành công, hay sống với môn Văn cùng cuộc đời nghèo nàn, bạc bẽo? Tương lai con sẽ trôi về đâu giữa vô vàn định kiến, hà khắc của xã hội cho Văn, Sử, Địa?
Con viết cho mẹ trong một ngày buồn...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com