Pt.1
Đó là năm 7 tuổi. Tôi đến lớp học hè theo đăng ký của mẹ.
Tan học lúc 9 giờ vào buổi đầu tiên, nắng đang bắt đầu gắt lên. Ở sân trước của trường không nghe được tiếng ve và tiếng gió. Bầu trời vẳng xuống một âm thanh nặng nề khi máy bay vút qua. Cách vài bước nữa là cột cờ, dưới mắt tôi là chất vải xù xì của chiếc quần đang mặc, ngẩng lên là sắc xanh trong ngần bị trù ếm bởi từng chập ánh sáng chói chang. Tôi bối rối sửa mũ, chiếc mũ tai bèo với dây đeo lòng thòng, tay chưa kịp lau đi giọt mồ hôi chảy xuống từ thái dương, nhồn nhột. Vì nóng quá, tôi hơi choáng. Loay hoay một lúc, tôi xoay hẳn sang cô bé bên cạnh, than lên:
"Nóng quá nhỉ?"
Cô bạn mang chiếc cặp màu hồng to lớn, in hình công chúa, loại cặp điển hình cho các bé gái, bên cạnh có móc một con búp bê vải.
"Cậu làm gì thế?" Tôi hỏi, nhìn theo dáng vẻ như vừa sực nhớ gì đấy của cậu ấy sau câu tôi nói.
Cậu ấy thả cặp ra khỏi vai, tháo con búp bê bỏ vào trong. Tôi càng khó hiểu: "Gì thế?"
"Sao phải làm vậy?"
"Cứ nghĩ đến chuyện con búp bê đang không phải chịu nóng, thì cũng không còn thấy quá nóng nữa, thì vẫn sẽ chịu đựng được."
Tôi quay đầu lại nhìn phía trước, thở hắt ra, thoáng bực dọc vì quãng đường phải cuốc bộ về nhà, khi ấy, chỉ chừng trăm mét...
Lớp học hè của tôi không có nhiều bạn học, khoảng hơn chục đứa trẻ từ các lớp khác nhau và chẳng ai thực sự quen thân ai, trong đó chỉ gồm 3 nam. Giờ giải lao, lớp sẽ chỉ còn mỗi tôi là nam. Nên tôi thường ngồi tại chỗ, quan sát đám trẻ bày ra bàn đủ thứ đồ, hoặc là tụ tập, hoặc là ngồi chơi một mình. Từ xa, cô bạn nọ vẫn luôn để con búp bê trong tầm mắt, chăm chút từng tí, đắp chăn cho nó giữa tiết học và gập nó dậy trong giờ giải lao, rồi toàn những trò vô bổ khác. Một hôm, có lẽ tôi cũng chẳng nhịn được, làm ra cái giá đỡ tranh nhỏ rất nhỏ đem đến lớp.
"Nó thích vẽ chứ?"
Hôm ấy, cuối tháng 7, kỳ học hè sắp sửa kết thúc khi cậu ấy gật đầu với tôi...
Chẳng bao lâu sau lần gặp cuối, người ta bảo cậu ấy đã qua đời, một mình, trượt chân trên bờ sông. Và cha mẹ đánh thức tôi buổi sớm nọ, dặn tôi phải mặc đồ đen, giữ yên lặng. Thật lạ lùng. Trước đấy, cậu ấy và tôi luôn chỉ gặp mặt trong sân trường, chẳng nơi nào hơn. Đối với tôi mà nói, cậu ấy luôn là một cô bé quanh quẩn đâu đó trong sân trường, một nơi hoàn toàn khô ráo, không có ao hay hồ nước.
Tôi đứng trong đám tang của cậu ấy, nhìn thấy những người tròng đồ trắng sụp đổ trước mắt. Họ khóc rất nhiều, đến mức tưởng như mặt họ cũng đang chảy ra. Ba ngày đều như thế.
"Đứa nhỏ mới chừng ấy tuổi mà mất, cha mẹ đau đứt ruột." Giọng ai đó xì xầm to nhỏ. Mà tiếng nhạc đám tang thì quá rõ, quá lớn...
Lòng tôi bỗng nôn nao khó tả. Một nỗi âu lo và băn khoăn tràn trề trong tôi đến ngột thở, đầu phát đau âm ỉ, tôi ngước mặt lên, những ngón tay bấu lấy bàn tay của mẹ.
"Sao vậy?" Bà hỏi.
Tôi không thể đáp.
"Đói hả?" Rồi bà quay sang, nói khẽ: "Anh... Lấy ít đồ ăn sáng cho thằng bé."
Nhưng tôi còn chưa ăn hết bữa sáng, người ta cũng đã xong phần lễ và bắt đầu di quan. Tôi đành bỏ lại bữa ăn theo lời cha mẹ.
Mặc cho đi rất chậm, bụng tôi vẫn nôn nao y như cũ. Tôi hít vào một hơi thật sâu, muốn hỏi cha mẹ mình một điều gì đó nhưng không biết là gì... Khi tôi lần nữa vặn những ngón tay vào áo quần mẹ, bà ấy khom người, áp tay lên lưng tôi, nhỏ nhẹ: "Gần xong rồi. Đừng vội."
"Phải nói vài lời với gia đình bạn đã." Cha bảo. Tôi gật gù, cúi mặt.
Khi có người chết, người ta thường đào một cái hố, đặt hòm xuống, lấp lại. Và do vậy, dù ai, chết thế nào, mặt đất cũng sẽ bằng phẳng như chưa hề có gì xảy ra.
Tại sao người ta khóc mà vẫn cứ lấp đất xuống? Có phải có một thế lực nào đó ngấm ngầm kiểm soát họ như những con rối bất hạnh? Và tại sao chỉ mỗi tôi là cảm nhận được sự tàn nhẫn ấy?
Tôi lại ngước lên nhìn, thấy góc dưới sườn mặt của mẹ, cha tôi đứng ngay đằng trước. Lúc ấy trong bụng mẹ tôi, một bó cơ đang dần co đập khi thành hình.
Cùng năm đó, gia đình tôi đón nhận tin vui: Thành viên mới sắp chào đời, đứa con trai thứ hai bé bỏng. Phút chốc, tủ đồ được lấp đầy bởi hàng xấp áo quần trẻ em, khắp nhà cũng xuất hiện ti tỉ thứ vật dụng mới. Cha tôi trở về từ bệnh viện với gương mặt mừng rỡ vào một buổi chiều giữa tháng 4, sau khi tôi đã tan học, có mặt tại nhà và thấy chỉ còn mỗi mình mình. Cha chở tôi đến bệnh viện, cả gia đình đều đang ở đấy.
Trong ấn tượng của tôi, thằng bé là một đứa trẻ quá đỗi mỏng manh và xa lạ, lấp ló giữa những lớp khăn xếp vào nhau. Nhưng một niềm rung động bỗng chợt nảy nở vì tôi biết dù sao đó cũng là em trai mình, khiến tôi quan tâm đến nó hơn bất kỳ đứa trẻ nào khác. Vậy mà cảm giác gắn kết ấy không kéo dài lâu. Thằng bé quá ồn ào và yếu ớt. Mọi người luôn phải vây quanh để trông coi, đối đãi với nó hết sức nhẹ nhàng. Thế nhưng thằng bé vẫn sẽ khóc, và người khác sẽ phải dỗ dành cho dù đã mệt mỏi đến thế nào. Mẹ nói: "Lúc nhỏ con cũng y hệt thế."
"Thằng bé giống con như đúc."
Vì vậy có lẽ, trong nhà này, tôi là người duy nhất xa cách với thằng bé.
Suốt một năm tiếp theo, tất cả đều là những tiếng bước chân bận rộn của cha mẹ, tiếng trò chuyện cùng khách ghé thăm và một tôi không tài nào bắt kịp tiến độ của mọi người. Tôi bắt đầu tập xoay xở mọi thứ một mình: tự giác dẹp phòng, tự giác xem rồi tắt ti vi, tự lấy đồ trên cao, tự làm bài, tự tỉnh giấc mỗi sáng, phụ giúp những việc lặt vặt,... chỉ đủ nhiều để cảm thấy bản thân đang dần tuột mất cả thế giới một cách bất lực.
Buổi tối dịp Tết, vừa sang 9 tuổi, thật khó tin rằng tôi đã giận dỗi cả nhà gần một năm mà chẳng ai nhận ra. Tôi ngồi tô màu nhưng tâm trí thì dính chặt ở chỗ mọi người vây quần bên nhau, chỉ cách chừng chục bước. Cảm giác mình là người thừa trỗi dậy mãnh liệt trong lòng, tôi thở dài bực bội, thả bút màu xuống, nhìn chăm chăm về phía ấy. Thằng bé đang bò xa khỏi vòng tay của ông tôi để tiến đến nơi cha mẹ. Cha xốc thằng bé lên và hô một tiếng lớn. Hẳn ông tôi cảm nhận được ánh mắt của tôi, ngẩng đầu. Tôi không né tránh, nhưng chẳng hiểu sao ông đã chỉ mỉm cười, lặng im, rồi xoay mặt đi.
Kể từ hôm đấy, cha mẹ dường như để tâm đến tôi hơn, hỏi han mỗi bữa tối, thức ăn được gắp đầy trên bát cơm. Một buổi chiều giữa tháng 4, chuẩn bị cho tiệc thôi nôi của thằng bé, họ nói sẽ tiện đường dắt tôi đi đâu đó chơi và hứa về khoảng thời gian dành cho tôi trong tương lai. Ông tôi bước nhanh lại phía tôi sau khi tìm ra chiếc mũ, lúc đội vào giúp tôi, ông bảo nhỏ, tay xoa nhẹ từ đỉnh mũ xuống:
"Chơi vui nhé! Cha mẹ đền bù đấy!"
Tôi nhìn nụ cười của ông, thấy nghèn nghẹn.
Họ còn phải tìm chìa khóa xe. Nhân lúc đó, tôi lặng lẽ ra khỏi nhà. Tôi không đi xa, nhưng không định về sớm. Cách nhà tôi chừng trăm mét ngược với hướng trường học là một bãi đất trống, rất rộng, xung quanh không có mấy nhà. Người ta chất những cái ông bi ở đây cũng đã gần nửa năm. Khi ấy, tôi không biết người ta rồi sẽ làm gì chúng, cảm tưởng như chúng sẽ cứ ở đó, mãi mãi. Từng nghĩ, nếu một ngày không về nhà được nữa, đó là nơi trú ẩn tốt nhất vì không thể lang thang hết đêm rồi ngày, vì thi thoảng trời cũng sẽ đổ mưa.
Tôi chui vào cái ống bi bất kỳ, nằm thiếp đi một lúc. Trời đã tối. Tôi trở người, dụi mắt, chui ra ngoài. Đối diện là một dãy bốn ống bi khác. Đèn đường hắt sáng chúng từ sau lưng. Tôi ngồi thẫn thờ hồi lâu. Khi cảm giác thôi thúc trong lòng đã đủ mạnh, tôi áp bàn tay mình vào thành ống bi trước mặt. Trong tầm mắt của chính bản thân, trông tôi cứ như giống loài gì đó, dị hợm, mới từ bóng tối vươn ra, nửa trên cẳng tay bắt sáng và phản lại một màu cam chói gắt. Bất thình lình, bên cạnh xuất hiện một bóng đen cao lớn. Tôi sực nhớ lại tiếng bước chân mình chẳng mảy may chú ý vừa rồi, vung chạy. Tôi chạy thục mạng về thẳng nhà, thở hộc hồng nhưng vẫn cố mở căng mắt, ngoái đầu. Chẳng có ai đuổi theo cả. Đến khi quay đầu lại lần nữa... Hàng xóm tụ tập trước cổng nhà tôi rất đông. Một người nhìn thấy tôi, gọi những người kế bên, đi đến...
"Bây giờ bác đưa con đến bệnh viện. Ông con đang ở đấy."
Tôi biết điều này có nghĩa là gì nên cũng gấp rút theo chân bác ấy.
"Còn em con?" Tôi bất giác hỏi, lúc trèo lên yên sau xe.
"Có cô với chị lo rồi." Bác ấy đang chỉ hai người sống cạnh nhà tôi.
"Có chuyện gì hả bác?" Tôi dè dặt.
Bác ấy gật gù, bảo tôi ngồi chắc vào. Chúng tôi đến trước một bệnh viện cách khá xa nhà khoảng hơn nửa giờ đồng hồ sau đó. Vẫn gấp gáp như vậy, tôi theo bác ấy vào. Khắp nơi đây bưng kín một thứ mùi khó chịu đặc trưng và các bề tường chẳng còn sạch sẽ nhưng lấp đầy không gian bởi một màu trắng vừa vô định vừa tù túng, khiến nó như tách biệt với thế giới. Những ngả hành lang người đứng nhiều vô kể. Những ngả hành lang mờ dần, mất hút về phía đêm tối nơi cuối dãy. Ông tôi không ở trên hành lang bệnh viện, chỗ bác ấy dẫn tôi lên, đèn trong gian phòng trước mặt đã tắt ngúm. Bác gọi một cuộc điện thoại... dắt tôi xuống lần nữa, một tầng khác...
"Sao lại dẫn nó đến đây?" Tôi nhớ như in chất giọng khản đặc của ông, cả sự tức giận, bàng hoàng, và cả nỗi thất vọng. Suốt đời tôi, thi thoảng nghe được tiếng nhòe từ mấy chiếc ti vi bị nhiễu sóng, đều có cảm giác đã nghe được cả chất giọng già cỗi khốn khổ của ông lão sắp sang tuổi 80 khi ấy lẫn trong đó.
Rồi ông nắm chặt lấy tay tôi cái hôm mùa xuân nọ. Tôi biết ông chỉ quá thương xót tôi. Tai nạn giao thông. Cha mẹ tôi không qua khỏi. Tôi tận mắt thấy xác họ, người ta trả về ngay trong đêm. Tiếng bước chân hối hả của ông, tiếng bấm số điện thoại, tiếng kẻ khác thăm hỏi và đề nghị giúp đỡ,... vẫn như ông tôi đang nắm chặt lấy tay tôi. Ông đã dắt tay tôi vượt qua tất thảy những quy trình không thể chịu nổi ấy, qua lần lượt từng nghi thức tôi không hiểu, qua lễ phát tang và tôi phát hiện mình ở trong bộ đồ trắng mỏng tanh từ lúc nào, còn chưa kịp bình tĩnh trở lại. Tôi đưa mắt nhìn quanh, nhìn về phía ông. Ông tôi không khóc. Chống đỡ một ngày một đêm, rốt cuộc tôi cũng thiu thiu đi chốc lát. Nhưng tôi nghĩ tôi thậm chí đã tự vấn trong cơn mê, về lý do vì đâu mà mọi chuyện giờ thành ra như thế. Nhưng... chiều ấy, cũng bởi họ chẳng buồn tìm tôi...
Vậy là tôi thức giấc với tâm trạng hậm hực, chợt thấy mình nằm giữa bóng tối bao trùm và nhạc cụ như đang rên rỉ bên tai. Tôi sởn gai ốc. Một nỗi sợ vô cớ dâng tràn. Tôi vội vã chồm dậy, muốn đi tìm ông. Tôi đi mãi đi mãi trong nhà. Không có ai cả. Tôi mở cửa chạy ra ngoài. Đêm tối đã xâm chiếm cảnh vật. Mặt trời tỏa xuống từng luồng ánh sáng màu cam xoay vòng, tuyệt vọng như một cái bóng đèn dây tóc. Ông tôi gọi tôi dậy, bảo tôi vào phòng mà ngủ...
Trước ngày mai táng, tôi ngồi lại bên quan tài của hai người họ, ông ngồi cạnh tôi. Đầu tôi đau như một miếng gỗ bị chẻ ra. Tôi chỉ muốn ngất đi, nhìn sang gương mặt cứng nhắc, mệt lả của ông và gắng kìm chế. Tôi có cảm giác mình là một sợi dây chun đang bị bàn tay vô hình nào vò chặt. Nhưng tiếng khóc của thằng bé đã kéo đứt tôi. Càng về mấy ngày cuối này, nó càng khóc nhiều và to mồm hơn. Những người đàn bà trong họ mà tôi chỉ mới gặp mặt đôi ba lần cũng không dỗ nó nín được. Dù xung quanh chẳng ai rơi nước mắt, thằng bé vẫn khóc.
Tôi mở miệng hỏi ông: "Tại sao người ta nhất định phải chôn họ? Sao không cứ... để ra một chỗ nào đó, lỡ như họ còn sống thì mới có một cơ hội thoát ra được?"
Đó là khoảng lặng dài nhất từng có trên thế giới này.
Ông tôi cất giọng sau một hồi thinh lặng như thế... "Vì chúng không còn sống nữa."
Tôi kinh ngạc quay sang, thấy ông ấy đã nức nở từ bao giờ. Hõm cổ kéo dẹt cái yết hầu vốn teo nhỏ, phần ngoài thanh quản như dính sát vào làn da mỏng manh sạm màu, không cách gì phát ra âm thanh. Chỉ có vai ông run bần bật...
Tôi đã đủ lớn để hiểu chết tức là thế nào. Tôi biết họ sẽ không quay về nữa. Rằng tôi sẽ không thể gặp lại họ thêm một lần nào nữa. Nhưng tương lai vẫn là những việc chưa hề xảy ra. Nên dù biết điều đó, tôi không thực sự cảm nhận được. Chỉ nắm trong tay độc mỗi cái sự thật vô cảm rằng họ đã chết, mà không biết nó đau đớn nhường nào.
Một sự giận dữ trào lên, nhấn chìm tôi. Tôi không rõ cơn giận xuất phát từ đâu và nhằm vào ai; khi nó ập đến như một cơn sóng, chính tôi đang bị bóp nghẹt.
Tôi hãy còn quá non nớt và khờ dại, với mất mát và nỗi căm phẫn này, với mọi thứ, mọi người, với cả đứa em kém mình 8 tuổi.
Rồi tôi cũng khóc, một quãng thời gian ngắn ngủi ê ẩm trong nước mắt đến mụ mị đầu óc. Những năm tháng sau... bất cứ khi nào tôi nhớ lại hôm đó, giây phút đó... đều như cả đời tôi kể từ lúc ấy trở đi chỉ là những nỗ lực không ngừng để khỏi bị lôi về giữa đám tang nọ.
Nhưng bao nhiêu giọt nước mắt ngày ấy, cũng chỉ giống như mưa rơi trên mặt. Đôi mắt vẫn phải mở sau từng cái chớp, hơi thở vẫn đầy rồi vơi trong buồng phổi, trái tim vẫn cứ co đập từng nhịp. Như thể chẳng có gì xảy ra, tôi vẫn còn sống.
Và để giữ cho chúng tôi sống, ông tôi đã chạy vạy khắp nơi, trở về nhà vào tối muộn, mang theo những cơn ho.
Em trai tôi bắt đầu đứng được, đi được, chạy được nhưng suốt một năm mãi cứ bập bẹ chẳng nên lời. Trong mắt tôi, thằng bé vẫn chỉ biết khóc. Cùng là âm thanh từ loài người, không hiểu sao tiếng khóc của thằng bé lại có thể ồn ào và gây khó chịu còn tiếng ho của ông tôi lại trấn an và khiến tôi mong chờ như thế. Sau cái chết của cha mẹ, tôi đã luôn là mối bận tâm của các giáo viên trên trường. Những giờ giải lao nói chuyện riêng với giáo viên chủ nhiệm, ánh mắt hướng đến tôi nhiều hơn bình thường trong các tiết học vô tình biến tôi thành một kẻ dị biệt. Nhưng phải cho đến khi những lần hỏi chuyện và sự ưu tiên ấy thưa dần, tôi mới chính thức trở thành kẻ dị biệt. Có một cảm giác vừa mặc cảm vừa áy náy mỗi khi tôi tiếp xúc với bạn bè trang lứa nên tôi đã từ chối tất cả, học cách đẩy người khác ra xa. Đầu tháng 7, ông tôi bắt đầu lộ vẻ bồn chồn, nóng nảy trước vài cuộc gọi đến gọi đi, lặp đi lặp lại cùng một ngữ điệu. Lúc kỳ nghỉ hè sắp kết thúc, ông bảo tôi, chẳng biết vì sao mà giọng ông nghe thật buồn bã: "Bế em đi theo ông."
"Đi đâu?"
"Đi đến chỗ này chơi một lát."
Ông dặn tôi mặc cho ấm vào, cho cả em. Ông soạn gì đó trong phòng ngủ. Tôi đứng đợi, bị lây tâm trạng của ông, lòng không chút háo hức.
Ông dẫn chúng tôi đi rất xa, mất tận hai giờ đồng hồ, đủ để tôi chẳng còn biết đường về. Ngồi lại chiếc ghế đá ven đường, kề bên một khu nhà rộng lớn có tường rào... chúng tôi đã cứ ngồi như vậy lâu thật lâu. Ông chợt lên tiếng, nói mình đi mua nước và bánh, hãy ở yên đây, ông sẽ quay trở về. Tôi dõi nhìn theo bóng lưng ông, ẩn hiện ẩn hiện giữa những ánh đèn đường, mơ hồ đến độ có cảm giác chắc chắn tôi sẽ chóng quên nó.
Đó là cách anh em tôi vào cô nhi viện.
Tôi ngồi ngay cạnh khi những người trưởng thành bàn bạc với nhau về tôi và thằng bé. Chúng tôi sẽ phải học tại một thành phố khác, chuyển đến một ngôi trường mới, sinh hoạt chung cùng đám trẻ đồng cảnh ngộ trong một trung tâm lạ lẫm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com