Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Pt.4

Thật ra tôi luôn biết người tôi muốn cầu xin chưa bao giờ là ông ấy. Cái chết đã bỏ rơi tôi, chứ không phải ông ấy... Nên là cái chết mới đúng. Bởi có cảm giác cuộc đời mình đã cạn kiệt, rằng dù cho ngày mai tiếp diễn, nó cũng sẽ không kéo dài thêm.

Tối đó, thay vì khọ khẹ, ông tôi ho rất khủng khiếp, ra cả máu. Vậy mà những tưởng ông đã chẳng còn hơi đâu mà đau đớn đến thế. Tôi đưa ông đi khám vào hơn 5 giờ sáng. Loay hoay một hồi, nhìn lại đồng hồ đã điểm 9 giờ. Tôi đẩy xe lăn ông trên hành lang, định rời khỏi bệnh viện. Nhưng ông bỗng dưng nắm chặt lấy bánh xe, khó nhọc bảo: "Đến rồi thì khám luôn đi." Tôi giả vờ nghe không ra, đồng thời cũng chẳng biết phải làm sao, vô thức bỏ đi trước. Ông với tay níu lấy vạt áo tôi, suýt ngã nhào.

Tôi thở dài vuốt mặt, đành thỏa hiệp.

Sau chung thất em trai tôi, tôi vẫn lên chùa lần nữa. Tôi tình cờ gặp lại cô gái đã chạm mắt trên đường di quan thằng bé. Cô ấy gật đầu chào, tôi cũng khom người theo. Ngồi lại chiếc ghế đá hướng ra mặt ao trong khuôn viên chùa, một cách khó hiểu, tôi thầm mong cô ấy sẽ đến.

Nửa giờ sau, cô ấy đến thật, đưa cho tôi chai nước, hỏi rằng có thể ngồi đây không. Tôi gật gù, bỗng chẳng biết làm gì tiếp theo nữa. Cô gái mở lời:

"Mọi thứ ổn chứ?"

Tôi không đáp, đang nhìn mãi những ngọn nước nhấp nhô.

"Tôi là điều dưỡng ở bệnh viện gần đây. Có một ngày nghỉ. Hôm nay tới đây."

Tôi lại gật, vẫn không nói gì. Cô ấy biết ý, giữ im lặng. Nhưng rồi tôi nghĩ, tôi đã chẳng thể khóc bằng mắt của mình, tôi nên cố khóc bằng những lời nói. Âm thanh từ cuống họng tôi lại như luồng hơi xì ra khỏi lỗ hổng trên một cái lốp xe.

"Em trai tôi mất. Chẳng hiểu sao... Tôi không cố gắng khóc, tôi đã nghĩ là tự nhiên tôi sẽ khóc được thôi. Tôi cứ chờ đợi, chẳng cảm thấy gì rõ ràng. Tôi cứ tự hỏi tại sao..."

Tôi lén liếc nhìn cô. Cô ấy xoay sang tôi, cũng thoáng đưa mắt ngoái nhìn đằng sau. Một toán người phía ấy đang hướng ra cổng, tiếng bước chân và trò chuyện xì xầm lướt ngang. Cô ấy quay về tư thế cũ, tựa vào lưng ghế. Ngón tay cái cô xoa xoa mặt bên của chai nước trên tay, như do dự, rồi cô ấy nói khẽ:

"Nước mắt cũng giống như máu, đều nằm ở bên trong. Để ai đó nhìn thấy thì hẳn phải đau đớn. Hãy hiểu cho bản thân mình. Tôi nghĩ thời gian... sẽ sớm trả nước mắt lại cho anh."

Vậy tôi tự hỏi liệu mình có đau đớn không khi nói những lời này?

"Không lâu trước, tôi cũng có đến bệnh viện, nhận tin mình chỉ còn một năm nữa, chẳng may thì chưa đến nửa năm." Có một khoảnh khắc thinh lặng sau khi tôi tiết lộ điều này, dù tôi nghĩ mình vốn nói tiếp ngay sau đó: "Trong trường hợp của tôi, nếu không thể lấy lại cuộc đời mình, tôi dường như sẽ chết như một đứa trẻ 10 tuổi chứ đừng nói đến việc sống cả phần tương lai trong khoảng thời gian còn lại ấy."

"Chuyện gì đã xảy ra?"

Tôi im lìm. Linh hồn những con giun lại đu bám, trên một bề tường đang đón lấy ánh sáng được phản chiếu từ ao. Từng ảo ảnh bị xé toang, các mảnh vụn chới với bơi trở về với nhau. Vô vàn mẩu nước vẫn ngụp lặn trên mặt ao, nơi hứng chịu từng cơn gió thổi ngang. Tôi bắt đầu sau một hồi thinh lặng như thế:

"Tôi đã quyết định sống như một cái bóng của em trai tôi. Tôi thiêu rụi toàn bộ thời gian trong tay để ít ra, hai người phải có một người được sống đường hoàng. Cuộc sống của tôi đã biến thành một tờ giấy nháp, những vết mực tôi có quá đỗi nguệch ngoạc và hỗn độn. Đó là lý do... Tôi chỉ muốn em tôi thật hạnh phúc, thay cả phần tôi."

"Nhưng sao thay vì tìm cách tiếp tục sống, anh lại tìm cách để sống cho hết phần đời còn lại?" Rồi cô như chợt tỉnh, phân trần: "Không phải tôi đang gợi ý anh điều gì nên làm, chỉ là khi bị bệnh, tôi vẫn hay thấy người ta tìm cách sống sót."

"Kể cả những bệnh nhân không còn cơ hội sống sót?" Tôi lấy lệ.

Cô ấy cười trừ. Sau một hơi thở ra rất khẽ, cô cất giọng chậm rãi:

"Nó giống như việc lấy máu của ai đó. Ban đầu tôi nghĩ mình sẽ chẳng đời nào quen được việc đó mất. Rồi cùng với thời gian, tôi quen dần. Nhưng đôi khi, kể cả là tay không run lên, tôi vẫn muốn quay về và khẳng định lần nữa rằng tôi chưa hề quen với nó. Tôi cũng đã đưa ra lời khuyên từ bỏ cho họ trong tâm trạng như vậy. Hãy sống trọn vẹn những ngày cuối cùng chứ đừng chiến đấu trong đau đớn vô ích... Nhưng thực ra tôi không chắc một điều gì cả. Và rồi sau đó là một nỗi buồn dai dẳng đeo bám lấy họ cho dù họ đã chấp nhận và nở nụ cười trở lại. Tôi cứ luôn cảm giác như vậy. Tôi đã quá mẫn cảm chăng? Dù sao, hi vọng là một thứ quá đẹp đẽ để buông bỏ. Có lẽ thật lòng thì tôi thấy thế. Có lẽ thế."

Tôi cúi đầu mình, co những ngón tay vào nhau vì một nỗi mặc cảm vừa lạ lẫm vừa thân quen đang dấy lên trong tim.

"Cho dù không toàn vẹn hay hoàn mỹ, đó vẫn là cuộc đời của anh. Anh vẫn luôn sống cuộc đời của mình."

"Tôi cầu chúc cho anh mọi điều may mắn. Thậm chí có phạm qua của tôi một chút cũng chẳng sao. Chúc anh sức khỏe. Chỉ mong anh được khỏe mạnh." Và đôi giây chần chừ... "Hãy cứ... làm mọi thứ để sống."

Tối đó, sau khi ăn cơm cùng ông và ti vi đã phát hết chương trình lên sóng vào khung giờ vàng, đưa ông đi vệ sinh rồi về phòng ngủ của ông, tôi tắm lại lần nữa. Những lời cô ấy nói, dù bảo rằng không câu nào trong số chúng thực sự chạm đến được tôi, nhưng vì một lẽ nào đó, cứ văng vẳng trong tâm trí. Tôi cúi thấp đầu, những lọn tóc ướt bết lại với nhau rơi lướt qua tai, chấm vào gò má. Từng giọt nước rũ trên thân. Gương mặt tôi bị trọng lực kéo xuống, tưởng đâu đang chảy theo làn nước. Tôi thở dài, thay đồ, bước ra. Tôi đứng bất động trước cửa phòng ông... Không biết thời gian trôi qua bao lâu, tóc cũng đã khô, cả người đã quá mỏi mệt... mới rời đi.

Những ngày sau, tôi bắt đầu tiếp nhận điều trị cho căn bệnh của mình mặc kệ bao nhiêu bất trắc bác sĩ luôn đề cập, ôm niềm tin chiến đấu với nó là minh chứng rằng tôi sống. Từ 3 tháng đến nửa năm... chế độ ăn uống của tôi và ông hoàn toàn tách biệt. Tôi trở nên cáu gắt, nhưng chẳng thể trút lên một lão già đã bất khả kháng trước mọi tình huống. Ông ấy chỉ ho, và ho, rồi than đau, và để có thể ăn hết một bữa, phải cần đến hàng giờ đồng hồ. Các hoạt động sinh hoạt khác cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Từng chuyện từng chuyện mỗi ngày đều thử thách lòng kiên nhẫn. Đặc biệt là, nỗi lo sợ và áp lực trong tôi cứ lớn thêm vì tôi biết khoản tiết kiệm của tôi không đủ để chữa cho cả hai. Tôi dần phớt lờ những cơn ho trở nặng của ông, cố lờ đi cái sự thật là không chỉ mỗi tôi bệnh tật mà quên mất rằng, người chết mới không thể thấy gì, không nghe gì, không biết gì...

Quả thật, có những khi bệnh tình tôi thuyên giảm nhưng hầu hết thời gian là quằn quại với các tác dụng phụ. Bác sĩ thở dài, môi mím chặt, ở đầu kia mặt bàn sáng chói. Mọi thứ, từ mái tóc đen, gọng kính bạc, dây đeo thẻ xanh ngắt quanh cổ anh ta, giấy tờ cùng đủ những vật dụng trên chiếc bàn phẳng và bóng loáng,... tất cả, đều mờ đi trước mắt. "Tôi không nên đuổi theo một hi vọng sẽ không bao giờ thành sự thực, chí ít, tôi nên sống mấy tháng còn lại của mình." Tôi cũng đã hiểu.

Cùng ngày hôm đó, ông tôi nhập viện. Người đưa ông đến là hàng xóm. Không cứu được nữa.

Trước bệnh viện, có một xác cây khô rất to. Các cành nhánh mọc ra từ nhau, từ một vòng lớn đến khi chỉ còn là những chấm nhọn hoắt, chĩa lên trời, trông như những bàn tay đang cầu cứu và được cứu rỗi là một hy vọng xa đến bầu trời. Cái cây ấy, chết tròn hai năm trước, trong tư thế như vậy. Tiết trời mùa này ép buộc nó trút bỏ từng chiếc lá trĩu nặng trên cành, nhưng nó lại không gánh vác nổi sự vô nghĩa của cuộc sống.

"Dù vậy, người ta không đốn bỏ nó." Tôi thầm nghĩ, bỗng nhớ đến cô điều dưỡng hôm ghé chùa.

Không phải là không. Chỉ là người ta chưa thôi thì sao?

"Họ sẽ không."

Tại sao vậy?

"Vì nó đã ở đó từ lâu rồi."

Tay chân của tôi... đều rụng xuống cả.

Tôi ở lại bệnh viện cùng ông mấy ngày cuối.

Tôi từng đối diện với cái chết nhưng, lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi chứng kiến cái chết diễn ra thế nào.

Ông ấy nằm thoi thóp trên giường. Người ta cắm vào cơ thể ông những ống dẫn truyền và kết nối đến các thiết bị. Điều dưỡng theo dõi hằng giờ, mũi kim lần lượt được tiêm vào, giữ lấy từng hơi thở và nhịp đập cho ông đến khi phải thất bại. Sớm thôi. Ông thậm chí đã chẳng còn sức ho nhiều nữa. Mỗi lần thực sự ho, bụng hóp chặt, cổ vươn dài, vai gồng cứng, có cảm giác ông sẽ nôn cả ruột của mình ra, như thân thể ông là một cái túi nhàu nát sắp bị lộn ngược mặt trong ra mặt ngoài. Xác thịt rã tan đâu hết, để khung xương sườn trồi lên nham nhở. Miệng há hốc, hai bên khoé ươn ướt. Ông khóc. Nhưng trông bất lực quá, tôi tưởng chỉ là mắt ông đang tiết nước...

Khoảng 2 ngày sau, người ta đẩy ông vào phòng chăm sóc tích cực...

Trong một khoảnh khắc, tôi bị thuyết phục rằng thứ khiến tôi đau khổ nhường này là chứng kiến bản thân chết dần chết mòn chứ không phải rằng tôi sẽ chết vào một ngày nào đó, không phải vì tôi muốn sống.

Một cái xác được đẩy ra. Tôi mang nó về. Và tôi tước đi cơ hội sau cùng của ông bằng một tang lễ để lấp nó xuống đất. Không! Giờ thì tôi phải biết rõ, vốn chẳng có cái cơ hội nào như thế, tôi đã tận mắt thấy. Tôi quỳ lạy liên tục trong đám tang, quần quật suốt mấy hôm. Tối trước ngày chôn cất, tôi lại gật đầu với toán người cuối khi họ bảo phải về sớm để mai còn đến sớm, giúp được gì sẽ giúp. Trong phòng ngủ của tôi, vài người họ hàng xa đang nằm nghỉ. Tôi ngồi cạnh hòm. Người nói rằng sẽ ngồi đây cùng tôi cũng đã vào phòng, sau khi tôi từ chối chơi bài và cuộc hội thoại đi đến ngõ cụt, vẫn dặn có gì thì cứ gọi...

Tôi nhìn đoạn đường vắng lặng giữa đêm. Bất kỳ chiếc xe nào chạy trên đấy đều có cảm giác chúng chạy nhanh hơn bình thường. Tiếng gió lung lay những tán cây cao càng thêm rõ rệt vào mùa này, một thứ tiếng hiu quạnh. Đám thiêu thân thưa bóng dần. Đèn đường không sưởi ấm được quang cảnh ấy. Tôi đưa mắt nhìn về cái quan tài trước mặt. Hòm gỗ bịt kín khí. Hoa văn màu trắng. Khi tôi vươn tay, miết các đầu ngón của mình men theo từng đường nét, những hình thù bỗng trở nên vô nghĩa...

Gia đình tôi, ban đầu có 5 người. Trên một bàn ăn, vị trí của ông luôn là cố định. Em bé thì luôn nằm trong nôi. Những chỗ ngồi khác thường có thể thay đổi.

Sau đó, cha mẹ tôi ra đi. Rồi đến em trai tôi. Rồi ông cũng thế. Cả một nhà giờ chỉ còn mỗi tôi. Trong khoảng vài tháng nữa, có lẽ tôi cũng sẽ nằm xuống... Và gia đình tôi sẽ biến mất khỏi cõi đời này.

Tại sao?

Tại sao trái tim không đập như nó vẫn đập?

Tại sao trái tim không đập như nó vẫn đập; tâm trí không hiện hữu như nó vẫn hiện hữu? Tại sao mắt không mở như nó vẫn mở mỗi buổi ban mai? Tại sao tay chân phải teo tóp lại, cứng đờ và hơi thở phải nghẹn tắc, các cơ quan rệu rã ra, máu đọng xuống dưới và cơ thể chỉ còn là một cái bình chứa dơ bẩn?

Tôi đưa tay trái lên, mân mê mảng da phía sau đầu, những ngón tay luồn sâu vào những ngọn tóc. Một cái đầu ngoài đau nhức thì chẳng làm được gì cả! Sau lưng tôi là một bờ tường. Bàn tay phải chạm dần từ chân tường đi lên, áp mạnh vào. Nó rất cứng. Và tưởng chừng có một sợi dây vừa bị cắt lìa, người tôi bật ra như thanh kẹp trên một cái bẫy chuột. Từng tiếng lộp cộp vang ra khắp đầu từ đằng sau. Trán tôi như muốn nổ tung. Tôi nhắm nghiền mắt, đầu như bị ai nhấc lên sau mỗi cú đập, cố mặc kệ mà tiếp tục đến khi da dập nát, xương sọ cũng như vỡ toang, máu dội xuống khắp gáy, rồi cổ. Đâu đó trong tai tôi nhói lên, mọi âm thanh đang được khuếch đại nhưng lại chẳng nghe ra gì, chỉ có dư âm nổ lục bục cùng với một chuỗi tiếng động tựa những nhịp co bóp. Tôi ngã ra nền, hé miệng thở. Tầm nhìn đảo lộn và mọi vật xung quanh quay cuồng. Như nửa quả chanh bị ai vắt kiệt, tôi chẳng còn chút sức lực nào. Mỗi cử động nhỏ nhất đều làm sống dậy một dòng điện kỳ lạ rút cạn mọi sinh lực khỏi cơ thể. Gắng nâng cánh tay đau tê tái, run lẩy bẩy, chìa về phía ấy... chỗ thương sau đầu buốt lên... như căn bệnh của tôi cũng đã nứt toác... Tôi gọi ông. Lại một lần nữa.

Ông.

Ông.

Ông tôi đang nằm im lìm trong quan tài. Ông không thể làm gì cả. Giống như ngày nắng hôm đó tôi quỵ xuống trước xe lăn của ông. Giống như hôm ông xoay lưng bỏ đi, bảo là hãy chờ, ông sẽ quay lại đón. Giống như tối ngày đó, ông lặng nhìn tôi đang ngồi trên chiếc ghế phòng khách, chăm chăm về phía cha mẹ và em trai. Tôi vẫn biết ông không mong muốn điều đó. Không ai mong muốn điều đó...

Tim nhói đau, tôi nuốt khan, cào những ngón tay từ yết hầu xuống ngực, hít thở đều.

Đến khi tôi tỉnh, trời vẫn chưa sáng. Chưa có ai tới. Máu đóng thành vũng nhỏ trên sàn. Tôi lảo đảo gượng dậy, nửa lo sợ nửa kiên quyết. Tôi chạy ra đường, xoay xở hồi lâu cũng bắt được một chiếc xe, nói tên bệnh viện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com