Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG I: EM VÀ... TƯ DUY THIẾT KẾ?


Chủ đề 1: Những kỳ vọng

 Sau khi mùa hè căng thẳng kết thúc với niềm vui lúc nhận được giấy báo trúng tuyển, em đã ngay lập tức tìm hiểu thật chi tiết về chương trình đào tạo Quản trị thương hiệu của SIS để có thể xây dựng một lộ trình học phù hợp với mình. Là một yêu nghệ thuật, em rất mừng khi nhìn thấy học phần "Tư duy thiết kế", mừng đến nỗi chỉ chú ý vào chữ "thiết kế" mà bỏ qua phần "tư duy". Trong sự háo hức, hàng ngàn câu hỏi xuất hiện. Em tự hỏi liệu mình có cần phải học chuyên sâu về thiết kế hay không, tò mò về việc mình sẽ được thiết kế thứ gì và có lúc còn trăn trở vì không chắc kinh nghiệm thiết kế đồ họa của mình có đủ để tạo ra những sản phẩm thật đẹp.


Chủ đề 2: Ngộ nhận - Xác nhận - Chấp nhận

 Những nhận xét của các bạn cùng phòng và việc buổi học đầu tiên của học phần này bị lùi lại một tuần do cơn bão Yagi khiến em hiếu kỳ hơn bao giờ hết. Thế rồi, sau bảy ngày chờ đợi, em cũng được gặp cô Mai và làm quen với "Tư duy thiết kế". Chưa có buổi học nào mà em thấy tỉnh táo và phấn khích như vậy. Các hoạt động "làm nóng" của giảng viên đã giúp cả lớp thoải mái hơn, trong lớp chẳng có sự căng thẳng nào. "Giảng đường đại học mà y xì cái lớp mẫu giáo!" - Dòng suy nghĩ đột nhiên xuất hiện trong đầu em và nó lặp lại sau mỗi nhiệm vụ cô Mai giao cho lớp. Vẽ lên các hình tròn, kết hợp những hình vẽ để tạo ra một phát minh, hay nghe những chia sẻ về một thế giới "VUCA" đều khiến em tự tin rằng mình sẽ dễ dàng được A+ học phần này.

 Bài tập nhóm lấy điểm giữa kỳ là đáp án cho câu hỏi: "Mọi thứ bắt đầu sai từ đâu?" Khác với những hoạt động nhóm trên lớp, em dường như không tìm thấy niềm vui khi làm bài tập này. Việc thiết kế một tour du lịch quá là mới mẻ với những "đứa trẻ" mới tròn 18 tuổi, mỗi đầu việc cần làm đều khiến em thấy áp lực và hối hận khi nhận làm trưởng nhóm. Chỉ đến lúc này, em mới nhận ra ý nghĩa của từ "tư duy" trong tên học phần và hiểu rằng để đạt kết quả tốt thì trải nghiệm là không đủ mà còn phải có tầm nhìn và sự sẵn sàng trước tất cả những đối tượng cần được "thiết kế". Không còn những dòng ghi chép vì yêu những kiến thức được truyền đạt mà chỉ còn những dòng chữ chứa đựng nỗi sợ thất bại, sợ sẽ làm liên lụy đến kết quả của cả nhóm. Chỉ đến lúc này, em mới khắc ghi việc vận dụng đầy đủ các bước trong Quy trình tư duy thiết kế.


Chủ đề 3: Sau khi bắt đầu áp dụng Quy trình tư duy thiết kế

 "Tư duy thiết kế là quy trình giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, giúp phát triển các giải pháp đáp ứng nhu cầu của người dùng. Tư duy thiết kế có cách tiếp cận lấy con người là trung tâm của sự đổi mới sáng tạo, cải tiến."

 Lật lại những câu chữ đầu tiên, em dần nhận ra vấn đề và nghiêm túc hơn trong việc áp dụng năm bước của Quy trình tư duy thiết kế: Thấu cảm, Xác định vấn đề, Lên ý tưởng, Tạo mẫu và Kiểm chứng. Thay vì so sánh và ngay lập tức chọn lấy một giải pháp mình nghĩ ra, em đã dần học được cách sống chậm lại và đầu tư hơn cho việc thấu cảm, đi từ việc lắng nghe bản thân đến hiểu được phần nào tiếng lòng của người khác. Một khi bước đầu được tuân thủ nghiêm ngặt thì tất cả những phần phía sau của quy trình đều diễn ra một cách đồng nhất, trơn tru và nhanh chóng. Những ý tưởng xuất hiện liên tục để giải quyết những vấn đề được xác định, từ đó hình thành nên nền tảng cho một ý tưởng lớn - một sáng kiến. Lúc này, việc tạo mẫu thử phù hợp không còn gây nhiều trở ngại cho em như trước kia và các phản hồi về hiệu quả của sản phẩm đã khả quan hơn rất nhiều và gần như trùng với kết quả đã dự tính.

 Những khó khăn xuất hiện trong quá trình làm bài giữa kỳ đã giúp em có cái nhìn sâu sắc hơn về học phần "Tư duy thiết kế" và việc áp dụng lý thuyết đúng cách đã giúp nhóm của em hoàn thành bài tập một cách trọn vẹn. Đặc biệt, dù không có nhiều thời gian tập thuyết trình và phản biện, cả nhóm vẫn không bị hoảng và nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết nhờ việc lặp lại Quy trình tư duy thiết kế. Trải nghiệm này cũng chính là nền móng để em có thể tự tin khi làm bài tiểu luận kết thúc học phần này!


Chủ đề 4: Những bài học cho tương lai

 Qua học phần "Tư duy thiết kế", em đã nhận ra rằng đây không chỉ là một phương pháp giải quyết vấn đề mà còn là một lối tư duy hoàn toàn mới. Thay vì tiếp cận vấn đề một cách cứng nhắc, tập trung vào tìm kiếm một giải pháp duy nhất, giờ em đã biết cách mở rộng tư duy, khám phá nhiều góc cạnh khác nhau của cùng một vấn đề và tìm ra những giải pháp sáng tạo hơn. Ngoài ra, em học được cách làm việc nhóm hiệu quả để đạt được kết quả chung tốt nhất mà không ai phải ôm đồm quá nhiều phần việc, đặc biệt là người trưởng nhóm. Dẫn dắt một tập thể đi đúng hướng không phải là chuyện dễ, nhưng chỉ cần áp dụng Quy trình tư duy thiết kế thì mọi chuyện đều trở nên có hệ thống hơn. Đặc biệt, học phần này cho em thấy được tầm quan trọng của việc đặt mình vào vị trí của đối tượng mình hướng tới để hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của họ, từ đó tìm ra được giải pháp phù hợp và mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, học phần "Tư duy thiết kế" đã dạy cho em cách ứng biến linh hoạt trước các vấn đề tại các thời điểm khác nhau để điều chỉnh quy trình "Dừng lại, Bắt đầu, Tiếp tục" của bản thân sao cho mình vừa có thể hoàn thành công việc, vừa có thể tận hưởng niềm vui của sự sáng tạo.

 Trong thời gian tới, em sẽ áp dụng kiến thức tích lũy được từ học phần "Tư duy thiết kế" vào các dự án cá nhân, bắt đầu từ việc cải tiến những sản phẩm trong quá khứ để tìm lại "hào quang" cho những dự án đang đứng trước nguy cơ bị chìm vào quên lãng. Sau khi đã kiểm chứng sự thay đổi của các dự án cũ, em sẽ dựa vào những kinh nghiệm rút ra được để đầu tư xây dựng cho các dự án tương lai để có thể tạo ra những sản phẩm tốt nhất, hữu hiệu nhất và có tính thẩm mỹ cao nhất. Hẳn sẽ có rất nhiều sự lựa chọn nhưng sản phẩm em mong chờ nhất chắc chắn sẽ là bản thân mình của bốn năm sau: một Nguyễn Lâm Hoàng Phúc đã lĩnh hội được những kiến thức của khoa học liên ngành và nghệ thuật!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com