Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương mười: E ấp, nồng nàn

Khi Hạo tỉnh giấc, nắng mới đã len lỏi qua khe cửa và những kẽ lá lợp nhà, phủ đầy mọi ngõ ngách chật hẹp, xua tan không khí ẩm ướt sau một đêm mưa. Cậu mở mắt nhưng chưa vội dậy, cả đầu óc lẫn cơ thể còn muốn níu lấy cảm giác êm ái lửng lơ như trong cơn mơ. Cách một tấm rèm, tiếng trò chuyện tưởng đâu sát bên tai mà chẳng khác nào vọng về từ một nẻo xa hút.

“Nắng vào tận nhà rồi mà xem thằng con tôi kìa. Vẫn chưa chịu dậy cơ đấy.”

“Tối qua Hạo dẫn cháu đi hội, cháu mải chơi, cứ cố nài cậu ấy ở thêm nên về muộn. Bác để cậu ấy ngủ thêm lát nữa. Cháu pha trà dọn cơm xong rồi gọi Hạo dậy là vừa bác ạ.”

Giọng nói của thầy đồ nhà bên gợi lại trong Hạo những chuyện xảy ra tối qua. Hai đứa kéo nhau đi hội, tình cờ gặp cô Thuỷ cô Đào xem bói tình duyên về, cậu chợt nhận ra mình phải lòng kẻ nọ, định bụng gom hết can đảm thổ lộ một lần nhưng lại bị người ta giành lời trước. Cậu vẫn nhớ, nhớ rành mạch từng câu nói của người nọ như bàn chân nhớ từng viên đá viên sỏi rải rác mọi nẻo đường làng. Nhưng làm sao biết được điều cậu nhớ có phải sự thật hay không? Nhỡ đâu đó chỉ là một giấc mộng sinh ra để thoả mãn ảo tưởng của cậu, nhỡ đâu người ta chỉ hứng lên nói thế thôi rồi lại phủi tay chối biến? Ý nghĩ ấy khiến cậu đâm ra hốt hoảng. Không thể tiếp tục nằm gan mà đoán già đoán non nữa, cậu tung màn ngồi dậy, toan đuổi theo bóng dáng người đàn ông để hỏi cho ra nhẽ.

Rèm bị kéo mạnh ra. Tiếng niệm kinh của bà cụ ngừng bặt, đôi tay dâng đĩa hoa lên bàn thờ của thầy đồ cũng khựng lại giữa chừng. Bốn ánh nhìn đổ dồn về cậu trai vừa tỉnh giấc. Bà Thi là người cất tiếng đầu tiên: “Mới sáng ra, đi đâu mà phải vội thế?”

Hạo tỏ ra lúng túng trước câu hỏi của mẹ. Cậu đưa mắt nhìn thầy đồ đang dâng đĩa hoa, thay bát nước trên bàn thờ, lấy y làm cớ: “Con ngủ mơ, tưởng mình lỡ hẹn, quên dẫn thầy đi xem hát.”

Nghe cậu nhắc đến mình, Thanh bật cười, đáp luôn: “Hoá ra cậu thích hội vậy đấy, thích đến mức trong mơ vẫn nhớ. Tối nay còn hội, nếu cậu muốn thì cơm cháo xong ta đi.”

Tiếng cậu xa cách lẫn trong giọng cười gần gũi khiến Hạo buột miệng: “Tối qua chúng ta...”

Thanh tiếp lời: “Tối qua cậu dẫn tôi đi rồi. Cậu không nhớ à? Chuyện tối qua...” Y nhìn cậu chăm chú, dáng điệu trùng khớp với gã trai trẻ níu tay cậu mà thổ lộ trong đêm hội tàn: “Không phải mơ đâu.”

Một ánh nhìn say mê tha thiết hơn cả ngàn câu hứa hẹn. Hạo nhoẻn cười, bao buồn phiền tan biến, ngực trẻ lại phơi phới tin yêu.

Ngày mới của Hạo bắt đầu từ bữa cơm nhà. Ba đôi đũa, ba cái bát và mấy món đơn giản, bên mâm có ba người ngồi quanh nói cười không ngớt. Kể từ khi Cúc về nhà chồng, đã lâu lắm rồi nhà cậu mới có bữa cơm đầm ấm yên vui, bà Thi cũng không ăn trước để kịp thuốc thang mà ngồi cùng đôi trẻ. Thấy không khí giữa con mình và thầy đồ nhà bên lúc này hoà hợp, chẳng còn gượng gạo, tôi tránh thầy thầy đuổi theo như mấy ngày trước, bà Thi à một tiếng trong lòng, ngoài miệng tủm tỉm hỏi một câu: “Tối nay hai đứa có đi hội nữa không?”

Hạo dừng đũa, quay sang chỗ Thanh thì thấy y cũng đang nhìn mình, bèn nhoẻn cười đáp ngay: “Có ạ. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, làng thì chẳng mấy khi có hội, con muốn nhân dịp này dẫn thầy đi cho thoả.” Vả lại, mùa xuân của cậu chỉ mới bắt đầu từ đêm qua, khi hai đứa chịu gỡ rối tơ lòng để trao nhau những lời yêu chân thành nhất.

Và rồi tối ấy, cùng một buổi hẹn, vẫn hội làng bên, chỉ có tâm tình đôi trẻ là đã đổi khác.

Với cậu trai trẻ và thầy đồ kì lạ, buổi hẹn lần này không chỉ là để thoả cái thú ham vui, mà còn là cơ hội thực hiện những điều đương dang dở. Tối qua vì bao cảm xúc vẩn vơ, Hạo đã bỏ qua món bánh đa ướt khoái khẩu và Thanh cũng lỡ mất đống tò he đủ sắc màu. Giờ thì chẳng cần trì hoãn sự sung sướng ấy nữa. Hạo dắt Thanh đến hàng bánh đa ướt của bà cụ bịt đầu bằng khăn vuông đã bạc phếch theo năm tháng. Hai đứa ngồi trên ghế dài, thản nhiên thưởng thức món bánh đa ướt ăn kèm với những miếng đậu vàng xuộm giữa đám đàn bà con gái, mặc kệ ai đi qua có lườm nguýt tỏ ý chê trách chẳng ra thể thống gì.

“Bánh đa ướt ở chỗ tôi không ăn kèm đậu rán mà là với giò lụa. Cùng một thứ bánh, sao người ta nghĩ ra nhiều cách ăn thế nhỉ?” Thanh lầm bầm đôi câu bằng giọng điệu ngây thơ như con trẻ: “Lát nữa tôi dẫn em đi xem tò he. Hôm qua tôi thấy có hàng tò he người ta nặn khéo lắm, có khi còn khéo hơn cả thợ nơi kẻ chợ.”

Tò he ở làng quê có cầu kì tinh tảo hơn đất kẻ chợ hay không, Hạo đâu có dịp nhìn cả hai mà so sánh. Cậu chỉ biết Thanh nói khéo là khéo, dẫu chưa đến mức nức tiếng thiên hạ nhưng cũng chẳng phải hạng tầm thường. Và rồi cũng vì lây nhiễm sự háo hức của người nọ, cậu để yên cho y nắm lấy tay mình rẽ ngang đám đông, hướng về một góc rời xa náo nhiệt ồn ào, cuối cùng dừng bước trước gánh tò he của bác trai đến từ xứ khác. So với những hàng quà nghi ngút hơi nóng thơm mùi mỡ hành, gánh tò he của bác trai chẳng thể nào hấp dẫn bằng, đó là lẽ đương nhiên. Ở làng quê nghèo này, dẫu tò he làm bằng bột tẻ trộn nếp có thể ăn được, người ta vẫn chỉ coi đấy là thứ đồ chơi dỗ trẻ con. Và… Hạo đưa mắt ngắm trộm thầy đồ nhà mình, thầm nhủ trong lòng rằng hai ta đều là những đứa trẻ lớn xác.

Đôi trẻ lại gần gánh hàng chẳng có lấy một bóng khách. Thanh là người mở lời đầu tiên, vòng vo dò la quê quán của bác trai rồi mới đến chuyện mua bán. Thấy dáng vẻ y rành rành là người học chữ thánh hiền, bác trai bèn hỏi với giọng tôn kính: “Thầy muốn loại nào? Bột tôi đã sẵn, chỉ thoáng cái là xong, thầy không phải đợi lâu đâu.”

Chẳng hề nghĩ ngợi, Thanh trả lời luôn như thể đã thủ đáp án từ trước: “Cháu muốn nhờ bác nặn một đĩa gà luộc.”

Câu nói của Thanh làm Hạo ngơ ngác, bác trai cũng không tin được điều mà tai mình nghe thấy, đành hỏi lại: “Thầy có nhầm lẫn gì không? Ý thầy là con gà còn sống nguyên hay con gà luộc cả thảy?”

“Cháu muốn một đĩa gà luộc đã chặt thành miếng.” Chưa dừng lại ở đó, y còn nói thêm: “Gà luộc không thể thiếu lá chanh. Cháu trông những con giống mẫu của bác khéo lắm, hẳn là yêu cầu của cháu không làm khó bác đâu.”

Nói tin tưởng mà nghe như khích tướng, bác trai bán tò he bật cười, bảo: “Gà cúng nguyên con tôi làm đã nhiều, nhưng cả đĩa chặt thành miếng thì tôi chưa thử lần nào. Thầy là người đầu tiên đưa ra yêu cầu ấy cho tôi.” Bác gật đầu thay lời đồng ý, rồi lại quay sang cậu trai ngó ngang ngó dọc nãy giờ mà hỏi: “Còn thầy, thầy có muốn mua gì không?”

Chưa bao giờ được người khác gọi bằng một tiếng thầy, Hạo ngẩn ngơ trong thoáng chốc. Cậu thích tò he nhưng không đến mức cuồng nhiệt như thầy đồ đứng bên, nghĩ một lúc cũng không nghĩ ra mình muốn con giống nào đặc biệt, bèn cúi đầu lựa chọn giữa những mẫu còn sót lại. Tiên nữ bưng đĩa đào, em bé trên lưng trâu, trầu cánh phượng, chép hoá rồng… Ánh mắt cậu lướt qua những mẫu tinh xảo, dừng lại trước một đoá sen xanh thoạt trông chẳng có gì nổi bật. 

Sắc xanh thư thái thong dong chiếm trọn tầm nhìn, Hạo quả quyết: “Cháu chọn cái này.”

Bác trai ậm ừ tỏ ý đã biết rồi tập trung nặn đĩa gà luộc theo yêu cầu của vị khách còn lại. Tay bác thoăn thoắt, bột dẻo khi véo khi vo, chiếc lược cũ tỉ mẩn tỉa tót từng chút một. Hạo chăm chú dõi theo đến khi đĩa gà trên thanh tre thành hình rồi mới nhớ tới người thương ở bên cạnh. Là một đứa trẻ lớn xác ham thích tò he lại được dịp gặp ông thợ lành nghề, hẳn là Thanh lúc này cũng đang nhìn ngắm say sưa không kém gì cậu. Hạo đoán vậy, nhưng khi quay qua lại chỉ thấy duy nhất bóng hình mình trong đôi mắt long lanh.

Cảnh này sao mà quen đến lạ. Cậu trai trẻ nhớ tới chuyện tối qua, lại càng thêm lúng túng: “Thầy nhìn em làm gì?”

Người được hỏi chẳng hề ngại ngùng, môi vẫn cứ tủm tỉm, đáp như trêu: “Thì thích chứ sao.”

Sắc hồng phơn phớt trên má cậu trai trẻ đậm hơn, lại thêm một câu hỏi vô tri không kém: “Nãy giờ thầy cứ tủm tỉm hoài. Tại sao thế?”

Ánh mắt thầy đồ rơi xuống đoá sen xanh mà người yêu cầm trên tay, môi càng cong thấy rõ: “Có lẽ là vì nó chăng?”

Tò he cậu chọn có gì đặc biệt khiến Thanh vui đến vậy? Hạo định bụng hỏi thêm nhưng bác trai nọ đã hoàn thành đĩa gà mà Thanh yêu cầu. Bác đưa cho y, đợi y ngắm nghía một hồi rồi gặng xem còn chỗ nào y chưa vừa ý không. Thấy khách lắc đầu, bấy giờ bác mới chịu nhận tiền.

“Hai thầy mua cho con trẻ trong nhà hay là…” Trước khi khách về, bác còn hỏi một câu.

Thanh đáp ngay: “Trong nhà không có trẻ con, bọn cháu tự mua cho mình.”

Bác trai gật gù tỏ vẻ vui mừng lắm: “Vậy à? Tôi cứ tưởng trò này chỉ có trẻ con chơi, mà gần đây trẻ con cũng không thiết tha bằng đồ ăn khiến gánh hàng ế ẩm dần. Nay nhìn các thầy, tôi mới yên tâm rằng nghề này chưa chết ngay được. Vẫn còn nhiều người có cái thú chơi ấy.”

Hạo đón lấy mấy xu lẻ còn thừa bác trai trả lại, tay nhẹ tênh mà lòng nặng trĩu. Vốn chẳng quá ham thích tò he nhưng bản tính đa sầu đa cảm, một lời than thở vu vơ của người lạ cũng khiến cậu trai trẻ để bụng mãi không thôi. Đến khi hai đứa về tới cổng nhà đồ Thanh rồi, tâm trí cậu vẫn kẹt ở chuyện ban nãy: “Thầy nghĩ trăm năm sau, liệu người ta còn biết đến cái thú chơi này không, hay tò he sẽ biến mất như chưa bao giờ tồn tại?”

“Khó nói lắm. Thú vui ấy sau này mai một hay vẫn trường tồn, đó không phải là chuyện mà chúng ta quyết định được.” Cũng như Hạo đã quen một đồ Thanh hay bất chợt hỏi những câu ngây ngô hệt con trẻ, y không hề lúng túng khi nghe người yêu bàn về vấn đề thời cuộc xa ngoài tầm với. Y còn nắm lấy tay cậu, chạm vào đoá sen xanh cậu nâng niu mà thủ thỉ: “Nhưng tôi tin rằng chỉ cần là một nét đẹp văn hoá có giá trị thì trăm năm sau, ngàn năm sau vẫn sẽ có người nhớ đến.”

Sóng dập dờn trong ao thu hiền hoà, môi khẽ cong thành nụ hoa mới chớm. Lời an ủi của Thanh làm vơi đi phần nào cảm giác trĩu nặng bủa vây Hạo nãy giờ. Cậu không tiếp tục bám víu theo những điều xa ngoài tầm với mà mình không thể quyết định nữa, đổi giọng trêu đùa: “Mình vẫn còn ở ngoài đường đấy, thầy nắm tay em thế này, nhỡ ai trông thấy thì còn ra thể thống gì?”

Bấy giờ trời đã về khuya, nhà hai đứa lại nằm gần bãi tha ma cuối làng, chỉ có người chết còn lang thang chứ người sống đâu dại bén mảng tới nơi này. Thanh biết thừa nhưng vẫn hùa theo cậu trai trẻ, giả vờ ngó ngàng xung quanh rồi đùa trêu: “Đâu nào, có ai cơ?”

Hạo bật cười, tiếng cười trong và vang hơn. Cậu chìa tay khoe tò he hình hoa sen mình chọn, hỏi tiếp câu chuyện còn dang dở: “Ban nãy em lấy mẫu này, sao trông thầy vui đến thế? Thầy thích hoa sen xanh hả?”

“Không hẳn là thích, nhưng với tôi, sen xanh rất đặc biệt.” Sương phủ vai áo, làm lạnh cánh tay đôi trẻ, nhưng da thịt nơi họ chạm nhau thì ấm nóng lạ thường: “Nên khi thấy em vô tình chọn đoá sen xanh ấy, tôi vui lắm. Như thể giữa hai ta luôn có sự gắn kết, dẫu mơ hồ đến mức chưa nhận ra ngay.”

Một chiếc lá rơi cũng đủ khuấy động cả cõi lòng. Hạo tự hỏi có phải khi yêu ai cũng thế không. Một thoáng chạm môi, một cái nắm tay rất khẽ, một lời nói vu vơ không đầu không đuôi của người kia cũng khiến ngực cậu nổi trống. Là cậu chưa sẵn sàng để bước vào mối tình chóng vánh mà ngỡ trăm năm nên còn e ấp ngại ngần, hay do nửa kia đã trút bỏ cái vỏ lạnh nhạt dửng dưng để trao đi những gì mãnh liệt nhất, nồng nàn nhất? Cậu chỉ biết hơi ấm nơi da thịt họ chạm nhau khiến cậu muốn rụt về như phải bỏng, nhưng đổi lại là những ngón tay càng đan cài chặt hơn.

“Chúng ta đã nắm tay nhiều lần rồi, có gì mà em phải ngại?”

“Trước khác, giờ khác. Thầy xem cách hai đứa mình nắm tay đi, đâu ai dám bảo là chúng ta không có gì.”

“Thì nay chúng ta đã yêu, yêu rồi, đương nhiên phải khác trước chứ. Không chỉ nắm tay, tôi còn muốn chúng mình đi xa hơn nữa.”

Hạo cảm thấy may mắn rằng lúc này trời đã khuya, màn đêm giúp cậu che đi đôi má nóng bừng, dẫu cuối cùng vẫn hoá trần trụi trong ánh nhìn chăm chú của ai kia. Giằng ra chẳng được, dứt ra cũng không, cậu đành vịn vào thời gian làm cái cớ: “Khuya rồi, mình về ngủ thôi.”

Bấy giờ Thanh mới chịu buông lỏng đôi tay đang nắm, còn nhắc nhở bằng giọng dịu dàng như tẩm mật: “Ừ, em về ngủ đi. Mai đừng dậy sớm quá.”

Chỉ là chào nhau sau cuộc hò hẹn ban tối mà cứ như từ giờ đôi ngả cách xa, bịn rịn và quyến luyến thôi rồi. Mãi khi về đến cổng nhà, ngó lại còn thấy mắt người đau đáu dõi theo. Hạo đặt tay lên ngực mình. Có lẽ đêm nay vẫn sẽ là một đêm thao thức, vì yêu.

***

“Tôi muốn chúng mình đi xa hơn.”

Chẳng phải những lời mật ngọt chót lưỡi đầu môi, đâu giống đôi câu vui đùa nói ra rồi để xó, Thanh chỉ bộc bạch tâm tư theo đúng tính tình của y, trần trụi và nồng nàn. Từ khi hai đứa tỏ rõ lòng nhau, Hạo thấy làn sương mờ ảo phủ kín người tình trong lần đầu gặp gỡ đã bay biến đâu mất, thấy khoảng cách giữa đôi mình đã kéo gần lại như những bao kẻ bình thường vẫn yêu nhau. Vỏ bọc thần tiên không còn, dáng điệu đạo mạo thành mây khói, trong mắt chỉ in duy nhất một bóng hình ai. Trừ những lúc có mặt người ngoài, chẳng bao giờ Thanh chịu xa cậu dẫu chỉ một khắc. Khi thì tay đan tay, ống quần chạm ống quần, da thịt không cận kề thì ánh nhìn quấn lấy nhau hệt tơ vương. Những cái đụng chạm khiến cậu trai lần đầu phải lòng người ta cứ đứng ngồi không yên, còn kẻ đầu sỏ thì vẫn một vẻ hồn nhiên chẳng hề hay biết.

Có lần hai người gần gũi bên đèn nến mờ tỏ nhà thầy đồ, tay y lần tìm tay cậu, từng ngón vừa đan vào lại rời ra, luồn vào từng ngõ ngách, mân mê đến khi da thịt cậu nóng bừng. Ngực mình nổi trống mà người tình vẫn điềm tĩnh chẳng khác ngày thường, cậu đâm ra thẹn, buột miệng rằng: “Thầy nói đi, trước đây thầy đã va phải bao nhiêu bụi hoa để bây giờ sành sỏi thế này? Em không theo kịp, cũng chẳng bình tĩnh được như thầy đâu.”

Thanh nhìn thẳng vào mắt người yêu dưới ánh nến, vẫn vẻ mặt hồn nhiên đến lạ: “Đâu ra chứ. Đúng là mấy chuyện hoa nguyệt tôi thấy đã nhiều, nhưng đó là của người ta, còn tôi, một phiến lá tôi còn chẳng vương nữa là.” Y lại đan tay mình vào tay cậu, thủ thỉ: “Sống lâu như thế, đây là lần đầu tiên tôi phải lòng một người. Trái tim tôi chỉ đập rộn ràng, vì đó là em.”

Ngọt ngào đến khó tin nhưng cũng chân thành một cách khờ khạo. Hạo chẳng chớp mắt, hé môi khẽ hỏi: “Thật ư?”

“Thật.” Thanh đặt tay cậu lên ngực mình. Những nhịp đập rộn ràng tỏ rõ chủ nhân của nó đang hạnh phúc ra sao, khác hẳn dáng vẻ lúc nào cũng thờ ơ bên ngoài: “Tôi chẳng phải kẻ sành sỏi. Tôi cũng như em, lần đầu yêu không biết phải làm thế nào mới đúng. Hai ta đều là những tay mơ, không ai dẫn dắt được ai, chỉ có cầm tay mà lần tìm cùng nhau thôi.”

“Tôi tự thấy mình không phải kiểu người bạo gan, chỉ là tôi luôn lắng nghe tim mình, làm theo điều mình muốn. Ví như, tôi muốn chúng mình tiến xa hơn.” Ngập ngừng một hồi, y lại thử ướm xem cậu trai trước mặt có thuận hay không: “Nhưng yêu không phải chuyện riêng của một người. Có lẽ tôi nên hỏi ý em nhiều hơn nữa.”

Bàn tay đang nắm lấy Hạo dọc theo vai áo di chuyển lên trên, dừng một khoảng trước phần da thịt để hở. Y ướm: “Tôi muốn chạm vào má em, tai em, tóc em. Có được không?”

Sắc đỏ bừng lên trên làn da trắng bóc. Hạo khe khẽ đáp lại, giọng lí nhí như muỗi kêu: “Vâng.”

Được sự đồng ý của người tình, Thanh mới tiến thêm bước nữa. Tay y lướt đến đâu là da thịt cậu trai nhuộm hồng tới đó. Đôi má mịn màng như lòng trắng trứng gà, vành tai nhỏ nhắn xinh xinh, những sợi tóc mềm lùa vào kẽ tay chẳng khác nào chạm vào lụa là gấm vóc. Y chăm chú nhìn cậu, thầm ghi tạc đường nét khiến mình đắm say vào lòng, lại hỏi thêm một câu: “Tôi muốn hôn lên trán em. Có được không?”

Lần này người được hỏi không giật nảy nữa, giọng cũng khác ban nãy, rành mạch và quả quyết hơn: “Được chứ.”

Rồi Hạo chủ động sà vào lòng Thanh, cúi đầu để người tình chạm môi lên trán mình. Những ngón tay của Thanh vẫn đan vào tóc cậu, cái hôn đậu nhẹ như cánh chuồn lướt qua vẫn đủ làm mặt hồ gợn sóng. Cậu ngước nhìn, ánh mắt họ gặp nhau, lửa càng bùng lên, dữ dội.

“Tôi muốn hôn em.” Tay y chạm vào làn môi mềm, thì thầm như dẫn lối: “Ở đây.” Và vẫn câu ướm hỏi quen thuộc: “Được không em?”

“Mình đã hôn ở đây rồi mà, thầy còn hỏi chi nữa?” Hạo trả lời bông đùa. Thì cái đêm giao thừa khi cả hai đều ngà ngà say ấy, môi họ đã chạm nhau, dẫu chỉ là một thoáng vô tình. 

“Khác chứ. Lần đó khác, lần này khác.” Thanh vẫn kiên nhẫn gặng hỏi: “Được không em?”

“Em còn nói được gì nữa đây?” Hạo đặt tay lên ngực Thanh, chẳng thèm giấu giếm thêm nữa: “Đâu chỉ mình thầy, em cũng muốn.”

Đôi môi đang nghỉ ngơi ở trán Hạo nhẹ nhàng trượt xuống, chậm rãi, tỉ mẩn vẽ theo đường cong của cái mũi dọc dừa, âu yếm mạnh hơn khi lướt đến chóp mũi. Lòng vòng chào hỏi đủ rồi, Thanh mới đặt môi mình lên môi người yêu. Chẳng vội gõ cửa đòi vào, y vẫn nhẩn nha thưởng thức từng chút một sắc hương ngoài ngõ. Môi cọ xát nhau, răng khẽ nhay cắn rồi lại bù đắp bằng đầu lưỡi ướt át ngọt lịm. Lần này Thanh không ngỏ ý muốn tiến thêm bước nữa, vì Hạo mới là người kìm lòng chẳng đặng mà đưa lời mời mọc.

“Cửa em để ngỏ, sao thầy còn đứng mãi ngoài đấy?”

“Vì tôi muốn em nói ra. Tôi muốn chắc chắn rằng cả hai đứa mình đều khát khao chung một điều.”

“Vậy thì… cửa em mở rồi, thầy vào đi. Em muốn cái hôn này sâu hơn, muốn chúng mình gần gũi thêm nữa. Được không hả thầy?”

Mấy tiếng cuối cùng lọt thỏm giữa lúc môi lưỡi quấn riết vào nhau, vẫn là câu trả lời người yêu cậu hay nói: “Rất sẵn lòng.”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com