Chương 03. Yên vương
Từ Diễm ngồi xe ngựa tiến vào cổng cung, vuốt lại tay áo rồi khoan thai vịn A Nô để bước xuống. Thái Bộc tự Thiếu khanh* Trình Lập Vũ sáng nay cáo bệnh cũng vừa tới, chào hỏi rồi cùng đi với hắn đến nơi tổ chức yến tiệc. Trong sân điện, cờ lọng nhiều màu hòa cùng đèn đuốc rực rỡ, nhã nhạc thanh bình khiến lòng người vui thích.
* Thiếu khanh là chức phó quan của Tự khanh. (Nếu quan Tự khanh là Trưởng phòng thì quan Thiếu khanh là Phó Trưởng phòng.)
Trước khi tách ra, Trình Lập Vũ nói với Từ Diễm: "Thái bộc mới về nên chưa biết, từ hai hôm trước có chuyến xe của Yên vương đã tiến vào Hoàng thành. Trong xe chứa đầy vật phẩm quý hiếm đến từ Đông Chiêu. Ti chức đã chuyển giao cho Lễ bộ dỡ hàng, còn ngựa xe thì mang đi bảo quản. Nghe đâu là toàn bộ số hàng hóa đó đều là quà của Yên vương điện hạ tặng cho Đông cung."
Từ Diễm gật đầu ra bề đã biết rồi ai nấy về chỗ mình mà ngồi. Họ chẳng phải chờ đợi lâu, một lát sau có tiếng hoạn quan giục bá quan sửa sang bản thân, hành lễ nghênh đón Dụ Đế cùng Tuyên phi, dưỡng mẫu* của Yên vương, nhập tiệc. Theo sau hai vị ấy là Thái tử Dung và Yên vương cùng nhau tiến vào.
* Người mẹ nuôi dưỡng Yên vương, không phải sanh mẫu: người mẹ sinh ra Yên vương.
Dụ Đế ban bình thân, trong ngữ khí không giấu nét vui mừng. Lưu Dung mặc áo bào ngự bên phải Dụ Đế; Lưu Trang khoác giáp sắt ngồi bên trái, gần chỗ Tuyên phi. Tuyên phi Đổng thị theo hầu Dụ Đế từ hồi còn ở Biện vương phủ, dù đã ngoài ngũ tuần, song bà chẳng những không có vẻ già nua mà càng thêm thắm.
Đợi quần thần ổn định, Thái tử Dung khoan thai rót rượu, nâng chén kính Yên vương: "Hoàng huynh nhiều năm bảo vệ biên cương, công lao vô số, thực là chuyện đáng cho thiên hạ mừng vui. Nay hoàng huynh khải hoàn đoàn tụ cùng với phụ hoàng và Tuyên phi nương nương càng là điều mà đệ và bá quan văn võ lấy làm hoan hỉ khôn xiết." Y hướng về Dụ Đế và Tuyên phi rồi tươi cười nói tiếp với Lưu Trang, "Đệ quanh năm ở đế kinh, không hiểu chuyện binh tướng, chỉ biết chúc hoàng huynh giữ mãi tấm lòng son vì thiên hạ muôn dân!"
Dứt lời, Đông cung liền uống cạn chén rượu nồng. Yên vương đứng lên đáp lễ, phong tư sảng khoái hơn Thái tử mấy phần, dõng dạc đáp: "Thái tử điện hạ cần chính yêu dân, là bậc chính nhân quân tử đích thực! Nước Tấn ta có được một Thái tử như vậy là chuyện quý không thể cầu!"
Dụ Đế rất hài lòng trước cảnh huynh hữu đệ cung* này, bảo hai người con an tọa rồi vỗ tay cho cung nhân lũ lượt dâng quỳnh tương mỹ thực lên, chính thức khai tiệc. Nhã nhạc hòa tấu, ca vũ thanh bình.
* Anh em hòa thuận, tôn kính lẫn nhau.
Nghe mùi thức ăn, Từ Diễm mới nhớ ra ngoài chút điểm tâm sáng thì từ trưa đến giờ mình chưa có gì bỏ bụng: chẳng trách cả ngày hôm nay hắn cứ tã tời như giấy rách. Nghĩ vậy, Từ Diễm liền động đũa ăn bù vào. Ở lễ tiệc, người ta hiếm khi ăn nhiều, thực chất chỉ là để ngụy tạo vẻ thanh cao, làm ra cho người khác thấy bản thân không ham của hiếm lạ. Từ Diễm lại chẳng bận tâm lắm, kẻ từng chịu đói thì mới biết mỗi một hạt gạo đều đáng quý đến dường nào.
"Từ Thái bộc chưa dùng cơm chiều à? Sao lại quét sạch mấy đĩa trước mặt nhanh như vậy?" Có tiếng cười giễu vang lên bên cạnh. Vị quan viên cùng cấp ấy nâng chén rượu mừng, mỉa mai nhìn Từ Diễm gắp gần hết các món ăn.
Từ Diễm không lấy làm bối rối, thành khẩn trả lời: "Quả thật ngày hôm nay bận rộn quá nên tôi chẳng có thời gian để mà dùng chút đồ lót dạ. Vì vậy, vừa nhìn thấy sơn trân hải vị bệ hạ ban xuống thì tôi đã cảm kích đến suýt rơi lệ, đâu dám cô phụ lòng vua."
Vị quan viên kia cứng họng không thể đáp lại, đành ho húng hắng quay đi.
Bụng đói dễ say, Từ Diễm ngừng đũa rồi mới dùng rượu mừng. Rượu này cũng là do Yên vương dâng về, chất nước như ngọc, hương thơm thanh tao, nhưng vị lại nồng nàn khó cưỡng. Từ Diễm uống nửa bình mà người đã nóng bừng, đành gác cả chén lại, ngồi ngắm ca vũ.
Đợi khi thế tiệc dần tàn, Từ Diễm đã uống hơn hai bình rượu quý, lúc này mới lặng lẽ lui ra hậu hoa viên để tản bộ hóng gió cho tỉnh. Tửu lượng của hắn không tệ, song hai hôm nay lại mệt mỏi quá đỗi nên tinh thần cũng không đủ cứng cáp. Đi dạo một hồi thì hắn quyết định nấp vào một chỗ bụi rậm khuất bóng, ngồi xổm xuống mà thầm than: Ôi, muốn về nhà quá... Ông trời ơi, ông cho ta về nhà ngủ đi...
Từ Diễm thấy lạnh, ngồi co ro một lúc mà suýt thì ngủ mất, bỗng nghe một giọng nói ngạc nhiên, "Sao Thái bộc lại ngồi ở đây?"
Hắn ngẩng đầu lên, trông thấy đằng sau Hoa Du Khiêm là Yên vương Lưu Trang không biết rời khỏi yến tiệc khi nào thì lập tức vội vã đứng dậy hành lễ: "Thần bái kiến Yên vương điện hạ!"
"Bình thân." Lưu Trang nói, dường như có chút buồn cười khi nhìn thấy một vị Thái Bộc Tự khanh lại nấp ở đây nằm ngủ, mới bảo: "Nếu ngươi thấy mệt thì có thể xin canh giải rượu hoặc vào trong phòng nghỉ mà nằm, cớ gì phải và vật ở hoa viên như vậy?"
Từ Diễm khéo léo thưa: "Rượu vào dễ làm lòng người trỗi dậy tâm tư xao động nên thần chỉ muốn tìm một nơi vắng vẻ để được yên tĩnh một lúc, ai ngờ lại suýt ngủ mất. Đã làm điện hạ chê cười."
Hoa Du Khiêm cũng cười dài, chắp tay thưa với Yên vương: "Từ Thái bộc là bạn hữu lâu năm với thần, hồi xưa hai chúng thần vào cung cùng một ngày. Anh ta dễ xúc động, là người trọng tình trọng nghĩa, thần đem lòng quý mến."
Lưu Trang lại nhìn Từ Diễm, nghiền ngẫm mỉm cười: "Quan Thượng thư là người chí công vô tư mà còn nhận xét như thế thì bổn vương tin rằng Từ Thái bộc đúng thật có tư cách đáng quý."
"Thần không dám nhận." Từ Diễm cúi người: "Yên vương điện hạ gan vàng dạ sắt*, không ngại gian nan vì lê dân khắp chốn Đại Tấn mà liên tiếp đánh lùi giặc Chiêu, so với người thì thần chỉ đáng là hạt cát."
* Ý chỉ người có tinh thần và ý chí vững vàng, không dao động trước mọi khó khăn, thử thách.
Lưu Trang chủ động bước lên đỡ hắn đứng thẳng dậy, bình thản đáp: "Người ta không phải cát, dù mạng có mỏng đến dường nào thì cũng đều có sức nặng."
Nói rồi Yên vương cùng với Hoa Du Khiêm rời khỏi đó. Từ Diễm nhìn theo bóng lưng ngay thẳng của hoàng thân, trong lòng sinh ra vài phần nể phục, lặng lẽ vái một cái đáp lại Lưu Trang.
Khi hắn trở lại sân điện thì Dụ Đế và Tuyên phi đã rời khỏi yến tiệc. Thái tử Dung trở thành người chủ trì tại đây. Y ngự trên thềm cao hơn mấy bậc so với bá quan, không còn anh em cha mẹ quây quần bên cạnh nên đâm ra có vẻ tịch liêu. Song, nét mặt Lưu Dung rất bình thản, trên môi dường như còn vương ý cười. Y ở nơi gió lớn nhìn xuống quần thần, tự rót tự uống, tự khiển tự vui, chẳng cần ai sóng vai bên cạnh.
Từ Diễm chỉ dám nhìn y một chút rồi dời mắt, nhấm nháp chén rượu cho đến khi tiệc tàn.
.
Qua yến tiệc tẩy trần của Yên vương là đến sinh thần của Thái tử. Vì lệnh cấm của Dụ Đế mà những ngày trước lễ tiệc, nơi ở của Đông cung cực kỳ yên tĩnh. Ngoài lúc lên triều và hầu tại Ngự Thư phòng thì Lưu Dung chỉ dành thời gian để luyện chữ.
Trong cung phòng sang quý tao nhã, y mặc thường phục màu nhạt, tóc vấn gọn gàng, hơi cúi mình trước thư án chấm đầu bút vào nước mực thơm, viết từng nét chữ đậm nhạt.
Năm xưa Thái Tổ* dạy: bút lực vững, lòng cũng tự nhiên vững. Vì thế, quan văn xem trọng thư pháp, thường thường nhìn chữ mà xét ra nết người. Lưu Dung viết hết trang giấy này rồi chuyển sang trang giấy khác, cung nữ ở bên cạnh cẩn thận trải giấy cho mực khô rồi xếp thành một xấp.
* Vị hoàng đế khai sinh ra một triều.
"Bẩm điện hạ." Hoạn quan hết sức nhẹ bước tiến đến ngoài rèm dâng lên một cái khay gỗ: "Chung công công ở Ngự Thư phòng chuyển đến cho người."
Lưu Dung ngừng bút, gác vào giá rồi khoan thai đi đến vén rèm nhìn xuống khay gỗ. Trên đó chỉ có một tấm thiếp sớ màu đỏ. Y cầm tấm thiếp lên, lật trái lật phải rồi không vui không giận ban lệnh: "Lui xuống hết đi."
Cung nữ hầu mực cùng hoạn quan liền nhanh chân lui xuống.
Lưu Dung mở thiếp sớ ra, bên trong chỉ có một số tên họ quan lại kèm với chức tước, ngoài ra không có thêm nhận xét gì. Ánh mắt y dừng lại giây lát ở từng cái tên một, ngẫm cho nhớ rõ rồi gấp thiếp lại.
"Hành Chi."
Cung nữ chưởng sự của Đông cung, Lê Hành Chi tiến vào chờ phục mệnh. Lưu Dung khép hờ mắt hỏi: "Mấy ngày nay trong cung vẫn không có động tĩnh sao?"
"Bẩm điện hạ, vẫn chưa thấy."
Thái tử Dung thở dài rồi bảo: "Truyền Từ Tư đến đây."
Ninh Sùng, tự Từ Tư, là môn khách* của Đông cung. Người này trạc hai lăm, hai sáu tuổi, từng đỗ đầu hai kỳ thi Hương, thi Hội, song vì nhiều lý do nên không thể tham dự kỳ thi Đình; hắn học thức uyên bác, lại có cái tài nhìn tướng đoán mệnh nên mấy năm nay rất được Thái tử trọng dụng.
* Người có tài được giới quý tộc thời phong kiến coi trọng và nuôi dưỡng trong nhà, để khi cần thiết thì dùng đến.
Ninh Sùng đến, cung kính hành lễ rồi theo thường lệ đứng về phía tay phải của Thái tử. Lưu Dung đưa thiếp sớ cho hắn, lời ít ý nhiều nói: "Chọn cho ta ba người."
Ninh Sùng nghiền ngẫm xem kỹ. Khoảng sau hai nén hương (tầm ba mươi phút), hắn đi về phía án thư, lấy bút chấm mực viết xuống giấy ba cái tên rồi dâng cho Thái tử.
"Thượng thư bộ Lễ Hoa Du Khiêm, Đại Lý Tự khanh Tào Trung, hai người này thì ta còn hiểu nhưng vì sao lại là Thái Bộc Tự khanh Từ Cẩn An?"
"Bẩm điện hạ, Thái Bộc tự quản lý ngựa xe ngự dụng và dịch trạm toàn quốc, vì thế biết rõ hướng và thời gian truyền đi của phần lớn tin tức trong triều. Tuy nói quyền hành không cao nhưng khó tránh khỏi liên can. Huống hồ Thượng thư Hoa Du Khiêm và Thái bộc Từ Diễm là bạn hữu giao tình thân thiết nhiều năm, điện hạ nên lưu ý." Ninh Từ Tư đáp.
Lưu Dung trầm tư giơ tờ giấy ra trước mắt, lọn tóc vắt trên vai trượt xuống ống tay áo như dòng nước. Tào Trung, Hoa Du Khiêm thì y đều biết rõ tiểu sử trong triều, riêng Từ Cẩn An này thì lại... có chút ấn tượng.
Hình như lúc đó là khoảng năm Cảnh Diệu thứ mười ba, y được phụ hoàng ân chuẩn cho xuất cung đến Yên vương phủ dự tiệc rồi ở lại mấy ngày. Trước đó Lưu Dung chưa bao giờ đặt chân ra khỏi Hoàng thành nên gặp dịp hiếm có như vậy, dĩ nhiên y liền tranh thủ cải trang dạo chơi khắp nơi.
Hôm ấy vào độ cuối xuân, thình lình trời mưa như trút, Lưu Dung và thị vệ đành nép vào một mái hiên của lầu rượu trú tạm chờ xe ngựa đến.
Bỗng nhiên có một vật gì đó rơi từ trên cao rơi xuống suýt thì trúng Hoàng tử Dung. Thị vệ tưởng là có ám sát, toan tuốt kiếm nhưng y kịp nhìn thấy thứ dưới chân mình là gì thì liền cản lại.
Thứ rơi xuống là một chiếc trâm ngà.
Lưu Dung vén mạng che ngước lên, trông thấy trên lầu cao có một người áo xanh lười biếng dựa vào lan can, mái tóc xõa dài chạm xuống đệm ngồi. Người đó làm rơi trâm vấn đầu cũng chẳng vội vàng, tiếp tục ung dung uống rượu.
Mưa rơi trên tay áo, tóc vắt vẻo lan can. Dáng vẻ hắn buồn chán nhưng giơ tay nhấc chân lại không mất đi cốt cách thanh cao. Lưu Dung từng có một thoáng tán thưởng.
Người đó chính là Từ Diễm, tự Cẩn An, đương lúc sa cơ lỡ vận mà uống rượu giải sầu. Về sau tên tuổi hắn chẳng bao giờ có gì nổi bật nên Lưu Dung nhanh chóng quên mất người này; nay bỗng nhiên nhớ lại, y chỉ còn nghĩ: Đáng tiếc kẻ không gặp thời...
Ninh Từ Tư chờ đợi một hồi, Thái tử Dung mới đặt tờ giấy viết tên xuống, nói: "Quyết định thế đi."
Không gặp thời thì thôi, làm tạm quân cờ trải đường cho ta đi.
.
Từ Thái bộc Từ Cẩn An chẳng hay biết mình vừa được Thái tử nhớ nhung, lúc đó đang ngồi trên kháng dạy Từ Tuyển gảy bàn tính tính toán các khoản chi tiêu tháng qua trong nhà. Từ Lương ngồi trên ghế cạnh đó đang ngâm cứu sách về nền tảng thương nghiệp, chốc chốc lại quay sang hỏi Từ Diễm là chữ này đọc thế nào.
Từ Diễm trừng mắt: "Con học chữ còn chưa vỡ lòng mà đòi làm buôn bán thế nào được? Có thời gian rảnh thì kêu Tuyển Nhi kèm chữ cho con đi!"
Từ Lương nói: "Đếm tiền thì chỉ cần học tính toán thôi là được, con cũng đâu có ý định đi thi, biết nhiều chữ để làm gì?"
Từ Diễm xắn tay áo, cầm cây gậy đằng sau kháng muốn đánh nó. Nó nhanh chân hơn xỏ giày, ôm sách chạy ào ra ngoài đường. Từ Tuyển kéo cha nuôi ngồi lại xuống, xoa xoa lưng cho hắn: "Phụ thân bớt giận."
Từ Diễm ném cây gậy về lại sau kháng, day thái dương dựa vào tay vịn. Từ Tuyển rót trà dâng lên. Hắn bực bội uống cạn rồi nói: "Từ giờ ta giao việc giữ tiền trong nhà cho con đấy. Tuyệt đối không được đưa một đồng cắc nào cho thằng anh Hai của con!"
Từ Tuyển đặt bàn tính qua một bên rồi kéo khay trà và điểm tâm sát lại, mỉm cười bóp vai cho cha: "Tính tình Nhị ca phóng khoáng, tuy đôi khi có bất cẩn nhưng không phải người dại khờ. Nếu Nhị ca thực sự nghiêm túc học hỏi thì con tin là huynh ấy có thể làm nên."
Đứa con nhỏ nhất nhà còn nghĩ được như vậy thì sao Từ Diễm lại không biết? Vấn đề là hắn không hài lòng với cái kiểu lười biếng cân nhắc suy nghĩ của Từ Lương. Người trẻ như nó lúc nào cũng cho là bản thân có năm tháng vô tận để làm theo ý thích, chẳng hiểu được rằng tuổi tác chẳng tha cho vị vương tôn ấm tập nào.
Nghĩ vậy, Từ Diễm cũng cảm khái thay Yên vương. Từ lúc Thiên tử còn là Biện vương thì Lưu Trang đã nổi trội trong đám con cháu hoàng gia, nhưng sau khi Lưu Dung ra đời, vừa khéo là đích tử (do vợ Cả sinh ra) được hoài thai ngay sau khi bệ hạ đăng cơ, góp vào chuyện mừng càng thêm mừng. Kể từ đó, mọi sự chú ý của Dụ Đế đều đặt trên Hoàng tử Dung. Lưu Dung cũng không cô phụ kỳ vọng của Đế Hậu, y càng thêm tuổi càng thêm thông tuệ, càng thêm năm càng thêm lỗi lạc.
Nếu ví Thái tử Dung là vầng nhật nguyệt rực rỡ thì Yên vương Lưu Trang rốt cuộc cũng chỉ còn là một cái bóng nhuốm chút hào quang ấy mà thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com