Chương 04. Sóng ngầm
"Công tử Tuyển! Công tử Tuyển!"
Từ Tuyển vừa bước chân ra khỏi học đường thì nghe tiếng gọi. Quay lại thấy một đứa gia bộc hớt hải chạy đến, cậu thắc mắc hỏi: "Văn Lộc, có chuyện gì thế?"
"Chẳng là Công tử Hi sợ ngài quên nên dặn tôi đuổi theo nhắc công tử về buổi hẹn chiều nay. Kìa, công tử nhà tôi đang đến." Văn Lộc chỉ tay.
Đứa hầu của Từ Tuyển đón lấy bút nghiên trên tay cậu. Đợi Công tử Hi lại gần, Tuyển liền cười nói: "Cậu khéo lo xa, tôi đâu thể nào quên mất giờ hẹn lần nữa."
Viên Hi thong thả đáp: "Tôi lo là lo lắng cho bản thân cơ. Nếu lỡ cậu lại quên rồi cho tôi leo cây thì đêm nay tôi sẽ tức đến mức không ngủ được mất."
Từ Tuyển cười dài kéo tay áo Viên Hi bước đi cùng với mình. Viên Hi là con trai thứ của ngôn quan* Viên Thủ Trung, bằng tuổi với Tuyển, tính cách và gia cảnh hai đứa cũng sêm sêm nhau nên vừa gặp đã thân, nhanh chóng kết thành tri kỷ.
* Ngôn quan, hay gián quan, là cách gọi chung cho các quan chức thuộc Ngự Sử đài – ngụ ý chức năng chính của họ là "giữ lời nói" – có nhiệm vụ tấu, góp ý cho vua, hặc tội các quan viên làm trái phép, và can gián vua.
Công tử Hi hỏi Từ Tuyển một vài điều về bài học hôm nay trên giảng đường rồi nói: "Từ lúc Yên vương hồi kinh, đi khắp thành tôi đều thấy người ra bàn tán về ngài ấy và Đông cung. Phụ thân nói tôi đừng có nghe bọn họ nhưng về đêm tôi trộm nghĩ lại thì cứ thấy không hiểu: huynh đệ hòa thuận vốn là chuyện hợp lẽ, sao ai cũng phải cảm khái về tình cảm của hai vị ấy?"
Từ Tuyển suy nghĩ một chút, đáp lời: "Có lẽ là tại Yên vương quanh năm ở xa kinh thành, anh em cách mặt cũng dễ cách lòng nên người ta mới bàn luận thế thôi."
Viên Hi thấy phải, đáp: "Nếu thế thì tôi cũng hiểu được. Tuyển có biết chuyện Thế tử Minh bị Yên vương trách phạt chưa? Tôi nghĩ mà thấy hơi thương cho Thế tử Minh, cha con các ngài ấy quanh năm xa cách, chỉ có thư từ qua lại mà không nhìn thấy mặt nhau. Thế tử Minh tuy có phần phách lối nhưng tôi cảm thấy cũng do không có Yên vương kề bên đôn đốc chỉ dạy nên tính hắn mới đâm ra như thế."
Công tử Hi thở dài, lại nhẹ nhàng nói: "Tôi với Tuyển dù không có nhà cao cửa rộng, ngựa xe đón đèo nhưng may mà có cha mẹ, anh em ở bên. Không phải xa cách với nhau đã là quý lắm rồi."
Văn Lộc chợt cười hì hì chen miệng vào: "Công tử Tuyển nghe vậy cũng đừng tưởng thật. Mới chỉ hai hôm trước thôi, Công tử Hi nhà tôi bị lão gia phạt một trận đòn lớn, lúc đó công tử còn vừa khóc vừa nói muốn bỏ nhà đi bụi cơ!"
Từ Tuyển bật cười. Viên Hi đỏ bừng mặt quay lại giơ tay đánh nó, mắng: "Nói xằng nói bậy!"
Văn Lộc vừa cười vừa chạy ra sau đứa hầu của Từ Tuyển mà nấp. Thấy ngõ vào nhà đã ở trước mặt, Tuyển mời bạn: "Hay là cậu vào ngồi rồi đến giờ hẹn chúng ta cùng đi, cứ bảo Văn Lộc đưa sách vở về nhà rồi quay lại sau?"
Viên Hi gật đầu đồng ý. Từ Tuyển dẫn bạn vào nhà chào hỏi phụ thân. Từ Diễm đang dựa trên kháng nghỉ trưa, thấy thì mỉm cười: "Viên Hi đó hả?"
"Cháu chào Từ Thái bộc." Viên Hi chắp tay hành lễ. Tuyển lấy ghế cho bạn rồi cũng ngồi xuống chiếc bàn gần bên kháng, nói thị nữ mang trà và điểm tâm lên.
Viên Hi thấy Từ Tuyển cầm ra một cái bàn tính thì tò mò hỏi: "Cậu cầm bàn tính làm gì vậy?"
"Tôi muốn tính nốt một số khoản thu chi trong nhà."
"Sao Tuyển phải làm chuyện này?" Hi ngạc nhiên: "Ở nhà tôi thì đó là việc của mẫu thân với các chị, phụ thân không cho anh em tôi ngồi nhìn họ làm."
Tuyển mỉm cười, vừa gảy bàn tính vừa chấm ngón tay vào chén trà lạnh mà viết nháp lên mặt bàn: "Nhà tôi làm gì có nữ quyến, trừ khi phụ thân sắp sửa cưới mẹ kế cho anh em tôi, bằng không thì tiền bạc trong nhà phải do chúng tôi tự tính, chứ chẳng nhờ ai khác được."
Viên Hi bốc một miếng bánh, tò mò dịch ghế lại gần để xem. Từ Tuyển thấy nhột, bất đắc dĩ nói: "Thực ra tôi mới học món này chưa lâu. Hi ở bên nhìn chằm chằm như vậy làm tôi khó tập trung."
Công tử Hi 'à' một tiếng, thất vọng về chỗ cũ. Tuyển không đành lòng thấy bạn buồn, lại bảo: "Hay Hi ra phía sau tôi mà ngồi? Chỉ cần không nhìn thẳng vào cậu thì tôi vẫn làm được."
Viên Hi tươi lên, liền làm như vậy.
Từ Diễm nhìn hai đứa nhóc chơi với nhau, trên môi cũng vương nét cười. Tuyển ở với cha anh thì thích làm nũng, mời bạn đến nhà thì liền đem ngón nghề mới học ra khoe. Tâm tư nó đơn thuần khả ái như vậy ai mà không thương cho đành.
Nằm thêm một lúc rồi Từ Diễm dậy khỏi kháng, trở về An Nhàn cư thay y phục, chải đầu vấn tóc rồi vào cung. Hôm nay hắn có ca trực đêm.
Quan văn trực đêm phải vào cung trước khi chiều xuống, công việc chủ yếu là sắp xếp văn thư, suốt tối xuyên đêm chong đèn, ở trong tư thế sẵn sàng để bất cứ lúc nào cũng có thể bị gọi đi hầu Thánh giá. Theo lệ thì quan văn trực đêm hôm trước sẽ được miễn chầu vào sáng hôm sau, đó là nếu không có sự cố phát sinh.
Đương giữa hạ, chờ mãi cũng chưa thấy Trời bò xuống tường thành. Từ Diễm xếp được non nửa văn thư thì ngồi quỳ trên sập, lắng nghe tiếng đồng hồ nước nhỏ giọt mà nhắm mắt nghỉ ngơi. Ngôn quan Viên Thủ Trung tiến vào, y là bạn trực đêm nay với Từ Diễm, thấy vậy thì nhẹ nhàng nói: "Nếu Thái bộc mệt thì chợp mắt một chút đi, khi nào chong đèn tôi sẽ gọi ngài dậy."
Từ Diễm nhìn tấm giấy dầu loang màu chiều tà đỏ cam, cũng khẽ khàng đáp lại: "Mấy hôm nay trong cung tiếng gió lớn, ta ở nhà mà cũng khó lòng an tâm, làm sao mà chợp mắt nổi?"
"Gió trên cao tuy mạnh nhưng thổi có hướng, ngài và tôi không nghiêng theo hướng nào thì sao phải lo lắng nhiều?" Viên Thủ Trung trấn an.
Từ Diễm gật đầu, không nói nữa. Trước khi ngày tàn, khắp cung đèn đuốc chong lên, có hai hoạn quan đưa bữa tối đến cho quan văn trực đêm, sau đó châm thêm mấy lần trà nước. Gió đêm có chiều hướng thổi mạnh, đèn lồng lay động làm bóng người trong phòng nghiêng ngả. Từ Diễm bất chợt giật mình, dường như vừa thiếp đi giây lát. Viên Thủ Trung vẫn đang xem sách ở sau thư án.
Từ Diễm uống chút nước trà rồi xỏ giày ra ngoài đi dạo vài bước. Lá reo xào xạc, đèn đuốc rung rinh trong cơn gió dữ, bỗng xa xa có mấy ánh đèn lay động mạnh mẽ, nội nhân dẫn trước, một số quan lại theo sau, điệu bộ hớt hải vội vàng như bị lửa dí sau lưng.
Hắn quan sát hướng đi của bọn họ, thấy là về lối hậu cung, nội tâm dâng lên một nỗi bất an mơ hồ.
Từ Diễm quay vào trong, ngồi trên sập giở sách nhưng mắt chỉ đăm chiêu nhìn ra cửa sổ. Một lúc sau hắn lại đi ra ngoài. Lần này Viên Thủ Trung đã nhận ra gì đó, cũng gấp sách đi ra theo hắn.
Trên con đường kéo dài thẳng tắp phía trước, họ cũng thấy một đoàn người đèn đuốc vội vã, lần này còn đông hơn lần trước. Lẫn giữa những cái bóng khom khom, cúi đầu – ắt là cung nhân, nội thị – có một người tầm vóc cao ngất bật lên hoàn toàn: lưng thẳng cằm ngay, bước chân trầm tĩnh, trông từ xa cũng cảm được khí khái hiên ngang của y.
"Là Yên vương." Viên Thủ Trung thì thầm tự hỏi: "Cổng cung đã đóng, rốt cuộc là chuyện gì hệ trọng đến mức Yên vương phải vào cung giờ này?"
"Gió lớn, tự nó sẽ thổi đến." Từ Diễm đáp, lại quay trở vào trong, ngồi ngay ngắn trên sập canh thức cho qua đêm này.
Quả nhiên đến sáng, tin tức đã luồn lách lan truyền khắp nơi, không cần hỏi cũng tự biết: đêm qua Mỹ nhân Dương Ngọc Nga sắp tới tháng sinh nở bất ngờ động thai khí, Thái y không giữ được con vua – là một hoàng tử; Đổng Thái hậu hay tin, đau lòng quá độ mà lên cơn sốt cao; để trấn an Thái hậu, Dụ Đế mới cho truyền gấp Yên vương vào cung.
Nghe xong, Viên Thủ Trung chỉ thương tiếc than một tiếng; Từ Diễm rời sập, dọn dẹp chỗ ngồi rồi chuẩn bị xuất cung.
Trên đường Từ Diễm ra cổng cung thì trùng hợp Yên vương cũng đang đi về phủ nên hai bên chạm trán nhau. Lưu Trang nhớ mặt hắn, mỉm cười ban bình thân rồi hỏi: "Quan Thái bộc vừa mới trực đêm xong sao?"
Từ Diễm đáp 'phải', kín đáo quan sát đối phương: so với hôm lễ tiệc thì sáng nay khí sắc Yên vương có phần sa sầm, trong mắt vằn tơ máu, rõ ràng là đêm qua phải vất vả nhiều.
Lưu Trang nói tiếp: "Ta nghe Hoa Thượng thư kể rằng Thái bộc góa vợ sớm, hiện tại dưới gối chỉ có ba người con nuôi. Thái bộc đừng trách ta tọc mạch, ta thấy hiện tại Thái bộc vẫn còn sung mãn, vì sao không cưới vợ kế để sinh con nối dõi tông đường?"
Từ Diễm trả lời: "Bẩm điện hạ, lúc trẻ gia cảnh thần hàn vi, sau khi nội nhân* gặp bất hạnh thì đến thân này thần cũng nuôi không nổi, vì vậy chẳng dám nghĩ đến chuyện cưới vợ kế. Tới lúc khấm khá lên thì con cái của thần đều lớn cả rồi, bây giờ thần chỉ còn lo toan tích cóp chút vốn liếng cho chúng nó, không còn ý định đi bước nữa."
* Cách người chồng gọi vợ mình khi nói chuyện với người khác.
"Nhưng con nuôi dù tốt đi chăng nữa thì cũng không bằng con ruột." Yên vương thấp giọng lẩm bẩm, có vẻ ưu phiền.
Từ Diễm không dám đáp lại câu này. Ra đến cổng, hắn chắp tay tiễn Yên vương. Lưu Trang vỗ vai hắn, áy náy mỉm cười: "Thú với Thái bộc một chuyện, mặc dù đã nói chuyện suốt dọc đường nhưng ta nghĩ mãi vẫn không nhớ ra tên của Thái bộc. Mong Thái bộc đừng giận mà nói lại cho ta."
Từ Diễm cũng cười đáp: "Thần họ Từ, tên Diễm, tự là Cẩn An."
"Cẩn An, cẩn tắc an nhàn, đúng là người cũng như tên." Lưu Trang ra bề tán thưởng, sau lại tự cảm thân mình: "Giá mà ta cũng cẩn tắc an nhàn được như Thái bộc."
Từ Diễm vội vàng đáp không dám. Tiễn Yên vương rời đi, hắn mới lên xe ngựa trở về nhà.
Chiều đến, Từ Diễm vừa mới tắm rửa, đang chải đầu buộc tóc chuẩn bị ăn cơm thì hay tin nghi trượng của Văn Tuyên vương Lưu Anh lặng lẽ vào thành.
Lưu Anh chạc tuổi Từ Diễm, là một vị hoàng thân* nhàn tản cai quản đất phong, chỉ vào các dịp lễ lạt trọng đại thì hoàng thân mới vượt đường xa đến đất Đế kinh.
* Người có quan hệ họ hàng gần gũi với vua trong hoàng tộc (chú bác, anh em ruột, con trai của anh em ruột).
Lưu Anh nguyên là con trai của Đoan vương Lưu Hoành. Hoành là anh ruột của Thiên tử Khải. Về sau, Đoan vương tạo phản thất bại, bị xử trảm cùng với các con trai lớn; lúc đó Biện vương Lưu Khải liều chết cầu xin Thượng hoàng mới giữ được mạng của Lưu Anh, đứa con nhỏ tuổi nhất của Lưu Hoành. Sau khi đăng cơ, Thiên tử Khải liền phong Lưu Anh làm Văn Tuyên vương, ban đất cùng với vô số châu báu; vào mỗi dịp trọng đại thì ngài đều truyền triệu Văn Tuyên vương về đế kinh, đối đãi với Lưu Anh không khác gì con ruột.
Đáp lại điều đó, Văn Tuyên vương luôn luôn hết sức thần phục vâng lời người chú Dụ Đế; với các em họ Lưu Trang, Lưu Dung thì y càng thêm cung kính lễ độ, người ta chẳng bao giờ nghe nói Lưu Anh làm phật lòng ai.
Thế mới phải cảm khái đại gia đình hoàng thất này của Dụ Đế thực sự là được xây đắp hoàn mỹ vô song, xứng đáng được sử sách tốn hết giấy mực để ca ngợi: cha hiền con thảo, anh em hòa thuận, chú cháu đồng lòng, ai cũng nhập vai đến là tuyệt hảo... Từ Diễm nghĩ.
Rất trùng hợp là Lưu Dung cũng nghĩ vậy.
Sau khi Thái tử nghênh đón Văn Tuyên vương Lưu Anh thì Ninh Sùng bị truyền triệu đến Đông cung. Gã quỳ ngồi trên đệm bồ, đã nhẫn nại nhìn Thái tử Dung chép chữ đến gần một canh giờ.
Ninh Sùng quỳ đến tê cả chân, phải hơi nhấp nhổm để đỡ hơn, may sao Lưu Dung đã chép xong chữ cuối cùng.
Một tay vén ống tay áo, y gác lại bút mực; ánh nến lung linh hắt lên mái tóc như lớp nhũ vàng điểm xuyết. Thái tử Dung quỳ ngay ngắn trên bồ đoàn, chắp tay trước pho tượng Quán Âm bằng ngọc bích, chậm rãi nói từng chữ: "Đêm qua hoàng đệ sắp đến ngày hạ sinh của bổn cung đã bị tước mất cơ hội nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Phụ hoàng, Thái hậu và Tuyên phi đều đau lòng khôn xiết, vì thế bổn cung đã dành cả ngày hôm nay để chép mấy quyển kinh Phật. Lát nữa Hành Chi sẽ mang chúng đến Phật đường đốt để cầu nguyện cho oan hồn hoàng đệ tan bớt oán khí. Chỉ mong hoàng đệ sớm được siêu thoát, đầu thai vào một gia đình tốt hơn.
"Về phần thiện ác hữu báo, nếu Thần Phật nhân từ không muốn báo thù cho hoàng đệ thì bổn cung xin hứa sẽ làm thay Thần Phật."
Ngữ khí lạnh lẽo ở câu cuối đó làm Ninh Sùng phải rùng mình. Gã đã đi theo Thái tử Dung nhiều năm nhưng vẫn không tài nào đoán được suy nghĩ trong đầu y. Gã thấy y thờ Bồ Tát Quán Âm nhưng hai tay làm chuyện sát sinh, miệng lưỡi vừa nói lời cầu nguyện vừa thề lời báo oán, mặt cười nhưng lệnh thì giết, hết sức trong ngoài bất nhất, chẳng biết nơi đâu mà lần.
Nguyện xong, Lưu Dung bình thản quay người lại đối diện với Ninh Sùng. Gã không dám vọng động. Y nói: "Dương thị là cháu gái đằng xa của Đổng Thái hậu, dù cô ta nhỏ hơn phụ hoàng đến tận ba mươi tuổi nhưng mấy năm trước Thái hậu và Tuyên phi vẫn cố đưa người vào cung hầu Thánh giá. Mãi cuối năm ngoái Dương Mỹ nhân mới hoài thai, sắp đến ngày sinh nở thì bị sẩy. Trước tham vọng của Đổng gia, ngươi nói xem, Tam hoàng huynh cảm thấy thế nào?"
Ninh Từ Tư nghe thế nào thì trả lời thế đấy: "Yên vương được một tay Đổng Tuyên phi nuôi lớn nhưng Thái hậu vẫn chưa bằng lòng mà ước muốn Đổng gia có giọt máu hoàng thất trong người. Hôm nay Yên vương nhìn thấy thái độ của Đổng gia, hẳn là rất thất vọng."
"Chỉ thất vọng thôi ư?" Lưu Dung ngẫm nghĩ: "Ta lại càng mong có thể lợi dụng triệt để chuyện của Dương thị để làm Tam hoàng huynh chết tâm với Đổng gia, về sau chỉ một lòng phục vụ Đông cung."
Từ Tư lắc đầu: "Chuyện đó không khả thi. Đổng Tướng quân nắm đại binh trong tay, dù thế nào thì cũng luôn là chỗ dựa vững chắc nhất cho Yên vương."
"Thế thì phải làm sao đây?"
"Trừ phi Đổng gia từ bỏ tham vọng," Ninh Từ Tư quả quyết nói, "thì điện hạ và Yên vương chắc chắn chỉ có con đường tranh đấu!"
Thái tử Dung im lặng ngồi trên bồ đoàn, nhẹ nhàng than một tiếng, nói tiếp: "Ba người ngươi chọn cho ta, ngươi nắm chắc được bao nhiêu?"
"Thần chắc chắn." Từ Tư đáp.
"Thôi vậy." Lưu Dung đứng lên: "Tối mai là lễ tiệc sinh thần, gió đêm thổi mạnh, mọi việc đều nên làm cẩn thận một chút."
Ninh Sùng quay theo hướng Thái tử đi, lần nữa rập đầu nói: "Thần, tuân mệnh."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com