Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 05. Khước từ

Từ Diễm nhấc vạt áo bước xuống xe ngựa. Viên Thủ Trung và Trình Lập Vũ đang ở gần đó liền tiến lại chào hỏi. Canh giờ còn sớm, bọn họ vừa trò chuyện vừa đi đến sân điện. Viên Thủ Trung bảo: "Chuyện ở nội cung làm Thái hậu ốm nặng, từ sáng Ninh Thọ cung đã cáo bệnh không dự lễ tiệc."

Trình Lập Vũ tặc lưỡi lắc đầu: "Các ngài xem, năm nay bệ hạ cố ý tổ chức sinh thần của Đông cung vượt mức quy chế, các ngôn quan năm lần bảy lượt can không nổi thì đã đành; đến cả Yên vương và Văn Tuyên vương đều được triệu về kinh; vậy mà đúng ngày này Thái hậu lại cố tình vắng mặt trong lễ tiệc chỉ vì một Mỹ nhân nhỏ nhoi, thái độ bất mãn quá là lộ liễu rồi."

Từ Diễm liền nạt gã: "Bớt nói mấy chữ đi! Biết Thái hậu cáo bệnh là đủ rồi, về phần thái độ của đức bà thì không đến lượt ngươi võ đoán!"

"Thái bộc dạy phải, dạy phải lắm." Gã vội đáp.

Viên Thủ Trung nói tiếp: "Trương Quý phi chấp chưởng Phượng ấn, dưới gối không con, hai năm nay lại thường xuyên đau bệnh; anh của tần ngự* là Trường Bình hầu Trương Trọng Quyền có đứa cháu gái năm nay vừa tròn mười lăm đã mấy lần được truyền vào cung thăm Quý phi, ý đồ của Trương gia cũng đáng rất để suy ngẫm."

* Tần ngự: tên gọi chung cho các thiếp thất của vua chúa.

Tính đến nay Đông cung đã ngoài hai mươi, bên thân chỉ có vài ba nàng hầu, trắc thất chưa có một ai mà Dụ Đế lại cứ trù trừ trong việc chỉ hôn cho Thái tử. Trông lễ tiệc này long trọng lạ thường, chẳng lẽ tối nay bệ hạ có ý đồ ban hôn?

Vừa nói, họ vừa tiến vào sân điện tổ chức lễ tiệc. Điện Thiệu Phương được trang hoàng lộng lẫy, có suối nhân tạo uốn quanh ngự uyển, dòng nước thanh bình phản chiếu đèn màu rực rỡ, cờ lọng phất phới. Sắp đến giờ lành, bọn họ tách ra ai về chỗ nấy. Từ Diễm lặt vài trái nho xanh trên đĩa, vừa bỏ vào miệng thì có tiếng hoạn quan cung nghênh Thánh giá, liền vội nhả ra tay mà triều bái.

Tối nay vị tần ngự đi bên cạnh Dụ Đế là Trương Quý phi. Giống như Đổng Tuyên phi, Trương thị cũng gả cho Thiên tử từ khi ngài là Biện vương. Từ sau khi Hiếu Linh Hoàng hậu tạ thế, Trương Quý phi chấp chưởng Phượng ấn, nắm đại quyền hậu cung. Độ hai năm đổ lại đây, Quý phi thường xuyên đau bệnh, Dụ Đế bèn truyền cho Đổng thị san sẻ trách nhiệm quản lý hậu cung cùng với Trương thị.

Về phông bạt nhà mẹ đẻ của hai vị này thì Tuyên phi có Đổng Tướng quân cầm binh Tây Châu, song Đổng thị quanh cách năm xa Kinh thành; Quý phi có Trường Bình hầu nhưng quyền thế không sánh bằng Đổng thị. Dụ Đế để hai vị tần ngự này chung tay quản lý hậu cung quả thực là gián tiếp khiến Trường Bình hầu và Đổng Tướng quân bằng mặt không bằng lòng.

Dù vậy, hai vị công thần ấy cũng chẳng có lý lẽ để mà bắt bẻ Thiên tử.

Ngẫm vậy, đột nhiên Từ Diễm hiểu ra lý do Dụ Đế cứ trù trừ không vội chỉ hôn cho Đông cung. E là Thiên tử muốn nâng một nhà khác để bồi dưỡng thế lực cho y.

Nghĩ thông được điều này, Từ Diễm hơi an tâm. Trương, Đổng nhiều quyền thế nhưng tâm tư không sạch, Thiên tử làm vậy là phải; song có một điều làm hắn bận lòng: không biết bệ hạ nghĩ thế nào về Yên vương?

Lưu Trang có công lao, trăm họ đều biết; Thiên tử không thể phạt, chỉ sợ sẽ tìm cách giữ thân vương dưới mắt mình, ban cho một chức quan nhàn tản.

Từ Diễm thầm thở than rồi uống cạn chén rượu trên tay.

Trên đài cao, Dụ Đế ngự một mình ở cỗ bàn trung tâm, hai bên cánh là Đông cung và Yên vương, cỗ bàn của Văn Tuyên vương thấp hơn một bậc, rồi đến Trương Quý phi, Đổng Tuyên phi và một số tần ngự đủ tư cách tham dự nép dáng ngọc sau tấm bình phong thêu hoa điểu. Đèn nến ấm áp, quang cảnh hài hòa.

Rồi Thiên tử phất tay, ca vũ lui xuống, nườm nượp lễ vật của các quan viên được dâng lên: nào hòm, nào tráp, nào ngọc ngà châu báu. Văn Tuyên vương yêu thích thi thư, dâng tặng Đông cung một bức hoành phi, hai bức tranh cổ. Yên vương tự nhận bản thân tục tằn, trình lên những của hiếm lạ ở ngoại bang. Trước phong cảnh xa hoa, Thái tử Dung chỉ mỉm cười điềm đạm, giữa đầu mày không mất đi nét nghiêm minh, thực có nghi thái của một vị vua hiền.

Đến phần cảm tạ thì Lưu Dung mang vẻ thấm thía, đầu tiên là tự xét các thiếu sót của bản thân rồi nhắc đến thiên tai đang hoành hành ở một số nơi, từ đó mong được quyên toàn bộ lễ vật vào Ngân khố, không lấy chút gì. Thiên tử nghe mà cảm động, lập tức ân chuẩn.

Thế là cha con đức ngài xoa dịu được một đám ngôn quan cứng cổ cứng miệng của Ngự Sử đài rồi. Từ Diễm lặng lẽ cảm khái.

Đoạn Thiên tử giữ Đông cung lại, thong thả nói: "Nhân lễ mừng này, trẫm có ý muốn cho Đông cung và bá quan một chuyện hoan hỉ khác. Xét thấy Thái tử đã đến tuổi thành gia mà còn đang lẻ bóng, trẫm muốn tìm cho khanh một mối duyên lành."

Hết thảy khanh thần im ắng, dường như nín thở để lắng nghe. Dụ Đế bảo: "Được biết cháu gái Ngọc Kỳ của Trường Bình hầu Trương Trọng Quyền đoan trang hiền huệ; và trưởng nữ Chung Thước của Thượng thư bộ Binh Chung Giác dịu dàng nhàn thục, nay trẫm ban cả hai làm trắc phi cho Đông cung!"

Trương Trọng Quyền và Chung Giác liền vội vàng bước ra mà vái tạ, vẻ mặt vừa mừng vừa sợ.

"Trẫm từng thấy con gái của Uy Ninh hầu Lý Bằng, thục nữ Văn Thù biết ý giữ mình, xinh đẹp thanh thoát, uyển ước công minh, nay hạ chỉ sính cho Thái tử; lệnh cho Lễ bộ chuẩn bị sách lễ, mùa xuân năm sau chọn ra ngày lành tháng tốt, rước dâu bái đường!"

Lưu Dung chắp tay đáp: "Nhi thần tạ phụ hoàng ban hôn!" Rồi quỳ xuống mà vái, "Bệ hạ vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!"

Tức thì bá quan văn võ, thân vương, tần ngự cũng kéo nhau phủ phục xuống mà đồng thanh triều bái, "Bệ hạ vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!"

Lúc được ban bình thân, Từ Diễm trông thấy Uy Ninh hầu Lý Bằng vẫn còn đang run rẩy vì kích động, phải dựa vào một quan viên ở bên cạnh để đứng vững.

Thánh ý đúng như hắn nghĩ.

Sau đó, ai nấy về chỗ ngồi để tiếp tục dự tiệc. Khi Thánh giá xem chán ca vũ thì lệnh cho kẻ dưới theo ngài du hồ trong ngự uyển. Điện Thiệu Phương nguy nga rộng lớn, ngự uyển thênh thang vừa có đổ suối vừa có đào hồ. Các hoàng thân và tần ngự chia nhau lên ba con thuyền nhỏ, lững thững chèo ra giữa hồ hóng gió, ngắm sen nở trong đêm.

Quần thần cũng lũ lượt đi theo, nô nức đứng ven bờ mà trông sen e ấp làn nước, ngâm nga vài câu vịnh.

Từ Diễm ngước mặt nhìn trăng trên trời, cúi đầu trông hoa dưới nước, đẹp thì có đẹp nhưng bị vây trong cung thành, được chăm sóc quá tốt, đâm ra bông nào cũng như bông nào, chẳng có cái thú của tự nhiên.

Bỗng ven bờ bên kia có tiếng động, đèn lồng trên tay cung nhân hốt hoảng chao đảo. Bên này nghe thấy chúng nói, "Có người rơi xuống nước! Có người rơi xuống nước!", rồi chúng kêu lên, "Thị vệ!"

Quần thần xôn xao. Ngự thuyền nhanh chóng trở lại bờ, Dụ Đế rất mất hứng, trầm giọng bảo: "Chuyện gì mà phải la lối như thế! Truyền bọn chúng lại đây!"

Khi những người đằng đó sang đây, Từ Diễm suýt thì đứng tim, vội vàng chen lên hàng trước. Vì trong đám kẻ hầu người hạ có cả Từ Quán toàn thân ướt đầm, vừa nhìn là biết cậu đã lao xuống cứu người.

Dụ Đế nghiêm nghị hỏi: "Có chuyện gì xảy ra?"

Mấy người đó nhìn nhau, tất cả đều luống cuống, sợ hãi trước thiên uy. Từ Quán trông thấy cha nuôi, trong lòng có thêm can cảm, chủ động vái lạy thưa: "Khởi bẩm bệ hạ, thần họ Từ, hôm nay tuân mệnh canh gác ở hành lang phía tây điện Thiệu Phương. Vừa nãy nghe tiếng kêu la, thần liền chạy đến xem xét; thấy có người rơi xuống nước thì nhảy xuống hồ ứng cứu ạ."

Giọng cậu run run vì hồi hộp quá, rập đầu rồi không dám ngẩng đầu lên, chỉ biết quỳ đó chờ đợi thánh ý.

Dụ Đế hỏi những kẻ khác 'phải vậy không?', chúng đồng loạt thưa 'phải'. Thiên tử hỏi tiếp: "Người bị rơi xuống nước đâu?"

Bọn người Từ Quán tránh sang một bên. Thị vệ ngự tiền (hầu bên vua) nâng cáng đến đặt xuống, trên đó là một người con gái tóc tai lòa xòa, tuy không thấy rõ dung nhan nhưng biết rằng xiêm y được dệt bằng the lụa quý giá. Dụ Đế và Yên vương vừa nhìn thấy nạn nhân, sắc mặt chợt đanh lại.

Có tần ngự hoảng hốt kêu lên: "Sao Dương Mỹ nhân lại ở đây?"

Nghe vậy, Từ Diễm gần như ngừng thở.

"Câm miệng!" Dụ Đế nạt, phất mạnh tay áo: "Chẳng ra thể thống gì cả! Mau mang nàng ta xuống! Nhanh lên!"

Lập tức, Thiên tử đùng đùng bỏ đi, hoàng thân nhanh chóng đuổi theo ngài. Từ Diễm lách ra khỏi đám quan bước đến chỗ Từ Quán, nhìn thẳng vào đôi mắt hoang mang của nó mà căn dặn: "Con cứ đi theo bọn họ. Tin ta. Con sẽ không sao cả."

Từ Quán nhìn hắn không chớp mắt, cắn chặt răng gật đầu. Từ Diễm buông nó ra, lùi lại để thị vệ xốc nó cùng với mấy người đang cố van xin dậy, áp giải ra khỏi điện Thiệu Phương.

Bê bối của hậu cung xảy ra trước mắt bá quan văn võ, đây không phải là chuyện Thiên tử có thể bỏ qua. Trên ngự đài, Dụ Đế nổi trận lôi đình, Tuyên phi sắc mặt tái xanh; bên dưới, quần thần không dám ho một tiếng.

Từ Diễm nhắm mắt niệm Bát Nhã Tâm Kinh, chú ý nghe ngóng. Một lúc sau bên trên có động tĩnh, Yên vương bước ra quỳ trước Thánh giá, thận trọng nói: "Bệ hạ, sự việc liên quan đến thể diện hoàng gia, nhi thần cho là... hoàng gia nên công khai làm rõ."

"Hỗn xược!" Dụ Đế hất văng chén rượu đứng phắt dậy, chợt khuỵu xuống.

"Phụ hoàng!" Lưu Dung ở gần nhất lao đến đỡ ngài, hạ lệnh: "Truyền Ngự y! Mau truyền Ngự y!"

Văn Tuyên vương Lưu Anh cũng lo lắng rời bàn, sắc mặt trầm trọng. Chúng tần ngự có người hoảng đến mức khóc ra tiếng, Đông cung liền quở trách: "Phụ hoàng mệt mỏi, chớ ồn ào quấy nhiễu người!"

Lưu Dung dìu Thiên tử ngồi về ghế, quỳ xuống cạnh bên mà hầu hạ. Lưu Anh cũng ân cần tiến lại bên ngài. Con cháu quây quần bên Dụ Đế khiến Lưu Trang cô độc quỳ dưới thềm trông xa xôi cách biệt.

Các Ngự y* ôm hòm thuốc lên ngự đài, tất bận chữa trị cho Thánh giá. Thiên tử chậm rãi hồi phục, tâm trạng cũng trấn tĩnh lại, quở trách Yên vương: "Chuyện của hậu cung không đến lượt ngươi quan tâm! Lui xuống!"

* Ngự y là các Thái y chuyên trách chẩn bệnh cho vua.

Bóng lưng Lưu Trang hơi lung lay, đáp 'nhi thần tuân mệnh'.

Dụ Đế nghiêm khắc nhìn xuống dưới đài để ổn định quần thần, đoạn quay sang Đổng Tuyên phi chất vấn: "Dương thị ốm đau, vốn nên ở trong nội cung dưỡng bệnh, vì sao lại xuất hiện ở đây?"

Thiên tử coi trọng thể diện hoàng gia, nay Tuyên phi bị chất vấn ngay trước mặt quần thần, dù cho có rửa sạch oan khuất nhưng danh dự của Đổng thị vẫn không tránh khỏi bị hoen ố. Thực thế, Tuyên phi vừa nghe câu hỏi thì mặt cắt không còn một giọt máu, bước ra mà phục xuống, nức nở thưa rằng: "Khởi bẩm bệ hạ, thần thiếp thực sự không biết gì về chuyện hôm nay. Dương Mỹ nhân vừa mới sẩy thai, còn đang nằm liệt giường thì làm sao có thể đi đến điện Thiệu Phương để mà rơi xuống nước? Thần thiếp cho rằng có kẻ gian hãm hại, cầu xin bệ hạ minh oan cho thần thiếp và Dương Mỹ nhân!"

Trương Quý phi cũng bước ra thưa bẩm: "Bệ hạ, thần thiếp cho là Tuyên phi nói phải. Sự việc này hết sức kỳ lạ, thần thiếp cầu xin bệ hạ điều tra tường tận để trả lại sự trong sạch cho hậu cung!"

Hai tần ngự dứng đầu hậu cung đều đã nói vậy, Dụ Đế cũng dịu bớt: "Nếu các nàng đã đồng lòng thì trẫm truyền cho Quý phi và Tuyên phi đảm trách điều tra, nội trong hai ngày phải đưa ra kết quả!"

Thiên tử nói tiếp, "Hôm nay lễ tiệc đột nhiên mất vui, trẫm thấy mệt mỏi, truyền cho Thái tử chủ trì! Bãi giá!"

Thiên tử đi, tần ngự phải về theo; các hoàng thân lẫn quan khách không còn vui vẻ nên lễ tiệc cũng chóng tàn.

Từ Diễm về nhà rất muộn, hai con trai đều đã ngủ say. Một mình hắn châm đèn ngồi trên kháng niệm Bát Nhã Tâm Kinh, niệm cho đến khi thần trí trong vắt mới thả lỏng dựa vào tay vịn, rót chén trà uống cho ấm người.

Hậu cung tra án, ắt sẽ điệu hết những kẻ có liên can về Thận Hình ty*; đầu tiên dụng hình, sau đó hỏi cung. Từ Quán là thị vệ đại nội, thuộc thẩm quyền của bộ Hình, nếu như không có gì bất trắc thì chót lắm là hai ngày sau cậu sẽ được thả.

* Cơ quan trực thuộc phủ Nội Vụ, phụ trách hình luật, tương đương với bộ Hình; song chuyên trách giải quyết án của hậu cung, định tội, trừng phạt tần ngự, cung nữ và thái giám.

Quả thực là hôm sau Từ Quán đã được thả về nhà. Cậu thấy cha nghỉ ở trên kháng, biết rằng đêm qua hắn ngủ không yên, liền tiến lại hầu hạ. Từ Diễm thấy cậu, chỉ bảo: "Về rồi thì vào trong tắm rửa nghỉ ngơi đi."

Đại doanh của Cấm quân tuyển trai tráng từ đủ mười bốn, yêu cầu cơ thể lành lặn và có sức khỏe; nếu biết chữ, đọc hiểu binh thư thì được ưu tiên. Từ Quán năm nay mười bảy, nhờ biết binh thư mà được vào đại nội (nơi vua sinh hoạt). Tuy ở gần vua song xưa giờ chưa từng giáp mặt Thánh giá; đêm qua là lần đầu cậu biết đến thiên uy, sợ hãi vô cùng, may mà có cha ở đó. Lúc này thấy cha mệt mỏi vì mình, Quán hết sức ân hận quỳ xuống: "Hài nhi bất hiếu, đã khiến người lo lắng nhiều."

Từ Diễm bảo: "Được rồi, qua được con sóng này là tốt, con vào trong tắm gội đi."

Một lát sau, Lương và Tuyển lần lượt ngủ dậy. Hai đứa không biết chuyện đã xảy ra, còn làm bộ hỏi 'sao hôm nay cha dậy sớm thế?'. Từ Quán thay xiêm áo trở ra ăn sáng, nghe chúng hỏi vậy thì gõ cho mỗi đứa em mấy đũa vào đầu.

Sau lễ tiệc, Từ Quán được thưởng một ngày nghỉ nên cậu đưa Tuyển Nhi đến trường. Từ Lương hiếm khi không ra lẻn khỏi nhà vào lúc sáng sớm. Nó lại gần Từ Diễm, nói: "Cha, con quyết định rồi, cứ ngồi ở nhà nghiên cứu suông thì không ổn. Con có quen với mấy vị chưởng quầy, định là sẽ xin đi theo họ vừa làm giúp việc vừa học hỏi một thời gian, chừng nào nắm được căn bản trong làm ăn thì tính tiếp."

Từ Diễm đáp: "Thì cứ làm thử xem."

Từ Lương chào hắn rồi đi ra ngoài.

Đêm qua Thiên tử bất an nên truyền khẩu dụ sáng nay miễn thượng triều. Từ Diễm nằm trong nhà một lúc thì chợt thấy mình cứ như con cá ươn đang ướp muối vậy nên quyết định dậy, sửa soạn đi ra ngoài.

Trời đang đẹp tự dưng kéo mây, mưa rơi lấp lửng trên đầu người; ban đầu chỉ lất phất, sau đó chuyển nặng hạt. Từ Diễm bèn phải tạt vào một lầu rượu gần đó trú, bỗng một đứa gia bộc tiến lại, vời hắn lên ngồi cùng chủ nhân của nó.

"Chủ nhân của ngươi là ai?"

"Bẩm, ngài lên khắc sẽ biết." Nó không nói thẳng, hẳn là chủ nhân đã phân phó như vậy. Từ Diễm ngẫm nghĩ rồi đồng ý. Nó dẫn hắn lên một nhã gian, khom lưng mời hắn vào.

"Thái bộc, mời ngồi." Hoa Du Khiêm nói.

Từ Diễm ngồi xuống phía đối diện, Hoa Du Khiêm châm trà cho hắn. Nhìn hai cánh cửa sổ cạnh bàn hơi khép lại để ngăn mưa hắt vào phòng, hắn lại duỗi tay mở ra.

"Anh vẫn thích mưa như vậy." Quan Thượng thư đành dịch ra để không bị nước bắn trúng: "Ngày anh và tôi vào cung cũng là một ngày mưa tầm tã. Anh từ xa tới, xiêm áo bị bùn bắn lên làm cho vấy bẩn. Thị vệ thấy vậy thì kiên quyết không cho anh qua, còn định nọc ra đánh; lúc đó tôi ngồi trên xe ngựa thấy anh ăn nói dõng dạc, thuộc làu Quốc pháp, tư thái nghiêm minh như vậy khó có thể là kẻ gian dối nên mới mời anh lên xe, cho mượn một bộ đồ sạch sẽ mà đi diện thánh. Năm đó anh mười bảy, tôi mười tám."

"Cái năm tôi bị giáng chức, ngài cũng thăng quan; tôi hai mươi ba, ngài hai mươi tư; nhoáng cái mà đã mười lăm. Con cái của chúng ta đều lớn cả rồi." Từ Diễm thổi lá trà trong chén.

Hoa Du Khiêm cời than trong lò nấu trà: "Hồi ấy cứ mỗi lần trời mưa to, anh lại thích rủ người ta ra ngoài đường đi loanh quanh. Tôi thì chỉ muốn nấp vào đâu đó chong đèn, nghe mưa đọc sách. Anh nói anh có thời từng ở trên sa mạc, ngày nào cũng bị nắng nóng thiêu đốt nên đâm ra cứ thấy mưa, thấy nước là mừng, chỉ muốn ngắm nó mãi."

Từ Diễm uống trà.

Người kia lại nhìn hắn, nhẹ giọng: "Cẩn An à, mưa to gió lớn có gì là tốt? Tôi chỉ mong sóng yên biển lặng. Năm xưa Đoan vương Lưu Hoành dấy binh tạo phản tuy nói là đại nghịch bất đạo nhưng chẳng phải duyên cớ sâu xa cũng là do Thượng hoàng đối đãi bất công, thiên vị huynh đệ trong cùng một nhà đấy ư? Mấy năm nay trong triều bất an, biên thùy lục đục. Hôm qua anh cũng thấy thái độ của Thiên tử rồi, tuy nói con đích, con thứ khác biệt nhưng huynh vẫn ở trên đệ. Dù Thiên tử có bất mãn với Đổng thị, song cũng không nên làm mất mặt Yên vương như thế."

"Ngài nói với tôi những điều đó để làm gì?" Từ Diễm cầm ấm châm thêm trà, hời hợt hỏi.

Thấy hắn như vậy, Hoa Du Khiêm thở dài thườn thượt, nói thẳng: "Vì tôi thấy anh và Yên vương có nét tương đồng."

"Không thể nào!" Từ Cẩn An bật cười thành tiếng, lắc đầu dựa vào bệ cửa sổ, mặc cho mưa rơi ướt áo, cố ý nâng giọng: "Điện hạ gan vàng dạ sắt, mưu trí dũng mãnh! Thần chẳng qua chỉ là một kẻ sa cơ lỡ vận, ngu đức hèn tài, không dám vấy bẩn vạt áo điện hạ!"

Dứt lời, hắn nốc cạn chén, vừa cười như kẻ khờ vừa lắc lư đứng dậy, chắp tay vái bức vách trước mặt một cái rồi bỏ đi.

Hoa Du Khiêm dập tắt lò than rồi cũng đứng lên, đi sang nhã gian sát bên cạnh, ngồi xuống phía đối diện với Yên vương, cười khổ nói: "Điện hạ thứ cho, anh ta là vậy đấy."

Lưu Trang đi tiếp một nước trên bàn cờ trước mặt, đáp lại: "Không cần phải vội. Mưu sĩ chỉ có thể cầu, không thể ép."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com