Chương 11. Tiến gián*
* Tựa chương phiếm chỉ việc quan viên cầu gặp vua để khuyên can điều gì đó.
Năm ngày sau khi đón tiếp hai vị hoàng tôn, gió bấc ập vào kinh đô. Qua một đêm mưa tuyết gió vần, hoa xoan tan tác, ngói tường thay màu trắng xóa, mặt đường ướt rượt phản chiếu rạng đông như một dải lụa màu uốn quanh phố phường. Tiết đông rét buốt chậm rãi đâm nhánh trên những ngách, hiên vừa được gột rửa trong vắt.
Mấy hôm sau đó gió vẫn thổi mạnh, khung tre của các sạp buôn dựng trước ngõ Thạch Khê cứ bị cọ xát rít lên kẽo cà kẽo kẹt suốt. Phòng của Từ Tuyển ở sát rìa tường nên thường xuyên bị âm thanh này quấy nhiễu. Đêm nay cũng thế, nghe tiếng động, Tuyển ngồi dậy gõ lên bức vách ngăn với gian ngoài, khẽ khàng gọi: "Tử Kính, Tử Kính."
Đứa đầy tớ liền chạy vào hỏi: "Công tử có việc gì cần tôi?"
"Gió thổi mạnh quá, ta nghe như có thứ gì rớt xuống. Ngươi đi kiểm tra xem sao."
Tử Kính lanh lẹ choàng thêm áo, xách đèn ra ngoài xem xét. Nó vừa đi, tiếng gió càng bị phóng đại, rền rĩ thảm thiết như tiếng của một con thú đau đớn. Từ Tuyển không cầm được bước chân trần xuống thắp nến rồi nhanh chóng quay về giường, lòng chỉ cầu mong gió ngừng thổi trong giây lát. Chẳng bao lâu sau Tử Kính trở lại, tay cầm theo một cái thúng: "Công tử ơi, hạt xoan của người bị gió thổi lật rồi! Tôi muốn nhặt chúng lại nhưng bây giờ tối quá, chẳng thấy rõ trời đất gì cả!"
Tuyển ngạc nhiên đáp: "Buổi chiều ta đã dặn Minh Tiền mang thúng vào rồi, nó quên sao?"
"Công tử muốn tôi gọi nó sang đây không ạ?"
"Đêm hôm khuya khoắt ai lại làm ồn ào như vậy?" Cậu lắc đầu: "Chuyện đã không có gì thì ngươi đi nghỉ đi. Để nến cho ta."
Tử Kính gật đầu rồi trở ra ngoài vách. Từ Tuyển lại nằm xuống, nghe tiếng gió rít mà lòng vô cớ sinh nỗi bất an, bứt rứt. Cuộn tròn trong chăn trằn trọc đến gần sáng, cậu mới chợp mắt được đôi chút, sau đó bị Tử Kính đánh thức, nhanh chóng rửa mặt thay xiêm áo rồi ra sảnh dùng điểm tâm.
Hai anh đều đã ngồi vào bàn đợi cha. Từ Quán thấy mí mắt em út hơi sưng, ân cần hỏi: "Đêm qua gió lớn làm đệ ngủ không ngon sao? Có cần chườm mắt trước khi đi học không?"
Từ Tuyển gượng cười ngồi xuống ghế: "Không cần đâu ạ. Hôm nay tiên sinh bận việc nên không lên lớp, đệ chỉ ở nhà đọc sách thôi."
"Ra vậy, chẳng trách hôm nay đệ ngủ dậy muộn hơn cả A Lương." Từ Quán trêu chọc. Từ Lương thì tặc lưỡi: "Đệ hay nhỉ? Lâu lâu mới có ngày nghỉ mà sao phải mài mông ở nhà học hành? Lát nữa ta sẽ dẫn đệ xuống phố Đông chơi cho biết đường biết ngõ. Minh Tiền, lấy khăn cho công tử của ngươi chườm mắt đi!"
Nghe nói được đi chơi, Minh Tiền cao hứng đáp 'vâng' rồi chẳng đợi công tử của mình nói tiếng nào đã nhanh nhảu chạy đi nhúng khăn. Từ Tuyển không bằng lòng với cách nó xử sự, nhưng không tiện quở trách nên đành nhắm mắt làm theo ý Nhị ca.
Nhác thấy cha ra, Từ Quán dẫn đầu các em đứng lên thỉnh an. Từ Diễm bận quan phục với ống tay áo rộng màu lam sẫm ngồi vào bàn, gật đầu với các con rồi than phiền nói: "Ta sẽ bảo đám tiểu thương lèn chặt lại các sạp của họ, hễ trời trở gió là chúng cọ vào nhau khiến ta cũng đau đầu chứ đừng nói đến Tuyển Nhi ở ngay sát vách."
Nghe thế, Từ Tuyển có vẻ ngượng ngùng cúi đầu. Dùng điểm tâm xong, huynh trưởng và cha lần lượt vào cung. Từ Lương lại sai Minh Tiền đi lấy áo choàng của em út, rồi dẫn Tuyển ra ngoài.
Lương biết rõ em không ưa những chốn đông đúc náo nhiệt nên vừa đi vừa giải thích: "Chẳng bao lâu nữa là tháng Giêng, thanh niên trai tráng khắp nơi sẽ lên đường nhập ngũ, nhà người ta có nữ quyến thì từ bây giờ đã bắt đầu may vá sửa soạn áo quần, mền gối cho con trai họ. Nhưng nhà mình không có phụ nữ, cha anh lại thường xuyên bận rộn, chẳng có thời gian lo cho bản thân, đến áo choàng còn mặc đến sứt chỉ lòi cả ruột bông ra mới chịu mua mới. Vừa hay hôm nay hai ta có thời gian rảnh, tính đệ tỉ mỉ, chúng ta hãy tạt qua phố chợ rồi ghi lại mấy món cần chuẩn bị cho Đại ca."
Tuyển cười 'ồ' lên tán thành: "Thì ra Nhị ca suy nghĩ chu đáo đến thế!"
"Ngày thường ta có lêu lổng lười biếng như nào thì cũng là vì đã có người khác ở bên cạnh suy nghĩ chu toàn thay ta. Nay Đại ca tỏ lòng quyết chí theo đuổi nghiệp binh, trong nhà thiếu vắng đi một bàn tay biết dàn xếp trước sau, tự nhiên ta sẽ bao đồng hơn trước." Rồi anh nghiêm túc nói: "Đệ là người hay chữ nhất nhà, sau này nếu muốn đi thi thì còn phải ôn luyện vất vả nhiều, chuyện nhà lại càng không phân tâm quản lý nổi, chẳng bằng bây giờ ta bắt tay vào làm để về sau còn dễ bề ứng phó."
Nghe vậy, Từ Tuyển thầm giật mình. Cậu chợt nhớ tới cái năm phụ thân bị giáng chức, cả nhà suýt thì bị điều đi tỉnh lỵ; khi ấy gia cảnh hết sức khó khăn, nhịn ăn nhịn mặc còn không gom đủ học phí đóng cho anh em bọn họ. Từ Lương lúc đó mới sáu tuổi đã tự cầm đá đập vào đầu để không phải đến trường làm sinh thêm gánh nặng. Phụ thân vừa giận vừa buồn, về sau cũng không bắt ép Nhị ca đọc sách nữa, chỉ dạy anh chữ nghĩa tại nhà. Sau đó đến lượt Đại ca vừa đủ mười bốn thì thi vào doanh vệ Cấm quân, con đường sách vở cũng dở dang. Vì thế, chỉ có mỗi Từ Tuyển là được học hành đầy đủ.
Tuyển cũng từng tu chí đỗ đạt làm quan, dốc sức dùi mài kinh sử. Nhưng năm mười hai tuổi, phụ thân đột nhiên trần tình rằng cậu có thân phận khác với hai anh, không thể tham gia khoa cử. Tuyển hết sức bàng hoàng, bất giác sinh lòng oán hận, bật thốt: "Nếu phụ thân đã biết vậy thì tại sao lâu nay vẫn không ngừng đốc thúc con đọc sách ôn luyện đến nỗi làm lỡ dở cả hai anh? Có được cái gì đâu!"
Độ ấy phụ thân mới vừa ốm dậy, trên mình chỉ khoác thâm y* như các vị thầy nho trên lớp, mặt mày trầm ngâm, không lộ ra mừng giận đáp: "Uốn cây phải uốn từ lúc còn non, đợi đến khi thân cành săn chắc lại mà uốn thì dở đâu làm gãy cây, lòng người trồng cũng đau xót. Đọc sách, trước là để biết nhân hiếu lễ nghĩa, dựa vào đó mà làm người cho ngay; sau mới đến thi cử đỗ đạt, làm vẻ vang gia môn; chính vì thân phận của con đặc biệt nên mới phải tu thân dưỡng tính từ nhỏ. Còn về phần dạy dỗ hai anh của con thì lòng ta chưa từng hổ thẹn."
* (Khái quát) Trang phục thời phong kiến thường ở dạng "y thường": tức là áo (y) và quần, váy (thường). Thâm y là loại trang phục có phần y và thường may liền thành một mảnh duy nhất, thường được các nho sinh bận.
Nghe thế, Từ Tuyển không cầm được nước mắt, liền phục xuống dưới chân cha mà tạ tội, về sau không bao giờ nhắc đến chuyện này nữa. Nhưng đôi khi nghe ai nói muốn tham dự khoa cử, lòng cậu vẫn nhói lên.
Đi cùng với Nhị ca mồm miệng lanh lợi, Tuyển không cần phải mở lời nhiều, chủ yếu chỉ dạo quanh ngắm nghía chợ phố. Bỗng chạm mắt với một sạp đồ đồng, Tuyển ghé vào nhìn thử, thấy kiểu dáng tinh tế, mấu nối linh hoạt, uốn khắc ra con bướm, con nhạn quay đầu, vỗ cánh như thật; liền cầm lên ngắm nghía thật kỹ.
"Cái này hay quá nè!" Một cậu trai ăn bận đẹp đẽ sải bước đến chộp lấy một con khổng tước điểm thúy, thích thú xếp ra, xếp vào cặp cánh và đuôi của nó: "Đại ca, hay là mua cái này làm lễ vật cho Tứ thúc đi!"
Theo sau cậu là một thiếu niên quý phái trầm tĩnh, nghi dung cả hai có mấy phần tương tự, cũng gật đầu khen rồi bảo: "Món đồ đẹp này mua về để nghịch chơi thì được, đem đi tặng thì tùy tiện quá."
"Lấy quy củ đáp lại quy củ mới là không có tâm tư!" Cậu em nói: "Huynh ở nhà chọn tới chọn lui chẳng vừa ý món nào, mặt mày nẫu cả ra nên ta mới phải kéo huynh đi ra ngoài cho khuây khỏa đầu óc. Ở chỗ Tứ thúc có thiếu cái gì quý báu đâu. Thà kiếm một món đồ lạ mình vừa nhìn đã thích đi tặng thì chân thành hơn chứ!"
Người anh không đáp lại, ánh mắt liếc qua từng món trên sạp rồi dừng lại giây lát trên đôi chim nhạn trên tay Từ Tuyển. Tuyển đặt đồ xuống, khách sáo mỉm cười: "Tôi chỉ đang ngắm, công tử nếu thích thì cứ tự nhiên."
Đối phương cũng cười: "Anh em tôi đến sau, nên nhường cho công tử chọn trước mới phải."
Từ Tuyển kín đáo tìm kiếm bóng dáng Nhị ca rồi lễ phép chắp tay với bọn họ: "Tôi nghe khẩu âm thì đoán rằng hai vị không phải người kinh đô. Khách xa lâu lâu mới lại, tôi sao đặng giành vật báu? Chỉ mong khách xa mừng lòng để người trong ngoài đế kinh lấy làm yên vui."
Nghe vậy, người anh lộ ra vẻ mặt sửng sốt nhưng chưa kịp phản ứng lại thì Tuyển đã lánh đi, lẫn vào dòng khách chợ ngược xuôi.
Lưu Lăng thấy Đại ca ngây ra như phỗng thì huých một cái: "Huynh làm sao đấy? Tự nhiên đờ người?"
"Không có gì." Lưu Cơ buông mắt nhìn đôi nhạn quấn quýt trên sạp, nghiền ngẫm chốc lát, rốt cuộc chọn lấy cả đôi chim lẫn con khổng tước điểm thúy.
Lưu Lăng mua thêm một con voi trắng khắc hoa văn Miến Điện rồi mới hớn hở trở về xe ngựa. Vừa ngồi xuống ghế, Thế tử Cơ bất giác nắm chặt tấm đệm lót dưới thân. Thiếu niên lúc nãy không biết là con cái nhà nào, chỉ nói hai ba câu xã giao mà làm cậu tỉnh ngộ.
Kinh đô không thiếu của báu, hoàng thất quý tộc đã nhìn quen, vậy chẳng bằng cứ dựa theo tính cách của bản thân mà chọn quà đáp lễ, ngay thẳng tỏ rõ tấm lòng mình.
Nghĩ vậy, Cơ quay sang bảo em: "Đôi chim kia lát nữa ta sẽ vào cung gửi Thái tử, còn con khổng tước thì đệ hãy đến phủ đưa cho Yên vương."
Lăng hơi ngạc nhiên rồi cũng gật đầu.
Ban trưa, Thiên tử ở điện Cần Chính nghe Chung Thế Toàn bẩm lại chuyện Thế tử Cơ đi viếng Đông cung trả lễ bằng một đôi chim nhạn, ngụ ý chúc Thái tử đẹp mối duyên lành; đích thứ nam Lưu Lăng thì đưa cho Yên vương một con khổng tước làm đồ trang trí. Hai món này đều không quá xa hoa khiến ngôn quan soi mói, vả lại còn mang theo vài phần tâm tư đơn thuần của thiếu niên. Dụ Đế không nói gì nhưng khóe môi lại mơ hồ ngậm cười.
Văn Tuyên vương nghe biết tin này thì cũng ngạc nhiên, sau đó thở ra một hơi, nói với nội thị thân tín: "Xử với Thái tử thì thân tình đúng mực, với Yên vương thì tôn kính mà không gần. Mấy hôm nay dù lo cho Cơ Nhi nhưng vì Thiên tử đang nhìn nên ta không tiện nhiều lời, may mà nó suy nghĩ thấu đáo."
Thiên tử xem trọng hôn sự của Đông cung, tặng đôi chim nhạn thực chất là nương theo ý vua mà nịnh, chứ không vì lấy lòng Thái tử; còn khổng tước tuy sang quý nhưng người đi tặng chỉ là con trai thứ nên sẽ không làm các quan nghị luận.
Hồi bé, Lưu Anh được Thiên tử ưu ái nuôi nấng trong cung cùng với các hoàng tử nên ít nhiều cũng hiểu tính tình người chú cửu ngũ* này. Mỗi khi có vị hoàng thân nào đến tuổi phong vương lập tước, Dụ Đế đều đình hoãn một khoảng thời gian để quan sát rồi mới ra chiếu định phong hiệu và thái ấp. Năm xưa có Tĩnh vương Lưu Trị từng tranh chấp với Ngự sử giữa điện Kim Loan, sau đó bị Thiên tử ban cho thái ấp ở mãi vùng Tây Bắc xa xôi, mấy năm liền không có lời triệu về. Mai này gặp lại, chỉ thấy Tĩnh vương xám người hẳn đi, không còn kiêu ngạo như trước.
* Hào 95 trong quẻ Càn của Kinh Dịch, có hình tượng rồng bay lên trời; do đó, ngôi vua được gọi là cửu ngũ.
Có tấm gương của Lưu Trị, Lưu Anh tự biết điều, từng bước cẩn thận dè dặt mới được như hôm nay. Y chỉ mong hai con trai hiểu được lòng mình.
Khi ánh tà đỏ thẫm chực buông xuống, Lưu Anh đang sửa soạn xuất cung thì bất ngờ hay tin Tằng Kính Viêm tiến gián cùng với hai ngôn quan khác, tâu rằng: Thời gian này Văn Tuyên vương chủ trì gác văn đàn, ngỏ ý với các học sĩ và nho sinh biên soạn đồ thư; bên người Đông cung lại có một nội thị họ Tiêu, thường xuyên theo hầu Đông cung đến Tập Hiền viện nghe giảng. Có lần Đông cung sai Tiêu hoạn quan sang giúp Văn Tuyên vương hiệu đính chiếu tập, Tằng Ngự sử hặc rằng như vậy là không hợp quy tắc, lại dẫn chứng Thái tử nhiều lần cho nội thị thân cận cùng vào gác nghe giảng, đanh thép chỉ ra việc ấy là "dung túng thiên vị, nuôi mối họa ngầm", nhỡ các nội thị khác đua đòi bắt chước thì sẽ gây họa thiến hoạn can dự triều chính; trình xong, liền kiên quyết cầu xin Thiên tử cắt chức ban hèo, đuổi Tiêu hoạn quan khỏi cung để răn đe làm gương.
Lưu Anh nghe mà giật thót, đúng thật là có việc này: hôm ấy Thái tử thấy bên văn đàn bề bộn thiếu người thì sai Tiêu hoạn quan sang giúp, chuyện chỉ xảy ra đúng một lần đó thôi, ngờ đâu lại bị Ngự sử bắt bẻ.
Y hỏi thăm nội thị dọc đường, biết Đông cung đang ở điện Cần Chính thì liền hấp tấp tới đó. Nhưng khi ấy mọi chuyện đã rồi, Thái tử Dung vừa mới rời khỏi điện, đang trầm ngâm đứng dưới mũi băng trong veo buông xuống từ mép mái hiên, vụn tuyết dính trên vạt áo cho thấy lúc đến cũng vội vàng.
Tiêu hoạn quan phục vụ Đông cung từ khi còn ở viện hoàng tử, tình nghĩa chủ tớ sâu đậm, nay chỉ vì một lần tình cờ giúp đỡ mình mà bị đuổi khỏi cung, Lưu Anh ủ dột bước đến, thành khẩn tạ tội với Thái tử.
Lưu Dung đỡ dưới tay đối phương nói: "Đường huynh không thường lên triều, đôi khi quên chú ý quy tắc là chuyện khó trách. Thân là Đông cung, ta vốn phải nêu gương cho văn võ bá quan, chịu phạt là xác đáng."
Y trấn an Lưu Anh đôi ba câu rồi khuyên đường huynh hãy mau xuất cung kẻo muộn giờ. Lưu Anh khăng khăng phải hành đại lễ với y mới chịu đi.
Lưu Dung vẫn còn lần lữa ở sân điện, vạt áo dính tuyết bùn gợi lên vẻ phong trần xa xăm, ánh tà đỏ sậm nhuốm lên tóc mai một vòng cung như vầng triều thiên* vấy máu. Không rõ là qua bao lâu, y trông thấy Tiêu Tử Tô bị điệu giữa hai hoạn quan, mình đã cởi áo bào đai ngọc, chỉ quấn một tấm thâm y giặt đến mức ngà màu. Gã thấy chủ thì đứng lại, dầu thân vừa chịu đòn nhưng vẫn xếp tay ngang mày quỳ xuống vái một cái thật sâu, dáng điệu thê lương nhưng không mất đi cung cách tự trọng vốn có.
* Vương miện; mũ vua.
Nhìn gã đi xa, Lưu Dung mới chậm rãi dời bước về hướng Đông cung, nghi trượng lặng lẽ theo sau gót, dòng người phác ra một dải bóng dài thượt như nét sổ bút trên nền gạch trắng của cung thành nguy nga. Đi xa điện Cần Chính, y gọi một đứa nội thị tiến lên. Nó tên Ngô Cư, năm nay xấp xỉ mười bốn. Y thấp giọng dặn dò: "Đi phủ Nội Vụ truyền lời của ta."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com