Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 20. Mẫu đơn anh

Lưu Dung dời mắt khỏi tấm giấy xuyến trải trên mặt bàn gỗ lê, hỏi lại lần nữa: "Đổng Húc đến nhà Thái bộc?"

Nghe ám vệ khẳng định, cặp mắt Thái tử bén lên trong sát na*, nhưng ngay lập tức y đã khôi phục vẻ đạm nhiên, tiếp tục nhúng mực phác họa đường nét khung hình, hạ bút rất đỗi thờ ơ, vậy mà những nét vuông, thẳng, cong, tròn tưởng như tùy tiện ấy vẫn dung hòa ra dáng lầu gác, cây cỏ: "Hai người họ nói gì? Có nghe được không?"

* Khái niệm thời gian trong Phật giáo, có nghĩa là "niệm khoảnh": ý nghĩ lóe lên.

"Thưa không, Vệ úy thính tai, tiểu nhân không thể lại gần."

"Ừm." Lưu Dung dùng ngón trỏ mở nắp tráp đựng mực màu, đổi bút, lấy nét đan thanh điểm tô trên cành mực nhánh nước. Dáng vẻ y chăm chú, khóe môi ngậm cười tao nhã như thể toàn bộ tâm trí đều đang đặt vào bức tranh trước mặt, ra dấu cho ám vệ nói tiếp. Gã tâu: "Tiểu nhân còn có một phát hiện, ban đầu định sẽ điều tra kỹ hơn nhưng sau khi cân nhắc thì cho là nên bẩm báo với điện hạ."

Thái tử cho phép gã nói, vừa nghe thấy điều đó thì nhướn mày lộ vẻ ngạc nhiên: "Thật ư?" Dù vậy, bàn tay đang đi nét chẳng hề có dấu hiệu run, sẩy, hay lệch một li chuẩn mực, tựa hồ cảm xúc trên mặt và hành động trên tay là hai thứ hoàn toàn tách biệt với nhau, y trầm tư giây lát rồi bảo: "Chuyện này ta cũng là lần đầu tiên nghe, ngươi hãy đến chỗ Ngạn Công hỏi thử."

"Vâng."

"Mặt khác," Thái tử gác bút, "Đổng Chiêu Nhuận miệng lưỡi xảo quyệt, dễ làm nhiễu loạn lòng người, đừng để hắn quấy rầy Thái bộc nữa."

Ám vệ cẩn tuân rồi ẩn mình vào trong bóng tối. Lưu Dung cất bức tranh vẽ dở, sau đó truyền Triệu Mạnh Đức vào: "Ngày mai khi cổng cung mở, ngươi chọn lấy vài bánh trà tiến cống đợt này đem biếu Ngạn Công, nói là ta hiếu kính ông ấy."

Hôm sau, vừa tảng sáng Triệu Mạnh Đức đã đem quà đến phủ Quận công thăm hỏi. Ngạn Công nồng hậu mời gã vào ngồi, nói mình vừa mới sai nhà bếp làm vài món điểm tâm theo công thức quận Ngạn, trao cho gã đem về Đông cung. Mạnh Đức mang tráp bánh trái về giao cho nhà bếp, đến bữa chiều thì dâng lên Thái tử. Thái tử cũng không kiêng dè gã, y nhìn ngắm đĩa điểm tâm giây lát, đoạn dùng đũa chẻ một miếng bánh nếp nướng làm đôi, gắp mẩu giấy được giấu bên trong ra, thản nhiên xem rồi đốt trụi.

.

Sau tuần lễ bái, bộ Lễ dâng lên các chữ lành để chọn làm thụy hiệu cho đức ông, Dụ Đế chọn lấy chữ 'Liệt' rồi hạ lệnh làm minh tinh*. Sau khi minh tinh được giương lên, Thiên tử chính thức phát tang trên toàn quốc, chuông chùa khắp kinh kỳ đồng thời ngân vang, Hoàng thành mở cổng cho phép dân chúng tiến vào bái lạy linh cữu Liệt Đế trước khi ngài lên đường tiến nhập hoàng lăng. Trong vòng một tháng kể từ lúc phát tang, người dân đế đô phải kiêng cữ rượu chè, không mặc trang phục sặc sỡ vui tươi. Các phường hát múa mua vui bị dán phiếu lệnh cấm mở cửa, có lính lệ thường xuyên kiểm tra. Bá quan sớm chiều mặc tang phục vào chầu. Mặt khác, hôn lễ được trông đợi sẽ cử hành vào tháng Ba này của Thái tử đương triều cũng bị dời lại ít nhất là sang năm.

* Cờ nêu: miếng lụa đỏ hay dải vải dài ghi tên tuổi, chức vị của người khuất trong tang lễ.

Trong cảnh tang tóc này, điều vỗ về lòng người là Thiên tử đã lâm triều trở lại. Tuy nhiên, các Ngự y nói dung nhan Thánh giá vẫn chưa bình phục nên trước ngai được giăng thêm một tấm rèm bằng sa vàng, đỉnh rèm trang trí tua ngọc kết từ thạch anh, san hô, trân châu và mã não. Quan lại cầu kiến Thiên tử cũng không gặp trực tiếp như trước mà phải sang trắc điện, đứng cách một tấm bình phong để thưa chuyện.

Sau khi nghe biết Văn Tuyên vương đã tận tụy hầu hạ những ngày cuối đời và thương tiếc Liệt Đế như thế nào trong tang lễ, Thiên tử đã lập tức phái hai Ngự y thân cận đến bắt mạch cho hoàng thân, đồng thời ban thưởng vàng ngọc thuốc quý. Dầu đang yếu nhưng Lưu Anh vẫn khăng khăng dậy khỏi giường để rập đầu tạ ơn, Thái tử đi cùng với Ngự y đến thăm liền nâng hoàng thân về lại giường. Không thấy hai cháu đâu, Thái tử hỏi, Lưu Anh nói hai đứa đang ở Hàn Lâm viện nghe văn đàn thảo luận. Lưu Dung có chút ngạc nhiên: "A Cơ đến đấy thì ta còn hiểu, vậy mà A Lăng cũng chịu ngồi yên nghe các thầy đàm đạo à?"

"Tinh hoa văn chương khắp thiên hạ đều tụ hội ở đế kinh, hiếm khi có cơ hội tiếp xúc với các nhân sĩ danh thần, thần chỉ hận không thể ngày nào cũng bắt chúng nó đi nghe cho thanh tỉnh đầu óc." Lưu Anh ngậm cười.

Thái tử cảm khái: "Hồi xưa phụ hoàng thấy Văn Tuyên chăm chỉ đi gác văn đàn, trở về cũng nhắc anh em ta đến đó nghe chung. Nhưng ta chưa bao giờ lây được tinh thần hiếu học của Văn Tuyên, đầu óc cứ lùng bùng hết cả lên, vừa về cung là chỉ muốn nằm ngủ. Đến bây giờ ta vẫn không đủ tỉnh táo nghe các thầy đàm luận suốt như vậy đâu."

Lưu Anh liên tục cười nói 'không dám', Thái tử ngồi thêm chốc lát rồi về cung. Y trải bức tranh lần trước ra vẽ tiếp, sau khi hoàn thiện thì truyền Ngô Cư đem tranh đi phơi khô rồi cắt lấy bức này thay vào bình phong chắn gió trên sập.

Hôm trước Hoàng tử Hân đem bài tập đến Đông cung thỉnh giáo, dù được gợi ý nhưng cậu nhỏ vẫn nghĩ không thông, thế là lăn ra sập nhõng nhẽo, vô tình đá chân làm rách bình phong của Thái tử. Bấy giờ, Lưu Hân đang bắt đầu tiếp xúc với hội họa, tương đối hứng thú với việc nguệch ngoạc bút nghiên, vì thế hứa hẹn sẽ đền cho Thái tử một bức tranh khác. Sau đó, nhóc về cung lấy giấy vẽ vài đường, đắp màu cho sặc sỡ là đã tự cảm thấy mình vẽ rất đẹp, hí hửng đem đến Đông cung. Thái tử cười nhận nhưng dĩ nhiên không thể đem 'tuyệt tác' này ra làm bình phong.

Hai ngày sau, Lưu Hân lại chạy sang Đông cung, rất mong ngóng nhìn thấy tranh của mình được Thái tử thưởng dùng. Nhóc rối rít xem trái ngó phải, ngạc nhiên chỉ tay vào bình phong hỏi: "Tranh này là của ai vậy?"

Ngô Cư cười đáp: "Dạ bẩm, hôm qua Thái tử ghé qua họa cục, trông thấy bức tranh này vừa ý nên lấy về làm bình phong ạ."

Lưu Hân hoài nghi hỏi tiếp: "Thế tranh của ta ở đâu?"

Ngô Cư vẫn cười rất thân ái: "Thái tử quý trọng tác phẩm của tiểu điện hạ nên đã căn dặn nô tài cất giữ cẩn thận rồi."

Lưu Hân gật đầu, xem chừng đã tin, sau đó vẫn dào dạt mong chờ nói: "Vậy ngươi có biết Thái tử ca ca nhận xét tranh của ta thế nào không?"

Ngô Cư đánh mắt cho Hành Chi. Cô uyển chuyển tiếp lời: "Thái tử điện hạ nói rằng tranh của tiểu điện hạ tỉ mỉ hài hòa, rất có tâm tư ạ."

Nghe bọn họ người tung kẻ hứng khẳng định, bấy giờ Lưu Hân mới nhoẻn cười tươi rói, hồ hởi leo lên sập ngồi ăn mứt sấy, đoạn ngắm nghía bức tranh mới thay trên bình phong, hất cằm ra vẻ: "Hừ, bút pháp này rất có ý tứ, xanh đỏ hài hòa, cũng tàm tạm."

Các cung tì nội thị cùng cúi đầu, cố gắng nhịn cười.

Thái tử vừa bước vào cửa đã thấy Lưu Hân đang ngồi trên sập chỉ trỏ bình phong. Bọn cung tì hành lễ với y, đánh động cậu nhỏ quay đầu, nhảy xuống sập chạy đến nói: "Ca ca, huynh lấy tranh của đệ làm bình phong đi."

Nghĩ đến 'tuyệt tác' vẽ vời nhăng nhít nọ, Lưu Dung ôn hòa hỏi lại: "Sao vậy? Tranh này không hợp ý đệ à?"

Lưu Hân làm vẻ mặt rất ư là nghiêm trọng, trả lời: "Ca ca, tranh này trông qua thì đẹp mắt nhưng mà người vẽ không có tâm."

Lưu Dung cảm thấy thú vị, dắt tay hoàng đệ nhỏ tuổi trở về sập, chỉ vào bình phong hỏi nhóc bút pháp này như thế nào. Lưu Hân đáp lại nguyên si, 'không có tâm ạ', cứ đinh ninh đây là tranh do học sinh nào đó vẽ chứ chẳng phải chính tay Thái tử hạ bút. Lưu Dung hỏi tiếp là không có tâm ở chỗ nào, nhóc không cần suy nghĩ liền chỉ vào cây đào ở góc tranh: "Hình dáng hoa đào này trông như mẫu đơn, không giống với loài hoa nào trong cung. Người này không chú ý nên vẽ sai rồi."

Nghe vậy, Hành Chi hơi giật mình nhìn sang sắc mặt Thái tử. Song, Lưu Dung chẳng chau mày lấy một cái, trầm ngâm giây lát rồi mỉm cười: "Đúng là đã vẽ sai, tay nghề thợ này kém quá, lát nữa ta đổi bức tranh khác vậy."

Lưu Hân đáp ngay 'đúng đó', hồn nhiên nhón một miếng lê khô bỏ vào miệng rồi kéo tay Thái tử nói này nói nọ, ngồi chơi cho đến khi bóng ngã về Tây, nhóc mới lon ton đi về.

Thái tử không nói gì, đi vào thay xiêm y để chuẩn bị dùng bữa như thường lệ. Ấy vậy, Hành Chi lại đột nhiên sai Ngô Cư đi đổi bức tranh trên bình phong. Nó không hiểu, do dự hỏi lại, Hành Chi nghiêm mặt nói: "Nếu điện hạ hỏi đến, ngươi cứ đáp là ta bắt ngươi làm." Ngô Cư đành vâng lời, nhưng vì không dám làm tổn hại bút tích của Thái tử nên nó cất tạm trong phòng mình. Hôm sau, Thái tử trông thấy khác lạ thì hỏi, nó trả lời đúng sự thực.

Thái tử chẳng những không giận bọn nó tự ý thay đổi đồ đạc, lại còn dặn dò: "Lần sau nếu thấy ta vẽ mẫu đơn anh thì lên tiếng nhắc ta."

Trước đây người bảo quản bút nghiên và tác phẩm thi họa của Đông cung là Tiêu Tử Tô, sau chuyện Tằng Ngự sử tiến gián thì Thái tử đã tự mình cất giữ bút tích, cũng không dẫn nội thần vào gác nghe giảng nữa. Ngô Cư vốn được thầy Tử Tô chọn làm nội thị phục dịch Đông cung, mặc dù thầy rất săn sóc nó nhưng lại chưa từng lưu ý nó về việc này, bởi vậy nó rất đỗi tư lự. Cuối ngày, khi các cung nhân lần lượt về nghỉ, Ngô Cư tìm Hành Chi, mong được cô giải đáp băn khoăn nhưng cô bảo nó sang hỏi Triệu Mạnh Đức.

Mạnh Đức đón nó vào phòng rồi cẩn thận lắng nghe, thấy nó lễ phép, gã hạ giọng ôn tồn: "Hồi đó ngươi còn nhỏ nên chưa biết. Sinh tiền trung cung yêu chuộng hoa đào, vào năm Cảnh Diệu thứ tư, có một mệnh phụ dâng lên Khôn Ninh chậu đào xuất xứ từ nước Phù Tang, hình dáng mềm mại mỹ lệ, đặc biệt ở chỗ hoa nở trông giống mẫu đơn – mà mẫu đơn thì đại diện cho bậc quốc mẫu. Vì thế, trung cung ưa thích vô cùng, người bèn ngỏ lời với Thiên tử, bệ hạ ưng thuận sai sứ giả vượt biển đến Phù Tang đem giống hoa đào này về trồng trong cung.

"Độ ấy, hễ cứ dịp mẫu đơn anh nở rộ, Khôn Ninh sẽ tổ chức hội hoa, mời các cung quyến mệnh phụ vào thưởng lãm, bản thân Thiên tử cũng cảm thấy vui thích, thường dẫn nhân sĩ đến ngâm thơ tác vịnh. Tuy nhiên, chuyện này làm rất nhiều Ngự sử không bằng lòng. Trước đó bọn họ đã can gián một trận khi Thiên tử cố tình mang mẫu đơn anh về trồng, sau này thấy Khôn Ninh làm xiêm y và đồ dùng có hình dáng mẫu đơn anh, tạo nên trào lưu trong giới phụ nữ quý tộc thì họ càng thêm bất bình, liên tiếp dâng sớ luận tội hoàng hậu 'không giữ mỹ đức, lãng phí tài của'. Để xoa dịu Ngự Sử đài, Thiên tử đành hạ lệnh cắt giảm bổng lộc của Khôn Ninh, đồng thời cấm hoàng hậu tổ chức hội hoa và dùng phục sức có mẫu đơn anh."

Ngô Cư hỏi vậy mẫu đơn anh có liên hệ gì với Thái tử? Mạnh Đức lộ vẻ hoài niệm, kể tiếp: "Lúc ta còn là cung phụng quan tại Khôn Ninh, cứ độ mẫu đơn anh nở rộ, bệ hạ thường xuyên dẫn trung cung và đích tử ra vườn ngắm hoa. Mỗi lần như vậy, chúng ta luôn luôn tự giác lánh xa để Đế Hậu được thư thả. Từ ngoài nhìn vào ba vị: khi thì bệ hạ bồng đích tử trên tay, trung cung mỉm cười đi bên cạnh; khi thì bệ hạ và trung cung cùng dắt tay đích tử dạo bước, mày mắt hiền hòa biết bao, cảnh tượng một nhà đầm ấm cũng chỉ đến thế..." Đoạn gã chau mày, "Về sau, các Ngự sử lo ngại bệ hạ chuyên sủng Khôn Ninh làm hậu cung dậy tiếng oán thán, các công khanh đại thần như Đổng Tướng quân, Trường Bình hầu cũng sẽ bất an, do đó bọn họ mới liên tiếp phê bình trung cung, nhất định bắt bệ hạ phải dàn trải long ân. Đã vậy đài gián còn chưa vừa lòng, chờ đến khi đích tử đủ tuổi đến lớp là họ cũng muốn Hoàng tử Dung dọn ra khỏi cung Khôn Ninh, đến cung Trùng Hoa ở riêng."

"Quá đáng hết sức!" Ngô Cư không khỏi kêu lên: "Chẳng nhẽ bệ hạ lại để cho bọn họ làm càn như vậy sao?"

Mạnh Đức thở dài: "Nói đi nói lại, nguyên cớ cũng là từ Liệt Đế, hồi ấy đức ông từng bức tử vài vị sử quan và ngôn quan kiên quyết khuyên can trong vụ Phương thị, sau này Thiên tử muốn củng cố lại Ngự Sử đài nên đã nhường nhịn ban cho họ nhiều thể diện lắm. Bởi vậy, các ngôn quan triều ta có thanh thế quá chừng, chỉ cần bệ hạ đì một người có tiếng nói trong bọn họ thì có thể cả 'tổ ong vò vẽ' sẽ ùa ra chỉ trích bệ hạ là hôn quân muốn chặn ngôn luận người đời, làm tổn hại thánh đức tổ tông ngay."

Ngô Cư lại hỏi: "Nhưng tôi thấy lúc bệ hạ bãi chức của Tằng Ngự sử, bọn họ đâu có phản ứng gì mấy?"

"Trước đây khác, bây giờ khác. Lúc Thiên tử chưa lập Trữ quân, bọn họ nhăm nhe bắt bẻ khắp nơi, cốt để cân bằng quyền lực các phe cánh trong triều. Bây giờ Đông cung đã có chủ, quân thần tá sứ*, tôn ti trật tự đã đâu vào đấy rõ ràng, trừ phi Thái tử hoặc Yên vương có sai phạm đáng nói thì bọn họ cũng sẽ không làm gì tổn hại hòa khí trong hoàng thất."

* Nguyên tắc kê đơn thuốc trong Đông y, phản ánh bốn thành phần (hay bốn vị thuốc): quân là vua, thần là tể tướng, tá là thượng thư, sứ là sứ giả; mỗi vị thuốc có một hàm lượng và vai trò chủ chốt, bổ trợ lẫn nhau.

"Trở lại chuyện chính." Triệu Mạnh Đức nói tiếp: "Lý do bây giờ không còn thấy mẫu đơn anh trong cung là vì sau khi trung cung tạ thế, đích tử bi thương thành bệnh một thời gian, để khuyên nhủ người, Thiên tử đã hạ lệnh đẵn toàn bộ cây mẫu đơn anh, tránh để Hoàng tử Dung nhìn thấy vật mà nhung nhớ đau buồn mãi."

Việc này thì Ngô Cư biết, sau khi bệ hạ đốn vườn đào thì đã hạ chỉ sai hàng ngàn nhân sự rốt ráo vận chuyển các loại cây mai vào cung, ngày đêm vun xới, trồng lại trên mảnh đất ấy thành vườn. Mặc dù bấy giờ Trung Thư Tỉnh chưa nhận lệnh thảo chiếu nhưng hành động của bệ hạ – không còn nghi ngờ gì nữa – đã ngầm tỏ cho triều thần biết rằng ngài sẽ lập đích tử làm Trữ quân. Sau khi nhận sách phong và chuyển vào Đông cung ở, Thái tử đã đề bút đặt tên cho vườn mai mới trồng là "Quân Tử Hiên"; người thường xuyên lui đến Quân Tử Hiên đọc sách nghỉ mát, hoặc gảy đàn cầm, đánh cờ, hoặc chỉ đơn giản là ngồi trong đình ngắm trời mây.

Băn khoăn đã được tháo gỡ, Ngô Cư đứng dậy vái tạ Triệu Mạnh Đức rồi trở về phòng. Nó lục tìm chiếc hộp mà trước khi rời cung thầy Tử Tô đã trao lại cùng với chìa khóa, lúc trao tay, thầy vén mành ra hiệu xin được chút ít thời gian rồi nhẹ nhàng nói với nó: "Thái tử thiện bút nghiên, ưa thích thi họa, mỗi lần viết chữ hay vẽ tranh luôn đặc biệt chú tâm, ngoài những tác phẩm được lưu trữ ở Hàn Lâm viện và thư phòng ra thì còn lại một số bút tích, bản phác thảo hoặc tranh vẽ hỏng của điện hạ cũng được ta giữ gìn tại đây. Con hãy giữ lấy chúng."

Nó hỏi vì sao vậy ạ? Thầy đáp: "Nói một hai lần thì con chưa hiểu được đâu. Con chỉ cần biết: những thứ này đều có ý nghĩa với điện hạ, chỉ là trong lòng người có khúc mắc, chưa thể nhìn thẳng vào. Đó giờ người ngự trong tường vây cung cấm, sinh trưởng giữa nhung lụa vàng ngọc cùng với ngôn luận săm soi, chẳng khác nào phượng hoàng mắc kẹt giữa lồng son, đôi lúc không nghĩ thoáng được thì người rất dễ bị cảm xúc chi phối mà hành động thiếu sáng suốt..." Thầy chắp tay xoay về phía chính điện: "Nếu một ngày điện hạ lâm vào tình cảnh đó, dẫu thịt nát xương tan, chúng ta cũng phải ngăn cản người."

Khi căn dặn, gương mặt thầy rất nghiêm túc, còn đôi mắt lại phảng phất nét ưu sầu. Tuy Ngô Cư nghe kỹ nhưng chưa từng hiểu ý nghĩa bên trong. Hiện tại nó cũng chỉ biết âm thầm nhắc lại lời thầy trong khi đặt bức tranh của Thái tử vào bên những cuộn giấy khác, đóng nắp, khóa lại, rồi cất đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com