Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 23. Chim hoàng ly*

* Gốc: "Hoàng điểu", tựa một bài thơ trong Kinh Thi. Thời Xuân Thu, vua Tần Mục Công mất thì bắt dân chôn cùng, trong đó có ba anh em họ Tử Xa hiền danh nức tiếng, muôn dân thương xót nên làm bài này.

Trong thư gửi về nhà, Từ Quán kể rất nhiều về phong cảnh Bất Độ Quan: "Từ hạ nguồn sông Di tiến về Bắc, chỉ thấy thảo nguyên bát ngát xanh rì, gió lùa cánh đồng rạp xuống làm lộ đám mục súc quây thành đàn. Tiến lên phong hỏa đài, mỏi cổ ngước nhìn vách đá dựng đứng dọc hai bên tường thành, đỉnh ngút trong mây, tưởng như cặp núi Bất Chu chưa bị Cộng Công xô đổ. Phía trước cửa ải là nghìn dặm hoang mạc sỏi đá, bụi cát che lấp chân trời, ưng kền gắt tiếng liên hồi. Song, chỗ kỳ diệu nhất phải đợi đến khi đêm xuống, màn trời trải ra như cuộn tranh chứa vô số tinh tú xoay vần, xếp thành muôn hình vạn trạng thế thái..."

Từ Lương xung phong đọc thư cho cả nhà nghe, ban đầu cố tình bông đùa bắt chước ngữ điệu của huynh trưởng, nhưng đến đoạn tả cảnh thì cầm lòng chẳng đặng đọc chậm từng câu, cốt để thông qua con chữ cảm được cái hùng vĩ tráng lệ của thành lũy Bất Độ Quan.

Thư được đọc xong, mọi người hãy còn cảm khái không thôi. Cặp mắt Từ Tuyển long lanh, cậu cười nụ: "Xưa nay con chỉ biết ải Bất Độ hung hiểm khôn cùng, người đời đều sợ chốn ấy, trong tiếng Ngụy nó còn được gọi là Cửa Suối Vàng, thế mà nghe huynh trưởng tả thì con cứ tưởng anh đang ở chốn đào nguyên nào đó."

Cái tên Bất Độ Quan hàm nghĩa "cửa ải không thể vượt qua", quân Ngụy gọi nơi ấy là Hoàng Tuyền Quan bởi địa thế hiểm hóc nằm kẹp giữa hai sườn núi đứng. Trong lòng núi là chốn cộng cư của nhiều loài ưng, thứ chim này mỏ khoằm vuốt sắc, hoang dại dữ tợn, lữ khách cứ nghe tiếng chúng kêu thét là tránh xa ngay, thế mà quân nhân của Bất Độ thì chung sống với chúng. Dân phương Bắc gọi bọn họ là "ưng binh" vì hễ bộ đội xuất chinh thì chim dữ bay tứ tán. Suốt hàng nghìn năm nay, Bất Độ Quan luôn là thành lũy trọng yếu canh phòng các mối đe dọa từ phương Bắc.

Thuở thiếu thời, Từ Diễm thường xuyên theo chân thầy rong ruổi khắp đại mạc, có lúc họ ngủ lại giữa chốn hoang vu ba bốn đêm, lần nào hai thầy trò vác mặt mũi đen nhẻm trở về cũng làm công chúa cáu giận cấm cửa mười ngày nửa tháng. Đôi khi Lý Đông Đình nổi hứng thì còn chẳng buồn mang theo nửa bóng vệ binh, hai thầy trò mỗi người chỉ quấn một tấm vải lanh, giắt cung lên vai mà xông pha xứ cát vời vợi. Từ ranh giới núi Mã đi về phương Đông, cát vàng phủ khắp tứ bề, tiến thêm trăm dặm mới thấy cỏ cây cháy sém mọc xiên xẹo trên bãi đá gập ghềnh. Thình lình đập vào mắt họ là dãy núi đồ sộ dựng lên như thành quách, vết đao trời chém rạch ra chính giữa một khe nứt sâu hoắm. Lý Đông Đình chỉ tay về hướng đó, nói bằng tiếng Ngụy: "Cẩn An, kia chính là Hoàng Tuyền Quan."

Thầy tháo chiếc tù và sừng trâu đặt lên môi, lấy hơi căng ngực thổi một hồi dài. Gần như ngay lập tức, có tiếng tù và trầm hùng dội vang rúc lên đáp lại thầy, một bầy chim dữ kêu thét tung cánh vọt ra như hơi thở đen ngòm phun trào từ hẻm núi.

Khoảnh khắc đó, Từ Diễm hết sức choáng ngợp, trái tim đập mạnh và loạn nhịp trong niềm rung động cháy bỏng. Lý Đông Đình áp sừng trâu lên ngực, cặp mắt phản chiếu hòn lửa bỏng rẫy đang lăn xuống trời Tây, ngữ khí chẳng giấu niềm tự hào: "Đó là Bất Độ Quan, thành lũy bất khả xâm phạm của chúng ta."

Họ ngồi trên lưng ngựa, quên đi cơn khát nứt nẻ trên môi và nỗi mệt nhọc nhớp nháp suốt chặng đường dài, ngắm nhìn ải Bất Độ tắm nắng đỏ sậm chìm vào bóng tối. Rồi, từ trong sắc mực tràn lần lượt hiện lên từng bó đuốc, một toán kỵ binh chạy ra vây lấy bọn họ. Đối phương gọi thầy bằng nhiều danh xưng: 'Lý thiếu quân', 'Lý phò mã', hoặc thân thiết hơn là 'Công tử Đình', lại có một quân sĩ đội mũ đính lông cắt, đeo trường cung trầm ngâm quan sát Từ Diễm, hỏi thầy: "Đông Đình, thiếu niên này là cậu nhà anh sao?"

"Học trò tôi." Thầy sửa đúng rồi mỉm cười bổ sung: "Tuy vậy, cũng không khác con trai là mấy."

Từ Diễm tỉnh lại từ trong hồi tưởng, nhìn hai người con, lần đầu tiên tiết lộ cho chúng về biểu tượng vẻ vang trên miếng giáp mũ được đặt bên cạnh Từ Quán: "Người đời đều sợ Bất Độ Quan nhưng chúng ta thì không được như vậy. Hãy biết tự hào, vì chảy trong huyết quản huynh trưởng các con là dòng máu can trường của hàng nghìn thế hệ quân sĩ ưng binh." Đoạn hắn rảo mắt qua từng người đang đứng hoặc ngồi trong sảnh, "Vì vậy, từ nay ta không muốn nghe ai nói mình sợ Bất Độ Quan ở trước mặt ta."

.

Độ sang thu, quốc triều sẽ đưa linh cữu tiên vương tiến nhập hoàng lăng. Nhận lời truyền của Dụ Đế, các nước có quan hệ bang giao với Đại Tấn đồng loạt sai sứ giả mang lễ vật đến viếng thăm đức ông lần cuối. Bởi vì các sứ phải đi đường gấp gáp để kịp thời gian, lập tức, có chiếu lệnh từ Trung Thư Tỉnh đưa xuống Thái Bộc tự, yêu cầu bổ sung la lừa bò ngựa, lương phẩm thuốc men (cho thú) tại các dịch trạm quan lộ để kịp thời chu cấp khi sứ đoàn đến nghỉ chân.

Do đó, Từ Diễm tương đối bận rộn vì việc này. Hưu mộc nhật*, hắn bị con trai nằn nì rủ đi xem hát, cự mấy câu chiếu lệ rồi cũng ưng thuận. Lương mừng húm nói: "Bao lơn tầng hai con đã đặt trước rồi, ghế này xem thấy toàn cảnh sân khấu, con phải tranh đến sứt đầu mẻ trán để giành được đấy. Lâu lâu người ta mới mời được cô đào nức tiếng mà, con muốn đi xem cho biết."

* Lệ làm quan cứ mười ngày sẽ được nghỉ phép để tắm gội (mộc), vì vậy ngày nghỉ được gọi là "hưu mộc nhật".

Xế chiều, cả nhà đánh xe đến phường hát Đỗ Môn bên phố Tây, hai bên đường lớn đèn đuốc sáng rỡ, bóng ngựa dập dìu. Du khách áo mũ xúng xính lùa bước xăm xăm, văn sĩ áo dài đai rộng đạp thanh thưởng ngoạn, không thiếu xe son màn gấm cất giấu tiểu thư thế gia phấn hương vấn vít, hợp cùng bóng xiêm y lái buôn người Hồ, Tiên Ti, Cao Ly, Miến Điện đan xen trải ra như cuộn tranh đắp màu rực rỡ. Thoạt nghe, ngôn ngữ giao thoa; thoạt trông, gấm hoa khắp thành.

"Bây giờ chẳng mấy thấy khách Tây Dương* nhỉ?" Từ Tuyển ngắm nghía bảo. Lương đáp ngay: "Phải đó, từ khi hoàng thân Đông Hải tăng cường kiểm soát cảng biển thì lái buôn Tây Dương lên kinh ít hẳn. Tuy các mặt hàng gia vị và dầu thơm của họ vẫn lưu hành trong kinh nhưng hai ba năm nay chúng ta chẳng thấy người Tây Dương mắt xanh đội khăn xếp, trên ngón tay đeo nhẫn hột xoàn và vòng cổ trân châu xuất hiện nữa."

* Các nước châu Âu.

Từ khi Ngụy xâm lăng Chiêu, người Nữ Chân và triều Tấn tranh giành đất đai thì con đường tơ lụa về hướng Tây Bắc bị bế quan. Các lái buôn buộc phải chuyển sang đường biển phát xuất từ cảng Đông Hải dong buồm xuống phía Nam rồi cập bến tại Đông Nhung, sau đó tiếp tục thồ hàng đi bộ nhiều tháng để tiến vào biên giới Tây Dương trao đổi hàng hóa. Dưới thời Liệt Đế, thương gia Tây Dương mở hàng trong kinh nhộn nhịp hơn bây giờ, về sau Dụ Đế cảm thấy các lái buôn và du khách Tây Dương quá lộn xộn nên đã áp thêm nhiều loại thuế để hạn chế khách ngoại lên kinh. Cần vương Lưu Sắc thuận theo ý vua siết chặt kiểm soát cảng biển, ban bố sắc lệnh buộc các lái buôn Tây Dương phải trao đổi hàng hóa tại chỗ, không cho phép khách ngoại tiến sâu vào quốc thổ.

Hai anh em đang bàn luận như vậy thì xe chợt dừng bánh. Nghe tiếng xôn xao ồn ã, Từ Lương ngó ra, thấy phía trước cũng có hai chiếc xe đang đậu, mấy thớt ngựa đứng ngáng hết non nửa con đường, vài tay đánh xe lớn tiếng quát mắng một đám người ăn bận như nho sinh đang túm tụm ở đó. Lương hỏi có chuyện gì, Đinh Mậu trả lời: "Công tử đợi chút, tôi đi xem."

Lát sau nó quay lại, giọng lộ rõ bực dọc thưa bẩm: "Lão gia, công tử, phía trước có một đám học sinh đang xuống đường đòi công bằng cho Thôi Sĩ Hiền nên mới nhốn nháo như vậy ạ."

Từ Diễm cũng vén mành xem: "Lính tuần chưa đến dẹp sao?"

"Tôi thấy có mười mấy tên lính ở đó nhưng xem chừng chúng không dám làm gì đám người kia."

Thôi Sĩ Hiền là một học trò của trường Văn Thiện, trực thuộc học phủ Quốc Tử Giám, tháng trước anh ta lên Công Chính đường tố cáo trường tráo đổi bài thi, đánh lận điểm số. Quan thụ lý hôm ấy là Đại Lý Tự khanh Tào Trung. Tào Trung thấy vụ việc chưa thông qua nha môn địa phương mà đã nộp lên Tam Pháp Ty thì không hợp lệ nên bác bỏ đơn trình. Thôi Sĩ Hiền không phục, mấy ngày tiếp theo vẫn cố chấp đòi Tam Pháp Ty xử án. Tào Trung ra lệnh cho lính canh đuổi anh ta đi. Nhưng khi lính tráng kéo Thôi Sĩ Hiền ra ngoài thì không rõ là vô tình hay cố ý đã quẳng người xuống đường, làm anh ta đập ót vào bậc thang gần đó, mất mạng tức tưởi.

Sự việc này kinh động chúng nho sinh, ngay hôm sau họ đã tụ tập một đám đông trước Công Chính đường chất vấn quan sai. Tào Trung nhanh chóng bẩm lên trên rồi sửa soạn xử tội hai tên lính đã ngộ sát Thôi Sĩ Hiền. Nhưng ngay sau đó có người phao tin hiệu trưởng Vương Thúc Đạt của trường Văn Thiện là bạn học cũ của Tào Trung, nghi là có tình ngay lý gian, đám học trò lại đến cửa công làm ầm ĩ.

"Công Chính đường là nơi Thiên tử chỉnh lý luật pháp, rửa sạch oan khiên, nay lại có người mất mạng oan uổng mà không giải quyết thì còn xứng với hai tiếng 'công chính' không!"

"Tiểu nhân họp hùa mưu gian làm chuyện nhơ bẩn trước tòa Văn Miếu! Chúng tôi đều là học trò đọc sách thánh hiền, không thể chấp nhận kẻ gian nịnh sỉ nhục đức Khổng Mạnh!"

"Tào Phụng Quân! Ông xuất thân là hàn môn sĩ tử, cũng từng dùi mài khổ học như bao người, nay lại bị công danh lợi lộc che mờ mắt, có còn xem cái mạng kiến tằm của chúng tôi ra gì nữa không!"

Từ Lương đang ngồi ngó nghiêng hóng chuyện, mới nghe mấy câu đã phải líu lưỡi rụt cổ về: "Đám học sinh này ăn phải gan hùm mật gấu gì vậy? Dám la lối cỡ này ngoài đường thì ít cũng phải bị nọc ra đánh vài chục hèo rồi nói tiếp."

Từ Diễm ấn vai Tuyển Nhi, nói hai đứa ở yên rồi ra ngoài xem xét tình hình. Phía sau có thêm mấy thớt ngựa bị kẹt lại chắn hết con đường. Đám học sinh đằng trước thì bị dăm chục lính và hộ vệ giơ gậy gộc ngăn cản tiếp cận một chiếc xe bánh son thùng chạm, đằng mũi có một người râu dài điểm muối, áo lụa đai da đứng trầm mặc, sắc mặt xám ngoét. Từ Diễm khoan thai tiến lại, chắp tay chào ông ấy: "Trùng hợp quá, Tào đại nhân."

Tào Trung hơi sụp vai, miễn cưỡng đáp: "Thái bộc đấy à?"

Sự xuất hiện của Từ Diễm như thanh phách lệch nhịp giữa vở tuồng đang đà cao trào, nhất thời muôn vàn cặp mắt của đám học trò lẫn các lữ khách đều đổ dồn vào hắn. Hắn tỉnh rụi nói: "Tào đại nhân cũng đi xem hát sao? Chà, phường Đỗ Môn ở ngay đằng trước rồi mà chúng ta vẫn kẹt tại đây chẳng thể tiến lùi. Thôi thì đường nào cũng muộn, nếu ngài không ngại thì cho tôi lên xe cùng xem những người này hát tạm vậy."

Lời nói này không còn nghi ngờ gì nữa đã châm thêm dầu vào lửa, tức thì đám nho sinh tức tối ra mặt với Từ Diễm. Một đứa đầu hàng liếc thấy la bào bội sức trên người hắn, liền cười khẩy hô lên: "Lại thêm một kẻ a dua bợ đỡ, hẳn là cùng một giuộc với bọn Tào, Vương! Hôm nay chúng ta bắt được cả lũ nịnh thần!"

Từ Diễm xoay phắt nhìn gã, đáp: "Vị công tử này sao lại không dưng vu cáo tôi như thế? Tôi chỉ đang khuyên nhủ Tào đại nhân giữ lấy bình tĩnh, ngồi xuống lắng nghe để thấu hiểu lòng dân, chứ nếu cứ tranh nhau nói leo hò la ầm ĩ thì còn gì là lễ nghĩa phép tắc?"

Người đó bốp lại: "Tố cáo nịnh thần, sá gì thân ta?"

"Vậy cho phép tôi hỏi, triều đình đặt ra Tam Pháp Ty để làm gì? Đặt ra trống Đăng Văn để làm gì? Hễ có điều khuất tất, chỉ cần đúng ngày quy định hằng tháng đến Công Chính đường đánh trống kêu oan, ắt sẽ được quan sai thụ lý, miễn là làm đúng theo Quốc pháp thì có ai là chưa từng được thăng đường hội thẩm, xem xét oan khiên? Nếu người người nhà nhà đều bắt chước các anh tràn xuống đường phố la lối om sòm thì có còn kỷ cương phép nước hay không?" Từ Diễm quét mắt qua đám học trò, "Giả như tôi không am hiểu bằng các anh thì các anh trả lời cho tôi xem. Thôi Sĩ Hiền không làm đúng luật, Tào đại nhân từ chối anh ta thì sai ở đâu? Thôi Sĩ Hiền không may mất mạng, Tào đại nhân liền trình lên Thiên tử, xin được điều tra, thế là đã lộng hành làm bậy chưa? Các anh thì sao? Nhìn con đường này đi: ngựa xe ùn tắc, dân buôn mất khách, lữ khách bất bình! Có ai là không bị các anh làm ảnh hưởng đến cuộc sống lao công vất vả? Họ có liên quan đến Thôi Sĩ Hiền sao? Họ không cảm thấy oan uổng như các anh sao? Các anh không bằng không cớ vu cáo làm loạn, đánh mất khí tiết của người đọc sách, thánh nhân có dạy các anh thứ lễ nhạc này không!"

Đứa vừa trả lời Từ Diễm thình lình như bị ai xô mà bật ngửa về đằng sau, nhưng vẫn cãi lại: "Thế còn Tào Phụng Quân và Vương Thúc Đạt? Bầy gian nịnh lấp liếm nhau, chúng tôi làm sao trơ mắt nhìn?"

Từ Diễm nghiêm cẩn chắp tay: "Vậy đúng ngày hăm sáu, mời các anh viết đơn nộp lên Tam Pháp Ty, không cần lo Tào đại nhân có ý dung gian vì quan thụ lý lần này sẽ là Thị lang bộ Hình Tạ Bằng Cử. Nhược bằng các anh không tin Tạ Thị lang thì cứ đến xin hèo để trình lên Thượng thư! Chẳng nhẽ từ thuộc cấp cho đến thượng quan đều họp hùa với nhau sao?"

Quốc triều quy định: trong trường hợp người kêu oan cảm thấy Tam Pháp Ty xử án chưa thỏa đáng thì có thể tiếp tục gióng trống, nhưng để tránh điêu dân càn quấy cứ mặc sức làm phiền cửa công nên người kêu oan sẽ phải chịu trước một trăm hèo cảnh cáo. Mặt khác, Tạ Bằng Cử và Tào Trung không hợp nhau, mấy lần cùng thăng đường thẩm án đều khắc khẩu ra mặt, muôn dân biết cả. Nghe vậy, đám học trò nhất thời mất đi tinh thần, lúng túng xụi lơ. Toán tuần cảnh và hộ vệ của Tào Trung liền nhân cơ hội này quát tháo xua người mở lối, giải tán đám đông.

Tào Trung bước xuống xe xá dài với Từ Diễm. Hắn hoàn lễ: "Xin đừng câu nệ, cho dù hôm nay tôi không lên tiếng vì ngài thì cũng là vì con trai tôi đang có mặt tại đây. Tôi không muốn các con nhìn thấy điều chưa rõ phải quấy mà học theo làm bậy."

Tào Trung hấp háy cặp mắt mờ tối nhìn sang hai thiếu niên ló ra từ xe ngựa ven đường, nếp nhăn trên khóe môi xô lại hé ra nụ cười nhạt nhòa: "Thái bộc thật là người cha hiền hậu." Rồi ông cáo biệt trở lên xe.

Thấy cha quay lại, Từ Lương ton hót nhảy xuống cho người vịn tay. Đến phường Đỗ Môn, mành trúc vừa vén lên, hương thơm đã phả vào mặt, Từ Diễm dẫn các con lên gác, bồi bàn liền dâng bánh châm trà. Hắn nâng chén rượu, ngoái nhìn ả đào nức tiếng Nam Kinh* ở trên sân khấu đang hát dở đoạn "Chim hoàng ly": "Chàng rày đem thân chôn sống, vốn nòi xuất chúng hiền danh! Trông mồ chàng xót hãi chừng, cớ sao Trời lại đang tâm diệt chàng?"

* Tức là "kinh thành (nằm) ở phương Nam".

"Là Văn Hiến hầu." Từ Tuyển quan sát trang phục của kép hát, khẽ reo lên.

Nhu đức văn tĩnh, trung liệt phụng hiến – 'Văn Hiến hầu' là thụy hiệu được Thiên tử truy tôn cho phò mã Lý Đông Đình. Dòng dõi chàng trâm anh thế phiệt, thế hệ nào cũng có con cháu vào triều làm quan, nhưng đương thời chỉ mình chàng "xứng tài thao lược, nuôi chí kinh luân". Đáng lẽ chàng có thể trở thành một nhân vật lừng lẫy trong thời đại này, tuy nhiên từ đời Thái Tổ, để phòng ngừa ngoại thích tiếm quyền nên quy định chồng của công chúa không được giữ các chức vụ trọng yếu. Do vậy, sinh tiền Lý Đông Đình chưa từng được Dụ Đế trọng dụng, mãi sau khi chàng khuất bóng rồi, chúa thượng mới khan khóc: "Từ nay về sau sẽ không còn ai như Văn Hiến hầu nữa!"

Trên sân khấu đang hát cảnh chúa Ngụy chém tay Văn Hiến hầu. Kẻ đóng vai Ngụy tô vẽ mày rậm mắt trừng, vóc người to bè, hông giắt bản đao sáng loáng, giọng ca đè thấp như tiếng dã thú gầm gừ: "Văn Hiến hầu, ngươi có chịu hàng?" Ả đào sắm vai Văn Hiến hầu trút bỏ áo dệt kim tuyến, tóc tai rối loạn, quỳ gối nhưng không cúi mặt, dùng tiếng hát cao vút kịch tính đáp lại: "Dư (tôi) vốn nòi giống hào kiệt, bao năm thúc ngựa lẫm liệt can qua! Nay rơi vào ngõ tận, mặc đại vương chém giết vậy!"

Não bạt gióng hồi, trống dồn nhịp vang. Kẻ diễn Ngụy vương gắt lên một tiếng, bản đao chém xuống, tước kiếm anh hùng. Từ Diễm cầm chén rượu tựa vào lan can, nét mặt chẳng tỏ mừng giận, một chén nối tiếp một chén, linh hồn theo tiếng hát trôi nổi đến phương trời nào...

Sau khi Ngụy khai chiến với Chiêu, đã đuổi đánh người Tiên Ti rời khỏi thảo nguyên để đóng doanh lập đồn tại hồ Khu Diên. Năm Cảnh Diệu thứ năm, Lý Đông Đình trúng kế tiểu nhân, bị quân Ngụy vây bắt giải về đồn Khu Diên. Chúa Ngụy dụ khị thầy không được nên hạ lệnh chém tay. Khi lính vo nhánh mộc dược giảm đau đưa đến bên môi Lý Đông Đình, thầy xoay mặt khước từ, cười nói: "Nếu đại vương thương tiếc Đông Đình, chẳng bằng ban cho tôi một chén rượu mạnh thì hơn!"

Chứng kiến cảnh đó, chúa Ngụy thán phục: "Cô* từ thuở niên thiếu đã lĩnh binh đánh trận, suốt chặng chinh chiến từ Nam ra Bắc từng gặp biết bao kỳ nhân dị sĩ, vậy mà chưa từng gặp ai như Lý thiếu quân! Nếu bây giờ Lý thiếu quân đổi ý hàng phục, cô sẽ dùng ngàn lượng hoàng kim để cất nhà xây phủ cho thiếu quân, xem thiếu quân như tri kỷ mà đối đãi hết lòng!"

* "Cô" nghĩa là người cô độc – tiếng tự xưng của vương hầu phong kiến đối với vua chúa, mặt khác cũng là đại từ vua chúa xưng hô với ý khiêm nhường. Ở đây, Ngụy vương đang xưng hô khiêm nhường để nói chuyện với Lý Đông Đình.

Nghe vậy, thầy ngẩng mặt cười sang sảng, phóng cặp mắt sáng như kiếm bạc về phía chúa Ngụy: "Đại vương, đôi tay của Đông Đình không chỉ đáng ngàn lượng hoàng kim mà còn là mối duyên kỳ ngộ hôm nay đại vương sẽ cùng một lúc đánh mất cả hai!"

Thình lình Từ Diễm đánh đổ hồ rượu, bình sứ lăn lóc, vẩy chất lỏng còn sót lại tung tóe, hương rượu xộc lên thơm lừng một cõi. Các con bất ngờ hỏi han, hắn khoát tay, tỏ ra say sưa xem tiếp nhưng ánh mắt lơ đễnh rảo quanh, tự hỏi trong số những bao lơn kê bình ngọc bày vò vàng, mắc rèm tơ xông hương ấm kia, đâu là nơi người sang ngự đến mà vui lòng xem kẻ hèn này giả ngây giả dại, giãy giụa giữa tấn kịch trong lòng và tấn kịch ngoài thân?

Suốt bốn tháng lẻ ba ngày họ làm tù binh trên đất Ngụy, trừ ra lần hành hình ở đồn Khu Diên, chúa Ngụy không bạc đãi hai thầy trò, lại còn lấy việc đàm đạo săn bắn với họ làm niềm vui. Kể từ khi mất đi đôi tay, thầy yếu người hẳn, Ngụy vương không tiếc tìm hỏi danh y; còn cất cho bọn họ ngụ tại tòa gác cạnh cung điện mình, ban xuống lượt là tôi tớ, chẳng sợ ban đêm hai tên tù binh ở cách vách có thể trỗi dậy sát tâm ám toán gã trong giấc nồng.

Mặc dù thầy có thể hòa nhã khách sáo gọi kẻ thù là 'đại vương' nhưng Từ Diễm không rộng lượng được như vậy. Vô số lần trong lúc theo gã đi săn, một tia sáng băng giá luôn thường trực lấp lóe trong đầu Từ Diễm, rằng: Chỉ cần canh chính xác giây phút gã lơ là mà dùng một mũi tên bắn đi... Nhưng bàn tay Từ Diễm vừa chạm đến dây cung thì ngay lúc đó chúa Ngụy xoay phắt lại, cặp mắt gã như sao lạnh, biến toàn thân Từ Diễm thành ra trong suốt, lòng dạ tim gan phơi bày trần trụi dưới cái nhìn của gã.

"Từ Cẩn An." Ngụy vương nở một nụ cười chẳng mấy thiện ý: "Trẫm nhớ phía trước có vài hang chồn, loài này tai thính mắt nhạy, muốn săn cần phải giương cung mau lẹ nhắm bắn chuẩn xác, hay là ngươi lên trổ tài cho trẫm xem."

Từ Diễm cố giữ biểu cảm trấn tĩnh, ghìm cương tiến lên theo lệnh gã. Dưới những tán linh sam bạc cao ngất, miệng trời hé ra như rãnh vực lộn ngược. Hít thật sâu, mùi nhựa cây ngọt lành gột rửa trí óc thanh tỉnh đến hoảng thần. Từng bước đi tới, xung quanh chẳng nghe âm thanh nào khác ngoài móng ngựa xéo lên xác lá quắt queo, dường như chim muông cảm ứng được tín hiệu thâm hiểm, dè dặt lánh đi trước cảnh rúng động sắp xảy ra.

Tiếng rít man rợ kéo căng – một mũi tên bất đồ ghim vào guốc ngựa, tuấn mã dưới thân Từ Diễm rú lên vọt về phía trước. Như nhận được hiệu lệnh của cuộc đua, lính Ngụy lập tức quát tháo truy đuổi theo sau, liên tiếp bắn tên sượt qua con vật bất hạnh, khích nó lồng lên, hoàn toàn bất tuân người chủ đang ghì lấy dây cương, kêu thét dừng lại. Giặc vừa cười vừa la lối 'săn nó đi! săn nó đi!', phóng tên như tãi. Từ Diễm lọt vào cơn cuồng phong quấy tung trời đất, tai mắt ù đi, trái tim tê dại khi nhận ra âm mưu của chúa Ngụy, song tất cả những gì có thể làm chỉ là bám chặt để đừng ngã khỏi con vật đang tung vó kinh hoàng. Ngụy vương thình lình quát một tiếng, nhấn lẫy nỏ chốt hạ màn rượt đuổi. Tuấn mã tuyệt vọng hí vang, ngã lộn nhào, hất người trên lưng văng ra khỏi yên.

Thoắt choàng tỉnh, Từ Diễm đầm đìa mồ hôi lạnh như vẫn còn nghe tiếng giặc cười ầm ác ý, may thay có thầy ở bên ôn tồn vỗ về, bảo: "Đại vương nói con đã cố quất ngựa chạy trốn nên ngã bị thương." Không đợi học trò giải thích, thầy tiếp lời: "Ta không tin, ta biết con sẽ không làm vậy."

Trong đôi mắt thầy, Từ Diễm biết mình không cần phải nói gì cả, dầu không có mặt ở đó nhưng tự thầy thấu triệt mọi sự xảy ra. Lý Đông Đình dùng bàn tay chẳng còn toàn vẹn lướt qua trán học trò, trầm tĩnh nói: "Dù vậy, ta đoán con đã có cử chỉ khinh xuất. Lần sau đừng làm thế nữa."

Từ Diễm nhớ mình đã đáp lại rằng: "Thân trong tay giặc, con biết mình không làm được gì. Nhưng con sẽ không rời bỏ thầy, nếu thầy phải chết, con chết cùng thầy."

Nghe vậy, thầy cười rộ lên, nơi cặp mắt chan hòa ánh sáng lấp ló vẻ bỡn cợt: "Con sẽ chết cùng ta ư? Con trai, con còn quá trẻ để bàn luận với ta về điểm cuối của một đời người. Ta xứng đáng có một cái kết vẻ vang vì ta đã sống từng ngày đến nay chỉ để chờ đợi thời khắc ấy. Còn con, cuộc đời con vẫn còn dài, chớ bao giờ xem nhẹ tính mạng, bởi biết đâu bằng cách nỗ lực sống tới cùng thì vận mệnh của con sẽ còn huy hoàng hơn ta?"

Nhạc tàn, người tan. Bước ra khỏi phường Đỗ Môn, trong bóng đèn đuốc ấm cúng đối ứng với trăng sao tỏa rợp trên bầu trời Nam Kinh, Từ Diễm dừng chân trên bậc thang, nhìn hai người con trai cười nói rôm rả.

Trong ba mươi mấy năm dạo chơi dương gian của Văn Hiến hầu, phải đến chặng cuối nhân sinh thầy mới được ngôi cao đoái đến tài hoa, thành toàn cho tâm nguyện "làm một việc lớn lao để giúp dân giúp nước" của thầy. Suốt khoảng thời gian đằng đẵng chẳng có đất dụng võ, thầy chẳng khi nào lấy làm nản lòng thoái chí, hoặc đàn hoặc xướng, mặc sức buông thả tâm tình theo hoa xuân trăng thu và những chuyến đi xa, đồng thời, còn bồi dưỡng nên một người học trò...

Đường trần thênh thang, ẩn mình vui sống tự có sự lành vậy*. Từ Diễm xua tan bóng mờ trong lòng, cùng với các con quay về nhà.

* Nguyên là quẻ Thiên Trạch Lý, hào Cửu Nhị trong Kinh Dịch, giải nghĩa nôm na thì hào này diễn tả người quân tử không gặp được thời, vì vậy quân tử lánh đời ở ẩn, tu dưỡng đức tính, dần dần sẽ gặp được điều cát lợi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com