Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 26. Trâm anh

Nguyên họ Nghê là dòng dõi công khanh tiền triều, được Thái Tổ ấm tước Vệ Khang bá, đến nay đã truyền nối hơn ba đời. Bấy giờ trong họ âm thịnh dương suy, cha của Nghê thị sinh được năm gái và ba trai nhưng con thứ mất sớm, đứa út lại thường ốm đau. Khi Nghê thị vào cung thì anh Cả Nghê Toản đang nhậm chức ở châu Doanh, phụ trách giám sát thuế rượu. Trời sinh Nghê Toản mặt tựa Chung Quỳ, lưng như hùm beo. Bình thường anh ta có vẻ tâm ngẩm, song thực chất cũng là một tay ưa chuộng thú nhã, ngặt nỗi bọn văn khách cứ lầm anh ta là côn đồ đòi nợ thuê, trốn nhanh hơn thỏ.

Hồi Nghê Toản được điều đến Doanh Châu, đi ngang qua một mảnh đất dâu hạnh trổ đầy, đỏ vàng liên miên như ánh lửa; chen giữa hàng cây có một đường mòn dẫn vào vườn tược nhà tranh. Trước nhà là rặng tre xanh rì, hàng rào thấp đắp đất phủ rơm, viền quanh là con lạch dẫn nước tưới tiêu. Anh ta vừa ngạc nhiên vừa lấy làm thích thú, bèn sai một đứa đầy tớ vào xin nước trà, cốt để xem thử chủ nhà là người ra sao.

Tên hầu chạy vào, nhìn thấy một người khua gậy trúc đi ra, chưa kịp mở miệng thì đối phương đã nói: "Có phải quan mới đến nhậm chức đấy chăng? Từ cách năm dặm, tôi đã nghe tiếng lục lạc vó ngựa; từ cách ba dặm, thì gió thổi cỏ lay; từ cách một dặm, thì ngọc bội thánh thót. Tôi đã hãm sẵn trà nước, xin mời quan vào ngồi."

Tên hầu hớt hải quay về bẩm chủ nhân. Nghê Toản nghe thấy sửng sốt, lập tức xuống ngựa đi bộ vào trong. Vượt qua hàng rào, thấy luống rau tươi tốt và cửa nẻo mở toang, anh ta tiến thẳng vào nhà, gặp một người ngồi nghiêng trên kỷ. Dáng thư thả như lá chuối dưới mưa, da trong vắt như ngọc Hòa Điền, điệu bộ phong lưu như Trường Khanh* tái thế. Bọn hầu của Nghê Toản nạt y sao không lễ bái, y đáp: "Tôi đã lấy nước tuyết hãm trà thơm mời quan ngồi nghỉ, mà quan còn bắt tôi phải lạy tạ sao?"

* Tên tự của Tư Mã Tương Như, người thời Tây Hán, tương truyền là tài tử tình tứ, phong lưu.

Khi nói, đôi mắt y chẳng một lần dời về phía bọn họ, đâu đó lộ ra vẻ đờ dại khác thường, Nghê Toản giật mình phát giác: người này bị mù.

Linh cảm mách cho anh ta biết đây tất không phải người thường, liền đuổi bọn hầu ra ngoài rồi đến ngồi phía đối diện. Nghê Toản rót trà cho cả hai, khiêm tốn xưng tên rồi thăm hỏi danh tính đối phương. Y cười nhạt: "Thượng quan thân phận hiển quý, chẳng đáng bị tên tuổi tôi làm bẩn tai, cứ gọi tôi là Lý Phong Động."

Nghê Toản còn hỏi thêm vài câu nhưng họ Lý đều làm ngơ. Anh ta đành im lặng uống trà – thứ trà này thơm tho thanh mát, uống vào thấy khoan khoái cả người – đồng thời quan sát bên trong nhà tranh, tới khi bọn hầu gọi mới đứng dậy cáo từ.

Sau khi vào thành nhậm chức và sắp đặt công việc chu tất, Nghê Toản sai người dò hỏi về Lý Phong Động, biết được y tên thật là Lý Ức, dọn đến vùng này độ sáu, bảy năm trước. Bởi vì cư dân chưa bao giờ thấy một người mù nào tháo vát như thế: chỉ với cây gậy dò đường mà sớm lên núi rừng, chiều ra bến nước, ngửi mùi hái quả, nghe tiếng bắt chim, nên đặt cho y biệt hiệu là "Phong Động*".

* Nghe gió chuyển động.

Nghê Toản thầm nghĩ: Trên đời này lắm kẻ bất tài thiếu đức, do không được người ta lý đến nên mới tự xưng là kỳ nhân, nhưng ta thấy Lý Ức không thuộc vào bọn phù phiếm ấy; sau đó nảy ra ý định mời y tới phủ làm khách. Đầy tớ trở về, ấp úng thưa trình: "Lý công tử truyền tôi nói lại: 'Ngài chỉ uống hai chén trà của tôi mà đã định xem tôi như kẻ làm vui cho mình; gọi thì tới, đuổi thì đi ư?'."

Nghe thế, Nghê Toản bèn thay áo, đích thân cưỡi ngựa đi mời Lý Ức sang thăm. Y vẫn không bằng lòng, chau mày dựa vách cửa bảo: "Xưa nay chưa từng nghe nói cái lễ nào như vậy. Quân tử gặp nhau còn phải đưa thiếp mời. Thượng quan vô duyên vô cớ hạ cố đến đây, ai tốt dạ thì nghĩ tôi đức cả lòng ngay, kẻ xấu bụng lại chẳng cho tôi là hạng phách lối sao?"

Nghê Toản hụt hẫng quay về, từ đó càng thêm canh cánh nghĩ ngợi, cố tìm ra phương cách để kết giao với Lý Ức. Bẵng qua một thời gian, nhân dịp Nguyên Tiêu, Nghê Toản mở tiệc rượu đãi bạn bè đồng liêu, trước mấy ngày có sai người đưa thiếp mời cho Lý Ức. Y sờ thấy thiếp này thêu toàn sợi vàng tơ bạc, trả về không nhận. Nghê Toản băn khoăn nghĩ ngợi rồi lấy giấy Tiết Đào*, thấm mực viết một tờ thiếp khác gửi lại. Bấy giờ Lý Ức mới bằng lòng sang thăm.

* Tiết Đào là danh kỹ đời Đường, tương truyền bà thường làm những bài thơ ngắn nên sai người cắt giấy thành khổ nhỏ để khỏi lãng phí. Tài tử đương thời học theo, gọi tên là giấy Tiết Đào.

Đến Nguyên Tiêu, Nghê Toản dậy sớm, vừa đứng trông bọn hầu sửa soạn bàn tiệc vừa nghĩ không biết Lý Ức có quen đường quen lối, nhỡ đâu y va vấp ngã ngựa gì đó thì khốn, nên lại sai thêm hai tên hầu đi hộ tống Lý Ức. Song, chúng đều bị đuổi về. Nghê Toản thấy khí độ của Lý Ức cao trọng khác hẳn người thường, cho là y sẽ không thích ngồi cùng với bọn đàn đúm, vì vậy, dặn nhà bếp làm các món ăn thanh đạm, đun rượu bồ đào dọn cho Lý Ức một bàn riêng.

Chiều xuống, các quan khách đã đến đủ thì Lý Ức mới thư thả xuất hiện. Y đi bộ, một tay khua gậy trúc dò đường, một tay xách gói giấy bọc lá trà thơm, mình bận áo lụa cũ nhưng lịch sự và cao nhã hơn mọi gấm vóc. Nghê Toản đích thân ra đón và đưa y về bàn. Lý Ức từ chối kẻ hầu người hạ, chỉ nhờ người ta chỉ cho vị trí các món rồi tự phục vụ lấy.

Nghê Toản ngồi ở bàn ngoài tiếp khách, sai người đi hỏi Lý Ức muốn nghe vở hát nào, y nói: "Cứ để quan khách của anh chọn, vì họ đến đây cốt chỉ uống rượu chơi bời, còn tôi đến là vì nghe danh Tiết Hồng Độ*."

* Tên tự của Tiết Đào. Lý Ức ngầm thừa nhận Nghê Toản là người tao nhã.

Nghe lời đó, Nghê Toản như đất cằn gặp phải trận mưa, bụng dạ hớn hở, cho là người này hiểu lòng ta. Từ đấy, hai bên thường xuyên qua lại, tình như thủ túc. Lý Ức giãi bày: "Xưa nay tôi ghét nhất là bọn giàu xổi tiêu hoang và lũ quan quyền cậy thế, lần đầu gặp anh, tôi vừa nghe tiếng đã biết anh không phải loại mạt ấy. Nhưng tính tôi đa nghi, chưa rõ có phải anh ngụy tạo dáng vẻ quân tử để mua lấy tiếng thơm, do đó tôi nhiều lần lôi thôi khó chịu. Nay thấy anh dụng tâm đối đãi với tôi, tôi mới tin anh thật sự là người tốt."

Nghê Toản quan sát thấy cử chỉ tác phong của Lý Ức tuyệt nhiên không thể xuất thân từ nhà bình dân, mấy lần bóng gió hỏi han gốc gác của y. Nhưng y cười nhạt nói: "Thân tôi áo vải quần nâu thì lấy đâu ra gia thế, anh cứ hỏi mãi thì tôi đành bảo cha tôi là Hy Hòa, mẹ tôi là Thường Nga*, nhà tôi là trời đất bốn phương này vậy."

* Hy Hòa là vị thần điều khiển mặt trời; Thường Nga tức chị Hằng, ngụ ý cung trăng.

Y đã khăng khăng đến vậy, anh ta bèn không hỏi nữa.

Một hôm, Nghê Toản đang xử lý công vụ thì đầy tớ báo có ông quan họ Tào đến bái phỏng. Anh theo nó ra sảnh, thấy ở đấy có ba gã trai tráng áo lượt quần là vây quanh một ông trung niên sang trọng. Ông đó nói năng nhũn nhặn, tự xưng là Tào Trung, trình ra thẻ bài và công văn thuyên chuyển của triều đình. Hai người uống trà đàm đạo một lúc, rồi Tào Trung hỏi anh ta trong vùng này có ai được gọi là 'Phong Động cư sĩ' không?

Nghê Toản vừa nghe đã biết người đó là Lý Ức, hỏi dò ông ấy tìm y làm gì. Tào Trung trình ra một phong thư, bảo: "Nếu anh biết người ấy là ai, tôi sẽ muôn vàn cảm tạ, bởi tôi đã hứa sẽ trao lá thư đến tận tay anh ta. Cho đến khi hoàn thành lời hứa thì tôi chưa thể rời khỏi nơi này."

Nghe ông ấy bày tỏ thiết tha chân tình như vậy, Nghê Toản không giấu nữa, kể về người bạn của mình. Tào Trung mừng rỡ định rút thoi vàng báo đáp, nhưng anh ta không nhận, chỉ muốn thay mặt ông đưa thư cho Lý Ức. Tào nói: "Vậy tôi sẽ sai một đứa hầu đi cùng với anh."

Nghê Toản đồng ý, thay quần áo rồi dẫn đứa hầu của Tào Trung đến nhà Lý Ức. Anh để bọn hầu đứng ở nhà khách nhòm vào, còn mình thì đi thẳng vào buồng trong, thấy Lý Ức chỉ khoác áo lót nằm ngủ trên giường trúc. Toản vừa đến, y đã tỉnh nhưng vẫn nhắm mắt nằm rịt trên giường, nói: "Nhà tôi chứ có phải sân sau nhà anh đâu mà cứ xăm xăm chạy vào tìm ai vậy? Tìm tiểu thiếp của anh à?"

"Anh đừng có nói linh tinh, tôi làm gì có tiểu thiếp. Còn anh, ông trời đứng bóng rồi mà anh còn nằm đấy."

"Hôm nay tôi ăn sớm rồi đi nghỉ."

"Anh mới ăn xong mà đã đi nằm, lỡ khó tiêu đâm ra ốm thì chỉ thiệt thân anh. Dù anh không muốn thì tôi cũng phải kéo anh dậy." Nói đoạn, Nghê Toản cố tình chụp lên bả vai Lý Ức. Y quát khẽ: 'Đi ra!' rồi lăn vào góc tường.

Nghê Toản bèn cười: "Không còn cách nào khác, tôi đành mang lá thư này trả cho người gửi vậy. Để xem, trên thư viết: 'Gửi Lý Hoài Hữu, bạn Cẩn An'..."

Anh chưa kịp nói xong thì người kia chợt vùng dậy, mặt mày tươi tỉnh cầm gậy trúc đi xuống giường: "Thế ra anh Cẩn An gửi thư cho tôi à? Không biết là việc gì đây? Mau đưa tôi."

Nghê Toản hơi giật mình vì không ngờ Lý Ức sẽ hồ hởi như vậy. Anh ta đặt thư vào tay y, nhìn y rờ rẫm dấu mực trên phong bì, chợt cảm thấy khó chịu: tính ra bọn họ quen nhau đã gần hai năm mà đến hôm nay anh mới biết tên tự của y là "Hoài Hữu"...

Đang buồn rầu nghĩ vậy thì anh ta bị Lý Ức gõ gậy vào chân: "Sao anh còn đứng đấy? Tính nhòm trộm thư của tôi à? Tôi ngửi thấy mùi mực trên tay anh, hẳn là đang làm việc thì bỏ dở chạy đến đây. Về ăn cơm đi, hôm nay tôi không mời đâu."

Vừa nói, y vừa sờ soạng tìm kiếm áo ngoài. Nghê Toản cầm đưa cho y, Lý Ức lại bảo: "Tiện thể buộc luôn dây lưng cho tôi."

Nghê Toản vừa tức vừa buồn cười, thầm nghĩ: Ta đây đường đường là trưởng công tử nhà bá tước, là quan lớn cả một vùng, thế mà riết rồi cái tên họ Lý này quen thói giời đất sai bảo ta như đứa hầu cận, đâu lại có chuyện như vậy!

Anh ta càng nghĩ càng giận, ném dây lưng xuống giường đi ra ngoài. Lý Ức nghe thấy, ngoái đầu nói với theo: "Nhà tôi lều tranh vách đất, nhỡ mà bị đức Quan Công giậm cho sập xuống, đè chết cái thân con kiến tôi đây thì về sau chẳng còn ai làm bạn nhã với anh nữa đâu!"

Nghê Toản phát ngượng, vội vã rời khỏi nơi này, đến tối nghĩ lại vẫn còn tức, định bụng từ nay sẽ không giúp đỡ tên họ Lý kia nữa. Đêm nghĩ thế, nhưng tính anh ta vốn rộng lượng, sớm hôm sau đã không còn giận nữa.

Đầu hạ, có ông bác bà con lâm bệnh, chẳng bao lâu thì mất, Vệ Khang bá không tiện đi xa nên gửi thư bảo Nghê Toản trên đường về kinh báo cáo công tác thì ghé thăm giúp đỡ họ. Anh vâng lời, dời ngày khởi hành lên sớm một tuần và bận rộn sửa soạn, trước hôm đi, Lý Ức bất ngờ ghé thăm. Từ sau vụ thư từ, bọn họ chưa gặp nhau lần nào. Bình thường Lý Ức không thích tiếp xúc với các loại người hỗn tạp ở cửa công nên hiếm khi đến vào ban ngày, do đó, Toản biết ngay là y có việc nhờ.

Anh ta bước vào sảnh, thấy Lý Ức đang gục đầu trên kỷ ho khan. Mới nửa tháng trôi qua, không ngờ nghi dung y tiều tụy thấy rõ. Anh vội hỏi han, y khoát tay nói: "Bữa trước tôi lên núi bẫy thú, không ngờ con ranh đó giãy quá làm gãy cây gậy của tôi. Tôi chủ quan cho là quen đường, sờ soạng đi xuống, không ngờ dẫm nhầm vào cái đầm nhỏ, sau đó bệnh mất mấy ngày. Đến giờ vẫn còn bực đây."

"Hai mắt đã không sáng như người ta mà anh còn ham hố lên núi vào hang! Tôi thấy Diêm Vương chẳng cần chọn ngày chết cho anh đâu!" Nghê Toản nóng nảy bốp lại ngay.

Lý Ức làm bộ nói liền mấy câu xin lỗi, trình ra một phong thư: "Nghe nói anh sắp lên kinh, nhờ anh chuyển giúp lá thư này. Tên họ địa chỉ tôi đã ghi rõ, chỉ mong anh đưa đến tay người nhận."

Nghê Toản đọc được dòng chữ: 'Hồi âm anh Từ, bạn Hoài Hữu' được viết bằng nét chữ dài ngoẵng như rong nước, trong bụng thực tình không vui lắm nhưng cũng gật đầu hứa hẹn. Anh thấy y còn ho thì cho mời thầy lang đến khám rồi mới thả bạn đi, đến ngày thì đúng giờ khởi hành tiến về đế đô.

Ghé nhà bà con, Nghê Toản thay cha mẹ thắp hương, biếu bạc, ở lại giúp đỡ tang ma một ngày rồi tiếp tục lên đường. Độ trung tuần tháng Năm, Toản lên kinh, ngụ tại nhà họ hàng bên ngoại, hết đi thăm hỏi chú bác rồi gửi quà biếu lễ các bạn thân sơ với gia đình, sau đó hỏi han tin tức em gái trong cung, vào triều báo cáo công tác... mãi mới có thời gian để đi đưa thư.

Chiều xuống, Nghê Toản cưỡi ngựa dẫn hai đứa hầu cầm quà biếu đến ngõ Thạch Khê, trông thấy tường vách mộc mạc sơn màu trà, trong sân có cây xoan rậm rì chìa ra trước ngõ. Toản trình thiếp cho tên gác cửa, nó đi bẩm rồi ra mời anh vào, một thiếu niên tầm mười bốn, mười lăm tuổi đứng ra đón tiếp. Cậu bận áo lụa tay thụng, tay phải đeo chuỗi tràng hạt san hô, mặt mũi thanh tú nõn nà, nói năng nhu mì, tên là Tuyển.

Từ Tuyển đỡ khay trà từ tay thị nữ, rót mời Nghê Toản, anh nói cảm tạ, lẳng lặng ngó quanh. Nhà khách hết sức giản dị, trước bình phong là giường kháng, hai bên tay vịn có kê gối bọc lụa, bên dưới đặt cái kê chân bọc da thú. Bên phải là cái sập cao trưng bình sứ đỏ cắm hoa theo mùa. Bên trái mắc một cây cung gỗ dâu và túi đựng tên. Phía trên bình phong treo thiếp chữ vua ban dịp năm mới. Trước kháng là bộ bàn ghế sơn mài anh đang ngồi, bộ ấm tách thì bằng sứ men xanh. Từ đây ra cổng là khoảnh vườn lát đá đặt vài chậu quất, ven rìa vun hai dãy đinh hương xen kẽ thạch nam. Hai bên tường khoét cửa nguyệt dẫn vào hai gian nhà riêng, hẳn là chỗ ở của các công tử.

Toản vừa nghĩ vậy thì có một thiếu niên chạy ra từ cửa nguyệt. Cậu này lớn hơn, tướng tá lanh lợi, bận áo chẽn màu đào, thắt lưng thêu kim tuyến. Thấy có khách, cậu lập tức đứng lại, ngượng ngùng tiến vào chào. Nghê Toản hoàn lễ, nom hai vị công tử khôi ngô, không khỏi cảm mến.

Đợi thêm một lúc, rốt cuộc có tiếng báo Thái bộc về. Hai vị công tử ra đón, Nghê Toản cũng đứng dậy, thấy: một người dáng dấp cao ráo thanh nhàn, cằm như đao khắc, mũi tựa lưỡi lê, cặp mắt toát lên thần thái sâu kín như sao Hôm buổi xế. Ngài bận công phục của đại thần tam phẩm, màu vải không mới không cũ, trên đai lưng giắt ngư đại, túi hương và một miếng ngọc bội bằng phỉ thúy.

Nghê Toản xưng tên và trình rõ lý do đến thăm. Từ Diễm gật đầu thấu suốt, thấy Từ Lương đang bận chiếc áo màu hồng thêu ong bướm, liền ra hiệu cho cậu đi thay; hắn nhìn qua quà lễ của khách, nói thị nữ đem cất rồi mở kho lấy vải vóc bình vò để trả lễ, sau đó bảo con út: "Ta là chủ nhà mà không chiêu đãi khách một bữa ra hồn thì không nên, con đi bảo bếp khẩn trương làm thêm mấy món mặn và đun rượu mai khôi."

Tuyển cười thưa: "Con đã dặn bếp ngay từ đầu rồi ạ."

Đoạn Từ Diễm cho kê bàn thấp để tùy tùng của khách vào ngồi, bảo Nghê Toản, "Anh hãy ngồi chơi, ta đi thay áo và chải lại đầu rồi mới có thể ngồi xuống được."

Nghê Toản vội nói 'ngài cứ thong thả', bụng nghĩ: Khí độ ngài ấy có vài phần tương tự Lý Ức nhưng tính tình dịu dàng hơn nhiều.

Sau đó, Từ Lương trở ra, thay bằng chiếc áo màu trà. Thị nữ bưng lên bát đũa, anh em họ Từ sắp từng món ra bàn. Chủ nhà đi ra, Nghê Toản lại đứng lên mời. Từ Diễm cười nói: "Anh không cần câu nệ với tôi như với Hoài Hữu, anh ta hay ra vẻ đứng đắn chứ trong bụng thì toàn trò ranh ma. Lúc còn nhỏ, mấy đứa con tôi đều bị anh ta trêu cho khôn ra hết cả!"

Lương xen vào: "Cha làm con nhớ lại chuyện chú Hữu dắt anh em bọn con đi bắt ba ba hồi trước. Con nhớ Đại ca bắt được bốn con, con và em mỗi người được ba con, ba anh em đều thả vào chậu nuôi chơi trong phòng. Sau đó hai con của Tuyển Nhi chết mất, thằng bé buồn rũ rượi, càng thêm quý con ba ba còn lại như vàng. Chú Hữu biết thế, bịa với Tuyển Nhi là mình đang bị ốm, thầy lang bảo chỉ có ăn thịt ba ba nhà nuôi mới khỏe được. Em con sợ chú ấy chết, mặt trời vừa ló đã bưng chậu ba ba chạy đến nhà bếp, vừa khóc vừa đòi người ta nấu lên đem cho chú Hữu, ai dỗ cũng không nghe. Cha hay chuyện, liền gọi chú Hữu đến rồi tạt cả chậu nước vào chú ấy!"

Chưa nói hết, cậu đã bụm miệng cười, tằng hắng kể tiếp: "Chú Hữu cáu tiết mắng: 'Anh điên rồi à?', cha đáp: 'Hôm nay là Tết Thượng Tị, tôi có lòng tốt dội nước rửa cho anh sạch tà tâm'." Đoạn không nhịn được cười ngặt nghẽo.

Mọi người đều cười, Nghê Toản bảo: "Hai vị công tử đều là người lanh lợi sáng suốt, ắt chẳng thể nói sai. Vậy từ nay tôi sẽ nghe lời các cậu bỏ cái lối cũ với anh Lý đi!"

Từ Lương chêm lời: "Chú không được nói là do tôi kể đâu đấy, chú Hữu mà biết thì sẽ ghi thù cho coi! Mà thực ra từ nhỏ, tôi đã bị chú Hữu ghét sẵn rồi, ai bảo tôi cả gan thó cây gậy của chú ấy đi chọc phân ngựa!"

Mọi người có mặt – trừ ra cha cậu – đều cười ầm lên. Từ Diễm nói: "Người lớn đang nói chuyện mà cái mồm nó cứ leo lẻo chen vào. Món ăn lên rồi kìa, ra bưng cho bớt miệng đi."

Từ Lương cười hì hì đi bưng món ăn, Từ Tuyển rót rượu cho khách và cha, sau đó cả hai mới ngồi vào bàn. Xong bữa, thị nữ bưng trà và ang nước cho từng người súc miệng, rửa tay, rồi dọn dẹp sạch sẽ. Lương và Tuyển lui xuống, ngoài hai thị nữ quạt mát, Từ Diễm chỉ để lại A Nô canh bếp đun rượu.

Từ Diễm thăm hỏi phụ huynh Nghê Toản, hỏi anh ta quen Lý Ức thế nào, hiện Lý Ức ra làm sao. Toản trả lời tường tận, sau đó trình thư. Từ Diễm nhận lấy, sai A Nô cầm đến một chiếc tráp gỗ, nói: "Mười năm trước nhà tôi còn khó khăn, khi nguyên phối của tôi qua đời, Hoài Hữu đã cho tôi một miếng ngọc để cầm làm tang ma. Miếng ngọc này sau đó bị bán cho người khác, tôi đi hỏi han khắp nơi mới chuộc được về, đến giờ vẫn chưa có dịp trả lại cho Hoài Hữu, may là hôm nay gặp anh là người có thể nhờ cậy."

Từ Diễm đưa miếng ngọc cho Nghê Toản xem. Đó là một miếng ngọc nền trắng với vân đỏ hồng như ngậm cánh hoa đào, kích cỡ xấp xỉ quả trứng ngỗng, chạm khắc những mây khói và núi non, đầu trên khoét một lỗ nhỏ để xuyên dây đeo. Hai mặt miếng ngọc đều có chạm chữ: mặt trước chạm "Núi xanh loan đậu, đào lý tựa mây*", mặt sau chạm "Dòng chính Lý thị, con cháu Hoàng Sơn".

* "Loan" và "hoàng" trong Hoàng Sơn có cùng nghĩa là chim phượng mái. "Lý" trong đào lý vừa có nghĩa là quả mận vừa có nghĩa là họ Lý. Tám chữ này miêu tả quang cảnh ngọn núi (đào, mận), đồng thời chỉ dòng dõi Lý thị ở Hoàng Sơn.

Nghê Toản thấy vậy giật mình: "Thế ra Lý Ức xuất thân từ Hoàng Sơn Lý thị? Tôi đã sớm biết y là con nhà thư hương sĩ hoạn, vậy mà sự thực hơn cả tôi tưởng tượng." Đoạn nói tiếp, "Vật quý giá chừng này mà anh ấy chẳng tiếc đem cho ngài, chắc hẳn tình nghĩa của cả hai rất sâu đậm."

Từ Diễm ra dấu cho A Nô rót rượu, nhẹ nhàng nói: "Sở dĩ Hoài Hữu không kể với anh về xuất thân của mình là có lý do. Vốn chúng tôi là đồng hương, nhà ở cạnh nhau, cha tôi là thợ săn, cha y là thầy đồ. Sau đó, Thứ sử Phương Nhạc tạo phản, gián tiếp dẫn đến sự sụp đổ của Phương thị, thị trấn của chúng tôi bị tàn phá dưới vó ngựa loạn lạc. Song thân tôi và cha anh Hữu đều qua đời, con cháu Lý thị rộng lòng cưu mang đám dân côi cút chúng tôi ở chùa miếu nhà họ. Một số công tử tiểu thơ của Lý thị thường đến thăm chúng tôi, thấy ai vừa mắt thì có thể hỏi ý rồi nhận làm đầy tớ. Có lần, một thiếu phụ đến phát quần áo cho lũ trẻ, bà ấy nhìn ngắm chúng tôi một hồi, sau đó chợt rơi nước mắt gọi Hoài Hữu đến gần để xem. Về sau tôi mới được biết thiếu phụ này là cháu gái của trưởng tộc Lý thị, từng bị lạc mất đứa con tầm tuổi chúng tôi, cơ duyên thế nào mà mặt mũi Hoài Hữu lại có nét tương tự anh con của bà ấy. Vì vậy, vài ngày sau thiếu phụ quay lại, nói rằng đã hỏi ý kiến mẹ của Hoài Hữu, từ nay sẽ nhận anh ấy làm con nuôi.

"Phần tôi thì được hưởng sái trong chuyện này, vì Hoài Hữu sợ mình không quen biết ai nên nằng nặc đòi tôi phải đi cùng. Nhờ vậy, tôi được vào nhà họ Lý làm bạn với y. Tôi ở Hoàng Sơn độ hai năm thì gặp được thầy tôi – là Văn Hiến hầu Lý Đông Đình, sau đó trở thành tùy tùng của thầy, theo thầy ra Bắc vào Nam, hiếm khi quay về Hoàng Sơn. Dù được mang họ Lý nhưng có vẻ Hoài Hữu luôn băn khoăn về thân phận của mình, xử sự với ai cũng rất giữ kẽ, lâu dần đâm ra tính nết dở khôn dở dại như hiện tại."

Nghê Toản thở than: "Ngay từ cái tên* đã tiết lộ hoàn cảnh của anh ấy, đích thực Lý Ức không muốn nói nhiều về thân thế của mình. Tôi cũng ra đời trong một gia tộc tiếng tăm trải dài từ tiền triều, tuy hiện tại quang cảnh không còn như xưa nhưng các anh em chú bác vẫn cứ tranh ngầm đấu lộ loạn xạ cả lên. Lý thị càng là dòng dõi trâm anh trong đám trâm anh, e rằng nội bộ cũng phức tạp khó mà kể xiết."

* "Ức" tức là nhớ nhung, tên chữ "Hoài Hữu" có nghĩa là nhớ anh em trong nhà, ngụ ý mẹ nuôi của Lý Ức luôn nhìn vào y để tưởng niệm người con ruột của bà.

Từ Diễm tiếp lời: "Hồi đó tôi cũng nghĩ vậy. Gặp dịp thầy dẫn tôi về Hoàng Sơn thì tôi luôn ghé thăm Hoài Hữu, gạn hỏi nhiều điều. Tính y lại cứng cỏi, đáng tiếc có cố làm ra vẻ vẫn chẳng khác nào bịt tai trộm chuông*. Tôi thừa biết cả, nhưng không vạch trần vì ngại y tự ái. Về sau Hoài Hữu cũng tự nghĩ thông, thành ra 'mũ ni che tai*', mặc kệ tất thảy."

* Tự lừa dối mình.
Mũ ni là loại mũ có diềm che kín tai và sau gáy. Ngụ ý về lối sống bàng quan.

Nghe vậy, Nghê Toản thấy lòng não nề, buồn thay Lý Ức, uống liền hai chén đầy, buột miệng: "May là triều đình vẫn còn người như Thái bộc! Nếu đã chẳng có Lý Hoài Hữu mà cũng không có ngài thì ai sẽ lèo lái quốc gia ở thời buổi này?"

Từ Diễm cười khẽ: "Anh nói quá rồi, ta chưa làm đến chức Thượng thư đâu."

Toản xấu hổ tằng hắng, nhận ra canh giờ đã muộn, vội đứng dậy cáo từ.

"Có người đáng tin cậy như vậy để ý đến Hoài Hữu, ta cũng tạm an lòng." Từ Diễm chuyền chén cho A Nô uống với mình: "Mấy năm nay ta luôn khuyên y trở về Hoàng Sơn, dù Lý thị người đông phức tạp nhưng họ có bề dày của lễ giáo, sẽ không bạc đãi người cùng họ, hay kể cả ta – nếu ta mặt dày đòi hỏi. Nhưng tính Hoài Hữu hay sĩ, chưa nghĩ kỹ đã vùng vằng vứt cả tín vật của Lý thị cho ta, may là ta chuộc lại được, bằng không sẽ sinh ra lắm chuyện."

A Nô cảm khái: "Cậu Hữu tư chất sáng láng, so với con em Lý thị có thua kém gì, nếu chẳng bị mù trong lúc chạy nạn thì ắt bây giờ đã là quan Trạng tiền đồ rộng mở."

"Chớ nói mấy lời tâng bốc đó trước mặt y." Từ Diễm xua tay, uống thêm một chén: "'Cứ hễ đông người là sinh sự éo le', thầy ta từng nói. Người giàu thì nó ghen, người giỏi thì nó ghét, miễn là ai đó có cái gì nhiều hơn một chút là tị nạnh nhau, chính anh em ruột thịt còn thế chứ đừng kể con nuôi con đỡ đầu. Thầy Đình chỉ gặp Hoài Hữu có vài ba lần mà còn phải mở lời khuyên can mẹ nuôi y: 'Chị cứ dành hết đồ tốt cho thằng bé thì con cháu trong nhà sẽ đâm ra ganh ghét. Chính tôi cũng xem Cẩn An như con mà mỗi lần về nhà thì có dám cho nó thứ gì tốt hơn các cháu ruột đâu'. Nhưng bà ấy không nghe, ta và Hoài Hữu cũng chẳng thể trách được, vì nếu không có bà ấy thì chẳng biết bây giờ chúng ta đang ở xó xỉnh nào."

Nói rồi thở dài, "Có tấm gương của Hoài Hữu, ta nhìn ba đứa con trai mà chẳng lúc nào dám lơ là. Khi đứa này vui thì đứa kia không buồn, đứa này có cái gì thì đứa kia cũng có cái khác; thưởng phạt phải nghiêm nhưng không nên làm chúng sợ hãi. Ta mà lười ra thì sợ chúng cũng lười, ta mà kén chọn thì lo chúng sẽ tưởng thế là hay. Nửa đời trước của ta lật đật long đong, mất nhà mất cửa rồi bất đắc dĩ phải làm đầy tớ cho người ta, về sau còn có lúc đi hát để kiếm cơm, hễ nghĩ tới là ta lại thấy mình đã 'mạt' đến thế thì càng không thể để bọn trẻ ra hư hỏng..."

A Nô vội cắt lời: "Sao tự dưng lão gia nhắc tới mấy chuyện hồi nảo hồi nao thế? Hình như người hơi say rồi." Đoạn gom bình vò, bảo thị nữ lấy viên giải rượu cho Từ Diễm ngậm.

A Nô bưng bếp than đi cất, chẳng ngờ vừa lách qua bình phong chắn cửa thì gặp ngay Công tử Lương đứng trên hành lang. Lão đang bối rối không biết Từ Lương lại đây từ bao giờ thì cậu cười bảo: "Trong phòng hết nước trà, tôi gọi vài tiếng không nghe ai đáp mới té ra hai đứa hầu dám ngủ trước tôi. Tôi nghĩ hôm nay bọn nó cũng vất vả khiêng dọn các thứ nên tự đi lấy nước uống. Vừa nãy nghe bảo cha say nên tôi chạy đến xem sao, không biết người có bị đau đầu chóng mặt gì không."

"Lão gia không sao." A Nô đáp: "Xin cậu an tâm đi nghỉ."

Từ Lương gật đầu rồi xoay lưng đi thẳng về phòng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com