Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 44: Thực 1 (Hồi tưởng 2) Bố và xe đạp

◾Góc nhìn của nhân vật Trịnh Hải Đăng (Ngôi kể thứ nhất)

“Đố các con biết điểm Tiếng Việt cao nhất lần này là của bạn nào?”

Cả lớp tôi ồ lên đua nhau chỉ vào một bạn nữ có bím tóc tết hai bên trông rất dễ thương khiến bạn nữ ấy ngại ngùng cúi mặt xuống. Cô giáo đẩy kính tiến lại gần xoa đầu cô bé kia, “Bài của con rất hay, con được chín điểm.”

Nói rồi cô mỉm cười quay lại trước lớp, “Lần này bạn Đăng điểm cao nhất. Bạn được mười nhé.”

Tôi vốn đang chống cằm nhìn ra bên ngoài đường đất xem khi nào thì xe đạp của bố tới đón, nghe vậy liền quay lại nhìn lớp và cô ngơ ngác. Cô giáo tiến lại gần chỗ tôi, “Bài văn viết về ước mơ của con hay lắm, mai cô đề nghị nhà trường đóng khung treo ở hành lang nhé”

Tôi thộn mặt ra đấy, tất nhiên thôi, làm sao tôi có thể điểm có điểm Tiếng Việt cao được, bình thường không bét lớp là đã quá may mắn, thế nhưng mẹ tôi nói, bất kể ai trên đời khen mình, mình đều phải tôn trọng, tôi nhẹ đáp, “Con cảm ơn cô”

“Bạn Đăng lớp ta có ước mơ trở thành công an giống bố của mình đó các con, bạn viết rất hay, các con hãy…”

Sau đó cô giáo nói gì cũng chẳng lọt tai, bởi vì tôi đã thấy chiếc xe đạp của bố, bố đến đón tôi trở về nhà.

Ngay từ nhỏ, bố đã rất nghiêm khắc với tôi, bởi vì tôi bị thiểu năng trí tuệ, theo chuẩn nghĩa đen là bị bệnh thật, tôi không chắc ngày đó tôi có ổn lắm không nhưng nhìn chung là tôi không nhớ lắm về khoảng thời gian đó. Tôi nghĩ bản thân mình chẳng cần nhớ nó làm gì vì nó rất tồi tệ, thiểu năng trí tuệ mà, người ta nói gì làm gì đâu có hiểu, lại thêm hồi đó bố hay đánh vì giận, mẹ cũng hay chửi vì giận. Tôi thừa biết bản thân mình không có lỗi, cái lỗi là do bệnh của tôi. Nhưng giờ khỏi rồi, cũng đã lên lớp năm, quá khứ ấy cho xa đi cũng được. 

Tôi thừa biết nếu bố bớt sĩ diện và gia trưởng một chút thì cả bố và mẹ sẽ không tức giận với tôi. Mẹ tôi là người nổi tiếng, cả ngày trùm kín mít để ra đường, tôi không rõ mẹ làm gì nhưng hay đi sớm về khuya và kiếm được rất nhiều tiền, lý do tôi không biết mẹ làm gì là bởi vì bố tôi không cho mẹ nói ra. Bố nói ‘Một thằng đàn ông thì phải lo được cho gia đình’ và thế là bố bảo mẹ làm thì cứ tiêu tiền của riêng mẹ thôi, ăn uống chi tiêu tiền nhà tiền nước để bố, bao gồm cả tiền học của tôi.

Xuất phát quan điểm này của bố tôi chỉ là ‘lòng sĩ diện của đàn ông’, bởi vì nếu bố thương mẹ mới làm thế thì đã không tát và chửi mẹ khi mẹ đóng tiền học cho tôi, hôm đó mẹ còn ôm gối sang ôm tôi ngủ, mặt sưng vù than rằng, “Mai mẹ không đi diễn được”

Gần đây tôi mới chuyển trường vì ở trường cũ tôi bị bắt nạt và ở trường mới tôi vẫn bị bắt nạt, ngay từ đầu tôi đã nói không cần làm thế vì đi đâu kết quả cũng không khác nhau. Bởi vì với ngoại hình thế này đi đâu cũng bị gọi là…

“Thằng bê đê”

Đúng, là thằng bê đê. Tôi bị suy dinh dưỡng do gia cảnh ‘nghèo đòi’ thì ít mà do lười ăn cơm thì nhiều. Đôi chân nhỏ thó gầy rộc như hai cái que, cẳng tay cũng chẳng tiến bộ lại còn lùn. Nhưng tôi vẫn không hiểu dáng tôi giống con gái chỗ nào mà gọi bê đê.

Tôi thừa biết mấy thằng phía sau đang gọi mình nhưng vẫn không quay lại vì bố nói mỗi lần chúng gọi thế thì ‘kệ mẹ’, người ta gọi Đăng, Hải Đăng hay Trịnh Hải Đăng thì hãy thưa. Tôi ung dung uống ly nước sâm - món quà cô giáo thưởng vì điểm cao, thật sự kệ mẹ chúng nó, cho đến lúc tôi không thể kệ.

Một thằng to béo đứng trước mặt, chặn lại, “Sao tao gọi mà mày vẫn đi, mày chán sống rồi à?”

Cảnh tượng này đã quá quen thuộc rồi, thằng bắt nạt ở trường cũ cũng có ngoại hình na ná, bị nhiều thành quen, tôi không còn quá sợ. 

“Đó có phải tên tớ đâu”, và tôi trả lời đúng như những gì mẹ dạy. 

Tôi còn có biệt danh khác là ‘biến thái’, vì ít nói, vẫn như cũ, tôi chẳng thấy hai vấn đề đó có gì liên quan. Sau này lớn lên tôi mới nhận ra câu nói, ‘Cháu nó còn bé, có biết gì đâu’ thật ra rất đúng, trẻ con không biết gì mới gọi bạn học như thế. Lớn lên, tôi khác hẳn ngày nhỏ, tôi không muốn thấy bản thân tồi tàn như thế, tôi cũng chẳng quay lại nơi ở cũ sau khi bố mẹ ly hôn, tôi nhận ra khi đó tôi thật sự vẫn còn di căn của căn bệnh ‘Thiểu năng trí tuệ’, nghe vậy mà vẫn không buồn. Thỉnh thoảng tôi vẫn mơ đến thời tiểu học bị bạn bè nhốt trong nhà vệ sinh, đánh đập và dội nước tiểu lên người. Quả thật ký ức ấu thơ là điều khó quên nhất trên đời, mỗi lần trải qua giấc mơ như thế, Hải Đăng của lúc lớn hơn chỉ ước được ‘xuyên không về quá khứ’ tát cho thằng lõi Hải Đăng vêu mặt vì ít nói và lười ăn.

Thằng béo đó điên lên, túm lấy tóc tôi giật ngược ra sau khiến tôi đau đớn ré lên, tay bóp chặt lấy cốc nước đến trào ra ngoài, tay còn lại nắm chặt lấy cánh tay toàn thịt đó, “Buông ra, buông ra… tớ xin lỗi, tớ sai rồi.”

“Mày mà đòi làm công an cái gì vừa bê đê vừa hèn”, nó buông lời chế giễu.

Ánh mắt tôi va vào bạn nữ với bím tóc hai bên rất xinh đẹp kia, bạn đang khóc rưng rức khiến tôi tức giận vô cùng, thầm nghĩ, “Đcm, lại vì gái sao? Bọn con gái lắm chuyện vl”

Và vậy đấy, tôi từng hèn như vậy đấy.

Bạn nữ ấy khóc vì không được điểm cao nhất lớp và bạn nam kia vì xót gái mà đánh tôi tím bụng, thằng này khôn hơn những thằng khác là nó chỉ đánh vào những phần có áo che đi. Sau này nhìn lại tôi lại muốn tát tôi thật nhiều cái vì tôi đã thầm cảm ơn bạn học đó vì đã ‘đối tốt’ với tôi đến thế.

Trong các trận ‘giao chiến’ kẻ yếu thế ngay từ đầu chấp nhận mình thua nên không phản kháng gì, chọn cách nằm im chịu trận cho xong việc, còn đỡ hơn lao lên phản kháng rồi còn bị đánh hơn. Tôi hay đổ lỗi tại gia đình tôi quá khắt khe nên tôi mới mãi là một kẻ hèn nhát. 

Quy trình sau khi tôi đánh họ mới là thứ tôi sợ vãi máu mắt, sau khi tôi đánh họ, tôi thua bầm dập và bố tôi sẽ biết, ông sẽ lại mắng chửi và thậm chí là đánh cho nhừ đòn vì ‘Đàn ông không ra đàn ông’. 

Với bố tôi, khi bị bè bạn bắt nạt thì phải đánh lại chúng cho nó chừa, không dám tái phạm chứ không phải chọn cách lặng im thế này.

Thế nên tôi thấy thằng béo kia tốt bụng vì đã không để bố tôi biết mình bị bạn bắt nạt, tôi vui vẻ dùng vài đồng tiết kiệm mẹ lén nhét vào cặp đi mua cho chúng nó hai cốc nước sâm. Về sau các truyện tình cảm khai thác yếu tố yêu đương từ thời học sinh, một trong hai nhân vật bảo vệ đối phương khi họ rơi lệ đều bị tôi quẳng đi vì ‘xàm’, thực tế là nó khiến tôi nhớ lại quá khứ ‘nhơ nhuốc’ ám ảnh.

Tôi lúc đó giống như Chí Phèo và các bạn học giống như Bá Kiến. Tôi ghét họ. Nhưng tôi không phải là con quỷ, tôi không đủ mạnh để ‘làm quỷ’. Nhà văn Nam Cao nói ‘Muốn ác phải là kẻ mạnh’ và buồn thay khi đó tôi chỉ là một thằng hèn.

Tôi phủi sạch quần áo rồi vào nhà vệ sinh rửa mặt, sau cùng là ra khỏi cổng trường, từ đằng xa tôi vẫy tay, “Bố ơi, bố ơi”

Bố tôi bật cười, sau đó lại nhăn mặt, “Sao anh ra muộn thế? Bạn bè về gần hết từ lâu rồi mà?”, ánh mắt ông thoáng có nét lo lắng, “Hay là…”

“Hôm nay con được điểm cao nhất lớp môn Tiếng Việt”, tôi cố giấu cái bụng âm ẩm của mình leo lên chiếc yên xe sắt của bố, “Con ở lại nghe cô khen”

Yên xe của bố ngồi lên rất đau mông, mẹ có nói ‘Anh hay đón con thì mình nắp yên cho nó ngồi bớt đau’, bố không đủ tiền mua yên đẹp, gắn lên xe rất mất mặt nên đã tức giận rống lên ‘Cô giỏi thì tự đi mà đón nó’. Tôi sợ dạt, chẳng bao giờ than đau mông nữa, nhẹ vươn tay ôm lấy áo sơ mi của bố.

Bố tôi rất đẹp trai, chẳng vừa đen vừa gầy như tôi, bố trắng trẻo khoẻ mạnh, lại còn là công an, thật sự rất ngầu. Tôi ôm lấy bố thầm ước sau này cũng được như vậy, tôi sẽ đấm bay cái lũ dám bắt nạt tôi.

Bố tôi nghe thế liền cười, “Anh điêu à? Anh học Tiếng Việt nát bấy, viết cái gì mà được điểm cao nhất”

“Ước mơ của con ạ”

“Thế anh viết gì? Cưỡi rồng bay lên trời hả? Hay là lấy Hằng Nga?”

Tôi lắc đầu, khuôn mặt đen nhẻm đầy vẻ tự hào, “Con viết con ước lớn lên sau này sẽ giống như bố, trở thành công an bảo vệ mọi người, bảo vệ gia đình và những người thân yêu. Con muốn bản thân giống bố, đẹp trai và tài giỏi”

Khi đó tôi nghịch ngợm leo lên yên xe, nhòm biểu cảm trên khuôn mặt bố, tò mò xem bố có tự hào về tôi không. Và tôi thấy khuôn mặt bố điếng đi, nụ cười tắt ngủm, nụ cười ấy khắc sâu vào trí nhớ của kẻ ‘thiểu năng’ suốt một thời gian dài. Khi cánh tay rắn rỏi của bố đẩy tôi ngồi xuống và nhẹ mắng, “Ngã chết bây giờ”

Tôi thầm nghĩ, ‘Bố buồn sao?’

Sau đó tầm bốn năm, bố dắt trong tay một bé trai kém tôi mười tuổi cùng một người phụ nữ khác và đưa lời đề nghị rời khỏi nơi đây với bố, tôi mới hiểu nụ cười khi đó có ý nghĩa gì.

Khi đó là gần hết năm cuối cùng của tiểu học, vào khoảng tháng năm, em trai Duy Bảo lại sinh tháng một, vậy là bố có con riêng với người ta mất rồi, nụ cười đó đeo bám theo tôi đến nỗi khi được hỏi tôi nhớ đến nụ cười đó nhiều hơn là suy nghĩ đáp án để trả lời bố.

Khác với cậu nhóc ‘thiểu năng’ xấu xí vui đùa trên yên xe bố của hồi lớp năm, tôi của lớp chín, một Hải Đăng hoàn thiện hơn, ghét bố vì đã bỏ rơi mẹ con tôi. 

***

Bản thân tôi thì IQ thấp nhưng hay đổ lỗi tại ngày xưa tôi bị thiểu năng, ngày bé thì tôi học hành nát bấy, ngu xi trì độn đến nỗi người ta học một biết mười, tôi học mười biết không phẩy lăm. Vì thế mà ngày nào tôi cũng lẩm bẩm mình thật ngu xi, là kẻ thiểu năng nhất trên đời. Cho đến một lần không biết bố cáu cái gì, về nhà ăn cơm lại thấy tôi lẩm bẩm hoài lên gọi mẹ ra chửi, nói tại bà hay tiếp xúc với son phấn khi mang thai nên mới đẻ ra tôi thế này, sau đó tôi sợ hãi, tôi oà khóc, bố tức giận quay qua tát tôi một cái, từ đó tôi bỏ hẳn tật nói một mình.

Sau đó thì bố đưa tôi đi ăn kem, cứ đi lòng vòng khắp đường làng, ăn tới mấy que trời mà bố vẫn ngồi giáo huấn, “Đàn ông không nên thế này thế kia…”

Thế nhưng tôi vẫn hết giận.

Có một chuyện tôi không bao giờ quên, vào năm lớp bảy, một cơn bão cực lớn đã đổ xuống nơi tôi ở, vốn là tôi định không đi học vì trường cấp hai quá xa, đường đi lại là đường đất, rất nguy hiểm. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đến trường, vì sau khi việc học hành ‘phất lên’, tôi mắc bệnh ‘sĩ’, luôn sợ thua bè bạn bè nên không lỡ nghỉ một buổi.

Nếu như ngày đó tôi không bẩn tính như không bao giờ cho bạn chép bài, làm được bài nhưng khi bạn hỏi thì bảo làm bừa không giải, cố tình chỉ bạn cách giải sai thì tôi sẽ gọi hôm đi học đó là ‘tinh thần ham học’. Tôi không bình thường, tôi tự nhìn thấy điều đó, khi khỏi thiểu năng rồi, tôi mới biết bản thân mình không thông minh, làm gì cũng phải cố gấp mấy lần người ta, nhiều khi trên lớp chả hiểu thầy cô giảng cái gì trong khi bạn bè đã làm xong hết, tôi chỉ dám gục mặt xuống nói dối mình mệt rồi cày ngày cày đêm để học lại, hôm sau lên lớp ra vẻ tài tử là mình hiểu ngay từ đầu. Bản chất ích kỷ cho rằng mọi người chỉ muốn cướp công mình đã khiến sau này tôi rất hối hận khi nghĩ lại.

Hôm đó bố có một cuộc họp quan trọng nhưng vẫn đạp xe đến đón tôi giữa trời giông bão, dù đã mặc áo mưa nhưng bố vẫn ướt nhẹp. Khi đó tôi đã cao khuề lên rồi, tất cả là vì đã tập thể dục để cân đối và phát triển, tôi không còn bị bắt nạt.

Thế nhưng trái tim tôi vẫn nhỏ tí tẹo, cảm động muốn khóc vì bố đã đến đón tôi. Thằng trẩu tre năm đó đã làm hành động rất sến là nắm tay bố và hỏi, “Bố ơi, con yêu bố nhất trên đời, bố thương con trai lắm nhỉ?”

Bố liền hất tay tôi ra, chửi cho một trận và nói đàn ông không được nói những điều sến súa như thế, rồi giáo huấn tôi cả tiếng đồng hồ.

Lớn hơn một chút, vượt qua tháng năm bồng bột trôi nổi, tôi đã hiểu ra phải cố gắng giúp đỡ tất cả mọi người xung quanh, tốt cho họ là tốt với mình. Bản thân không phải hối hận mà tôi cũng đâu thể tồn tại một mình.

Có một thứ mà tôi không bao giờ muốn mất đi, đó là cái xe đạp bố mua cho tôi.

Từ sau buổi khai giảng hồi lớp sáu bố không đèo tôi đi học nữa, ông cảm thấy đèo một đứa lớn tướng như thế đi học thật chẳng ra thể thống gì, tôi cuốc bộ đi học vài năm, lại thêm thói hay đi sát giờ nên thỉnh thoảng đi muộn cũng tức mình lắm.

Mà tôi đi sát giờ là bởi vì tôi còn phải nấu cơm, mà nấu có được công khai đâu, bố nói đàn ông không được vào bếp nên mẹ con tôi nào dám phạm. Tối thì mẹ về muộn, nói dối nấu cơm ở cơ quan, sau đó vì thương mẹ mà tôi dậy lúc hơn hai giờ nấu cơm, làm món ăn, cuối cùng tạo thành thói quen đứng bếp không có tiếng, tôi phải gắng sức lắm mới có thể bỏ thói quen kì lạ đó để người ngoài không thấy tôi 'yểu điệu' như con gái. Sáng hôm sau mẹ chỉ cần tỉnh dậy và hâm lại thôi, thế là qua mắt bố. Và tôi đặt lưng ngủ đến bốn rưỡi và dậy học, thói quen này lại thấm đến sau này.

Do quá ‘ham’ hoặc quá ‘hám’ việc học trước mà tôi hay đi sát giờ dẫn đến việc muộn. Vào năm lớp tám, việc học dần đạt đến đỉnh điểm vì tôi tham gia thi học sinh giỏi, tôi càng muộn nhiều đến nỗi nhà trường báo về nhà, và bố biết việc mẹ con tôi lén làm. Ông đánh cả mẹ và tôi túi bụi, bầm dập. 

Sau cùng ông lại mua xe đạp cho tôi.

Chẳng nói một lời nào cả, ông vẫn thế, ném cho tôi một chai phun sơn, vẽ vời với tôi lên con xe đó cùng với những lời dạy bảo về đàn ông.

Những tháng năm dài rộng sau này, tôi vẫn thèm cảm giác được ngồi trên cái yên xe cũ, thèm nghe giọng nói của bố, không nhớ những đòn roi nhưng lại nhớ bố vô cùng. Sau khi bố đi, tôi đã không đi cái xe đó một khoảng thời gian thật dài, cuối cùng vẫn chẳng lỡ, một lần chùn bước lên xe đạp một vòng lại kéo theo năm tháng đi học với đi làm với thói quen đi muộn.

Hồi trẻ, hai mươi mấy, tôi thường xuyên đi muộn để bị kỷ luật, để thầy Vinh nói chuyện với bố, để bố biết tôi không giận chuyện xưa nữa, tôi tha lỗi cho bố rồi.

Ngày đó tôi ấu trĩ cho rằng bố có lỗi với tôi dù tôi không nói nó với ai, nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại, tôi mới là người có lỗi hơn. 

Bố có gia đình mới, có người con trai khác ngoài tôi không phải là lỗi, ông cũng là con người, hướng đến hạnh phúc là điều bình thường, ông vẫn dành cho tôi tình yêu trọn vẹn của người cha, theo cách của ông. 

Cái xe đạp cứ thế theo bước chân tôi lớn lên, từ thiếu niên lớp tám đến học sinh cấp ba, sinh viên đại học rồi thành sếp người ta. Cái xe khiến tôi cảm thấy thời gian ở cạnh bố không phải là mơ dù ký ức có nhạt nhoà đi nhiều theo năm tháng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com