05
Năm 2008 quả thực trôi qua quá vội vàng, chỉ hồi tưởng lại thôi cũng cảm thấy hoảng loạn. Nếu như phân thành hai nửa, nửa đầu năm và nửa cuối năm thì nửa đầu năm là trận động đất tại Vấn Xuyên ngày 12 tháng 5. Đám nhóc tự xưng "đổ máu đổ mồ hôi chứ không đổ lệ" chúng tôi vì trận động đất ấy mà rơi nước mắt biết bao lần, sau đó đem hết tiền tiêu vặt của mình đi quyên góp. Nửa cuối năm là thế vận hội Olympic, "Bắc Kinh chào đón bạn" vang vọng khắp các phố lớn ngõ nhỏ. Món đồ chơi thời thượng nhất lúc bấy giờ là Bé Phúc*, bố tôi cũng mua cho tôi một bộ, tôi xếp chúng thành hàng trên giường, vô cùng nguy nga tráng lệ. Năm 2008 dùng nước mắt làm màu nền cho niềm vui, thế vận hội mặc sức vui vẻ như những người còn sống sót sau tai nạn. Mùa đông năm đó giống như sáng sớm vẫn còn say sau một đêm ồn ào náo nhiệt, giống như tỉnh dậy sau một giấc mộng dài.
(*) Bé Phúc: linh vật của Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008, gồm năm bé với màu sắc tương ứng với màu của năm vòng tròn trong biểu tượng của thế vận hội Olympic.
Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy năm đó quả là không tầm thường. Khoảng thời gian xảy ra động đất ở Vấn Xuyên, mấy đứa chúng tôi ngồi trong phòng tôi xem tin tức. Người dẫn chương trình trên tivi khóc, chúng tôi ngồi trước tivi cũng khóc. Ngày hôm sau chúng tôi đi quyên góp ủng hộ Vấn Xuyên. Ở giữa sân trường để một hòm quyên góp tiền cực lớn, chúng tôi xếp hàng để đút tiền vào trong, ai ai cũng sưng húp cả hai mắt. Lúc đó tôi vẫn còn là học sinh lớp bốn, Triệu Quán Vũ và Chu Chí Hâm vẫn chưa tốt nghiệp. Khoản tiền lớn nhất mà tôi từng tiêu trong đời là vào dịp sinh nhật mời Trương Trạch Vũ ăn KFC, gọi một phần bucket meal. Ngày hôm đó tôi viết giấy nợ vay bố mẹ 500 tệ, cộng thêm số tiền tiêu vặt mà tôi tích góp, tôi bỏ tất cả vào trong cái hòm ấy. Tôi cũng không cảm thấy bản thân có gì to tát, chỉ thật lòng lo lắng không biết cô gái mất đi hai chân trong bản tin còn có thể đứng dậy được không.
Thế vận hội Olympic diễn ra vào kỳ nghỉ hè, chúng tôi lại càng tha hồ tận hưởng. Mọi người tụ tập ở phòng tôi xem truyền hình trực tiếp, xem xong còn phải làm bài tập làm văn về ấn tượng sau khi xem. Mấy đứa chúng tôi ngày ngày cắn bút hồi tưởng lại để viết. Trương Trạch Vũ viết trong bài văn rằng ước mơ của cậu ấy là được trở thành một ca sĩ có thể đứng hát trong lễ khai mạc thế vận hội. Dư Vũ Hàm nói muốn tập cử tạ. Trương Tuấn Hào thì lúc nào cũng khác người, cậu ấy nói muốn trở thành người cao nhất thế giới. Chúng tôi hỏi lại nếu không thực hiện được thì sao? Cậu ấy khịt mũi, đáp một cách chậm rãi mà khí phách:
"Thì tớ sẽ hôn đít lừa."
Cuối cùng cậu ấy không trở thành người cao nhất thế giới, cũng không hôn đít lừa. Lúc chúng tôi yêu cầu cậu ấy thực hiện lời hứa, cậu ấy cuống cuồng giải thích. Cậu ấy nói ván cược ấy không công bằng với lừa, tại sao một con lừa đang yên đang lành lại phải bị cậu ấy hôn chứ. Cậu ấy cứ quanh co biện giải, chúng tôi thì cũng không thể dắt một con lừa thật đến, ván cược ấy cứ thế mà trôi vào quên lãng.
Nửa cuối năm 2008 tôi lên lớp năm. Năm đó trường học tổ chức một cuộc thi viết văn, toàn thể học sinh lớp lớn phải tham gia. Trường thông báo cho chúng tôi trước kỳ nghỉ đông, yêu cầu khi quay trở lại học phải nộp bài. Lần ấy trường còn kết hợp với một nhà xuất bản nào đó, bài viết xuất sắc sẽ được chọn để phát hành. Giáo viên Ngữ Văn của chúng tôi rất coi trọng cuộc thi ấy, giữ chúng tôi ở lại sau giờ học mấy lần để phụ đạo viết văn. Thực ra lúc nhỏ ham muốn biểu đạt suy nghĩ của tôi rất lớn, nhưng tôi lại không hề giỏi viết văn. Một mặt thì tôi cực kỳ ghét việc phải viết những bài văn theo yêu cầu của giáo viên như kể về một người mà em quý trọng, kể về một kỷ niệm khó quên nhất. Mỗi lần gặp phải đề bài kiểu đó, tôi vô cùng nghèo nàn ý tưởng kể về một lần tôi lên cơn sốt, mẹ cõng tôi đi tiêm. Đây có thể coi là văn mẫu toàn năng khi làm văn. Mỗi lần viết xong những bài văn như thế tôi đều cảm giác bản thân giống một con trâu già đang cày ruộng, cày đi cày lại muốn ngã quỵ. Một mặt khác tôi lại rất thích viết, thích ghi chép lại cuộc sống của tôi trong nhật ký, không hề cảm thấy chán việc miêu tả lại mỗi một trận cãi vã của Tô Tân Hạo và Tả Hàng, mặc dù vô vị nhưng tôi vẫn rất kiên nhẫn, viết bao nhiêu cũng không cảm thấy dài. Đây hình như là bệnh chung của học sinh rồi, sở thích và học tập là hai dòng chảy song song, vĩnh viễn không liên quan gì đến nhau, một khi bị móc nối với nhau sẽ trở thành gánh nặng.
Đề văn lần đó quá cũ, yêu cầu viết về "Người bạn tốt nhất của tôi". Đây quả thực là một đề bài rất nguy hiểm. Nguy hiểm nằm ở chỗ, chúng ta không thể nào khống chế được tất cả tình cảm đều bình đẳng và xuất phát từ hai phía. Việc ngượng ngùng nhất là bạn viết về người bạn tốt nhất A, nhưng A lại viết về người bạn tốt nhất B. Trước đó không phải là tôi chưa từng nghĩ tới vấn đề này, nhưng giống như thế giới không chỉ có hai màu đen trắng, tôi cũng không cần phải suy nghĩ rõ ràng tường tận mọi thứ. Tôi chỉ mông lung cảm giác Trương Trạch Vũ có gì đó không giống với những người khác, nhưng không giống ở chỗ nào tôi cũng không rõ. Bây giờ nhìn lại theo góc nhìn của ngôi thứ ba, tôi có thể khẳng định với các bạn, khi ấy, Trương Trạch Vũ chính là người bạn tốt nhất của tôi. Thế nhưng bạn không thể đòi hỏi đứa trẻ chỉ giỏi ăn giỏi ngủ khi ấy có thể hiểu được những cảm xúc phức tạp của bản thân. Nếu nhất định phải hình dung, ở phương diện tình cảm, tôi khi ấy tựa như một con trùng đế giày vậy. "Người bạn tốt nhất", đề bài này vượt xa giới hạn xử lý của não bộ tôi.
Tan học chúng tôi ghé qua tiệm băng đĩa, bởi vì trước đó bác mập đã thông báo nhập được đĩa phim chúng tôi đang mong chờ rồi, bảo chúng tôi đến lấy sớm. Bác mập nằm nheo mắt trên chiếc ghế tựa ở cửa tiệm, Tam Hoa cũng lim dim nằm lên chân bác. Đây có lẽ là mùa đông đầu tiên mà Tam Hoa không cần phải lưu lạc, nó thư thái ngửa cái bụng lên. Chúng tôi đến cái giá sắt ở tít trong cùng chọn đĩa phim, xong rồi lại đi chọn truyện tranh. Lúc đó chúng tôi mới chuyển từ đọc A Suy sang đọc truyện tranh Nhật Bản, đọc Slam Dunk, ngày nào cũng lấy bóng rổ đập qua đập lại. Tả Hàng chỉ tiếc không thể cạo đầu húi cua lần nữa để dễ cosplay Hanamichi Sakuragi. Triệu Quán Vũ và Chu Chí Hâm lên cấp hai, tan học muộn hơn, bài tập cũng nhiều hơn, không thể tham gia hoạt động này cùng chúng tôi. Tô Tân Hạo ngậm kẹo mút đứng ở chỗ giá sắt giúp Chu Chí Hâm tìm phim mà anh ấy muốn xem. Lúc đó tôi thuận miệng hỏi cậu ấy: "Đề tập làm văn cậu định viết về ai?"
Lời vừa thoát ra miệng tôi liền cảm thấy mình hỏi thừa rồi. Tô Tân Hạo ngậm kẹo mút, quay người sang dùng vẻ mặt nghi hoặc "cậu còn phải hỏi sao" nhìn tôi. Hồi bé cậu ấy trông rất giống một hạt đậu tròn trịa, lớn hơn rồi trông thế nào cũng vẫn giống một hạt đậu, lúc nào cũng mang cảm giác nghiêm túc, đến cả nghi hoặc trông cũng rất nghiêm túc. Mục Chỉ Thừa lớn tiếng:
"Đương nhiên là Chu Chí Hâm rồi, cậu ấy còn viết về ai được nữa!"
Mục Chỉ Thừa chỉ bé hơn tôi vài tháng, nhưng lúc nào cũng như một đứa trẻ, nói chuyện thẳng thắn. Tô Tân Hạo rất ngại, biểu cảm như muốn cười nhưng không dám cười, xông đến ngăn Mục Chỉ Thừa nói tiếp. Kết quả cậu ấy vấp ngã lên Trương Tuấn Hào. Trương Tuấn Hào đứng dậy xong còn tốt bụng đỡ cậu ấy, hầm hừ "Cậu làm cái quái gì vậy". Lúc tôi quay qua trông thấy Trương Trạch Vũ đang ngồi cạnh Tả Hàng, hai người còn hi hi ha ha với nhau. Lúc đó tự dưng tôi cảm thấy bực bội, không rõ bản thân khó chịu vì cái gì, cũng tự dưng cảm thấy ngưỡng mộ Tô Tân Hạo, ngưỡng mộ cậu ấy cũng là lựa chọn đầu tiên của Chu Chí Hâm. Về sau tôi hiểu ra, thứ tôi nên ngưỡng mộ lúc đó không phải là việc Tô Tân Hạo có được sự tín nhiệm tuyệt đối của Chu Chí Hâm, mà là việc Tô Tân Hạo có được dũng khí lựa chọn không chút do dự. Nhưng trẻ con là như thế, khi chưa trưởng thành chúng ta thường than phiền "Tại sao thế giới lại đối xử với mình như vậy", trường thành rồi mới nhận ra, không phải thế giới không công bằng mà vấn đề nằm ở chính chúng ta. Nhưng bởi vì lòng tự tôn quái đản sau khi trưởng thành mà chúng ta không dám thừa nhận điều ấy, chỉ đành tiếp tục lừa mình dối người, "Vấn đề nằm ở thế giới."
Chúng tôi mượn đĩa phim xong rồi quay trở về nhà, lúc qua đường vừa hay gặp Triệu Quán Vũ và Chu Chí Hâm tan học, thế là hai người đeo cặp sách cùng theo chúng tôi đi xem phim. Không khí lạnh ấp tới, kỳ nghỉ đông sắp đến rồi, nơi nào cũng vắng lặng tiêu điều, mặt đất trông như cái đầu húi cua của Tả Hàng lúc mới đến. Mẹ tôi ngày nào cũng bọc tôi trong một đống lớp quần áo, trông tôi như cái bánh ú nhân thịt mới ra lò. Ở nơi nào đó xa xa có người đốt pháo, tiếng nổ làm Trương Trạch Vũ sợ hãi giật bắn người, sau đó cười rộ lên, cái răng nanh mới nhú trông như một loại phù hiệu bị gãy nào đó. Cậu ấy nghểnh tai nghe ngóng, vui mừng nói: "Sắp sang năm mới rồi đúng không?"
Chúng tôi tập trung trong phòng xem Slam Dunk. Xem được một nửa thì Trương Tuấn Hào bị mẹ gọi về nhà làm bài tập, cậu ấy vùng vằng nhưng không có kết quả, ngoan ngoãn đeo cặp sách về nhà, trước khi đi còn bảo chúng tôi tạm dừng, đợi cậu ấy ngày mai xem tiếp. Triệu Quán Vũ và Chu Chí Hâm cũng thu dọn đồ đạc chuẩn bị về nhà làm bài tập, sắp cuối kì rồi, bài tập của hai anh ấy rất nhiều. Tô Tân Hạo cũng về theo, trong phòng chỉ còn lại vài học sinh tiểu học. Tiếp tục xem hoạt hình cũng chán, chúng tôi đành ngồi tám chuyện. Từ trước đến nay chúng tôi luôn nói chuyện rất tuỳ hứng, tiện mồm nói bừa, cũng không cần có người đáp lại. Mục Chỉ Thừa chuyển chủ đề về cuộc thi viết văn, Đồng Vũ Khôn trêu cậu ấy không có ai để viết cậu ấy cũng không tức giận, quay sang bắt Trần Thiên Nhuận vẫn luôn yên lặng trả lời câu hỏi:
"Trần Thiên Nhuận, cậu viết về ai?"
Tất cả quay sang nhìn Trần Thiên Nhuận. Cậu ấy có chút lúng túng, hình như không hiểu sao chủ đề lại chuyển lên người mình. Cậu ấy do dự "ừm" một tiếng, sau đó nói: "...Tớ cũng không biết viết về ai..."
Trong phòng đột ngột im lặng. Bố mẹ của Trần Thiên Nhuận dù bận nhưng vẫn rất để tâm đến việc học của cậu ấy, lúc rảnh rỗi sẽ đón cậu ấy về nhà, vì vậy cậu ấy cũng không tính là nhân khẩu thường trú ở đây, có chút cảm giác xa cách. Cậu ấy hơi mất tự nhiên cúi đầu nhìn tay. Tả Hàng đột nhiên xông vào giữa quay một vòng như đang giới thiệu bản thân với chúng tôi:
"Đương nhiên là viết về tớ rồi. Nói đi, anh đây hằng ngày có đối xử tốt với cậu không?"
Trần Thiên Nhuận không biết phải làm sao, Tả Hàng nhướng mày nhìn cậu ấy, cậu ấy do dự gật đầu. Trương Trạch Vũ tựa vào Bé Phúc của tôi, trêu hai người họ: "Như thế cũng tốt, dù gì khuôn mặt hai cậu cũng giống nhau."
Trần Thiên Nhuận ngượng ngùng cúi đầu cười cười, Tả Hàng xông đến muốn đánh Trương Trạch Vũ, chủ đề kia cũng vì vậy mà kết thúc. Nếu Tả Hàng sống ở thời cổ đại nhất định sẽ là một vị đại hiệp, cướp của người giàu chia cho người nghèo, nhiệt tình đối đãi mọi người. Có một điều lúc đó tôi không rảnh để tâm đến, bây giờ ngẫm lại mới thấy, Tả Hàng và Trương Trạch Vũ thực ra rất giống nhau, nhưng cũng có điểm không giống. Hai cậu ấy đều tựa như mặt trời nhỏ, luôn là những người đầu tiên để ý đến cảm xúc của người khác, ví dụ như tôi hoặc Trần Thiên Nhuận. Nhưng khác ở chỗ Tả Hàng mang cảm giác anh hùng, giống nam chính trong tiểu thuyết của Kim Dung, hưởng thụ cảm giác tiêu sái "xong chuyện rồi phất áo ra đi", giúp người cũng theo cách không giống ai, xuất quỷ nhập thần. Còn Trương Trạch Vũ đơn thuần là một mặt trời nhỏ, luôn ở bên sưởi ấm tôi, khiến tôi luôn cảm thấy ấm áp, những góc tối âm u phức tạp trong tôi đều được hong khô, chữa lành. Tôi nghĩ, mình sẽ viết về ai đây? Hình như tôi chỉ có duy nhất một sự lựa chọn. Trương Trạch Vũ ở trong phòng tôi thoải mái giống như ở nhà, tựa vào gối ôm của tôi nói chuyện với Trần Thiên Nhuận, phát hiện tôi nhìn, cậu ấy cũng dùng biểu cảm khó hiểu nhìn lại tôi. Tôi thầm nghĩ trong lòng, Trương Trạch Vũ, cậu sẽ viết về ai đây?
Đổi cách hỏi khác, tớ có phải người bạn tốt nhất của cậu không?
Nhưng tôi không dám hỏi ra miệng. Con người tôi là sự tồn tại song song của hai tính cách ích kỷ và kỳ quặc. Tôi vừa đặt Trương Trạch Vũ ở vị trí quan trọng nhất trong lòng vừa không dám thừa nhận điều đó, lo sợ tôi không quan trọng đối với cậu ấy. Đối với tôi, loại cảm xúc phức tạp này giống như căn bệnh thấp khớp mãn tính của bà ngoại, liên tục xuất hiện chứng minh sự tồn tại của nó, rất phiền, nhưng tôi chỉ có thể cố gắng chung sống hoà bình với nó.
Kỳ nghỉ đông chẳng còn bao lâu, mùa xuân lại tới rồi, còn tôi vẫn chưa làm được một nửa bài tập. Bố tôi quả thực rất bận, tết cũng không có thời gian, vội vội vàng vàng đưa tôi về quê một chuyến, về trong đêm đi cũng trong đêm, chi kịp ăn một bữa cơm tất niên với ông bà. Trước khi đi bà nội nhét hai con gà mái mới thịt vào cốp xe, mắt rưng rưng dặn dò gia đình tôi phải ăn uống đầy đủ. Bố tôi lại ra ngoài đi làm ăn, tôi và mẹ ở nhà dán câu đối. Câu đối này là do ông ngoại Trần Thiên Nhuận viết, chữ của ông rất đẹp, vừa thanh mảnh vừa có khí phách, những lời chúc cũng không theo lối cũ, rất phong nhã. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ, câu đối của cả toà nhà từ dưới lên trên đọc nối với nhau sẽ ghép thành một bài thơ.
Trương Trạch Vũ đến nhà tôi chúc tết, mang theo xúc xích đỏ và bánh mì Nga, đều là những đặc sản ở quê mà cậu ấy từng kể tôi nghe. Cậu ấy để xúc xích và bánh mì lên tay tôi, bảo tôi cất đi, sau đó cười nói: "Còn mỗi cậu thôi, hai hôm trước cậu không có nhà, tớ đem tặng cho các bạn khác trước rồi."
Trương Trạch Vũ tặng quà Đông Bắc xong chạy đi mất. Hai ngày tết, Trương Tuấn Hào được mẹ hạ lệnh đặc xá, cho phép ra ngoài chơi mà không cần học, thế là Trương Tuấn Hào lưu lạc ở nhà chúng tôi, lưu lạc từ tầng một lên tầng sáu, nói chung là không về nhà. Lúc ở nhà tôi, cậu ấy hỏi: "Cậu nhìn thấy bố của Trương Trạch Vũ chưa?"
Tôi ù ù cạc cạc nhìn cậu ấy: "Bố cậu ấy đến?"
"Đúng thế," Trương Tuấn Hào dùng ánh mắt ngây thơ nhìn tôi, khịt mũi tiếp tục hỏi: "Cậu không biết sao?"
Tôi không biết. Bố mẹ Trương Trạch Vũ đều rất bận, năm nay may mắn được nghỉ, đến Trùng Khánh thăm bố mẹ và con trai. Nhưng Trương Trạch Vũ không nói với tôi. Có thể là cậu ấy quên, cũng có thể là bố mẹ cậu ấy đột xuất đến,... Tôi thầm giải thích thay Trương Trạch Vũ. Tôi cũng thầm khinh bỉ bản thân, tôi lại quá ích kỷ trước niềm vui của cậu ấy rồi. Cả toà nhà chúc tết qua lại. Mẹ tôi lấy một túi thịt gà lòng gà mà ông bà tôi nhét vào cốp xe từ trong bếp ra, bảo tôi mang xuống cho Trương Trạch Vũ. Tôi đứng ở cửa không muốn đi, mẹ tôi mặt khó hiểu mắng tôi "Lại có vấn đề gì đấy". Tôi cũng không biết mình bị làm sao, chỉ là không muốn gặp Trương Trạch Vũ.
Tôi không phải là bạn tốt nhất của cậu ấy sao? Tại sao bố mẹ đến cậu ấy cũng không kể với tôi?
Tôi bám vào cửa nhà thà chết cũng không đi. Trương Tuấn Hào ở nhà đối diện khịt mũi xem kịch. Cuối cùng tôi không địch lại được vị nữ hiệp lực điền như mẹ tôi, bị ném ra khỏi nhà bắt đi đưa quà. Tôi lề mề đi xuống tầng một. Cửa nhà Trương Trạch Vũ mở lớn, bà cậu ấy đang gói sủi cảo ở phòng khách. Ngoài toà nhà vang lên một tiếng nổ lớn, tôi ngó đầu ra xem. Trương Trạch Vũ đang chơi pháo hoa cùng bố, cực kỳ vui sướng. Cậu ấy đội một cái mũ len màu đỏ, mặt cũng vì nhiễm lạnh mà bỏ bừng hết lên, nhìn từ xa trông như một quả táo tươi mới. Trương Trạch Vũ nhìn thấy tôi sau đó vẫy tay với tôi. Găng tay cậu ấy đeo rất dày, lúc vẫy tay cực kỳ buồn cười, trông như mấy nhân vật trong phim hoạt hình. Cậu ấy hét lớn hỏi tôi: "Cậu đến có việc gì thế?"
Bố cậu ấy mỉm cười gật đầu với tôi. Trương Trạch Vũ kéo góc áo bố: "Cậu ấy là Trương Cực". Tôi cúi người: "Cháu chào chú". Chú ấy có dáng vẻ của tầng lớp tri thức điển hình, hơi đen, đeo một cái kính gọng đen, mảnh khảnh nhã nhặn. Trương Trạch Vũ hỏi lại: "Có việc gì thế?"
Tôi hờn dỗi đáp: "Tớ xuống tìm Trần Thiên Nhuận."
Trương Trạch Vũ dường như không hề để tâm gật đầu "À" một tiếng rồi tiếp tục đốt pháo với bố cậu ấy. Cậu ấy vóc người nhỏ nhắn, chạy qua chạy lại y như pháo hoa. Tôi cứ đứng ở hành lang nhìn, Trương Trạch Vũ chạy đông chạy tây trông rất phấn khích. Tôi rất hiếm khi thấy cậu ấy vui vẻ đến như vậy. Tôi để đồ vào cửa nhà cậu ấy rồi hờn dỗi bỏ đi, chạy một mạch lên nhà, lên nhà rồi lại bám vào cửa sổ nhìn xuống dưới, thấy cậu ấy vẫn đang đốt pháo với bố, tiếng cười vang đến tôi ở tầng sáu cũng nghe thấy. Mẹ tôi cầm muôi đi ra hỏi tôi đã tặng đồ chưa, tôi bực mình lớn tiếng đáp: "Tặng rồi!"
Mẹ tôi suýt nữa thì lấy muôi gõ vỡ đầu tôi. Tôi không rõ vì sao mình lại không vui, cũng không rõ vì sao mình lại cảm thấy mất mát. Lý trí bảo tôi không nên giận Trương Trạch Vũ. Nhưng nếu lúc đó suy nghĩ của tôi hữu hình, nhất định là tôi muốn làm một cái cân thăng bằng, một bên để quả cân mẫu là Trương Trạch Vũ, bên còn lại đem cân hết tất thảy mọi thứ, xem xem rốt cuộc tôi xếp thứ mấy trong lòng cậu ấy. Lúc đó tôi rất sợ, tôi phát hiện mình chẳng hiểu Trương Trạch Vũ chút nào. Cậu ấy có rất nhiều tâm tư mà tôi không biết, cũng không kể tôi nghe. Cuộc đời cậu ấy là một khối lập thể, còn hiểu biết của tôi về cậu ấy chỉ là một mặt phẳng của nó mà thôi. Trong khi tôi không kiêng dè gì phô bày hết tâm tư suy nghĩ với cậu ấy, cậu ấy lại dường như chưa từng thực sự mở lòng với tôi. Nhiều năm sau tôi nhận ra chỉ là tính cách cậu ấy vốn như vậy. Cậu ấy là sự kết hợp phức tạp giữa trong lạnh ngoài nóng và trong nóng. Cậu ấy rất giỏi làm một mặt trời nhỏ, nhưng cũng giỏi khoá chặt bản thân mình lại, không để mọi người nhìn thấu nội tâm kiên cường. Cậu ấy chỉ không biết cách làm phiền người khác mà thôi. Nhưng khi đó tôi không hiểu, chỉ cảm thấy thế giới ầm vang như sắp sụp đổ, canh gà không còn thơm, sườn xào chua ngọt cũng không còn ngon nữa. Đặc biệt là khi Trương Tuấn Hào khịt mũi nói với tôi, cậu ấy nghe phong thanh Trương Trạch Vũ có thể sẽ quay về Cáp Nhĩ Tân, cậu ấy còn nhấn mạnh chỉ là nghe đồn vậy thôi. Khoảnh khắc ấy tôi cảm giác kết thúc rồi, thật sự là kết thúc rồi, Trương Trạch Vũ sắp đi rồi, tôi không phải người bạn tốt nhất của cậu ấy thật rồi.
Học sinh tiểu học tuổi đó đúng lúc đứng ở giao điểm giữa nhi đồng và thanh thiếu niên, có đứa lớn thể xác nhưng không lớn tâm hồn, có đứa lớn tâm hồn nhưng không lớn thể xác, có đứa giống tôi, tâm hồn và thể xác cùng lúc trưởng thành, nhạy cảm quá mức đến rối tinh rối mù hết cả lên. Trương Trạch Vũ lại cứ giữ bộ dáng vô tư tâm hồn chưa lớn, tôi nhìn cậu ấy cười ngốc cũng thấy bực mình, vừa hờn dỗi đợi cậu ấy nói với tôi cậu ấy phải đi, lại vừa không muốn cậu ấy nói với tôi, sợ nói rồi cậu ấy thật sự sẽ đi. Tâm tình tôi phức tạp như cuộn len không thể gỡ rối. Bố mẹ Trương Trạch Vũ nghỉ phép rất lâu, chúng tôi sắp phải quay lại trường học rồi cô chú vẫn chưa trở về Cáp Nhĩ Tân. Đây nhất định là kỳ nghỉ ngột ngạt nhất trong cuộc đời tôi. Tôi giận dỗi không nói chuyện với Trương Trạch Vũ, Trương Trạch Vũ đến tìm tôi mấy lần đều gặp phải khuôn mặt lạnh băng của tôi. Nhưng có bố mẹ ở bên ngày ngày đưa đi chơi, cậu ấy cũng không tiếp tục mặt nóng dán mông lạnh* nữa. Trương Tuấn Hào thỉnh thoảng sang nhà tôi chơi, ráp đồ chơi, xem hoạt hình. Cậu ấy vốn ít nói, tôi lại không nói gì, chúng tôi giống như hai bắp cải thảo lớn vùi trong đất, vô vị thải ra CO2. Tô Tân Hạo và Chu Chí Hâm toàn đến cùng nhau đi cùng nhau, hai người có thế giới riêng của mình, không quá cần sự hiện hữu của tôi. Đồng Vũ Khôn thì quá ồn, suốt ngày đánh nhau với Dư Vũ Hàm, cộng thêm Mục Chỉ Thừa nữa thì đúng là oanh tạc vũ trụ. Khi Tả Hàng đến thì sẽ gọi thêm Đặng Giai Hâm và Trần Thiên Nhuận, Trần Thiên Nhuận gọi thêm Diêu Dục Thần, mấy đứa chúng tôi ngồi thiền xem tivi. Triệu Quán Vũ đến được vài lần rồi biến mất, anh ấy nói bầu không khí của chúng tôi quá ngột ngạt, anh ấy thà đi chơi với chó nhà Đặng Giai Hâm còn hơn.
(*) ý chỉ bản thân nhiệt tình nhưng chỉ nhận lại sự thờ ơ lạnh nhạt
Tình trường đã không như ý rồi sự nghiệp học hành của tôi cũng chả ra đâu vào đâu. Kỳ nghỉ đông gần kết thúc, người ở dưới tầng một bắt đầu thu xếp hành lý, chúng tôi cũng bắt đầu chính thức hoàn thiện nốt bài tập. Bài tập của học sinh tiểu học không nhiều, mẹ tôi quy định thời gian nghiêm ngặt cho tôi, buổi sáng làm bài từ 8 giờ đến 11 giờ, buổi chiều làm bài từ 2 giờ đến 5 giờ. Mỗi ngày tôi khổ sở chăm chỉ làm bài tập dưới sự giám sát của mẹ tôi, đến cuối cùng chỉ còn sót lại bài tập làm văn. Buổi chiều hôm đó tôi ngồi cắn bút ngẫm nghĩ rất lâu. Trong đầu tôi có hai người vô hình quyết chiến dữ dội. Một người bảo tôi viết về Trương Trạch Vũ đi, tôi quan tâm cậu ấy như thế, cậu ấy nhất định là bạn tốt nhất của tôi rồi. Người còn lại phản đối, nói Trương Trạch Vũ chưa chắc đã viết về tôi, sao tôi phải viết về Trương Trạch Vũ chứ?
Tôi lưỡng lự mãi mới bắt đầu động bút, viết về Trương Trạch Vũ. Mặc dù tâm trạng vẫn rối rắm, nhưng kể về Trương Trạch Vũ dòng suy nghĩ của tôi lại tuôn trào không ngừng, cứ như vòi nước không đóng được van, kể từ lần đầu gặp tới lần cùng cậu ấy xem Đại thoại tây du. Tốc độ Chí Tôn Bảo cưỡi trên mây ngũ sắc cũng không bì kịp tốc độ tôi viết về Trương Trạch Vũ. Tôi có nhiều điều muốn kể về cậu ấy như thế, cũng có nhiều điều đáng để kể về cậu ấy như thế. Dù cho tôi có làm mình làm mẩy không muốn viết về cậu ấy thì não tôi vẫn thành thật hơn tôi nhiều. Viết xong tôi để bài văn đó trên bàn học một đêm, sáng hôm sau tỉnh dậy tôi lại bò ra bàn viết một bài văn khác, viết về Tả Hàng. Từ Tả Hàng đầu húi cua hay nói nhảm đến Tả Hàng thích giúp người, tôi cố gắng viết xong bài văn. Lúc đó quả thực tôi không chú ý đến tại sao tôi lại không để ý việc tôi viết về Tả Hàng còn Tả Hàng viết về Trần Thiên Nhuận, không cảm thấy cô đơn cũng không cảm thấy mất mặt, vậy mà lại để ý việc Trương Trạch Vũ không đặt tôi ở vị trí đầu tiên trong lòng, sợ hãi việc tôi không hề quan trọng với cậu ấy.
Sắp quay trở lại trường chúng tôi hiếm lắm mới tụ tập được ở phòng tôi, xem tập phim Slam Dunk mới. Đồng Vũ Khôn và Dư Vũ Hàm viết về nhau, cả hai mang đến tranh nhau đọc lớn cho cả bọn nghe như đang tranh công. Văn của Đồng Vũ Khôn thì sến súa hệt thư tình. Dư Vũ Hàm lại miêu tả chi tiết cảnh tượng Đồng Vũ Khôn chắt chiu không nỡ mua nước, sau đó ca ngợi người bạn tốt của mình cần cù tiết kiệm, biết dốc lòng dốc sức vì công cuộc bảo vệ môi trường, còn chưa đọc xong Đồng Vũ Khôn đã tức giận muốn cắn cậu ấy. Mục Chỉ Thừa viết về Trương Tuấn Hào, kể lại chuyện lúc nhỏ cậu ấy ngã, Trương Tuấn Hào đã cõng cậu ấy về nhà. Trương Tuấn Hào cũng viết về Mục Chỉ Thừa, nhưng bài văn là mẹ cậu ấy hướng dẫn viết cho nên cậu ấy ngại đọc. Sau cùng, Mục Chỉ Thừa hỏi Trương Trạch Vũ: "Cậu viết về ai?"
Trương Trạch Vũ đang chống tay say mê xem kịch hay, nghe thấy vậy "À" một tiếng, chưa vội trả lời mà cười, cười đến hai mắt cong cong, sau đó đáp: "Tớ á, tớ viết về... Trương Cực vậy?"
Tôi không biết đó là loại cảm giác gì, giống như trái tim bị tung lên thật cao rồi đột ngột rơi xuống. Trương Trạch Vũ viết về tôi thật rồi, thế có nghĩa là tôi cũng đặc biệt đối với cậu ấy. Nhưng mà cậu ấy thật sự phải quay về Cáp Nhĩ Tân sao? Sao cậu ấy không nói với tôi? Lúc đó trong đầu tôi cực kỳ hỗn loạn, giống như máy tính đồng thời chạy nhiều loại chương trình khác nhau dẫn đến quá tải. Tôi càng không biết lúc đó mình bày ra vẻ mặt gì, tươi cười hay lại mặt đăm đăm, nhưng chắc là không dễ nhìn cho lắm. Trương Trạch Vũ nhìn thấy biểu cảm của tôi thì im lặng. Mọi người cũng yên tĩnh một lúc rồi chuyển sang chủ đề khác, lại muốn đến tiệm băng đĩa xem có phim gì mới không. Thế là chúng tôi lần lượt xuống nhà. Trương Trạch Vũ đi phía trước tôi, suốt đường đi tôi cứ nhìn cái soáy tóc của cậu ấy. Tôi cảm giác mình có rất nhiều điều muốn nói nhưng lại không mở lời được. Trên cơ thể tôi dường như có một con quái thú nhỏ ký sinh, tâm tình của nó nhiều đến mức tôi không còn là chính mình nữa.
Chúng tôi đến tiệm băng đĩa đọc A Suy, đứa ngồi đứa đứng. Trương Trạch Vũ ngồi cạnh Tam Hoa, vừa vuốt ve nó vừa đọc truyện, vừa đọc vừa cười. Lòng tôi khó chịu, không đọc truyện tiếp được nữa, bỏ truyện xuống đi ra ngoài. Được một lát thì Trương Trạch Vũ cũng ra ngoài theo, cùng tôi ngồi trên bậc thang ở cửa. Cậu ấy hỏi, "Trương Cực, cậu có chuyện gì thế?"
Con người tôi từ trước đến nay, gặp phải vấn đề nan giải sẽ bắt chước đà điểu. Tôi ngồi dịch sang bên cạnh, Trương Trạch Vũ cũng dịch theo tôi. Cậu ấy rất nghiêm túc, "Trương Cực, hôm nay cậu nhất định phải nói rõ rốt cuộc cậu có chuyện gì."
Tôi nhìn vào mắt của cậu ấy. Mắt cậu ấy ươn ướt, không giống mèo con mà giống cún con. Quái thú nhỏ ẩn náu trong người tôi vừa kiên định vừa hung dữ. Tôi mặc kệ tất cả dứt khoát nói hết ra: "Không phải cậu sắp về Cáp Nhĩ Tân sao? Bố mẹ đến cậu không kể với tớ, cậu sắp phải đi cũng không kể với tớ. Tớ có phải là bạn cậu không? Sao cái gì cậu cũng không kể với tớ?"
Giọng Đông Bắc của Trương Trạch Vũ lại xuất trận rồi. Cậu ấy đứng hình một lúc sau đó đáp lại tôi một mạch bằng tiếng địa phương Đông Bắc: "Ai bảo với cậu là tớ sắp về Cáp Nhĩ Tân? Tớ không về, trong bài văn tớ còn viết chắc chắn sẽ tiếp tục học ở Trùng Khánh, hộ khẩu của tớ vẫn còn ở Trùng Khánh đây này."
Tôi nghĩ mình sẽ ghi nhớ khoảnh khắc đó thật lâu về sau. Trái tim tôi an ổn tiếp đất, sự vui sướng và bình yên không gì sánh bằng bất chợt ập tới. Tôi nhìn Trương Trạch Vũ thật lâu, lâu đến mức cả người cậu ấy dựng hết lông tơ, sau đó hét lớn: "Tại Trương Tuấn Hào!"
Tối hôm đó tôi vô cùng hân hoan trở về nhà, gặm sườn xào chua ngọt, xương chất đầy hai bát, hớn hở nói chuyện với mẹ. Mẹ tôi thậm chí còn nghi ngờ não tôi có vấn đề. Sau khi ăn cơm xong về phòng sắp xếp bài tập, tôi vô cùng tuyệt tình nhét "Người bạn tốt nhất của tôi – Tả Hàng" vào trong ngăn kéo. Sau đó kết quả là Dư Vũ Hàm và Đồng Vũ Khôn đều không dược chọn; Trương Tuấn Hào và Mục Chỉ Thừa chỉ giành được giải tham dự có cũng như không; còn điều kỳ diệu là cả Trần Thiên Nhuận và Tả Hàng đều giảnh được giải trong khi trước đó hai người không qua lại với nhau mấy. Hai người đều giữ lời viết về đối phương. Bài văn của Trần Thiên Nhuận rất chặt chẽ, tư duy logic, bố cục mạch lạc, phân thành bốn đoạn, tỉ mỉ kể lại ưu điểm và những câu chuyện liên quan đến Tả Hàng. Tả Hàng thì văn chương hào sảng, kể về một giấc mơ, trong mơ Trần Thiên Nhuận thực hiện được tâm nguyện của mình, trở thành một nhà thiết kế. Tôi và Tô Tân Hạo cũng giành được giải. Bài văn của chúng tôi vừa hay được sắp xếp trên cùng một mặt báo, bị mấy người còn lại truyền tay nhau đọc, vừa đọc vừa cười. Trương Trạch Vũ cũng cười nghiêng ngả, giơ tờ báo ra hỏi tôi không thấy sến sao.
Phần kết của bài văn đó tôi viết: Tôi không biết tương lai sẽ ra sao, cũng không biết liệu chúng tôi có trở thành vĩ nhân như chúng tôi hằng mong ước hay không. Nhưng tôi tin cậu ấy sẽ mãi là người bạn tốt nhất của tôi, trò chuyện cùng tôi, xem hoạt hình cùng tôi, trưởng thành cùng tôi, cũng sẽ cùng tôi bước qua mỗi một giao lộ của sự chia ly.
Giống như điều ước sinh nhật năm mười một tuổi của tôi, Trương Trạch Vũ cầm bánh giúp tôi, Tả Hàng hát vang bài hát chúc mừng sinh nhật, tôi nhắm mắt thầm cầu nguyện:
Hy vọng chúng tôi sẽ mãi bên nhau, hy vọng chúng tôi sẽ mãi tốt đẹp như vậy.
TBC.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com