Chương 2
Lâm đại nương dắt Lâm Hoài Quế chậm rãi bước qua dãy hành lang dài. Ở cuối hành lang, hai vị di nương lớn tuổi của Lâm gia đang thấp thỏm ngóng trông, dắt theo nha hoàn và bà tử, dõi theo không rời.
Lâm phu nhân được rước vào Lâm gia từ hồi còn bé xíu, lúc ấy mới tám tuổi, mà Lâm Bảo Thiện năm ấy đã được mười tám tuổi xuân.
Khi ấy, Lâm Bảo Thiện có bệnh nhẹ, bị thứ đệ hãm hại, nằm liệt giường suốt một năm. Lâm thái lão gia khi đó sớm biết thân thể trưởng tử khó nối dõi tông đường. Thế nhưng, dù vậy vẫn quyết ý rước nữ hài vào cửa, đưa nàng nhập môn.
Phụ thân của Lâm mẫu, là Thích Chính Trí, một danh nho một thời, nhưng tính tình cương trực không chịu cúi đầu. Vì thế, làm quan ở kinh thành chưa được hai năm đã bị cách chức đuổi về, liên lụy cả tộc họ, bị người nhà chèn ép, đành ôm vợ con trở về quê cũ ở đất Trướng Châu mà mưu sinh.
Thích Chính Trí hồi hương không được một năm, Thích phu nhân vì bệnh mà mất, để lại Lâm phu nhân khi ấy mới chỉ bảy tuổi là cùng.
Bà ấy từ nhỏ đã thích hoa, xuống miền quê nghèo, nhà ở sơ sài, không có kẻ hầu người hạ, đến bữa còn phải tự mình xuống bếp. Mẹ mất, nhà tranh vách đất, nhưng nàng vẫn tự tay trồng được hai khoảnh hoa nhỏ trước sau căn phòng hàn xá.
Mùa xuân năm kế tiếp, mẹ đã không còn, nhưng hoa vẫn rực rỡ muôn màu.
Cứ tưởng ngày tháng sau này cứ như vậy mà trôi qua, nhưng một ngày kia, Thích Chính Trí từ lớp học dạy mấy tiểu tử trong thôn về, lại thấy khoảnh vườn bị giẫm cho tan nát, hoa cỏ xơ xác chẳng còn đâu dáng vẻ xinh tươi lúc sớm.
Ông thấy con gái quần áo lấm lem, tay chân nhếch nhác, mặt mũi dính đầy bùn đất, đang đứng nhìn khu vườn đăm đăm, rưng rưng nhìn từng cành hoa ngọn cỏ chực khóc. Nhưng vừa thấy hắn về, liền cười nói: "Cha! Không sao đâu, mai con trồng lại là được."
Thích Chính Trí thế mới biết trong thôn có trâu bò được lùa đi ăn cỏ nhưng lại vào ăn phá, giẫm nát vườn hoa con gái ông trồng.
Tối đến, người nhà ấy dẫn đứa nhỏ đi chăn tới nhận lỗi, đánh đứa bé đến khóc lóc van xin gọi mẹ. Còn bên ngoài, dưới gió lạnh thổi qua, Lâm mẫu đang giặt chiếc áo bông lấm bẩn buổi sáng bằng nước giếng giá buốt.
Sau khi gia đình nhà kia ra về, nhìn con gái tay đầy vết nứt nẻ, áo mặc cũ kỹ sờn vai, Thích Chính Trí, dù quan lộ đứt đoạn, vợ chết cũng chưa rơi lấy một giọt nước mắt, lúc ấy hốc mắt đỏ hoe, thở dài thườn thượt, ôm con vào lòng, ngủ cạnh nàng một đêm. Sáng hôm sau, ông lập tức lên thành Trướng Châu, đem con gái gả vào nhà họ Lâm.
Ngày ấy, ông từng giúp Lâm lão thái gia một phen trọng nghĩa, Lâm lão thái gia cũng vì mến cái cốt cách thanh liêm của ông mà ngưỡng mộ. Dù Thích Chính Trí không màng nhận trợ giúp khi vừa mới trở lại, nhưng lần này mở lời, Lâm lão thái gia không nói hai lời, lập tức tam môi lục sính, sang năm liền rước nàng vào cửa, không chút keo kiệt tiền tài, coi nàng như tiểu thư danh giá mà dưỡng nuôi.
Thích Chính Trí cũng hiểu được vài chuyện của Lâm gia, ông cũng không phải loại người ích kỷ, biết con gái gả vào ít nhất sáu bảy năm nữa mới được viên phòng, nên đã bán phần lớn thư họa mang theo từ kinh thành, mua hai nha hoàn dễ sinh nở đi theo làm của hồi môn.
Hai vị di nương lớn tuổi này, chính là hai người năm xưa theo hầu phu nhân nhập phủ.
Hai nàng cả đời không con, nay đã ngoài ngũ tuần. Mấy năm nay, Lâm gia khó khăn lắm mới sinh được một gái một trai, các nàng lại coi hai đứa trẻ như trân bảo. Hôm nay vì e ngại lời dặn của Đại Nương tử, mấy di nương khác chẳng dám lại gần, chỉ có hai bà, dựa vào thân phận lão nhân bên người phu nhân, đứng chờ nơi đầu hành lang, chỉ sợ đoạn đường ngắn kia xảy ra điều gì không lành.
Xa xa trông thấy hai tỷ đệ dần tiến lại, các nàng thở phào, nhẹ giọng dặn: "Từ từ thôi, coi chừng nước đọng dưới đất."
Lâm gia cứ hai năm lại tu sửa mái ngói, tuyệt chẳng có chuyện dột nát, hai nàng quả thật lo lắng quá đỗi.
Một đoạn đường chẳng dài, chỉ chừng mấy chục trượng, vậy mà Hoài Quý đi mất hai nén nhang, mồ hôi đầm đìa, trán nhỏ cũng đọng từng giọt mồ hôi to như hạt đậu. Vừa thấy đến nơi, Đại di nương vội bế bổng đứa bé lên, xót xa dỗ dành: "Ướt cả lưng rồi phải không? Thật ngoan, con chịu khổ rồi."
Lâm Đại Nương chỉ lắc đầu, thầm nghĩ: chậc, nhà này cưng chìu thằng bé đến độ ấy. Nó chịu học đi cũng chẳng biết nàng đã đánh gãy bao nhiêu roi. Thành Trướng Châu này e rằng chả còn cây nào thuận tay nàng nữa.
"Được rồi, di nương bế nó vào thay y phục đi, một hồi lại mang ra đây." Lâm Đại Nương thấy nàng ấy lo lắng đến độ sắp đập chân giậm đất, bèn lên tiếng dặn dò.
Nghe được lời nàng, Đại di nương liền quay người như gió, bế thằng bé chạy như bay, sức vóc chẳng thua gì người trẻ tuổi.
Nhị di nương thấy thế liền đến gần nắm tay Lâm Đại Nương, khẽ nói: "Lão gia gọi cả phu nhân và Quế di nương sang, không biết là muốn nói chuyện gì."
"Không sao đâu." Nàng vỗ tay nàng ấy an ủi. Với Nhị di nương, nàng rất thân cận, thuở nhỏ từng hầu ngủ cùng hai năm, mọi sự chăm bẵm như mẹ ruột, chỉ trừ không cho bú mớm. Trong lòng nàng, Nhị di nương như vú nuôi của mình vậy. "Có con ở đây mà"
Nhị di nương mỉm cười, gật đầu lia lịa, "Nhị di biết rồi."
Vừa vào phòng, có nha hoàn giúp nàng cởi áo choàng, rồi khẽ nói: "Đại Nương tử, dạo này mưa dầm, sợ có đợt rét trái mùa. Người nhớ bảo bên viện mình đừng cất hết áo choàng lông mùa đông, để lại vài chiếc kẻo dùng tới."
Hôm nay nha hoàn thân cận của Lâm đại nương còn chưa qua, chứ nếu có mặt, nghe mấy lời này ắt sẽ trừng mắt giễu cợt, bụng bảo miệng: "Này thì hiểu biết, này thì khôn ngoan!"
Vài phòng nha hoàn cũng y như bầy gà mái, ghét nhau hơn là thân thiết.
"A Nha mấy đứa đều trữ cho ta cả rồi." Lâm Đại Nương không để bụng, đón lấy bát nước nóng do Tiểu Linh dâng lên, uống mấy ngụm, cười đáp "Nhưng lông này xù xì, cạ vào mặt ngứa ngáy khó chịu, thôi cứ để đấy đã."
Nói đoạn, nàng bước vào phòng trong. Vừa vào được mấy bước, đã nghe thấy tiếng Quế di nương khóc nức nở từ trong truyền ra.
Nàng nhanh chân bước tới, vén rèm chắn gió, vừa mở miệng hỏi: "Cha con lại bị gì nữa ư?"
Vừa thấy nàng đến, Lâm phu nhân vội đưa tay ra, nàng liền nắm lấy, ngồi xuống bên cạnh, ngẩng đầu nhìn phụ thân và Quế di nương.
"Cha con lại nói lời xúi quẩy... " Có con gái ở đây, Lâm phu nhân mới dám than thở "Nói là mặc kệ tất thảy, không lo cho mẫu tử ta nữa."
"Ngày nào cha chẳng nói mấy câu ấy mới yên bụng." Nàng thản nhiên đáp.
"Con nói thế mà nghe được à?" Lâm Bảo Thiện vờ oan ức, "Chẳng lẽ cha là người như vậy sao?"
"Đúng vậy, cha chính là như vậy đấy." Nàng bóp bóp tay cha, chậc, sao cùng là thịt mỡ mà của đệ đệ lại mềm mại đàn hồi khác nhau một trời một vực vậy.
Ngước mắt nhìn gương mặt tròn vo của cha, to như cái mâm, nàng tỉnh ngộ – người lớn tuổi thì mỡ không nhão đã tốt lắm rồi, còn non mềm nữa thì đòi hỏi cao quá.
Thấy con gái không nể mặt chút nào, Lâm lão gia phẫn nộ. "Đồ con gái bất hiếu, cha đây vì muốn họ nghe lời con mới thế!"
"Nghe lời con ư?" Nàng giật nhẹ má. "Cha nói nhầm rồi, Hoài Quế mới là con trai của cha, người nên dạy dỗ nó là cha. Nương con mới là phu nhân của cha, thiếp thất đầy nhà cũng là của cha, con nào phải người lo chuyện ấy? Cha mau uống cháo đi, muốn dạy thì chờ khỏe xuống giường mà dạy!"
Lâm Bảo Thiện tức quá vỗ giường rầm rầm: "Ta thật là không xong rồi! Sao các ngươi chẳng ai tin ta? Ngay cả cháo cũng chẳng nuốt nổi nữa, ta sắp chết đến nơi rồi, con đứa bất hiếu này, ngươi muốn chọc cha tức chết ư?"
Lâm Đại Nương cười cười, quay sang Nhị di nương. "Nhị di, vào bếp đem bát thịt thơm lại đây giùm con với."
Nhị di nương không hiểu mô tê gì, bối rối nhìn mọi người, nhưng vẫn thuận theo.
Bát thịt thơm bưng vào, nàng liền mở nắp, kề sát vào mũi phụ thân. Từ lúc Nhị di nương bước vào, lão đã hít lấy hít để, giờ thì nước miếng chảy ròng ròng.
"Xem người này." Lâm Đại Nương liền biết không phải là không nuốt nổi cháo, mà là không có thịt nên mới vậy. Đừng nói một bát, mười bát lão gia tử cũng ăn được tuốt. Nàng bưng chén, gọi nướng và Quế di nương, Nhị di nương lại xem. "Trông có thèm không!"
"Hề hề..." Quế di nương nuốt nước miếng, cười khan.
Cũng chẳng trách được lão gia... Mùi thịt thơm thật.
Lâm lão gia bụng đã "ọc ọc" như trống đánh, hợp với tiếng nuốt nước miếng của Quế di nương, âm thanh... quả là hết chỗ nói.
Lâm Đại Nương trừng mắt nhìn Quế di nương.
Quế di nương "gần mỡ ắt béo", năm xưa vào phủ còn là tiểu cô nương xinh xắn, nay đã hơn hai chục năm, biến thành quý thiếp phúc hậu tròn trịa, mặt mũi tròn như trái táo.
"Thơm thật." Quế di nương cười ngượng, cúi gằm đầu.
"Ôi." Thấy Quế di nương nước miếng cũng đã sắp tràn ra ngoài, ngay cả Lâm phu nhân cũng dở khóc dở cười.
"Con gái..." Không ngửi thấy gì còn tốt, nhưng vừa nghe thấy hương thơm béo ngậy của thịt, con sâu thèm ăn trong bụng Lâm Bảo Thiện rục rịch sống lại, nhìn chằm chằm vào bát, nước dãi ứa ra. "Con gái..."
" Cha ăn nổi?"
"Được! Ăn được mà!"
"Không phải nói không có khẩu vị sao?"
"Có! Giờ có rồi!"
"Cha còn chết nữa không?"
"Không chết!" Lâm lão gia gần như khóc ròng "Cho cha một miếng thôi, chỉ một miếng!"
"Cha muốn ăn sao?" Nàng chìa bát ra trước mặt ông.
"Muốn!" Lão thèm đến mức muốn cắn trúng miệng mình.
"Cha nằm mơ đi! Nương, người ăn đi." Nàng thu bát về, đặt vào tay mẫu thân, lạnh lùng nhìn cha "Cha chỉ được ăn cháo thôi, còn dùng dằng nữa thì cháo cũng không được uống đâu, tới lúc đó tha hồ mà uống gió Tây Bắc!"
Nghe vậy, Lâm Bảo Thiện quên cả giả vờ, vỗ giường gào lên: "Tiểu nha đầu thối tha! Ta muốn ăn thịt! Đồ bất hiếu, cha còn chưa chết mà đã làm vậy!"
Lâm Đại Nương nhìn lão gia mập mạp nhà mình hệt như sinh long hoạt hổ, lấy tay ngoáy ngoáy tai, thầm nghĩ: 'người cổ đại vốn từ mắng chửi người khác hết sức nghèo nàn, không phải "bất hiếu" thì cũng là "bất hiếu". Nếu cha không chịu giảm béo, con sẽ cho người thấy thế nào là kho từ vựng phong phú của hậu thế!'
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com