[001] Tốt Nghiệp Rồi Làm Gì? - Craig Oldham
Lĩnh vực: Thiết kế đồ họa
___
1. Đừng bao giờ xem nhẹ hệ quả của tình yêu. Đặc biệt là tình yêu nghề.
2. Tất nhiên, vẫn có những lựa chọn khác, những cách khác để thực hiện điều đó, nhưng chúng ta phải luôn nhận thức được hệ quả trong mỗi hành động của mình. Và đừng bao giờ đánh giá thấp hệ quả của những hành động đó.
3. Đối với ngành thiết kế, để tạo ra một bố cục nhất định nhằm truyền tải một thông điệp nào đó, thì bạn phải biến những thứ phức tạp trở nên đơn giản hơn, và những thứ nhàm chán trở nên hấp dẫn hơn.
4. Ở bậc tiểu học và trung học, những gì bạn cần học ở các cấp độ này là sự tự tin. Nếu bạn giỏi những bước cơ bản, hay thâm chí chỉ đạt được một nửa yêu cầu, thì bạn vẫn có thể tự tin tiến xa hơn.
5. Bạn đừng nghĩ rằng lĩnh vực sáng tạo chỉ có mỗi môn nghệ thuật – thực tế không như bạn nghĩ đâu. Tiếng Anh, Toán và khoa học đều là những môn học sáng tạo. Nhưng bạn cần sự tự tin và trải nghiệm nhiều để có thể nhìn những môn đó theo chiều hướng sáng tạo.
6. Hãy dành thời gian để trải nghiệm, góp nhặt kiến thức về những cách thức làm việc khác nhau, và theo càng nhiều khóa học càng tốt.
Chẳng hạn, khám phá các phương pháp và chất liệu của gốm sứ, thời trang, mỹ thuật, nhiếp ảnh, phim, phương tiện truyền thông, v.v... Hãy thực hiện dự án, làm rối tung mọi thứ, phạm sai lầm, và rồi xem xét lại mọi việc. Giai đoạn này giúp bạn có tầm nhìn hơn về con đường phía trước, hoặc chí ít là một ý tưởng mơ hồ về những gì bạn muốn làm tiếp theo.
7. Không nhà thiết kế nào có tầm nhìn một chiều (tunnel vision) cả, tức là chỉ quan tâm đến đề tài của mình mà bỏ qua những điều khác.
8. Những người lớn (và hầu hết những chuyên gia) đều sợ hãi nếu phạm phải sai lầm. Nhưng trong giáo dục, bạn đừng bận tâm đến việc gây ra sai lầm, chỉ cần quan tâm những gì diễn ra trong quá trình thử nghiệm. Hãy nhớ, sáng tạo không phải là mắc sai lầm, mà là chuẩn bị cho những sai lầm: chấp nhận rủi ro.
9. Bạn cần phải duy trì cách tiếp cận cởi mở để học hỏi, tham gia nhiều hơn nữa. Hãy cứ tiếp tục học tập, tiếp tục đặt câu hỏi. Làm việc cũng chỉ là một cách học tập khác mà thôi.
10. Hãy học hỏi từ những người xung quanh bạn, những người có nhiều kinh nghiệm hơn một chút, hoặc từ những người có ít kinh nghiệm hơn nhưng có cách làm khác với bạn. Học hỏi cả những kiến thức không thuộc ngành sáng tạo như quản trị khách hàng, quản lý thời gian, công việc kinh doanh của khách hàng... Đăng ký tham dự những buổi diễn thuyết, những khóa học về phần mềm hoặc kỹ năng mới, hoặc khám phá những thứ khiến bạn hứng thú. Và trên hết, đừng bao giờ ngừng học tập.
11. Portfolio phản ánh nhân cách và khả năng của bạn, phản ánh con người bạn, rằng bạn là một nhà thiết kế như thế nào, công việc bạn đã và đang làm, điều mà bạn quan tâm.
12. Bạn không bao giờ tạo được một Portfolio hoàn chỉnh. Hãy xem Portfolio như một dự án: thiết kế, sửa đổi, và cập nhật thường xuyên.
13. Nếu Portfolio được xem xét kỹ lưỡng, được tổ chức ngăn nắp, mạch lạc, và có thể kể được kinh nghiệm làm việc mà không cần bạn giải thích, thì bạn sẽ thành công ngay.
14. Portfolio nên tránh các khổ lớn ra, A3 hoặc A4 là vừa đủ. Sử dụng màu sắc tương phản để gây ấn tượng. Và đừng quên vận dụng quy tắc "Bắt đầu hợp lý, kết thúc rõ ràng."
15. Về chuyện dựng cấu trúc, bố cục Portfolio, tôi luôn xem xét khâu này như thể tôi đang thưởng thức một bộ phim: cảnh mở đầu sẽ dẫn dắt người xem vào tác phẩm, sau đó chuyển sang phần giữa với những dự án ngắn đan xen với các dự án lớn và phức tạp, kế đến là phần kết thúc, có thể kết lại bằng một dự án bạn đang thực hiện.
16. Portfolio không bao giờ thực sự "hoàn thành". Nó luôn cần được chăm chút theo thời gian qua các dự án, và được thay đổi để phù hợp với tiêu chí công ty mà bạn muốn làm việc.
17. Hãy để cái cũ qua đi và đón nhận cái mới, nếu điều đó thực sự tốt đẹp.
18. Với CV cũng áp dụng các nguyên tắc tương tự: đơn giản, ngắn gọn, sạch sẽ và hơn hết là phù hợp với vị trí ứng tuyển. Có thể thêm thông tin về giải thưởng, bài báo, sách xuất bản, triển lãm...
19. Thay vì hỏi "Bạn có thích sản phẩm này không?", bạn có thể hỏi "Có vấn đề gì với sản phẩm này không?", "Nó sai ở đâu?", "Bạn sẽ làm gì để cải thiện sản phẩm này?"
20. Lời nhận xét trong lĩnh vực nghệ thuật thường mang tính chủ quan nhiều hơn. Hãy nhận lấy các ý kiến và lời nhận xét, nhưng tùy vào việc nó có tính xây dựng hay không, có giúp bạn phát triển hơn hay không, bạn có quyền quyết định mình có chấp nhận ý kiến này hay không.
21. Đừng cả tin vào những lời nhận xét như "trông ổn phết" hay "trông cũng hay ho" và dừng lại ở đó, hãy tìm nhiều ý kiến hơn và liên tục cải thiện để đi đến "những tác phẩm tuyệt vời".
22. Hãy làm theo cách riêng của mình và bằng chính giọng nói của mình.
23. Hãy tìm một cách riêng để nói về công việc của mình, thông qua đó phản ánh bản thân và cá tính của mình.
24. Nếu bạn không quan tâm, thì ai sẽ quan tâm đây?
25. Nên khởi đầu câu chuyện bằng một cách tích cực. Nếu bạn không nhiệt tình với công việc của mình, thì sao có thể mong đợi ai khác nhiệt tình với bạn? Nếu làm việc với sự thờ ơ và buồn rầu, ảm đạm, bạn sẽ không thể thuyết phục người khác tin vào những ý tưởng của bạn.
26. Bạn cũng nên biết thấu đáo và toàn diện về công việc của mình, phải thuộc lòng nó như lòng bàn tay vậy. Đừng xem nhẹ việc cung cấp bối cảnh và lời giải thích về công việc cho khách hàng. Như việc thương hiệu nên trông như thế nào, tại sao vấn đề lại được xác định, vấn đề thực sự là gì, tại sao giải pháp thiết kế này là phù hợp.
27. Hãy tập dượt cách nói về công việc của mình trước khi phỏng vấn hoặc đi gặp khách hàng. Như một buổi thuyết trình mà bạn phải biết mình nên nói về cái gì. Khi luyện tập các từ khóa sẽ dần khắc sâu hơn vào tâm trí bạn, đồng thời hình dung các tình huống sắp xảy ra để có phương án ứng biến kịp thời.
28. Khi bạn bắt đầu nói, hãy tưởng tượng mình đang thuyết trình trên sân khấu và thư giãn. Bỏ qua những cái nhìn nghi ngờ, nói chuyện với mọi người một cách chân thành, tỏ vẻ quan tâm và hứng thú, trả lời câu hỏi và đặt lại câu hỏi cho họ. Quan trọng hơn hết, hãy luôn là chính mình. Bạn không thể là bất cứ thứ gì khác hoặc bất kỳ ai khác, nên không cần cố gắng làm vậy làm gì.
29. Thà yêu để rồi chia lìa, còn hơn chẳng bao giờ yêu. – Bill Shakespeare
30. Quá thực thực tập và làm việc sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng cần có của một chuyên viên giỏi và phát triển tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp là gì? Nó bao hàm cách bạn làm việc, nói chuyện, trình bày, xây dựng các mối quan hệ và tất cả mọi thứ khác.
31. Việc pha trà có thể giúp bạn có được sự chú ý, được yêu mến và có cơ hội nói chuyện với những người xung quanh để xem họ đang làm gì, và quen biết được nhiều người hơn trong công ty. Hãy cứ dò hỏi nhưng đừng làm bản thân trông như một kẻ lập dị.
32. Trước hết, hãy lập một danh sách ngắn gọn gồm những công ty mà bạn muốn vào làm. Việc này giống như bạn không thể ghi được bàn thắng nếu như không có khung thành.
33. Hãy đóng vai một thám tử tìm hiểu mọi nguồn thông tin để nghiên cứu về công ty mà bạn nhắm đến: Họ chuyên về các công việc nào? Họ làm ở đâu? Họ hướng đến đối tượng nào? Hãy đọc tất cả những trang tạp chí và blog thương mại, xem qua trang web của họ và dò hỏi thêm thông tin. Hãy hỏi xem người cố vấn có tán thành lựa chọn của bạn không, và trò chuyện với những người đó có kinh nghiệm về mảng này từ trước.
34. Khi mới vào làm việc, hãy gặp gỡ, bắt chuyện với đồng nghiệp, và ghi nhớ tên của họ.
35. Chỉ cần một chút nhiệt thành là bạn sẽ có cơ hội để tiến xa hơn. Mọi người thường quan tâm đến người tạo được sự hứng thú ở họ. Vậy nên hãy cố gắng hành xử khôn khéo và nhanh trí.
36. Với một người mới đi làm, hãy thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực, làm mọi công việc được giao và hỏi xin thêm việc để làm khi rãnh rỗi.
37. Hãy chứng minh rằng bạn là thành phần không thể thiếu của công ty. Người đạt được thành công không liên quan đến số việc họ hoàn thành trong suốt thời gian ở công ty, mà là khi họ vắng mặt, các đồng nghiệp đều nhớ đến họ.
38. Hãy luôn tử tế và phát ra năng lượng nhiệt thành của một nhân viên mới.
39. Không có gì trên đời này là hoàn hảo cả. Quá trình thực tập cũng như vậy. Nhưng tôi vẫn giữ quan điểm của mình, rằng mọi trải nghiệm thực tập đều xứng đáng để bỏ công sức, dù cho nó có tốt đẹp hay không.
40. Đôi lúc bạn có thể gặp phải những chuyện xui xẻo và phải khó khăn lắm mới tìm lại được chính mình đúng nơi, đúng lúc.
41. Như tôi đã nói và luôn tin, rằng không có trải nghiệm nào là tồi tệ cả, bởi mọi trải nghiệm đều đáng giá.
42. Thiết kế đồ họa là điểm khởi đầu của gần như mọi mảng trong ngành sáng tạo, nó trao cho bạn những công cụ và kiến thức để có thể thay đổi hướng đi và xáo trộn mọi thứ lên khi bạn cần làm mới bản thân, hoặc khi có điều gì đó thúc ép bạn.
43. Vậy nên, trước hết hãy tự vấn lương tâm một chút. Thành thật với bản thân về những gì mình muốn làm, cách làm ra sao, và cả nơi mà bạn muốn làm.
44. Một số công ty dường như nằm lòng lẫn nhau, bởi mạng lưới nhân viên chỉ chuyển đổi trong một mạng lưới nhỏ hẹp, đồng điệu về phương thức tiếp cận, phương pháp làm việc và xử lý công việc, từ đó tạo ra một khối liên kết thống nhất. Điều này sẽ giúp ích cho người mới trong việc "kiến tạo cầu nối" và mang lại nhiều cơ hội, sự giúp đỡ hơn khi bạn cần tìm việc hoặc tìm người hỗ trợ. Hãy khai thác những cầu nối này, họ có thể mang đến cho bạn hàng loạt cơ hội, và cũng sẽ đưa bạn đến những nơi mà bạn có thể đã bỏ qua, hoặc không biết đến.
45. Một buổi phỏng vấn cho bất kỳ công việc nào cũng đều khá khó chịu, nhưng đừng bận tâm khi đó là công việc mà bạn yêu thích và dốc hết sức để cố gắng đạt được.
46. Có vô số trở ngại, nhưng bạn có thể vượt qua hết. Chỉ cần bạn chịu tìm cách thôi.
47. Bạn đã làm việc chăm chỉ để có được vị trí mong muốn, nên đừng an phận thủ thường với những thành công của mình. Hãy giữ vững động lực đó và làm việc chăm chỉ hơn nữa. Bạn còn nhiều thứ cần cải thiện lắm, chẳng hạn những thứ bạn có thể không nhận ra.
48. Liên tục tìm kiếm phản hồi và đánh giá về mọi thứ: công việc, khả năng, khuyết điểm và ưu điểm của bạn. Đánh giá xem vị trí hiện tại của bạn đang ở mức nào, và bạn muốn vươn đến vị trí nào. Liên tục đặt mục tiêu cho bản thân, biết rằng bạn sẽ trở nên cứng cáp hơn sau những gì mình đạt được. Vì vậy hãy luôn đặt mục tiêu cho mình.
49. Hãy làm việc với càng nhiều người càng tốt. Vì nhiều người trong số họ có những mối quan hệ khác, như những người bạn ở công ty khác, bạn đại học, sinh viên của họ, nhà cung cấp, nhà sản xuất hay người chế tác...
50. Một số công ty áp dụng hình thức làm việc như một nhóm giả định (Quasi-team) và thường được dẫn dắt bởi một hoặc hai giám đốc sáng tạo. Khi một bản tóm tắt công việc được gửi đến, giám đốc sáng tạo sẽ tập hợp các nhà thiết kế lại để cùng thảo luận. Sau đó, giống như các đội bóng đá Mỹ thường làm sau một trận đấu, cả nhóm sẽ có khoảng "nghỉ" để mọi người tản ra đi tìm ý tưởng hay giải pháp. Sau một khoảng thời gian, mọi thành viên sẽ trở lại với nhóm cùng những ý tưởng của họ. Có nhiều lúc đó là cách tốt nhất để phát triển ý tưởng, và công việc cũng được triển khai thực hiện từ đó. Nhưng cũng tồn tại lắm cạnh tranh, đôi khi người có nhiều kinh nghiệm hơn trong nhóm sẽ dễ dẫn đầu hơn, và có thể khiến bạn không thể đưa ra ý tưởng riêng của mình cho một dự án nào đó.
51. Nhiều công ty tổ chức nhóm thiết kế theo cách phân cấp – cấp giám đốc sáng tạo, người có thâm niên trong nghề, dân nghiệp dư, nhân viên cấp dưới – và bạn sẽ được hỗ trợ về mặt sáng tạo trong việc quản lý các tác phẩm nghệ thuật, dự án và khách hàng.
52. Các mô hình tổ chức nhóm thường tuân theo thứ bậc. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng những người ở bậc dưới cùng không hưởng lợi nhiều. Vì họ được vây quanh bởi những người giàu kinh nghiệm trong cùng một nhóm khắng khít. Vì vậy, bạn sẽ thấy rõ công việc của những thành viên trong nhóm, cách chia sẻ trách nhiệm ra sao, từng vai trò được mong đợi những gì, và điều gì cần làm để lên được cấp độ kế tiếp.
53. Một công ty nhỏ cũng được gọi là một nhóm, nhưng thường không có đủ người cho các vai trò cần thiết để thực hiện dự án, nên các nhân viên phải đảm nhận nhiều việc khác nhau.
54. Dù bạn làm việc ở bất cứ nơi nào đi nữa, bạn sẽ phải làm việc trong một vài nhóm. Vì vậy bạn phải có khả năng thích ứng với nhóm, cũng như chấp nhận người khác. Giống như trong cuộc sống, phải cho đi thì mới nhận lại được, và bạn cần phải nhận biết khi nào thì cần cho và nhận.
55. Đừng bao giờ, và không bao giờ được phép buông bỏ những cảm giác mà bạn có ở tại thời điểm này (nhất là khi bạn còn là sinh viên, hoặc đã tốt nghiệp). Hãy lưu giữ cảm giác đó trong mình, và trong mọi lúc, mọi nơi, dù bạn đã thành công hay cảm thấy hạnh phúc, chỉ cần nhớ lại cảm giác của mình và cách bạn đến được vị trí hiện tại. Hãy nhớ cách bạn đã thực hiện, hành trình bạn đã chọn, những người đã giúp đỡ bạn và cách họ giúp bạn ra sao; sau đó, chia sẻ với những người sắp sửa có trải nghiệm này. Điều đó không chỉ giúp ích cho các sinh viên mà việc giải thích và lượng giá những điều này giúp bạn trở thành một nhà thiết kế đồ họa giỏi hơn.
56. Hãy làm việc vì bản thân, nhưng bạn cần phải hiểu rõ lý do tại sao lại làm như vậy.
57. Hãy làm việc để học hỏi, để thể hiện ra. Hãy chủ động giúp đỡ người khác, đầu tư vào những thứ xứng đáng với công sức bạn bỏ ra, để xoa dịu những thất vọng buồn bực, để tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề nào đó.
58. Mọi điều bạn làm đều sẽ mang lại một giá trị gì đó về vật chất hoặc tinh thần. Đôi khi việc đó không mang lại lợi ích tiền bạc. Nhưng tuyệt đối đừng bao giờ làm điều gì chỉ vì danh tiếng hay lòng tự trọng, thanh danh, sĩ diện. Bởi bạn chỉ có thể đạt được những thứ đó sau khi đã làm được những điều tốt đẹp. Vậy trước tiên hãy làm những điều tốt đẹp đi đã.
59. Ngành thiết kế đồ họa luôn tìm kiếm sự liên kết, sáng tạo. Đánh giá những cuộc thi, phân tích portfolio, trò chuyện, cống hiến thời gian, soạn những bản tóm tắt công việc, tổ chức các buổi hội thảo, đạt được vị trí điều hành và tham gia vào hội đồng quản trị, v.v... Khi những điều này xảy đến với bạn, hãy chộp lấy cơ hội ngay. Và nếu chưa có, hãy tiếp tục tìm kiếm chúng.
60. Sau khi nhận được công việc đầu tiên, khoảng thời gian này có thể kéo dài tiếp hay không là tùy thuộc vào bạn có thực sự thích hợp với nó hay không.
61. Một điều quan trọng là, mọi thứ đều sẽ thay đổi.
62. Tôi đã có được công việc mà mình hằng khao khát. Tôi thực sự đã nghĩ rằng mình sẽ làm mãi công việc ở công ty đó. Tôi phớt lờ những bất an do tôi tưởng tượng ra, như chuyện tôi có thể bị sa thải, hay chuyện có thể tôi là kẻ bất tài và công ty sẽ nhận ra điều đó, hay lỡ như tôi làm hỏng chuyện thì hệ quả sẽ ra sao... Và những bất an đó khiến tôi làm nhiều dự án ngoài kế hoạch hơn để mong muốn đảm bảo vị trí trong công ty đó.
63. Sau một vài năm, tôi bắt đầu đầu muốn làm nhiều thứ khác, phát triển các kỹ năng khác, và học hỏi nhiều hơn. Thế nhưng, quan trọng nhất, tôi đã nhận ra rằng mình muốn làm những việc khác ở những nơi khác. Tôi cần phải đổi chỗ làm. Và đây là lúc tôi biết ơn những bất an khi trước vô cùng – nó khiến tôi xây dựng và duy trì những mối quan hệ với công ty khác, cũng như chăm chút cho hồ sơ năng lực cá nhân trong suốt thời gian đó.
64. Nhưng làm sao để ta biết được đã đến lúc cần thay đổi? Dù không phải câu trả lời sáng suốt nhất, nhưng sự thật là chỉ có mình bạn biết mà thôi. Lời khuyên duy nhất của tôi là đừng bỏ lơ cảm giác dai dẳng rằng có gì đó bất ổn. Sau đó hãy thử nói chuyện với người khác về cảm giác của bạn và xem họ nghĩ gì. Bạn có thể tìm đến bạn bè, đồng nghiệp đáng tin cậy, hoặc các mối liên hệ trong ngành. Nhưng tin tôi đi, bạn sẽ biết thời điểm mà bạn cần phải thay đổi.
65. Tất nhiên bạn có thể đến làm ở một công ty khác. Nhưng quan trọng, bạn phải biết được điểm bất ổn ở công ty mà bạn đang làm trước khi nhảy sang một nơi khác. Giống như lần đầu tiên đi làm, bạn phải biết rõ bản thân và những điều bạn muốn nhắm đến là gì. Một lựa chọn thiếu hiểu biết có thể dẫn đến tình trạng tồi tệ hơn hiện tại rất nhiều.
66. Hãy xem xét: Bạn đang thiếu cái gì? Bạn muốn học hỏi thêm cái mới? Bạn muốn bước vào môi trường làm việc khác? Bạn đang tìm kiếm điều gì? Một công việc tốt hơn? Cộng sự tốt hơn? Thăng tiến? Lương bổng? Nhiều trọng trách hơn? Điều gì khiến bạn rời công ty cũ? Do đồng nghiệp? Do nơi làm? Do việc đi lại? Do bản thân công việc?
Có vô số thứ bạn cầnn phải nghĩ đến, vậy nên hãy lên danh sách, việc viết ra giúp củng cố suy nghĩ của bạn, khiến bạn thực sự suy nghĩ về chúng chứ không đơn thuần chỉ là cảm nhận.
Một khi đã hiểu kỹ hơn, bạn mới có thể thực hiện công việc tiếp theo: Xin vào công ty mới phù hợp hơn với tham vọng của bạn.
67. Thực sự chỉ có 3 kiểu khởi nghiệp trong ngành thiết kế này. Đó là kiểu "Hợp rồi tan" (Reservoir Dogs) – "Toán cướp 11 tên" (Ocean's Eleven) – "Bố Già" (Godfather)
Kiểu "Hợp rồi tan" là một nhóm người có tài năng thật sự (tài năng của họ có phần giống nhau), họ cùng nhau thực hiện một hoặc nhiều phi vụ trong một khoảng thời gian trước khi tan rã. Có thể họ không quý mến nhau lắm, nhưng không ảnh hưởng đến việc họ thực hiện mọi thứ một cách xuất sắc.
Kiểu "Toán cướp 11 tên" cũng tương tự như "Hợp rồi tan". Họ cũng bao gồm một nhóm người tài năng cùng thực hiện một hoặc nhiều phi vụ trong một khoảng thời gian trước khi tan rã. Nhưng khác biệt là mỗi thành viên có một điểm mạnh riêng, họ tổ chức công việc như một tập thể, trong đó mỗi người sẽ phát huy thế mạnh của mình. Họ cũng thường phối hợp ăn ý với nhau hơn.
Kiểu "Bố Già" là kiểu phổ biến nhất. Cả tổ chức chỉ có hay một số người đứng đầu, dẫn dắt và kiểm soát mọi thứ, họ phân chia quyền hạn và nghĩa vụ cho cấp dưới một cách hiệu quả. Đây cũng là mô hình mà các doanh nghiệp thường áp dụng.
68. Nếu mong muốn mọi việc suôn sẻ, ta phải có niềm tin.
69. Hãy xem xét tất cả rủi ro, suy nghĩ thấu đáo và kỹ càng trước khi đưa ra lựa chọn.
70. Bạn phải tự tin rằng mình sẽ có thể kiếm sống được và nuôi người khác (nếu họ là một phần cuộc sống của bạn). Bạn cần phải kiếm ra dự án để làm, và phải có nơi để thực hiện các dự án đó.
71. Có nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật và trách nhiệm cần được quan tâm khi bạn khởi nghiệp: tiền, khoản tiết kiệm, nguồn khách hàng, studio, các loại thuế, thuế bất động sản, sổ sách, các thủ tục thành lập công ty, chính sách môi trường, bảo hiểm, v.v...
72. Việc lập công ty vẫn là khả thi, khi bạn biết mình muốn làm gì, tại sao lại muốn làm việc đó, và lập một kế hoạch chắc chắn về các bước thực hiện, kể cả kế hoạch chi tiết về những thứ phải làm nếu mọi thứ "đi toang".
73. Hãy làm việc ở càng nhiều nơi càng tốt trong tám đến mười năm đầu tiên trong ngành trước khi tự mình mở công ty.
74. Khi bạn đã chọn được tên công ty và biết những gì mình muốn làm, hãy đi gặp và nói chuyện với một kế toán giỏi. Họ có thể giúp bạn thiết lập và đăng kí mọi thứ. Họ sẽ tư vấn cho bạn về các khoản như thuế và VAT, tài khoản ngân hàng, và những danh mục mà bạn chưa từng nghĩ đến.
75. Nếu thành lập công ty với một hoặc nhiều người khác, hãy chắc chắn đó là những mối quan hệ đáng tin. Giống như việc kết hôn vậy, bạn phải biết rõ từng người một, các thành viên phải bổ khuyết cho nhau, và những quan điểm khác nhau cần phải được bàn luận chung. Bạn cũng cần một kế hoạch rút lui ngay từ đầu, một hợp đồng mang tính ràng buộc để giúp mọi thứ dễ xử lý hơn khi xảy ra trục trặc.
76. Suy cho cùng, lý do cốt lõi của việc khởi nghiệp là muốn tự quyết định số phận của mình. Vì vậy bạn phải tự thân vận động thôi.
77. Hành nghề tự do cũng có nhiều ưu điểm: thời gian linh hoạt, phù hợp với lối sống, tự đặt ra mức lương và giới hạn cho mình; tự quyết định chỗ làm và thời gian làm, có thể từ chối hoặc nhận những công việc mình thích. Lựa chọn này hiệu quả với người muốn lối sống tự do, mọi thứ đều tùy thuộc vào sự sắp xếp của bạn.
78. Tuy nhiên hành nghề tự do cũng có thể mang đến thất vọng, chán nản khi bạn không biết được liệu công việc mình làm có phải là công việc cuối cùng hay không, bạn bộng cảm thấy mình không có nhiều thời gian rãnh rỗi để làm những gì mình mong muốn, và nhìn đâu cũng thấy hạn chót mà thôi.
79. Đào tạo người khác không chỉ giúp bạn phản ánh và lượng giá lại phương pháp và lối thực hành, cũng như ý tưởng của bản thân, mà những người bạn đào tạo sẽ không bạn yên với những điều mà bạn cho là hiển nhiên. Với tư cách một chuyên gia, bạn biết điều gì hiệu quả và điều gì không, nhưng các bạn sinh viên thì không. Các bạn ấy sẽ hỏi "Tại sao lại sử dụng màu đỏ? Tại sao lại dàn bố cục này? Tại sao cái này ở đây mà không ở kia?..." Khi đó bạn buộc phải đưa ra câu trả lời, trình bày rõ quá trình tư duy (để dẫn đến lựa chọn đó) của mình, sử dụng chúng như phương tiện mang tính mô phạm và chỉ dẫn. Việc này sẽ khiến bạn ngẫm nghĩ lại lối tư duy của mình, từ đó cải thiện bản thân với tư cách một nhà thiết kế.
80. Bạn có thể xin thỉnh giảng, tổ chức các chương trình trao thưởng, hội thảo, sự kiện giảng dạy, phân tích portfolio, ... Tóm lại, bạn phải cam kết với chính mình trong việc cải thiện bản thân. Nhưng đồng thời, bạn cũng phải có trách nhiệm đối với ngành nghề của mình, bảo vệ và cải thiện tương lai của nó. Những điều này chỉ có thể đạt được thông qua giáo dục và đào tạo mà thôi. Vì vậy hãy bắt đầu chia sẻ và truyền đạt kinh nghiệm ngay khi có thể.
81. Tiếp thị bản thân bao gồm nhiều thứ: lên báo vì những dự án bạn làm cho khách hàng (hoặc cho cá nhân), đạt các giải thưởng, cho đến những thứ vô hình như danh tiếng được lan truyền,v.v... Công cụ tốt nhất để quảng bá chính mình là có những tác phẩm thú vị khiến mọi người phải bàn tán. Và đừng ngại tham gia các ban truyền thông hoặc thử thách cộng đồng miễn phí, bởi vì bạn không bao giờ biết được những sự kiện này sẽ dẫn bạn đến đâu.
82. "Nếu bạn có khả năng suy nghĩ, chúng tôi có thể dạy bạn mọi thứ mà bạn cần biết." – The Chase
83. Sự can đảm, liều lĩnh còn quý hiếm hơn cả tài năng.
84. Điều làm thiết kế đồ họa trở nên thú vị không phải bản thân nó, mà là những gì bạn truyền tải được bằng cách sử dụng các yếu tố đồ họa khác nhau theo từng dự án.
Có hai yếu tố cơ bản trong việc truyền tải thông điệp: hình thức và nội dung. Ấn phẩm đồ họa cho bạn biết nội dung của ấn phẩm được thiết kế dưới hình thức ra sao.
85. Thiết kế đồ họa là phần thiết yếu trong việc truyền tải thông điệp, nhưng nếu không có nội dung để truyền tải, thì mọi thứ sẽ trở nên thừa thãi. Nội dung chính là vấn đề mấu chốt.
86. Là một nhà thiết kế đồ họa, công việc của bạn là giải quyết vấn đề. Và cho dù bản tóm tắt công việc của bạn dài ngắn bao nhiêu, hoặc trông nó ra sao, thì nó chỉ đơn thuần là một bản liệt kê các vấn đề mà thôi. Mọi vấn đề đều có giải pháp, nhưng bạn chỉ nhìn ra được giải pháp nếu biết rõ nguyên nhân từ đầu qua bản tóm tắt.
87. Gợi ý sách: A Technique for Producing Ideas (Kỹ thuật xây dựng ý tưởng) – James Webb Young
88. Có một cuộc sống không liên quan đến mảng thiết kế có thể giúp bạn nảy ra ý tưởng đấy. Môi trường sống của bạn sẽ truyền cảm hứng cho bạn. Bạn sẽ thu thập ý tưởng từ mọi khía cạnh trong cuộc sống, và bạn sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề ở một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ.
Bước 1: "nạp" vào đầu những mảng kiến thức cơ bản – những dữ liệu thô liên quan đến vấn đề gặp phải và những gì bạn tích lũy được trong kho kiến thức chung của mình: tất cả những kinh nghiệm, bài học, công trình, dự án, tác phẩm từng thực hiện.
Bước 2: xử lý dữ liệu đầu vào trong đầu, suy ngẫm, ngẫm nghĩ thật nhiều lần.
Bước 3: "ủ" ý tưởng, tạm thời gác vấn đề qua một bên và để tiềm thức xử lý (bạn tạm thời làm việc khác nhưng thực ra bạn vẫn luôn nghĩ về vấn đề trong tiềm thức và thường thì ý tưởng sẽ nảy ra bất ngờ khi bạn đang tắm hoặc rửa chén, đó là cách tiềm thức hoạt động, và nó chỉ hoạt động khi ta đang làm việc khác).
Bước 4: ý tưởng dần được hình thành.
Bước 5: định hình, phát triển ý tưởng thành sản phẩm có hiệu quả và thực tế
89. Nếu không có dữ liệu đầu vào, sẽ không có dữ liệu đầu ra, vậy nên hãy quen với điều này và tận hưởng cuộc sống đi. Nhưng phải đảm bảo rằng bạn tạo được nền tảng để mọi thứ hoạt động trơn tru.
90. Ngoài ra bạn hoàn toàn có thể lấy ý tưởng từ những chủ đề mình yêu thích hay từ những thứ xảy ra xung quanh bạn.
91. Trong thiết kế, bạn cần có khả năng giải thích ý tưởng thiết kế của mình, tại sao thiết kế lại phù hợp và quan trọng. Vũ khí mạnh nhất của bạn chính là khả năng nói về bản thiết kế, về công việc, về suy nghĩ của bạn và thậm chí về chính bạn.
92. Bạn phải thành thật với bản thân về niềm tin của chính mình. Bạn có đạo đức nghề nghiệp không? Những nguyên tắc? Tiêu chuẩn? Hãy nhớ lấy điều đó, vì chúng phản ánh con người bạn dưới vai trò là một nhà thiết kế, và đó cũng chính là những gì khách hàng, công ty và khán giả, quan tâm.
93. Không quan trọng bạn lấy ý tưởng từ đâu, mà quan trọng là bạn đi được đến đâu với ý tưởng đó.
94. Người mà quan sát mọi thứ cẩn thận và chi tiết thì mới có khả năng sáng tạo. – Leonardo da Vinci
95. Bạn có thể học mọi thứ mình cần. Không có gì là tài năng thiên bẩm trong ngành Thiết kế đồ họa cả, chúng ta chỉ cần có tính tự chủ trong việc nảy ra những ý tưởng tuyệt vời, phải có niềm tin rằng mọi thứ sẽ hoạt động hiệu quả. Không có sự khác biệt nào giữa bạn và idol của bạn – chỉ khác là họ có tính tự chủ, còn bạn thì chưa.
96. Nếu bạn là sinh viên mới ra trường và bắt đầu tìm việc làm, đừng quá đặt nặng vấn đề sử dụng công cụ hay phần mềm. Không quan trọng bạn giỏi ứng dụng công nghệ, hay tự mình thao tác tay ra sao. Nếu bạn có ý tưởng hay, có khả năng suy nghĩ, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, thì họ sẽ đào tạo bạn phần còn lại.
97. Lo lắng khi bắt đầu là điều bình thường mà. Vì quan tâm nên mới lo lắng, và khi lo quan tâm càng nhiều, bạn sẽ LUÔN LUÔN đi tìm giải pháp. Chỉ cần không từ bỏ, giái pháp chắc chắn sẽ xuất hiện. Chẳng hề có quyền lực thần thánh nào đâu, bạn làm được bởi vì bạn thực sự muốn giải quyết vấn đề và chuẩn bị đầy đủ mà thôi.
98. Không có gì sai khi bạn không biết chính xác những gì mình muốn làm tiếp theo cả. Không có gì sai nếu bạn gây ra rắc rối. Không có gì sai nếu bạn phạm sai lầm hoặc đưa ra lựa chọn không đúng. Nhưng sẽ là sai nếu bạn không thực hiện những gì mình mong muốn.
***
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com