Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần V

[WALL OF TEXT]
#Sông_Ái_Nha #KCCSAN #P5

Ngày thứ ba sau khi bị gãy xương ngón tay, cậu thanh niên Dư Khoa sống trong căn hộ số 205 tại khu chung cư Sông Ái Nha chọn bước lên sân thượng và nhảy xuống.

.

Trước cái giờ khắc này đây, Dư Khoa xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông với thân phận vai nam chính trong mẩu tin "Trai bao cấp Ba của một người phụ nữ giàu có".
Trước đó nữa, Dư Khoa cùng cha mình đã dọn vào căn hộ số 205 tại khu chung cư Sông Ái Nha, đi cùng họ còn có một chiếc dương cầm.
Chiếc dương cầm ấy trông không hợp chút gì với cái khu chung cư cũ mèm này, nó là một chiếc đàn chuẩn, mấy anh công nhân dọn nhà đã vắt sạch hy vọng cả đời mình ra để có thể khênh nó vào đầu hành lang chật hẹp.

Thành phố A nơi khu chung cư Sông Ái Nha này toạ lạc có một Học viện Âm nhạc vô cùng nổi tiếng. Dư Khoa được cha đưa từ quê lên đây, mục tiêu của họ chính là Học viện kia.
Nhà chỉ là thuê lại thôi, lắp đặt tường cách âm chắc hẳn là phần sửa sang tốn công, tốn của nhất. Chuỗi động tác lật giở, lắp ráp từng tấm mút cách âm dày cả tấc màu xanh sẫm của ông Dư trông thành thạo vô cùng, căn phòng vốn chẳng lấy gì làm to bỗng trở nên càng nhỏ hẹp hơn hẳn.

Hôm ấy, Chu Huệ phòng 204 bước ngang qua cửa nhà của người hàng xóm mới chuyển tới, chị ta nhìn thấy mấy anh công nhân chuyển nhà đang lắp cái khung cửa mà vừa nãy họ mới tháo ra. Chiếc đàn dương cầm to hơn đường kính khung cửa kia được đặt giữa căn phòng khách ngổn ngang đồ đạc, nắng rọi trên lớp sơn đen hơi sờn cũ, vẽ ra một lớp ánh sáng mờ.

.

Hầu hết mọi người đều cảm thấy tiếc nuối cùng giận lẫy đối với cái chết của Dư Khoa.
Năm nay Dư Khoa 17 tuổi, hoàn cảnh gia đình của cậu ta chính là kiểu cha mẹ vét hết tiền của trong nhà chỉ để con cái học đàn. Chẳng ai nói rõ được rằng rốt cuộc cha mẹ của Dư Khoa đang đánh cược một ván bài có tỷ lệ lỗ nặng như thế nào, nhưng trước khi rời thị trấn để dọn đến thành phố A, số giải thưởng mà cậu trai này đã nhận được khiến mọi người phải kinh ngạc, cũng bởi những giải thưởng này mà việc làm thủ tục chuyển đến một ngôi trường chuyên có tiếng của cậu ta cực kỳ suôn sẻ.
Nhà trường đang ấp ủ dã tâm phát triển mảng Nghệ thuật, bản thân Dư Khoa lại giỏi cả môn văn hoá, nên trước khi cậu ta nhập học, phía nhà trường đã làm tuyên truyền rất nhiều lần với học sinh.

Dư Khoa ít nói, dáng dấp cao ráo, mặt mày bình thường, hai con mắt bị tóc mái che khuất.
Ông Dư cũng là một người đàn ông trầm tính, không hay nói chuyện, nhìn có vẻ nghiêm khắc, tính tình cứng nhắc. Thỉnh thoảng có hàng xóm khen Dư Khoa, ông Dư sẽ ngăn cản đối phương: Anh chị đừng khen nó, nó có thiên phú gì đâu, nhờ cố gắng cả, nhờ cố gắng cả thôi.
Dư Khoa đứng cạnh đấy, mặt mày chẳng có cảm xúc gì hết, nếu các bậc phụ huynh này nói chuyện lâu quá, cậu ta sẽ lôi cuốn kiến thức nhạc lý hoặc từ vựng ra xem một lát, điều này lại khiến những phụ huynh khác tán dương hết mực.
Chu Huệ dắt tay con gái bước ngang qua đám đông. Lúc chị ta ngang qua, bầu không khí gần đấy như bị đóng băng lại. Những bậc làm cha làm mẹ kia vội kiếm cớ cho có rồi rời khỏi, Chu Huệ và Dư Khoa đứng trước cửa nhà mình, cả hai gật đầu chào hỏi một cách đầy khách sáo sau đó bước vào nhà.
Con gái của Chu Huệ năm nay 13 tuổi, mắc chứng khuyết tật trí tuệ nhẹ, mức độ khuyết tật nhẹ này còn chẳng đạt đến tiêu chuẩn của chứng thiểu năng nhưng lại đủ để người xung quanh nhận rõ rằng đứa bé này có vấn đề.

.

Người dân sống trong khu chung cư Sông Ái Nha đều làm như vô tình tránh xa phòng 204. Đó là một gia đình bất hạnh, chồng là một tên cờ bạc, thường hay vào tù chơi mấy ngày vì tội tụ tập đánh bạc, hoặc bị chủ nợ đập cửa, tạt sơn; con gái là đứa thiểu năng, muốn vào học trong trường dành cho người khuyết tật thì không đủ điều kiện, học trường bình thường lại chả theo kịp.
Gia đình kiểu vậy chẳng khác nào một cơn lốc xoáy cuốn theo vô số bất hạnh, chẳng nhìn thấy chút hi vọng mong manh ở nơi nào.

Hôm ấy, Dư Khoa đang ngồi tập đàn một mình ở nhà, chuông cửa bỗng vang lên, Chu Huệ dẫn con gái đứng ngoài cửa.
Chu Huệ: Cô muốn cho em nó nghe tiếng đàn.
Chu Huệ: Cô đọc báo thấy người ta viết mấy đứa trẻ như em nó có khi lại được trời phú cho một khả năng đặc biệt gì đó, có lẽ em nó thích âm nhạc...
Chu Huệ: Cháu vừa đánh đàn là em nó khoa tay múa chân.

Người mẹ này nói với giọng gần như là cầu xin vậy, chị ta dè dặt cầu xin cậu thanh niên trẻ. Dư Khoa ậm ờ đáp lại, để hai mẹ con vào nhà.
Cậu ta rót nước cho hai người sau đó lại ngồi đánh đàn. Chu Huệ nghe một lúc, cất giọng hỏi trong lúc nhạc dạo: Cháu tập mấy năm rồi?
Dư Khoa sững người, nghĩ ngợi một lát.
Dư Khoa: Hình như được mười hai năm.
Chu Huệ: Ngoài đánh đàn ra cháu còn thích gì nữa?
Lần này Dư Khoa nghĩ thật lâu: Hết rồi ạ.
Dư Khoa: Vả lại cháu cũng không thích đánh đàn.
Chu Huệ mỉm cười: Đánh đàn tốt mà, có thêm một cách con đường để đi.
Chu Huệ: Trông cô thế thôi chứ cô cũng biết đánh đàn sơ sơ đấy.

Thật ra Dư Khoa cũng chẳng chú ý gì đến Chu Huệ cả. Vẻ ngoài của người phụ nữ gần bốn mươi này không có gì đặc biệt khiến mọi người phải chú ý, trông chị ta còn già hơn tuổi thực tế, dáng dấp hơi béo, áo quần có chút cũ, mười ngón tay thô kệch không được linh hoạt, màu da cũng chẳng được trắng.
Dư Khoa đã gặp được rất nhiều người chơi dương cầm, cậu ta không thấy Chu Huệ có gì đặc biệt cả, giáo viên nhập môn của cậu ta chính là một lão già béo đến nỗi bụng bia của lão có thể lật mở nắp đàn, đã thế còn nghiện thuốc lá nặng. So với người giáo viên đó, Chu Huệ còn đoan trang chán.
Cậu ta đứng lên nhường dương cầm cho Chu Huệ. Chu Huệ ấn phím đàn hồi lâu, trúc trắc đánh bản nhạc mà Dư Khoa đang tập.
Chị ta ngượng ngùng cúi đầu: Thật ra cô đánh  không được giỏi mấy.
Dư Khoa: Đúng vậy, tiết tấu, cách đặt tay sai hết.
Chu Huệ: Cháu xem cô có hy vọng đánh đàn giỏi được không?
Dư Khoa cũng nói thật: Hy vọng không lớn.

.

Việc Dư Khoa nhảy lầu chẳng gây ảnh hưởng to tát gì với cánh truyền thông cả. Mọi người bắt đầu lên án người đã quay chụp đoạn video kia với lý do là áp lực nặng nề này đã khiến Dư Khoa rơi vào cùng đường.
Và rồi những lời lên án đó chẳng mấy chốc lại bị muôn ngàn tin tức khác nhấn chìm, không thấy được bất kỳ bản tin nào liên quan đến việc này nữa, các trang mạng chính thức nói rằng họ sợ chuyện của Dư Khoa sẽ khiến trẻ vị thành niên làm theo.
Đoạn video kia chỉ dài ba mươi giây, trong phòng học nhạc, một người phụ nữ trung niên trông vô cùng tầm thường đang ngồi đánh đàn, từng ngón tay thô kệch ấn lên phím đàn; cậu thanh niên đứng cạnh chị ta, im lặng nhưng lại tỉ mẩn chỉ chị ta cách đặt ngón tay.

Hai người này có quan hệ gì? Là mẹ con? Là họ hàng? Thầy trò? Hay là mối quan hệ "bẩn thỉu" khó chấp nhận như tiêu đề của video? Mọi người suy nghĩ miên man, nhưng lại chẳng rõ người quay video là ai.
Có rất nhiều học sinh trong trường không thích cậu học sinh Dư Khoa mới chuyển đến này. Nỗi chán ghét của bọn trẻ con thường vô duyên vô cớ, chúng không thích cái mác "đánh dương cầm giỏi", không thích cái mác "tương lai triển vọng", không thích cái mác "vừa tài năng vừa học giỏi". Chỉ một Dư Khoa, chỉ một Dư Khoa mười phân vẹn mười là đã đủ để nhận lấy vô vàn sự chán ghét.
Chuyện học sinh nào đó đã bước ngang qua phòng học sau khi tan lớp và quay trộm đoạn video này không còn là chuyện quan trọng nữa. Video đã dẫn đến hậu quả nặng nề với mấy trăm triệu lượt xem, mấy trăm triệu cú click và hàng chục triệu người tin tưởng cái tiêu đề này.
Chẳng mấy chốc, họ đã tìm ra được người xuất hiện trong video, ấy là một cậu học sinh tên Dư Khoa và một người phụ nữ có tên Chu Huệ.
Trong cái mạng xã hội bảo sao hay vậy này, Dư Khoa là cậu trai bao đang học cấp Ba có hoàn cảnh khó khăn, ngủ với "mụ già giàu có" để kiếm tiền tiêu vặt; Chu Huệ là một mụ già giàu mà giấu, nhìn đơn sơ thế thôi nhưng lại có cả chục căn nhà đang trong diện đền bù...

Rất nhanh, người dân trong khu chung cư Sông Ái Nha cũng nghe được tin tức, trong đó bao gồm người chồng vừa mới ra tù của Chu Huệ. Người đàn ông cục cằn này phá cửa phòng 205, xông vào để "đòi lý lẽ". Chu Huệ bị đánh vật trên nền đất, ý thức mơ hồ chẳng rõ, cô con gái ngồi cạnh khóc như mưa. Lúc đầu chị ta còn nghe thấy lời văng tục của chồng vang lên phía nhà bên, hắn ta bắt Dư Khoa đền tiền thì mới chịu êm xuôi.
Giọng Dư Khoa nhẹ đến nỗi nghe không rõ, cậu ta chỉ có thể lặp đi lặp lại một câu, chuyện này là giả, cậu ta chỉ dạy Chu Huệ đánh đàn thôi, hai người họ không phải loại quan hệ đó, cậu ta coi Chu Huệ như mẹ mình vậy...
Chu Huệ trông thấy hộp dụng cụ nằm trên nền đất, vị trí đặt chiếc búa trống không. Chị ta nhận ra rằng búa đang trong tay chồng mình.

Tiếng kêu đau đớn của Dư Khoa vang lên chỉ một giây sau đó. Cậu ta muốn nhấc tay ngăn chiếc búa vung vẩy trong tay người đàn ông, chỉ trong vòng vài giây ngắn ngủi, bàn tay đánh đàn 12 năm đó mất đi bốn ngón tay.

.

Lúc đầu trong nhà Chu Huệ cũng có một chiếc dương cầm, đó chính là đồ cưới chị ta mang từ nhà mẹ sang. Thời đó, một chiếc dương cầm là một món đồ cực kỳ xa xỉ và có mặt mũi.
Về sau, do phải trả nợ cờ bạc của chồng, nó bị bán đổi lấy tiền.
Đến nay, vết chân cây dương cầm đó vẫn còn hiện rõ trên sàn nhà, sâu, nông đủ cả, trông như bốn nút ấn giữa sàn. Cô con gái vô tư thích chơi trò nhảy từ nút ấn này sang nút ấn khác.

Cha của Dư Khoa một thân một mình dắt con lên thành phố để tạo môi trường học tập tốt cho con, người vợ bận bịu công việc không thể đi cùng. Cái nhà này dường như đã diễn dịch bốn chữ "Tất cả vì con" lên đến trình độ cao nhất.
Người đàn ông một mình chăm con, còn phải xin chân làm việc vặt nhân lúc rảnh rỗi để kiếm tiền sinh hoạt, thỉnh thoảng Chu Huệ sẽ bưng đôi món ăn qua để giúp đỡ, chăm sóc cuộc sống của Dư Khoa.
Còn một khoảng thời gian nữa là chồng Chu Huệ ra tù. Chị ta cũng từng nghĩ đến chuyện ly dị, nhưng mỗi lần chị ta nhắc là lại bị chồng túm đầu nện vào tường, lấy dao kề cổ. Nếu Chu Huệ dám nhắc lần nữa, hắn ta sẽ giết cả hai mẹ con.
Chị ta thường hay nhớ nhung lúc mới kết hôn, chị ta làm giáo viên mầm non, biết đàn dương cầm sơ sơ, chị ta đánh đàn, bọn trẻ sẽ hát theo giai điệu, khi ráng chiều rạng rỡ, ấm áp buông xuống, chồng sẽ lái con xe taxi đến cổng trường mầm non và đón chị ta về... Đó là một khoảng thời gian rất đẹp, rất đẹp. Về nhà chị ta vẫn sẽ chơi đàn, sẽ hát nhạc Đặng Lệ Quân, hắn ta ngậm điếu thuốc, mặc áo ba lỗ, vừa "làm vài món ăn" trong bếp vừa hát theo...
Cuộc sống thay đổi từng chút, từng chút một, đến nay chẳng rõ dáng hình, tựa như một trái táo dần rữa nát.

Dư Khoa thấy rất tò mò: Sao cô lại thích chơi đàn?
Với cậu ta mà nói, dương cầm như một bài tập vậy thôi. Ngoài Toán, Văn, Anh... ra còn có thêm môn đánh đàn.
Cậu ta không chống đối nhưng cũng chẳng thích thú. Dư Khoa rất tỉnh táo, bản thân cũng trưởng thành sớm, cậu ta biết kỳ vọng của cha mẹ không phải vì tiếng tăm hay chạy theo phong trào mà thực sự là vì họ đã quy hoạch xong xuôi cho cậu ta, họ cố gắng hết sức để cậu ta thoát khỏi tầng lớp sinh hoạt giống với thế hệ cha mẹ.
Với cậu ta mà nói, dương cầm chỉ là một dạng "công cụ", không phải sở thích.

Chu Huệ đưa tay sờ những phím đàn trơn bóng xếp thành hàng ngay ngắn kia, chị ta rất thích âm thanh của dương cầm, thích cảm giác trong trẻo khi bấm từng nốt nhạc, thích tụi nhóc tươi cười đứng quanh khi chị ta chơi đàn, thích người chồng hiền lành, hài hước xưa.
Chị ta không nói mấy lời này với Dư Khoa. Chị ta không biết Dư Khoa có thể hiểu hay không, mà chị ta cũng cảm thấy tuổi mình mà "thương xuân buồn thu" nhiều vậy, hơi "buồn nôn" nhỉ?

Chu Huệ dần già đi. Đàn ông già có lẽ sẽ được xã hội cho là hũ rượu ủ lâu năm, vậy phụ nữ già thì sao? Những từ ngữ có liên quan đến phụ nữ già đều lúng túng, đáng thương vậy đấy, như phần bã bị đổ bỏ của ly nước trái cây thơm ngọt.
Dư Khoa: Phụ nữ ba bảy, ba tám già lắm sao?
Dư Khoa: Những bản nhạc này hơn hai trăm tuổi rồi đấy thôi, nhưng vẫn có cả đống người ngồi đánh.
Quan niệm thời gian của Dư Khoa không tính bằng tuổi tác hiện thực mà dựa theo bản nhạc. Một bản kết thúc, một bản lại bắt đầu, thời gian không ngừng trôi dưới đầu ngón tay, vùng thoát khỏi thứ gọi là da thịt.

Cậu ta bỗng thấy từng phím đàn thêm phần nặng nề. Có lẽ là bởi cậu ta vừa mới biết dương cầm chở theo tất cả những gì tốt đẹp đã qua của một người phụ nữ già.
Dư Khoa muốn đánh một bản nhạc, đánh nhẹ nhàng hơn chút, cậu ta muốn quét sạch những bất hạnh đè nặng trên phím đàn.

Đánh xong bản nhạc này, Dư Khoa quay đầu lại, cậu ta thấy Chu Huệ co người ngồi trên sofa, che mặt khóc không thành tiếng.

.

Dư Khoa không thể để Chu Huệ đánh chiếc dương cầm của nhà mình, bởi cha cậu ta về và sẽ thấy được, tuy ông ta không nổi trận lôi đình nhưng kiểu gì cũng sẽ không vui.
Phòng học nhạc trong trường có một chiếc dương cầm giá rẻ, chẳng ai sử dụng.
Dư Khoa nghĩ ra một cách, cậu ta làm đơn xin trường học, nói mình hy vọng được mượn dùng phòng nhạc sau giờ học để tập luyện với người hướng dẫn. Phía nhà trường đồng ý ngay lập tức, đưa chìa khoá phòng nhạc cho cậu ta.
"Người hướng dẫn" này chính là Chu Huệ.

Mỗi ngày sau khi tan học, Dư Khoa sẽ dạy đàn cho chị ta. Cô con gái rất ngoan, ngồi cạnh đấy chẳng nói gì.
Dư Khoa: Sau này em ấy làm sao bây giờ? Cũng để em ấy tập đàn sao?
Chu Huệ: Sau này em nó có thể đi bưng bê, đi yêu đương, đi làm người bán hàng. Em nó có nhiều việc để làm lắm.
Dư Khoa: Em ấy sẽ bị người khác bắt nạt. Chắc chắn em ấy bị bạn học ở trường bắt nạt, trong lớp cháu có một học sinh đặc biệt, tình huống cũng như em ấy, chẳng ai chơi với bạn ấy cả.
Chu Huệ: Từ nhỏ đến giờ, con gái cô có làm chuyện xấu gì đâu, tại sao lại bắt nạt con gái cô chứ?
Dư Khoa: Cháu không biết.
Chu Huệ: Cháu làm chuyện xấu chưa?
Dư Khoa: Cô cũng chưa. Nhưng thói đời này thích bắt nạt những người chưa làm chuyện xấu.
Chu Huệ: Thói đời là thứ chó má chơi trò mềm nắn rắn buông.

Chu Huệ bỗng ấn mạnh lên phím đàn vài phát, rồi lại vài phát nữa.
Chu Huệ nói, bản nhạc này tên là "Thói đời là thứ chó má".
Dư Khoa ngẫm nghĩ một lúc: Lần sau cháu sẽ chơi bản này lúc thi đấu.

Hẳn rằng con người phát minh ra âm nhạc là bởi âm nhạc có thể nói rõ mọi chuyện.
Nó biết nói lời yêu, biết nói lời tục tĩu, biết nói thói đời là thứ chó má. Thói đời có chó má không nào? Sao lại không chó má chứ? Có lẽ ngôn ngữ mà ta dùng chỉ có thể nghẹn ngào một câu "Thôi vậy", nhưng âm nhạc lại có thể nói rõ ràng, nói ra tất cả.
Những lời mà con người có thể nói ra miệng ngày càng ít, mới đầu là che miệng không được nói, sau đó là che miệng không được khóc, chỉ khi con người chơi vơi trong âm nhạc, họ mới có thể sống thêm, sống thêm thời gian của một bản nhạc.

Trong lúc họ ngồi tập đàn, có mấy học sinh bước ngang qua, dừng lại đôi lát. Nhưng cả Dư Khoa và Chu Huệ đều không để ý.

Trời tối muộn, Dư Khoa và mẹ con Chu Huệ cùng ngồi tàu điện ngầm trở về nhà. Chu Huệ vào chợ mua ít củ sen và xương sườn giá rẻ sau đó về nhà nấu một nồi sườn hầm củ sen.
Chị ta, Dư Khoa, con gái chị ta, ba người ngồi quanh bàn ăn bữa tối.
Chu Huệ múc một thêm một bát canh nữa cho Dư Khoa: Cháu mà là con cô, cô sẽ bắt cháu ăn ba bát luôn đấy, cháu gầy quá.
Dư Khoa cúi đầu ăn cơm, cậu ta cười nhẹ, nói một câu gì đó.

Dư Khoa nói, cô Huệ, sau này cháu sẽ hiếu thuận với cô.

.

Sau khi video lan tràn trên mạng, phía nhà trường gọi Dư Khoa lên văn phòng.
Nói chuyện được một lúc, cha của Dư Khoa cũng đến, vừa bước vào cửa là ông ta đã xông đến phía con trai, nện mạnh, nện liên hồi cái túi trong tay lên người thằng bé, phải hai thầy giáo chạy lại mới ngăn được ông ta.

Chu Huệ muốn sang nhà bên để giải thích, nhưng ông Dư không muốn nhìn thấy chị ta.
Nhân lúc cha không chú ý, Dư Khoa trốn ra khỏi nhà, cậu ta kéo Chu Huệ chạy về phía trường học.

Chẳng ai tin cậu ta, vậy nên cậu ta muốn giúp Chu Huệ trộm chiếc dương cầm của trường học.
Logic này rất ngây thơ và buồn cười, không ai tin cậu ta và Chu Huệ trong sạch cả, vậy nên nhà trường sẽ không cho Chu Huệ đến tập đàn nữa, Chu Huệ không được tập đàn thì sẽ không vui, vậy nên, cậu ta giúp Chu Huệ đi trộm đàn.
Dù sao để chiếc đàn đó ở đấy cũng chẳng có người dùng.

Chu Huệ cười, ngăn cậu ta lại: Thôi vậy, thôi vậy.
Chu Huệ: Thôi vậy.

.

Chồng Chu Huệ ra tù vào một tuần sau đó. Hắn ta nhìn thấy đoạn video đó, tức giận điên người nên đã đánh gãy ngón tay của Dư Khoa và khiến phần đầu của cậu ta bị thương.
Ông Dư vào viện chăm bệnh, trong một ngày mà già đi thấy rõ. Chồng Chu Huệ chạy trốn bên ngoài, còn chưa bị bắt về quy án.
Một hôm ông Dư tỉnh dậy, không thấy con trai mình đâu nữa.

Dư Khoa chạy về nhà nhân lúc cha mình đang ngủ. Cậu ta muốn đưa đàn của mình cho Chu Huệ, giờ cậu ta không thể chơi đàn được nữa, nhưng Chu Huệ còn có thể.
Chu Huệ không thể đặt chiếc dương cầm này tại nhà, không thì sau này người đàn ông kia lại bán nó đi để trả nợ cờ bạc.

Dư Khoa nghĩ, Chu Huệ có thể đặt chiếc đàn này ở đâu đây? Thật ra, cũng không nhất thiết phải đặt trong nhà.
Cậu ta chạy lên sân thượng. Sân thượng của khu chung cư Sông Ái Nha rất rộng, nếu có thể để đàn trên đó thì tốt rồi, bên cạnh để cái bàn học nữa, lúc Chu Huệ tập đàn, mình có thể ngồi làm bài tập...

Dư Khoa đứng trên sân thượng, tưởng tượng đủ điều. Cậu ta không nhận thấy có bóng người đang lại gần phía sau lưng mình. Chồng Chu Huệ không trốn đi đâu xa mà ẩn mình sau trụ điện trên sân thượng, hắn ta xông về phía lưng Dư Khoa, vươn tay đẩy cậu ta xuống.

Buổi sáng 8 giờ 30 phút, Dư Khoa rơi xuống lầu. Cậu ta có động cơ để nhảy lầu, mọi người cũng hi vọng là cậu ta tự nhảy xuống, từ đó họ sẽ trút tất cả lửa giận đọng trong lòng lên người bạn học sinh đã quay trộm đoạn video kia.

.

Ba ngày sau, trong trường học xảy ra một việc rất lạ.
Chiếc dương cầm trong phòng học nhạc mất tích rồi.

Nửa ngày sau, phía cảnh sát nhìn thấy một một cảnh tượng rất kỳ quái bên đường, Chu Huệ đẩy dương cầm, lảo đảo bước từng bước trên giữa trời tuyết mịt mờ. Chị ta đẩy đàn, đi mãi, đi mãi.
Cảnh sát tìm thấy chồng của Chu Huệ bên trong chiếc đàn ấy. Người đàn ông này trở về nhà một chuyến trước khi chạy trốn, nhưng hắn ta lại không thể sống sót rời khỏi.
_______________

Truyện: Tuyển tập những vụ án bí ẩn trong khu chung cư Sông Ái Nha - Phần Xương ngón tay
Tác giả: 扶他柠檬茶
Dịch: Linh Lung Tháp
Dịch và đăng tải với sự đồng ý của tác giả.
_________

Họ hàng dưới quê gọi điện thoại cho tiểu Kỷ (lão Kỷ lúc còn trẻ), bảo cậu em họ Hứa Phi sẽ đến Thành phố A để học Đại học, hi vọng anh có thể chăm sóc cho Hứa Phi.
Hôm Hứa Phi đến, lão Kỷ ra ga tàu đón người thanh niên này. Ngay từ ánh nhìn đầu tiên, lão Kỷ đã cảm thấy, nhiều năm không gặp, giờ cậu em họ trông như một người hoàn toàn khác vậy.

Tuyển tập những vụ án bí ẩn trong khu chung cư Sông Ái Nha - Mảnh ghép số 1

.

Nhóm tội phạm bốn người "Mặt Nạ" lẻn về thành phố D - quê lão Kỷ, sau khi thực hiện ba vụ án lớn rồi mai danh ẩn tích đâu mất. Có người đoán chúng sẽ đi về hướng Côn Minh để bổ sung sún.g đ.ạn, nhưng vài ngày sau, xác của ba tên trong nhóm "Mặt Nạ" được tìm thấy, nghi là bởi tranh đấu nội bộ.
Người còn lại lên chuyến tàu từ thành phố D đi thành phố A, ngồi đối diện hắn ta là một thanh niên đeo mắt kính.
Bởi sợ gặp phải ăn trộm trên tàu nên trong suốt mấy ngày đi lại, tất cả hành khách đều ôm chặt túi đồ của mình. Cậu thanh niên này cũng vậy, chỉ là thỉnh thoảng cậu ta sẽ lôi phong thư thông báo trúng tuyển nằm trong bọc ra xem, ánh mắt sáng rọi.

"Chào đón bạn Hứa Phi trở thành tân sinh viên của trường chúng tôi..."

Hắn ta mỉm cười, đặt tờ báo xuống: Cậu giỏi quá, giờ là sinh viên rồi.
Người thanh niên kia cười ngại ngùng.
Hắn ta chìa tay.

"Chắc tôi hơn cậu mấy khoá đấy. Cho tôi mượn thông báo trúng tuyển của cậu xem nào... Mình kết bạn đi, Hứa Phi... Tôi là Sở Giá Quân, cậu xuống trạm nào vậy?"

Tuyển tập những vụ án bí ẩn trong khu chung cư Sông Ái Nha - Mảnh ghép số 2
_____________

Mọi người đoán được gì qua 2 mảnh ghép này không?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com