Tuong dong, di biet
1. Khái quát chung về văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam
Ấn Độ là một bán đảo ở Nam Á, từ Đông Bắc đến Tây Bắc có núi chắn ngang, trong đó có dãy Himalaya nổi tiếng. Lãnh thổ Ấn Độ được chia làm hai miền Nam, Bắc lấy dãy núi Vinđya làm ranh giới. Miền Bắc có hai con sông lớn là sông Ấn và Hằng. Phía Nam Ấn Độ là cao nguyên Đêcan quanh năm khô nóng. Cư dân Ấn Độ, về thành phần chủng tộc gồm hai loại chính: Người Đraviđa chủ yếu cư trú ở miền Nam và người Aryan cư trú chủ yếu ở miền Bắc. Ấn Độ là một trong bốn trung tâm văn hóa lớn của Phương Đông cổ đại. Người Ấn Độ đã để lại nhiều thành tựu văn hóa rực rỡ. Nổi bật là chữ viết, những tác phẩm văn học chữ Phạn, những công trình nghệ thuật, những thành tựu của khoa học tự nhiên và Ấn Độ cũng là quê hương của nhiều tôn giáo lớn như Ấn Độ giáo, Phật giáo. Trong quá trình phát triển của nền văn hóa Ấn Độ đã ảnh hưởng sâu rộng ra bên ngoài nhất là các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ sang các nước Đông Nam Á được biểu hiện chủ yếu trên các mặt sau đây: chữ viết (chữ Phạn và chữ Pali), văn học, tôn giáo( đạo Hinđu và đạo Phật), nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc...
Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử là một nước lớn ở Đông Á. Trên lãnh thổ Trung Quốc có 2 con sông lớn chảy qua đó là Hoàng Hà ở phía Bắc và Trường Giang ở phía Nam, tạo điều kiện cho sự phát triển nông nghiệp. Trung Quốc là một nước do một dân tộc chủ thể là dân tộc Hoa( sau gọi là dân tộc Hán) lập nên và tồn tại liên tục trong lịch sử. Nhân dân Trung Quốc đã sáng tạo ra một nền văn hóa vô cùng rực rỡ so với thế giới đương thời, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực: chữ viết, văn học, khoa học tự nhiên, tư tưởng và tôn giáo, đặc biệt là 4 phát minh lớn về kĩ thuật( giấy, kĩ thuật in, thuốc súng và kim chỉ nam) có đóng góp to lớn cho nền văn minh của nhân loại. Những thành tựu của văn hóa Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông và phía Nam giáp Thái Bình Dương với 3260km đường biển. Do có vị thế tự nhiên đặc biệt như vậy nên Việt Nam sớm trở thành cầu nối giữa Châu Á và Thái Bình Dương, giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Là nơi tiếp xúc và giao thoa của nhiều nền văn hóa, văn minh lớn trên thế giới trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc. Trước khi tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa thì Việt Nam cũng đã xây dựng cho mình một nền văn hóa bản địa. Your browser does not support inline frames or is currently configured not to display inline frames.
2. Điểm tương đồng trong ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ - Trung Hoa đến Việt Nam
- Về cơ sở, điều kiện ảnh hưởng: Ấn Độ và Trung Hoa đều là những nền văn hóa phát triển sớm ở phương Đông và có sức lan tỏa ra bên ngoài. Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển luôn có nhu cầu tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hóa từ bên ngoài. Việt Nam, Ấn Độ và Trung Hoa vốn có quan hệ gần gũi về địa văn hóa. Điều đó là điều kiện thuận lợi cho các giá trị văn hóa của Ấn Độ và Trung Hoa ảnh hưởng đến Việt Nam.
- Hầu hết các giá trị văn hóa của Ấn Độ - Trung Hoa đều đi sang Việt Nam một cách trực tiếp, theo những con đường chủ yếu mang tính chất hòa bình như: di dân, truyền giáo và thương mại.
- Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ - Trung Hoa Việt Nam đều được thể hiện trên nhiều lĩnh vực: chính trị - xã hội, ngôn ngữ - chữ viết, tư tưởng - tôn giáo, văn học - nghệ thuật, kĩ thuật - khoa học tự nhiên,…
- Mức độ ảnh hưởng của hai nền văn hóa này đến Việt Nam có sự khác nhau tùy vào các thời kì lịch sử.
- Các giá trị văn hóa, văn minh Ấn Độ - Trung Hoa sang đến Việt Nam đều được người Việt chọn lọc tiếp nhận và có lúc cải biến làm thêm giàu vốn văn hóa của dân tộc mình, đồng thời tạo ra những đặc trưng văn hóa riêng biệt mà người ta thường gọi là bản sắc văn hóa.
3. Điểm dị biệt trong ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ - Trung Hoa đến Việt Nam
3.1. Niên đại ảnh hưởng
Văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng đến Việt Nam từ những thế kỷ trước sau Công nguyên xê dịch một hai thế kỉ. Theo chân các đoàn thương nhân Ấn Độ đến buôn bán theo đường biển văn hóa Ấn Độ với Phật giáo, Bàlamôn giáo, chữ Phạn, những phong tục tập quán, sinh hoạt của dân tộc Ấn được truyền vào Việt Nam.
Trên lãnh thổ Champa các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các hiện vật chứng minh cho điều này như phát hiện bia Võ Cạnh (Nha Trang) có niên đại vào khoảng thế kỉ III - IV viết bằng chữ Phạn. Đây được xem là tấm bia viết bằng chữ Phạn về Phật giáo được phát hiện sớm nhất Đông Nam Á. Hay các tác phẩm nghệ thuật bằng đá, đồng chứng minh cho sự du nhập của văn hóa Ấn Độ vào Champa.
Tư liệu trong “Lĩnh Nam Chích Quái” cho biết một dữ kiện chứng tỏ sự có mặt của Đạo Phật vào đời Hùng Vương thứ 3. Đó là câu chuyện công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng Vương thứ 3 lấy Đồng Tử. Chuyện kể rằng Đồng Tử và Tiên Dung lập phố xá buôn bán giao thiệp với người nước ngoài. Một hôm Đồng Tử theo một khách buôn ngoại quốc đến Quỳnh Viên và tại đây Đồng Tử đã gặp một nhà sư Ấn Độ ở trong một túp lều. Nhờ đó mà Đồng Tử và Tiên Dung đã biết đến Đạo Phật.
Vì địa thế của Việt Nam nằm trên trục giao thông từ Nam Á lên Bắc Á và gần như nằm giữa các nước Ðông Nam Á nên các tàu buôn Ấn Ðộ theo gió Tây Nam lên trước khi đến Trung Quốc họ phải ghé qua Giao Châu như trạm dừng chân để nghỉ ngơi cũng như học Hán văn và làm quen với phong tục của Việt Nam và Trung Hoa trước khi đi sâu vào lục địa Trung Quốc. Các thương nhân người Ấn theo đường biển đã đến Giao Chỉ buôn bán và mang theo đạo Phật mới mẻ đến xứ này. Sau đó đến lượt các tăng sĩ người Ấn tới đây truyền đạo, góp phần lập ra trung tâm đạo Phật tại Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam), một trong những trung tâm lớn nhất của đạo Phật tại phương Đông đầu Công nguyên cùng với hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành (nay thuộc Trung Quốc).
Sự ảnh hưởng của Văn hóa Trung Hoa đến Việt Nam đi cùng với quá trình xâm lược của các thế lực phong kiến phương Bắc và chính sách đồng hóa người Việt thành người Hán của chính quyền đô hộ.
Đến những năm đầu Công nguyên, hai Thái thú là Tích Quang và Nhâm Diên đã “dựng nhà học dẫn dắt bằng lễ nghĩa” (Theo sách Đại Việt sử kí toàn thư, tập 1, tr.157) ở Giao Chỉ và Cửu Chân. Vào thời kì cuối thế kỉ thứ II đầu thế kỉ thứ III, thái thú Sĩ Nhiếp đã cho dựng trường Nho học mở tại thành Luy Lâu, đồng thời ông đã tạo điều kiện thuận lợi cho Nho giáo phát triển. Tiếng Hán và chữ Hán cũng được chính quyền đô hộ phổ biến ở Giao Châu nhằm làm công cụ thực hiện chính sách Hán hóa người Việt.
3.2.Con đường ảnh hưởng
Con đường ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ - Trung Hoa đến Việt Nam có nhiều khác biệt thể hiện trên các phương diện.
Trước hết xét tính chất con đường ảnh hưởng, văn hóa Ấn Độ sang Việt Nam mang tính chất hòa bình, thể hiện qua các hình thức: di dân, truyền giáo, thương mại. Văn hóa Trung Hoa ảnh hưởng đến Việt Nam vừa thể hiện tính chất cưỡng bức, nhưng cũng chứa đựng cả yếu tố hòa bình.
Văn hóa Ấn Độ truyền vào Việt Nam bắt đầu từ các thương nhân, hầu hết các thương nhân Ấn Độ sang Việt Nam hay các nước Đông Nam Á để tìm các sản vật địa phương và thị trường mới, Việt Nam là quê hương là các vùng hương liệu, gia vị, quế, trầm hương… những thổ sản quý giá được các quý tộc Ấn Độ ưa chuộng, hơn nữa Việt Nam là nơi đông đúc dân cư, đây sẽ là thị trường rộng lớn cho việc buôn bán hàng hóa của các thương nhân Ấn Độ. Việc giao lưu trao đổi mua bán này đã tạo điều kiện cho các việc giao lưu văn hóa giữa hai nước Ấn Độ và Việt Nam từ rất sớm.
Bên cạnh con đường thương mại, con đường truyền giáo được coi là con đường truyền bá văn hóa Ấn Độ vào Việt Nam. Ngay từ đầu thế kỉ thứ II đã có các nhà sư Ấn Độ là Maharjiraka và Kalyanaruli đến Giao Châu (Việt Nam) truyền giảng đạo. Việc truyền đạo của các nhà sư luôn gắn liền với cuộc sống của nhân dân lao động, sống hòa đồng cùng với mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam nên thông qua đó vấn đề giao lưu văn hóa là điều dĩ nhiên giữa hai nước và vấn đề này đã được làm rõ qua từng các lĩnh vực chính trị - văn hóa ở Việt Nam.
Sự truyền bá văn hóa Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu thông qua con đường chiến tranh, “theo gót giầy quân xâm lược phong kiến phương Bắc và giao lưu văn hóa trong chừng mực nhất định, đó là sự cưỡng bức văn hóa”. Năm 111 TCN, nhà Hán thôn tính Nam Việt và biến Âu Lạc trở thành đất đai của nhà Hán, chúng nô dịch nhân dân ta về tư tưởng, truyền bá văn hóa Hán học thông qua truyền bá Nho giáo vào Việt Nam. Theo Đại Việt sử kí toàn thư, vào thời kì đầu công nguyên hai viên Thái Thú quận Giao Ghỉ và quận Cửu Chân là Tích Quang và Nhâm Duyên tích cực dựng “học hiệu” dạy lễ nghĩa truyền bá Nho học, Hán học vào nước ta. Tuy nhiên, với Nho giáo ngay từ đầu nhân dân ta đã căm ghét, xa lánh vì đây là cái mà bọn xâm lược mang vào, cái mà nhân dân ta đưa thành mục tiêu đấu tranh chống lại xâm lược phương Bắc, bảo vệ nền độc lập dân tộc của nhân dân ta trong suốt thời kì Bắc thuộc. Phật giáo cũng vào theo khi Trung Quốc đô hộ Việt Nam thời kì này.
Bên cạnh con đường chiến tranh, văn hóa Trung Quốc còn truyền vào Việt Nam thông qua các con đường hòa bình như: thương mại, di dân. Năm thứ 8 đến năm thứ 25 SCN, do vụ loạn Vương Mãn và các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Sơn Đông mà “đông đảo kẻ sĩ nhà Hán lánh nạn, di cư sang Giao Châu; họ góp phần truyền bá đạo Nho bằng cách mở trường kiếm sống”. Đến thời Sĩ Nhiếp việc học Nho ở nước ta đã phổ biến, được vua Hán Đế khen ngợi là “Giao Châu là đất văn hiến song núi hun đúc, trân bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất”. Từ đời Hán đến đời Đường, thường xảy nhiều vụ loạn lạc nên nhiều người từ miền nam Trung Quốc tìm cách di cư sang Giao Châu, nhiều sĩ phu nhà Hán cũng đến đây được Sĩ Nhiếp khuyên bảo mở trường dạy học, ngoài ra còn một số trường hợp đặc biệt như bị triều đình đày biệt xứ ngoài cửa ải, như Ngu Phiên bị đày sang Giao Châu, mở trường “dạy học không biết mỏi, môn đệ thường có vài trăm người”. Tóm lại văn hóa Trung Quốc đã truyền vào Việt Nam vừa có tính chất cưỡng bức, vừa mang tính chất tự nguyện.
Xét về mặt địa lí, văn hóa Ấn Độ truyền sang Việt Nam thông qua đường biển và đường bộ trong đó đường biển là chính. Văn hóa Trung Hoa truyền sang nước ta chủ yếu bằng đường bộ.
Xét về phương thức, con đường ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ sang Việt Nam vừa trực tiếp, vừa gián tiếp. Còn văn hóa Trung Hoa hầu như được truyền trực tiếp sang Việt Nam.
Sở dĩ, văn hóa Ấn Độ sang Việt Nam bằng con đường hòa bình chứ không phải bằng con đường chiến tranh. Nguyên nhân ở đây là do điều kiện tự nhiên, tôn giáo, tín ngưỡng tôn giáo Ấn Độ tương đối phức tạp làm cho việc thống nhất Ấn Độ là rất khó khăn để tạo thành nhà nước thống nhất có quyền lực để tiến hành các cuộc chiến tranh ra bên ngoài. Mặt khác, con người Ấn Độ có tính khoan hòa, coi trọng đời sống tâm linh. Ngoài ra, việc Ấn Độ tiếp giáp với biển, sớm giao thương bằng đường biển và việc truyền bá văn hóa ra bên ngoài cũng được tiến hành bằng đường biển. Văn hóa Ấn Độ thâm nhập một cách tự nhiên vào Việt Nam chứ không áp đặt bằng vũ lực. Ngược lại, Trung Hoa là một dân tộc có tư tưởng dân tộc lớn, luôn có tư tưởng đồng hóa các dân tộc khác bằng con đường chiến tranh xâm lược. Con đường tiếp nhận văn hóa Trung Hoa nhìn chung ban đầu chủ yếu là các tầng lớp trên trong xã hội. Văn hóa Trung Quốc vào Việt Nam trong thời kì Bắc thuộc, thì trạng thái giao lưu văn hóa Việt - Hoa là giao lưu cưỡng bức, với chính sách đồng hóa văn hóa (Hán hóa), cho nên dân tộc ta đã ra sức chống đồng hóa. Do đó một vấn đề đặt ra là tại sao có vùng Ấn Độ thâm nhập được mà văn hóa Trung Quốc không ảnh hưởng được? Theo G.Coedès giải thích rằng: “đó là sự khác nhau căn bản của các phương thức thực dân hóa giữa người Trung Hoa và người Hindu; người Trung Hoa dùng quân sự xâm chiếm, còn các quan chức thì truyền bá văn minh”. “Còn phương thức thâm nhập của người Hindu thì thường xuyên hòa bình”.
3.3.Lĩnh vực ảnh hưởng
3.3.1.Về chính trị - xã hội
Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Việt Nam trên lĩnh vực chính trị - xã hội chủ yếu nhất là ở khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam vào thời gian tồn tại của hai vương quốc cổ Chămpa và Phù Nam. Cụ thể là vương quốc Chămpa đã học hỏi mô hình chính trị Mandala và tiếp thu chế độ đẳng cấp của Ấn Độ trong đời sống, quản lí xã hội. Bên cạnh đó, người Chăm còn tiếp thu quan niệm về Vua – Thần, Vua – Phật của Ấn Độ để xây dựng vương quyền. Việc đặt tên nước, tên kinh đô, các huyện, các châu theo tên Ấn Độ như là: địa danh Amaravati, Chăm pa… Người Chăm cũng tiếp thu một số điều trong luật Manu của Ấn Độ nhưng pháp luật của Chămpa không khắc nghiệt như ở Ấn Độ.
Trung Quốc khi chiếm xong nước ta đã áp đặt bộ máy trung ương tập quyền, chia nước ta thành các quận, huyện để cai trị. Sau khi giành độc lập, tự chủ, nhà nước Việt Nam đã tiếp thu mô hình chính trị trung ương tập quyền của Trung Quốc đặt nền tảng cho sự phát triển của chế độ phong kiến dân tộc. Đó là mô hình nhà nước có hoàng đế (vua) đứng đầu, tiếp dưới là hệ thống quan lại chia thành hai ban “văn giai” và “võ giai” quản lý các cơ quan hành chính, quân sự. Ngoài ra các triều đại phong kiến Việt Nam đã tiếp thu pháp luật của Trung Quốc đặc biệt là luật nhà Tùy, nhà Đường và nhà Thanh để xây dựng hệ thống pháp luật của mình.
3.3.2. Ngôn ngữ - chữ viết
Chữ Hán của Trung Quốc được du nhập vào nước ta khoảng thế kỉ II TCN, đi cùng với giai cấp thống trị phương Bắc xâm lược nước ta. Trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc với chính sách đồng hóa, chữ Hán của Trung Quốc đã có điều kiện lan rộng trong quốc gia Đại Việt. Dưới thời Thái thú Sĩ Nhiếp, chính quyền đô hộ bắt đầu cho mở các trường Hán học ở Giao Châu. Từ thế kỉ VII- IX chữ Hán được sử dụng rộng rãi ở nước ta, là phương tiện giao tiếp, giao lưu thương mại với Trung Quốc. Khi nước ta giành được độc lập, chữ Hán vẫn được coi là văn tự chính thống của triều đình và giới tri thức. Ngoài ra chữ Hán còn được sử dụng trong tầng lớp bình dân. Việt Nam đã tiếp nhận, mượn chữ Hán trong một thời gian dài làm văn tự chính thức trong hành chính, giáo dục, thi cử, ghi chép, sáng tạo văn học… Trên cơ sở chữ Hán, người Việt đã tạo ra chữ viết cho chính mình, đó là chữ Nôm. Trước hết là để ghi chép những tên người, tên đất tiếng Việt mà chữ Hán không ghi lại được, sau đó để sáng tác những bài văn, thơ bằng tiếng mẹ đẻ, phù hợp với tâm tư tình cảm của người Việt. Nghệ thuật viết Thư pháp của Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng đến Việt Nam.
Còn chữ viết của Ấn Độ ảnh hưởng đến nước ta vào khoảng cuối thế kỉ III đầu thế kỉ thứ IV. Bằng chứng là bia khắc chữ Sanskrit sớm nhất được tìm thấy là bia Võ Cạnh ở Nha Trang (niên đại cuối thế kỉ III đầu thế kỉ IV). Chữ viết của Ấn Độ thì ảnh hưởng chủ yếu ở Chăm Pa và Phù Nam. Ban đầu cư dân bản địa họ chưa có chữ viết nên đã tiếp nhận chữ viết của Ấn Độ làm văn tự chính thống cho triều đình. Chữ Phạn của Ấn Độ khi được truyền bá vào Chăm Pa và Phù Nam chủ yếu được sử dụng trong mục đích tôn giáo như phản ánh bày tỏ tâm nguyện với thần thánh, ca ngợi công đức thần linh, khắc bia đá về đề tài tôn giáo, tường thuật lại những việc xảy ra của triều đình…Như vậy, chữ viết của Ấn Độ chỉ ảnh hưởng trong khoảng thời gian tồn tại của hai vương quốc Chăm pa và Phù Nam. Trong quá trình sử dụng cư dân Chăm pa đã cải biến mẫu tự chữ Phạn của Ấn Độ, xây dựng một hệ thống chữ viết để ghi tiếng nói bản địa của của mình, đó là chữ Chăm cổ - chữ “akhar tharh”, bằng chứng là minh văn trên bia Đông Yên Châu có niên đại ở thế kỉ IV.
3.3.3. Về tư tưởng - tôn giáo
Trong lĩnh vực tư tưởng - tôn giáo, Ấn Độ ảnh hưởng chủ yếu đến Việt Nam về tôn giáo, còn Trung Hoa có ảnh hưởng cả về tư tưởng và tôn giáo.
Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi hai hai tôn giáo lớn của Ấn Độ đó là Phật giáo và Ấn Độ giáo. Phật giáo của Ấn Độ du nhập vào Việt Nam bằng con đường hòa bình thông qua vai trò của các nhà buôn và các nhà truyền giáo. Ngay những thế kỉ đầu công nguyên Luy Lâu đã trở thành một trong những trung tâm lớn nhất của đạo Phật tại phương Đông đầu Công nguyên cùng với hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành (nay thuộc Trung Quốc). Theo như học giả Minh Chi, cho rằng một đặc sắc của Phật giáo Việt Nam đó là: “Phật giáo đi vào nước Việt Nam như là nước vào đất khô hạn, Phật, Bồ tát đi vào trong dân tộc như người cha hiền, mẹ hiền”. Phật giáo Ấn Độ ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam, ban đầu là phật giáo Tiểu thừa sau có cả Đại thừa.
Tư tưởng Trung Quốc ảnh hưởng đến nước ta chủ yếu tư tưởng đạo đức, chính trị, xã hội Nho giáo và các thuyết Âm dương ngũ hành. Nho giáo đóng vai trò là cơ sở tư tưởng của việc xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền, quản lý xã hội và hoạch định chính sách của triều đình phong kiến Việt Nam. Sau nữa, Nho giáo còn đáp ứng nhu cầu phát triển văn hoá và giáo dục của nước Việt Nam dưới chế độ phong kiến. Nó thoả mãn yêu cầu tuyển dụng nhân viên cho bộ máy quan liêu của nhà nước phong kiến bằng việc đào tạo ra hàng loạt những Nho sĩ có bằng cấp. Điều đáng lưu ý việc tiếp thu Nho giáo tạo cơ sở hình thành chế độ cai trị loại biệt, cai trị dựa trên việc đào tạo đội ngũ có học thức phục vụ thống trị xã hội. Nho giáo còn ảnh hưởng đối với gia đình, dòng họ và làng xã Việt Nam đặc biệt là các phạm trù: “tam cương”, “ngũ thường”. Các học thuyết và âm dương ngũ hành tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh các học thuyết tư tưởng thì tôn giáo mà quan trọng nhất là Phật giáo sau khi phát triển ở Trung Quốc cũng đã tạo ảnh hưởng đến Việt Nam như: Thiền tông, Tịnh độ tông,… và chủ yếu là phái Đại thừa.
3.3.4. Về văn học
Văn học Trung Quốc bắt đầu có ảnh hưởng ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc và sau này nó còn kéo dài ảnh hưởng trong cả nền văn học Đại Việt. Ảnh hưởng của văn học Trung Quốc đến văn học Việt Nam rất sâu đậm, thể hiện trên nhiều phương diện: thể loại, đề tài, văn phong, tư duy nghệ thuật,... Văn học Việt Nam cổ trung đại chứa đựng nhiều yếu tố văn học Trung Hoa: chữ Hán được sử dụng để sáng tác văn học; các thể thơ của người Hán (thơ tư sự, thơ trữ tình, thơ suy lý), từ khúc, biền văn (phú, hịch, cáo, chiếu, biểu, tấu), thần thoại, truyện sử, bia kí, tiểu thuyết… được người Việt tiế thu trong quá trình sáng tác. Về quan niệm văn học, mĩ học người Việt tiếp nhận những cái hay cái đẹp, tiếp nhận quan niệm văn học truyền thống Trung Hoa như quan niệm “văn dĩ tải đạo”. Thơ Đường của Trung Quốc và tiểu thuyết Minh - Thanh có những ảnh hưởng sâu đậm trong nền văn học dân tộc. Đồng thời với việc tiếp nhận, người Việt cũng đã sáng tạo, cải biến các thành tố văn học Trung Quốc khi vào Việt Nam để tạo ra những tác phảm truyền tải tâm tư, tình cảm của mình. Tiêu biểu như chúng ta đã sáng tạo ra những thể thơ lục bát và song thất lục bát để viết lên những khúc ngâm, những truyện thơ Nôm.
Văn học Ấn Độ ảnh hưởng đến Việt Nam trong khoảng cuối thế kỉ thứ II đầu thế kỉ IV. Văn học Ấn Độ ảnh hưởng chủ yếu ở các quốc gia Chăm Pa và Phù Nam, nhưng vẫn ít nhiều ảnh hưởng tới nền văn học Đại Việt. Sử thi của Mahabharata kể về cục thịt của Gadhari đã sinh ra 100 người con trai có thể là khởi đầu cho mô típ truyên Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng. Thể loại văn học Ấn Độ ảnh hưởng tới Chăm Pa chủ yếu là các truyền thuyết, thần thoại, sử thi nhất là hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana. Các điển kinh tôn giáo, văn học Ấn Độ được lặp lại rập khuôn trong các văn bia Chăm. Mặt khác trên cơ sở mô phỏng các tác phẩm văn học Ấn Độ thì cư dân bản địa đã sáng tạo ra những tác phẩm văn học của dân tộc mình. Sách Lĩnh Nam chích quái được biên tập từ thời Trần có chép truyện Dạ Thoa của người Chiêm Thành được coi như là một bản tóm tắt biến thể của sử thi Ramayana. Văn học Phù Nam cũng tiếp nhận văn chương Phạn ngữ của Ấn Độ, với đề tài tôn giáo. Đó là văn chương Ấn Độ giáo được trình bày văn vẻ và tư tưởng của Ấn Độ giáo được thể hiện tinh tế và sâu sắc. Văn chương Phật giáo cũng được diễn đạt sâu sắc trên minh văn, thể hiện tư tưởng mầm mống đam mê của Tam bảo, cõi Niết bàn, điều thiện…
3.3.5. Nghệ thuật.
Nghệ thuật Ấn Độ là nghệ thuật tôn giáo, khi ảnh hưởng sang Việt Nam cũng mang đậm chất tôn giáo cả về kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc và vũ đạo.
Về kiến trúc, đó là kiểu kiến trúc Hindu giáo. Tiêu biểu cho kiến trúc Hindu giáo là kiến trúc các tháp Chăm. Các đền tháp của người Chăm được xây dựng theo nguyên bản mô hình truyền thống của kiến trúc Ấn Độ. Cấu trúc tháp mô phỏng, mô tả theo hình ngọn núi Mêru và được chia làm ba phần: thân tháp, đế tháp, mái tháp. Qua đó thể hiện quan niệm sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt của Ấn Độ giáo.
Điêu khắc của Ấn Độ ảnh hưởngtới Việt Nam chủ yếu là xoay quanh đề tài tôn giáo.Đề tài điêu khắc là các vị thần của Ấn Độ giáo như là thần Siva, Visnu, Brahma…và đồng thời là kèm với các con vật cưỡi của các thần như; bò thần Nandin, rắn thần Nagar, thủy quái Makara.Về Phật giáo có các tượng Phật, tượng La Hán, tượng Bồ tát, hình tượng hoa sen… một số pho tượng Phật của Chăm pa đã chịu ảnh hưởng của tượng phật Amarati của Ấn Độ.Âm nhạc và vũ đạo Ấn Độ ảnh hưởng chủ yếu tới Chăm Pa.Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh thì hầu như toàn bộ nhạc cụ có mặt trên các hình chạm, khắc của Chăm Pa đều là những nhạc cụ truyền thống của Ấn Độ: bộ gõ (trống mridang, tamba, chũm chọe),bộ hơi (sáo ngang, tù và và saranai),bộ dây (đàn harpe, đàn luth). Về vũ đạo, điệu múa vũ trụ của thần Siva và điệu múa Apsara đã ảnh hưởng quan trọng trong nghệ thuật ca múa của người Chăm.Nghệ thuật Trung Hoa ảnh hưởng tới Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, hội họa.
Kiến trúc Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam chủyếu là những kiến trúc mang tính thế tục, phục vụ đời sống thực tiễn của con người, đó là kiểu kiến trúc cung đình, nhà ở, đình làng, văn miếu… Đồng thời các loại hình kiến trúc này xây dựng dựa trên thuật phong thủy và thuyết âm dương ngũ hành của Trung Quốc.
Kiến trúc cung điện - dinh thự,tiêu biểu ở đây là kiến trúc cung đình Huế chịu ảnh hưởng của thuyết Ngũ hành kết hợp thuyết Âm dương, Tam tài, quy luật phát triển của vạn vật về bố cục của đồ án quy hoạch kinh đô Huế. Yếu tố Ngũ hành quan trọng trong bố cục mặt bằng của kiến trúc cung thành tương ứng với ngũ phượng. Thuật phong thủy ảnh hưởng sâu vào bố trí nội thất, vào các chi tiết của công trình như: chiều dài, rộng, cao, các cột, cửa… Ngọ Môn được xây những theo nguyên tắc của dịch học ứng với các số 5, 9, 100. Năm lối đi vào Ngọ Môn tượng trưng cho ngũ hành, trong đó lối vua đi thuộc hành Thổ, màu vàng. Chính bộ mái của lầu Ngũ Phụng biểu hiện con số 5 và 9 trong hào Cửu Ngũ ở Kinh Dịch, ứng với mạng Thiên tử.
Đình làng của người Việt cũng mang một số nét chịu ảnh hưởng của TrungQuốc. Mặt bằng đình có thể là kiểu chữ Nhất (kiểu này thường thấy ở các đình cổ, thế kỷ XVI); hoặc quy mô, phức tạp hơn với những bố cục mặt bằng có tên gọi theo dạng chữ Nho: chữ Đinh, chữ Nhị, chữ Công, chữ Môn,...đi liền với quá trình phát triển thêm về mặt chức năng của đình làng
Về kiến trúc nhà ở của người Hoa được cư dân Việt tiếp thu một cách linh hoạt, tiêu biểu nhất là lối kiến trúc “vài trình chồng - trụ trái bí”. Nó được sử dụng “xây dựng kiến trúc hội quán cũng như kiến trúc nhà ở của người Hoa. Nó không chỉ có mặt ở Hội An mà gặp ở nơi khác trên đất nước ta”.
Điêu khắc Trung Quốc ảnh hưởng chủ yếu đến Việt Nam đó là hình tượng của các con vật Long, Ly, Quy, Phượng, các vị thần của Đạo giáo và các nhà tư tưởng của Nho giáo như Chu Công,Khổng Tử, Lão Tử…
Âm nhạc của Trung Hoa ảnh hưởng đến Việt Nam chủ yếu là phục vụ cho đời sống thế tục và cung đình. Thể loại hát tuồng từ Trung Hoa được người Việt tiếp nhận. Nội dung các buổi hát tuồng thường là mô tả lại các câu chuyện theo dã sử Trung Hoa: Tam Quốc chí, Kim Vân Kiều, Hán Sở tranh hùng.
Hội họa Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của hội họa Trung Quốc mà chủ yếu là tranh lụa và tranh thủy mặc. Tranh lụa Việt Nam với các tác phẩm tiêu biểu như: Con đọc bầm nghe của Trần Văn Cẩn, Du kích địch hậu chống càn của Trịnh Phòng, Hành quân mưa của Phan Thông lối vẽ kết hợp giữa thủy mặc Trung Quốc với sự xúc tác của mảng và nét. Ngoài ra, hội họa Trung Quốc là gắn liền với thư pháp, điều này nó cũng ảnh hưởng tới hội họa Việt Nam. Tuy nhiên, các họa sĩ Việt Nam cũng đã chứng tỏ khả năng tiếp thu có chọn lọc, có sáng tạo để hình thành chất độc đáo của riêng mình. Bên cạnh đó nghệ thuật làm gốm của Trung Hoa còn ảnh hưởng đến Việt Nam. Nghệ thuật đồ gốm Việt Nam có những sắc thái ảnh hưởng của loại gốm thời Đường và Tống sau này vẫn thể hiện ít nhiều trên các loại gốm sản xuất ở đồng bằng Bắc bộ
3.3.6. Các lĩnh vực khác
Kĩ thuật của Trung Quốc được Việt Nam tiếp thu từ thời kì Bắc thuộc và các giai đoạn tiếp sau. Thể hiện trong công cụ lao động, chế tạo vũ khí, lịch, kĩ thuật làm phân Bắc,… Tứ đại phát minh của Trung Hoa cũng có ảnh hưởng tại Việt Nam, đó là giấy, thuốc súng, la bàn và nghề in. Thế kỷ thứ III- IV, kĩ thuật làm giấy của Trung Quốc truyền qua nhiều nước trong đó có Việt Nam.Thế kỷ thứ IX, Tất Thắng phát minh ra kỹ thuật in ở Trung Quốc, và sau đó cũng truyền qua nhiều nước trong đó có Việt Nam.
Trên cơ sở tiếp thu kĩ thuật làm thủy tinh của người Ấn Độ, người Việt đã thổi được những bình bát bằng thủy tinh nhiều màu sắc, kiểu dáng. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn ảnh hưởng đến Việt Nam về kĩ thuật rèn và chế tạo đồ sắt.
Lịch pháp của Ấn Độ ảnh hưởng tới Chăm pa,đó là lịch Saka. Người Chăm pa đã chuyển lịch Saka sang Sakawi để phục vụ cho việc tiến hành các lễ hội dân gian, nghi lễ trong nông nghiệp, đặc biệt là ngày hành lễ tôn giáo.
Còn lịch pháp của Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam là âm lịch (âm- dương lịch). Một năm âm lịch có 12 tháng gồm 354 hay 355 ngày, tháng đủ có 30 hoặc 31 ngày, tháng thiếu 29 hoặc 28 ngày, cứ 19 năm có 7 năm nhuận, tháng âm lịch bắt đầu vào ngày sóc, tháng nhuần là tháng có ngày trung khí mà không có ngày tiết khí.
Ngoài ra, Việt Nam chịu ảnh hưởng trên một số lĩnh vực khác của người Trung Quốc. Người Việt đã tiếp thu một số lễ tết của người Trung Quốc như: Tết Nguyên đán, tết Hàn thực, tết Đoan Ngọ, tết Trung thu. Trên lĩnh vực y học,người Việt đã tiếp thu ngành Đông y học của Trung Quốc.
3.4.Mức độ ảnh hưởng
Phải khẳng định, thời gian và quá trình ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa ở Việt Nam lâu dài và liên tục hơn so với Ấn Độ. Nếu như sự hiện diện trực tiếp của người Ấn và các giá trị chủ yếu trong thời gian tồn tại của hai vương quốc Chăm Pa (TK II t.cn - XV) và Phù Nam (TK I - VI) thì thời gian văn hóa Trung Hoa được truyền bá và tạo ảnh hưởng đới với văn hóa Việt Nam từ thời Bắc thuộc cho đến hết thế kỉ XIX, thậm chí tới ngày nay. Cùng với quá trình Nam tiến của người Việt văn hóa Ấn và Hoa đã đụng đầu, đối kháng để giữ vững và gây thêm khu vực ảnh hưởng của mình, nhưng dân tộc Việt vốn ảnh hưởng sâu sắc các giá trị văn hóa Trung Hoa khi thống trị mảnh đất phương Nam đã góp phần làm cho các giá trị văn hóa Hán lan rộng ảnh hưởng và làm mờ dần dấu ấn Ấn Độ trong văn hóa của cư dân Chămpa. Mặt khác, phạm vi ảnh hưởng chủ yếu của văn hóa Ấn Độ chủ yếu khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, còn Trung Hoa chủ yếu là ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và càng về sau ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đã lan rộng ra khắp Việt Nam.
Vì vậy mà mức độ ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đến Việt Nam xét trong cả quá trình thì sâu đậm và toàn diện hơn Ấn Độ.
Điều này có thể lí giải như sau: trong lịch sử giao lưu văn hóa, cũng có khi có những ảnh hưởng văn hóa có thể bắt rễ phát triển và tồn tại lâu dài, nhưng cũng có nhiều ảnh hưởng chỉ là một thời gian, nhất thời, chậm bám rễ nảy mầm và dần bị mai một. Để lí giải cho điều này PGS. Nguyễn Văn Hồng trong bài viết Giao lưu văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản, Korea, Việt Nam trong tiến trình lịch sử đã viết: “Nội dung giá trị của văn hóa giao lưu đó có giá trị lâu dài không? Loại văn hóa đó có cần thiết và thích hợp với tâm lý dân tộc, chính trị, kinh tế xã hội trong quá trình phát triển không?”.
Như vậy, lĩnh vực và mức độ ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ - Trung Quốc đến Việt Nam khác nhau chủ yếu là do sự chọn lọc và cải biến các giá trị văn hóa bên ngoài của chủ thể tiếp nhận cho phù hợp với nhu cầu lịch sử - văn hóa của dân tộc mình. Bên cạnh đó còn có một số yếu tố chi phối như địa văn hóa, địa chính trị, địa kinh tế cũng tác động đến mức độ ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ - Trung Hoa đến Việt Nam. Khi xét trên những cơ sở đó thì Trung Quốc có những điểm thuận lợi hơn Ấn Độ vì vậy mà ảnh hưởng của các giá trị văn hóa Trung Quốc ở Việt Nam có tính liên tục, sâu sắc và rộng rãi hơn so với các yếu tố văn hóa Ấn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com