vận dụng tư tưởng hồ chí minh trong xây dung nhà nước của dan do dân, vì dân
Nhà nước phải thể hiện ý chí quyền lực của dân, mưu cầu hạnh phúc cho dân, phấn đấu đem lại lợi ích cho dân, thoả mãn những nhu cầu hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đó là một Nhà nước dân chủ và tiến bộ. Những lợi ích và nhu cầu đó lại phải được thực hiện một cách công bằng, dân chủ, văn minh, chính đáng, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa phát triển các cá nhân với mục tiêu phát triển xã hội. Đồng thời, lại phải chăm lo giải quyết những vấn đề bức xúc hàng ngày của dân tộc, của đất nước.
Quan điểm về quyền làm chủ đất nước và xã hội của nhân dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đề cập hết sức đầy đủ và sâu sắc. Đến nay, các quan điểm này của Người vẫn giữ nguyên giá trị và có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì vậy, vấn đề cốt tử là làm sao để nhân dân thực sự làm chủ vận mệnh của đất nước. Để quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm và thực thi trong cuộc sống, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, phương thức, cơ chế thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, phải xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), trong đó nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng Nhà nước pháp quyền và các tổ chức xã hội do chính họ lập ra và quản lý. Theo đó, nhân dân vừa là người cử ra chính quyền các cấp, vừa là người quản lý, kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động của bộ máy quyền lực đó.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ đất nước và xã hội của nhân dân, Đảng ta đã đúc kết thành cơ chế, chính sách quản lý, điều hành đất nước: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Cơ chế đó phát huy được tính tích cực, chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đáp ứng đòi hỏi của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Bước vào thời kỳ mới, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN, việc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân phải tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng và học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về quyền làm chủ đất nước và xã hội của nhân dân. Bởi, đây là nền tảng tư tưởng, lý luận quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền kiểu mới do nhân dân làm chủ.
Để tiếp tục quán triệt, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, cần nắm chắc, thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Trước hết, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân phải nắm vững mục tiêu là tôn trọng, bảo vệ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tất cả vì độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Điều 2 Hiến pháp 1992 khẳng định rõ: Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quan điểm trên càng có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng một Nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân - do nhân dân làm chủ, nhất là khi các thế lực thù địch đang lợi dụng chiêu bài “dân chủ” và “nhân quyền” cũng như các thủ đoạn khác để vu cáo, xuyên tạc chế độ dân chủ, chống phá cách mạng nước ta. Văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân”7. Tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền phải quán triệt sâu sắc quan điểm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Vấn đề là phải thống nhất nhận thức về mối quan hệ giữa toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân với quyền lực của Nhà nước. Xét về mặt chính trị - xã hội thì nhân dân là cội nguồn của quyền lực Nhà nước, là chủ thể quản lý đất nước. Quyền lực của Nhà nước pháp quyền chính là quyền lực do nhân dân làm chủ trao cho Nhà nước, thay mặt cho nhân dân quản lý xã hội. Xét về mặt quản lý thì Nhà nước là một tổ chức công quyền thực thi quyền lực. Dựa vào hệ thống pháp luật và bộ máy của mình, Nhà nước thực hiện việc điều chỉnh các quá trình xã hội theo ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, giữa quyền lực Nhà nước với quyền làm chủ của nhân dân là thống nhất, không có sự đối lập về mục tiêu và lợi ích. Pháp luật là ý chí của nhân dân lao động, thể hiện sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội. Những quyền tự do, dân chủ, nghĩa vụ của nhân dân được đưa lên thành luật, và Nhà nước chịu trách nhiệm trước nhân dân, bảo đảm và bảo vệ những quyền lợi, nghĩa vụ ấy của nhân dân. Như vậy, việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN thực hiện công việc quản lý đất nước bằng pháp luật, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, đòi hỏi Nhà nước phải tự đặt mình dưới pháp luật, tổ chức và hoạt động theo pháp luật. Đồng thời, phải nâng cao dân trí, động viên, giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân sử dụng quyền làm chủ, quyền lực của mình tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Hai là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để nhân dân thực sự thực hiện quyền làm chủ đất nước của mình. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải tìm ra và thực thi những cơ chế, hình thức dân chủ hữu hiệu để nhân dân thật sự quyết định những công việc trọng đại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, trước hết và trực tiếp ở cơ sở. Thực tiễn cuộc sống đã chỉ rõ, chừng nào và khi nào Nhà nước chưa tạo đủ điều kiện để nhân dân thực hiện phát huy quyền làm chủ của mình ở cơ sở, hoặc để xảy ra dân chủ cực đoan, dân chủ quá trớn, gây trở ngại cho hoạt động điều hành và quản lý của bộ máy chính quyền cơ sở, thì chừng đó quyền lực Nhà nước ở địa phương bị suy giảm, cản trở việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Trong quá trình phát huy dân chủ XHCN, để nhân dân thực sự thực hiện quyền lực và quyền làm chủ đất nước của mình, cần nắm vững bản chất và nội dung của vấn đề dân chủ. Dân chủ ở nước ta là dân chủ XHCN, là nền dân chủ của khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; quyền lợi đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ; dân chủ được cụ thể hóa thành pháp luật, dân chủ trong khuôn khổ pháp luật; khắc phục tình trạng vô kỷ luật, dân chủ cực đoan, lợi dụng dân chủ để phá hoại chế độ XHCN. Đồng thời, tuyệt đối không mơ hồ trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với các giá trị văn hoá dân chủ XHCN. Cần phải kiên quyết chống lại những luận điệu xuyên tạc, mị dân, núp dưới chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” tư sản để xuyên tạc những giá trị dân chủ XHCN mà Đảng và nhân dân ta đã xây dựng, vun đắp trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan quyền lực của tổ chức nhà nước về phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn để họ thực sự là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, toàn tâm, toàn ý phục vụ lợi ích của nhân dân. Đây là nhân tố “cốt lõi” bảo đảm sự thành công của nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì nhân dân. Theo đó, cùng với việc nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức nhà nước có đủ tri thức về chính trị học, xã hội học, về hệ thống chính trị, pháp luật, quản lý hành chính nhà nước, về tổ chức lao động khoa học và tâm lý quản lý... Thực hiện tiêu chuẩn hóa đội ngũ công chức theo các ngạch, bậc; tổ chức tốt việc đào tạo và thi tuyển, sát hạch, sàng lọc, bổ nhiệm theo chức danh.
Bốn là, tăng cường vai trò lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng XHCN thời kỳ mới. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua khẳng định và được xác định tại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1992. Thực tiễn đã chỉ rõ: sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là điều kiện để bảo đảm Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, bảo đảm cho hệ thống chính trị có đủ khả năng đưa đất nước ta từng bước vượt qua nguy cơ, thách thức, vững vàng đi theo con đường cách mạng XHCN. Để nhân dân thực sự phát huy được quyền làm chủ thì vấn đề cốt tử hiện nay phải ra sức xây dựng, củng cố hệ thống chính trị một cách đồng bộ; đặc biệt là đổi mới và chỉnh đốn Đảng, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và xã hội, đồng thời xây dựng kiện toàn bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh, trong sạch, có hiệu lực, hiệu quả cao.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước kiểu mới, Nhà nước của dân, do dân và vì dân vẫn mãi mãi có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn sâu sắc. Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta nhất định thực hiện thắng lợi tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, phấn đấu xây dựng một Nhà nước Việt Nam XHCN là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com