2.
Tôi vẫn luôn tìm kiếm định nghĩa thế nào là một cuốn sách hay, những cuộc tranh luận gặp gỡ trong tâm tưởng giữa độc giả và tác giả diễn ra thế nào. Bảy năm sống trong môi trường văn học, đọc và đi qua rất nhiều những nhận định văn học, tôi vẫn không thực sự chiêm nghiệm được cái khoảnh khắc mà ở đó tôi vỡ ra rằng đây là sự đồng điệu mà họ nói tới, tiếng nói chung mà họ nhắc tới, là cuộc tranh luận có khả năng thúc đẩy độc giả nói về nó, viết nên nó, để từ đó suối nguồn cảm hứng của văn học tuôn trào bất tận.
Bảy năm với văn học, nhưng đến tận hôm nay, khi đã bước ra khỏi những năm tháng theo đuổi ngôn từ, tôi mới thấu hiểu được những điều tôi từng cố công tìm kiếm.
Khi mở cuốn "Chiến tranh không có một khuôn mặt của phụ nữ", tôi đã không mong chờ nhiều đến thế. Khi đọc những dòng đầu tiên tôi chưa thấy thuyết phục, vì ở Việt Nam, chúng ta cũng có những tượng đài nữ anh hùng. Nhưng khi đọc đến những dòng dưới đây, tôi chợt thấy một cuộc tranh luận đang dần hiện ra trong tâm tưởng mình.
"Bởi vì đàn ông, như người ta vẫn nói, sinh ra là để tham gia chiến tranh và nói về chiến tranh [...] tôi có thể khẳng định như thế là sai. Thậm chí là một sai lầm lớn. Còn có một cuộc chiến tranh khác mà chúng ta không biết.
Tôi muốn viết lịch sử của cuộc chiến ấy... Một lịch sử của những người phụ nữ."
Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi từng được dạy rằng chiến tranh là thời đại của đàn ông, họ bước ra từ cuộc chiến với hào quang của những anh hùng, họ trở thành những tượng đài bất tử. Nhưng phụ nữ mới là những trụ cột của thời hậu chiến, họ bảo tồn những giá trị tinh thần và xây dựng lại một thế giới không có chiến tranh. Những người đàn ông bước ra từ khói lửa, họ đã sống một cuộc đời khác, một thế giới khác, phần đời đó đã khiến họ trở nên xa lạ với thời hậu chiến, với chính quê hương, gia đình và thế giới xung quanh mình. (Một trong những tác phẩm phản ánh rõ nhất điều ấy ở Việt Nam là truyện ngắn "Tướng về hưu" của Nguyễn Huy Tưởng.)
Luôn có một phần bị mất đi, nhưng tôi chưa từng tự hỏi, những người phụ nữ đã ở đâu trong chiến tranh. Rõ ràng là họ có ra chiến trường, họ có ở tiền tuyến, nhưng tất cả những người phụ nữ ấy, họ đã ở đâu để rồi đến tận khi chiến tranh qua đi, bỏ lại những hoang tàn đổ nát, chúng ta mới thấy được họ, trong bóng dáng của những "kế toán viên, nhân viên văn phòng thí nghiệm, hướng dẫn viên du lịch, giáo viên...". Và khi đọc ngược lại những trang trước, tôi mới hiểu tại sao những câu chuyện ít ỏi về những nữ anh hùng lại chưa bao giờ là đủ, chúng thiếu tính trung thực.
"Chúng ta là tù binh của những hình ảnh "đàn ông" và xúc cảm "đàn ông" về chiến tranh. Những từ "đàn ông". Phụ nữ vẫn náu mình trong im lặng, nếu thảng hoặc họ có quyết định nói, thì họ cũng không nói về cuộc chiến tranh của họ, mà về chiến tranh của những người khác. Họ sử dụng một ngôn ngữ không phải ngôn ngữ của chính họ. Tuân theo mẫu hình nam giới bất biến. Và chỉ ở trong chốn riêng tư nhà họ, [...] họ mới gợi lên trước mặt ta một cuộc chiến tranh, những câu chuyện khiến tim ta lịm đi... Tâm hồn ta bỗng lặng im và chăm chú: không còn là những sự kiện xa lạ và đã qua, mà là một môn khoa học và là một sự thấu hiểu con người mà ta mãi còn cần."
Tôi nhận ra rằng chẳng phải bỗng nhiên mà những người phụ nữ có khả năng tái tạo thế giới hòa bình. Họ đã kinh qua thế giới chiến tranh, tính phi nhân loại của nó và sự hỗn độn phi lí của bom đạn, nhưng họ ghém những thấu suốt đó rất kĩ, bởi để có được nó, họ đã phải trả giá bằng một phần đời mà họ buộc phải tách nó hẳn khỏi cuộc đời hiện tại của mình. Họ buộc phải rũ bỏ hào quang của một thời không tưởng để trở lại với đời sống thường nhật, để trở lại làm những người phụ nữ bình thường.
Cũng là khi ấy, tôi nhận ra thế nào là một cuốn sách hay, tôi nhận ra cuộc đàm thoại giữa độc giả và tác giả mà tôi tìm kiếm bấy lâu. Svetlana đã nhẹ nhàng đặt những bằng chứng và lí lẽ của bà lên những tranh luận của tôi, để chúng chuyển hóa lẫn nhau và khiến tôi thấy được những kẽ nứt sâu hoắm, khoan xiên qua sự thông thái và thái độ tích cực tìm hiểu vạn vật của mình.
Một cuốn sách hay có khả năng khơi dậy sự tò mò, những suy tưởng khiến ta phải trăn trở, lật đi giở lại những trang sách, soi tỏ mình và bù đắp những khiếm khuyết nhận thức trước đó. Và có lẽ đó cũng chính là mục đích của mọi tác gia khi đặt bút viết. Viết là truyền tải những tri thức trong vỏ bọc vật chất của nó, là gieo mầm cho những suy tư, sáng tạo để đẩy con người tiến xa hơn nữa trong đời sống tinh thần và trong những hiểu biết về loài người. Viết không đơn thuần là sự chia sẻ một chiều từ người cầm bút, mà còn là khởi đầu của phương pháp giao tiếp phức tạp nhất của loài người khi mà một tác giả có thể cùng lúc đối thoại với nhiều độc giả và người của thời đại này, ở nơi này có thể đối thoại với người sống cách họ hàng thế kỉ, ở những nơi xa xôi khác. Bởi thế mà chúng ta mới có quan niệm rằng người cầm bút cần có trách nhiệm với ngôn từ của mình, và cũng vì thế mà có bao nhiêu kẻ đã phải trăn trở với câu chữ, phải chịu đắn đo giày vò, và cũng đã có bao người đã bất lực buông xuôi.
Viết là một trải nghiệm kì diệu. Mỗi khi viết, tôi đều có cảm tưởng như xung quanh tôi là những lời đồng vọng, sự cảm thông và tình người. Nên tôi viết tiếp, viết để bù đắp những đau đớn, cô đơn trong tâm khảm và để thấy những người như tôi, để những người như tôi tìm thấy tiếng lòng mình.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com