Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

2. Mảnh trời khác ở quê hương

Một buổi tối năm tôi mười hai tuổi, giữa những câu chuyện rôm rả của mẹ, của chị trong bữa ăn đoàn viên, bố chợt hỏi tôi bằng giọng trầm trầm, "Khang, con có biết thằng bé nói giọng Nghệ ở trên xóm trên không?"

Bố tôi vài năm qua đi công tác xa, chỉ thỉnh thoảng ghé về nhà. Tôi thì chiều nào đi học về chẳng phụ chị bán hàng hay la cà chơi khắp làng khắp xóm. Nên chuyện ông biết một thằng bé ở xóm trên mà tôi lại không biết đối với tôi hơi ngược đời. Tôi buông đũa, lắc đầu, "Con không biết ạ. Bố thấy nó lúc nào vậy?"

"Chắc con chưa gặp nó bao giờ," bố tôi trầm ngâm. "Nó với bố nó mới chuyển đến đây, hồi chiều lúc bố về thấy họ đang dỡ đồ từ trên xe máy xuống. Thằng bé con đứng ngoài trông đồ còn bố nó ở trong nhà. Nhà cũ của con gái bà Nhạn ấy con."

"Họ từ Nghệ An chuyển ra hả bố?"

"Bố không rõ. Bố hỏi chuyện thằng bé vài câu thì thấy nó nói giọng Nghệ. Nhưng nó ậm ừ, cảm giác không muốn kể nhiều nên bố thôi không hỏi. Mà," nói đến đây bố tôi ngẩng lên nhìn tôi, "nó cũng tầm tuổi con đấy. Hoặc hơn một, hai tuổi là cùng. Có khi hai đứa làm bạn được với nhau."

Có khi chúng tôi có duyên làm bạn với nhau thật. Vì tôi chưa kịp tìm đến nhân vật trong câu chuyện của bố thì anh ta đã tìm đến tôi trước.

Chẳng hiểu sao tôi biết rằng anh chính là thằng bé mà bố kể, ngay khi nhìn thấy anh bước vào trong cửa tiệm tạp hóa của chị tôi vào buổi chiều hôm ấy. Một phần vì trông anh lạ hoắc. Phần khác, có lẽ đến từ dáng bộ, hay cử chỉ, hay ánh mắt, hay đặc điểm nào đó mà tiềm thức tôi nhận ra được nhưng ý thức thì không cách nào định hình cụ thể. Và khi anh cất tiếng nói thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa.

"Em, nhà em có bút chì 2B không?"

"Để em xem đã... hình như vừa hết rồi anh ạ. Chị em đang đi lấy hàng, tối nay hoặc sáng mai anh quay lại được không?" Tôi gãi đầu, lỏn lẻn. Anh chỉ mỉm cười và rời đi.

Cuộc nói chuyện đầu tiên của chúng tôi đã diễn ra vỏn vẹn như thế. Đến tận khi anh đã khuất bóng ở cuối con đường rồi, tôi vẫn còn ngơ ngẩn. Anh lớn hơn, cũng dạn dĩ hơn những gì tôi tưởng tượng về anh qua lời kể của bố. Nhưng dù gì đi nữa, với một đứa trẻ chưa từng rời khỏi nơi mình sinh ra như tôi, anh như thể bước ra từ một giấc mơ. Hay một kí ức xa xôi mà rất đỗi thân thương nào đó.

Suốt một tháng trời, cứ ba ngày Tuấn Tài lại đến nhà tôi mua chì 2B một lần. Tôi không hiểu vì sao anh cứ mua lẻ từng cây bút chứ không mua luôn cả hộp cho tiện - thường thì các loại bút chị tôi vừa bán sỉ vừa bán lẻ - và cũng chẳng cắt nghĩa nổi lý do gì khiến anh dùng nhiều bút chì đến thế (cứ như thể anh vừa học vừa gặm bút chì như tôi gặm bỏng gạo làm vương vãi vụn bỏng lên trang vở vậy?) nhưng anh cứ đến mua ở tiệm nhà tôi là tôi vui rồi. Nói theo kiểu cuốn Hoàng tử bé mà chị tôi bắt tôi đọc đi đọc lại vào mùa hè năm đó: Nếu cậu đến lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ tớ đã bắt đầu cảm thấy hạnh phúc rồi. Tôi không đến mức hạnh phúc mỗi lần gặp được anh, nhưng tôi sẽ luôn ngóng anh vào các buổi chiều, trong khi chờ anh xuất hiện.

Một lần Tuấn Tài đến mua bút đúng lúc tôi đang chăm chú cắm đầu vào cuốn Hoàng tử bé. Anh gọi mấy lần tôi mới nghe thủng và tiếc nuối buông nó xuống. Nhưng anh không trách móc gì cả, chỉ mỉm cười chỉ tay vào quyển sách của Antoine de Saint-Exupéry và hỏi, "Sách hay không em?"

"Cũng hay ạ." Tôi trả lời anh cho có lệ. Ngày ấy tôi chưa đọc đủ nhiều để có thể đưa ra đánh giá khách quan về những cuốn sách. Cuốn nào tôi đọc trôi thì là hay. Cuốn nào tôi không đọc nổi thì dở ẹc. Thằng gù Nhà thờ Đức Bà, Đồi gió hú, Trăm năm cô đơn, Những vì sao, v.v. đối với tôi đều dở ẹc. Tôi không hiểu vì sao chị tôi cứ say sưa đọc đi đọc lại chúng, còn bắt tôi đọc cùng nữa. Với tôi thứ kinh điển nhất trên đời là Doraemon.

"Anh cũng thích cuốn này lắm đó." Đôi mắt Tuấn Tài trở nên long lanh lạ, như thể ánh nắng sau lưng bằng cách nào đó đã tìm được đường vào trong mắt anh. "Nếu cậu đến lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ tớ đã bắt đầu cảm thấy hạnh phúc rồi." Anh trích dẫn đúng cái câu tôi vẫn thường nghĩ đến mỗi lần gặp anh, làm tôi trong thoáng chốc tưởng rằng anh đã đọc được hết thảy suy nghĩ của tôi vậy. Rồi, có lẽ thấy mặt tôi nghệt ra, anh cười xòa vỗ vai tôi và bảo, "Nhà anh có một cái tủ sách bé bé. Không nhiều sách như thư viện, nhưng có đủ những cuốn mà anh thích được anh mang từ trong quê ra. Em thích thì hôm nào qua nhà anh chơi."

Và thế là bắt đầu một mùa hè tôi ăn dầm ở dề nhà Tuấn Tài. Mặc dù thú thật, trong những lần qua đó, số cuốn sách tôi đọc được chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhà cũ của con gái bà Nhạn, cũng là nơi bố con Tuấn Tài đang ở lúc bấy giờ, là một ngôi nhà nhỏ nhắn mà xinh đẹp vô cùng. Hai bên cổng trồng hoa tầm xuân, xuân sang hoa phủ hồng cánh cổng rào, những tháng còn lại trong năm thì lá vẫn xanh một màu dịu mát. Lối vào quanh co dẫn qua một khoảnh vườn nhỏ, có hồng có bưởi, có ổi có khế, những loài cây giản dị và quen thuộc với tôi từ thuở còn thơ. Điều tôi thích nhất ở ngôi nhà ấy là khoảng hiên trước hướng về phía nam, buổi sáng sớm có nắng nghiêng nghiêng rọi vào, soi qua tán cây đổ thành từng vệt lốm đốm lên lớp gạch men trắng, lên những mảng rêu xanh trên tường, tất cả hòa hợp thành một thứ ký ức mà mãi sau này sự bình yên của nó vẫn in dấu sâu sắc trong lòng tôi.

Nơi hàng hiên ấy, tôi vẫn thường quan sát Tuấn Tài ngồi học bài. Qua nhà anh vài lần mới biết, ở nhà thường chỉ có một mình anh. Bố anh đi làm suốt ngày, còn anh thì cặm cụi học bài chuẩn bị cho năm học mới. Tôi thấy bảo năm sau anh định thi vào trường chuyên Nguyễn Huệ, nên học hành chăm chỉ lắm, dùng bao nhiêu bút chì cũng vì thế. Vậy là, những lần sang nhà anh, khung cảnh tôi hay được chứng kiến nhất là như thế này: anh ngồi trên chiếc bàn kê ngoài hiên, dưới bóng mát của tán khế, cặm cụi viết bài, giải toán, trong khi tôi tha thẩn chơi, hết lang thang trong vườn nhà anh lại ra ngó xem anh đang học gì mà vở kín đặc chữ. Tôi không hiểu nổi những gì anh học, ấy vậy mà chỉ cần nhìn cuốn vở của anh cũng có thể thấy cách anh suy nghĩ, trình bày mọi thứ khoa học, trật tự ra sao.

Nhưng Tuấn Tài hoàn toàn không phải kiểu người khô khan hay cứng ngắc suốt ngày chỉ biết giải phương trình. Anh cũng lãng mạn, nhiều là đằng khác. Cái giá sách nho nhỏ mà vô cùng phong phú của anh là một ví dụ. Anh lại còn rất thích đọc thơ nữa.

Một lần, thấy tôi ra ngó nghiêng vào vở của anh, anh dừng bút, ngẩng lên mỉm cười hỏi, "Em biết Quang Dũng từng viết về người Sơn Tây như nào không?"

Tôi còn chẳng biết Quang Dũng là ai, ông hay bà (chắc là ông nhỉ, tên Dũng giống anh Dũng bộ đội mà...?), thì làm sao mà biết những điều người đó viết, nên lắc đầu. Tuấn Tài chẳng cần nhìn sách, đọc luôn cho tôi bốn câu thơ:

Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương? (*)

Những hình ảnh trong bốn câu thơ ấy, với đứa trẻ như tôi thì không hiểu được. Thế nào là vừng trán vương trời quê hương, thế nào là mắt dìu dịu buồn Tây Phương? Nhưng vẻ đẹp của những câu từ vẫn khiến tôi ngơ ngẩn. Và, giọng Nghệ An của Tuấn Tài dùng để ngâm nga bốn câu ấy, lại phù hợp đến lạ.

Thấy tôi không nói gì, anh lại đọc thêm một đoạn nữa:

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ (*)

Chúng tôi chẳng hẹn trước mà cùng im lặng hồi lâu. Cuối cùng, Tuấn Tài lại là người lên tiếng, "Em có phải người Sơn Tây không?"

"Dạ có..." Nhưng tôi không biết đến bài thơ mà Tuấn Tài đọc, cũng như những xúc cảm ẩn giấu trong đó. Bỗng tôi thấy mình thật vô tâm biết chừng nào.

"Đến một lúc nào đó," Tuấn Tài chậm rãi kết luận, "khi em lớn lên và rời xa quê hương, chỉ cần nghe hai chữ Sơn Tây vang lên ở một nơi nào đó cũng có thể khiến trái tim em thắt lại."

Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhìn đôi mắt u uẩn của anh và chợt hiểu. Anh đang day lại nỗi buồn viễn xứ khôn khuây trong tim mình. Bởi vì dẫu bầu trời Sơn Tây có trong trẻo cỡ nào, ở nơi đây anh cũng chẳng thể tìm được mảnh trời của quê hương mình.

-----

(*) Quang Dũng, "Mắt người Sơn Tây". Vô cùng cảm ơn wirehikalaus vì đã giới thiệu cho tớ bài thơ này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com