Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Xác lập tâm thế liên văn hoá tích cực để thúc đẩy giao lưu liên văn hoá và tiến bộ chung của các nền

Xác lập tâm thế liên văn hoá tích cực để thúc đẩy giao lưu liên văn hoá và tiến bộ chung của các nền văn minh thế giới.

Tâm thế liên văn hoá là một tâm thế để con người ứng xử với mối quan hệ giữa "văn hoá bản địa" và "văn hoá bên ngoài" trong hoạt động thực tiễn liên văn hoá. Tâm thế liên văn hoá hợp lý phải tuân thủ nguyên tắc đạo đức của giao lưu liên văn hoá sao cho nó thành công và có hiệu quả. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và thách thức đối với nền văn hoá đa nguyên, việc xác lập tâm thế liên văn hoá hợp lý là điều đặc biệt quan trọng và những nghiên cứu về đạo đức học quốc tế có liên quan đến giao lưu liên văn hoá cần được đào sâu hơn nữa. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định ba nguyên tắc đạo đức cơ bản của sự giao lưu:

Thứ nhất là sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đang sống trong một xã hội giao lưu toàn cầu hoá và trong bối cảnh ràng buộc lẫn nhau, đang hoạt động trong điều kiện của những sự phát triển và những nền văn hoá đa dạng cũng như trong sự giao lưu giữa các truyền thống văn hoá khác nhau. Sự tôn trọng lẫn nhau đối với các truyền thống văn hoá dân tộc là tiền đề đầu tiên của sự giao lưu liên văn hoá. Các nền văn hoá đa dạng đều bình đẳng với nhau, dù ở đất nước nào, lớn hay nhỏ; đều phải tôn trọng truyền thống văn hoá của bên kia và thừa nhận vai trò quan trọng của nó trong việc duy trì bản sắc của nền văn hoá dân tộc. Chỉ có thừa nhận tâm thế tôn trọng lẫn nhau thì mới có thể đạt đến sự thấu hiểu liên văn hoá lẫn nhau. Điều này có thể đưa đến sự chung sống hoà bình giữa các nền văn minh thế giới thay vì xung đột, đối thoại thay vì đối kháng, giao lưu hài hoà thay vì ghê sợ và cô lập và từ đó thực hiện được sự "hài hoà trong khác biệt" như là tính liên văn hoá tích cực.

Thứ hai là sự khoan dung lẫn nhau. Bên cạnh thái độ tôn trọng nền văn hoá bên ngoài, giao lưu liên văn hoá tích cực còn đòi hỏi một tâm thế khoan dung đối với nền văn hoá ấy. Khoan dung là yêu cầu nguyên thuỷ của giao lưu liên văn hoá, là nhân tố mang tính cấu thành và biểu hiện tính liên văn hóa tích cực. Nó biểu thị một sự thừa nhận hai chiều và chấp nhận khác biệt của bên kia. Khoan dung đối với cái "khác" cũng là khoan dung đối với cái "ngã". Điều này còn có nghĩa là không được áp đặt bất cứ cái gì mà cái "khác" không thể chấp nhận. Đây chính là nguyên tắc vàng như lời của Khổng Tử: "Điều không muốn xảy ra với mình thì cũng đừng làm với người khác". Khoan dung lẫn nhau thay vì ghê sợ có thể đem lại cơ sở cho giao lưu và thấu hiểu lẫn nhau, có thể đem đến đối thoại bình đẳng và lành mạnh giữa các nền văn hoá và văn minh khác nhau thay vì đối kháng hay xung đột.

Thứ ba là sự cộng tác với nhau. Hình thức cộng tác này không chỉ có nghĩa là cùng xác định những ứng xử trong giao lưu với nhau mà còn biểu thị sự tương tác hài hoà, chủ động và sự thẩm thấu giữa "văn hóa bản địa" với "văn hóa bên ngoài", sự đồng quy của hai tầm nhìn, sự nghiên cứu và sử dụng tham chiếu lẫn nhau, sự hấp thụ những nhân tố có ích từ đối tác để làm giàu và phát triển nền văn hoá của chính mình vì tiến bộ chung của các nền văn minh khác nhau. Tất nhiên, sự hấp thụ văn hoá bên ngoài như thế không phải là sự chuyển giao hay cấy ghép máy móc bởi, nếu như vậy, nó sẽ gây nên sự cứng nhắc và đoạn tuyệt với văn hoá bản địa. Cả hai phía đều phải chuyển tải những nhân tố hợp lý, có ích của bên kia vào bối cảnh của mình, sửa đổi và phát huy chúng, làm cho chúng trở nên hữu ích đối với sự phát triển chung, cách tân nền văn hoá của mình vá thực hiện một cách thực sự tính đồng nhất và tính liên văn hoá tích cực của các nền văn minh đa dạng trên thế giới.

Triết học là hạt nhân lý luận của văn hoá, là linh hồn sống của nền văn minh và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình của các nền văn minh thế giới. Trong thời đại toàn cầu hoá, vai trò quan trọng của triết học, với tính cách là nhiệm vụ lịch sử của nó, biểu hiện ở hai phương diện có liên quan với nhau: thứ nhất, đẩy mạnh những nghiên cứu triết học đối với giao lưu liên văn hoá; thứ hai, thúc đẩy giao lưu hợp lý giữa các truyền thống triết học đa dạng. Chúng ta, những nhà triết học hôm nay, đảm nhận trọng trách thừa kế và phát triển các nền văn minh thế giới, thúc đẩy tiến bộ chung của các nền văn minh ấy bằng giao lưu trên văn hoá.

Giới triết học Trung Quốc, trong đó có Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, đã và đang tập trung những nghiên cứu liên văn hoá đối với những truyền thống triết học khác nhau trên thế giới, mở ra nhiều hình thức trao đổi học thuật với các triết gia của nhiều nước, bao gồm cả các nước châu Á và phương Tây. Việc giới thiệu rộng rãi triết học Trung Quốc và việc nghiên cứu truyền thống triết học phương Tây trong hai thập kỷ vừa qua đã vượt xa so với quá khứ. Chúng tôi đề cao tầm quan trọng của cả việc nắm bắt trọn vẹn quá trình tiến hoá từ triết học Hy Lạp cổ đại đến triết học châu Âu và triết học Mỹ hiện đại lẫn việc theo đuổi những nghiên cứu về các khuynh hướng mới và những đổi mới của triết học phương Tây đương đại. Các học giả trong và ngoài Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, đã cùng nhau viết và xuất bản công trình Lịch sử triết học phương Tây gồm nhiều tập (8 tập, 11 quyển với tổng số 6 triệu ký tự Trung Quốc) mang những đặc trưng nghiên cứu của riêng họ. Công trình này trình bày sự hiểu biết và cách lý giải đối với toàn bộ triết học phương Tây trong tầm nhìn học thuật của các học giả Trung Quốc. Một số học giả Trung Quốc đang tiến hành những nghiên cứu về lịch sử giao lưu và những nghiên cứu so sánh giữa triết học Trung Quốc với triết học phương Tây cũng như giữa triết học truyền thống của Trung Quốc với các truyền thống triết học của các nước phương Đông khác, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và triết học Ả Rập - Hồi giáo. Những nghiên cứu và trao đổi như vậy cho phép các truyền thống triết học khác nhau học hỏi lẫn nhau những điểm mạnh và bù đắp cho nhau những điểm yếu; cho phép các học giả Trung Quốc tiếp thu những thành quả tốt đẹp từ những nền văn minh bên ngoài, trong đó có những học thuyết xem xét quá trình của các nền văn minh thế giới, ở cả triết học phương Đông và phương Tây đương đại.

Người dịch: ThS. Khuất Duy Dũng

Viện Triết học, Viện Khoa Học xã hội Việt Nam)

___________________________

(1) The Multicultural Planet, ed. By Ervin Laszlo, p.232, Chinese version, Beijing: Social Sciences Literature Publishing House, 2001 [Ervin Laszlo (chủ biên), Hành tinh đa văn hóa, bản tiếng Trung. Nxb Văn học Khoa học xã hội, Bắc Kinh, 2001, tr.232].

(2) The Doctrine of the Mean, Chapter 1 (Học thuyết Trung Dung, chương 1).

(3) Plato, Charmides 164D - 165B.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com

Tags: